Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TƯƠNG GIANG





Khát vọng



Muốn quay về lại ngày xưa
Thuở bình yên những cơn mưa đầu mùa
Vần thơ vụng dại tình cờ
Tô màu cháy bỏng hoang sơ hạ hồng

Muốn đi cho hết mênh mông
Tình vừa ngỏ ý mây lồng lộng bay
Dỗ mình tỉnh giấc mơ say
Dỗ người bằng những tỏ bày chiêm bao

Muốn tìm mơ ước ngày nào
Đốt trang sách nhớ tuôn trào yêu thương
Ngỡ ngàng lạc một làn hương
Trong ngăn kỷ niệm vô thường đi qua

Đuối bàn tay xa hút xa
Ta ngồi nhẩm lại la đà thu rơi
Muốn cho hết những tiếng cười
Để không ảo ảnh từng lời phù du!


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TIẾN THẢO




Nhớ bạn


Rượu uống một mình bao nhiêu bận
Bạn bè mấy đứa đã đi xa
Dòng sông thơ ấu xuôi dòng chảy
Cỏ lại xanh um trước ngõ nhà

Sách phủ bụi mờ trên giá cũ
Đèn khuya hắt bóng giữa tường vôi
Bài thơ viết dở mười năm trước
Ngâm đi, ngâm lại, chỉ mình thôi

Biết có còn ai mà ngóng đợi
Thu giờ như nắng cũng tàn phai
Dựa núi luyến lưu tình bạn cũ
Đêm vắng sương rơi giữa dặm dài.


SỐ 264 - tác giả VÂN TRANG

Chú thích ảnh: Trại viên Hương Rừng 6 đi thực tế sáng tác tại TP Nha Trang





NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG
TỪ TRẠI SÁNG TÁC VĂN - THƠ HƯƠNG RỪNG 6!




Tiếp nối truyền thống các thế hệ trước, cứ vào năm lẻ, Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục-Đào tạo, tổ chức Trại sáng tác Văn - Thơ Hạ Xanh, mời các em là học sinh giỏi văn, đang học trong các trường phổ thông; đội năng khiếu của Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh và cộng tác viên tạp chí Chư Yang Sin tham gia; còn vào năm chẵn mở Trại sáng tác Văn - Thơ Hương Rừng dành cho thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Năm nay - 2014, năm chẵn Hội VHNT tỉnh tổ chức Trại sáng tác Văn - Thơ Hương Rừng 6. Tham dự Trại lần này có 23 em gồm 6 dân tộc anh em là: Êđê: 10 em, Nùng: 7 em, Tày: 3 em, Mường: 01 em, Thái: 01 em, Dao: 01 em; đến từ các huyện thị: M’Đrăk, Ea Kar, Krông Păc, Krông Năng, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Súp và thị xã Buôn Hồ. Tuổi Trại viên trung bình: 16; em ít tuổi nhất ở độ tuổi 14, vừa học xong lớp lớp 7; em lớn tuổi nhất tròn 20 tuổi. Có thể nói, các trại viên lần này đã vượt qua mọi khó khăn để đến dự Trại như em Nông Thị Liên đến từ xã Cư San, huyện M’Đrăk, một xã mới thành lập ở vùng sâu, vùng xa, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 150 km phải vượt qua núi cao, suối sâu hay các em ở xã biên giới huyện Ea Súp… có lẽ tất cả vì sự đam mê văn chương và lòng hiếu học, ham hiểu biết đã tiếp thêm nghị lực để các em về đây dự trại.
Để giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản về phương pháp sáng tác, Ban tổ chức Trại đã mời các nhà văn, nhà thơ tham gia trao đổi kinh nghiệm. Về văn xuôi có: Nhà văn Linh Nga Niê Kdam – Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đắk Lắk, Nhà văn Niê Thanh Mai – Phó chủ tịch Hội, Nhà văn Nguyễn Liên – UVBCH Chi hội Văn học; về thơ có: Nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó bí thư Đảng đoàn Hội VHNT, Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin và Nhà thơ Lê Vĩnh Tài – một cây bút có nhiều thành công trong thơ cách tân. Bằng nhiệt tình và tâm huyết của mình, các giảng viên đã cố gắng truyền thụ những kinh nghiệm trong quá trình sáng tác của mình giúp các em tự rút ra bài học và làm hành trang cho việc sáng tác thơ – văn cũng như học tập môn văn ở trường phổ thông sau này.
Các trại viên dự Trại lần này không chỉ được nghe trao đổi lý thuyết mà còn được đi thực tế ra ngoài tỉnh. Trong 2 ngày đi thực tế ở thành phố Nha Trang, được thăm một số đảo, các em được tận mắt thấy biển, đảo, tàu, thuyền và các ngư cụ của ngư dân... Trong chuyến đi này, đa số các em lần đầu tiên thấy biển, đảo, hình ảnh ấy đã in đậm vào tâm trí được tái hiện qua các tác phẩm chuyển về cho Ban tổ chức Trại.
Tám ngày, thời gian quá ngắn cho một trại sáng tác văn thơ (do kinh phí không nhiều) nhưng kết quả thu được lại khá bất ngờ với ban tổ chức: 17 bài thơ, 20 tác phẩm văn xuôi được các em hoàn thành ngay tại Trại. Bên cạnh một số tác phẩm đầu tay còn vụng trong sử dụng ngôn từ diễn đạt ý, cấu trúc… chúng ta vẫn thấy có nhiều bài thơ, trang văn nổi bật, báo hiệu những năng khiếu cần được bồi dưỡng, tạo môi trường để phát triển sau này. 23 trại viên với 23 phong cách khác nhau của 6 dân tộc anh em tạo nên những tác phẩm có nét đặc trưng của từng dân tộc, rất hồn nhiên mang bản sắc dân tộc mình, dù chỉ ở mức sơ khai. Riêng về chủ đề biển – đảo, nhiều em đã có tác phẩm có chất lượng, thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc và trăn trở của công dân trước biển đảo Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đây chính là nét nổi bật về thành công của Trại năm nay.
Hy vọng các em tham gia Trại sáng tác Thơ - Văn Hương Rừng 6 hè 2014 cảm nhận được ý thức, trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội; khi trở về nhà tiếp tục học đều các môn để có thành tích học tập xuất sắc nhưng không quên dành một lượng thời gian nhất định cho niềm đam mê của mình đối với văn chương, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.


Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN






CÁC HÌNH THỨC DÂN CA M’NÔNG



Từ trong lao động của buổi sơ khai lịch sử dân tộc, các loại hình văn nghệ dân gian đã ra đời, trong đó có dân ca. Đó là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung. Lĩnh vực dân ca của người M’Nông thể hiện đậm nét sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống với nghệ thuật và từ trong cuộc sống lao động của họ đã sản sinh ra những bài ca và những bài ca đó đã phục vụ cuộc sống của chính họ. Đến nay dân tộc M’Nông đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử và nhiều biến cố thay đổi nhưng những bài ca dân gian vẫn sống mãi, nó vẫn đi theo con người từ thế hệ này sang thế hệ khác, mặc dù trước kia đồng bào chưa có chữ để ghi chép lại thành văn. Nhờ vào các nghệ nhân, chúng ta mới có thể ghi chép lại được những điều mà nhân dân đã sáng tạo nên qua hàng trăm thế hệ.
Dù đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa với một số nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là văn hóa ngoại lai của Pháp, Mỹ và văn hóa Việt, song dân ca M’Nông vẫn không bị hòa tan vào bất cứ nền âm nhạc nào. Dân ca M’Nông vẫn liên tục phát triển, phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm, điệu thức và giữ được những nét đặc trưng. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong nhân dân. Nhờ vào phương thức này mà sự có sự sáng tạo và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tín ngưỡng trong cuộc sống và lao động của cộng đồng.
Có hai cách phân loại dân ca M’Nông:
1. Dựa vào hình thức diễn xướng
   Hình thức hát đơn
Nhìn chung đây là hình thức hát phổ biến trong các hình thức hát dân gian ở nhiều dân tộc, thường dùng để biểu hiện những nội dung sâu lắng, mang tính tự sự những ước mơ thầm kín, tình cảm riêng tư hoặc cả những nhu cầu tâm linh của con người. Loại này thường do một người (nam hay nữ) hát như: Hát ru, hát trữ tình v.v… hình thức hát đơn được phổ biến nhất trong dân gian vì già, trẻ, gái, trai đều hát thể hiện tình cảm đối với tình yêu, với thiên nhiên, với bạn bè, cha mẹ, cộng đồng.   
 Hình thức hát đối đáp
Đây là hình thức tỏ tình của một đôi trai gái hoặc hình thức sinh hoạt của hai tập thể, một bên nam, một bên nữ, để biểu lộ tình cảm hoặc thi tài hát, trí thông minh của nhau. Hình thức này thường gặp trong xã hội cổ truyền ở nhiều dân tộc trên đất nước ta như: hát lượn của dân tộc Thái (Tây Bắc), hát quan họ (Bắc Ninh) hát ghẹo (dân tộc Mường, Hoà Bình)… có khi là một cuộc hát ngẫu hứng trong lao động, có khi được chuẩn bị trước, mỗi bên đều cử ra đại diện của mình hoặc có lúc chỉ là đôi trai gái tỏ tình bằng những khúc hát tình tứ, ví von, rồi sau đó họ hiểu nhau và trở thành bạn thân hoặc gắn bó với nhau suốt đời. Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng, hát đối đáp đã trở thành truyền thống, thanh niên nam nữ hay sử dụng để biểu hiện tình cảm của mình.
Hát đối đáp của người M’Nông thường là có nhiều người và chia làm hai nhóm để hát thi với nhau. Hát đối đáp thường có sẵn bài để hát. Tuy nhiên, trong quá trình hát, người hát còn ngẫu hứng thể hiện tâm tư tình cảm của mình bằng việc thêm vào những lời ca mới. Nội dung hát đối đáp thường nói về cảnh quan thiên nhiên, về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa. Về hát đối đáp thì hình thức phổ biến nhất là hát giao duyên nam nữ. Đó là những khúc ca tâm tình cháy bỏng, khát vọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi của những chàng trai, cô gái yêu nhau muốn được thành vợ, thành chồng. Đơn cử như bài “Hát cầu hôn”: Ta đi hái quả gặp nhau ở đây – Ta đi bắn chim cu gặp nhau ở đây – Anh nhìn em đẹp như chiếc tỏ hoa – Được sống bên em anh không dám hờn.
 Hình thức hát kể (Ot N’drông)
Đây là hình thức sinh hoạt cộng đồng rất hay dùng trong các dân tộc Tây Nguyên. Hát kể là hình thức tự sự với nội dung kể lại cuộc sống. Qua đó, bộc lộ tâm tư tình cảm của con người. Hát kể thường được đồng bào M’Nông sử dụng để trao đổi chuyện trò, tâm sự với nhau trong dịp lễ hội hay lâu ngày mới gặp nhau. Đặc biệt, trong những lúc rảnh rỗi, những đêm giá lạnh quây quần bên bếp lửa hay trong lễ hội nào đó, bà con hát kể sử thi (Ot N’drông). Hát kể thường kể lại, ôn lại quá khứ xa xăm, do các già làng kể cho mọi người nghe. Chủ đề thường là những huyền thoại có liên quan đến các thần linh, biểu hiện ước mơ con người trước thiên nhiên và đất trời huyền bí, khắc nghiệt. Đây là những bản anh hùng ca có vần điệu, được kết hợp các hình thức kể giữa nói, ngâm vịnh, với các động tác múa. Hiện nay các nhà nghiên cứu gọi thể loại này là Sử thi.
Nội dung hát kể vừa hiện thực vừa kỳ ảo, được thể hiện bằng ngôn ngữ có vần điệu, nhịp nhàng, nhiều hình ảnh, hình tượng và có tính xúc cảm cao. Nhiều khi hát kể sử thi còn có một số yếu tố ngoài ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt, hành động của người kể để diễn tả nhân vật. Còn đối với những bài có nội dung về hiện thực đời sống thì ngôn ngữ thường mang đậm tính khẩu ngữ hàng ngày, nhưng ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa, lời gọn và ý hay. Chẳng hạn như bài “Mong gặp người yêu”: Xa cách nay đã lâu lắm rồi – Xa cách nhau đã lâu chờ theo vầng trăng – Lúa tốt nay đã mục ra – Chắc người ta đã bỏ mình thật rồi.
 Hình thức hát múa
Hát múa là loại nghệ thuật dân gian tổng hợp của nhân dân trong các ngày lễ hội truyền thống và được nhân dân Tây Nguyên rất ưa chuộng. Nó được kết hợp cả 3 yếu tố: Hát, múa và nhạc đệm. Vì vậy, nó là sự biểu hiện nghệ thuật ở trình độ khái quát rất cao. Ngoài ra còn biểu hiện tính cộng đồng, tính sáng tạo nghệ thuật tập thể của dân tộc M’Nông.          
 Hình thức hát khóc
Nội dung của hát khóc chủ yếu thể hiện sự thương tiếc về người đã mất hoặc con trâu sắp chết trong lễ hội. Hát khóc thường có giọng ai oán, sầu não khiến người nghe phải buồn theo. Hát khóc trong đám tang thường kể về số phận người đã mất và những công trạng của họ đối với người còn sống trong gia đình cũng như cầu mong cho người chết siêu thoát. Bài hát khóc người chết sau đây nghe thật ai oán: Măng người bẻ vỏ còn chất đống – Nước người tát hố vực còn cạn – Bầu người trồng nay vẫn có trái – Người làm nhà chúng tôi đang ở – Nếu ngủ say hãy thức dậy đi – Nếu ngủ say hãy tỉnh giấc đi. Ở bài hát khóc này, hình thức lặp từ, lặp ngữ đã có tác dụng rất lớn trong việc khắc sâu công trạng của người đã chết và qua đó cũng bày tỏ được lòng tiếc thương vô hạn của mọi người trong gia đình, bon làng.
2. Dựa vào hình thức nghi thức 
 Dân ca tín ngưỡng (Khấn thần Bưh Rrah)
Từ lâu đời, đồng bào M’Nông luôn có quan niệm rằng: Cuộc sống xung quanh gồm hai thế giới: Một là đời sống thực, hai là đời sống vô hình của các thần linh. Họ nghĩ rằng ở bất cứ nơi nào, vật gì cũng đều có các thần ngự trị, từ trời, đất đến dòng sông, ngọn núi, cây đa, bến nước, cái rẫy, cái nương, cái nhà, cái chiêng, cái ché… con người sống hay chết, no đủ hay đói nghèo, khoẻ mạnh hay bệnh tật… đều do các Yang (trời) làm nên. Chính vì vậy, dân gian đã sáng tác ra nhiều bài hát để ca ngợi oai linh của các thần.
Hát tín ngưỡng là một loại hát dân gian gắn với lễ nghi tín ngưỡng. Phần lớn các bài dân ca tín ngưỡng đều nhằm mục đích ca ngợi, cầu xin các thần giúp con người vượt qua khó khăn, dịch bệnh; mùa màng được bội thu; cho con cháu vui chơi; trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng; thóc đầy kho, đầy bồ. Hình thức này thường được hát trong các buổi lễ, hội của cộng đồng. Ban đầu chỉ do các thầy cúng, cúng rì rầm để cầu xin các Yang, được đệm theo bằng nhạc cồng chiêng, trống trong không khí trang nghiêm của cộng đồng hoặc gia đình. Sau này hát tín ngưỡng được nhiều người sử dụng trong sinh hoạt. Vì vậy, ranh giới giữa lễ nghi tín ngưỡng với nghệ thuật và đời thường rất gần gũi.
 Dân ca đợi chờ (M’prơ)
Được thanh niên nam nữ dùng khá phổ biến. Mỗi khi vắng người yêu, chàng trai đem sáo ra thổi, đem đàn ra đánh, gửi nỗi nhớ nhung, chờ đợi vào tiếng đàn, thay cho lời tâm sự. Những bài ca được cất lên có tiếng nhạc rừng phụ họa làm vơi nỗi nhớ thương. Môi trường của điệu hát này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, sự việc, có khi ở chòi canh trên rẫy, hoặc trên nhà sàn sau giờ làm việc, trong một đêm trăng gió thổi, trong những lúc nghỉ ngơi thanh thản nhất.   
 Dân ca giao duyên (Tăp tà Weu)
Hát giao duyên được đồng bào người M’Nông gọi là Ngơi Lơh, người M’Nông hát giao duyên trở thành phong tục tập quán, thành truyền thống trong đời sống thanh niên. Đây còn gọi là hát tỏ tình hay hát đối đáp, trai gái làm quen nhau… khi bắt được “nhịp” của nhau, có nghĩa là đã ưng ý, thông qua những câu hát, họ chuyển qua những bài ca ước hẹn, thề thốt giữ trọn tình yêu, hẹn ngày chung hạnh phúc. Trước khi chia tay họ hát những khúc ca tiễn biệt với tình yêu tha thiết và hẹn nhau những lần hát sau đó. Hát giao duyên là thể loại được các thanh niên nam nữ sử dụng trong nhiều trường hợp, những khi hẹn hò nhau đi hát, bên ché rượu cần trong lễ hội bỏ mả, lễ đâm trâu, những lúc nghỉ ngơi…
 Hát ru (Chiêng Kon)
Hát ru có đặc điểm chung là nét nhạc êm dịu, du dương, trìu mến, tiết tấu nhẹ nhàng, lời ca giàu hình tượng, thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết đối với trẻ thơ. Hát ru con có cung bậc âm thanh trầm, đều đặn, sâu lắng của người bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em… khiến em bé dễ đi vào giấc ngủ. Thậm chí, ngay cả khi địu con trên đường lên nương hay đang lao động sản xuất, phụ nữ M’Nông cũng thường hay ru con. Hầu hết những bài hát ru đều có nội dung nói về nhận thức, ước mơ, hoài bão của các bà, các mẹ, các chị về cháu, con, em mình. Bài hát ru “Đi rừng” là cả bức tranh sinh động về núi rừng, ước mơ, hoài bão về đứa con sau này khỏe mạnh: Em ta ơi, mau cao lớn nhé – Em ta ơi, cầm rổ xúc cá – Em ta ơi, cầm nỏ bắn sóc. Với nội dung đó và giai điệu sâu lắng, có lẽ em bé sẽ được chắp thêm đôi cánh ước mơ, ngay từ khi tuổi còn thơ.
Ngoài yếu tố ru cho trẻ nhỏ, chính người ru cũng được sưởi ấm lòng mình, được vỗ về bằng những tình cảm của trẻ thơ, nó còn gợi nhớ tình cảm xa xăm, yêu thương, cao đẹp, có khi tủi hận cho số phận đã qua. Nội dung hát ru là những bài ca giản dị, chất phác, không cầu kỳ ở ngôn từ nhưng chứa chất nỗi niềm, tâm sự phong phú. Bên cạnh đó còn có những câu hát mang tính giáo dục cao. Nếu có những oan khuất trong cuộc sống không thể nói công khai thì hát ru là môi trường tạo điều kiện thuận lợi để người hát giãi bày những điều còn chất chứa trong lòng. Hát ru thường được nghe trong đêm khuya thanh vắng hoặc trong những buổi trưa hè oi ả. Trong không gian ấy, hát ru không những chỉ có tác dụng cho con trẻ mà còn cho chính người mẹ (người hát) và những người được nghe.    
Ngoài tác dụng đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, nó con là dòng sữa thiêng liêng gieo mầm và nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, giáo dục tình cảm trong sáng và phẩm chất tốt đẹp cho mỗi chúng ta từ khi cất tiếng khóc chào đời; góp phần vào việc phê phán những hiện tượng xấu trong xã hội hoặc ở từng con người. Hát ru chính là những bản nhạc đầu tiên đứa trẻ được nghe trong đời.
Là một thể loại ca hát bắt nguồn từ cuộc sống, nảy sinh từ thực tế cuộc sống và dần dần trở thành nghệ thuật đích thực, các làn điệu hát ru xuất hiện và tồn tại trong sự đan xen rất khó phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và cuộc sống. Hát ru để dỗ con ngủ dần dần trở thành hát về lòng mẹ.
 Đồng giao (Nao mưi kon xe)
Hát đồng giao là thể loại hát dân gian của trò chơi con trẻ. Dân tộc M’Nông gọi là Nao mui kon xe khi tổ chức những trò chơi như đi cà kheo, kéo co, trốn tìm… các em rất hay có các điệu hát phụ họa, vừa chơi vừa hát, làm cho các trò chơi thêm phần sôi nổi, vui vẻ. Nó cũng giống như trò chi chi chành chành, xỉa cá mè, đè cá chép hoặc Oẳn tù tì của các em nhỏ miền đồng bằng vậy.





SỐ 264 - tác giả TÚ ANH




Giêng


Vài nhành nắng trổ vào giêng
Hoa xoan cởi áo ngủ miền tương tư
Tím chi đến biếc môi hờ
Mong manh chi để gió mơ chạm trời
Lối về đã cũ một tôi
Những giêng lần xác nắng vời gọi tên
Chiều nay tím rức bên thềm

Lời ru con sáo ướt mèm vạt giêng.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TRƯƠNG BI




CON SỐ 7 TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
CỦA DÂN TỘC Ê ĐÊ
                                                               
Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, con số 7 đã trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo của các buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk. Theo quan niệm của người Êđê, con số 7 là con số tâm linh, con số bình yên, no đủ, phát triển, bền vững. Một số già làng tâm sự rằng: Khi lớn lên, chúng tôi đã thấy ông bà mình dùng con số 7 rồi. Cụ thể như, cầu thang nhà dài có bảy bậc lên xuống; dàn chiêng knah có 7 cái; đứa trẻ sinh ra sau 7 ngày phải làm lễ đặt tên mới được bình an… Con số 7 gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, dòng họ. Nó tồn tại trong các nghi lễ vòng đời người, trong các nghi lễ nông nghiệp, trong truyện cổ, sử thi, trong luật tục, gia phả, trong lời nói vần, lời hát kưt , lời hát ay ray, lời hát muin… của người Êđê chúng tôi từ bao đời nay.  
Quả vậy, trong quá trình nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, chúng tôi thấy số đếm của người Êđê chỉ dừng lại ở con số 7. Cụ thể từ số 1 đến số 7 chỉ dùng một từ: sa(1), dua(2), tlao(3), pa(4), êma(5), năm(6), kjut(7). Từ con số 8 trở lên phải ghép hai từ lại với nhau: sa păn(8), dua păn(9); nghĩa là lấy số 1(sa), số 2(dua) ghép với từ păn để có các con số lớn hơn số 7 là con số 8 và số 9. Như thế số đếm của người Êđê chỉ giới hạn đến con số 7, muốn có những con số lớn hơn thì phải ghép thêm những con số khác.
Trong đời sống văn hóa của mình, người Êđê thường sử dụng con số 7 như là một biểu tượng không thể thiếu được. Như khi đứa trẻ vừa mới sinh ra, cha mẹ của đứa trẻ sai người nhà dùng chày giã gạo ném đi, ném lại dưới gầm nhà sàn 7 lần để xua đuổi thần ác ra khỏi nhà, nhằm bảo vệ tính mạng cho đứa trẻ. Trong thời gian 7 ngày, kể từ khi đứa bé sinh ra, cha mẹ đứa trẻ phải đặt tên cho con mình, nếu để  chậm thì thần cây đa sẽ bắt đi. Trong vòng một đời người của người Êđê, được tổ  chức 7 lần cúng để cầu sức khỏe, cầu cuộc sống bình an, no đủ, có con đàn, cháu đống. Cây nêu (cột gơng), dùng để cúng mừng thọ cho người già được khắc 7 vòng ở đầu cột, và bôi 7 vòng tiết trâu, nhằm báo với thần linh rằng chủ nhà đã thực hiện được 7 vòng cúng lớn trong vòng đời người rồi. Lễ cúng mừng thọ cho người già được buộc 7 ché rượu để cúng thần linh, tổ tiên, ông bà, nhằm cầu sức khỏe, sống thọ với con cháu. Trong những lễ hội lớn thường có 7 cô gái đẹp, với trang phục truyền thống cùng nhau múa mời rượu xung quanh ché rượu, sau đó các cô gái dùng 7 vỏ quả bầu khô đặt ngửa làm máng theo bậc thang để đổ nước vào miệng ché mời khách quý uống rượu. Mâm cơm cúng các vị thần linh, tổ tiên, ông bà thường có 7 tô cơm, 7 tô canh, 7 tô thịt chín đã thái nhỏ, 7 bát không và 7 đôi đũa được đặt trên chiếu hoa gần cửa sổ phía đông ngôi nhà dài.
Trong lễ bỏ mả của người Êđê M’Dhur, để đưa tiễn linh hồn người quá cố về với buôn làng của tổ tiên, ông bà, đoàn người múa tung khắc và đánh chiêng vừa đi vừa múa xung quang ngôi mộ 7 vòng (theo ngược chiều kim đồng hồ). Tiếp đến 7 cô gái trẻ trong trang phục truyền thống đứng hàng ngang, quay mặt về phía mâm lễ đặt trước nhà mồ người quá cố, múa điệu chim Grứ, với ý nghĩa nhờ chim thần đưa linh hồn người quá cố về với buôn làng của tổ tiên, ông bà. Sau đó gia chủ mới tiến hành nghi lễ đâm trâu, hiến thần linh.
Trong lễ rước k’pan, gia chủ chọn 14 chàng trai khỏe mạnh, được chia thành 7 đôi đứng song song với nhau để khiêng ghế k’pan. Lễ rước k’pan phải tiến hành 7 nghi lễ khác nhau thì gia chủ mới được rước ghế k’pan vào nhà.
Trong lễ trưởng thành cho con trai mình, gia chủ phải làm một con heo cúng thần linh, dài 7 gang tay người lớn (tính từ vai cho đến cuối mông con heo); đồng thời phải chọn 7 chàng trai chưa vợ, 7 cô gái chưa chồng, đi ra bến nước, lấy nước về đổ vào 7 ché rượu để cúng thần linh. Trong lễ này, gia chủ phải tiến hành 7 nghi lễ khác nhau, thì chủ bến nước, trưởng họ và cộng đồng mới công nhận chàng trai đã trưởng thành.
Ngoài cồng chiêng (được gọi là nhạc khí thiêng) chỉ được dùng trong các lễ cúng thần linh, người Êđê còn chế tác một số nhạc cụ khác bằng tre, nứa, gỗ, sừng… tiêu biểu là 7 nhạc cụ: Ching k’ram, đing năm, đing tut, taktar, ky pă, đing buốt, goong.
Trong kho tàng truyện cổ, sử thi của mình, người Êđê thường sử dụng con số 7 để chỉ về không gian, thời gian. Đó là những cụm từ: “Bảy mùa rẫy đã trôi qua”; “Chàng trai phải vượt qua bảy ngọn núi, bảy con sông, bảy dòng thác”; “Chàng Sing Nhã mới sinh ra đã nhảy qua bảy ngọn núi, bảy con suối, bảy cánh rừng”; “Hai M’tao đánh nhau suốt 7 ngày, 7 đêm mà không phân thắng bại”…
Trong sử thi Dam San, chàng Dam San phải đánh nhau với 7 M’tao hùng mạnh để cứu vợ mình là H’Nhí, H’Bhi. Hoặc Dam San phải đi mất 7 mùa trăng mới đến được nhà của nữ thần mặt trời.
Trong sử thi Dăm Tiông, trước khi đi đánh nhau với M’tao, chàng Dăm Tiông đã ăn hết 7 nồi cơm, uống hết 7 ché rượu,  uống cạn 7 con suối, mới có thêm sức mạnh để đánh thắng M’tao độc ác, cứu người mẹ thân yêu của mình và dân làng trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhìn chung, con số 7 vẫn còn hiện hữu rất nhiều trong đời sống văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất của người Êđê mà chúng tôi vẫn chưa nêu ra đây hết được. Nó là con số mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, giàu đẹp của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung.

SỐ 264 - tác giả ĐỖ THƯỢNG THẾ



Bài ca lá cỏ

Từng qua đây
Giấc mơ những vì sao không tắt
Những giọt mưa biết nhịn nhường tiếng chim
Trên hành trình của lửa
Dắt theo hơi thở mầm non

Những dấu hờn của mây của chiều ráng đỏ
Lướt thướt và vu vơ

Từng qua đây khoảng thầm ô cửa
Lời đứt nối trập trùng – thành thơ
Tiếng gọi bờ nắng dậy
Tiếng lặng thầm giòn vang

Mắt ửng giọt sương chớm
Trên khắp da thịt ngày

Lắng nghe và lắng nghe!
Nhịp điệu tách dòng ngọn suối tuổi mười lăm

Bao khúc thức mùa xuân mườn mượt…

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả NGUYỄN LÊ HẰNG




Cắt sợi dây tình

Cắt dây đi anh đừng tự trói nhau
Sẽ thèm khát môi nhau thành lệ
Sẽ nói yêu mà khát nhau như thể
Chưa biết đến vị yêu…

Cắt dây sẽ chẳng nhớ được đâu
Có gọi tên dĩ vãng hóa không màu
Chúng mình hóa những bờ môi khát
Vị lạnh tình chạm nhau

Em gom vị nhớ từ anh
Nghe nói yêu là tự lòng thấy sợ
Em hóa đá sau lời anh cởi bỏ
Thuộc về ký ức vơi

Nhớ đến nhau như cuộn chỉ màu
Gỡ thì rối mà có người đau nhói
Dẫu mê em trải thảm nỗi đau
Cho một người ngồi nhặt…



Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả INRASARA




CÂU CHUYỆN VĂN HỌC:
KHI KHÔNG Ở TRÊN MỘT CHIỀU KÍCH


Khi không ở trên một chiều kích, chứ không là trình độ, các nhà văn khó hiểu/ cảm thông nhau. Từ đó, không chấp nhận hay kích bác nhau.
Tại sao các thế hệ thơ Việt Nam không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ hàng đầu nữa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; Xuân Diệu thì phê thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi. Tôi còn biết khá nhiều nhà thơ tài năng cho cái Đinh Linh, Bùi Chát viết ra không phải là thơ!
Qua “tương thoại” vừa rồi với một bạn văn, tôi càng thấm điều đó. Không phải ở trình độ cao hay thấp, ở đọc nhiều hay ít… mà là ở chiều kích. Rõ hơn, là ở hệ mĩ học, hay bình dân hơn – ở quan điểm khác nhau về văn chương.
Trước hiện thực nóng nhất của đất nước mươi năm qua là sự kiện HS-TS chẳng hạn, có rất nhiều phương pháp tiếp cận và cách thể hiện khác nhau, tùy quan điểm sáng tạo. Tùy quan điểm, người viết có thể vận dụng phương pháp hiện thực, hiện thực huyền ảo, siêu thực, hậu hiện đại… Và người đọc, tùy gu thẩm mĩ mà chọn tác phẩm hợp với gu của mình. Bởi thời hiện đại, tồn tại nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, và xã hội phân hóa thành nhiều bộ phận độc giả khác nhau. Chính điều này làm cho nền văn học phong phú và đa dạng.
Chỉ thành vấn đề, khi không ít nhà văn cứ muốn người khác theo quan điểm của mình. Tại sao không dùng phương pháp hiện thực để thể hiện một hiện thực, qua đó tác động vào xã hội? Hỏi vậy, sẽ có người vặn lại: Tại sao phải là phương pháp hiện thực, mà không là cái khác, dù cái khác kia chưa quen thuộc với quần chúng? Tại sao bạn cứ đòi tôi phải sáng tác theo phương pháp cũ đó, mà không là cái mới hơn, theo tôi – có thể hiện đại hơn, trực diện và mạnh mẽ hơn?
Hiện thực Guernica, Picasso đã “quyết không miêu tả nỗi khiếp sợ, kinh hoàng của Guernica một cách hiện thực hay lãng mạn” cũ, mà ông sử dụng cách biểu hiện khác, mới: Siêu thực với Lập thể, là phương pháp nằm ngoài tầm mong đợi horizons of expectation – hay nói cách khác, chưa quen mắt quần chúng thưởng thức hội họa đương thời. Nhưng ai dám bảo bức tranh kia không hiện thực hơn nhiều tác phẩm [sáng tác theo phương pháp] hiện thực khác?
Chính do ý muốn chủ quan đó mà, những kẻ không chút quan hệ đối kháng quyền lợi, những người thân cận và gần gũi, thậm chí rất yêu thương nhau ít khi chấp nhận nhau. Bởi ai cũng nghĩ cách của mình là ngon nhất. Cho nên mới có… “Phê bình Lập biên bản” – là lối phê bình đi vào trong hệ mĩ học sáng tác của tác phẩm đó để đánh giá cái hay cái dở của nó, chứ không từ hệ mĩ học nào khác.
Học biết chấp nhận [những] cái khác Others là khởi động cho tinh thần dân chủ.









Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả PHẠM ÁNH





Chị tôi


Chị tôi xưa ở Trường Sơn
Một thời con gái vui buồn đã qua
Mắt môi lặng lẽ về già
Ruộng vườn ngõ trước heo gà ngõ sau

Tình duyên chị có gì đâu
Gặp anh từ thuở ban đầu… vậy thôi
Chiến tranh tắt lửa lâu rồi
Chị tôi vẫn cứ lẻ loi một mình

Chị còn ký ức lung linh
Chị đi qua ngõ trúc xinh năm nào
Chỉ còn những giấc chiêm bao
Có anh có cả ca dao hẹn hò.


Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TRẦN VĂN HỘI



Những đôi mắt trên đầu ngọn sóng

Tôi nếm từng hạt cát ở đầu sóng
ngọn gió
và lặng lẽ lắng nghe
âm sắc
mùi vị
không ngớt va đập

Huống chi hạt cát ở Lý Sơn

Lý Sơn
đêm
và ngày
vang gió
cứ ngỡ mình lênh đênh
quẫy bơi theo nhịp chèo
của nắng
lòng mặn mòi
theo luồng cá bể Đông

Tôi bước đi giữa những ngôi mộ gió
thơm
nén nhang
gọi hồn
về bến bãi

Huống chi ở Lý Sơn
nắm đất sét
cành dâu
cũng hóa hình hài máu thịt
những đôi mắt ở Lý Sơn
tạc vào tượng đài hải đội dân binh
Hoàng Sa
tạc vào mỗi chiếc ghe

trên đầu ngọn sóng.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả VŨ BÌNH LỤC




“CẢM HOÀI” CỦA ĐẶNG DUNG
NỖI ĐAU NGƯỜI ANH HÙNG CHIẾN BẠI


Phiên âm:

CẢM HOÀI

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.


Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây?
Trời đất rộng lớn thu vào trong một khúc ca say.
Gặp thời, anh hàng thịt, kẻ câu cá, cũng dễ làm nên công lạ,
Lỡ vận, bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay thời chuyển thế
(Nhưng) không có cách nào kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng.

Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục:
Việc đời biết tính sao đây?
Đất trời gom khúc ca say đắng lòng.
Gặp thời, đồ điếu thành công,
Thất cơ, bao kẻ anh hùng trắng tay.
Những mong giúp chúa chuyển xoay,
Kéo sông Ngân rửa kiếm này được sao?
Hận còn đây, sớm bạc đầu,
Mài gươm vẹt ánh trăng thâu mấy lần.

Cha con Đặng Tất, Đặng Dung, đều là những anh hùng hào kiệt, lừng lẫy ở thời Hậu Trần. Nhưng buồn thay, họ đều là những anh hùng lỡ vận, không gặp thời, lại không gặp được minh chúa. Cha (Đặng Tất), chết oan vì sự nghi kỵ ngu hèn của kẻ cầm quyền (Giản Định Đế). Con (Đặng Dung), chết uất hận trong tay giặc Minh, mặc dù họ đã có những cơ hội làm nên sự nghiệp lớn lao, giành lại giang sơn đất nước từ tay ngoại bang xâm lược.
Đặng Dung để lại cho đời một bài thơ bất hủ, bài thơ “Cảm hoài”, bên cạnh những chiến công oanh liệt và tấm gương hy sinh đẹp đẽ của chính ông. “Cảm hoài” có lẽ được danh tướng Đặng Dung viết vào thời điểm trước khi ông bị tướng Minh Trương Phụ bắt (1413). Sống lẩn trốn trong núi rừng, sức cùng, lực kiệt, cảm thấy không còn cơ hội khôi phục sự nghiệp chiến đấu chống giặc Minh, ông bày tỏ nỗi “cảm hoài” bi tráng của người anh hùng thất cơ lỡ vận…
Bài thơ chữ Hán, thể thất ngôn bát cú luật Đường khá chuẩn mực. Hai câu mở đầu, đã thấy một câu hỏi lớn, chứa chất đầy bi phẫn:
Việc đời dằng dặc, mà ta già rồi, biết làm sao đây”? Hỏi, là hỏi chính mình, hỏi trời xanh thăm thẳm, rằng việc lớn chưa thành, còn bao bề bộn, ngổn ngang, mà ta thì già rồi, biết làm thế nào? Quân cuồng Minh đang mạnh, quân khởi nghĩa thua trận vì lực mỏng, thế cô. Ngày tháng qua mau, sức tàn lực kiệt, biết tính sao đây? Có lẽ, trong lòng tác giả đang dâng trào những cảm xúc riêng chung khó tả, mà đành bất lực trước “thế sự du du”, muốn “gom cả trời đất rộng lớn lại mà ném cả vào một cuộc say”, để cố quên đi hiện thực cay đắng này chăng! Hỏi, nhưng câu trả lời đã rõ. Câu mở đề đã thấy hiện lên tầm vóc tư tưởng của chủ thể trữ tình.
Hai câu tiếp theo, nói về việc đời xưa nay, thành bại chung quy là tại trời. Khi thời vận đến, thì những kẻ tầm thường, cũng dễ làm nên công lạ. Lúc vận hội bỏ ta mà đi, thì dẫu là kẻ anh hùng, cũng đành phải nuốt hận mà thôi! Việc đời xưa nay vẫn thế, mà ta cũng biết thế, không có gì lạ. Đã đành là quy luật chung của muôn đời, nhưng chẳng may vướng vào nỗi đau này, ai mà chẳng xót xa, huống chi những người ôm chí lớn! Đặng Dung trước đó đã từng chỉ huy một trận tập kích mãnh liệt và bất ngờ, khiến quân Minh tan tác tả tơi. Ông nhảy sang thuyền địch, quyết bắt sống Trương Phụ, tiếc rằng trong đêm tối, không kịp nhận ra hắn. Trương Phụ thoát chết, tập hợp binh mã phản công. Quân ta binh lực mỏng, lại không có viện binh, cuối cùng thua trận, lâm vào thế bị bao vây, khốn đốn trong rừng sâu nhiều ngày, rất khó có cơ hội phục dựng. Đặng Dung cảm nhận rằng vận nước đang vô cùng ảm đạm, thất bại là điều khó tránh khỏi, nên chi, nỗi lòng ông nặng trĩu buồn đau, uất hận vô cùng. Ông viết: “vận khứ anh hùng ẩm hận đa”! Nỗi uất hận dồn nén, phải cắn răng mà “nuốt” vào trong bụng. Chữ “ẩm hận” là uống hận, nuốt hận, là chữ tập trung nhất tinh thần cảm khái của bài thơ, đủ thấy độ căng của hận thù, độ sâu của niềm bi phẫn. Đó cũng chính là ý khai triển chủ đề, khai triển ý “vô cùng thiên địa nhập hàm ca” ở câu mở đề. Có lẽ sau này, Nguyễn Trãi đã lấy cảm hứng ở đây mà nâng cấp lên câu “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng ôm hận mấy ngàn năm) chăng?
Hai câu 5 và 6, tiếp nối mạch trữ tình, mạch tâm trạng phẫn uất buồn đau:
      “Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
    Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”.
Lòng những chăm chắm muốn đem tài giúp chúa, xoay thời chuyển thế, mong lật lại thế cờ, giành lại non sông, nhưng tiếc thay, thời vận không còn, không có cách nào, không có con đường nào (vô lộ) kéo được sông Ngân xuống mà rửa giáp binh, kết thúc cuộc chiến giành lại bờ cõi giang sơn…
Hai câu kết, gói lại tứ thơ:
“Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc,
Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng”…
Một cái kết thật hay, vừa hiện thực, lại vừa thấm đẫm màu sắc lãng mạn. Khí thơ dồn nén, hừng hực nấu nung nỗi niềm uất hận bi tráng. Có thể nói, đây chính là một trong những câu thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam, kể từ thời dựng nước tới nay!
“Cảm hoài” của Đặng Dung là một nỗi buồn lớn. Nó là tiếng kêu bi phẫn của người anh hùng chiến bại. Ý tưởng chung, có tính khái quát, biểu hiện rõ nét ở sự đối lập. Đối lập giữa cái hữu hạn nhỏ bé của con người, với trời đất rộng lớn. Đối lập giữa khát vọng vô cùng, với hiện thực nghiệt ngã đớn đau. Đối lập giữa thời gian ngắn ngủi một đời người, với việc đời ngổn ngang dằng dặc… Và chính nó tạo nên những mâu thuẫn, những giằng xé tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Đặc sắc của bài thơ “Cảm hoài” không chỉ biểu hiện ở nghệ thuật thơ điêu luyện, ở những câu thơ gợi liên tưởng sâu rộng, khắc hoạ hình tượng nhân vật trữ tình chủ thể. Hơn thế, nó còn là nỗi cảm hoài tê tái sáng trong và cao thượng của người anh hùng thời đại, mang trái tim kẻ sỹ với tầm vóc kỳ vĩ. Bi phẫn, mà không hoàn toàn buông xuôi, tuyệt vọng, cho dù, “vận hội gặp phong ba, trí mưu sao được nữa”! (Nguyễn Trãi). “Cảm hoài” hội được cái đặc sắc về nghệ thuật thơ ca và tầm cao tư tưởng. Nó tiếp nối tinh thần cảm khái ở “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, mặc dù thời thế có khác nhau. Nó tiêu biểu cho những tiếng kêu thương đứt ruột của những anh hùng thất thế trong thời buổi vận nước gặp nguy nan, ví như Lê Cảnh Tuân cùng thời, như Nguyễn Quang Bích (Tên thực là Ngô Quang Bích), Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… sau này.
Tiếng lòng đau đớn xót xa của Đặng Dung được gửi gắm qua một bài thơ, đã đi vào lịch sử văn chương, như một kiệt tác, có thể truyền mãi đến muôn đời. Nguyễn Cảnh Dị, người bạn chiến đấu của Đặng Dung, chiến công và sự hy sinh anh dũng lẫm liệt, không thua kém Đặng Dung. Thế nhưng, Nguyễn Cảnh Dị không để lại thơ văn cho đời, nên tiếng tăm không nổi bật bằng Đặng Dung. Thế mới hay, văn chương đã góp phần làm rạng rỡ thêm gương mặt anh hùng, chẳng phải vậy sao?


SỐ 264 - tác giả VĂN LUÂN





Chợ xép



Bình minh thúng mẹt
Vòi rau xanh vươn ra khỏi gióng
Hạt sương nhìn mặt trời chưa sáng
Thong thong manh manh…

Lam lũ đời tỏi hành
Trời khoanh tròn vành nón lá
Chợ chồm hổm chòm hom
Quây quần thân phận cá cơm
Bầu bí cô đơn góc đường tự kỷ
Con cá đồng vàng mắt màu nghệ
Quẩy đuôi đập xuống dòng sông quán tính
Muối mặn đáy nồi, tái mang đục mắt
Ngáp khói tạ từ nổi trôi bèo nước

Mẹ bước ra từ kiếp trước tìm trầu
Nhăn nheo hạt cau quắt ngày chịu nắng
Lưng còng một thời quang gánh
Mẹ tôi ơi!

Chợ vắng từ ngày mẹ tôi xa
Còn lại những người đàn bà mặt phấn áo hoa
Đi qua mùa hạnh phúc…






Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả LÝ THỊ MINH CHÂU



Tôi về

Tôi về qua ngõ tuổi thơ
Ngang chiều nắng lụa
Tóc hờ hững bay
Con trâu chưa lạ đường cày
Cành đa cổ tích dang tay vẫy đùa

Qua làng gặp lại tôi xưa
Gánh xuân
Gánh cả cơn mưa ra đồng
Mùa về trên lưỡi liềm cong
Bếp vui lửa ấm rực hồng má quê

Hồn làng vắt vẻo ngọn tre
Cô trăng mười tám chừng nghe đã già
Tiếng chày tiếng cối ngâm nga
Cay gừng mặn muối mở ra cuộc đời

Tôi về tôi lại gặp tôi
Eo sông thắt dải tiếng cười gái quê
Cỏ già ăn vạ triền đê
Qua cầu bay áo

Chiều che nỗi niềm.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TRẦN XUÂN TRƯỜNG



Đợi trăng

Chiều lung lay tiếng chuông chùa
Ngập ngừng bông cải cuối mùa bên sông

Chị tôi hôm ấy trốn chồng
Đuổi theo câu hát rồi không thấy về

Gió đông thổi lệch triền đê
Vành môi mím sợi tóc thề bay ngang

Giá đừng đêm ấy hội làng
Giá đừng tiếc ánh trăng vàng đầu thôn

Xóa làm sao vết môi hôn
Tình đầu là những khúc buồn vu vơ

Chỉ vì câu hát dại khờ
Chị tôi đứng khóc bên bờ đợi trăng.


Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả LÊ VĨNH TÀI



Đừng gõ cửa phòng tôi

tôi sẽ không mở ra cho bạn
thế giới chỉ là những “đôi mắt mang hình viên đạn”
đừng trách tôi khốn nạn

đừng gõ vào bài thơ của tôi
nó bị điếc
không nghe tiếng khóc
nó đang cùng với con quái vật
nhe răng và cắn
bật cả nút chai bia

cũng đừng chạm vào con gái của tôi
tôi đã sợ rồi
tôi đã vứt tất cả những bài thơ trên đời
vì sự bình an của nó…


Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

SỐ 264 - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

 Mark Twain (1835-1910)) là một nhà văn khôi hài, tiểu thuyết gia và là nhà diễn thuyết. Ở Mỹ, Mark Twain nổi tiếng đến mức những bức thư từ người hâm mộ ghi địa chỉ “trên trời” như “Mark Twain, có Chúa biết là ở đâu” hay “Mark Twain, tìm ở chỗ Quỷ Sa Tăng xem sao” vẫn đến được tay nhà văn. Nhà Trắng từng nhận được bức thư đề “Mark Twain, nhờ Tổng thống Roosevelt chuyển giúp” và người quản lý thư từ ở Nhà Trắng cũng vui lòng chuyển thư đến tận tay Mark Twain. Đến nay, các tác phẩm của Mark Twain đã được dịch ra 72 thứ tiếng, vẫn thu hút giới phê bình hơn bất cứ nhà văn Mỹ nào.

QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG
                                                                      
CHƯƠNG I

     Vào buổi bình minh của cuộc đời, xuất hiện một nàng tiên tốt bụng mang theo chiếc giỏ, và nói:
      “Đây là quà tặng. Chọn một, chừa những món khác lại. Và nghĩ kĩ hãy chọn, đã chọn thì phải chắc. Ồ, hãy chọn một cách khôn ngoan! bởi chỉ một trong số đó có giá trị.”
      Có năm món quà: Danh vọng, Tình yêu, Giàu có, Thú vui, Cái chết. Chàng trai háo hức nói:
      “Khỏi xem”; rồi cậu chọn Thú vui.
      Vào đời, cậu tìm kiếm những thú vui tuổi trẻ. Nhưng lần lượt từng thú vui trở nên ngắn ngủi, chán chường, vô nghĩa; và thú vui phũ phàng bỏ rơi cậu. Cuối cùng cậu nói: “Những năm tháng này thật uổng phí. Nếu được làm lại từ đầu, mình sẽ chọn một cách khôn ngoan.”


CHƯƠNG II
     Nàng tiên hiện ra, và nói:
      “Còn bốn món quà. Chọn thêm lần nữa; và ồ, nhớ rằng thời gian đang trôi nhanh, và chỉ có một món quà là quý.”
      Anh ta xem thật kĩ, sau đó chọn Tình yêu; và không nhận thấy đôi mắt nàng tiên ứa lệ.
      Sau nhiều, rất nhiều năm ông ngồi cạnh một cỗ quan tài trong ngôi nhà trống. Và ông trầm ngâm, nói: “Từng người một, họ lần lượt rời xa, còn bây giờ bà ấy nằm ở đây, người thân yêu nhất, người cuối cùng của đời mình. Cô đơn tiếp nối cô đơn, sự lẻ loi hoang vắng trùm phủ đời mình; bởi phút giây hạnh phúc hóa thành kẻ bội tín, Tình yêu, bán đứng mình với cái giá một nghìn giờ buồn đau. Tận đáy lòng, mình nguyền rủa nó.”


CHƯƠNG III
     “Chọn lần nữa.” Đó là câu nói của nàng tiên.
      “Năm tháng đã dạy lão khôn ngoan...chắc vậy. Còn ba món quà. Chỉ một trong số đó là đáng giá...nhớ chọn cho đúng.”
      Lão ngẫm ngợi thật lâu trước khi chọn Danh vọng còn nàng tiên thở dài, quay bước.
      Thời gian thấm thoát trôi qua và nàng tiên trở lại, đứng đằng sau lão, người thui thủi ngồi trong chiều tàn, trầm ngâm. Và nàng đọc được nỗi ưu tư của lão:
      “Tên tuổi mình lấp kín thế gian, và lời khen luôn vang vọng lan tỏa, một thời làm mình ngất ngây. Chao ôi, chỉ là khoảnh khắc! Rồi ghen tị, rồi gièm pha, vu khống, rồi căm thù, rồi hãm hại... đủ cả. Rồi nhạo báng - khởi nguồn của mọi kết thúc. Và cuối cùng lòng thương hại - đám tang của danh vọng. Ôi chao, danh vọng mới tê xót tủi nhục làm sao! Được thì bị vùi dập, mất thì bị thương hại khinh khi.


CHƯƠNG IV
     “Giờ chọn một lần nữa.” - giọng nàng tiên. - “Hai món quà còn đó. Và đừng đánh mất hy vọng. Như ban đầu đã nói, có đó, nhưng một món trong số ấy là quý giá thôi, và nó vẫn còn nguyên đây này.”
      “Giàu có... là sức mạnh! Sao mình đui thế không biết!” cụ già nói. “Bây giờ, sau rốt, cuộc đời sẽ đáng sống. Mình sẽ xài, xả láng, hoành tráng. Đám ăn nói móc họng khinh miệt mình sẽ nhục mặt luồn cúi mình, và chúng càng ghen tị càng mơn trớn lòng kiêu hãnh, thỏa mãn trái tim cằn khô của mình. Mình sẽ có mọi thứ xa xỉ, đáp ứng mọi đam mê thân xác và tâm hồn mà ai cũng khoái. Mình sẽ mua, mua, mua! sự quý trọng, ngưỡng mộ và lòng tôn kính - mọi ân sủng hay vẻ hào nhoáng giả tạo của cái chợ đời này, một thế giới tầm thường có sẵn mọi thứ để bán. Mình đã mất quá nhiều thời gian, và có những chọn lựa sai lầm trước đây, nhưng giờ thì quên đi. Một thời lầm lạc để rồi tìm được cái tốt nhất - có lẽ thế.”
      Ba năm chóng vánh qua đi, rồi một ngày, cụ ngồi run rẩy trong căn gác tồi tàn. Cụ trông tàn tạ héo úa trong bộ đồ tả tơi, vừa mấm mẩu bánh nhạt vừa lầm bầm:
      “Nguyền rủa tất cả quà tặng trên thế gian, những trò hề giả trá... bị gọi nhầm tên, từng món một, trật lất hết. Chúng không phải là quà tặng mà đơn thuần là sự vay mượn. Thú vui, Tình yêu, Danh vọng, Giàu có: Chúng là vỏ bọc tạm thời cho những cái có thực trường cửu - Đớn đau, Sầu khổ, Nỗi nhục, Nghèo hèn. Nàng tiên đã đúng; trong tất cả những cái nàng mang cho chỉ một phần quà là quý, chỉ có một trong số đó không phải là thứ vô giá trị. Mình thật dốt nát, đáng thương để giờ mới ngã ngửa vì những thứ chọn nhầm! Thật hời hợt khi để vuột mất món quà vô giá, thân thương, ngọt ngào êm ái, món quà tử tế chân thành, món quà sẽ nương thân xác vào giấc ngàn thu và giải thoát mọi đớn đau, xóa sạch mọi xấu xa tội lỗi, đem đi tất tần tật những thứ đang bào mòn tấm thân già, bóp nát trái tim thoi thóp này. Mang đây! Tôi mệt mỏi quá rồi, tôi muốn ngủ luôn.”


CHƯƠNG V
     Nàng tiên hiện ra cùng bốn món quà, thiếu Cái chết, nói:
      “Ta đã cho đứa con cưng của một người mẹ. Nó bé tí có biết gì đâu, nhưng tin ta, bảo ta chọn hộ. Cụ đã không nhờ ta làm điều đó.”
      “Ôi...khốn nạn cái thân già! Còn cái gì cho tôi?”
      “Thứ tầm thường xứng cho cụ: Sự héo hắt của Tuổi già.”

                                                                                     
NGUYỄN TRUNG dịch