Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả TRẦN HƯƠNG GIANG




NGHIÊNG NGHIÊNG RỪNG CHIỀU

Tạp bút

Cơn nắng chiều đổ xuống dìu dịu, che thảm gió đong đưa quanh rừng núi. Nhìn những mái nhà sàn cao chót vót uốn cong lại tạo thành hình chóp lẳng lặng, yên ả tựa tiếng lá rung reo. Khẽ lách qua, rồi nhẹ nhàng bước lên từng bậc một của chiếc cầu thang chỉ năm khấc là có thể leo lên tới gian đầu tiên của ngôi nhà người Êđê, cứ kéo dài mãi ra tận phía sau cùng. Nếu nhà nào nghèo, chỉ có sàn tre, khấm khá hơn thì là sàn gỗ mộc. Khi bước lên những ngôi nhà sàn bằng tre, nếu không quen, lúc đầu thường tạo cho người ta cảm giác sợ sệt lắm lắm. Vì người lạ, hoặc khách từ phương xa đến, chân quen bước với đường bằng, đất phẳng, với gạch đá hoa láng coóng nên sẽ khó khăn tí chút khi lần gót trên những gian nhà này. Thường thì cứ thấy mặt sàn tre thưa thớt, lại chểnh vểnh trên cao. Người vừa đi vừa phải nhìn ngó xuống phía dưới lọt thỏm qua những khe hở của sàn tre chỉ thấy heo, gà, ngan ngỗng... kể cả củi đuốc. Chỉ kẻ có gốc gác từ buôn làng khi ra đi lúc trở về mới có thể chạy băng băng trên mặt sàn ấy được. Lâu lắm rồi, phải cũng gần một năm trời tôi mới lại có dịp được đặt chân đến những ngôi nhà sàn như thế này vào một buổi chiều nắng cứ tà tà xuôi theo con đường đất đỏ, bụi bay mờ mịt nay lắng lại sau một trận mưa ào ào trút bỏ cái lớp áo ngoài quen thuộc. Ngôi nhà sàn bằng tre đã được thay bằng gỗ, có lẽ theo thời gian đời sống của bà con trong buôn cũng đỡ phần heo hút hơn chăng? Tôi đã có thể chạy tung tăng từ gian đầu đến gian cuối mà rúc ngay vào bếp lửa tìm kiếm những quả ngô luộc ngày mùa. Cuộc sống cứ giản dị, hoang sơ thế mà sao vẫn níu kéo lòng người đến vậy? Phải chăng còn ẩn chứa cả tâm hồn thật thà chân chất của những con người từ thuở Âu Cơ quay trở về đây thôi. Này thì hình ảnh của những bà mẹ địu con đằng sau lưng vừa pặp pặp điếu thuốc lá quấn vội, vừa làm một công việc gì đó, để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, đợi người đi rẫy đường xa sắp về. Còn kia nữa, thấp thoáng những chiếc gùi đầy ắp nước suối cứ trong veo, trong văn vắt tưởng chừng mình có thể tự thưởng thức cái vị ngọt thanh của dòng nước thiên nhiên, này lắm khi nghĩ đến những con thác đổ róc rách, vòng vèo qua khe để thành con suối nhỏ mát trong. Người ở nhà, lại cứ mong ngóng kẻ trên rẫy. Có gì để người ta lại muốn đợi chờ, muốn nhìn xa xăm... Phải rồi, lệ thường ắt hẳn trong những gùi của người trên rẫy có một số thức cần thiết lắm. Người chồng, hay người mẹ vừa bước chân lên sàn đã thấy vợ và những đứa con ngóng nhìn. Nụ cười nở trên môi một cách bình thản, lem luốc với bụi đất mà đáng yêu thay. Họ cùng nhau lấy ra từ chiếc gùi lớn có, bé có nào là lá giang rừng, nào là ớt, là măng tươi, hoặc bầu hoặc bí. Măng và ớt là hai loại không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở những buôn làng này. Còn một thứ mà họ cho rằng đó là đặc sản, là món ăn của quê hương, dẫu kẻ ở xa, hay người ở gần đi chăng nữa cũng hay thèm thuồng, hay vòi vĩnh được thưởng thức, đó là lá sắn (còn gọi là lá mỳ) nấu chung với quả cà đắng. Cả hai thứ ấy họ có thể bỏ chung vào xào, nấu. Nhưng không bao giờ họ quên gia vị quan trọng ấy là ớt tươi xanh bé tí hạt tiêu mà cay xè đến bỏng rát cả lưỡi. Ai không quen dễ ngồi mà chảy nước mắt sống lắm. Nói về món ăn của người Tây Nguyên không biết bao nhiêu mà kể. Thỉnh thoảng, khá hơn người đàn ông sau một ngày mệt mỏi với núi đồi, nương rẫy lại băng băng về nhà trong niềm hân hoan nho nhỏ khoe với cả nhà chiến tích săn bắn của mình. Vậy là cả nhà sẽ có một bữa thịt rừng. Nếu còn dư, người phụ nữ lại hì hụi cắt xén rồi treo lên giàn bếp lửa, phơi khô đợi có dịp lại đem ra đãi khách. Người đồng bào ở cái xứ đất bazan này quý cái tình, trọng cái nghĩa, mến kẻ đến nhà mình chơi lắm. Ai họ cũng đều có thể xem là bạn, là người thân trong gia đình. Khách đến làm vui lòng khách bằng cách đem mời những gì trong nhà có được. Khách về cũng cố níu kéo, khi không thể họ lại cố gói ghém chu đáo một gói thịt khô om trong lá chuối thơm lừng, hay vài quả bắp tươi vừa mới bẻ từ trên cây còn xanh mướt, căng mọng hạt sữa... Ấy đấy, mà người đến người đi cũng cảm thấy luyến lưu gắn bó cái tình, cái bụng chân thật của họ để chẳng nỡ rời chân rồi lại thêm nhớ thêm nhung. Chiều bạt ngàn khói toả trên nương đồi tựa như những bóng mây vừa sà xuống mặt đất. Núi cao khẽ ngắm mình giữa lưng chừng trời mà reo hát với tiếng chim phí, chim kơtia yên ả thanh bình. Ngày cũng như đêm, những cuộn khói trong các bếp lửa của họ vẫn cứ sáng bừng có khi rung rinh tí tách nổ trong sự quây quần, sum họp; lại có khi âm ỉ cháy ấp ủ hơi ấm cho một ngày mùa vất vả nữa sẽ đến vào sáng mai. Nhưng, đẹp nhất vẫn là cái khoảnh khắc ngày mùa hoàng hôn như thế này. Chỉ có lúc đó người ta mới có thể chiêm ngưỡng hết cái "dung nhan" của sự sống đang căng tràn bật lên từ những ngôi nhà sàn dẫu chỉ cách nhau có một đám đất cà phê, hay hàng rào muồng muỗng. Đứng từ trên cao mà nhìn xuống, đôi khi chỉ có thể nhìn thấy một cụm khói bay lên thôi cũng đủ để cảm giác trong lòng mình ấm lại, phải rồi ngôi làng đó mình đã từng đặt chân đến, hay ngôi nhà đó mình đã từng được sinh ra... Biết bao nhiêu người con của buôn làng đã ra đi, đã trở thành người có ăn có học. Cũng có thể giờ này họ đã làm một ông nọ bà kia nơi đất thành thị lắm xa hoa, lắm tiện nghi, nhiều cao lương mĩ vị. Nhưng, đến lúc quay trở về lại thèm thuồng dù chỉ một bát canh cà xào với lá sắn cay cay vị ớt. Hoặc cũng có thể là một vắt cơm lam được đun trong ống tre, ống nứa vàng ruộm, thơm phưng phức, cái mùi vị đã quá quen thuộc: Mùi vị của quê hương mà. Hỏi ai chẳng có lấy một mảnh đất chôn nhau cắt rốn để hướng về, hỏi ai mà chẳng biết một vài thổ ngữ, chẳng thuộc làu làu một con đường mòn mà mình vẫn thường hay đi qua. Đất đỏ không oằn lên những vết lồi, vết lõm mỗi đận mưa kéo dài thì những cánh rừng chiều vẫn còn nghiêng bóng che lối bước người đi trong ánh nắng hoàng hôn không tắt được đốm lửa hồng đang còn le lói như sương khuya đọng lại trên lá bắp, cờ non...

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả NINH ĐỨC HẬU










Bấm tay chị đợi



Bấm tay chị đợi... mùa đông
Hắt hiu đêm lạnh phòng không gió lùa
Giá mà ngủ được để mơ
Vòng tay vạm vỡ người xưa tìm về

Bấm tay chị đợi... mùa hè
Não lòng cháy khét tiếng ve cuộn cào
Giá mà trong những chiêm bao
Người xưa yêu dấu không vào hoang vu

Bấm tay chị đợi... mùa thu
Xác xao gió lá mịt mù hoang xa
Bao năm anh đã xa nhà
Bấy năm mộng mị vẫn là người xưa

Bấm tay chị đợi... phùn mưa
Ban mai nắng ấm đón mùa xuân sang
Trong mơ anh cũng ngỡ ngàng
Má hồng môi thắm nồng nàn chờ anh!









Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả PHẠM THỊ NGỌC THANH







Tháng Ba chín




Anh có kịp về tiễn tháng Ba không
Những trái đỏ tươi rụng đầy trên cỏ biếc
Như vần thơ em đôi lần thất hẹn
Ngả nghiêng mùa
Chén rượu
Nhớ Quỳnh Dao
Anh có kịp về tiễn tháng Ba Không?
Em hái đóa phù dung buồn mong manh ngọn nắng
Sẽ đến ngày tóc trắng
Sẽ đến ngày tim phai
Sẽ đến ngày lối rẽ chia hai
Và mùa xuân rụng chín...
Anh có về tiễn tháng Ba cùng em
Từng giọt máu trong tim
Mang hình hài rêu phủ
Những viên xúc xắc mùa xuân đủ sáu chiều thương nhớ
Đủ sáu chiều nhật nguyệt trao nhau
Trên cánh đồng tình yêu màu hoa tím xôn xao
Tia nắng mặt trời ngỏ lời cùng mây trắng
Tháng Ba chín đỏ trong vườn em thầm lặng
Anh có kịp về tiễn tháng Ba không?




Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả HOÀNG BÌNH TRỌNG










Có một người làm thơ như thế
(Tưởng nhớ đồng đội Lưu Ngọc Tuyến)



Có một người làm nhiều thơ hay mà không biết mình là thi sĩ
Những bài thơ trên đường hành quân
Những bài thơ dọc chiến hào đánh Mỹ
Thơ làm xong, anh ghi vào nhật ký
Và độc giả suốt đời là bè bạn chí thân

Rồi một ngày người làm thơ nằm xuống
Lấy thân mình đè lên thép gai cho đồng đội xung phong...

Thắng trận trở về
Bạn bè, đồng chí
Đọc thơ anh theo dòng nhật ký
Đọc thơ anh theo nhịp đập trái tim
Và những vần thơ tươi xanh
Những vần thơ lửa cháy
Theo anh đứng dậy
Đi trong tiểu đội
Đi trong đội ngũ điệp trùng...

Cứ như thế, người làm thơ đâu biết mình là thi sĩ
Nhưng thơ anh đã trở thành vũ khí tấn công.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN




Các anh sống mãi



Những người lính hi sinh
trong trận hải chiến Gạc Ma(*)
ngày mười bốn tháng ba năm một chín tám tám
hai mươi lăm năm im lặng
nỗi đau lặn trong tim
để hôm nay bật lên
tiếng nấc
rớm máu

Những người mẹ đau đáu trông con
những người vợ mòn mỏi chờ chồng
những đứa con mong cha
im lặng
hai mươi lăm năm đằng đẵng
khóc thầm
dẫu biết rằng con chẳng thể về
dẫu biết rằng chồng mãi ra đi
dẫu biết rằng cha không còn nữa...

Hai mươi lăm năm rồi
cứ ngỡ hôm qua
những chàng trai mười tám đôi mươi
ngực căng gió ôm chặt cờ đỏ
chân cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng
chở che cho biển đảo quê hương
trước bom đạn quân thù xối xả
máu các anh thắm đỏ màu cờ

Hai mươi lăm năm
để bây giờ
khóc cho những người con xả thân vì Tổ quốc
sự thật không thể che lấp
lịch sử thuộc về nhân dân
hãy biết nââng niu cho đất nước trường tồn
những anh hùng Gạc Ma
trong lòng dân mãi mãi!

12.3.2013



(*) Ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hi sinh anh dũng trong trận hải chiến không cân sức chống quân Trung Quốc xâm chiếm đảo  Gạc Ma trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả MINH THƯỢC





Mãi ngàn đời
ca ngợi chiến công


Biển dậy sóng, đuổi thù khỏi Cô Lin
Giữa Gạc Ma, tạc tên vòng tròn bất tử
Cờ Tổ quốc phập phồng trong sóng dữ
Mãi ngàn đời ca ngợi chiến công anh

Gửi tuổi xuân trong nước biển xanh
Bao mẹ già dõi nhìn theo sóng cả
Người vợ hiền vọng phu hóa đá
Khôn xiết bao nhiêu khi Tổ quốc đón anh về

Hoàng Sa ơi! Đã bao lần rơi lệ
Mỗi ngư dân là cột mốc chủ quyền
Ngọn lửa hồng, nào hãy cháy lên
Lòng yêu nước căng đầy trong huyết quản

Hải âu ơi! Hãy báo giùm các bạn
Cùng chung tay mua xuồng giữ chủ quyền
Sáng bừng lên sức trẻ thanh niên
Điện cho nhà giàn đang cần tiếp sức

Mỗi sáng dậy ta thấy lòng cháy rực
Quý từng phút bình yên...
Hãy nhớ
giây phút
chẳng yên bình.


14-3-2013

SỐ: 248 - tháng BÙI QUANG THANH




Hoàng hôn Ải Bắc

Giữa mười vạn tinh binh kiêu tướng vẫn rơi đầu
Ải Chi Lăng thêm một hòn đá xám
Bóng ma hờ - cánh dơi chiều chạng vạng
Biển tinh kỳ tơ tướp hóa rừng lau

Nhiều năm qua rồi nhiều ngàn năm sau
Đá giấu mặt vào cây, vào cỏ
Hồn bại tướng vật vờ trong mưa gió
Cõi thâm u khát một giọt cam lồ

Hoàng hôn này bên bệ đá nàng Tô
Vẳng tiếng trẻ khóc cha từ bờ kia biên ải
Sương hóa lệ. Cánh dơi chiều chững lại

Mã Yên Sơn vẫn dáng ngựa tung bờm.




Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả NGUYỄN TƯỜNG VĂN





Chia tay trong buổi tòng quân


Thôi đừng bịn rịn má ơi
Bên con đồng đội khắp nơi tụ về
Mùa này gió lộng bốn bề
Từ phường phố đến miền quê rộn ràng

Đông như giữa hội xuân sang
Rừng tay vẫy tiễn lên đàng con đi
Túi hành trang chẳng có gì
Bút, tem thư, ổ bánh mì má cho

Vẫn vô tư thuở học trò
Ngỡ như du ngoạn chờ đò, xe thôi
Má đừng bịn rịn má ơi
Xe chở quân đã nổi còi gọi con.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI






Tâm thế Võ Đại tướng
       Kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Đành mắc nợ Văn Miếu Quốc Tử Giám
mắc nợ những ánh mắt học trò, trang giáo án
mắc nợ giảng đường và những câu thơ
cả đời ông gắn chặt chiếc ba lô
gắn chặt miền biên ải
tinh hoa mấy nghìn năm ngỡ như dồn cả lại
trong một con người nom có vẻ thư sinh
mà nặng trĩu buồn lo vận nước

Ông cầm quân bằng cái tâm, cái đức
binh khí trong tay là cái đạo làm người
chính vì thế mà bao năm ở bên cạnh Bác Hồ,
ông cũng là một tấm gương soi...

luôn nở trên môi một nụ cười
là nhà giáo dạy sử cầm quân nên ông biết lúc nào cần im lặng
để thắng được chính mình phải biết thắng nỗi đau
lịch sử đã chọn ông và Bác giao cho ông cầm quân
là điều không thể khác
chính sử học đã giúp ông lúc chói lọi vinh quang
và sau thời gian trận mạc
cho ông hiểu vì sao Bác lại hay gọi ông vào cuối những buổi chiều

Vì sao
ông được Bác tin yêu
vì sao
lại trở thành danh tướng
tôi tự hỏi trong rất nhiều mây trắng
ông đã nói câu gì với Mẹ lúc mưa rơi

Khi phải cầm súng gươm để dạy cách làm người
ông không gọi “trận thắng chết nhiều người là trận thắng đẹp”
ông cũng chẳng lạ gì Nguyễn Trãi ngày xưa vì sao mà phải chết
bao buồn vui vẫn như nước thủy triều?

Trước bao bức tường thành đã sụp đổ, đã chằng chịt dây leo
Ông vẫn vẹn nguyên như cuối những buổi chiều
  ngồi ăn cơm cùng Bác
Ông là Võ Nguyên Giáp
Dù Văn Miếu Quốc Tử Giám mai kia có chẳng tạc tên Người
Thì tuổi tên ông cũng đã khắc sâu trong triệu triệu trái tim
 của người dân đất Việt

Việt Trì, mùng 8 tết Quý Tỵ 2013


Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

SỐ: 248 - tác giả HỒNG CHIẾN





MỘT CUỘC ĐỜI BÌNH DỊ


Chuông điện thoại bất ngờ bật reo, tôi giật mình ngước nhìn đồng hồ đã thấy thời gian qua ngày mới mấy phút rồi. Linh tính như báo trước có điều gì chẳng lành; mở máy, thấy dòng tin nhắn: “Thầy ơi, bố em mất rồi!” Tôi sững sờ như không tin ở mắt mình, vội gọi lại cho người đồng nghiệp cũ, ngày trước là giáo viên dạy cùng trường với tôi và có lẽ do duyên số sắp đặt trở thành con rể bạn thân của tôi. Giọng ngắt quãng, anh cho biết bố vợ của mình vừa đột ngột qua đời. Tôi buông máy, ngồi lặng đi, kỷ niệm cũ ùa về...
Khoảng giữa năm 1980, Trung úy Lương Quang Khoái được điều về làm Chính trị viên kiêm Đại đội trưởng đại đội Một, huyện đội M’Drak; anh người nhỏ con, nước da ngăm ngăm đen, nhưng đổi lại có đôi mắt sáng, luôn luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi trao đổi. Thời ấy tình hình an ninh còn phức tạp, bọn Fulrô thỉnh thoảng vẫn tổ chức quấy phá cuộc sống bình yên của nhân dân. Do công việc, hai anh em quen rồi thân nhau lúc nào không biết. Tôi nhớ có một lần, hai anh em phải bơi qua hồ trước cửa Trạm kiểm soát tổng hợp Khánh Dương. Anh tỷ mỷ siết lại dây súng cho tôi rồi nói: “Khi bơi, súng vòng qua đầu, khoác chéo qua vai, dây súng siết chặt vừa phải, không chặt quá làm khó vận động, cũng không lỏng quá sẽ khó bơi.” Khi đến vùng có nhiều rong đuôi chó mọc dày, tôi hơi cuống vì thấy hình như rong quấn vào chân; anh bơi lại sát bên nói nhỏ: “Bình tĩnh, dùng tay sải dài ra kéo người lên phía trước, chân thả lỏng kéo rê trên mặt rong, đỡ tốn sức mà lại không bị rong quấn”; tôi làm theo và quả nhiên thấy hiệu nghiệm. Sau bận đó, khi quay về, anh bảo: “Làm việc gì cũng phải bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ mới có cách xử lý đúng nhất; nếu mất bình tĩnh, cuống lên là hỏng hết”. Một bài học bất ngờ nhưng in đậm mãi trong tôi.
Qua năm 1982, do yêu cầu của tổ chức, anh được điều động làm Phó phòng lương thực huyện M’Drak. Trên cương vị mới, anh cố gắng học hỏi anh em đồng nghiệp để hoàn thành xuất sắc công việc. Ngoài giờ hành chính, các buổi chiều cả cơ quan tham gia tập bóng chuyền và thi đấu vật. Ở phòng Lương thực khi ấy, anh là người nhỏ con nhất nhưng cũng là người nhanh nhẹn và khỏe nhất, anh em trong cơ quan chưa ai vật thắng anh bao giờ. Năm sau, anh được đề bạt làm Trưởng Phòng lương thực thay anh Ngô Quốc Cường được điều động về làm Trưởng ban Thanh tra, Ty Lương thực Đắk Lắk. Thời gian thấm thoắt trôi đi, ngoài ba mươi anh cũng tìm được “nửa mình” để cùng xây “tổ ấm”. Nhờ có “hậu phương” vững chắc, anh đã xây dựng Phòng lương thực huyện M’Drak thành một khối đoàn kết, nhất trí cao, luôn luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1986, thành lập huyện Ea Kar, anh được điều động về làm Trưởng phòng Lương thực huyện, một thời gian sau do yêu cầu của tổ chức, anh chuyển qua giữ chức vụ bí thư đầu tiên của xã Ea Tih - một xã mới thành lập mà đa số là người dân các tỉnh phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới, đời sống vô cùng khó khăn. Trên cương vị mới, anh cùng với Ủy ban lâm thời của xã vận động nhân dân vượt qua đói rét bệnh tật, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, vững tin xây dựng quê hương mới trên vùng đất mới. Trong thời gian này anh cùng ăn ngô, ăn sắn với nhân dân, chỗ nào người dân thoái chí muốn bỏ về, anh đều có mặt động viên để dân an tâm ở lại. Với chủ trương lấy ngắn nuôi dài, bằng biện pháp trồng các loại cây rau quả và hoa màu ngắn ngày chống đói, lấy sức khai hoang tính kế lâu dài. Vốn xuất thân từ con nhà nông của vùng đất Hưng Yên, quen với nghề nông từ nhỏ nên các chủ trương, quyết sách đưa ra rất sát thực tế, được nhân dân khi ấy đồng lòng ủng hộ nên cuộc sống người dân dần dần ổn định, cái đói thường niên bị đẩy lùi. Hình như có “duyên” với nhau, tôi cũng được điều động về công tác tại huyện Ea Kar, được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất xã Ea Tih. Khi cuộc sống của nhân dân trong xã tạm ổn định, anh được điều động đi nhận nhiệm vụ mới, cán bộ và nhân dân của xã vẫn lưu luyến và nhắc mãi hình ảnh người bí thư đầu tiên: Giản dị, gần gũi với dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, làm việc khoa học, hiệu quả.
Năm 2004, sự tình cờ của “duyên số”, tôi được điều về công tác tại địa bàn xã Cư Huê, huyện Ea Kar và tại đây, anh cũng đang đương chức Phó bí thư Đảng ủy xã (do tình hình sức khỏe, anh nghỉ hưu khi vừa tròn 55 tuổi; nhưng tổ chức cần, anh lại ra đảm nhận nhiệm vụ mới); hai anh em làm việc với nhau. Tôi nói đùa: “Bác tiến bộ nhanh quá, từ Huyện ủy viên đầu tiên của huyện, Bí thư Đảng ủy một xã, gần hai chục năm đã tiến lên đến Phó bí thư”. Anh nghiêm nét mặt có vẻ không vui với câu đùa của tôi: “Người cán bộ phải tuân thủ tổ chức, tổ chức yêu cầu ta phải chấp hành. Làm gì mà có ích cho Đảng, cho dân thì ta phải cố làm chứ người cán bộ chỉ làm vì chức vì quyền thì hỏng!” Anh nói làm tôi giật mình.
Qua tìm hiểu phong trào của địa phương xã Cư Huê, tôi biết anh đã để lại dấu ấn đậm nét của mình nơi đây khi cùng với Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã vạch ra kế hoạch và xây dựng thành công thương hiệu vùng chuyên canh rau quả sạch cung cấp cho cả vùng rộng lớn không chỉ một huyện Ea Kar, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong xã. Từ mô hình này nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn làm giàu lên từ những cây rau xanh nhỏ bé ấy. Kinh tế của đại đa số nhân dân trong xã ổn định, việc học tập cũng như chăm lo bảo vệ sức khỏe cho dân địa phương làm rất tốt. Từ một xã tình hình an ninh phức tạp, dần dần đã trở thành điểm sáng của huyện trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự xã hội; một xã nhiều dân tộc khác nhau, ở nhiều vùng đất của tổ quốc về hội tụ tại đây đã bắt tay tương trợ lẫn nhau, đoàn kết xây dựng đời sống mới ngày một ấm no, hạnh phúc. Đạt được kết quả đó là công sức của cả Đảng bộ và nhân dân xã Cư Huê và anh cũng là một phần trong cái tập thể đó.
Tâm sự với tôi về bài học rút ra từ việc giải quyết các vấn đề khiếu kiện của dân, anh bảo: Nuôi con nhỏ, tự nhiên thấy nó khóc, chắc chắn là có vấn đề, nếu không đói thì bé cũng đã tè ra tã, hay đau đâu đó; dân đã khiếu kiện thì nhất định là có vấn đề. Người cán bộ phải lắng nghe ý kiến của dân để biết tại cán bộ, chính quyền sai hay tại dân hiểu chưa đúng. Dân ta nhìn chung là tốt lắm, chỉ có điều cán bộ quan liêu, xa rời dân, hay chụp mũ cho dân nên mới làm tình hình một số điểm nóng lên, phức tạp thêm mà thôi; nếu dân hiểu chưa đúng ta giải thích cho họ rõ, ta sai phải xin lỗi mà sửa chữa. Tóm lại phải luôn gần dân, hiểu dân, thông cảm với dân và đặt địa vị của mình vào vị trí của dân khi giải quyết công việc thì dân sẽ nghe theo thôi. Những tâm sự của anh như một bản đúc kết kinh nghiệm cuộc đời một con người gắn trọn với phong trào xây dựng nông thôn từ thời quá độ đến thời cơ chế thị trường như hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. 
Năm ngoái, khi anh nghỉ công tác lần hai, tôi về thăm và nhân thể hỏi: “Bác có bí quyết gì mà đi đâu, ở cương vị nào cũng được đồng chí, đồng đội và nhân dân quý mến?” Anh cười và hóm hỉnh trả lời: “Nhà báo phỏng vấn anh đấy à? Làm gì mà phải gọi cho nó to tát: “bí quyết”, nghe ghê quá. Gần cuối đời người rồi, hết làm lính qua làm quản lý kinh tế rồi làm công tác Đảng, cái quan trọng nhất của người cán bộ nằm ở cái tâm. Tâm có sáng thì trí mới minh mẫn để giải quyết công việc một cách đúng đắn nhất. Trong công việc luôn luôn phải thẳng thắn, dân chủ; có thế mới xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao. Khi đã thành một khối đoàn kết rồi thì không có gì là không làm được, vì khi ấy công việc được giải quyết bởi một tập hợp những bộ óc sáng suốt. Chú thấy đấy cho đến nay, anh có thể tự hào một điều: dù ở cơ quan, hay đơn vị nào anh em cũng đoàn kết, nhất trí cao; không có kiện tụng, đấu đá, tranh giành lẫn nhau; mình nghĩ đó chính là hạnh phúc của người làm công tác quản lý đấy”.

Cách đây hơn tuần, tôi đang trên đường ra sân bay đi công tác, anh gọi điện báo tin vui: “Anh chuẩn bị nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ngày đó chú thu xếp về nhé!”. Tôi đã hứa sẽ thu xếp để về, vậy mà... Cuộc sống trên dương thế 61 năm chưa phải là thọ, nhưng nhìn lại cuộc đời mình, anh có thể tự hào để thanh thản ra đi. Năm 18 tuổi người con của xã Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương đã xung phong cầm súng ra trận, năm 21 tuổi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng; chiến tranh qua đi anh rời quân ngũ về công tác bên dân chính, đảm trách những chức vụ chủ chốt của các ngành: Lương Thực, Ban định canh định cư, công tác Đảng; dù ở đâu anh cũng luôn tâm niệm một điều: Xây dựng khối đoàn kết nội bộ là nhiệm vụ hàng đầu. Hơn 40 năm công tác, anh không những làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên, người cán bộ quản lý, mà còn được sự kính trọng của anh em, đồng chí, đồng đội cùng cơ quan hay sự yêu mến của nhân dân nơi anh từng đến. Phải chăng trong anh đã mang bản chất người Bộ đội Cụ Hồ, luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, nên dù ở đâu, trên cương vị nào cũng luôn luôn đề cao dân chủ để xây dựng cơ quan, đơn vị thành một khối đoàn kết nội bộ vững chắc. Đây cũng là cách anh đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ghi nhận công lao của anh, Đảng và Nhà nước đã tặng anh nhiều Huân - Huy chương cao quý.
Chuông điện thoại lại reo, nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng; tôi nhấc máy, bên đầu dây, cô lễ tân khách sạn thông báo: Đã đặt được vé về Buôn Ma Thuột, chuyến bay 7 giờ sáng nay; tôi cảm ơn rồi cúp máy. Vậy là tôi sẽ về kịp để tiễn đưa anh: Người đồng đội, người anh, người bạn về cõi vĩnh hằng khi đã làm tròn trách nhiệm nơi dương thế. Thôi, anh hãy yên tâm ra đi, những việc anh và các bậc tiền bối chưa làm xong hôm nay, ngày mai các thế hệ đi sau sẽ bước tiếp để xây dựng đất nước ta ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; tôi thầm nói với anh cũng như nói với chính lòng mình.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

GIỚI THIỆU SỐ: 248 - THÁNG 4 NĂM 2013


Tạp chí Văn Nghệ CHƯ YANG SIN
Xuất bản hàng tháng

Số: 248

Tháng 4/2013


                                   Tòa soạn:                    
172 Điện Biên Phủ - TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
ĐT :  0500.3840 276
Email: cuyangsindaklak@gmail.com
                                              
Quyền Tổng biên tập:
LÊ KHÔI NGUYÊN

Phó Tổng biên tập thường trực:
 HỒNG CHIẾN

Phó Tổng biên tập:
 ĐẶNG BÁ TIẾN

Ban biên tập:
NGUYỄN VĂN THIỆN
PHẠM HUỲNH
HUỲNH NGỌC LA SƠN

Trình bày:

Y KUAN NY NIÊ

AN QUỐC BÌNH

Thiết kế mỹ thuật:
AN QUỐC BÌNH

Sửa bản in:
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Trong số này


 VĂN:
l           Một cuộc đời bình dị () – HỒNG CHIẾN
l           Nghiêng nghiêng rừng chiều (tạp bút) – TRẦN HƯƠNG GIANG
l Anh có làm em buồn không (truyện ngắn) NGUYỄN HƯƠNG
l Bóng đại thụ giữa hồn sông núi (truyện ngắn) – TIẾN THẢO 
l           Người bạn nhỏ (truyện ngắn) – THÙY DUNG
l Hoang vắng trùng khơi (truyện ngắn) – ĐINH HỮU TRƯỜNG
l Đầu của APOLLO (truyện ngắn nước ngoài) VÕ HOÀNG MINH DỊCH (dịch)


THƠ của các tác giả:
NGUYỄN HƯNG HẢI – NGUYỄN TƯỜNG VĂN – BÙI QUANG THANH – MINH THƯỢC – NGUYỄN DUY XUÂN – HOÀNG BÌNH TRỌNG – PHẠM THỊ NGỌC THANH – NINH ĐỨC HẬU – NGUYỄN NGỌC HƯNG – HOÀNG THIÊN NGA – NGUYỄN VIẾT LỢI – TRẦN VẠN GIÃ – TRẦN CỘNG SẢN – VÕ THỊ HỒNG TƠ – HUỆ NGUYÊN – NGÔ THẾ LÂM – KIỀU THÀNH – TRẦN ĐÌNH THÀNH – Y NGUYÊN – QUẢNG TIẾN MINH – NGUYỄN NGỌC PHÚ – LÊ VĨNH TÀI – ĐẶNG BÁ TIẾN

Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:

l                       Mâu thuẩn, đối lập...       - PHẠM MINH TRỊ
l                       Hậu hiện đại khởi động...    – INRASARA
l                       Từ báo vào sách                      - NGÔ BẢO
l                       Xã hội Êđê thời cổ đại       – TRƯƠNG BI

NHẠC
Dòng sông còn đó nỗi buồn
                                        Nhạc và lời: LÊ NHẬT THANH
      Những lời già làng
                                        Nhạc và lời Y PHÔN KSƠR
               
 Ảnh Bìa 1: Chuyện một dòng sông III  –  Tranh :   NGUYỄN HUY LỘC
                                                                                                   
            
     
                     v TRANH - ẢNH và minh họa của các tác giả:

  NGỌC HOA – XUÂN CHIẾN – KIM NGA – TRƯƠNG VĂN LINH – DUY THƯƠNG – NAM PHƯƠNG - PHẠM XUÂN QUANG  - PV…
                  
       

Giấy phép xuất bản số 2687 BC-GPXB của Bộ Văn hóa Thông tin  cấp ngày 15 -11 - 2012. In tại Công ty CP In & DVVH Gia Lai – 102 Phạm Văn Đồng – TP. Pleiku – Gia Lai.

Lá thư văn nghệ     

NẾU KHÔNG CÓ NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ

Là người Việt Nam yêu nước, trong tâm khảm không thể nào không nhớ ngày 30.4.1975 - Ngày Đại Thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai, thu cả giang sơn về một mối. Đấy là cột mốc lịch sử chói lọi, tạo cảm hứng mãnh liệt cho sáng tác VHNT. Trong số hàng ngàn tác phẩm viết về Ngày Đại Thắng, bài thơ Nếu không có ngày 30 tháng Tư của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân là một trong những tác phẩm có giá trị “để đời”:
“... Nếu không có ngày Ba Mươi Tháng Tư
Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc
Không một lần dám sống hy sinh.

Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin một ai, một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ "dòng kênh"
Sẽ... rất nhiều, anh hiểu phải không anh?
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh...” (trích)
Đấy là sự thay đổi lớn lao về nhận thức, hay nói cách khác, là sự lột xác của tác giả và của cả một thế hệ. Đó cũng là tiếng nói tri ân đối với sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, ai đó đã bắt đầu “quên” những ý nghĩa to lớn của Ngày Đại Thắng, cất tiếng nói lạc lõng, phủ nhận cuộc kháng chiến vĩ đại của cha anh, xin hãy đọc lại bài thơ này và suy ngẫm để hiểu thêm lẽ đời, lẽ sống. Với người làm văn nghệ chân chính, khi tháng Tư về đọc lại bài thơ này ai chẳng vẹn nguyên cảm xúc của Ngày Đại Thắng và muốn cùng thốt lên với tác giả: “Tháng Tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn!”.                          

CHƯ YANG SIN