Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

SỐ: 256 - tác giả TRẦN THU HÀ






Người đàn bà đi qua chiến tranh



Tiếng súng đã ngưng
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Ngực căng – Mắt cóng
Mòn tiếng ru – Lưu đày giấc mơ làm mẹ – Khứa vào lòng cay xé

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Náu mình đếm niềm vui chờ tiếng kêu gọi mẹ
Những đứa bé…
Đời người vỡ giấc chiêm bao

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Tháng năm chị giặt là phơi khô tấm áo nhân duyên chưa kịp mặc
Người đàn bà khỏa trăng tiếng rơi không chạm đáy
Đêm đêm tự vỗ sóng lòng

Người đàn bà đi qua chiến tranh
Rùng mình
Tẩy chay ngàn ngàn con ngươi lân tinh
Tự pha cho mình ly nước

Đêm nay
Nhìn mảnh trăng treo làm trĩu ngực cánh đồng thiếu phụ
Chị cố nhớ khu rừng có nhiều hoa dại
Khi
Bóng tối đè lên
Ướt cả tiếng chim.


Vinh 30.4.2003



Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Số: 256 - tác giả NGUYỄN LIÊN






 NHỚ MÃI LỜI BÁC DẶN




Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Y Blôk Êban đã ngoài 90 tuổi, bước đi chậm chạp nhưng ông còn rất minh mẫn, nói chuyện với ai đó bao giờ ông cũng “cảm ơn cách mạng đã cho người dân các buôn làng Tây Nguyên từ đói khổ mà có cuộc sống hôm nay!”, bản thân ông được cách mạng đổi đời từ anh lính khố xanh trở thành vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Có lẽ niềm tự hào hơn cả là ông vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ, nghe Bác dặn và suốt đời ông vẫn luôn ghi nhớ.
Từ anh lính khố xanh coi ngục Buôn Ma Thuột giác ngộ cách mạng, Y Blôk Êban thay mặt đại biểu Tây Nguyên ra Việt Bắc dự Hội nghị Du kích chiến tranh toàn quốc. Lần ấy Bác Hồ đến thăm các đại biểu miền Nam, Bác đặc biệt chú ý tới Y Bôk đại biểu người dân tộc Tây Nguyên, Bác nói: “...Chú học tập kinh nghiệm chiến tranh du kích các nơi về Tây Nguyên phát triển...”. Lúc ấy Y Bôk chưa hiểu chiến tranh du kích là gì, hôm sau tại hội trường lại được nghe Bác nói thật nhiều không nhớ hết, nhưng ông cũng đã hiểu rằng đánh giặc muốn thắng lợi đều phải nhờ sức dân, được dân tin thì bất kể việc khó đến mấy cũng làm được. Sau hội nghị đó ông trở về Tây Nguyên vận dụng lời Bác căn dặn, ông đã bám dân, dân ủng hộ để mở rộng chiến tranh du kích giành được nhiều thắng lợi. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Trung đoàn 120 Tây Nguyên do Y Bôk Êban làm Trung đoàn trưởng được tập kết ra Bắc trang bị kiến thức quân sự và chính trị; đơn vị đóng quân tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Trung đoàn ông lại được đón Bác Hồ về thăm. Nhận ra người quen, Bác hỏi ngay:
- Chú đi dự hội nghị về Tây Nguyên có kịp chiến đấu không?
- Thưa Bác, cháu đem kinh nghiệm chiến tranh du kích về phát triển tốt, còn được chiến đấu mấy trận lớn cho đến thắng lợi ạ.
- Chiến tranh chưa hết đâu...
Sau này Y Bôk mới thấu hiểu lời tiên đoán của Bác Hồ. Thắng Pháp rồi, nhưng đế quốc Mỹ lại nhảy vào, đất nước lại bị phân chia làm hai miền, chiến tranh vẫn gây bao tang tóc người dân miền Nam. Lúc đó anh em chiến sĩ Trung đoàn 120 muốn nhanh chóng trở về quê hương chiến đấu.
Cho đến bây giờ vị tướng già vẫn nhớ như in những lời Bác dặn mỗi lần được gặp Bác. Trong mỗi lần nói chuyện Bác đều quan tâm đến sự đoàn kết. Dù khó khăn gian khổ đến mấy được dân tin, tập hợp được sự đoàn kết tất thành công. Trong buổi nhận lệnh trở lại Nam chiến đấu, tại nhà khách Bộ Quốc phòng, Y Bôk lại được gặp Bác, sau khi thăm hỏi về tình hình học tập của đơn vị, Bác nói: “Học tốt nhưng phải rèn luyện sức khoẻ cho tốt, nếu không đi tới nơi thì tất cả việc học đều hỏng”. Sau đó Bác ân cần dặn thêm: “Làm cách mạng phải biết tập hợp sức mạnh đoàn kết mới sớm hoàn thành...”.

Giờ đây vị tướng già mỗi lần ngồi bên bếp lửa ông lại ngẫm về con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn. Nhờ đi theo con đường đó mà cuộc sống của đồng bào ông mới được no ấm. Đôi lúc ông cũng trĩu buồn, bởi đồng bào có lúc tư tưởng còn lung lay, thiếu niềm tin vào cách mạng, vào đất nước. Đọc báo, xem truyền hình thấy một bộ phận cán bộ bây giờ tha hoá, thích hưởng thụ hơn là lo cho dân để mất lòng tin với dân, tạo kẽ hở cho địch lợi dụng ông nói: Mình buồn lắm. Bởi vậy ông thường chống gậy đến từng nhà vận động đồng bào hãy tin vào con đường của Đảng đã lựa chọn. Nói chuyện với chúng tôi, vị tướng già mong muốn: Đảng cần kiên quyết đấu tranh với một bộ phận cán bộ đảng viên tha hóa hiện nay, nếu không sẽ để mất lòng tin của dân với Đảng. Sự trong sạch của mỗi cán bộ, đảng viên là sự trong sạch của Đảng để quần chúng soi dọi như Bác Hồ từng căn dặn.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CHƯ YANG SIN số: 256 - THÁNG 12 NĂM 2013








SỐ: 255 - tác giả PHAN TRỌNG TẢO





Tôi muốn sống cuộc đời như cỏ



Tôi muốn sống cuộc đời như cỏ
Vô tư xanh giữa nắng mưa và gió

Ngày nở hoa tươi đêm ngủ vùi như trinh nữ
Khí trời chia hết cho nhau

Cỏ gấu thì đắng cỏ mật thơm lâu
Cứ sống với những gì đất trời cho mình được có

Không muốn làm cỏ may chân cầu bãi sạ
Khâu vá áo quần ram ráp bàn chân

Mỗi ngày đến là một ngày bình thường
Gom mưa nắng nuôi thân và làm ra thảo dược

Khi hạn hán và khi bão lụt
Không rời bờ ruộng triền đê

Tôi muốn sống kiếp đời của cỏ
Rễ cắm đất sâu ngọn vươn tới chân trời.


































Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRẦN QUANG PHONG






Chuông trăng




Vó ngựa lịm vào khuya
Chân mây trăng nhú
Bóng người tắt vào đêm
Hoa đồng kết nụ
Ngọn gió từ chân mây hiu hiu mảnh trăng,
lướt thướt cánh đồng thở dài thế sự
Người xà ích cuối cùng và chiếc roi đầu tiên
Mỉm cười bất trắc
Cuộc hành trình sự thật
Xoay tròn chiều thời gian
Vó ngựa hút vào trăng
Khuôn mặt bỏ quên
Mộng du phố lạ
Bóng người khuất vào sương
Dịu dàng dấu cỏ
Mặt hồ hé nở

Chuông trăng…

ĐL 8.2013




Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả PHẠM THỊ NGỌC THANH





Người tình mùa hạ



Ta về dỗ giấc
… cho em
Bỏ mùa hạ lại
ngõ đêm…
mộng buồn
Ta về gom lại dỗi hờn
Cho môi em đỏ
Cho hồn bâng khuâng…
Hỏi người có nhớ hay không?
Nơi mùa hạ thắp phượng hồng ngày xưa
Nơi ta hôn nắng hôn mưa
Hôn lên nỗi nhớ như vừa hôn em
Người tình mùa hạ
không tên…
Bao giờ em lại về trên phố buồn?
Cùng ta lượm mảnh tâm hồn
Đã từng rơi giữa con đường em đi…
Người tình mùa hạ
chia ly…
Lá thư ta gửi mùa thi
ngại ngùng…
Bằng lăng tím lịm
lưng chừng…
Ve kêu lạc giọng ngập ngừng tim nhau
Lá thư gửi lại mùa sau
Hẹn em ở giữa chiều sâu nụ cười…




SỐ: 225 - tác giả HỒ HỒNG LĨNH




Di ảnh
   Tặng Lê Phụng Hiểu


Giọt sương nào hơn giọt mắt em
Bốn mươi năm vẫn lóng lánh tròn
Em trong di ảnh hồn như ngọc
Gót son áo trắng tím hoàng hôn.



Ngày 02.9.2013

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRẦN TỊNH YÊN





Quê mùa




Khi không ngồi nhớ quê mùa
Nhớ đình nhớ quán - nhớ chùa em tu
Nhớ chiều nắng khép tà thu
Nghe khuya rụng giữa sương mù hạt chuông
Nhớ xưa quê quán đầu nguồn
Nhện giăng ngõ vắng tơ buồn liêu xiêu

Khi không ngồi nhớ Thúy Kiều
Sông quê ai thả bùa yêu tôi về
Nhớ em từ độ xa quê
Yếm sồi bỏ lại vàng đê cải ngồng!











SỐ: 255 - tác giả A LĂNG VĂN GÁO





Nỗi nhớ sông Côn



Ở phố chật chội tiếng người còi xe
Anh lại mộng mơ ánh trăng xứ núi
Nơi đó có em đêm ngày đón đợi
Chờ anh về xây đắp những yêu thương

Anh nhớ em địu mặt trời lên nương
Chiều lặng lẽ gùi hoàng hôn xuống núi
Nụ cười em như vầng dương tươi rói
Thắp lửa tình anh chẳng lúc nguội tàn

Tuổi nhỏ em bên dòng sông miên man
Ơi dòng sông Côn một màu xanh biếc
Em hồn nhiên bên bến bờ cổ tích
Sông như tiếng ru người mẹ Cơtu

Em cất tiếng hát mỗi lúc thêu thùa
Tiếng hát bay qua mây trời lồng lộng
Sặc sỡ váy áo trong ngày hội
Điệu em múa làm hồn người mê say

Giờ anh đằng đông em ở đằng tây
Cách xa nhau hàng trăm cây số
Nhưng chẳng khi nào anh thôi thương nhớ
Nơi đó sông Côn em đang ngóng chờ.





SỐ: 255 - tác giả NGUYỄN TẤN THÁI



Ước nguyện dòng sông
(Gửi Nguyễn Bá Hòa)

Lật kỷ niệm tìm hồn nhiên
Đóa hoa nguyên thủy nở triền thung xưa

Mười năm hong lạnh gió mưa
Niềm chai sạn cũng đủ vừa trổ bông

Bao lần đào xới hư không
Cơ duyên gội tắm dòng sông hai lần.

Tháng 4.2013

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÂM BẰNG

       

Dạ ký Noel 2010

Cạm bẫy bụi đường nhe răng
Vệt vệt lân tinh vun vút, vun vút vô hồn
Gái đồng trinh tức tưởi mi rằm
Cảm giác phi mãn lấm lét hoa đăng
Nhoen nhoẻn nụ cười công nghiệp
Bóng đêm chìm nghỉm bữa tiệc còi xe dạ hội
Bốn mốt, bốn hai… năm một… năm lăm… chín sáu,
chín bảy… câu tụng niệm lả tả chân cầu…
Hiệu ứng bầy đàn lổn nhổn bước hoang
Tội lỗi đầm đìa bóng tối
Câu tụng niệm bỗng chốc nợ nần
Giễu cợt đức tin
Giễu cợt hoan mãn
Giễu cợt trung trinh…

Bốn mốt, bốn hai… chín lăm, chín bảy…
Vụn lân tinh lả tả chân cầu…

25.12.2010


SỐ: 255 - tác giả SƠN THÚY





Giấy khen
Kính tặng những người mẹ nông dân



Trên tường nhà tôi treo đầy giấy khen
Hàng đầu tiên là giấy khen của ông
Từ thuở đi dân công hỏa tuyến
Giấy ố vàng chữ luận mãi không ra
Hàng thứ hai là của cha
Từ thuở “Ra ngõ gặp anh hùng
   Về nhà gặp dũng sĩ”
Hàng thứ ba của các anh, chị
Rồi cu nhớn, cu con
Những học sinh giỏi “Cháu ngoan Bác Hồ”
Cả nhà tôi ai cũng có giấy khen
Riêng mẹ tôi không có…

Mẹ tôi
Canh ba vừa nằm
Canh năm đã dậy
Tất tả cơm nước, bèo khoai…
Rồi tong tả cuốc, cày trên vai
“Nhọ mặt người” về nhà
Lại “đầu gio mặt muội”…

Chưa bao giờ tôi thấy
Mẹ không tất bật một ngày

Mẹ ơi!
Trái tim chúng con
Là nơi treo giấy khen của mẹ.


Tháng 9.2012

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả Nguyễn Duy Xuân


Thương về đất Mẹ

Bão vào quê Mẹ chiều nay
Gió như quái vật đổ cây, sập nhà

Ngập đường, nước lụt tràn qua
Phố phường, làng xóm nhạt nhòa trong mưa…

Đêm nay thao thức mong chờ
Tính giây, tính phút, tính giờ bão tan
Cầu cho đất Mẹ bình an

Gửi về xứ sở muôn vàn thương yêu!

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả BÙI NGỌC BÍCH



Nhớ mẹ

Con thèm miếng cháy cơm niêu
Từ tay mẹ nấu mỗi chiều mưa đông
Gian lao đời mẹ gánh gồng
Hai sương, một nắng trên đồng lúa reo
Phiên chợ Bo* chốn quê nghèo
Lưng còng dáng mẹ liêu xiêu tháng ngày
Ngược xuôi, hàng xáo, phát xay**
Trầu cau, cua, cáy, da dầy tay thô
Chúng con nên nổi cơ đồ
Mẹ cười, chín suối
ấm mồ - trời xanh...



* Chợ Bo: Chợ quê Thái Bình
** Phát xay: Nhận thóc về xay giã rồi trả gạo cho nhà máy xay



SỐ: 255 - tác giả NGUYỄN ĐỨC KHẨN





Thương nhớ Điện Biên


Lửa Điện Biên đã tắt
ngót sáu mươi năm
vẫn còn dấu tích
ngùn ngụt cháy trong tim

Ta về đây tìm
từng vết xưa
có nỗi nhục
có hiển vinh
vạch chia hai phía
có quân đội viễn chinh
bị chiến tranh nhân dân quật ngã
khi sắt thép đã mòn
ý chí dân tộc mình
vẫn còn sắc nhọn
như những tượng đài
sừng sững giữa trời Tây Bắc

Ta về đây ngắm nhìn dấu tích
lòng bồi hồi
vừa cảm phục
vừa thương nhớ Điện Biên xưa!









Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÊ KHÁNH MAI





Vườn



Gió đêm động tình
những chiếc áo lá đính hờ trên thân cây trút vội
trong giai điệu nhiệt cuồng của gió, cành khô lắc rắc vặn mình
khu vườn như người đàn bà mang thai lên cơn nhức mỏi
ẩn nhẫn ấp iu niềm hy vọng ngát xanh

ban mai đẫm sương
khu vườn - người đàn bà long lanh nước mắt - vừa vượt cạn
lấp ló đàn quả non - mơn mởn trẻ sơ sinh
lích rích tiếng chim hót chào sự sống

lặng lẽ mầm, cựa quậy phôi thai.

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả TRỊNH VĨNH PHÚ





Đông vắng người


Lập đông quỳ gởi nắng vàng
Cô liêu gác vắng ngỡ ngàng chắn song
Người đi con phố đợi mong
Chiếc hôn gởi gió rồi không lối về
Chiều buồn con nhện giăng tơ
Hoàng hôn lẫn bóng ngẩn ngơ cánh chuồn
Đêm đông giá lạnh sương buồn
Trăng tàn mấy độ gió luồn qua song.


Đà Lạt 1996 – BMT 2010

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả LÊ THỊ ĐỨC





Đêm ở rẫy



Xa nơi phố thị ồn ào
Đêm về với rẫy, nhập vào thiên nhiên
Chim ngày tìm chỗ ngủ yên
Nhường đêm bìm bịp gọi rền thung xa
Mùi hương gợi nhớ màu hoa
Lá cây mách ngọn gió qua bất ngờ

Bao ngày trông ngóng ước mơ
Vào mùa quả chín rẫy chờ ta lên
Cành nào buông trái sầu riêng
Mùi hương ùa đến tận bên giường nằm
Cành nào hương ổi xa gần
Bao lời cây trái thì thầm với ta

Không quạt điện, chẳng điều hòa
Bao nhiêu mát mẻ tỏa ra thơm lừng
Chăn đơn chỉ đắp nửa chừng
Nửa dành hương rẫy, hương rừng đắp cho

Ngày mai về lại Buôn Hồ
Đầu còn ngoái rẫy hẹn chờ lần sau…
                 
Buôn Hồ 10.2013


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả Y BLI KBUÔR





SINH HOẠT ĐỐ VUI CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

                            
                                                             
1. Đố vui là một loại hình sinh hoạt dân gian không mang tính chất vùng miền hay của một nhóm tộc Êđê nào, mà là một loại hình sinh hoạt văn hóa khá thịnh hành trên hầu khắp môi trường sinh tồn của cộng đồng các buôn làng Êđê xưa và nay.
Trong xã hội tộc người Êđê, phần lớn sinh hoạt đố vui được nảy sinh một cách ngẫu nhiên. Chỉ cần một trong hai (hoặc trong một nhóm đông) người ngẫu hứng khởi xướng gieo một câu đố thì người khác trong đám hưởng ứng xúm nhau tìm đáp án hoặc câu đố khác có cùng đáp án để giải đố. Vì thế không gian và thời gian sinh hoạt đố vui cũng nảy sinh bất kỳ.
Không gian có thể là dưới mái chòi trên nương rẫy hay dưới tán cây nơi bến nước hoặc ngoài lán trại nơi mộ địa… Còn thời gian có thể là trong dịp lễ ăn cơm mới, ở nhà mới, lễ cúng đời người, cưới hỏi hay nơi đám ma… Ở đâu và lúc nào cũng có thể nảy sinh cuộc sinh hoạt đố vui mà không sợ vấp phải những điều kiêng kị như ở một số trò vui khác.
Không gian và thời gian lý tưởng nhất cho sinh hoạt đố vui là vào đêm hội đạp lúa. Hội này đã từng hiện hữu và tồn tại trong các buôn làng Êđê từ thời xa xưa cho đến đầu thập niên sáu mươi thuộc thế kỷ XX. Nó mất đi vì chính sách “Ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy. Hội đạp lúa thường được sinh hoạt vào đêm trăng rằm mùa chớm rét, tuốt hái vừa xong, mùa mưa cũng vừa cạn. Nhiều hộ vì lo lúa chín rục, nên lúa sau khi cắt, họ chất  thành đống tròn, ngọn lúa hướng vào trong vòng để tránh heo rừng ủi, chân rơm phía ngoài. Sau khi tuốt, họ quay lại gom công đạp lúa. Thường thường ngày hội được khai bằng hội ăn cơm mới ở trong một cái lán trại che lợp bằng rơm ngoài rẫy vào buổi sáng. Đến tối trăng sáng họ mới khai hội đạp lúa băng lễ cúng lúa. Trên thực tế, lúa đã được đạp vào ban ngày của hôm đó. Tối là buổi sinh hoạt uống rượu và thư giãn sau một mùa rẫy với nắng mưa. Cánh đàn ông đứng tuổi sau khi râm ran say điệu K’ưt và men rượu cần ngọt, cay họ xoay qua đố vui để thử tài quan sát và nhận biết sự vật với nhau. Thế là mọi người đều xúm xít quây quần bên bếp hồng và dưới ánh trăng lọt trong từng khe mái lán bằng rơm với những câu đố, rôm rả tới sáng.
Tuy nhiên phần lớn sinh hoạt đố vui thường được nảy sinh ở dưới ngôi nhà sàn dài hay dưới lán trại nơi đám ma. Người Êđê theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Họ tin mọi sự vật đều có thần linh ngự trị, điều hành giám sát và thưởng phạt. Thần có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Mọi hành vi của con người đều có sự vật xung quanh giám sát. Làm việc gì hợp với ý thần thì thần khen thưởng, làm trái với ý thần thì thần phạt. Từ quan điểm tín ngưỡng này, người Êđê tin cái chết của con người đều do thần linh và ma quỉ áp đặt. Thần linh có thể mang hồn người đưa vào cõi chết hoặc do ma quỉ ganh ghét hớp hồn gửi cho thần mang đi để lại xác cho ma quỉ xâu xé. Nên khi linh cữu người chết còn trong nhà, ma quỉ có thể hiện hình hay dùng ma lực phá phách, cướp xác ăn thịt. Vì lẽ đó, một khi trong buôn có người chết thì cả cộng đồng buôn xa, buôn gần, thân hay sơ đều đến tập trung thức canh và chia buồn đồng thời chia xẻ công việc mai táng cùng tang gia. Đến với đám ma, mọi người đều sẵn lòng góp vui tham gia vào các trò chơi lành mạnh. Trong đó có cuộc đố vui là trò chơi được nhiều người và đủ thành phần già trẻ tham gia một cách vô tư, vui vẻ và sôi động. Sinh hoạt đố vui làm cho không gian và thời gian nặng nề trôi đi, con người trở nên hoạt bát, hồn nhiên và bộc lộ nhiều hiểu biết, nỗi ưu phiền bỗng dưng vơi đi trong mỗi con người…
Đố vui luôn gắn liền với không gian và thời gian sinh hoạt cộng đồng. Chức năng của sinh hoạt đố vui không chỉ là giải trí tinh thần mà còn có chức năng truyền đạt những nhận biết về sự vật, giáo dục nhân cách và kỹ năng sử dụng ngôn từ.
2. Nhìn chung, dù đố một vật hay việc nào, nội dung câu đố thường chỉ phản ánh những tính chất và đặc điểm của vật, sự việc trong thế giới tự nhiên và trong xã hội loài người. Có những câu đố có nội dung vừa ngắn lại vừa giản đơn. Thoạt nghe đã có thể lĩnh hội và hình dung được ngay đó là vật gì.
Ví dụ: Đi ngang ngáng, cái đầu chẳng có, chỉ có cái sừng (con cua)
Trong câu đố, người đố chỉ nói tới dáng đi quen thuộc của con vật có cái đầu không lộ ra mà chỉ lộ rõ cái sừng.
Hoặc: Cái đít chổng lên trời, cái môi bám đất, ăn chất bùn chất bẩn (con ốc).
Từ hình ảnh “đi ngang” ở câu đố một và hình ảnh “đít chổng lên, môi bám đất” ở câu đố hai trong các ví dụ trên là hình thái của vật đố. Nhưng đã chắc gì cả mọi người trong chúng ta tìm được đáp án.
Trong câu đố có nội dung ngắn, từ ngữ gợi hình vật đố rất rõ mà vẫn có người không tìm ra đáp án thì với câu đố có nội dung hoàn toàn ẩn khuất như câu đố dưới đây:
         Hàng trăm, hàng nghìn người cùng vác một cành cây.
Hình ảnh của vật đố được ẩn dụ trong trăm nghìn người vác một cành cây. Vậy đố ai trong chúng ta tìm được đáp án đó là gì (bầy ong).
Còn câu ví dụ sau:
         Mùa rét ướt chúng tôi ở trong tranh,
       Mùa nắng hanh chúng tôi ở trong rừng thưa,
       Khi mùa mưa đến chúng tôi vào rẫy, lên chòi tìm ăn.
Câu đố này chỉ biểu đạt tập tính của vật đố mà không đả động tới đặc điểm hình thái của vật đố. Nhưng dựa vào từ “chúng tôi” và tập tính thường thay đổi nơi ở theo mùa cho ta đoán chắc đây là câu đố về một loài động vật sống bầy đàn. Vậy loài vật sống đàn có tập tính thay đổi nơi ở theo từng mùa như vừa cho biết là loài gì mới là câu hỏi hóc búa cho người giải (bầy kiến).
Nhưng câu đố này chỉ hóc búa với những ai chưa từng biết đến loài vật đó, hoặc đã biết được loài vật đó nhưng lại không nhận biết tập tính của nó. Còn những người đã từng trải nghiệm thì câu đố sẽ không còn ẩn nghĩa.
Một ví dụ khác: Héo hắt lửa đang cháy gốc rụi/ Thoi thóp lửa đang cháy bụi khô/ Lửa muốn cháy to mà không phát bùng/ Là lửa của mình thắp chứ đâu phải lửa của thần cho.
Cụm từ “lửa mình tự thắp”, ánh lửa vừa héo hắt lại vừa thoi thóp nghĩa là khi cháy, khi tắt, khi hiện rõ, khi mờ trên một vật rụi, vật khô. Lửa tự thắp và vật rụi, vật khô có liên quan mật thiết với nhau là điểm mấu chốt cho ta hình dung và đoán chắc câu này là câu đố về một việc do con người làm ra. Nhưng là việc gì? Ẩn nghĩa của câu nằm trong cụm từ “lửa của mình tự thắp” (hút thuốc).
Đôi khi, nội dung câu đố rất dài, nhiều vật và việc phức hợp và có sự liên quan mật thiết với nhau như trong câu đố về hoạt cảnh “ngày gieo hạt” dưới đây:
Đường kéo đà thẳng tắp/ đường lôi đà thẳng băng/ đất trời mây ảm đạm./ Thấy đâu đà dọc, ngang/ chỉ thấy trời u ám/ có đâu đà ngang, dọc/ chỉ thấy trời ảm đạm/ đã đến năm, tới mùa/ những chàng trai điên khùng/ tay chống hai cây gậy/ đi đi rồi lại lại/ mắt nhìn xuống đôi chân/ đi tây rồi sang đông/ những chàng trai cầm bút/ không đông, nhưng chẳng ít/ mải miết ghi hàng chữ/ mải mê ghi hàng số/ dạy những cô con gái/ biết đếm số dọc ngang./ Các cô gái cãi lại:/ “Chúng tôi có thua gì!/ tay trái chống đất/ tay phải tra hạt/ tờ công văn/ chúng tôi cũng nhận ra./ Chỉ lo/ những chàng trai các anh/ viết chữ Miên hay thừa/ viết chữ Lào hay dư”./ Đây, một ché rượu cần/ đã đặt trên đỉnh mộ/ miệng đã chạm hai cây/ chống thần bên Tây/ lo đỡ thần suối rừng/ những nữ thần đỏ đen/ hay mắng chửi chúng ta.
Trong câu đố tuy các từ, các câu đều biểu thị hình ảnh trong ngày gieo hạt như: “hàng kéo đà ngang, đà dọc” là đường vạch dọc, vạch ngang cho hàng lúa thẳng đều; “đất trời mây ảm đạm” biểu thị thời tiết trong ngày gieo hạt bầu trời thường u ám; tiếp theo là hình ảnh của những chàng trai tay cầm hai cây chọc lỗ cho ra hàng ra lối dọc ngang: những chàng trai điên khùng/ tay chống hai cây gậy/ đi đi rồi lại lại/ mắt nhìn xuống đôi chân/ đi tây rồi sang đông. Hay hình ảnh: những chàng trai cầm bút…/ dạy những cô con gái/ biết đếm số dọc ngang. Nói với những cô gái tra hạt nhìn kỹ không nên lỡ tay bỏ sót một lỗ nào. Các cô tra hạt tỏ ra sành việc cãi lại:“Chúng tôi có thua gì!/ tay trái chống đất/ tay phải tra hột/ tờ công văn/ chúng tôi cũng nhận ra./ Chỉ lo/ những chàng trai các anh/ viết chữ Miên hay thừa/ viết chữ Lào hay dư”. Cụm từ “viết chữ Miên hay thừa”, “viết chữ Lào hay dư”. Là lời của các cô gái nhắc nhở những chàng trai chọc lỗ không nên chọc thiếu lối, thừa hàng khiến cho các cô bỏ quên tra hạt.
Bên cạnh hình ảnh những chàng trai chọc lỗ, cô gái tra hạt có hình ảnh ché rượu cúng thần lúa, thần đất, trời, sấm chớp buộc trên gò đất: một ché rượu cần/ đã đặt trên đỉnh mộ/…/ lo chống thần bên tây/ lo đỡ thần suối rừng/ những nữ thần đỏ đen. Những hình ảnh rất quen thuộc với mọi người, nhưng cũng có không ít người đoán đúng. Vì những hình ảnh trong câu đố đều là hình ảnh ẩn dụ. Người giải đố thiếu tri thức ngôn ngữ nên bài đố trở nên hóc búa. Đó là chưa nói tới những người thiếu quan sát và nhận biết sự vật hoặc đối với những người chưa từng chứng kiến hoạt cảnh “ngày tra hạt” bao giờ.
Cũng có những câu đố, tác giả không nêu ra tính chất và đặc điểm về tập tính, hình thái, âm thanh, màu sắc hay mùi vị nào mà chỉ nêu vị trí cố định của sự vật. Nhưng, với vốn liếng tri thức nhận biết sự vật và tri thức ngôn ngữ phong phú của bản thân mà tìm ra đáp án:
          Trăm trái trên cây
        Nghìn trứng dưới nước
        Quả giữa thân
        mỗi bên một quả.
Đây là một câu đố về ba sự vật khác nhau nhưng có cùng một tên gọi (đồng âm khác nghĩa: tên một loài cây, con cá trê, xương đầu gối; tiếng Êđê cùng phát âm kênh).
Cũng có những câu đố mà thế hệ ngày nay không thể giải đáp được, như: Chẳng một ai biết/ nơi mẹ nó sinh ra./ Chẳng một ai hay/ nơi cha nó đúc nên./ Nó vừa tròn nhẵn/ vừa thấp lùn/ hai đầu đúc kín/ dính liền với hông./ Mường tượng/ như đồ trẻ con chơi./ Nên con gái mới nói:/ “Để con cất vào rổ;/ để con dọn vào bao/ cho cháu con sau này”/ Bố nói:/ “Nào có phải của hiếm đâu con./ Con hãy đi con đường rẽ trái/ là đường đi buôn Dha/ con hãy đi con đường rẽ phải/ là đường đi buôn Cuôr Hdang/ con sẽ thấy nó/ nhan nhản như cùi bắp”.
Hình ảnh Nó vừa tròn nhẵn, vừa thấp lùn, hai đầu đúc kín, dính liền với hông không đủ để nhận dạng một đồ vật. Kể cả lời đối thoại giữa hai cha con với nhau cũng không mường tượng đó là vật gì nếu người ra câu đố không giải thích: “Vào những năm thập niên 50 lon sữa bò xuất hiện trên các hè đường phố. Người mình nhặt về để làm gáo múc nước hoặc rót rượu thay ống nứa hay sừng trâu như người xưa vẫn thường dùng. Dùng xong họ cất giữ như vật quí hiếm để còn có cái dùng sau này. Vào những năm đó bãi rác thị xã Buôn Ma Thuột nằm bên đường vào Buôn Dha và Đạt Lý bây giờ”. Tất nhiên, khi hiểu ra, người từng trải phải “Ô” lên công nhận và khâm phục “câu đố quá là thâm nhưng rất chuẩn xác” khi nhớ lại. Còn với người chưa từng trải qua thời kỳ đó thì cố gắng lĩnh hội để làm vốn cho mình.
Cũng có nhiều câu đố khác nhau nhưng có chung một đáp án. Do vậy mới có hiện tượng giải đố bằng những câu đố. Nhất là khi trong cuộc sinh hoạt đố vui có nhiều kỳ phùng địch thủ giàu vốn liếng câu đố. Họ thường đố, đáp nhau bằng những câu đố tưởng chừng như không bao giờ cạn.
Ví dụ: Đi ngang ngáng, cái đầu chẳng có, chỉ có cái sừng.
Người khác giải câu đố này bằng cách đố lại bằng một câu đố khác: Cái thân nó dẹt, tròn như trái “ké”./ Rằng lễnh khễnh như răng con cào cào./ Đôi  mắt lồi,/ mang cặp đao sắc như lưỡi cưa./ Còn mặc váy áo thì trông ra dáng./ Nhưng khi cởi váy áo ra/ nó chỉ còn lênh khênh một bộ xương.
Một người khác nữa sau khi lĩnh hội hai câu trên liền đưa ra đáp án bằng một câu đố khác: Ăn thì cứng, nướng thì đỏ, lỗ hang thẳng đứng như hang cua.
Trong câu đố lại đã có từ của “đáp án”. Thế là cuộc đố trở thành cuộc hội thoại bằng những câu đố. Nhờ vậy mà cuộc sinh hoạt đố vui trở nên hấp dẫn.
Cuộc sinh hoạt đố vui càng trở nên hấp dẫn hơn khi trong cuộc đố có những người anh em sui gia với nhau mà ra câu đố tục. Vì trong xã hội cổ truyền cũng như xã hội Êđê ngày nay, giữa những người anh em sui gia không được tục tằn với nhau. Cho nên khi nghe nói lời tục tằn trước mặt nhau là bắt vạ nhau. Hình phạt là người nói tục phải hiến cho người nghe một ché rượu. Vì “một ché rượu phạt”, có người nhân sinh hoạt đố vui đã cố ý tục tằn để được hiến “một ché rượu phạt” cho người anh em sui gia lâu ngày không dịp vui với nhau. Thế là, từ câu đố tục, họ bắt chẹt nhau. Cuộc đố vì thế trở nên hưng phấn và gay cấn hơn.
Trên thực tế có rất nhiều câu đố nghe rất tục tằn nhưng câu giải thì rất thanh được lưu truyền. Ví dụ: Cây vừng đàng tây/ Cây me đàng đông/ Đàn bà nằm ngửa/ Đàn ông chồm xuống, chồm lên (Động tác mài dao).
Hay: Eo thon, l… to, con cái nhà giàu muốn thọc là thọc (Cái cối giã gạo).
Có câu đố nghe rất thanh nhưng khi giải thì tục, cũng có câu đố tục, giải tục như của các dân tộc khác (mà không tiện nêu ra trong bài viết này).
Với lối nói ẩn dụ và chỉ phản ánh khái quát đặc điểm và tính chất hình thái, tập tính… của sự vật, nội dung câu đố của người Êđê trở nên đa dạng và phong phú. Một vật đố có thể đố bằng nhiều câu khác nhau và ngược lại một câu đố có thể đố nhiều vật khác nhau.
3. Câu đố là một thể loại văn học dân gian Êđê. Cũng như các thể loại văn học dân gian khác của người Êđê, câu đố thường được thể hiện bằng áng văn vần mà người Êđê gọi là duê.
Duê là một loại hình ngôn từ nghệ thuật thể hiện mọi thể loại nghệ thuật – nghệ thuật ngôn từ. Duê được sáng tác bởi tri thức quan sát và nhận biết sự vật của nhiều thế hệ trí tuệ trong cộng đồng, được cộng đồng đúc kết, lĩnh hội và truyền đạt từ đời này sang đời khác, từ vùng này sang vùng nọ, từ miệng người này sang miệng người kia. Duê là những câu nói có độ dài ngắn khác nhau và có sự liên kết với nhau bằng những từ có âm tiết vần hoặc từ có âm tiết tương đồng và bằng các từ hay các cụm từ có nhịp đối đăng. Các câu đơn trong lời duê mang tính độc lập tương đối và có nội dung không đầy đủ nếu chúng không liên kết với nhau bằng các cặp từ có âm tiết vần hay bằng các cặp từ có âm tiết tương đồng và các cặp cụm từ đối đăng.
Ngoài lối cấu trúc liên kết các câu đơn với nhau bằng vần, duê còn có một số  thủ pháp diễn đạt nghệ thuật như thủ pháp ẩn dụ, so sánh, thủ pháp ví von, bóng gió… Thủ pháp ẩn dụ là thủ pháp quan trọng và thâm thúy nhất trong các thủ pháp nêu trên.
Hầu hết các câu đố đều dùng thủ pháp ẩn dụ. Cho nên đôi khi người ta cũng chấp nhận vài dăm câu đố diễn đạt bằng các câu không vần.
Ví dụ: Ăn uống bằng miệng/ Cứt đái bằng miệng/ Chuyện trai gái bằng miệng/ Sinh đẻ cũng bằng miệng/ Sinh đẻ trên cây/ Sống ở dưới nước.
 Nhờ thủ pháp ẩn dụ mà nội dung câu đố luôn mang tính ẩn nghĩa cao, có sự phát triển và sinh tồn với số lượng phong phú và đa dạng. Có nhiều câu đố đã được lưu truyền và trở nên phổ biến trong dân gian.
4. Sinh hoạt đố vui là một loại hình sinh hoạt lành mạnh có giá trị nhân văn xã hội và nghệ thuật sâu sắc.
Trước tiên phải nói tới giá trị nhân văn xã hội. Tham gia sinh hoạt đố vui là chia sẻ tự nguyện, vừa cống hiến hiểu biết về sự vật của mình cho cộng đồng, vừa lĩnh hội những hiểu biết về sự vật của cộng đồng. Con người luôn khao khát hiểu biết đầy đủ về thế giới tự nhiên đầy huyền bí và cuộc sống xung quanh mình. Sinh hoạt đố vui cũng là dịp điều chỉnh hoặc bổ sung những hiểu biết của mình về sự vật. Câu đố của chính mình hoặc câu đố của người khác nhờ vậy ngày càng trở nên hoàn chỉnh và mỹ mãn hơn. Sinh hoạt đố vui là chia sẻ và mở rộng thêm tầm quan sát và nhận biết sự vật xung quanh thông qua ngôn từ đố vui. Đồng thời tham gia đố vui cũng là dịp ôn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình, học hỏi những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người xung quanh. Nhiều khi ở mỗi con người chúng ta, ai cũng có tầm hiểu biết nhất định, nhưng thường lúng túng khi trao đổi hiểu biết với nhau bằng ngôn từ, nhất là ngôn từ nghệ thuật như câu đố. Sinh hoạt đố vui là góp công làm giàu tiếng mẹ đẻ. Từ đó làm đa dạng và phong phú hóa di sản văn hóa và bản thân ngôn ngữ của dân tộc mình. Vì mục đích chia buồn cùng tang gia, sinh hoạt đố vui cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau. Mọi thái độ đố kị, cố chấp hẹp hòi và hành vi mặc cảm hay kiêu ngạo thái quá đều phải tránh. Những quan điểm vụ lợi, thái độ hiềm khích, mặc cảm thân sơ, giàu nghèo, chênh nhau đẳng cấp xã hội, tuổi tác… đều không được chấp nhận. Sinh hoạt đố vui là quá trình giáo dục và tự giáo dục bản thân trau dồi nhân cách xã hội.
Thứ đến phải nói tới giá trị nghệ thuật. Nghệ thuật thể hiện rõ nét nhất trong sinh hoạt đố vui là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Trong hầu hết các câu đố, dù dài hay ngắn, đều sử dụng loại hình ngôn từ của duê và các thủ pháp nghệ thuật. Một loại hình ngôn từ nghệ thuật dân gian Êđê đã được lưu truyền, sử dụng khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong quá trình cấu thành những tác phẩm văn học dân gian.
 Trong sinh hoạt đố vui cả người ra câu đố và người giải đố đều là đối tác giáo dục của nhau. Họ vừa trao đổi vừa kiểm tra khả năng quan sát và nhận biết sự vật của nhau thông qua ngôn từ câu đố. Đây là một phương thức giáo dục mang tính qui phạm tự nguyện có hiệu quả rất cao và đem lại lợi ích cho cả hai bên và cả cộng đồng; mọi người đều ứng xử một cách bình đẳng, ôn hòa, vui vẻ, hoạt bát, thân thiết và gần gũi với nhau.
5. Với loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, mang tính nhân văn sâu sắc và tính nghệ thuật cao như sinh hoạt đố vui, trước thực trạng hiện nay, sinh hoạt đố vui tại hầu khắp các buôn làng đang thưa dần; nhiều nghệ nhân giàu vốn câu đố, số đã qui thần, số đã già nua, đi lại khó khăn và mất vốn dần theo tuổi tác, nhiều câu đố có giá trị vì thế mà mai một. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ và có hành động cụ thể để giữ gìn và phát huy giá trị sinh hoạt đố vui và những nội dung câu đố bằng nhiều phương thức, đặc biệt là tạo điều kiện để nó có cơ hội tự thân vận động.



Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả HUỆ NGUYÊN




 Tác giả HUỆ NGUYÊN

Dắt chiều qua khoảng gió



Em lội ngang chiều
đông cỗi già như cọng buồn anh
héo úa
nhát heo may lằn quất chân trời

anh sợ hãi chẳng dám gọi tên gương mặt dã quỳ
ngày vọng từ thẳm sâu tiếng hú
những ngón tay che ngang nỗi nhớ
gương mặt buồn không tên

gương mặt buồn trốn biệt ý nghĩ anh
lầm lũi cánh đồng chỏng trơ gốc rạ
cứ thủ thỉ bàn chân mắc nợ
giọt nắng nhòa oằn đôi cánh chuồn kim

xỏ đôi giày cô đơn lang thang
dắt chiều qua khoảng gió
chỉ thấy những ngữ âm rất lạ
dấu chân nào hoang trôi…



22.10.2013