Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả TUYẾT NHUNG



GIẤU MỘT ĐIỀU GIẢN DỊ

Tản văn

Được tặng sách, bạn sẽ làm gì sau đó?
Đầu tiên bạn sẽ xem sơ sơ cái vẻ bề ngoài phẳng phiu cùng nhan đề và những đường nét trang trí của bìa sách, sau đó là lướt qua mấy trang đầu tiên và chắc chắn là ngắm cái mục lục (nếu có) xem nó như thế nào, tiếp nữa bạn mới để ý xem nó dày hay mỏng. Dày quá, bạn than “đọc bao giờ cho hết”. Mỏng quá, bạn chủ quan “Một tý là đọc hết nó ấy mà”. Bạn đang giấu vẻ nghi ngờ về chất lượng của cuốn sách...
Rồi thoáng giây nào đó, bạn muốn khoe cho thiên hạ biết mình được tặng sách. Ẩn ý phía sau hành động khoe ấy là muốn chứng tỏ mình được để mắt tới. Nhưng... không phải người tặng nào cũng muốn được công khai danh tánh. Có người van xin đừng công khai, cũng có người ra điều kiện nếu công khai thì cắt đứt duyên nợ… Bạn bối rối. Bạn ngắm lại món quà họ tặng thêm lần nữa. Một cảm giác ghét cuốn sách người ấy tặng len lỏi trong từng thớ thịt. Bạn mềm nhũn, bạn suy tư, bạn buồn, bạn hụt hẫng… Bạn cố che giấu nỗi sợ hãi bị mất người quan tâm.
Còn kẻ tặng thì sao? Chỉ đơn giản rằng họ e ngại với những thị phi. Suy cho cùng thì lời khen hay tiếng chê cũng từ hành động khoe mà ra. Cuộc đời cho họ sự chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Người tặng muốn có mối thâm tình êm ả, dai dẳng với người nhận mà không ai biết. Nhiều khi ta phải trách người nhận quá bồng bột. Thôi thì nhắn một cái tin cảm ơn cho chu toàn mọi nhẽ.
Việc tặng sách cũng có vài ba trường hợp. Trường hợp nhờ mua nhưng người gửi không lấy tiền thì nghiễm nhiên cuốn sách ấy thành sách tặng. Có trường hợp sách tặng chính là cuốn do người tặng viết. Lại có trường hợp tặng sách cũng là tặng một món quà, nó gây tò mò cho người được tặng nhất. Tò mò ý đồ tặng sách. Tò mò nội dung sách. Cảm xúc của bạn lúc nhận sách nó tùy thuộc vào loại “sách tặng” ấy. Nhận “sách tặng” là cuốn nhờ mua thì bạn có cảm giác chiếm đoạt. Nhận “sách tặng” là cuốn do người tặng viết thì bạn có cảm giác được chia sẻ. Còn nhận “sách tặng” là một cuốn bất kỳ thì một cảm giác “lạ sách” lóe lên và ngự trị. Bạn muốn biến cái lạ đó thành cái quen. Nói chung mỗi một cuốn sách được tặng đều ẩn chứa một thông điệp của người tặng. Nó là gì thì thời gian trôi sẽ tỏ.
    Mọi thủ tục nhận sách đã xong. Cảm nhận ban đầu về sách đã có. Bạn bắt đầu tiến hành đọc đó. Bạn sẽ đọc nó ở đâu? Quán cà phê hay trên một ghế đá? Sáng sáng chịu khó lượn lờ ở những quán cà phê sẽ dễ bắt gặp hình ảnh một cô gái buông mái tóc xõa. Tóc như che phủ một phần bộ ngực căng tròn trịa, gió đong đưa tóc rối, hấp háy khe hở áo. Gợi cảm và cuốn hút. Muốn biết họ xem gì thì cũng phải cúi đầu men theo góc nhìn của họ.
Đàn ông đọc sách ở quán cà phê cũng nhiều chứ. Át hẳn số lượng nữ giới đọc sách ở quán cà phê đấy. Hãy ngắm nét mặt của đấng mày râu khi đọc sách thôi. Ngắm xem mặt họ có đờ đẫn không, có bộc lộ cảm xúc với một tình tiết nào đó  hoặc chép miệng tặc lưỡi với một tình huống diễn ra trên trang sách không và thậm chí là thích cái cảnh ứng xử vụng về của họ khi làm cà phê đổ lên sách vì mắt dán lên sách, còn tay quờ quạng tìm tách cà phê. Tôi lại có cái sở thích quái dị như vậy đấy. Suy cho cùng, chúng ta đọc sách để làm gì? Đọc để học cách giấu những cái xấu của riêng mình.
Đọc xong cuốn sách rồi, nếu bạn là người ưa viết lách Chắc chắn bạn sẽ ngồi hý hoáy ghi chép sơ bộ về nội dung sách trong một cuốn sổ nhỏ hoặc gõ trực tiếp trên phần mềm soạn thảo văn bản nào đó. Nếu bạn tỉ mỉ và bài bản hơn thì có thể viết hẳn một bài phê bình văn học chứ chẳng chơi. Vấn đề là cái nội dụng viết ấy là gì? Bạn có muốn có kẻ thứ hai (nhất là tác giả cuốn sách ấy) đọc được không? Bạn sẽ đăng bài viết ở đâu? Chỉ để trong cuốn sổ tay hay là đăng hẳn trên mạng xã hội? Bạn lại băn khoăn. Bạn nghĩ ra một phương kế an toàn đó là khuếch trương những chi tiết hay của sách và lờ đi những lỗi sai trong lối viết (nhưng tôi nói thật, nếu bạn biết lối viết ấy sai, nội dung cuốn sách có những trang đạo văn của kẻ khác thì bạn là nhà phê bình văn học thực thụ rồi). Nhưng mà nhất thiết bạn sẽ nói đến một vài lỗi sai để người ta thấy bạn là người theo chủ nghĩa tương đối.
Khi bài cảm nhận đã viết xong rồi và có thể là đăng ở đâu đó rồi. Ngẫm lại nội dung cuốn sách, tự dưng một tứ thơ xuất hiện trong đầu bạn. Bạn khai triển nó và bạn có hẳn một bài thơ mà bạn cho là hay. Còn những người có sở trường viết văn xuôi, có thể họ có được ý tưởng viết từ một câu nói nào đó trong trang sách. Rồi họ hư cấu lên thành một câu chuyện. Ở đây tôi không nói họ đạo ý tưởng sách. Chỉ là người đọc tìm ra được cái mới dựa trên một vài ngôn từ khơi mào ý tưởng văn chương. Ví dụ như sau khi bạn đọc hết bài viết này của tôi. Bạn nhìn lại cái tiêu đề bài viết và sau đó muốn làm bài thơ có tứ thơ là “Giấu”, hoặc viết một cái truyện ngắn có đoạn cuối kiểu như là: “Nàng cầm cuốn sách vừa được tặng trên tay, mặt hớn hởn khoe với chàng. Chàng không nói gì, chỉ siết một vòng tay thật chặt vào vòng eo bé nhỏ của nàng. Môi chàng tìm kiếm sự bóng bẩy của son trên môi người con gái ấy. Chàng kéo chiếc hôn xuống cổ và lách sang phía dưới tai nàng và nói “Cất sách đi em, hãy ôm anh như em ôm những cuốn sách hằng ngày và đọc từ mắt anh xem anh yêu em như thế nào”. Nàng bị sự nồng nhiệt của “cuốn sách ba mươi bảy độ C” làm rơi thứ đang nắm trên tay. Họ run rẩy tìm kiếm ngôn ngữ của cơ thể ẩn chứa trong nhau”. Đó là tôi ví dụ cụ thể thế thôi chứ mỗi đầu óc là một khoảng trời sáng tạo. Vậy nên thế gian này mới có nền văn học đồ sộ đến như vậy chứ.
Quay lại với câu hỏi: “Được tặng sách, bạn sẽ làm gì sau đó?”. Tôi nghĩ câu trả lời hay nhất đó là “Đọc thôi chứ chẳng làm gì cả”. Dù thế nào thì ai cũng muốn giấu cái bản ngã của mình. Mỗi một lời nói đều có thể chống lại bạn trong một trường hợp nào đó. Cho nên mới có câu: “im lặng là vàng” và lượng người viết phê bình văn học vẫn ít hơn người sáng tác.

   Buôn Ma Thuột, 8/8/2013



Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả PHẠM TUẤN VŨ





TRUNG THU CỦA TUỔI THƠ TÔI

Tản văn


Tháng tám trăng rằm lại về rồi đó. Trung thu về, mang theo nhiều tất bật, rộn ràng. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, trung thu cũng dần đủ đầy, sung túc. Các em sẽ được những chiếc bánh ngọt xinh, những thứ quả chín mọng thơm lừng, được thỏa thích rước đèn ông sao, được múa lân, vui đùa ca hát. Còn niềm vui nào bằng vui Tết Trung thu.
Tôi đã đi qua tuổi thơ, bằng những tháng ngày nghèo khổ. Quê hương tôi tít tắp nơi những ngọn đồi trùng điệp xa đồng bằng mấy chục cây số đường rừng. Ở nơi ấy tôi đã lớn lên, bình yên như rừng núi muôn đời xanh thẳm hiền hòa. Nơi ấy, tôi đã có những mùa Trung thu của tuổi thơ, đơn sơ như ánh trăng núi rừng mà nhiều năm đi mãi, chen chúc giữa bao phố thị mỹ lệ phồn hoa, những mùa trăng rằm ấy vẫn chưa một lần mờ nhạt.
Trung thu của tuổi thơ tôi không có những chiếc bánh ngọt vàng ươm thơm nức trong những chiếc hộp sang trọng, đắt tiền. Với tôi ngày ấy, hạnh phúc thỏa ước mơ trẻ dại là những chiếc bánh ngọt mẹ làm từ bột sắn hay bột nếp để dành. Có những năm mất mùa, khoai sắn thay cơm, niềm mơ ước trẻ thơ ấy đôi khi không thành hiện thực. Trung thu tuổi thơ tôi cũng không có nhiều hoa quả. Cuối vườn có một buồng chuối chín, hay đầu cành một quả bưởi còn sót lại cuối mùa là tất cả niềm vui, lũ bạn chăn trâu chúng tôi đem cho nhau trong những đêm rằm. Vậy thôi, nhưng chắc rằng, chẳng chiếc bánh nào thơm ngon như bánh từ tay mẹ nấu. Chẳng thứ quả nào ngọt mát như quả trong vườn. Chiếc bánh Trung thu ngoài tiệm sang trọng thơm tho, nhưng tôi chắc, một khi ăn rồi, người ta quên mất. Nhưng đâu dễ gì quên những thức quà quê mộc mạc, đơn sơ mà vương vấn một đời, dẫu có đi xa…
Trung thu tuổi thơ tôi thường ít có lân. Bởi quê tôi xa thành phố quá, biết múa lân nơi nào. Mà dẫu có lân bán gần đấy, chắc gì chúng tôi ngày ấy dám mua. Ba mẹ nhiều khi đêm rằm tranh thủ trăng sáng tỏ làm thêm cỏ ruộng ngoài đồng. Mà chúng tôi ngày nhỏ cũng chẳng ai quan tâm lắm đến những con sư tử rực rỡ, lộng lẫy, đẹp xinh, dẫu rằng có đôi lần trong lòng ao ước. Bạn bè bắt cá, thả diều của tôi ngày xưa cứ mỗi độ trăng rằm là tụ nhau lại, mang thùng, can nhựa ra gõ, rồi vô tư ca hát, hát những bài ca tuổi thơ chưa bao giờ thuộc hết ca từ và có đôi khi quên cả giai điệu. Vậy mà như những chú ve con, lũ chúng tôi cứ say sưa ca hát, và những tiếng cười không dứt trên môi. Trung thu tuổi thơ đọng lại không phải âm thanh rộn ràng của trống lân, mà là những tiếng gõ can nhựa lộp bộp và những bài ca nghêu ngao quên cả tháng ngày.
Trung thu tuổi thơ tôi có những đêm trăng sáng tỏ. Trăng núi rừng trong trẻo và thanh thoát vô cùng. Ở thành phố, ít khi nào ta để ý đến trăng, bầu trời ô vuông bởi nhà cao tầng chia cắt che khuất mất bóng trăng lặng thầm. Và ánh sáng văn mình hoa lệ đôi khi lấn mất ánh trăng vốn rất hiền lành, e thẹn. Nhưng ở núi rừng, trăng đến vô tư, dịu dàng như cô gái mới lớn nhà ai đi ngang qua đây, mải ham chơi chưa muốn về nhà. Ở thành phố, đôi lần ta phải giật mình vì trăng vô tình xuất hiện sau lưng khi phố sá tắt dần đèn điện, trăng đến kẽ khàng nơi đầu cửa sổ căn phòng trên lầu cao. Nhưng ở núi rừng, lũ chúng tôi có trăng làm bạn, gần gũi và hiền hòa. Trung thu ở thành phố, ta ít khi nào nghĩ đến trăng. Còn ở quê tôi, Trung thu dường như chỉ gắn liền duy nhất với vầng trăng tròn trĩnh, tỏa sáng lung linh. Ngày ấy, trong những đêm rằm, bọn tôi hay băn khoăn, tại sao trăng cứ đi theo mình mãi vậy. Câu hỏi ngu ngơ của cái thời khờ dại, đến bây giờ tôi mới hiểu hết. Có những điều tưởng đơn sơ mà cao đẹp, tưởng gần gũi mà thiêng thiêng, tưởng xa vời mà gắn bó. Trăng cứ thế theo tôi trọn đời.
Trung thu tuổi thơ tôi không có đêm rằm rước đèn ông sao, nối đuôi theo lân đi khắp phố phường. Bạn bè chăn trâu ngày ấy chỉ có những đêm trăng mát dịu, bầu trời trong veo và đồng cạn. Trăng lên cao, treo lơ lửng trên ngọn tre làng, lũ chúng tôi tụ nhau chơi trò đuổi bắt, hát những bài đồng dao, tha hồ reo hò cho đến khi mệt lả, trăng về phía bên kia núi, sương đêm giăng xuống đồng ướt đầm, chúng tôi mới chia nhau ra về, hẹn sáng mai lại đón trâu lên núi. Trung thu ngày ấy, tôi còn có những đêm ngồi nghe suối chảy bên tán cây có trăng làm lồng đèn mà mơ mộng những điều vu vơ, có những đêm thôi chạy nhảy cùng bạn bè ra đồng tát nước với mẹ, cả những đêm theo mãi cho đến khi mờ sáng con lân xinh đẹp làng bên ghé qua… Ấy là những đêm trung thu đẹp mãi kí ước tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ ai cũng dần qua đi, như sông đời chảy mãi, hết khúc này phải đến khúc khác thôi. Sông đứng lại sẽ thành biển chết. Mỗi mùa Trung thu rồi cũng dần đổi thay, sẽ thôi không còn thiếu thốn, khát khao như một thuở khó nghèo. Tôi đã đón nhiều tết Trung thu nơi thành phố. Ấy là những đêm rằm háo hức, rộn ràng đông vui mà ngày xưa có lẽ bọn tôi chưa bao giờ mường tượng được. Vậy mà đi qua nhiều năm tháng, bụi thời gian làm rối mái đầu, ánh trăng đơn sơ nơi núi rừng và những niềm vui nhỏ bé, thơ dại của một thời đầu trần chân đất nơi quê nghèo rừng núi mỗi khi Trung thu về vẫn còn hoài trong tôi, gắn bó chân thành và đi theo trọn cuộc đời, như vầng trăng theo chân ngày xưa bé dại băn khoăn…



Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả DUY HOÀN





Tựu trường



Giã biệt ngày hè lòng con luyến lưu
Hoa cỏ may quê cha còn vương áo
Quả sim hái đồi cằn sao mà thơm thảo
Cánh chuồn chuồn con đuổi lặn vào đêm…

Tấm bảng đứng lặng im
Nay bỗng ngời lên qua dòng phấn trắng
Bục giảng sau bao ngày yên ắng
Giờ đằm bước chân thầy
thanh thả tiếng guốc cô

Cây bàng sân trường như hiểu mùa thu
Vòm lá biếc xanh hơn xòa tán rộng
nghe tiếng trống tựu trường mà lòng tôi xao động
Không gian vỡ òa náo nức tiếng trẻ thơ

Đứng trước cổng trường tôi cứ ngỡ như mơ
Màu áo trắng trong, khăn quàng thắm đỏ
Màu mực tím gợi về nỗi nhớ
Tím hoài trang vở tuổi thơ ơi!

Giờ học đầu tiên chắc con lắm bồi hồi
Thầy cô giáo và bạn bè rất mới
Đứng trước cổng trường chiều đón đợi
Ngày đầu cha cũng thấy bâng khuâng…


Thu, 2013


SỐ: 253 - tác giả PHẠM ANH XUÂN




MÙA KHAI TRƯỜNG
Tản văn

Có lần Bác Hồ đã có thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội...”. Tuổi trẻ và mùa xuân đồng nghĩa với sức sống mới căng tràn. Mùa xuân khai sinh chồi non, lộc biếc, từ đó cho đời những vườn cây xanh tươi, hoa trái ngọt ngào, và những rừng cổ thụ vững chãi. Tuổi trẻ cũng khai sinh những chồi non, lộc biếc của đời người, đó là sức khỏe phơi phới, những ý tưởng tích cực, mới mẻ có ích cho chính mình, gia đình và xã hội. Đó cũng là thời kỳ quyết định cho đời người sau này thành công hay thất bại.
Mùa thu về cũng là lúc mùa khai trường đến, năm học mới lại bắt đầu. Đó luôn là thời khắc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ngàn đời vững bền bên chân sóng, nơi những con người hiền hòa, chân chất luôn sống với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Mùa thu, Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sáng kỷ nguyên độc lập tự do, chủ quyền Việt Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Một ký ức không bao giờ quên trong tôi, đó là cứ sau khi mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 xong, đám học trò chúng tôi lại rộn ràng với quần áo mới, cặp sách mới thơm tho đón chờ ngày khai trường mồng 5 tháng 9. Và mãi về sau này tôi mới biết đó là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Mùa khai trường chính là mùa xuân của tuổi trẻ, mùa của những lý tưởng cuộc đời được khai sáng từ những nét phấn, con chữ của thầy cô. Những khát vọng tương lai xuất phát trong thời khắc như thế, há chẳng phải thiêng liêng lắm sao!
Nói thì có vẻ to tát, bởi thật ra phải đến tận năm cuối cấp III, lúc điền hồ sơ thi đại học mới là lúc lý tưởng ấy có cơ hội được thỏa chí. Mọi cái trở nên sáng sủa hơn nếu vượt qua kỳ thi đại học. Nhưng sẽ như thế nào nếu cả triệu sĩ tử chỉ khát khao “giấc mơ đại học” mà không phải là một cái gì khác. Nếu nói không nên với tất cả thì hóa ra là ngăn cản ước mơ của họ sao? Ước mơ vốn là một quyền bất khả xâm phạm, mãi mãi là như thế. Nhưng thật tiếc, hệ thống giáo dục của một quốc gia với nền kinh tế đang trên đà hội nhập và phát triển cùng thế giới không thể nào đáp ứng cho tất cả các “ước mơ” ấy. Vì thế mà tỉ lệ chọi được cả cộng đồng học tập quan tâm: 1 chọi 10, 1 chọi 50, 1 chọi 100… Những giờ học thêm, những lò luyện thi mọc lên như nấm, những trường đại học thiếu chất lượng đua nhau thành lập khiến những chủ nhân tương lai của đất nước rối rắm trong mớ bòng bong sách vở. Rồi chỉ có những người ưu tú mới được ngồi “bàn giấy” và những kẻ thua cuộc lại theo sau con trâu kéo cày?
Con người ta trở nên hẹp hòi với chính mình vì những kiểu suy nghĩ như thế. Đại học chưa phải là tất cả, không phải là con đường duy nhất để tuổi trẻ tiến thân. Người là hoa của đất (một triết gia nào đó đã từng nói vậy). Mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng, vẻ đẹp riêng. Vậy thì tuổi trẻ cũng phải biết mình có sở trường gì, dành đam mê cho nó, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu không hợp thời, không có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Sẽ ra sao nếu cả xã hội cùng tới trường trong khi không ai chịu làm đầu bếp nấu ăn, không ai chịu làm chị nông dân chân lấm tay bùn trồng nên hạt lúa, không ai chịu làm anh lái xe chở phân ra bón lúa ngoài đồng…? Để có thể làm được những việc như thế cũng đều phải học, học nữa, học mãi nhưng là việc học trong thực tế, thiết thực với sở trường riêng của mỗi người, chứ không hề rối rắm trong một đống sách vở mô phạm kia mà chẳng biết phải làm gì! Đó mới là giáo dục có chất lượng và lý tưởng nghề nghiệp sẽ cũng trở nên chất lượng hơn.
Sở trường trở thành lối đi cho lý tưởng, nghề nghiệp thành công sau này cũng bắt nguồn từ đây. Tuy nhiên rất nhiều bạn trẻ không biết mình có khả năng gì, và hiếm thầy cô, cha mẹ, bạn bè phát hiện ra sở trường ấy giùm mình. Điều này bắt nguồn từ chính việc nhiều bạn trẻ sống khép kín, ít chia sẻ với mọi người những suy nghĩ của chính mình, đúng hơn là không dám nói ra ước mơ của mình. Đó là kết quả của sự thiếu tự tin. Sẽ chẳng làm được gì nếu con người ta mất niềm tin. Ai đó khi hồi tưởng về một thời tuổi trẻ sẽ ước ao được quay lại với mùa xuân ấy để được sống hết mình, hòa đồng hết mình, phấn đấu hết mình cho ước muốn. Gác qua những định kiến của một vài nhóm bạn, ra sức học hỏi hơn cách làm hay, ý tưởng tốt… thì có lẽ bây giờ sẽ không hối tiếc như thế này. Nhưng sẽ chẳng ra làm sao khi chỉ biết tiếc nuối những ngày đã qua. Chỉ còn cách là sống thế nào để không phải nuối tiếc những tháng ngày sắp tới.
Guồng quay giấc mơ kinh tế giàu sang khiến nhiều làng quê quay cuồng với bài ca xuất khẩu lao động như một làn gió mới đổi đời. Thật khó có thể phủ nhận điều này khi cơm no áo ấm từ đây vực dậy nhiều gia đình tưởng chừng như sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên hệ lụy của nó cũng không kém, thấy gia đình hàng xóm tiền đô gửi về ầm ầm là gia đình mình đứng ngồi không yên, bắt con thôi không học nữa, phải “xuất khẩu” bằng được. Tuổi trẻ mấy ai giữ được lập trường vững vàng, vì hầu hết còn nằm trong sự bao bọc của cha, nuôi nấng của mẹ. Thoát ly cùng ước mơ là đồng nghĩa với bao gian nan chờ đón ở phía trước, điều này chỉ có thể xảy ra với những ai có ý chí sắt đá, không bao giờ hết hy vọng ở lý tưởng cuộc đời mình, con đường mình đã chọn, vinh quang sẽ thuộc về họ. Biết thế, nhưng “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, học ra trường cốt cũng làm việc kiếm tiến, xuất khẩu không những kiếm được tiền mà còn rất nhiều tiền, đổi đời gấp hàng trăm lần so với học hành lắm chứ. Quá đúng, nhưng… đau. Đau cho kiếp người không thoát khỏi nỗi lo cơm áo lẫn đố kỵ sang hèn, đau cho những tầm nhìn dẫu đã được “xuất khẩu” nhưng vẫn chưa thể vượt qua được lũy tre làng. Giấc mơ vì thế mà bỏ lỡ, lý tưởng vì thế mà chênh chao. Thằng em hàng xóm tâm sự trước khi chia tay rằng, chỉ ước ao được xuất khẩu đổi đời vì bạn bè đi hết rồi, mình ở nhà chịu sao nổi, bảo đi học nghề trong khi chờ đợi thì không chịu, vì giấc mơ xuất khẩu đã choán hết cả tâm trí rồi còn đâu. Nhưng một khi cánh cửa hy vọng ấy bị đóng kín thì em lông bông không nghề không nghiệp ư, lấy gì sắm vốn mai sau khi sức khỏe chẳng còn? Đứa khác thì kể, đang thi đại học nhưng ở nhà gia đình đã làm giấy tờ sẵn sàng cho đi du học tận bên Úc rồi. Nghe thì oai đấy nhưng thực ra là lợi dụng đường dây du học để qua đó kiếm tiền bằng việc “trồng cỏ” ở nông trại tận trên núi hoặc trong rừng sâu, đối diện với vô vàn hiểm nguy không lường hết. Trời đất, ấy vậy mà tôi cứ tưởng bây giờ học trò quê tôi đã có thể sánh ngang đồng trang lứa phố thị đi học hỏi tri thức tiên tiến của thế giới rồi, điều mà chỉ có những người cực kỳ xuất sắc mới có thể cụ thể hóa những khát vọng của cả một thế hệ. Hóa ra thời nay người ta “du học” dễ như đi chợ. Thế mới biết, tiền chưa phải là tất cả nhưng là cực kỳ quan trọng, một xã hội đang chạy theo đồng tiền, bị nó làm cho chao đảo, thậm chí dập tắt cả những ước mơ tiến thân. Cũng dễ hiểu thôi, “không thực lấy gì vực được đạo”. Để rồi cả lứa cuối cấp năm ấy giờ chỉ còn 1, 2 người đi theo nghiệp đèn sách. Nhưng cũng sẽ không công bằng nếu bắt những sĩ tử bất đắc dĩ mơ tiếp mộng khoa bảng trong khi họ chỉ muốn hiến thân trong những công việc thực tại bằng cơ bắp kiếm tiền. Và cũng sẽ là đáng mừng khi những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt kia lại có thể nuôi dưỡng được những lý tưởng mới cho cuộc đời con cháu họ.
Sau bao nhiêu năm kiếm tìm cho giấc mơ khát tiền được thỏa mãn, người ta mới giật mình nhận ra rằng tiền không bao giờ đủ khi lòng tham của con người là không đáy! Cũng thật may sao cả thế hệ trẻ trên đất nước này không chạy theo guồng quay điên đảo đó. Minh chứng là vẫn còn đó những chàng trai, cô gái không lấy gì làm thích thú chạy theo phong trào xuất khẩu lao động, họ dâng hiến hết niềm nhiệt huyết của tuổi trẻ cho khát khao được học lên, học cao với thành tâm của mình để mai đây trở thành bác sĩ, lương y chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Vẫn còn đó những thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ tòng quân bảo vệ Tổ quốc, nằng nặc đòi vào Hải quân bằng được để ra bảo vệ Trường Sa thân yêu. Còn đó những anh chàng “đại gia” sẵn sàng quên đi những ngón ăn chơi thả cửa ở các hộp đêm, tình nguyện xây những quán cơm thiện nguyện 2000 đồng phục vụ cho người nghèo. Đó là những lý tưởng biết chia sẻ với cộng đồng cần được nhân rộng trong khi lối sống vô cảm đang ngày một gia tăng trong xã hội, đặc biệt là ở những người trẻ. Đó là những bông hoa ngời sáng lý tưởng cần được ngợi ca và phát huy trong thời buổi nhiều người chỉ biết chạy theo trào lưu kiếm tiền mà quên mất rằng Tổ quốc có thể lâm nguy bất cứ lúc nào. Chọn lối đi cho cuộc đời đồng nghĩa với việc biết đặt lý tưởng cạnh trái tim biết yêu thương và sẻ chia.

Tuổi trẻ đang ngày càng biết phát huy việc học đi đôi với hành, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Từng ngày qua đi họ sẽ dần nhận ra đâu là cái mình thực sự làm được, thực sực yêu thích. Rồi lối đi cho cuộc đời sẽ được định hình rõ ràng nếu được gia đình và xã hội định hướng đúng với sở trường mỗi người. Sẽ phải nỗ lực hết mình bất chấp mọi gian khó thì những lý tưởng ấy mới mong thành hiện thực. Sẽ cần thêm một chút may mắn, tuy nhiên chỉ có dũng cảm với chính mình thì cánh cửa may mắn mới có thể mở ra.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI


           


Bác như là mọi người dân
quê nhà


Bao người từng đã ví von
Bác là biển rộng, núi non cao vời
Là trăng sáng, ánh mặt trời
Cùng bao nhiêu nỗi khác người xưa nay

Tôi nhìn Bác đỡ mầm cây
Soi vào năm tháng lòng đầy băn khoăn
Bác là thần tượng, vĩ nhân
Mà sao chẳng khác người dân quê nhà

Cũng chai tương, cũng quả cà
Cọng rau muống héo vắt qua đêm nghèo
Cũng qua trăm suối, ngàn đèo
Dầm mưa để giọt nắng theo về làng

Cũng thương đứt ruột lá vàng
Tay nâng niu những lỡ làng, hẩm hiu
Cũng hồi hộp lắm khi yêu
Cũng băn khoăn lắm trước nhiều dạ vâng

Cao sang nhưng chẳng khó gần
Áo nâu dép lốp ngại ngần cho ai
Nhớ quê thì mở to đài
Buồn vui chẳng để phiền ai điều gì

Vênh vang lấy Bác làm vì
Liệu còn biết thẹn mỗi khi thăm Người?



                                                                        Việt Trì, 21.3.2013

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

SỐ: 253 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH


                             

NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
CỦA ĐỘC LẬP DÂN TỘC


Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc lên vị trí làm chủ đất nước. Ngày 2.9.1945, trước gần một triệu đồng bào thủ đô Hà Nội đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và cộng đồng thế giới về quyền độc lập dân tộc cũng như quyền được hưởng nền độc lập đó của nhân dân Việt Nam.
Độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Điều này đã được ghi trang trọng trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cách mạng Pháp năm 1791 và đã được Hồ Chí Minh trịnh trọng nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Tất cả mọi ngư­ời đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm đ­ược; trong những quyền ấy, có quyền đ­ược sống, quyền tự do và quyền mư­u cầu hạnh phúc… Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung s­ướng và quyền tự do”.  Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, là đất nước thực sự thoát khỏi tình cảnh nô lệ, thực sự được tự do, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được sống trong hòa bình và thực sự được hưởng thụ các giá trị nhân văn - dân chủ, công bằng và bình đẳng,…
Khát vọng đã trở thành hiện thực, song các thế lực thù địch thực dân và đế quốc chưa từ bỏ dã tâm trở lại xâm lược, đô hộ nước ta một lần nữa. Để bảo vệ độc lập dân tộc – một quyền thiêng thiêng và bất khả xâm phạm, cả dân tộc Việt Nam không phân biệt già trẻ, gái trai.. đã hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẩy địa cầu, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ.
Độc lập dân tộc là khát vọng lớn nhất của dân tộc thuộc địa. Hồ Chí Minh nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn; đấy là những điều tôi hiểu”.  Độc lập dân tộc là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia dân tộc. Thực tiễn kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, sự tồn vong và phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc đều gắn liền với việc giữ vững nền độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia - dân tộc ấy. Độc lập dân tộc luôn luôn là nguyện vọng chính đáng của mỗi người sống trong cộng đồng dân tộc; vừa là mục tiêu, động lực của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của kẻ thù xâm lược. Độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện không thể thiếu để thực hiện quan hệ bang giao với các dân tộc khác. Giữ vững độc lập tự chủ luôn là nguyên tắc hàng đầu đảm bảo cho các dân tộc thực hiện chính sách đối ngoại bền vững.
 Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền độc lập dân tộc bao hàm nhiều nội dung sâu rộng, vừa kế thừa những quan điểm truyền thống Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã nêu, vừa được nâng lên tầm cao mới. Đó là quyền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn bao gồm đầy đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Quyền độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Do vậy, bất cứ thế lực nào kéo đến xâm lược đều bị giáng trả và trừng trị. Đầu tháng 2 năm 1946, Người trả lời tướng Raun Xalăng và cũng trả lời Chính phủ Pháp “Độc lập câu chữ đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi  là nội dung của nó. Chúng tôi muốn sống tự do. Tất nhiên chúng tôi muốn có nhiều sự giao lưu kinh tế, các quan hệ văn hóa sâu rộng hơn, muốn cán bộ, kỹ sư Pháp làm việc trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng tôi cũng muốn làm chủ nước mình”. Người khẳng định rõ lập trường của mình đối với Chính phủ Mỹ, rằng nền độc lập phải được giữ vững và tăng cường bằng nền an ninh và tự do. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ H.Truman, Người viết: “Nhân dân Việt Nam sau bao nhiêu năm bị cướp bóc và tàn phá, mới bắt đầu công cuộc xây dựng, cần phải có an ninh và tự do”… “Nền an ninh và tự do đó chỉ có thể được đảm bảo bằng nền độc lập của chúng tôi khỏi mọi cường quốc thực dân, bằng sự hợp tác tự do đối với tất cả các nước khác. Chính vì vậy chúng tôi yêu cầu Mỹ, với tư cách là những người bảo vệ và những chiến sĩ của công bằng thế giới, có bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cho nền độc lập và sự hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới”.
Hồ Chí Minh khẳng định quyêt tâm của dân tộc Việt Nam: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.     Với tinh thần đó, trong một phần tư thế kỷ kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến những ngày cuối đời, Người đã lãnh đạo Đảng ta và nhân dân ta liên tục tiến hành hai cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với những nội dung mới, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra lực lượng lớn mạnh bảo đảm cho Đảng làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới.“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” rút ra bài học kinh nghiệm hàng đầu là: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.
 Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, trong tâm thức mỗi người Việt Nam yêu nước vẫn còn vang vọng lời Bác trong bản Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Nhớ thương da diết, lòng nặng ơn sâu, mỗi chúng ta thầm hứa với Bác kính yêu: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”, thực hiện bằng được ước mong của Người trước lúc đi xa: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.










SỐ: 253 - tác giả HỒNG CHIẾN






VỮNG VÀNG BẢN LĨNH NGƯỜI CHIẾN SĨ
TIÊN PHONG TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA TƯ TƯỞNG


Ngày 5 tháng 9 năm 2013, kỷ niệm 23 năm ngày thàng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk (5.9.1990-5.9.2013); một chặng đường chưa dài so với lịch sử dân tộc, nhưng chúng ta đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận. Từ con số khiêm tốn 45 hội viên sáng lập, đến nay Hội đã có 203 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội và hơn 70 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Song song với việc phát triển hội viên, các tác phẩm được văn nghệ sĩ hoàn thành và giới thiệu ngày một nhiều hơn, chất lượng cao hơn, gặt hái được những giải thưởng cao ở khu vực, trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng trong vài năm gần đây một số hội viên đã khẳng định được mình, tạo dấu ấn tốt đẹp trên diễn đàn văn nghệ nước nhà như: Đinh Thị Như Thúy, Niê Thanh Mai (Văn học); Nguyễn Mạnh Trí, Dương Tấn Bình (Âm nhạc); Bảo Hưng, Nam Phương (Nhiếp ảnh); An Quốc Bình, Nguyễn Huy Lộc, Hồ Hậu (Mỹ thuật); NSƯT Vũ Lân, Trương Ân, Nguyễn Đức (Văn nghệ Dân gian)… Sau Đại hội V, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk (nhiệm kỳ 2010-2015), các chi hội đã có những bước chuyển biến rõ rệt: Tích cực tham gia sinh hoạt chuyên môn thường xuyên theo định kỳ, đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, giao lưu với các hội bạn v.v... đã mang lại nhiều kết tốt, nhiều tác phẩm chất lượng cao được giới thiệu và được công chúng đón nhận như: Từ sông Krông Bông - tiểu thuyết của Trúc Hoài; Ký ức chiến tranh - tiểu thuyết của Nguyễn Liên; Rừng cổ tích - trường ca của Đặng Bá Tiến… Bên cạnh đó một số hội viên trẻ được phát hiện và kết nạp vào Hội đã có những tác phẩm chất lượng, mang dấu ấn của thế hệ mới, đem đến luồng sinh khí mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà như: H’Xíu Hmok, H’Siêu Bya, Nguyễn Văn Hợp (Văn học); Nguyễn Thu Vân, Nguyễn Tân (Mỹ thuật)…
Chúng ta tự hào được sống và làm việc trên vùng đất từng được suy tôn là thủ phủ Tây Nguyên không chỉ về quân sự, kinh tế mà còn cả về văn học nghệ thuật; nơi quy tụ nhiều tài năng đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Đạt được kết quả tốt đẹp như trên là nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể lãnh đạo Hội cũng như hội viên, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng và các chính sách của Nhà nước trong công cuộc hội nhập và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin toàn cầu, bên cạnh những ưu điểm cũng có những bất cập nhất định; đặc biệt là các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Các thế lực thù địch kết hợp với bọn phản động lưu vong âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” ở đất nước ta đối tượng mà chúng nhắm tới trước hết là giới văn nghệ sĩ, vì thực tiễn đã chứng minh: Các tác phẩm văn hoc nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất, tác động đến xã hội lớn hơn bất cứ các công cụ tuyên truyền nào khác. Chính vì thế biên pháp hàng đầu của chúng là tìm cách mua chuộc, lôi kéo các các văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ, những người lập trường thiếu vững vàng; qua đó cổ súy cho các tác phẩm đi ngược lại văn hóa truyền thống dân tộc, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ thần tượng, lấy hiện tượng để quy kết cho cả chế độ. Trong tình hình suy thoái kinh tế chung toàn cầu, nước ta cũng bị ảnh hưởng, vì thế các thế lực thù địch lợi dụng để hạ thấp uy tín của Nhà nước và thông qua đó xúc phạm đến các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Thời gian gần đây xuất hiện một số tác phẩm lan truyền trên các trang mạng cá nhân phủ nhận quá khứ, phủ nhận văn học cách mạng, kháng chiến nhằm chia rẽ đội ngũ, đánh đồng giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa…
Hơn lúc nào hết, các văn nghệ sĩ chúng ta phải thấy được âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách bội nhọ Đảng, chống phá Nhà nước ta, thực hiện kế hoạch “diễn biến hòa bình” nhằm làm sụp đổ chế độ. Hội Văn học Nghệ thuật là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; các hội viên tự nguyện đứng trong tổ chức của Đảng phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, thực sự là người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Chúng ta phải vạch trần thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch, trên lĩnh vực tưởng – văn hóa mà chúng đang nhắm vào đất nước ta; cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa văn nghệ “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.



Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

GIỚI THIỆU SỐ: 253 - tháng 9 năm 2013




Tạp chí Văn Nghệ CHƯ YANG SIN
Số: 253 - Tháng 9/2013

Quyền Tổng Biên tập: LÊ KHÔI NGUYÊN
(Chủ tịch Hội)
Phó Tổng biên tập thường trực: HỒNG CHIẾN
Phó Tổng biên tập: ĐẶNG BÁ TIẾN

Thư ký tòa soạn
AN QUỐC BÌNH

Ban biên tập:
NGUYỄN VĂN THIỆN
PHẠM HUỲNH
AN QUỐC BÌNH
HUỲNH NGỌC LA SƠN

Trình bày: Y KUAN NY NIÊ
Thiết kế mỹ thuật: AN QUỐC BÌNH

Sửa bản in: VŨ THANH

v VĂN:
l           Trong khó khăn càng vững niềm tin (tùy bút) – ĐẶNG BÁ TIẾN
l      Vững vàng bản linhyx...  (tùy bút) – HỒNG CHIẾN
l     Nền tảng vững chắc... (tùy bút)  – NGUYỄN VĂN THANH
l     Mùa khai trường (tản văn) – PHẠM ANH XUÂN
l     Trung thu của tuổi thơ tôi (tản văn) – PHẠM TUẤN VŨ
l     Giấu một điều giản dị (tản văn) – TUYẾT NHUNG
l     Miền nhớ (truyện ngắn) – HUỲNH THẠCH THẢO
l     Trận bóng cuối ngày (truyện ngắn) HỒ THỊ THU HIỀN
l     Phượng hồng  (truyện ngắn) – NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN
l      Hạt cát (truyện ngắn)  – ĐINH LÊ TUYẾT TRINH
l     Sự kinh hoàng (truyện ngắn nước ngoài) – VÕ HOÀNG MINH DỊCH

v THƠ của các tác giả:
NGUYỄN HƯNG HẢI – DUY HOÀN – VŨ DY – HOÀNG ANH TUẤN – NGUYỄN VIẾT LỢI – LƯU TIẾN LÊ – NGUYỄN MINH KHIÊM – TỪ DẠ LINH – LÊ VĨNH TÀI – DIỆP LY – NGUYỄN CÁT CHUYỂN – PHẠM THỊ NGỌC THANH – VÂN THỦY – PHAN HỒNG – LÊ THÀNH VĂN – TIẾN THẢO – ĐỖ TOÀN DIỆN – ĐỖ VĂN TIẾN – TRẦN THÙY LINH – NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG – PHAN TRỌNG TẢO – TRẦN XUÂN TRƯỜNG – MAI MỘNG TƯỞNG – TRẦN ĐÌNH THÀNH


v Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:
l           Thơ Hồ Xuân Hương và... – HOÀNG BÍCH HÀ 
l           Tấm lòng của Bác Hồ... –  PHẠM TUẤN VŨ
l           Chúng tôi kết nối... –  LINH NGA NIÊ KDĂM
l           Tuổi hoàng hộ vẫn... HỮU CHỈNH
l           Tản mạn cùng họa sỹ... NGUYỄN HUY LỘC
l           Có một kho tàng... TRƯƠNG BI



v NHẠC:

      Một chút tình cho em
                                        Nhạc và lời: LÊ NHẬT THANH  

     Ca nguyên âm vang mùa thu
                                        Nhạc và lời: LÊ NHẬT THANH  
    Em chọn nụ cườ
                                        Nhạc và lời: LINH NGA NIÊ KDĂM  

     Người lính trở về
                                        Nhạc và lời: NGUYỄN VĂN HẠNH  


 v TRANH - ẢNH và minh họa của các tác giả:
NAM PHƯƠNG – PHẠM HUỲNH – BẢO HƯNG – TRẦN THANH LONG – HỒNG CHIẾN – AN QUỐC BÌNH –  ĐẶNG BÁ TIẾN – PV…




Lá thư văn nghệ

TRONG KHÓ KHĂN
CÀNG KIÊN ĐỊNH NIỀM TIN


Lịch sử còn ghi: Ngày 2.9.1945, đúng 14 giờ, tiếng nhạc hùng tráng của bản Tiến quân ca vang lên, Bác Hồ đi dép cao su, trong bộ đồ ka ki giản dị bước ra lễ đài. Đứng trước máy phóng thanh, Bác trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Giọng của người đầm ấm, nhưng trang trọng, hào sảng. Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ mang hào khí của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, của “Bình Ngô đại cáo”, mà điều quan trọng nhất là nó đã khai sinh ra một nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, báo hiệu sự ra đời của một chế độ xã hội mới, một chính quyền công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đó, tiếp tục đi theo ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã vững tin trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giành thống nhất non sông, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khẳng định vị thế của mình trên thế giới.
Thế nhưng ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với một số sai lầm, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội của chúng ta, có thể nói đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội không đạt kế hoạch. Đạo đức xã hội xuống cấp. Tham ô, lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, có nhiều vụ nghiêm trọng. Kẻ thù đã và đang phá hoại đất nước ta bằng nhiều thủ đoạn. Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước đang bị xói mòn... Vì thế người làm công việc sáng tạo văn học, nghệ thuật càng phải kiên định niềm tin vào Đảng và chế độ và có trách nhiệm truyền niềm tin ấy cho nhân dân thông qua tác phẩm của mình; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, để mọi người cùng đồng cam cộng khổ, phấn đầu hết mình đưa đất nước vượt qua thử thách, tiếp tục xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh.
                                                                                       
CHƯ YANG SIN


SỐ: 252 - tác giả PHAN TRỌNG TẢO

Ngày cũ Nhân chuyến về lại chiến trường xưa Nắng xôn xang mang ngày cũ ra phơi Cái răng khểnh cắn ngang dòng hồi niệm Lần tay mở những thước phim quay chậm Mũi tên thời gian bay phía chân trời Tay bồi hồi bới ngày cũ ra phơi Tươi tắn quá: Ôi! Một phần đất nước Bụi đỏ ba zan, con đường dép lốp Ánh trăng xa, đại ngàn gió miên man… Ngày cũ phơi phong nắng gió sa trường Sau lũy tre mắt chân chim rơm rớm Vành môi thơm kiếm tìm bú mớm Đóa phù dung tay đơn lẻ tao nôi Thời gian xanh, ngày cũ xanh ngời Mái tóc xanh, trái tim xanh cháy đỏ Cuối con đường những bộn bề ngày cũ Trời biển bao la vành vạnh trăng trời Khúc thụy du tưởng đã hát xưa rồi Nắng đại ngàn lung linh cà phê hoa trắng Phía đại dương sớm nay lại cồn cào bão sóng Bổi hổi bàn tay đem ngày cũ ra phơi... Tây Nguyên, 10.6.2012

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

SỐ: 252 - tác giả VƯƠNG VĂN BẠNG





Men yêu đất này



Lặn ngàn mưa đắng nắng cay
Sương chua gió chát đất này vào anh
Đủ chai lì, đủ sắt đanh
Dám khinh tất thảy dữ lành cao nguyên

Vậy mà chỉ ánh mắt em
Thôi miên cũng đủ nhũn mềm anh ra
Hớ hênh “Thiên tướng” mất đà
Vấp đôi con mắt vẫn là còn may!
May mà vừa đủ đắm say
May mà vừa đủ đêm ngày lao đao!
Đói chi đói đến cồn cào!
Khát chi khát đến nao nao cả lòng!
Có gì trong mắt ấy không
Sao như nao nức một vùng Tây Nguyên?
Hỡi người anh muốn thân quen
Quanh quanh nương rẫy xuống lên bụi bờ
Em hiền như một bài thơ
Thi nhân kiến tạo bất ngờ trong câu
Nắng mưa che khuất sắc màu
Nhưng đôi mắt ấy đã sâu lại đằm
Mắt gần, nói những xa xăm:
“Trái tim em đó, trăm năm cậy nhờ!”
Cái nhìn giăng buộc tóc tơ
Sắt đanh phải vụn khi thơ lắng trầm
Chia đều mưa nắng đi em
Chát chua cùng ủ nên men đất này!

Hòa Thắng 2013



SỐ: 252 - tác giả NGUYỄN QUỲNH THI



Còn lại tình và thơ

Rốt cuộc rồi ngày tháng sẽ qua đi
Chỉ duy nhất tình yêu còn ở lại
Đôi mắt em chưa một lần nói dối
Như giọt buồn vương trên cỏ không phai

Rốt cuộc rồi sẽ hết một thời trai
Chỉ duy nhất bài thơ tình tươi mới
Dù món nợ cuộc đời – không trả nổi
Nhưng thơ ơi! Nàng mãi mãi chân thành

Rốt cuộc rồi lá cũng hết màu xanh
Và mây trắng cũng hóa thành khói loãng
Tình yêu vẫn đời đời trong sáng
Và thi ca vẫn thánh thiện, vĩnh hằng…


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

SỐ: 252 - tác giả HỒ HỒNG LĨNH



Vệt chiều bên sông

Hoàng hôn thất tình, nhuộm úa màn đông
Anh lặng tìm vùng cỏ rối ven sông
Tìm gót chân son, họa chăng sót lại
Em ở đâu? Hay đang mê mải
Một vệt chiều cao nhớ quá một mùa trăng
Em thánh thót như họa mi đến kịp
Và ngập ngừng tình tự với bâng khuâng
Nghe tiếng gió ngỡ hồn em thở
Sóng cụng bờ anh chạm nhớ nụ hôn…

Hãy giấu nỗi buồn, vị ngọt trả về ta
Trả lại trăng thanh bên bờ bãi vắng
Trả lại câu thơ ứa từ trái tim anh cho em mượn
Đong bán dại khờ xin nhận dạng lá Diêu Bông
Chiều như hết
Ánh vàng mê mải muộn
Anh mềm lòng ôm cỏ rối rưng rưng...