MÂU THUẪN, ĐỐI LẬP, KỊCH TÍNH TRONG
NỖI OAN HẠI CHỒNG
Trích vở chèo “Quan âm Thị Kính”
(Ngữ văn 7,tập 2, bài 29)
Đây là đoạn trích trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”, một vở
chèo nổi tiếng, ngấm sâu vào lòng người, đặc biệt thế hệ trước nhưng hơi xa lạ
với các em học sinh (HS) hiện nay, nhất là đối tượng HS lớp 7 mới ở độ tuổi 13.
Hơn nữa đây là lần đầu tiên các em tiếp xúc với thể loại chèo. Do vậy, khi hướng
dẫn các em nhận cảm đâu phải là chuyện dễ dàng.
Ta biết rằng, không khí chèo, hơi thở chèo gắn liền với cây
đa, bến nước, sân đình của làng, của lớp người áo the, khăn xếp, yếm thắm nón
quai thao. Vì thế với các em HS lớp 7, nghiễm nhiên có một khoảng cách lớn về
hoàn cảnh xã hội và kéo theo khoảng cách trong nhận thức, tiếp cận. Cái khoảng
cách đời sống, xã hội ấy đòi hỏi người thầy phải thu ngắn lại trong giờ học vỏn
vẹn có 45 phút. Đó là một thách thức lớn đối với người giảng dạy chèo.
Để làm được điều đó, giáo viên (GV) cần phải đi sâu khai
thác kịch tính và các mâu thuẫn trong đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”.
Đương nhiên trước khi hướng dẫn cho các em tiếp cận và nhận
cảm rõ kịch tính và các mâu thuẫn trong đoạn trích, GV phải giải thích ngắn gọn
khái niệm chèo và những đặc trưng cơ bản của chèo như: Chèo là một loại kịch múa
hát dân gian, kể chuyện, diễn tích bằng hình thức sân khấu để khuyến cáo đạo đức
thường được diễn ở sân đình; thuộc sân khấu tổng hợp các yếu tố nghệ thuật ước
lệ và cách điệu cao kết hơp chặt chẽ cái bi và cái hài; các nhân vật truyền thống:
thi sinh thì nho nhã điềm đạm, nữ chính thì đức hạnh, nết na; mụ ác thì tàn nhẫn,
độc địa… Và đặc biệt GV nên tái hiện khung cảnh đặc thù mà chèo thể hiện để đưa
các em vào không khí chèo và hơi thở chèo. Điều này đòi hỏi GV phải sáng tạo tuỳ
theo tình hình cụ thể của đối tượng HS ở từng vùng miền cụ thể mà các em sinh sống
(có lẽ ở vùng đồng bằng Bắc bộ dễ dàng hơn ở các vùng khác).
Ta đã biết, trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” về dung
lượng so với lớp vu quy (trong phần I của vở chèo) là rất ngắn nhưng mâu thuẫn
kịch tính của toàn bộ phần I lại tập trung đọng lại ở đoạn này. Vì vậy khi hướng
dẫn HS tìm hiểu đoạn trích cần làm nổi bật mâu thuẫn giai cấp thông qua các
xung đột như: gia đình, hôn nhân… mà nạn nhân là nhân vật Thị Kính – người phụ
nữ lao động nết na, dịu hiền, yêu thương chồng, kính trọng mẹ cha. Đặc biệt, sự
đau đớn oan khổ mà họ không thể giãi bày, cái uất nghẹn ấy dâng trào cuộn lại
thành một khối oan khiên ngày càng đậm đặc.
Trong trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” có tất cả năm
nhân vật tham gia, đó là: Sùng ông, Sùng bà, Thiện Sĩ và Thị Kính, Mãng ông,
song hai cực của trục nhân vật này là Thị Kính (nữ chính) và Sùng bà (mụ ác).
Hai cực luôn đối lập nhau từ hình dáng, lời nói, đến suy nghĩ, hành động. Đặc
biệt đối lập nhau ngay từ nguồn gốc xuất thân. Đó là sự đối lập, đối kháng, mâu
thuẫn gay gắt nhất, một mất một còn. Một bên đại diện cho lớp địa chủ phong kiến,
bóc lột hắc ám từ trong suy nghĩ, đến ánh mắt lời nói, hành động. Một bên đại
diện cho tầng lớp phụ nữ lao động nghèo chân chất, dịu hiền, nhẫn nhịu cam chịu.
Thực ra chi tiết Thị Kính cầm dao khâu
để cắt sợi râu mọc ngược dưới cằm của Thiện Sĩ chỉ là cái cớ để kịch tính dâng
trào và mâu thuẫn ùa ra vây lấy Thị Kính. Giả sử rằng Thị Kính không cầm dao khâu
để cắt râu mọc ngược của Thiện Sĩ thì theo quy luật sẽ có một chi tiết tương tự
xảy ra. Bởi Thị Kính đã bị ném vào trong lòng của một hoàn cảnh mà mình không
thể nào sống hoà nhập được. Vì đó là bản chất đối lập loại trừ nhau của hai
giai cấp đối kháng: địa chủ và nông dân. Mâu thuẫn giữa kẻ bóc lột hắc ám và người
bị bóc lột thành thực, hai bản chất hoàn toàn khác biệt không thể nào dung hoà được.
Từ bản chất, nguồn gốc ấy mà hành động,
ngôn ngữ của Sùng bà và Thị Kính đối lập hoàn toàn. Nói không ngoa rằng: đối lập
từ hơi thở, ánh mắt trở đi.
Hành động của Sùng bà vô cùng thô bạo, hách dịch và tàn
nhẫn: khi thì dúi đầu Thị Kính xuống, lúc thì bắt Thị Kính ngửa mặt lên, không cho Thị Kính phân bua, giãi
bày, dúi tay đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống… Còn ngôn ngữ của Sùng bà? Rất phù
hợp với hành động thô bạo, tàn nhẫn. Đó là những lời mắng nhiếc, sỉ vả, đay
nghiến. Mỗi lần mụ cất lên một lời là Thị Kính lại thêm một tội. Tội lỗi của Thị
Kính cứ chất chồng theo lời đay nghiến hằn học, nanh ác hiểm độc của mụ. Mụ tự
cho mụ cái quyền nghiễm nhiên buộc tội người khác không cần phải trái, không cần
hỏi rõ sự tình, không cần nghe phân bua giãi bày. Ta hãy nghe những lời mụ mắng
nhiếc Thị Kính: Giống nhà bà đây, giống phượng giống công. Nhà bà đây cao tôn
lệnh tộc. Trứng rồng lại nở ra rồng. Tuồng bay mèo mả gà đồng. Mày là con nhà
cua ốc. Liu điu lại nở ra dòng liu điu… Rõ ràng mụ cho mụ là giống thượng đẳng
cao hơn hẳn giống mà Thị Kính xuất thân. Có lẽ mụ đuổi, vu oan cho Thị Kính vì
lý do mâu thuẫn về nguồn gốc giai cấp hơn là lý do Thị Kính giết chồng? Lời nói
của mụ hình như chỉ chú tâm vào điều đó. Vậy nên mâu thuẫn giai cấp là mâu thuẫn
cơ bản, điều khiển suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, hành động của Sùng bà. Mỗi lời nói
ra của mụ sặc mùi phân biệt đối xử. Lúc này không còn mối quan hệ mẹ chồng nàng
dâu nữa mà chỉ còn là mối quan hệ giai cấp đối kháng. Vì thế mới gay gắt, quyết
liệt, mất còn. Mụ kiên quyết không dung nạp Thị Kính mặc dù Thị Kính có đầy đủ
những tiêu chuẩn đức hạnh do lễ giáo phong kiến đặt ra (công, dung, ngôn, hạnh).
Một chi tiết nữa cũng góp phần minh chứng cho mâu thuẫn
giai cấp bùng nổ. Đó là Sùng ông mới hôm qua còn thân thiết với thông gia – Mãng
ông, vậy mà hôm nay quay ngoắt đã lừa Mãng ông – cha của Thị Kính sang ăn cữ cháu,
hơn nữa còn hành động thô bạo, lỗ mãng, cạn kiệt tình người: Sùng ông dúi ngã
Mãng ông rồi bỏ vào nhà. Hình như chúng có thói quen vui thú làm điều ác, bắt
người khác phải nhục nhã ê chề, đau đớn đến tận cùng chúng mới hả hê?
Hậu quả của mâu thuẫn giai cấp đã đè nặng bóp nghẹt trái
tim yếu đuối của Thị Kính. Thị Kính là nạn nhân tất yếu. Dù cho Thị Kính có dùng
những lời lẽ khẩn thiết, ai oán đến đâu thì với Sùng bà tất thảy đều vô ích. Vì
đó là tính tất yếu của mâu thuẫn giai cấp. Chỉ có người cùng cảnh ngộ mới cảm
thông cho nhau nên khi lần cuối cùng Thị Kính kêu oan với cha - Mãng ông - mới
nhận được sự cảm thông dù đó là nỗi cảm thông đầy đau khổ, uất nghẹn và bất lực.
Mối xung đột càng ngày càng dâng cao. Chỗ tập trung cao độ
nhất đó là khi Sùng ông lừa Mãng ông – là thông gia, là cha của Thị Kính - sang
nhà ăn cữ cháu, rồi thích thú dúi ngã Mãng ông, bỏ vào nhà. Thị Kính vội chạy lại
đỡ cha. Hai cha con ôm nhau than khóc. Lúc này, Thị Kính bị đẩy vào cực điểm của
nỗi đau uất nghẹn. Thị Kính vừa chịu nỗi đau tan vỡ tình vợ chồng, vừa gánh nỗi
đau của cái oan tày trời mà cả gia đình Sùng bà xúm vào trút lên thân phận nhỏ nhoi, yếu đuối. Giờ
lại thêm nỗi đau trước cảnh cha già vô cùng kính yêu của mình bị hành hạ, khinh
bỉ, mà sự hành hạ, khinh bỉ lại do chính cha chồng dù bây giờ không còn là cha
chồng nữa miệt thị. Thị Kính và Mãng ông lúc này trơ trọi, lẻ loi, cô độc trên
sân khấu, hai cha con ôm nhau than khóc. Hình ảnh này được kéo dài trên sân khấu,
tiêu bỉêu cho những người lao động nghèo khổ, chân chất, yêu thương nhau mà hoàn
toàn bất lực trước nỗi đau, nỗi oan. Chính chi tiết này, hình ảnh này mang lại
tính mỹ cảm bởi nó thấm đẫm tính nhân văn, mang ý nghĩa sâu sắc ở nhiều phương
diện, góp phần rất lớn trong việc tố cáo chế độ lúc bấy giờ, đặc biệt mối mâu
thuẫn giai cấp đang quyết liệt đòi giải quyết để mang lại quyền bình đẳng, tự
do, quyền sống của con người.
Trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” gieo vào lòng người
đọc nỗi cảm thông sâu sắc cho thân phận yếu đuối, bất lực nhẫn nhục, đau khổ, đơn
độc của người phụ nữ ngày xưa. Nhân vật Thị Kính mãi mãi đọng lại trong tâm khảm
của người đọc dù nhân vật này chưa có cái khoẻ khoắn, mạnh bạo, thiếu cái bản lĩnh
dũng cảm của nhân vật Thị Phương trong vở chèo Trương Viên. Và đặc biệt,
chưa có cái nghị lực dám đứng lên hành động chống lại sự áp bức bất công, oan
trái để vượt lên hoàn cảnh. Lúc mà Thị Kính bị dìm trong nỗi oan trái, người đọc
thèm nghe tiếng xưng hô trịch thượng bà, mày của chị Dậu sau này trong Tắt
đèn của Ngô Tất Tố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét