Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả BÍCH THIÊM

Tác giả BÍCH THIÊM


Gửi một người

Gửi người
dạo bước phương Nam
áng mây đầu núi
khói lam bồi hồi…

đường đi
muôn nỗi xa xôi
nẻo về mong đợi
tím trời cỏ hoang
lặn vào sóng nước mênh mang
điệu buồn xứ sở lênh loang dạ chiều

nhớ ai
mây núi cô liêu
một dòng tin
bao điều

chơi vơi…

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả VỸ DY

Tác giả VŨ DY



Đêm và bóng



Đêm như câu kệ
thiền tôi
bước vào
những khối bê tông bóp sập vỡ ra
lấp lánh khuya từng mảng

đêm hoang nguyên xâm thực bóng
ngôi nhà ngủ mớ khe sâu tiếng thở dài rớt xuống
đêm của sự chiếm chỗ bắt đầu
những tranh chấp quyết liệt buông thả
của ranh giới không thể vượt thoát
của hối tiếc dở dang
ánh sáng cứ dâng lên miên man
trong em không kết thúc

đêm di tản trong mắt người nỗi tuyệt vọng
mong manh và hy vọng
bóng tối như sóng
không ngớt rút về phía em
đỏ gót mộng du
đêm tụ lại
những giấc mơ đậu trên vai người như chim cú*
đêm của những thăng hoa rực rỡ

và đêm
của mãi mãi không thành.




* Một ý trong Tình yêu bên vực thẳm của Erich Maria Remarque

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả QUÁCH THÀNH

Tác giả QUÁCH THÀNH

Thiền tình

Đời vọng động khởi tình vọng động
cõi vô thường
tình cũng sắc không
thiền tình
tịnh chốn mông lung
mây mưa
gởi gió
ung dung quay về
thiền tình
dục thoát
si mê
lỏng buông
tình tịnh
hành thề…
hư không.

Xuân Giáp Ngọ, 2014


SỐ 261 - tác giả HỒ HỒNG LĨNH


Tác giả HỒ HỒNG LĨNH


Nha Trang đêm



Nha Trang đêm
Mập mờ sương khói
Nha Trang đêm
Hờn dỗi
Sao trời
Ngắm em
Ngược mùa gió thổi
Hoan hỉ đại dương con sóng ầm ào
Biển đầy như chở trăng đi
Nha Trang xưa
Nha Trang nay
Duyềnh lên ngạt thở
Sắc tím sắc hồng
Lóa lên mộng mị
Chưa thu
Nôn nao xanh đến lạ
Đường Trần Phú đêm nay
Ngàn ngạt hương nồng
Nha Trang em tung tẩy
Xuân thì
Nha Trang đêm
Những cặp tình nhân
Ôm trăng
Ôm biển
Ta như đang
Lơ lửng
Cùng đêm.


Nha Trang, đêm 18.4.2014




Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả TRẦN VĂN HỘI

Tác giả TRẦN VĂN HỘI


Paranưng…

Paranưng, Paranưng
Nhịp nắng
Nhịp gió
Úp
Mở
Bàn tay

Paranưng, Paranưng
Vòng xoay âm dương
Vỗ cánh
Sinvalinga
Nơi đâu là cội nguồn an trú
Hồi sinh
Nơi đâu là cội nguồn hạnh phúc
Hủy diệt
Nơi đâu là cội nguồn tĩnh tâm vọng động…

Paranưng, Paranưng
Mềm mại lời ru khe thẻ
Apsara
Mời gọi
Nhảy múa
Dâng hiến thần Mặt Trời

Paranưng, Paranưng
Tôi mang âm vỗ
Và nụ cười Apsara
Về cõi phù hoa
Lấm bụi.
2012


SỐ 261 - tác giả LINH NGA NIÊ KDĂM


 Nhà văn - Nhạc sĩ LINH NGA NIÊ KDĂM


LỄ CÚNG BẾN NƯỚC ÊĐÊ


Lâu lắm rồi, không biết là đã qua bao nhiêu mùa nắng vàng, mùa gió lộng chao chác về trên cao nguyên đất đỏ, người buôn K. không làm lễ cúng bến nước. Người già trong buôn thi thoảng ngồi bên nhau rít tẩu thuốc, khói che mờ cả khuôn mặt, là lúc nhớ về những ngày xa xưa ấy, khi mà cần làm việc gì cũng phải báo tin, phải cầu xin các yang thuận cho mới được. Làm xong, việc được tốt, phải có lễ tạ ơn, vi phạm điều gì với thần linh hay buôn sang đều phải làm lễ tạ tội…
Hồi đó, người Êđê có nhiều lắm những lễ phải cúng trong một vòng đời người, hay theo mùa rẫy của một năm. Bên cạnh những lễ cúng  từng gia đình, thì lễ cúng bến nước là một trong những lễ nghi lớn nhất, vui nhất của cả cộng đồng, thường tổ chức vào dịp tiễn năm cũ đi hoặc đón năm mới sang.
Vì sao mà lâu nay không cúng bến nước ư?. Nhiều nguyên do lắm! Nào là bây giờ đất đai trồng cà phê hết, lúa rẫy không còn, cả buôn chỉ loe hoe vài sào lúa nước chẳng đủ ăn. Làm sao có hột cơm thơm, sạch như lúa rẫy mình ngày xưa mà mời các yang? (lúa đó phải do bà chủ nhà tự tay gieo hạt, suốt về, giã thành hột gạo trắng, nấu ra chén cơm, mới được dâng cúng). Nào là nước máy của thành phố Buôn Ma Thuột về tận trung tâm xã, nhà nào cũng có giếng, đâu cần mang trái bầu ra bến gùi nước nữa. Con suối hồi nào đầy nước ngày đêm róc rách kể chuyện xưa chuyện nay, bị dân buôn ngó lơ, đâm buồn, mạch trốn đâu trong tít sâu, cạn khô dần, biến thành một con lạch nhỏ xíu. Chỉ mùa mưa mới có nước cho bà con đi rẫy về tạm gột rửa chân tay sạch đất rừng hay bùn ruộng lúa nước. Phải kể thêm cả chuyện người trong buôn đa phần đã chuyển sang tín ngưỡng khác, đâu còn tin các Yang nữa mà cúng.
Sao năm nay lại cúng ư? Phường muốn nhắc nhở bà con mình gìn giữ truyền thống ông bà ta xưa, nên giúp buôn sang sửa lại bến nước cũ. Người ta cho thợ tới xây bờ tường, tráng xi măng nơi đứng tắm giặt. May mà nơi bến nước vẫn còn vài cây cổ thụ già lụ khụ đứng cạnh đó nên mạch nguồn ẩn nấp tít đâu trong lòng đất vẫn chưa cạn, gắn sâu bốn chiếc ống nhựa vô là dòng nước trong veo lại rong róc chảy. Mấy người già, được sự ủng hộ của cán bộ trong buôn nữa, đề nghị cúng bến nước mới sửa, cho tiếng ching bay vang trong gió, làm ấm cái nắng vàng và thêm vui  bà con trong buôn làng. Lâu rồi, buôn K. mình cũng không tông ching.
Từ sáng sớm, mấy đứa con gái lớn nhỏ được phân công theo già làng rước lễ ra bến nước đã ríu rít rủ nhau mặc m’iêng, áo thổ cẩm ra nhà cộng đồng chờ sẵn (ờ mà tụi nhỏ lớn tận mười mấy mùa cà phê cũng đã bao giờ được biết một lễ cúng truyền thống nào đâu, sao chúng nó không náo nức cơ chứ). Mấy người đàn ông được các già làng gọi tới chia việc từ vài ba ngày trước, cũng đã lo chu tất củi lửa và việc thịt con heo làm lễ vật cúng rồi. Vài chị em lơn lớn tuổi, rảo chân qua vườn các nhà tìm cho ra những trái cà đắng cuối mùa, mót mét trong đám tre khắp quanh buôn ít mụt măng còn sót lại để làm mấy món truyền thống của người Êđê mình thuở nào, đãi đằng khách xa khách gần. Lâu lâu mới lại có dịp được khoe tài làm những món ăn ngày lễ như vách, cà đắng nấu măng, thịt heo bằm bóp huyết um lá chuối… chị nào cũng thích, chân vấp chân, tay níu tay, miệng cười tới mang tai. Chứ sao, bây giờ cà đắng, ớt hiểm lẫn rau rừng của mình người ta kêu bằng “đặc sản”, lên bàn các đại gia sành điệu tại mọi quán nhậu khắp thành phố rồi còn gì.
Việc chuẩn bị đã xong. Thày cúng chậm rãi khoác lên mình chiếc áo hoa đỏ, chít lên đầu chiếc khăn đồng màu và cũng chậm rãi đặt từng bước chân trần lên con đường trải dầu bắt đầu nóng lên vì cái nắng, đi ra nhà cộng đồng (Pô riêu Yang Aê Lim, theo cách tính của người buôn cũ, thì năm nay đã xấp xỉ 90 mùa rẫy. Ông vẫn còn minh mẫn, nhớ hết tên các vị thần linh, những bài cúng phải đọc lên để cầu xin. Giọng ông khàn đi vì tuổi tác mà vẫn giữ được độ vang sang sảng như tiếng chiếc ching khơk. Nhưng cũng là người cuối cùng rồi, nếu một mai ông đi theo về bến nước ông bà, thì mấy buôn quanh đây sẽ chẳng còn ai để kêu cầu, thông tin tới các vị yang linh thiêng nữa đâu).
Tại nhà cộng đồng, hai chàng trai phụ lễ (các già làng lựa chọn trong số thanh niên được coi là ngoan ngoãn, không có tham gia chuyện hư hỏng gì như bọn trai mới lớn học đòi bây giờ) áo hoa tím, khăn vấn đầu cũng vải hoa tím (khác màu với áo thầy cúng) mỗi người một chiếc bầu nước với thanh kiếm dắt bên hông, cùng đám con gái đã háo hức chờ sẵn. Bài ching Ngăn dồn dập vang lên. Chao ôi, lâu lắm rồi buôn sang mới lại có tiếng ching sầm sập, sầm sập ấy cất lên. Này gió, bay đi nhé, mang tiếng ching này tới chín tầng cao tít mây xanh, xuống thăm thẳm sâu bảy tầng đất mời các yang atâo mau về uống rượu; nhanh nhanh tới gọi người buôn Đung, buôn Bông rảo bước chân… rằng buôn K. đang có lễ cúng bến nước đấy.
Mở đầu  bao giờ cũng là lễ cúng phat atâo, thông báo và mời các linh hồn tổ tiên, những người cao vọng trong buôn đã khuất về chứng kiến lòng thành kính của cộng đồng hôm nay.
Mâm cúng được mang tới, con gà, dĩa trầu cau, bầu đựng rượu, chén huyết, chén rượu và một chiếc tẩu thuốc. Khấn mời cho đủ hết các yang atâo để báo tin và xin phép xong, thày cúng đổ rượu lên dĩa trầu cau cho chảy xuống vách gỗ. Ching knă  đổi nhịp, mời già làng, con cái chủ buôn cũ, cả lãnh đạo chính quyền địa phương nữa, lần lượt cầm cần ở ché rượu đầu tiên. Thày cúng uống xong, ra hiệu cho hai chàng phụ lễ cùng xuống cầu thang. Họ đi đầu, đoàn con gái và các bà mẹ mang gùi cùng ra bến nước. Những chiếc bầu nước đen bóng gõ vào nhau kêu lóc cóc, lóc cóc theo từng bước chân líu ríu trong tấm váy thổ cẩm. Em sơn nữ hôm nay đẹp hẳn lên với nụ cười hơi ngượng ngùng một chút, hãnh diện một chút trước ánh mắt đám trai làng.
Ai đó nhanh chóng đặt trước ống nước ở chính giữa một bầu rượu đã hòa huyết heo, chiếc đĩa đựng đầy đủ mỗi thứ một ít thịt, nội tạng trên mình heo và chén mtil. Thày cúng rót rượu ra chén đồng, khấn tạ ơn các thần linh năm qua đã phù trợ, xin cho năm mới bến lại đầy nước, buôn sang an bình không phải chịu bão lũ, ốm đau, dịch bệnh, mưa thuận gió hòa, cho cà phê trĩu cành, hạt lúa nặng bông, hoa cỏ trong buôn đều tươi tốt. Rằng Hỡi các thần linh ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thần đất, thần nước. Hôm nay chúng tôi cúng bến nước, xin các Yang bảo vệ sức khoẻ cho buôn sang, xin cho nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin tổ tiên, các vị thần  phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền… buôn sang  xin hứa sẽ giữ gìn bến nước sạch sẽ, bảo vệ  nguồn nước” (ông cũng không quên lời cảm ơn chính quyền đã sửa sang bến nước cho buôn). Đổ chén rượu huyết xuống các vòi nước. Xong, ông mời hai chàng phụ lễ lấy nước vô bầu mang về cúng tại nhà. Đến lượt đám đàn bà con gái chia nhau hai người một ống nước, rửa sạch bầu rồi cũng lấy đầy nước. Thày cúng và hai phụ lễ đi trước, đoàn người rước nước về buôn vừa thành kính, vừa hân hoan. Xưa, những người rước nước sẽ tỏa ra khắp buôn, tưới từng giọt nước trong bầu lên cầu thang của mọi gia đình. Còn nơi đầu thang nhà dài cộng đồng, người đại diện cho chủ bến nước xưa cùng buôn trưởng đã đứng đón thày cúng và mời cả đoàn lên nhà. Nam ngồi ngoài, phụ nữ và con nít ngồi phía trong. Những chiếc bầu nước lấy từ bến nước về, sẽ dùng cho ché rượu thứ hai.
Ching knă dồn dập nổi lên báo cho mọi người gần xa biết lễ cúng bến nước chính thức bắt đầu. Mâm lễ vật hiến sinh được mang tới, gồm chiếc đầu, một nửa con heo, một tô thịt chín không thiếu bất cứ thứ gì trên mình con vật, chiếc bầu và chén đồng đựng rượu. Thịt  đã được thui chín, thơm lừng cả gian nhà dài đông nghẹt người. Trong tiếng ching Knă chấp chới bay bay, thày cúng ngân nga khấn gọi mời các vị Yang ea, Yang sang, Yang êlăn, Yang cây gạo cổ thụ đầu buôn… về chứng giám cho lòng thành của buôn làng tạ ơn năm cũ đã phù hộ và cầu một năm mới làm ăn phát đạt, yên ổn. “Lời ta cầu xin được các yang nhận, điều ta mong xin được các Yang ưng”… Lẽ ra lúc này còn phải có mấy em gái uốn những cánh tay tròn trịa dịu mềm múa điệu Grứ phiơrPah kngan rông Yang nữa (có lẽ mấy phụ nữ lớn tuổi trong buôn lâu quá không cúng bến nước, đã quên vũ điệu này rồi chăng?) rồi thày cúng mới mời 3 người chủ chốt của buôn là già làng, đại diện dòng họ chủ bến nước khi xưa và khoa buôn, theo thứ tự già trẻ cầm cần rượu trước, sau đó mọi người lần lượt m’năm mring.
Đấy, hai lá trầu một sấp một ngửa cho biết các vị Yang linh thiêng đã nhận lời khẩn cầu của thày cúng rồi.
Tiếng ching knă rộn ràng chuyển nhịp, níu chân mời khách gần khách xa và người đại diện các dòng họ trong buôn cùng về nhà họ hàng Aê Răk ăn bữa cơm cộng cảm. Chiếc đầu heo sẽ là phần trả công cho thày cúng. Còn việc chia sẻ mỗi gia đình một rẻo thịt đã được các yang ban phúc, cũng sẽ có người chăm lo để không ai bị thiếu, theo đúng tục lệ của mình.
Nắng đã cao quá ngọn đa cổ thụ nơi bến nước. Mùa mới bắt đầu bằng sự chúc phúc và ưng thuận của các vị thần linh, mang niềm tin về một năm bình an và tốt đẹp cho mọi gia đình trong buôn sang. Tín ngưỡng nào thì cũng vậy thôi, miễn trong tâm trí mình có sự tin tưởng, là chắc chắn sẽ đạt những điều ước muốn. Người miền xuôi chẳng có câu thành ngữ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đó sao? Cho dù là khó lắm giữa tập tục ông bà mình ngày xa xưa, với cuộc sống hiện đại hôm nay, thì hãy cố chắt lọc lấy những gì thuộc về văn hóa của riêng tộc người mình mà gìn giữ.
Tắt, tắt, tắt… tiếng ching đổ hồi kết thúc. Cứ như là âm thanh vang động và nhịp điệu náo nức của ching Knă chưa bao giờ rời xa buôn sang mình vậy.

Ơ Yang! Mong là như thế.

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả NGUYỄN HOÀNG THU

Tác giả NGUYỄN HOÀNG THU
(Chi hội Trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tại Tây Nguyên)

Tôi ôm vào ngực tôi

Tôi vẫn gặp mỗi ngày
Tôi ôm vào ngực tôi
Nụ cười trẻ thơ, bông hoa nhỏ
Tôi gạt ngoài tai tôi
Tôi vô cùng xấu hổ
Khi phải bắt tay ừ hử một vài lời
Với kẻ đãi bôi giấu trong lòng những tia nhìn tăm tối

Tôi vẫn gặp mỗi ngày
Tôm ôm vào ngực tôi
Sáng mai hồng ngào ngạt như hương
Bước chân chim em bé đến trường
Xanh trong quá cho lòng tôi trẻ lại
Tôi nghĩ về ngày mai
Những ngày mai đẹp mãi
Là lúc tôi muốn quên, tôi khó lòng quên được
Những kẻ tham ô ôm đồm tư lợi
Tôi muốn quên, rồi sẽ có ngày quên
Lẫn giữa hoa tươi và những biếc xanh
Có đôi mắt chứa đầy bụi bặm

Tôi vẫn gặp mỗi ngày
Tôi ôm vào ngực tôi
Những gánh hoa tươi quanh phố phường Hà Nội
Người bán hoa trao trên tay người mua hoa
Khuôn mặt họ sao mà vui thế
Tôi đâu thể, tôi đâu nào lẫn lộn
Họ với những ai vui mặt cúi luồn
Bán mình đi trên những chiếc bàn cân
Ôm vào ngực thứ phù vinh thời thượng

Tôi vẫn gặp mỗi ngày
Tôi ôm vào ngực tôi
Ánh mắt em hồn hậu trong veo
Ánh mắt em xanh thắm ngàn cây
Tôi hiểu tình yêu bắt đầu từ cuộc sống này
Dễ hiểu thôi
Gần gũi quá thôi
Hòa điệu với hồn ta là một.





SỐ 261 - tác giả HỒNG CHIẾN


 Tác giả HỒNG CHIẾN

MỘT LẦN ĐẾN ĐẢO BÌNH BA



Đúng 13 giờ 30 phút, con tàu kéo một hồi còi dài chào tạm biệt cảng Ba Ngòi hành trình ra đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trời trong xanh, không một gợn mây, ông mặt trời dội xuống những tia nắng nóng gắt. Mặt nước biển xanh thẫm, những con sóng nhỏ đùa giỡn trên mặt nước, ập vào mạn thuyền, tung lên những hạt nước nhỏ li ty như mưa. Trên vịnh neo đậu nhiều tàu rất lớn, trông xa như những ngôi trường cao tầng đứng im lìm soi mình trên mặt biển. Tôi cũng đã đi nhiều nơi, tới nhiều vùng biển khác nhau của tổ quốc, nhưng không nơi nào giống nơi đây: ngoài cảng dùng cho tàu chở khách dân sự và các tàu đánh cá neo đậu đông đúc, còn các cảng khác chỉ có tàu lớn ăn hàng, một số tàu đậu rải rác khắp mặt vịnh.
Đứng trên mũi tàu nhìn về hướng đông thấy một dãi đất nhô lên khỏi mặt biển mờ mờ; cô Thùy Liên - một hành khách đi cùng, là người dân đang sinh sống trên đảo nói với tôi:
- Đảo Bình Ba đấy anh!
- Nhìn thấy đảo rồi à! Tôi ngạc nhiên reo lên.
- Từ cảng ra tới đảo chừng 12 hải lý thôi ạ.
Thùy Liên trả lời và giải thích thêm, giúp tôi hình dung ra vịnh Cam Ranh như một nửa chiếc chén bẻ đôi để ngửa; phía bắc và đông bắc vịnh có dãy núi cao lao ra biển, tạo nên một bức tường thiên nhiên chắn gió, đây là vành chén thứ nhất; phía nam, một dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa vươn ra biển, tạo nên vành chén thứ hai; còn miệng chén quay ra biển đông, có đảo Bình Ba đứng chắn. Nhờ đảo Bình Ba và hai dãy núi cao bao bọc ở hai phía, tạo nên vịnh Cam Ranh thanh bình, nơi đây không những là vịnh để tàu thuyền tránh bão và “ăn” hàng mà còn là một vùng giàu có về thủy sản. Quả thực nhìn kỹ trên mặt nước biển, có rất nhiều phao, báo hiệu sự có mặt của những vành lưới được thả.
Thùy Liên, khoảng ba mươi tuổi, nước da bánh mật, khuôn mặt trái xoan trông khá xinh. Cô cho biết gia đình ở đảo đã nhiều đời, công việc của người phụ nữ trên đảo chủ yếu làm thiên chức người vợ, người mẹ, một số ít người tham gia buôn bán; gần đây có nhiều người ở các địa phương tìm đến thăm đảo nên một số chị em rủ nhau mở thêm quán bán hàng ăn, giải khát ven cầu cảng; vì thế, buổi sáng phải tranh thủ vào đất liền mua đồ để tối bán cho khách vãng lai. Ngoài đảo cũng có dịch vụ nhà hàng nổi dành cho khách nhiều tiền muốn dùng đặc sản, ngắm biển đêm, các anh chị thích thì có thể ra đó thưởng thức đặc sản nổi tiếng nhất của đảo Bình Ba: tôm hùm. Thùy Liên cho biết thêm: đảo Bình Ba phía bắc cách bán đảo Cam Ranh chỉ độ 500 mét, vì thế cách đây mấy năm nhà nước đã đầu tư kéo điện cao thế từ đất liền ra đảo qua chỗ này, nhân dân thoát cảnh đèn dầu và có điều kiện sử dụng các phương tiện sinh hoạt hiện đại như: tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... cuộc sống người dân trên đảo thay đổi nhiều từ khi có điện lưới quốc gia. Cửa biển chung với bán đảo Cam Ranh, dân địa phương gọi đây là cửa Nhỏ chỉ dành cho tàu thuyền đánh cá ra vào; còn phía nam đảo, nơi có bãi Ngang nhìn ra cửa Lớn, các tàu to đi lại như tàu ngầm, tàu chiến ta mới mua cũng đi qua đường đó.
Đảo Bình Ba rõ dần, tôi quay sang nói với Thùy Liên:
- Đảo nhà mình nhìn giống như một trái tim, phần nhỏ ngâm dưới nước biển.
- Hay quá, em chưa nghe ai nói thế bao giờ!
- Em thấy đúng không?
- Dạ! Làng Bình Ba ở ngay chỗ cuống trái tim đấy anh. Đảo Bình Ba có diện tích trên 3 km2, dân số chưa đến 5.000 người tập trung ở bốn thôn là: Bình Hưng, Bình An, Bình Ba Đông và Bình Ba Tây; tuy chia thôn như vậy, nhưng đa số sống quây quần nơi cầu cảng và một phần kéo dài qua bãi Nồm. Ngày xưa trên đảo không có trường học, ai muốn học chữ phải qua tận thị trấn Ba Ngòi hay vào thành phố Nha Trang học; còn nay ở đảo đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và cả trường trung học cơ sở nữa, bọn nhỏ bây giờ đi học thuận tiện lắm.
Nghe lời tâm sự có đôi chút tự hào của Thùy Liên làm tôi càng háo hức muốn tàu chạy nhanh hơn để được tận mắt thấy hòn đảo đã từng được nghe nhiều mà chưa một lần đến... và giờ đang hiện rõ dần. Xung quanh đảo, nhìn từ phía tàu chạy vào hình như chỉ thấy toàn những tảng đá khổng lồ, trắng toát chen nhau mọc từ biển lên, đứng thành bức tường chắn sóng; phía cảng của đảo nổi bật một ngôi nhà cao năm tầng có dòng chữ “Nhà nghỉ Hạnh Pháp”, còn xung quanh chỉ là những ngôi nhà nhỏ hơn, thấp thoáng sau những tán cây bàng, cây si... Phủ khắp đảo một màu xanh hơi vàng của các cây thấp và cỏ dại xen lẫn những tảng đá lớn. Phía trước cầu cảng, nhiều thuyền đánh cá neo đậu và cả những căn nhà nổi nuôi tôm hùm, nhà hàng... thể hiện một vùng quê bình yên, trù phú.
Tàu cập bến, chia tay Thùy Liên, cô dặn: “Nếu lần sau các anh ra chưa có chỗ nghỉ thì đến nhà em nhé, nhà có máy điều hòa nhiệt độ, quạt và các tiện nghi đủ tiêu chuẩn như khách sạn, giá chỉ 70 ngàn đồng một người một đêm thôi. Nhà em kia kìa!” Bắt tay tạm biệt, tôi nói vui: Một cách quảng cáo rất ấn tượng.
Chiều, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk ra bãi Ngang ngắm cảnh hoàng hôn theo như giới thiệu của cô chủ nhà nghỉ Hạnh Pháp. Mấy anh em thả bộ theo con đường nhựa mới làm đi dạo ven bờ biển chứ không đi xe máy hay xe ô tô, xe túc túc mà người dân nơi đây chào mời vì muốn ngắm cảnh biển và chụp hình. Bờ biển được xây kè đá cao, phía trước kè có nhiều tảng đá lớn nhô lên trên mặt nước biển đang lúc thủy triều xuống. Một đám trẻ nhỏ len lỏi qua các hòn đá để mò, bắt những con ốc, con ghẹ... bóng các cháu đổ dài trên mặt biển; thấy đẹp quá, tôi và nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc chĩa máy bấm lia lịa. Bỗng có người vỗ vai, tôi giật mình quay lại thấy một người đàn ông chắc khoảng trên sáu chục tuổi, râu tóc bạc phơ, nở một nụ cười hiền hậu hỏi:
- Các anh ở xa mới tới đây lần đầu à?
- Dạ, anh em em ở Đắk Lắk xuống ạ.
- Dân xứ sở cà phê xuống thăm biển, vào làm một ly cho vui đi.
Miệng nói, tay chỉ vào ngôi nhà bên cạnh đường, nơi có bảy người đàn ông đang ngồi bên hiên nhà nhâm nhi. Trước sự nhiệt tình của chủ nhà, cả hai chúng tôi vào nhập mâm. Trên mâm toàn đồ hải sản tươi: mực, tôm, cá hấp và bánh đa cuốn với rau thơm. Ông chủ nhà nói: “Chiều tối chúng tôi đi biển, giờ làm vài ly cho vui; mấy khi gặp các anh đến chơi, xin mời cụng ly”. Mọi người nâng ly, tôi cũng phải nâng và cố cạn ly đầu rồi xin phép đi vì không uống được rượu. Mọi người trong mâm cười bảo: Mấy khi gặp nhau, vui là chính, còn uống thì tùy. Không khí đầm ấm của những ngư dân nơi đây lần đầu gặp gỡ, giống như ở quê tôi ngày mùa gặp con cháu về chơi vậy; gần gũi và thân mật. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc ở lại nhậu, còn tôi vì muốn ngắm hoàng hôn nên xin đi trước, mấy người đều không nỡ giữ, bắt tay thật chặt tạm biệt.
Xuôi con đường nhựa, qua khu doanh trại quân đội trồng nhiều xoài, cây nào cũng rất sai quả, từng chùm quả phủ gần như kín cả cây trông rất đẹp mắt. Qua con đường hai bên trồng xoài, trước mắt tôi hiện ra mặt biển trong xanh nhìn rõ những hạt cát trắng tinh dưới làn sóng biển nhẹ nhàng vỗ bờ. Một đoàn thanh niên hơn hai chục người đang nô đùa trên bãi, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng cười sảng khoái khi bắt được con ốc, con ghẹ chuyền tay nhau xem. Xa xa dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa chạy ra chắn biển có các ngọn nhấp nhô in trên nền trời xanh. Mặt trời màu vàng nhạt xuống gần đỉnh núi, hắt bóng xuống mặt biển, tạo nên một bức tranh thủy mạc lộng lẫy đến bất ngờ; bức tranh ấy còn được điểm thêm hình của hai con tàu lớn đang đậu ở hai bên bóng mặt trời lung linh trên mặt nước. Từng làn sóng biển nhấp nhô đuổi nhau ập vào bờ, ngọn sóng nào cũng nhuộm ánh vàng lấp lánh, lấp lánh.
Dầm mình xuống mặt nước mát, đi ra xa bờ, nước lên đến cổ mà vẫn nhìn thấy từng ngón chân của chính mình. Trên đám san hô màu trắng ngà có từng đàn cá bơi lội như trong thủy cung nhân tạo. Cá ở đây không lớn lắm, nhưng màu sắc sặc sỡ và rất dạn, nhiều con thúc cả vào chân, vào bụng người. Dưới làn nước trong như lọc, san hô mọc theo từng khóm và có nhiều loại khác nhau càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bãi Ngang. Tại sao lại gọi tên “bãi Ngang”? Trước khi ra đây, tôi tò mò hỏi cô chủ nhà nghỉ, cô cũng lắc đầu không biết, vì từ nhỏ đã được nghe gọi như thế, giống như gọi đảo này là đảo Bình Ba vậy. Đứng ở bãi Ngang nhìn được toàn bộ cửa Lớn, nơi tàu thuyền ra vào vịnh Cam Ranh và chỉ nơi đây mới thấy cảnh hoàng hôn đẹp nhất đảo. Mặt trời nhạt dần, nhạt dần rồi khuất từ từ sau một ngọn núi đã trở màu xanh sẫm xa xăm.
Chưa đến năm giờ sáng, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã bật dậy kéo nhau ra xe để đến bãi Chướng ngắm mặt trời lên. Hôm qua đã hẹn chiếc ô tô 16 chỗ chở một vòng quanh đảo đón bình minh và thăm bãi Nồm giá 200 ngàn đồng. Anh lái xe còn trẻ, chắc tuổi độ hai bảy, hai tám nói giọng xứ Nghệ đưa đoàn ra bãi Chướng. Đến nơi trời vẫn còn tối, phương đông chỉ mới vài đám mây hồng đâm ngang. Mặt biển còn nhiều bóng đèn nhấp nháy của các thuyền đánh cá đang trên đường trở về. Anh tài xế vui chuyện cho biết: quê ở tận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; học xong phổ thông, nhập ngũ được chuyển về lực lượng Biên phòng đóng tại đảo này; xong nghĩa vụ ở lại đây làm rể và lập nghiệp luôn. Hai vợ chồng trẻ được chính quyền xã ưu tiên cho thuê một lô đất gần cầu cảng dựng quán bán hàng; chồng không biết nghề biển nên mua chiếc xe chở khách tham quan chạy quanh đảo kiếm thêm đồng giúp vợ. Nhìn chung kinh tế gia đình tạm được. Anh cho biết thêm:
- Các bác thấy mấy quán xây dựng dở dang xung quanh đây không? Có một nhà đầu tư trong đất liền định mở khu du lịch tại đây, nhưng đảo này thuộc vùng cấm xây dựng các khu vui chơi, giải trí vì liên quan đến quân sự nên công trình bỏ dở đó.
Thì ra vậy, sát mép biển có năm căn nhà gần nhau nền láng bê tông, hình bát giác; các cột đổ bê tông cốt thép đã bị cỏ và dây leo phủ kín, chắc bỏ hoang đã lâu. Phía sát chân núi một dãy nhà xây 7 phòng chưa có mái, dây leo bám đầy tường. Kinh phí đầu tư ban đầu vào đây chắc cũng khá nhiều, nay bỏ hoang, nhìn thấy tiêu điều quá. Mặt trời chưa lên, chúng tôi có thêm nhiều người gia nhập; người đi xe máy, người đi xe ô tô điện, ở đây họ gọi: xe túc túc – chở được hơn chục người một chuyến, cùng ra ngắm cảnh.
Phương đông, những đám mây đen đổi màu chuyển dần qua màu vàng rồi màu hồng; mặt biển cũng sáng dần lên, những con sóng lớn từ biển đông ầm ầm lao vào vách đá, tung lên những hạt nước lớn cao đến vài mét. Hai dãy núi cách nhau khoảng gần 200m, cùng lao ra sát mép nước, có vách đá dựng đứng, vô tình tạo nên một thung lũng xuôi dần ra biển, có chiều ngang hơn 200 mét, được đặt tên: Bãi Chướng. Bãi Chướng trên bờ cao có một lớp cát dày, phía sát mép nước được phủ một lớp san hô trắng bị sóng đánh vụn ra như những hạt sỏi, trông rất đẹp. Hôm nay nhiều mây, những đám mây hồng chuyển sang màu vàng rực rỡ làm mặt biển như dát bạc. Từng luồng gió từ biển Đông lồng lộng thổi vào giật tung cả những vạt áo nếu không nhanh tay giữ; có lẽ vì những cơn gió như thế thổi vào đây nên bãi này được mang tên bãi Chướng. Hơn 7 giờ, mặt trời lên cao mới ra khỏi mây, cả đoàn tiếp tục lên đỉnh đảo ngắm cảnh các tàu đánh cá tấp nập trở về. Nhìn về phía đông nam, những chiếc tàu lớn đi vào vịnh để lại phía sau một luồng nước trắng phau, kéo dài.
Trên đảo, thực vật chủ yếu là các loại: xương rồng, dứa dại, chà và... mọc lúp xúp quanh các hòn đá lớn, trông như vùng bán sa mạc. Con đường bê tông do quân đội thi công, xẻ các mỏm núi đưa du khách tham quan đi một vòng tròn qua phía đông đảo rồi trở lại cầu tàu. Sân cầu tàu, buổi sáng trở thành chợ hải sản, tấp nập người mua, người bán. Cá, ốc, cua, ghẹ, tôm, mực… những báu vật của biển khơi sau một đêm ngư dân trên đảo đánh bắt được đều hội tụ tại đây, còn tươi rói được bày bán thành hai dãy dài. Mấy bà trung niên thấy khách lạ đến liền chào mời: “Các bác thích ăn cứ mua rồi đưa vào quán đây bọn em nấu giúp”!
Từ cầu tàu đi sâu vào đảo khoàng hơn 300m, qua khu dân cư đông đúc đến bãi Nồm. Bãi Nồm có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng làm nhà nghỉ cho khách tham quan, du lịch và bán cà phê. Bờ biển cát trắng tinh, thoai thoải xuôi dần ra xa, thỉnh thoảng có hòn đá lớn nhô lên trên mặt nước, sóng vờn qua, hắt lên không trung từng đám bụi nước. Nước biển trong xanh, thỉnh thoảng có bầy cá chạy qua thúc vào người đang tắm. Đứng trước bãi biển tôi chợt nhớ đến cô chủ nhà nghỉ nói với tôi khi ra đây: “Bãi Nồm là bãi tắm đẹp nhất đảo đấy”. Đến rồi mới biết cô nói không sai.
12 giờ 30, đoàn xuống tàu trở về đất liền. Ra cầu tầu chia tay chúng tôi có mấy người bạn vừa quen trên đảo và cả người sỹ quan Biên phòng làm nhiệm vụ tại trạm Cầu cảng. Chỉ chưa đầy một ngày một đêm ở đảo thôi, nhưng tình cảm tưởng như đã gắn bó từ lâu rồi, bịn rịn không muốn rời xa. Người dân trên đảo Bình Ba vẫn còn đó sự chân chất, giản dị, mến khách chưa bị cơ chế thị trường làm cho thay đổi. Phải chăng đó là truyền thống của những người dân chài ở Bình Định vào định cư tại đảo từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII lưu giữ đến ngày nay và vì thế mới đặt tên đảo là Bình Ba (Bình là Bình Định, một cách gọi để ghi nhớ tổ tiên vào lập nghiệp nơi đây) – một ông lão tôi gặp bên Lăng Nam Hải Bình Ba, giải thích như thế. Lăng Nam Hải Bình Ba được xây dựng cuối thế kỷ XVIII để thờ các ông: Nam Hải và Tiên Hiền, Hậu Hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…) đã được các vua triều Nguyễn ban tặng năm đạo sắc phong và năm 2006 được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp di tích cấp tỉnh.
Đảo lùi dần rồi khuất hẳn sau mặt biển. Xa rồi, nhưng vẫn mong cho dù thời gian có thay đổi nhưng bản chất giản dị thân tình của con người ở đảo vẫn không đổi thay, họ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa và chính điều đó cùng với phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây sẽ tạo nên sự hấp dẫn riêng, lôi kéo du khách trong nước đến với đảo, góp phần làm cho đảo Bình Ba ngày một trù phú hơn, giàu đẹp hơn để rồi ai chưa đến sẽ mong được đến, đã đến một lần lại muốn đến lần nữa, lần nữa…
Hẹn gặp lại nhé: đảo Bình Ba!


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả TIẾN THẢO


 Tác giả TIẾN THẢO

Về với biển



Đến bao giờ ta trở lại Hoàng Sa
Với tư thế như ông cha thuở trước
Sóng vẫy gọi mang bao điều hẹn ước
Và bao điều đảo muốn nói cùng ta

Biển vẫn còn lưu dấu Đội Hoàng Sa
Những trai tráng từ thời vua chúa Nguyễn
Vượt giông bão năm đi về mấy bận
Chở đầy thuyền tôm, yến, ngọc trai

Những hải trình của buổi đầu mở nước
Vẫn còn nguyên trong sách sử Đại Nam
Ngôi miếu nhỏ xây từ thời Minh Mạng
Thờ phụng người tử nạn giữa gian nan

Đảo nổi, đảo chìm thành trang cổ tích
Chép chuyện ngày xưa, kể chuyện bây giờ
Mùi trầm hương thoảng trong chiều gió cát
Là nỗi lòng ai gởi đảo hoang sơ

Hồn mang nặng trang sử hồng dân Việt
Tấc biển, tấc vàng thấm máu ông cha
Về với biển nghe biển Đông dậy sóng
Nhịp tim bây giờ nhịp đập Hoàng Sa.


                            4.2014

SỐ 261 - tác giả TÔN NỮ NGỌC HOA




NƠI CÓ GIÓ MÁT GIỮA TRƯA PHAN THIẾT

Ghi chép


Trong chuyến đi thực tế tại Bình Thuận  vào trung tuần tháng tư 2014 được tận mắt ngắm những bức tranh cát đủ kiểu đủ hình và được sỡ hữu một bức tranh cát nho nhỏ khắc họa phong cảnh Phan Thiết hồn hậu ở một quầy bán hàng lưu niệm tại Mũi Né với tiết lộ của cô bé bán hàng: “Do người khuyết tật Phan Thiết làm đó cô” tôi thấy niềm vui dâng ngập. Niềm vui càng nhân lên khi ngay sau đó với sự hướng dẫn của cô Chánh văn phòng Hội VHNT Bình Thuận, đoàn chúng tôi được ghé thăm cơ sở tranh cát Phi Long tại hẻm 444 Thủ Khoa Huân, Phan Thiết.
Gây ấn tượng đầu tiên là những chén cát đủ màu sắc bày trên bàn với các vật dùng để “vẽ” tranh (vẽ tranh cát là dùng cái thìa nhỏ xíu đổ cát vào một vật dụng định hình bằng thủy tinh, bút vẽ là que tre hay gỗ vót nhọn để chuyển dịch cát đến chi tiết cần theo mẫu vẽ bằng mực trên thành thủy tinh). Có tiếng trầm trồ: “Cát đấy ư? Nhiều màu vậy sao?”. Ngạc nhiên cũng phải thôi bởi mấy ai nhìn lâu vào cát để thấy sắc màu khác ngoài hai màu vàng trắng thông thường đâu. Chỉ người có trái tim nghệ sĩ của chị Trần Thị Hoàng Lan mới khiến chị có “mắt thần” khám phá để rồi say mê tạo hình với những hạt li ti đó và truyền nghề cũng như niềm say mê cho bao người. Choáng ngợp hơn là những chân dung người nổi tiếng những tác phẩm nghệ thuật Âu, Á được thể hiện bằng cát trưng bày bên cạnh. “Quá tuyệt! Quá tài” là những từ được thốt lên bằng sự chân thành của cả đoàn. Nhưng để lại dấu ấn sâu sắc nhất là hình ảnh các em khuyết tật đang cắm cúi bên những chai lọ, bình thủy tinh và những chén cát nhỏ đủ màu chăm chút cho tác phẩm của mình ở gian lớn nhất của ngôi nhà. Tất cả máy ảnh tích cực hoạt động. Ai cũng muốn ghi lại những hình ảnh đầy xúc động đang hiển hiện trước mắt. Đây là nhóm các em khuyết tật vận động - có em vẫn ngồi trên xe lăn. Kia là nhóm các em khiếm thính - lặng lẽ đến nao lòng. Tất cả đang tập trung cao độ vào công việc. Tiếng cười nói ồn ào vốn thường trực trong đoàn vắng bặt nhường chỗ cho thủ thỉ thầm thì. Sự chăm chú của gần hai mươi em đã thành hiệu lệnh không qui ước nhắc chúng tôi giảm “volume”. Sự giao cảm thể hiện qua ánh mắt và nụ cười. Ánh mắt chúng tôi sáng lên niềm thán phục, ánh mắt các em tỏa ánh tự hào. Không tự hào sao được khi chính các em góp phần đưa tranh cát đi khắp nơi cả trong và ngoài nước. Chính các em mới đây là nỗi lo của gia đình và nỗi canh cánh của người có trách nhiệm trong xã hội. Giờ đây các em thấy mình có ích khi hàng tháng nhận về đồng tiền công sức dù nhỏ nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống, có em còn giúp được gia đình. Niềm vui nào hơn thế nữa. Một điều vui nữa nhưng các em không hề biết là  các em đã góp phần “cải tạo” rất nhiều người lành lặn từ chính cuộc sống của mình.
Tranh thủ lúc một em trai ngồi xe lăn đang vươn tay vươn vai có lẽ để thu nạp lại năng lượng, tôi tranh thủ hỏi chuyện thì biết em ở tỉnh ngoài đến đây nhờ xem TV giới thiệu và  mất chừng 30 ngày để học nghề. Bây giờ  em đã có thu nhập khoảng 3.000.000đ/ tháng với năng suất một tranh nhỏ/ buổi (tranh nhỏ đó tôi mua với giá 85.000 đồng tại hàng lưu niệm). Cũng qua em, tôi được biết việc dạy nghề rất linh hoạt, không đợi đông mới mở lớp và theo nguyên tắc người biết trước dạy người đến sau. Thấy chúng tôi trò chuyện, một em gái đối diện đang lúng túng với bút với cát cũng góp ánh mắt sẻ chia và nụ cười bẽn lẽn. Thì ra em ấy mới vào và đang được chính chàng trai tôi đang nói chuyện kèm cặp. Tôi nghĩ biết đâu họ sẽ là một đôi sau này và thầm chúc điều đó thành hiện thực. Tiến về phía một chàng trai khác đang “vẽ” chân dung chúa Giê Su tôi lại biết thêm đây là nghệ nhân trẻ bởi em cho biết em đang được đặt hàng, những ai có tay nghề cao mới được giao vẽ hàng đặc biệt như vậy. Thấy chúng tôi, một người phụ nữ đôn hậu xuất hiện, thì ra đây là chủ cơ sở - chị Đặng Thị Thu Hà - mẹ của Đỗ Đặng Phi Long người có ý tưởng mở cơ sở này để giúp đỡ người khuyết tật bởi cùng cảnh ngộ sau khi chính mình làm học trò của nghệ nhân Ý Lan. Chị cũng là mẹ chung của ai đến với Phi Long bởi chính chị chạy vạy ngược xuôi để có được nó và cũng chính chị chăm lo miếng ăn nơi ngủ của bao nhiêu con người trong mấy năm nay. Một người mẹ hết lòng vì con bởi người con biết vì mọi người nhất là người không may như mình. Họ là hai nguồn sáng giữa trắng đen lẫn lộn. Tôi tin hai nguồn sáng ấy đã tiếp thêm năng lượng cho các em mỗi khi chán nản trước đôi tay vụng về, cái đầu u u. Cũng chính hai nguồn sáng này đốt cháy những ý nghĩ nhỏ nhen những toan tính tầm thường trong mỗi người tiếp cận.
Tiễn chúng tôi, chị cho biết Phi Long vẫn duy trì chương trình “Tập làm nghệ nhân” dành cho du khách thích trải nghiệm loại hình nghệ thuật thu hút này và vẫn mở rộng cửa đón người khuyết tật từ khắp nơi trong nước đến học nghề, làm việc. Chúng tôi vui đón thông tin này từ chị và sẽ truyền đến nơi cần đến. 
Trưa Phan Thiết nắng lóa mắt nhưng mát như có gió. Chính là gió nhân ái thổi từ Phi Long.

                                                                   BMT  24.4.2014

                                                                   

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả ĐÀM LAN

Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 4 năm 2014, Chi hội Văn học tổ chức chuyến đi thực tế và giao lưu với một số Hội VHNT các tỉnh Nam miền Trung, tạp chí Chư Yang Sin xin giới thiệu các tác phẩm của hội viên hoàn thành sau chuyến đi này.


t
Tác giả ĐÀM LAN

DẬP DỜN SÓNG XÔ
Tản văn



Bình Ba đảo nhỏ Cam Ranh
Mênh mông trời biển dập dềnh sóng xô
Cũng phải hơn đến chín chín lần được nghe đến những cụm từ: Bình Ba… Đá Lớn… Trường Sa… Vịnh Cam Ranh… Và cũng đến hơn chín chín lần ước “giá mà…”. Thì giờ đây, con tàu nhỏ đang dập dờn rẽ sóng đưa những ánh mắt trông chờ háo hức hướng đến bờ bên kia. Biển bao la, lớp lớp những dãy núi liền kề hùng vĩ ôm trọn một vùng vịnh trong lành yên ả. Nắng đẹp trời trong những cánh chim chao liệng trên không trung như vẽ những đường tơ óng ả vàng ươm một vùng trời. Đâu đó giữa những cụm núi tạo thành lá chắn là Quân cảng Cam Ranh nổi tiếng, một đắc địa không chỉ dành riêng cho một đất nước. Hai chiếc tàu ngầm đã yên vị dưới lòng biển ngắt xanh kia, hy vọng rằng nó chỉ là một nét điểm tô cho phong cảnh tráng lệ diễm tình của một vùng biển đẹp, thanh bình.
Đảo Bình Ba với cụm dân cư gói gọn một dải trải theo triền mép biển. Những ánh nhìn thân thiện hiền hòa của người dân xứ biển sao mà thanh thản nhẹ nhàng đến thế. Quanh chiếc cầu tàu, vào ra là những màu xanh với lá cờ đỏ của những chiếc thuyền cá, đủ tạo nên một đời sống thư thả cho một bến bờ cho cả những người con xa xôi về lập nghiệp. Chừng hơn năm trở lại, xứ này mặc nhiên là một điểm du lịch, hầu hết là tự phát, nhà nhà làm du lịch, nhà nhà tổ chức tuor không cần công ty này nọ chi cả. Nhưng sẽ không thể phát triển với quy mô rộng lớn vì lý do an ninh quốc phòng. Thế cũng có thể cho là đủ với tiêu chí an bình ổn định.
Thong dong tầm mắt với toàn cảnh tráng lệ của vịnh Cam Ranh, cảm nhận sự yên bình nhẹ nhõm này đang được hàng giờ đánh đổi bởi những người chiến sĩ hải quân ngoài xa kia - Trường Sa. Vẫn còn đau đáu một ước nguyện ngày nào đó không xa, sẽ được cầm những bàn tay chiến sĩ gân guốc rạm màu nắng gió mà mạnh mẽ vững chãi, sẽ tận mắt mà ngưỡng cảm mảnh đất thiêng liêng quan yếu của sơn hà Việt Nam. Một phần nghìn mong ước ấy đã thành hiện thực. Người sĩ quan vùng biển ải đầy nắng gió ấy hồ hởi đón chào: Phạm Tiến Sỹ. Với một phong thái tự tin can trường mà gần gũi đã nhiệt tình tiễn khách đến tận lòng thuyền. Tạm biệt và hẹn gặp lại nhiều và nhiều hơn nữa anh em nhé.
*
Ngọt ngào hai tiếng quê hương
Dừng chân mà ngắm mà thương đắm lòng
Đây miền đất xương rồng nắng cháy, sản vật không nhiều nhưng cũng đủ vươn xa. Kìa những giàn nho quả xanh quả chín mơn mởn. Kìa những quả táo giòn thơm đã thành thương hiệu Táo xanh Ninh Thuận. Kia những đàn cừu đàn dê trong khô khát vẫn miệt mài cần mẫn. Đã một lần tương ngộ nhưng chừ lại chẳng thể tay bắt mặt mừng, bởi điểm đỗ lần này là biển Vĩnh Hy Ninh Hải với giải san hô hơn mười cây số. Đành khất một lời tri ngộ cùng những anh em thân thương trong lòng thành phố nhé.
Vẫn là biển là vịnh thôi, nhưng mỗi nơi mỗi vẻ. Chỉ có tấm lòng nồng nhiệt của con người thân ái về nhau thì không khác mấy. Đồn trưởng biên phòng nơi đây là dòng tộc với anh “cán bộ đường lối” Trương văn Bộ: Đại tá Nguyễn Vinh Dự. Quả là ông bà khéo đặt tên. Sự thân tình dòng tộc lan tỏa cùng cái bắt tay ấm nồng với những người xa đến. Câu chuyện vui cười nối tiếp cười vui bên cơm canh nóng hổi, bên ấm trà thơm ngọt. Nghe râm ran bổi hổi. Nơi đâu có những tấm lòng rộng mở hân hoan thì nơi đó có thể gọi thầm trong tim “Ơi một chốn ta về”.
Thiên nhiên luôn có nhiều ẩn số ảo huyền nguyên tích. Lòng biển xanh sâu kia luôn tạo cho con người bao kỳ thú tuyệt diệu. Từ những thước phim của các nhà khảo cứu lặn biển tìm tòi, cung hiến những sắc màu lung linh kỳ bí, để người người được mãn nhãn với thế giới vô cùng phong sắc của biển. Nay chỉ đơn giản ngồi trên thuyền nhìn qua làn nước trong vắt cho những tia nắng óng ánh những đóa san hô nhiều hình dạng màu sác đã đủ để bật lên những tiếng “Ồ…À…” mê mẩn. Thông tin từ nhà thuyền cho biết: một khu resort Amanoi, mở rộng trên hai quả đối với hơn mười nước đầu tư, một khu nghỉ dưỡng cao cấp hiện đại, phục vụ chủ yếu khách nước ngoài. Nhìn lên đồi ẩn hiện là những mái nhà lô nhô. Sẽ còn tiếp tục tiếp tục đầu tư.
Một vùng đất nhiều tiềm năng đang mở ra nhiều cơ hội bởi một dự án lớn: Nhà máy điện hạt nhân sẽ được khởi công xây dựng. Với quy mô hoạch trình có tầm cỡ chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều lĩnh vực ngành nghề về hội tụ. Những người dân nơi đây rồi sẽ có một cuộc sống đầy hứa hẹn phía trước. Ôi ! Nghe dạt dào sóng sánh lòng vui.
*
Huyền tích xưa Mạc Tử Mộng Cầm
Lầu thơ nghiêng bóng bao lần trăng rơi
Đã bao lần qua lại nơi đây, vậy mà mỗi khi đến vẫn nghe mênh mang nao lòng câu hát. Cho dù mảnh đất được ưu đãi về nhiều mặt ngày nay đã khá sầm uất rỡ ràng. Thành phố bừng lên một bộ mặt đầy sức sống. Những khu resort đủ kiểu dáng rộng hẹp nối dài san sát bờ biển tạo thành một quần thể phố mới. Không chỉ tiềm năng địa phương mà Phan Thiết cũng như Bình Dương là thành phố vệ tinh của Sài Gòn, nên được kéo theo sức phát triển mạnh từ nhiều phía.
Những gương mặt cởi mở đã đón chào khách phương xa bằng một thịnh tình cụ thể tại nhà hàng Sóng Biển. Mát rượi những ly bia vàng óng, mát rượi những mắt cười thân quen dẫu lần đầu gặp gỡ. Anh Nguyễn Chí Khanh chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Thuân và chị Mỹ Duyên chánh văn phòng nồng hậu dạt dào qua những nhạc phẩm tê người. Núi cao biển rộng sông dài/ Niềm thương ta hãy rót hoài tay nhau. Cứ thế mà chếnh choáng cho đến tận trưa ngày sau mới bịn rịn tạ từ. Hẹn và hẹn. Nơi đây nơi kia. Dẫu nơi nào gần xa trên dải đất hình chữ S này, chúng ta vẫn hữu duyên mà tương ngộ nhé người ơi.
*
Ngày đến ngày đi và ngày vẫn…
Dập dờn con sóng vẫn xa khơi
Năm ngày cho một cuộc lữ hành của Hội Vvăn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk với mười hai văn nghệ sĩ đã gần kết thúc khi men theo đường bờ biển Nha Trang hướng về phố núi. Một chuyến đi đẫy đà biển biếc. Có hàng trăm lần biển nữa thì sức hút của bao la biển mênh mông trời vẫn không hề vơi cạn. Tình yêu là thứ không thể miêu tả một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ, nó cứ căng đầy trong tim với những mê mải ngọt ngào túy lúy. Huống nữa là bao cảnh trí tú lệ diễm kỳ của non sông luôn vẫy gọi những trái tim khao khát. Giang sơn đất Việt còn lắm lắm những ngọn nguồn trầm tích. Những bước chân ruổi rong người người mãi mãi nối tiếp nhau mà ngơ ngác trầm trồ. Có những món nợ không thể quy ra bằng con số hay hình khối, nhưng luôn ẩn hiện trong góc nhỏ tâm can bởi những ân tình duyên nghiệp. Để rồi lại nhủ lòng… sẽ và sẽ và sẽ… Nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể gọi là đủ đáp đền. Thôi thì cứ biết thế biết thế rồi may ra may ra nhỉ.




Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN

Tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN



Mẹ quê



Xa quê
giờ đã bạc đầu
vẫn còn nhớ mãi một câu gọi đò:
“Đò ơi… trời đã túi mò(1)
mau mau cho với… con so đang chờ”…

Tiếng gọi đò
văng vẳng trong mơ
giữa khuya khoắt
bỗng giật mình thảng thốt
ngỡ thấy Mẹ trên chuyến đò ngày trước
đêm Ngàn Sâu hun hút gió mùa…

Quê mình nghèo
nương sỏi, ruộng chua
năm hai vụ cấy trồng
mà hết mùa hết thóc
chẳng thể ngồi nhìn con thơ nheo nhóc
Mẹ quảy gánh ngược ngàn tần tảo bán, mua
con mắm gồng lên, củ sắn cõng về
bàn chân bật máu tươi vì sỏi đá
(giá ghép được dấu chân chân như mảnh vá
thì dấu chân Người đã kín nước non!)

Chúng tôi dần lớn khôn
nhưng vai Mẹ gầy mòn
bàn chân Mẹ ngày đông sưng tròn đau buốt
Mẹ vẫn bán buôn lần hồi xuôi ngược
nay chợ Gát, chợ Cày
mai chợ Bôộng, chợ Nhe…
câu ví vẫn thiết tha theo bước Mẹ đi, về
đời gian khổ mà lời ca không tắt
phải câu ví ngàn đời tiếp sức
để mẹ trèo đôộng Bụt(2), trụt khe Giao
vượt qua dốc đời góa bụa gian lao!

Ba mươi năm rồi:
Mẹ về cõi chiêm bao
nhưng giấc mơ nào con cũng thấy
Mẹ sừng sững giữa trời như rú Hồng, rú Nậy(3)
vai gánh đàn con
vai quảy giặm, vè…

Con Mẹ trưởng thành tung cánh trăm quê
trong mỗi tế bào vẫn mang tình Mẹ
trong huyết quản vẫn chảy dòng máu Nghệ
nên biết sống làm người xứng với Mẹ – Quê Hương!

26.2.2014

(1) Túi mò – tiếng Nghệ: Tối không thấy gì phải mò mẫm
(2) Đôộng Bụt – tiếng Nghệ: Núi Bụt (nằm trên đường 15, đoạn Đồng Lộc – Hương Khê).
(3) Rú Hồng, rú Nậy – tiếng Nghệ: Núi Hồng, núi Nậy (to), thuộc Hà Tĩnh.