Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

THÀNH PHỐ TUỔI THƠ TÔI tác giả LÊ VĨNH TÀI - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột


Chuyên mục Đất và Người Đắk Lắk


1.
Tôi sinh ra ở Ban Mê Thuột, thức hay ngủ gì thì sông suối cũng rì rào ngay bên mình. Quê tôi miên man núi và rừng, xanh um một màu lá, chói chang một trời nắng bụi, lầy lội những trận mưa vào mùa. Từ thị xã đến làng quê, nhà cửa cũng theo thời gian mà ngả màu cùng đất đỏ, con người cũng phai màu trong đất đỏ, tử sinh cùng một màu đất đỏ. Màu đỏ của vùng đất như cái bánh sô-cô-la tuổi thơ, ngọt ngào cả một kiếp người.
Thị xã Ban Mê Thuột hình thành dọc theo con suối Tam. Phố núi trong tôi chính là những con suối của tuổi thơ. Khoan hãy nói về những tên người tên đất, ngay tên của những con suối thôi mà cũng đã nhầm lẫn những phận người. Nước suối trôi đi, nhưng những kỷ niệm với con suối thì đọng lại trong tuổi thơ nghèo khó. Ban Mê Thuột có bao nhiêu con suối, mà một thời tiểu học Nguyễn Công Trứ bao nhiêu thế hệ học trò đều nhúng chân xuống hoặc lội qua bắt cá lòng-tong.
Bài viết này xin bắt đầu bằng một con suối tại Ban Mê Thuột, mà thế hệ chúng tôi đã vô tình gọi sai tên là suối “BU-RI”, thay vì “MAURY” (tạm đọc là MU-RI), cái tên gọi mà sau này tôi mới biết nó đã có từ thập niên 1930.
Buri hay Maury?
Bắt đầu từ một con suối, như là một dẫn chứng về những nhầm lẫn khi lớp hậu sinh chúng tôi lớn lên và gọi tên cho vùng đất này. Cách gọi sai này đã góp phần làm biến mất một phần lịch sử của vùng đất. Không dám nhắc nhớ, chỉ là cái tên của một con suối nhỏ trong lòng thị xã Ban Mê Thuột, nay “xin gọi đúng tên người”. Vì bà Hồ Thị Thơm, vợ ông Maury, là chị gái của bà Ba-Lô (mẹ của nhạc sĩ Phan Ni Tấn), lại ở ngay trên đường Tôn Thất Thuyết, gần sát nhà tôi. (Một người em gái khác của bà, là bà chủ của quán cà phê Bâng Khuâng, giờ vẫn còn trên đường Phan Bội Châu.)
Bà Hồ Thị Thơm là ai?
Giống như Thác Nhà Đèn, suối bà Hoàng, suối Xanh… suối Mu-ri cũng có chỗ sâu ngập đầu. Những đoạn uốn lượn quanh hồ Piscine và đền ông Cảo trước khi chảy ra cầu Trắng, mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, ngầu đục. Nhưng dù mưa hay nắng, con suối này vẫn ít khi vắng mặt lũ trẻ chúng tôi. Khi tôi học tiểu học, khu vực này chỉ toàn người Tàu. Con suối Maury ngang qua đây đổi tên thành suối Tàu, những người Tàu-Nùng nấu rượu thơm lừng cả con suối và trồng bắp cải cung cấp cho cả thị xã, mà sau này tôi gặp lại trong thơ “cái người Tàu kỳ lạ / ngồi dầm bắp cải giữa đêm khuya…”
Vì sao Maury?
Ban Mê Thuột thành “đại lý” (thuộc Phú Yên 1904, được vẽ bản đồ 1905), nhưng đến năm 1923 tỉnh Daklak (người Pháp gọi là Darlac) mới được thành lập. Viên Công sứ đầu tiên của tỉnh là Sabatier. Ngay sau khi nhậm chức, viên Công sứ này đã có ý đồ “làm vua một cõi” nên cấm không cho người Kinh lên lập nghiệp, mặt khác ngăn các nhà tư bản Pháp lên lập đồn điền. Cho đến năm 1930, sau khi thuyên chuyển viên công sứ Sabatier đi nơi khác, các nhà tư bản Pháp mới lên Ban Mê Thuột khai thác đồn điền cà phê và trồng cây cao su. Thời kỳ này, người Kinh muốn lên lập nghiệp đều gặp nhiều khó khăn, trừ những ai đi lính như ba tôi.
Ngày nay, Nông trường cà phê Thắng Lợi đường đi Phước An, đồn điền cà phê bạt ngàn dọc hai bên đường, xưa là của ông Roger, sau này bán lại cho ông bà chủ tiệm sách Tia Sáng (giờ người cháu là anh Chánh, vẫn còn giữ được cái tên, tiệm “tạp hóa Tia Sáng” nhỏ bé 4m mặt tiền lặng lẽ trên đường Lê Hồng Phong). Còn ông Nicolas lại khai thác đồn điền gần suối ông Phán Lạc (tức tỉnh trưởng người Thượng tên là Y Say thuở đó) nay gần hồ Piscine dưới khu Trần Hưng Đạo. Cái đền Trần ở Buôn Hồ thành di tích mà đền Trần ở đây chỉ được những người dân (cả người Việt và người Tàu) gọi theo tên một người đàn ông (ông Cảo), lặng lẽ vô danh.
Riêng ông Jean Maury, sau khi khẩn hoang ở Buôn Tur, thì về ở đầu dốc cổng số 1 (khu Thăng Long bây giờ), ông cho cất một dinh thự bề thế (kiểu nhà sàn bằng gỗ, hai đầu nhà đều có cầu thang đi lên). Ông kinh doanh nhà hàng, mở phòng ngủ, phát triển đồn điền cà phê và trại chăn nuôi gia súc. Các cơ sở này đều mang cùng một tên Maury. Trong vùng đất ông Maury khai phá, phía dưới thung lũng chính là con suối Tàu đang vùng vẫy để ra cầu Trắng, những người Thượng làm công cho ông đã lấy tên ông đặt tên cho con suối, tức là suối Maury ngày nay mà chúng tôi đang gọi nhầm là suối Buri.
Năm 1936, ông Hồ Tống Hàm từ Huế lên Ban Mê Thuột làm bồi bếp cho nhà hàng Maury. Sau đó ông trở về Huế chịu tang ông anh Hồ Tống Huy, quan thất phẩm dưới triều vua Bảo Đại, bị bệnh qua đời. Lúc trở lại Ban Mê Thuột ông dẫn theo cháu gái Hồ Thị Thơm lên làm ăn sinh sống, sau này giới thiệu người cháu cho ông Maury. Năm 1940 họ trở thành vợ chồng sanh được 3 trai, 1 gái. Từ năm 1955, ba người con trai lần lượt sang Pháp ăn học và sinh sống bên đó cho tới ngày nay.
Năm 1945, thời thế thay đổi, ông Jean Maury trở về cố quốc, nhưng vẫn đi về giữa hai nước. Năm 59 – 60, ông bỏ đồn điền ở Buôn Tur vì tình tình an ninh. Sau Noel 1959 ông Maury bị tai biến, ngồi xe lăn trở về Pháp cho tới ngày ông qua đời. Tất cả sản nghiệp của ông đều giao lại cho ông Hồ Tống Hàm nhưng ông này từ chối vì bận khai thác nhà thầu thực phẩm ở Pleiku nên ông bà Võ Ngọc Huấn tiếp nhận. Ông bà Huấn cũng chính là người chủ lô đất tại vị trí khách sạn Sài Gòn – Ban Mê bây giờ. Trước 1975, ông bà Huấn đã bán một nửa cho tiệm vàng Thái Long xây khách sạn Anh Đào, còn một nửa vẫn là biệt thự của ông bà. Cái biệt thự kiểu Pháp có hai cầu thang hai bên dắt lên một cái sảnh, rồi mới vào trong nhà. Nó đã biến mất khi Khách Sạn Thắng Lợi (tên sau này của khách sạn Anh Đào) dời về Km5, nhường chỗ cho khách sạn bốn sao Sài Gòn – Ban Mê. Cái biệt thự mà hình như một thời giới kiến trúc sư Daklak tìm lại và tiếc nuối vì vẻ đẹp của nó. (Cái thứ hai song sinh với nó nằm sau Nhà thờ Quân Đội, khuôn viên Tỉnh ủy bây giờ, cũng đã mất.)
Ngày 01-09-1965, ông Jean Maury qua đời tại nguyên quán Talant, gần Dijon, nước Pháp. Ông Jean Maury tuy qua đời đã gần 55 năm nay, nhưng suối Maury muôn đời vẫn còn đó, vẫn âm thầm chảy qua thị xã và chảy mãi trong lòng những ai từng sống chết một thời với thị xã mang biệt danh: Bụi Mù Trời, Buồn Muôn Thuở. Không phải vô cớ mà giữa lòng thị xã phố núi lại có một con suối mang tên một người Pháp.
Vợ ông, bà Hồ Thị Thơm sau năm 1975 từ Sài Gòn về lại Ban Mê Thuột, ở nhà người em gái là bà Ba-Lô, và mất năm 1981 tại Ban Mê Thuột. Cũng năm đó, bà Huấn qua đời. Năm sau gia đình ông Huấn được con cái ông Delors (người hùn vốn khai thác đồn điền với ông Maury) bảo lãnh sang Pháp. Vườn cà phê chung quanh đã thành Trung Học Hưng Đức (trường Ngô Quyền bây giờ) và Nhà Thờ Quân Đội (Tỉnh ủy bây giờ) và khu dân cư.
2.   
Bà Hồ Thị Thơm vợ ông Maury (tên một con suối) thì tôi nhắc nhớ đã đành, còn em gái của bà là bà Ba-Lô, thì có liên quan gì? Đó là vì ông Ba-Lô, chồng bà, chính là một trong những người Thợ Săn Vô Danh Của Vua Bảo Đại.
Bạn hay nghe những giai thoại về ông Vua lên Daklak săn bắn mà quên rằng, ông Vua chỉ cưỡi voi (hay xe) trong đoàn giải trí, bắn hạ con thú còn là việc của những người thợ săn. Ngày đó Ban Mê Thuột là những cánh rừng, ban ngày hươu nai chạy ngờ ngờ, nhất là công rừng đậu từng bầy trên cây. Mãi sau này khi Ban Mê Thuột đã có sân bay, Công rừng còn bay rợp trời nên người ta mới gọi sân bay Ban Mê Thuột là Phi trường Phụng Dực (nơi những con chim Công bay lên).
Mùa hè là mùa săn bắn. Thợ săn ở Ban Mê Thuột không nhiều cũng không ít, nhưng ông Ba-Lô là tay thiện xạ khét tiếng. Mỗi lần đi săn về, ông Ba-Lô chia đều phần thịt cho bạn đồng hành và hàng xóm, ông ưu tiên lấy sừng. Nếu hạ nhầm nai có chửa thì mổ bụng tại chỗ lấy thai nai con về ngâm rượu hàm nàm. Ai đã từng ghé qua nhà ông Ba-Lô trên đường Tôn Thất Thuyết (Lê Hồng Phong bây giờ) sẽ ngợp vì thấy trong phòng khách nhà ông treo toàn gạc nai, sơn dương và sừng Min đủ loại. Hổ báo đã thuộc da quỳ phục trong nhà, (một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long còn bày bán mọi thứ cho đến những năm 80 mới biến mất.)
Có lần ông Ba-Lô săn được một con cọp ngoại khổ, đuôi dài cả thước, nanh vuốt dài ngoằng, nhọn hoắt. Con nít tụi tôi nghịch ngợm nhổ râu cọp chơi bị rầy. Thì ra râu cọp để dành trộn với một loại lá rừng đựng trong hũ, lâu ngày biến thành một loài sâu rọm lông lá xanh lè. Họ lấy sâu giã nhuyễn làm thuốc độc tẩm mũi tên để săn thú rừng.
Ông vua Bảo Đại nổi tiếng là ông vua tân thời. Nhà vua rất hâm mộ các môn thể thao quí phái, thời thượng như bơi thuyền, cưỡi ngựa, đánh goft, chơi tennis, nhưng có thể nói săn bắn là môn "thể thao đường rừng" ông ưa chuộng nhất. Mỗi lần đi kinh lý trên Ban Mê Thuột, vua thường tổ chức đi săn. Và tháng 5/1950, nhân dịp lên Daklak thăm viếng đồng bào, ông vua sai cận thần triệu ông Ba Lô đi săn với vua. Thời trước, ông Ama Kông, vua săn voi cũng từng đi săn với Bảo Đại. Đi săn với vua chúa là niềm vinh dự hiếm có.
Những người thợ săn khét tiếng một thời ở Ban Mê Thuột, có thể nói họ như một loại huyền thoại, một biểu tượng sống động của thị xã núi cao. Nhưng rồi họ vẫn là những thợ săn vô danh, mãi mãi vô danh, dù có người đã từng đi săn với vua Bảo Đại. Thật ra, trong sử sách, không ai biết mà cũng không cần thiết nhắc đến tên tuổi của họ, trừ vua săn voi Ama Kông, một thợ săn ngoại hạng của núi rừng đại ngàn vào thế kỷ trước.
Săn bắn tài tình như vậy, mà một sớm một chiều ông Ba-Lô bất ngờ buông súng để bước vào cửa Phật. Những tiếng súng ác liệt của những người thợ săn năm xưa đã chìm trong tịch lặng, ông Ba-Lô cũng vậy. Ông mất năm 1983 tại Ban Mê Thuột.
3.
Những tiệm sách ngày xưa…
Cuối thập niên 1960, sách dịch rất thịnh hành, được giới yêu sách ưa chuộng. Trí thức thì chuộng triết học hiện sinh và mỹ học nặng về lý luận, hoặc truyện dịch. Bình dân thì đọc tiểu thuyết trinh thám, truyện đường rừng, truyện kiếm hiệp, hoặc truyện tình cảm, tâm lý xã hội… Chiến tranh làm phố núi có thêm nhiều trí thức, họ lên vì nhiều lẽ, và sách vở theo đó cũng bán được nhiều…
Thập niên 1960, ông Cao Trí là chủ nhân tiệm sách Cao Trí khai trương đầu tiên tại thị trấn miền cao Buồn Muôn Thuở. Tiệm sách này nằm trên đường Nguyễn Thái Học, cạnh nhà may Thừa Thiên. Ông Cao Trí tên thật là Y Tí, em song sinh với ông anh là Y Lý, chủ cà phê Đồng Xanh.
Vì sao tôi lại nhớ đến những tiệm sách, và kể tên nhà sách Cao Trí giữa muôn trùng nhà sách ở phố núi lúc bấy giờ? Là vì ông (và ông Đồng Xanh) là hai con trai song sinh của ông Y Say (ông chủ tỉnh của người Ê đê thời ấy), với người vợ thứ 7, người cung nữ mà Đức Từ Cung mang từ Huế vào gả cho ông. Khu đất mênh mông lượn từ đường Lê Hồng Phong bây giờ xuống Hồ Tùng Mậu ngày xưa là “nhà ông Phán Lạc”. Đâu có ngẫu nhiên khi ông được ở ngay kề bên Dinh Công Sứ? Gọi là Dinh Công Sứ vì Dinh này là nơi làm việc của công sứ Pháp. Ông Sabatier từng cùng các già làng ngồi đọc và dịch trường ca Damsan bên bập bùng bếp lửa ở đây. Theo Nguyễn Quang Tuệ, thì ông Sabatier mới là người “latinh” hóa chữ Ê đê (cũng như giáo sĩ Francesco de Pina đã “latinh” hóa tiếng quốc ngữ vậy.) Thầy giáo Y Jut và Y Ut chỉ là những người giúp sức cho ông. Sau năm 1954, người Pháp trao trả lại miền Nam cho Quốc Gia Việt Nam, các dinh thự ấy đồng loạt mang tên “Dinh Bảo Đại” vì lúc ấy Bảo Đại là Quốc Trưởng. Là Quốc Trưởng, nên những hình ảnh ngai vàng cùng xiêm áo trong dinh e rằng không hợp lý, vì ông Quốc Trưởng có phải / có còn là ông Vua nữa đâu? Ông đã đàng hoàng Vestone trắng và ngồi xe Jeep hàng ngày…
Quay lại ông Y Say. Ông Y say chính là ông Ama Lak, người Việt ở Ban Mê Thuột vẫn gọi ông là ông Phán Lạc (chữ “Lạc” từ chữ “Lak” mà ra). Ông là thư ký tòa Luật tục từ năm 1923, lúc đó ông Khun Jonop Y Thu (Vua voi) là chánh tòa. Ông Khun Jonob Y Thu sinh năm 1828, vậy lúc người Pháp “bổ nhiệm” ông đã 95 tuổi (?) Có lẽ vậy mà nhắc tới tòa Luật tục này, người ta chỉ truyền nhau cái tên ông Y Say. Ông mất năm 1945.
Tiếng Ê-đê, Jao còn có nghĩa là “cho”, Lạc Giao là cách của người Việt gọi vùng đất được ông Ama Lak “jao/cho”. Lạc Giao là vùng đất ông Ama Lak cho để bên vợ có nơi mà lên, mà sum vầy. Có lẽ vậy mà chúng ta mới có Trịnh Công Sơn đã sinh ra (1939) ở phố núi này chăng? Dù lên năm tuổi họ Trịnh về lại Huế học tiểu học do chiến tranh loạn lạc, nhưng nhiều người Huế ngày ấy theo chân người cung nữ vẫn còn ở lại. Để phố núi là nơi sinh ra và lớn lên của nhạc sĩ gốc Huế Hằng Vang, người nhạc sĩ của Phật giáo được biết đến tài năng qua những bài hát mang đậm tư tưởng nhà Phật. Ông sáng tác hơn 500 ca khúc, và ca khúc “Ánh Đạo Vàng” của ông được giới Phật tử cả nước thuộc lòng: “Từ ngàn xưa phương thành Ca Tì La Vệ. Tất Đạt Đa, Thái tử con vua Tịnh Phạn. Thời niên thiếu sống trong nhung lụa êm ấm. Thương chúng sanh lạc loài trong kiếp luân hồi…” Ông là niềm hãnh diện của giới văn nghệ Phật Giáo của cả nước, hiện vẫn trường chay và an nhiên tự tại với con cháu ở phường Thành Nhất.
Ngoài người nhạc sĩ đó, thế hệ chúng tôi còn được học môn Anh Văn do thầy Đặng Ngọc Thanh Hải dạy. Người thầy giáo này là cháu nội của một vị nhất phẩm Đặng Ngọc Oánh, tinh thông cả Pháp ngữ và Nho học, từng là thầy dạy vua Duy Tân và từng làm quan đến chức Hiệp tá Đại học sĩ. Ông Đặng Ngọc Oánh từng là Tuần Vũ Quảng Ngãi nên rạp hát “Bà Tuần” lừng danh ở Huế là cách người ta gọi rạp hát của vợ ông, cũng là bà nội thầy giáo dạy Anh văn của tôi. Những trâm anh thế phiệt đã trôi dạt và dừng lại trên phố núi, và vẫn đang nối tiếp nhau một đời sống thật thanh bình, làm như mình không từng tham dự vào “lịch sử” của một vùng đất.
Ngoài các nhà sách, thời ấy mỗi ngày còn có mấy chục tờ báo được xuất bản. Ngay góc đường Quang Trung – Y Jut (đối diện rạp LoDo) là một góc “văn học” nhộn nhịp nhất phố núi. Ở đó, giữa bao nhiêu người qua kẻ lại có một sạp báo tên là “Tia Sáng”. Bà chủ sạp báo đó cũng là bà chủ của khu Biệt Thự đường Hai Bà Trưng (khách sạn Đại Hùng bây giờ) và cũng là bà chủ của những vườn cà phê trên đường đi Phước An. Bà đã mất ở Pháp. Bà Tia Sáng là cô của tôi.
Đến sau này tôi mới nghe những giai thoại về Ông Ama Thuột, lúc thì tù trưởng Buôn Niêng, lúc thì ông ở buôn Ky về buôn Kosier làm rể. Giữa những Ama Jhao (Mé Sao), Nơ Trang Gưh đánh nhau với Pháp “chảy máu” thì ông lại bình an được người Pháp “tôn vinh”, lấy tên đặt cho vùng đất này thì kể cũng là điều lạ. Những Ama Jhao, Y Say, Y Thu… còn hình ảnh năm sinh tháng đẻ thì ông sương khói như cổ tích. Những gán ghép phận người… Hay là những sương khói vậy biết đâu lại làm phố núi thêm phần lãng mạn, như chàng Damsan còn yêu được cả con gái Mặt Trời cơ mà? Vừa mới đây, tôi lại lục tục xếp hàng khi loa ở sân bay Buôn-Ma-Thuột xướng lên: “Kính mời những hành khách đã có vé đi từ Ban-Mê-Thuột đến Hà Nội vui lòng ra cửa số 2…” Xứ Ban Mê ở ngay trong sân bay Buôn Ma, tôi ngồi vào máy bay rồi mà vẫn ngỡ ngàng…
Tiếng Thái-Lào, Mé là “thủ lĩnh”, vì vậy Ama Jhao mới là Mé Sao. Mé Kong là “con sông thủ lĩnh”. Vùng đất của những người thủ lĩnh ngày xưa đã trở thành quê hương của tôi. Đô thị trung tâm của cả vùng Tây Nguyên không chỉ có “cà phê cứt chồn” mà đã có nhà thơ, đã có trường ca và tiểu thuyết… Khi kể về con suối Maury, tôi không chen thêm vào suối Đốc Học vì sợ làm rối bạn đọc. Con suối mang tên ông quan Đốc người Việt lai Pháp về hưu mở trường gõ đầu trẻ. Đầu dốc xuống con suối ấy là một bến xe ngựa (tòa nhà Trung Nguyên trên Lê Hồng Phong bây giờ). Chéo qua bến xe ngựa ấy, nằm trên đường Nơ Trang Long, là tiệm vàng Kim Thịnh. Ông bà Kim Thịnh đã sinh ra nhà văn Nguyễn Thanh Việt (1971), người đoạt giải Pulitzer văn chương năm 2016 ở Mỹ, đã làm cho địa danh “Ban Mê Thuột” hiện ra trên website của trường Đại học Berkeley và viện Hàn Lâm tít xứ sở Hoa Kỳ. Vùng đất nào cũng vậy, không chỉ Amí Ama mà còn cần lắm những tuổi tên người.
                                                              Ban Mê Thuột, thành phố tuổi thơ tôi…

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

TIN - TIN!

Vì lý do cá nhân, blogger Tapchichuyangsin sẽ dừng lại tại đây rất mong nhận được sự thông cảm và lương thứ của các bạn!

SỐ 267 - tác giả VIỆT NGA





Uống cà phê ở quán Thiên Đường
Tặng Hồng Chiến

Thiên Đường ngỡ ở đâu xa
Loanh quanh phố núi hóa ra rất gần
Cà phê dẫu đắng vạn lần
Vẫn không đắng đót như thân phận người…

Vinh hoa, chỉ áng mây trôi
Sảy chân mới biết tình người thắm, phai
Đêm thì ngắn, mộng thì dài
Phải đâu như gió, thổi hoài trăm năm

Cà phê từng giọt âm thầm
Rơi hoang mang xuống những lầm lẫn xưa
Đã đành sau nắng sẽ mưa
Làm sao sống được như chưa-có-gì

Ngày mai cát bụi thiên di…
Uống đi, cay đắng một ly, một đời…
Bao nhiêu hoa thắm đâu rồi?
Xòe tay chỉ thấy có… mười ngón tay.





Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

SỐ 267 - tác giả PHẠM MINH TRỊ




MÂU THUẪN, ĐỐI LẬP, KỊCH TÍNH TRONG
NỖI OAN HẠI CHỒNG
Trích vở chèo “Quan âm Thị Kính”
(Ngữ văn 7,tập 2, bài 29)


Đây là đoạn trích trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”, một vở chèo nổi tiếng, ngấm sâu vào lòng người, đặc biệt thế hệ trước nhưng hơi xa lạ với các em học sinh (HS) hiện nay, nhất là đối tượng HS lớp 7 mới ở độ tuổi 13. Hơn nữa đây là lần đầu tiên các em tiếp xúc với thể loại chèo. Do vậy, khi hướng dẫn các em nhận cảm đâu phải là chuyện dễ dàng.
Ta biết rằng, không khí chèo, hơi thở chèo gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình của làng, của lớp người áo the, khăn xếp, yếm thắm nón quai thao. Vì thế với các em HS lớp 7, nghiễm nhiên có một khoảng cách lớn về hoàn cảnh xã hội và kéo theo khoảng cách trong nhận thức, tiếp cận. Cái khoảng cách đời sống, xã hội ấy đòi hỏi người thầy phải thu ngắn lại trong giờ học vỏn vẹn có 45 phút. Đó là một thách thức lớn đối với người giảng dạy chèo.
Để làm được điều đó, giáo viên (GV) cần phải đi sâu khai thác kịch tính và các mâu thuẫn trong đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”.
Đương nhiên trước khi hướng dẫn cho các em tiếp cận và nhận cảm rõ kịch tính và các mâu thuẫn trong đoạn trích, GV phải giải thích ngắn gọn khái niệm chèo và những đặc trưng cơ bản của chèo như: Chèo là một loại kịch múa hát dân gian, kể chuyện, diễn tích bằng hình thức sân khấu để khuyến cáo đạo đức thường được diễn ở sân đình; thuộc sân khấu tổng hợp các yếu tố nghệ thuật ước lệ và cách điệu cao kết hơp chặt chẽ cái bi và cái hài; các nhân vật truyền thống: thi sinh thì nho nhã điềm đạm, nữ chính thì đức hạnh, nết na; mụ ác thì tàn nhẫn, độc địa… Và đặc biệt GV nên tái hiện khung cảnh đặc thù mà chèo thể hiện để đưa các em vào không khí chèo và hơi thở chèo. Điều này đòi hỏi GV phải sáng tạo tuỳ theo tình hình cụ thể của đối tượng HS ở từng vùng miền cụ thể mà các em sinh sống (có lẽ ở vùng đồng bằng Bắc bộ dễ dàng hơn ở các vùng khác).
Ta đã biết, trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” về dung lượng so với lớp vu quy (trong phần I của vở chèo) là rất ngắn nhưng mâu thuẫn kịch tính của toàn bộ phần I lại tập trung đọng lại ở đoạn này. Vì vậy khi hướng dẫn HS tìm hiểu đoạn trích cần làm nổi bật mâu thuẫn giai cấp thông qua các xung đột như: gia đình, hôn nhân… mà nạn nhân là nhân vật Thị Kính – người phụ nữ lao động nết na, dịu hiền, yêu thương chồng, kính trọng mẹ cha. Đặc biệt, sự đau đớn oan khổ mà họ không thể giãi bày, cái uất nghẹn ấy dâng trào cuộn lại thành một khối oan khiên ngày càng đậm đặc.
Trong trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” có tất cả năm nhân vật tham gia, đó là: Sùng ông, Sùng bà, Thiện Sĩ và Thị Kính, Mãng ông, song hai cực của trục nhân vật này là Thị Kính (nữ chính) và Sùng bà (mụ ác). Hai cực luôn đối lập nhau từ hình dáng, lời nói, đến suy nghĩ, hành động. Đặc biệt đối lập nhau ngay từ nguồn gốc xuất thân. Đó là sự đối lập, đối kháng, mâu thuẫn gay gắt nhất, một mất một còn. Một bên đại diện cho lớp địa chủ phong kiến, bóc lột hắc ám từ trong suy nghĩ, đến ánh mắt lời nói, hành động. Một bên đại diện cho tầng lớp phụ nữ lao động nghèo chân chất, dịu hiền, nhẫn nhịu cam chịu.
Thực ra chi tiết Thị Kính cầm dao khâu để cắt sợi râu mọc ngược dưới cằm của Thiện Sĩ chỉ là cái cớ để kịch tính dâng trào và mâu thuẫn ùa ra vây lấy Thị Kính. Giả sử rằng Thị Kính không cầm dao khâu để cắt râu mọc ngược của Thiện Sĩ thì theo quy luật sẽ có một chi tiết tương tự xảy ra. Bởi Thị Kính đã bị ném vào trong lòng của một hoàn cảnh mà mình không thể nào sống hoà nhập được. Vì đó là bản chất đối lập loại trừ nhau của hai giai cấp đối kháng: địa chủ và nông dân. Mâu thuẫn giữa kẻ bóc lột hắc ám và người bị bóc lột thành thực, hai bản chất hoàn toàn khác biệt không thể nào dung hoà được.
Từ bản chất, nguồn gốc ấy mà hành động, ngôn ngữ của Sùng bà và Thị Kính đối lập hoàn toàn. Nói không ngoa rằng: đối lập từ hơi thở, ánh mắt trở đi.
Hành động của Sùng bà vô cùng thô bạo, hách dịch và tàn nhẫn: khi thì dúi đầu Thị Kính xuống, lúc thì bắt Thị Kính  ngửa mặt lên, không cho Thị Kính phân bua, giãi bày, dúi tay đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống… Còn ngôn ngữ của Sùng bà? Rất phù hợp với hành động thô bạo, tàn nhẫn. Đó là những lời mắng nhiếc, sỉ vả, đay nghiến. Mỗi lần mụ cất lên một lời là Thị Kính lại thêm một tội. Tội lỗi của Thị Kính cứ chất chồng theo lời đay nghiến hằn học, nanh ác hiểm độc của mụ. Mụ tự cho mụ cái quyền nghiễm nhiên buộc tội người khác không cần phải trái, không cần hỏi rõ sự tình, không cần nghe phân bua giãi bày. Ta hãy nghe những lời mụ mắng nhiếc Thị Kính: Giống nhà bà đây, giống phượng giống công. Nhà bà đây cao tôn lệnh tộc. Trứng rồng lại nở ra rồng. Tuồng bay mèo mả gà đồng. Mày là con nhà cua ốc. Liu điu lại nở ra dòng liu điu… Rõ ràng mụ cho mụ là giống thượng đẳng cao hơn hẳn giống mà Thị Kính xuất thân. Có lẽ mụ đuổi, vu oan cho Thị Kính vì lý do mâu thuẫn về nguồn gốc giai cấp hơn là lý do Thị Kính giết chồng? Lời nói của mụ hình như chỉ chú tâm vào điều đó. Vậy nên mâu thuẫn giai cấp là mâu thuẫn cơ bản, điều khiển suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, hành động của Sùng bà. Mỗi lời nói ra của mụ sặc mùi phân biệt đối xử. Lúc này không còn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nữa mà chỉ còn là mối quan hệ giai cấp đối kháng. Vì thế mới gay gắt, quyết liệt, mất còn. Mụ kiên quyết không dung nạp Thị Kính mặc dù Thị Kính có đầy đủ những tiêu chuẩn đức hạnh do lễ giáo phong kiến đặt ra (công, dung, ngôn, hạnh).
Một chi tiết nữa cũng góp phần minh chứng cho mâu thuẫn giai cấp bùng nổ. Đó là Sùng ông mới hôm qua còn thân thiết với thông gia – Mãng ông, vậy mà hôm nay quay ngoắt đã lừa Mãng ông – cha của Thị Kính sang ăn cữ cháu, hơn nữa còn hành động thô bạo, lỗ mãng, cạn kiệt tình người: Sùng ông dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào nhà. Hình như chúng có thói quen vui thú làm điều ác, bắt người khác phải nhục nhã ê chề, đau đớn đến tận cùng chúng mới hả hê?
Hậu quả của mâu thuẫn giai cấp đã đè nặng bóp nghẹt trái tim yếu đuối của Thị Kính. Thị Kính là nạn nhân tất yếu. Dù cho Thị Kính có dùng những lời lẽ khẩn thiết, ai oán đến đâu thì với Sùng bà tất thảy đều vô ích. Vì đó là tính tất yếu của mâu thuẫn giai cấp. Chỉ có người cùng cảnh ngộ mới cảm thông cho nhau nên khi lần cuối cùng Thị Kính kêu oan với cha - Mãng ông - mới nhận được sự cảm thông dù đó là nỗi cảm thông đầy đau khổ, uất nghẹn và bất lực.
Mối xung đột càng ngày càng dâng cao. Chỗ tập trung cao độ nhất đó là khi Sùng ông lừa Mãng ông – là thông gia, là cha của Thị Kính - sang nhà ăn cữ cháu, rồi thích thú dúi ngã Mãng ông, bỏ vào nhà. Thị Kính vội chạy lại đỡ cha. Hai cha con ôm nhau than khóc. Lúc này, Thị Kính bị đẩy vào cực điểm của nỗi đau uất nghẹn. Thị Kính vừa chịu nỗi đau tan vỡ tình vợ chồng, vừa gánh nỗi đau của cái oan tày trời mà cả gia đình Sùng bà xúm  vào trút lên thân phận nhỏ nhoi, yếu đuối. Giờ lại thêm nỗi đau trước cảnh cha già vô cùng kính yêu của mình bị hành hạ, khinh bỉ, mà sự hành hạ, khinh bỉ lại do chính cha chồng dù bây giờ không còn là cha chồng nữa miệt thị. Thị Kính và Mãng ông lúc này trơ trọi, lẻ loi, cô độc trên sân khấu, hai cha con ôm nhau than khóc. Hình ảnh này được kéo dài trên sân khấu, tiêu bỉêu cho những người lao động nghèo khổ, chân chất, yêu thương nhau mà hoàn toàn bất lực trước nỗi đau, nỗi oan. Chính chi tiết này, hình ảnh này mang lại tính mỹ cảm bởi nó thấm đẫm tính nhân văn, mang ý nghĩa sâu sắc ở nhiều phương diện, góp phần rất lớn trong việc tố cáo chế độ lúc bấy giờ, đặc biệt mối mâu thuẫn giai cấp đang quyết liệt đòi giải quyết để mang lại quyền bình đẳng, tự do, quyền sống của con người.
Trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” gieo vào lòng người đọc nỗi cảm thông sâu sắc cho thân phận yếu đuối, bất lực nhẫn nhục, đau khổ, đơn độc của người phụ nữ ngày xưa. Nhân vật Thị Kính mãi mãi đọng lại trong tâm khảm của người đọc dù nhân vật này chưa có cái khoẻ khoắn, mạnh bạo, thiếu cái bản lĩnh dũng cảm của nhân vật Thị Phương trong vở chèo Trương Viên. Và đặc biệt, chưa có cái nghị lực dám đứng lên hành động chống lại sự áp bức bất công, oan trái để vượt lên hoàn cảnh. Lúc mà Thị Kính bị dìm trong nỗi oan trái, người đọc thèm nghe tiếng xưng hô trịch thượng bà, mày của chị Dậu sau này trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố.





SỐ 267 - tác giả LÊ THÀNH VĂN



Nhớ thầy

Ngày vui năm nay em không về thăm thầy
Bè bạn cũ cũng xa quê gần hết
Mỗi đứa một nơi, bộn bề công việc
Không biết bây giờ có nhớ đến thầy không?

Chữ nghĩa thầy cho có thể chẳng còn nguyên
Chúng em đánh rơi giữa dòng đời tất bật
Manh áo - miếng cơm - tình yêu - lẽ sống
Cứ oằn lên theo năm tháng rộng dài

Vẫn giữ riêng cho mình ấm áp một khoảng trời
Khoảng trời ấu thơ được gặp thầy mỗi buổi
Vai áo bạc màu tóc pha sương muối
Thầy vẫn ân cần dạy dỗ sớm hôm

Đêm nay ngồi thao thức giữa Cao Nguyên
Em lại miệt mài soạn từng trang giáo án
Chợt nhói lòng trước những điều sâu thẳm
Có được phút giây này em đã nhận từ đâu?

Biết đến bao giờ em trả hết ơn sâu!



Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Ố 267 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN



THẦY TÔI
Kính tặng thầy Phức, cô Tứ

Tản văn


Biết thầy từ lâu nhưng mãi đến sau này khi vào Đại học Vinh tôi mới được gặp thầy. Đó là một buổi chiều mùa đông sau khi nhập học xong, cữ vào dịp cuối tháng mười một Tây lịch, thằng bạn cùng làng bên khoa Toán đến kí túc xá rủ tôi tới khu cán bộ thăm thầy. Lúc bấy giờ, trường mới chuyển từ nơi sơ tán về được một thời gian nên cơ sở vật chất còn tạm bợ. Trừ giảng đường, đúng hơn là các phòng học được xây theo kiểu nhà cấp 4 còn thì nhà ở của cán bộ, giáo viên và kí túc xá sinh viên đều làm bằng tranh tre nứa lá. Trên mỗi dãy nhà, ba bốn cặp tre to giằng chéo qua mái là để chống bão, đầu mỗi cây tre nhô cao như mũi chông xiên thẳng lên bầu trời. Có lẽ đấy là hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại trong kí ức một thời sinh viên của tôi về ngôi trường đại học trên mảnh đất mà trước đó không lâu còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh.
Nơi ở và làm việc của thầy là một nửa gian nhà được ngăn bằng phên nứa, vừa đủ để đặt cái giường một, cái tủ gỗ nhỏ và bộ bàn ghế. Gọi là bộ bàn ghế cho oai nhưng thực ra chỉ mỗi cái bàn mộc và một chiếc ghế tựa. Giá có thêm vài ba chiếc ghế nữa thì cũng chẳng biết để vào đâu. Khách đến chơi thì cái giường một bỗng biến thành “xa lông” bất đắc dĩ.
Tôi để ý thấy dưới gậm giường chất đủ thứ, nhưng ấn tượng nhất là mớ củi khô. Hèn gì lúc sáng ngồi trong lớp học, qua khung cửa sổ nhìn ra khu bãi hoang bên cạnh, tôi thấy bóng dáng một người đàn ông, đầu đội nón lá, đang lúi húi gom nhặt từng cành cây dại đã khô. Đó là thứ mà có lẽ thầy là người duy nhất ở trường này chịu khó tìm kiếm làm chất đốt, bởi thời bao cấp đến que củi cũng phải phân phối bằng tem phiếu. Chúng tôi hỏi thầy sao không ăn cơm tập thể cho tiện. Thầy bảo cái bụng mình nó khó tính lắm, cơm thì khi sống, khi nhão, bo bo, bắp hạt thì nhá không được, hại cái dạ dày quá nên đành phải chịu khó nấu lấy thôi. Lúc ấy tôi chỉ là một cậu bé ở quê mới ra tỉnh, cái sự hiểu biết còn nông như đít đĩa, sau này ngẫm lại mới thấy xót xa. Thời ấy, cả hàng xã, hàng huyện mới có một thầy giáo dạy đại học, thế mà cuộc sống của các thầy sao cơ cực quá. Đó là những kỉ niệm thật khó phai mờ trong cuộc đời tôi. Sau này chúng tôi tiếp bước thầy, lại cũng cảnh cơm niêu nước lọ. May mà đất nước đã kịp đổi thay.
*
Làng tôi chỉ cách làng thầy một con đê Tả Lam. Làng thầy ở phía ngoài bãi sông, gọi là xóm “Vụng” bởi cạnh làng có cái đầm to tướng, mùa hè nở đầy hoa sen. Buổi trưa nào bọn trẻ chúng tôi cũng rủ nhau đi tắm vụng, khi về lấy lá sen làm nón che cái nắng gay gắt tháng sáu và thế nào cũng tìm cách trộm cho bằng được nếu không là một bông hoa, thì cũng là một gương sen đã ních hạt. Tôi đã ra nhà thầy đôi ba lần. Đó là những lúc mẹ tôi dẫn tôi đến nhờ ông cụ cắt may khi thì quần áo mới để đón tết, khi thì cái xắc đựng sách vở chuẩn bị vào năm học mới. Con đường ngoằn ngoèo rụng đầy lá tre khô và hình như có leo một con dốc nho nhỏ bởi những ngôi nhà ở xóm Vụng thường phải đắp cao nền để tránh lũ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông cụ thân sinh của thầy. Đó là một ông lão dáng tầm thước, nho nhã, lúc nào cũng bận quần áo lụa, đi guốc mộc. Nhìn ông râu tóc như cước, gương mặt hơi gầy bởi tuổi già nhưng phúc hậu, tôi cứ ngờ ngợ. Về tới nhà, tôi vội tìm ngay cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng, lần giở các trang… Ủa, sao lại giống ông thế nhỉ?
Tôi không biết gì nhiều về gia đình thầy, vì lớn lên là đã xa nhà, xa quê biền biệt cho đến hôm nay, nhưng tôi hiểu đó là một gia đình gia giáo. Tôi cảm nhận được cái nho nhã, hiền từ, phúc hậu từ ông bà cụ thân sinh hiển hiện trên gương mặt, tính cách của những người con trong đó có thầy. Có ngẫu nhiên chăng khi sau này thầy chọn cho mình nghề giáo và hơn thế nữa là thầy giáo dạy Hán - Nôm?
Bây giờ không còn xóm Vụng nữa. Phong trào “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn” những năm bảy tám mươi của thế kỉ trước đã đưa cả xóm vào trong đồng. Nhà thầy giờ gần nhà tôi hơn. Thi thoảng về quê, tôi lại sang thăm thầy cô. Thời gian in dấu trên gương mặt hai người nhưng nét nho nhã truyền thống của gia đình và chất nhà giáo vẫn đậm trong mỗi lời nói, cử chỉ. Tôi học thầy những năm tháng ở đại học nhưng tôi còn được học cô hồi ở phổ thông. Cô là giáo viên chủ nhiệm khi tôi vào lớp 8. Có lẽ chất văn trong huyết mạch của tôi được truyền từ cảm hứng của cô – một giáo viên trẻ mới ra trường, qua những bài giảng văn thuở ấy?
*
Nhớ có lần thầy vào thỉnh giảng ở Đại học Tây Nguyên. Ấy là khi thầy vừa mới nghỉ hưu, anh bạn tôi làm chủ nhiệm khoa Sư phạm bên ấy muốn tạo điều kiện cho thầy kết hợp chuyện giảng dạy với thăm thú Tây Nguyên. Hôm vợ chồng tôi đến thăm, thầy khoe bữa nay nghỉ hưu rồi, thư thả mới có dịp đi xa thế này. Thầy bảo, đây là lần đầu tiên mình vô Tây Nguyên đấy, mà cũng là lần đầu tiên được đi máy bay. Chao ôi, tôi thầm nghĩ, cả một đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không một chút bon chen, tính toán, đến khi nghỉ hưu rồi mới được nếm chút ít hạnh phúc mà lẽ ra một giảng viên đại học lâu năm như thầy phải được hưởng từ lâu, từ khi còn đứng trên giảng đường đại học.
Thầy lúi húi mở cặp sách, đoạn rút ra một tập giấy báo và nói với tôi, mình có cái này cho cậu. Thầy vẫn giữ cách xưng hô với học trò như thế, như cái ngày chúng tôi còn là những cô cậu mới ngơ ngác nhập trường. Tôi đón lấy và mở ra xem. Thì ra đây là những tác phẩm của thầy đăng trên tạp chí chuyên ngành. Có những bài vừa mới đăng trước khi thầy vào Tây Nguyên không lâu. Tôi xúc động thật sự, bởi ý nghĩa sâu xa của món quà độc đáo này. Thầy không tự đề cao mình, bởi đó không phải là bản tính của thầy. Cũng không phải thầy tặng tôi quà vì thầy không nghĩ thế. Thầy muốn gửi đến học trò một lời nhắc nhở mà khi xưa thầy đã từng nói trên bục giảng: làm thầy không bao giờ được tự bằng lòng với chính mình. Sau này đọc, nghiền ngẫm những bài viết ấy của thầy, tôi mới cảm nhận được cái sắc sảo, thâm thúy của một người am hiểu văn tự, văn hóa của ông cha, và càng thấu hiểu cái “thông điệp” mà thầy ngầm nhắn gửi cho mình. Ngày trước, khi chớm tuổi thanh xuân, tôi học thầy những tri thức để hành nghề. Bây giờ, ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi vẫn học thầy, học những điều tưởng như mình đã biết. Thế hệ những người như thầy là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Những con người như thế đang vắng bóng dần trên các giảng đường đại học. Tri thức và nhân cách, đấy là tài sản vô giá mà thầy muốn trao lại cho các thế hệ học trò cả khi không còn đứng trên bục giảng nữa.
Chúng tôi tôn kính và khâm phục thầy, không phải ở cái oai của học hàm, học vị. Những thứ cao siêu ấy có người đeo đầy mình nhưng vẫn không che lấp được khoảng trống về tri thức và nhân cách. Có lẽ những nhà giáo còn phảng phất một chút “gàn” của ông đồ xứ Nghệ xưa như thầy không thích cái sự phô trương. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thầy chỉ muốn được là chính mình. Khi nghỉ hưu vì tuổi tác, thầy vẫn là một nhà giáo, “nhà giáo nhân dân” đúng nghĩa của cụm từ này. Rời xa phố thị ồn ã, thầy lại về với làng quê máu thịt của mình, về với những người nông dân chân chất, quê mùa, chia sẻ câu chuyện với hàng xóm qua đọi nước, củ khoai nhưng không quên giành thời gian cho cái nghiệp mà thầy đã đeo đuổi suốt đời. Lại nghiên cứu, viết bài rồi lại lọ mọ ra bưu điện gửi đi các báo.
*

Ngày Nhà giáo năm nay, thầy sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, cái tuổi đáng lẽ ra chỉ biết vui vầy cùng con cháu và chén rượu cuộc cờ với bầu bạn. Nhưng không, thầy vẫn như con tằm miệt mài rút ruột nhả tơ, cháy hết mình cho cuộc sống.