Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

SỐ: 254 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả Nguyễn Văn Thiện

 SUỐI HÁT

 Truyện ngắn

 Suối Đắk Kar đã cạn từ mấy tháng qua. Nắng như rây lửa thiêu đốt đến héo quắn lại những mảng rêu bám trên đá. Người già trong bon Bù Bir ước đoán: Phải hai tuần trăng nữa mới có mưa về! Người hay hoài nghi thì lắc đầu: Chưa biết chừng nắng cho đến hết tháng sáu cũng nên… Mọi người đều lo lắng, chỉ có thằng Nhôn bình chân như vại. Nó nói: Có nắng, tao cũng say, mà có mưa, tao cũng say! Nhà Y Nhôn ở sát ngay cạnh suối, từ khi bà mẹ già lọm khọm chống gậy đeo gùi sang bon khác ở với con rể, Nhôn ở một mình. Nhắc cái tên Y Nhôn với một trăm người ở Bù Bir thì cả một trăm người ngán ngẩm lắc đầu. Cái thằng đó, ớn lắm! Người ta ớn cái tính khí khác người của Nhôn. Hắn không thích lên rẫy. Cầm lấy cái xà gạc là tay nó nhũn ra như dây rừng. Hắn bỏ xà gạc đấy, rút thuốc ra hút rồi đi vòng quanh đám rẫy, một lúc sau thì mất hút. Hắn về chợ, ai cũng biết thế. Cứ nhìn cái mặt thì biết, đờ đẫn vì rượu. Hắn kết bạn với mấy đứa người Kinh ngoài chợ, cũng vẫn những cái mặt đờ đẫn giống nhau. Không chỉ uống rượu, có khi chúng còn hút cái thuốc cấm, hút xong thì lên cơn sung sướng gào thét, nhảy múa như điên. Người tốt bụng trong bon nhìn hắn ái ngại, thương cho mẹ Nhôn có thằng con bị Yang bắt tội. Không ai khuyên nhủ được hắn, bon trưởng hay già làng với hắn chẳng bằng con gà, hắn coi khinh hết. Hắn tuyên bố: Chỉ khi nào H’Phương chịu yêu hắn, chịu làm vợ hắn, hắn mới quay về! Còn không, đời hắn coi như bỏ đi giữa cái chợ này. Lần đầu, nghe người ta mách lại câu nói ấy, H’Phương giận sôi gan, nhưng nghe lâu rồi cũng thành quen. Bây giờ, H’Phương nghe cũng như không nghe, thấy cũng như không thấy. Nắng nhiều, cái cây quen chịu nắng, mưa nhiều, cái cây quen chịu mưa. H’Phương như cái cây bên suối Đắk Kar quen nắng quen mưa. Chị không giận Y Nhôn nữa, chỉ tiếc… Ngày trước, Y Nhôn không hư nát như bây giờ. Y Nhôn khỏe mạnh, hào hiệp, sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bạn bè ai cũng khen Y Nhôn hát hay, đàn giỏi. Những đêm trăng, con trai con gái xuống bãi đá bên suối Đắk Kar đàn hát, chuyện trò vui vẻ. H’Phương nghĩ, giá như cuộc sống đứng im như cái cây không bị gió, có lẽ vui hơn nhiều. Nhưng, làm sao mà không gió? Gió mạnh rồi giông lốc kéo qua khi người ta xây chợ Bù Bir ngay cạnh bon. Y Nhôn hiếu động, ham vui, bạn bè nhiều. Mỗi lần gặp nhau lại vào quán nhậu bên chợ. Uống để mừng gặp bạn cũ, uống để mừng quen bạn mới, uống để mừng cho bạn mới và bạn cũ trở thành bạn của nhau… bao nhiêu là lý do thỏa đáng để say. Mà toàn rượu cồn mười ngàn một chai bự. Uống thế, sao không hư, sao không chết! Người ngồi không ăn hết cả cánh rừng, không làm việc, lấy tiền đâu để mua rượu, dù là rượu cồn nước lã! Những đứa bạn rượu lại bày chuyện trộm cắp. Gần sáng, chúng xách thùng sang bên nông trường cao su trút mủ tươi về bán. Bao nhiêu lần nhắc nhở, giáo dục, đâu vẫn vào đấy. Cũng có người bảo, cho nó đi tù là xong đó mà! Nhưng mới trộm vặt dăm bảy chục ngàn, chưa tù được, thế là hôm sau lại thấy Y Nhôn uống rượu say hát lè nhè ngoài quán chợ… H’Phương học hết cấp hai, bỏ ngang con chữ về làm rẫy. Nhìn bạn bè cùng lứa lưng không đeo gùi mà đeo cặp sách, đạp xe đến trường học cấp ba, buồn rũ chân rũ tay. Bước lên rẫy mà như đi giữa đống dây rừng. Nhà nghèo, đâu dám mơ mộng, chỉ cặm cụi cuốc xới chăm cho đám rẫy đừng mọc cỏ tranh, đừng lên cỏ gai, cỏ xước, vậy là mừng rồi. H’Phương đẹp, cả bon Bù Bir đều công nhận, mắt sáng, da trắng nõn, tóc dài. Nhưng đẹp có đem ra ăn no được đâu, H’Phương buồn bã nghĩ. Ở bon Bù Bir này, đâu chỉ một mình Y Nhôn mê mẩn vẻ đẹp của H’Phương, cứ nhìn vào mắt các chàng trai khi H’Phương đi qua thì biết. Bao nhiêu là ước ao, bao nhiêu là mơ mộng. Nhưng H’Phương vẫn chưa chọn ai, chị sợ… Như cái suối Đắk Kar đó, mới ào ạt cuồng nộ chảy đó thôi, mà chỉ sau ba tuần trăng, đã cạn trơ đáy. Bụng dạ đàn ông, ai biết được mà dám chắc. Chị cắm cúi bước đi, mặc cho bao nhiêu ánh mắt dõi theo, ước ao mơ mộng. Đầu tháng sáu, anh cán bộ đoàn xã dẫn một tốp thanh niên thành phố áo xanh mũ tai bèo về bon Bù Bir, nói rằng, đây là đội thanh niên tình nguyện ở tận thành phố về với bon làng. Nhìn những gương mặt cũng xinh đẹp và trẻ như mình, bụng H’Phương chợt vui, như cái cây bất ngờ có gió thổi qua, vỗ về. Ờ, nhà H’Phương rộng, để một thanh niên tình nguyện ở cùng được mà. Bảy người tìm bảy nhà ở chung. Nhiều người nghi ngại lắc đầu, người lạ vào ở trong bon, kỳ kỳ sao ấy. Nhưng vài ngày sau thì hết lo. Đám trẻ nghỉ hè chạy lông nhông được gom lại cho vào lớp học, rồi tổ chức trò chơi, hoạt động nhóm, vui hết biết. Nhìn lũ trẻ được hướng dẫn trò chơi, H’Phương nghĩ đến những ngày còn đi học. Phượng, cô thanh niên tình nguyện cười cười: H’Phương rảnh thì ra sân hướng dẫn các em chơi với thanh niên tụi mình luôn? H’Phương góp sức mình, đứng lên tập hát, bài dân ca quen thuộc của người M’nông… Buổi tối, chuẩn bị ngủ, Phượng còn cười mãi: Không ngờ H’Phương hát hay lạ, bằng ca sĩ rồi còn gì! H’Phương vui vẻ: Ca sĩ gì đâu, vui quá nên hát quên mệt đó mà! Phượng nói: Tự dưng, hai chị em mình, từ rất xa, không quen biết, đến khi ở chung nhà, lại trùng tên nữa, hay ghê nhá! H’Phương nghĩ, cũng kỳ, Phương với Phượng, gần giống nhau, lại ở chung nhà… Bất giác, Phượng hỏi: H’Phương có người thương rồi chứ? Lại chuyện người yêu, nghĩ đến Y Nhôn, H’Phương lặng thinh không đáp, nằm nghe gió lùa trên mái nhà vi vút. Không nghe câu trả lời, Phượng tiếp: Trong đội thanh niên tình nguyện có ba anh chàng đẹp trai đó, hay mình làm mai cho H’Phương nhé! Phải khó khăn lắm, sau gần một tuần lễ chung nhà, H’Phương mới dám thổ lộ với người bạn mới về Y Nhôn. Phượng có cách nào giúp được Nhôn không? Phượng nói: Ừm, để xem, tụi mình phải gặp Y Nhôn đã mới biết được. Vừa nhắc đến hổ thì thấy hổ về, vừa nhắc Y Nhôn thì Y Nhôn đến. Lạ, hôm nay hắn không có vẻ say xỉn. Gặp hai người đang ngồi trước nhà cộng đồng, Nhôn dừng lại, bối rối: Chào H’Phương, chào thanh niên… Phương cười thoải mái: Hóa ra chàng Y Nhôn đấy hả! Y Nhôn càng bối rối hơn, tự dưng, H’Phương thấy mủi lòng, bảo, Y Nhôn ngồi chơi đi, đừng lóng ngóng như người bị phạt vạ thế nữa. Rất lâu sau, Y Nhôn mới nói thành lời điều muốn nói: Thanh niên tình nguyện cho mình tham gia với, uống rượu miết rồi cũng… buồn! H’Phương thở phào, nhẹ nhõm. Nhôn rất khéo tay. Lũ trẻ lần lượt thay phiên nhau ngồi lên chiếc ghế kê cao bên thềm, Nhôn húi đầu cho từng đứa một, cẩn thận, kĩ càng như một người anh lớn. Buổi tối, đốt lửa lên múa hát, Y Nhôn lại là giọng ca khỏe nhất, trong nhất. Nhôn hát dân ca M’nông cùng với H’Phương, người già trong bon cũng ghé qua để nghe hát. Trên đường về, H’Phương hỏi: Nhôn không nhớ rượu nữa à? Y Nhôn lảng sang chuyện khác: Mẹ sắp quay về ở với Y Nhôn rồi, vui quá! H’Phương không còn giận Nhôn, càng vui nữa! Rồi mùa mưa mong đợi cũng về. Bắp lúa lên xanh đầu ngọn suối. Suối Đắk Kar cất lên bản nhạc dìu dặt muôn thuở. Nước tràn qua đá, chảy phăng phăng về bên kia núi. Những đêm mùa mưa, bon vui như mở hội. Người già mừng trong bụng vì cây lúa cây đậu đã có nước, nhú mầm xanh trên rẫy. Bọn trẻ thì vui vì có các anh chị thanh niên về, có thêm chị H’Phương, anh Nhôn chăm sóc, chỉ bảo. Niềm vui của H’Phương thầm kín hơn, chỉ có cô bạn thanh niên ở chung nhà là biết tỏng. H’Phương ơi, nhanh tay lên, sắp tối rồi, chàng Nhôn sắp sang nhà đấy! H’Phương ơi, tối nay, mặc váy đẹp nhất để hát dân ca với chàng Nhôn nhé! Phượng gọi Y Nhôn là chàng Nhôn, nghe là lạ, vui vui. H’Phương chỉ cười, không nói. Tay chân tự dưng lóng ngóng, gọt cái măng không đứt, chẻ thanh củi không xong. Nhoáng cái, tháng bảy sắp đi qua. Nhanh quá! – H’Phương buồn bã nghĩ – mới đó, đã giữa mùa mưa. Hôm liên hoan chia tay với đội thanh niên tình nguyện, H’Phương hát bài tiễn bạn mà nước mắt chảy dài như suối. Bọn trẻ con không kìm được nước mắt, có đứa khóc nấc lên. Anh bí thư đoàn xã phải tếu táo: Không được khóc, nếu ai còn khóc thì sang năm thanh niên không về bon mình nữa! Buổi sáng, cả bon Bù Bir nghỉ một buổi rẫy để tiễn thanh niên tình nguyện về lại thành phố. Qua suối Đắk Kar, mọi người dừng lại, chiếc xe màu xanh bắt đầu lăn bánh ra đường lớn. Có bao nhiêu cánh tay đều đã giơ lên vẫy. Phương hét to: H’Phương ở lại vui nhiều nhé! Tiếng của Phượng đã bị gió thổi bạt đi, lẫn vào tiếng suối đang chảy. H’Phương không chạy theo, đứng im lại bên đường. Đúng rồi, H’Phương không buồn nữa, phải vui nhiều. Đêm qua, bí thư đoàn xã đã giao việc của đoàn của bon Bù Bir cho H’Phương. Nhất định H’Phương phải hoàn thành, phải vui như con suối mùa mưa. Bên cạnh, Y Nhôn đứng im, không nói gì mà nước mắt chảy dài trên gò má. Thấy H’Phương ngẩng lên nhìn, Nhôn bối rối chữa thẹn: - Ờ, suối Đắk Kar này, nước ở đâu ra mà chảy dữ! - Y Nhôn không biết, suối đang hát đấy! Người già, trẻ em đã quay về. Chỉ còn H’Phương và Y Nhôn đứng lại sau cùng. Cả hai im lặng lắng nghe tiếng suối lúc vang dội, lúc dạt dào, có khi vi vút như gió qua đại ngàn. Cho tới khi họ đã bước về tận trong bon, vẫn còn nghe tiếng nước tràn qua bờ đá, rạo rực ngân xa.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

SOS: 254 - tác giả ĐÀM LAN



Chú thích ảnh: tác giả ĐÀM LAN

Trầm ca



Con nước xuôi dòng con nước chảy
Gió mùa mê mải gió vi vu
Mây trời ngơ ngẩn mây lãng đãng
Trầm ca một khúc khẽ ngân nga

Xanh cỏ lưng đồi xanh cả hát
Lóng lánh chân trời lóng lánh sương
Chiều ru dáng nhỏ chiều thơ thẩn
Mơ màng hư ảo khúc tà dương

Rơi một câu tình rơi nắng vương
Vui bước người đi vui quãng đường
Sao chợt như cười sao nhấp nháy
Đêm gợi ưu trầm gót tha phương

Lơ đãng mảnh hồn lơ đãng bay
Chén tình thơ nhạc chén tình say
Trầm ca như vọng trầm ca túy
Se thắt mà buông một thoáng ngày.












SỐ: 254 - tác giả NGUYỄN NGỌC PHÚ




DƯỚI VÒM CÂY RỤNG LÁ . . .

                                                                              Truyện ngắn



Chị tìm một nơi kín đáo nhất để quan sát ngôi nhà. Chồng chị và người đàn bà ấy vẫn chưa về. Chị kiên nhẫn chờ. Những chiếc lá khô trên cây sấu rơi xuống đầu chị, xuống vai chị rồi rơi xuống đất. Chị không buồn nhặt. Mắt chị cứ mờ đi, bao đêm rồi chị không ngủ được, chị chỉ muốn ngồi dựa lưng vào gốc cây này mà thiếp đi một lúc. Không, chị không thể ngủ thế này được. Hai người ấy có thể về bất cứ lúc nào. Nhưng đầu óc chị thì cứ mụ dần đi. Chợt chị nghe văng vẳng tiếng khóc của trẻ con. Sao giống tiếng khóc của con chị thế. Không, nó đã lớn rồi kia mà, nó đã năm tuổi rồi. Ngày chị đi đến bây giờ đã là năm năm, chị đâu còn phải bế ẵm, dỗ dành nó nữa. Nhưng đúng là con chị đang khóc, nó khóc thét khi chị bỏ nó mà đi, nó đói, nó khát sữa. Sang bên ấy nhiều đêm chị thức giấc không ngủ được vì cứ mơ hồ nghe tiếng khóc của con. Nhưng chị cứ phải đi, nếu đi chị còn có cơ hội  kiếm tiền gửi về cho cái gia đình ốm yếu của chị.
Ở bên này chẳng có công việc cao sang nào dành cho chị. Chị làm ôsin. Ừ, ôsin thì có gì là xấu, miễn là có nhiều tiền hơn ở nhà. Nhiều người còn làm những việc tệ hơn cả chị nữa kia. Hằng ngày chị đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, nhưng việc chính là chăm sóc bà chủ nhà bị tai nạn nằm liệt giường. Ông chủ tuổi ngoài năm mươi dáng còn phong độ, biết trọ trẹ vài ba câu tiếng Việt chỉ cho chị căn phòng buông rèm tăm tối nơi người vợ của ông ta đang nằm. Đã hai năm rồi nhưng tình trạng của bà ấy cũng chẳng khá hơn. Người đàn ông có vẻ mệt mỏi chán chường kể cho chị nghe. Ông ta cũng chẳng buồn đến gần giường của vợ, giao việc cho chị rồi vội vàng đi đâu đó. Còn lại mình chị. Căn phòng tăm tối u uất làm chị thấy hơi chợn rợn. Trên giường, một dáng hình tiều tuỵ, một đôi mắt mệt nhọc vô hồn. Người đàn bà còn trẻ nhưng xanh bủng, võ vàng vì nằm lâu ngày. Đôi đồng tử hơi chuyển động khi nhìn thấy người mới vào. Chị lúng búng chào bằng cái thứ tiếng mà chị mới được học qua loa bập bõm khi đến đây. Bà ta nhìn chị bằng cái nhìn mệt mỏi, vô cảm. Thôi mặc kệ. Chị xăng xái bắt tay vào việc. Chị kéo rèm cửa, chị quét dọn phòng, chị đỡ bà chủ dậy, chải tóc cho bà ta, chị xoa bóp cánh tay, hai vai, đầu gối, chị nấu đồ ăn cho bà ta… Sáng nào chị cũng thức dậy và làm tất cả những việc ấy. Chị bón cho bà chủ ăn, tỉ mẩn như với một đứa trẻ. Rồi chị chải tóc cho bà, chị vừa chải tóc vừa hát. Chị không biết tiếng, chị chẳng biết nói chuyện gì, chị đành hát vậy. Mà chị chỉ biết hát ru con, chị hát những điệu hát quê nhà hằng đêm chị vẫn ru con ngủ. Như thế chị thấy đỡ nhớ con. Người đàn bà ngước đôi mắt mờ tối lên nhìn chị, rồi đôi mắt khép dần mơ màng nghe chị hát. Có khi chị còn thấy từ hai khoé mắt mệt mỏi ấy rịn ra hai giọt nước nóng hổi. Chúng lăn dài rồi rơi xuống bàn tay chị đang cầm lược chải tóc. Chị lặng đi hồi lâu, chị cũng khóc. Khi nhìn xuống bà ấy đã ngủ từ bao giờ.
Bà chủ khá lên từng ngày, không còn nằm một chỗ trên giường nữa mà đã bắt đầu ngồi được xe lăn. Đôi mắt đã bớt u tối, thỉnh thoảng còn nhìn chị trìu mến. Ông chủ thưởng công cho chị, ông ta cười với chị nhiều hơn. Nhưng chỉ như vậy thôi, ông ta chỉ thoáng về rồi vội đi, không bao giờ lại gần vợ. Người đàn bà  nhìn chồng với cái nhìn u uẩn, thỉnh thoảng chị thấy bà ta khóc. Hình như họ không có con. Chị đoán vậy vì chẳng thấy hình đứa trẻ nào trong ngôi nhà này.
Khi bà chủ nằm nghỉ, chị dọn dẹp nấu nướng. Chị phải làm gì đấy, chị phải làm luôn tay vì chị không muốn ngồi một mình. Ngồi một mình chị lại buồn, chị lại nhớ nhà, nhớ con. Ông chủ về. Hôm nay ông ấy về sớm thế. Chị xăng xái ra mở cửa. Ông chủ mặt đỏ gay, hơi thở gây gây mùi rượu, áo quần xộc xệch. Ông ta nhìn chị một lượt, cái nhìn khang khác làm chị thoáng lo âu. Bất ngờ ông ta kéo chị vào phòng, nhanh đến nỗi chị không kịp phản ứng. Bên kia phòng bà chủ vẫn im ắng.
Buổi tối ông chủ ngồi vào bàn ăn cơm, ông ta ăn thản nhiên như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Chị len lén ngồi một góc, vẫn chưa hết sợ hãi. Ăn xong, ông chủ kêu chị lại, dúi vào tay chị một nắm tiền. Ông ta nhếch môi cười với chị, còn bảo rằng nếu chị chiều ông ta chị còn được nhiều hơn thế. Rồi ông ta ra khỏi nhà và lại đi đâu đấy. Chị bần thần giở nắm tiền ra. Trời đất, sao nhiều thế này. Gấp ba số tiền lương chị được hưởng hàng tháng. Chị lặng người đi. Đếm đi đếm lại chị vẫn không tin nổi số tiền chị đang cầm trong tay. Chỉ với chừng ấy ở nhà chị đã có thể mua được nhiều thứ cho gia đình chị. Chị bật khóc, chị khóc tức tưởi. Lòng chị đau nhói.
Sau cái lần ấy chị cố gắng tỏ ra dịu dàng hơn với ông chủ. Chị cười và liếc mắt với ông ta nhiều hơn, chị ăn mặc gọn gàng tươm tất, tóc vấn cao cố tình để lộ cái cổ thanh mảnh, trắng trẻo. Ông chủ chăm chăm nhìn chị, ông ta không thể rời mắt khỏi chị, máu dồn lên cổ, lên mặt ông ta đỏ hây hây. Rồi ông ta lại kéo chị vào phòng, chị vờ chống cự một cách yếu ớt rồi buông xuôi ngoan ngoãn. Chị lại được thưởng tiền, thật nhiều tiền, chị mê mải đếm tiền cố quên đi cảm giác ghê tởm khi gần gũi người đàn ông ấy. Những đồng tiền nhảy nhót trong tay chị, chị mỉm cười chua chát.
Rồi bà chủ ốm. Bà ốm nặng. Không thể đỡ dậy để ngồi xe lăn được nữa. Bà không chịu ăn gì, bà từ chối tất cả những gì chị đem đến. Bà khóc nhiều hơn. Hay bà ta đã biết được chuyện của mình và ông ấy… Chị thoáng lo sợ. Chắc là không phải vậy. Bà ấy chỉ ở trong phòng này, làm sao mà biết được chuyện gì xảy ra trong phòng ông chủ. Nhưng chị vẫn lo. Đôi mắt bà chủ nhìn chị day dứt dò hỏi khiến chị hoang mang không dám nhìn thẳng vào đấy.
Chỉ mấy ngày sau bà chủ qua đời. Ngôi nhà càng trở nên trống rỗng u uất. Chị ra vào dọn dẹp, thơ thẩn như người mất hồn. Chị xanh xao vàng võ. Ông chủ càng ít về nhà hơn. Hay là ông ta bắt đầu chán chị? Chị thật sự hoảng sợ khi nghĩ đến điều đó.
Ông chủ cưới vợ mới. Ông ta không nhìn đến chị nữa mặc cho chị cố sức tô điểm cho gương mặt và ăn mặc thật khêu gợi. Ông ta đã chán chị thật rồi. Ông ta hất chị xuống bếp như hất một cái giẻ rách. Thế là hết. Hết cả những ê chề nhục nhã. Chị chẳng còn biết làm gì ở ngôi nhà này nữa. Chị chẳng còn lý do gì để ở lại. Chị toan tính ngày về. Hằng đêm chị âm thầm nhẩm đếm số tiền chị tích góp được. Cũng kha khá rồi, đủ cho gia đình chị sống xênh xang một thời gian. Chị phải về. Chị sẽ về. Ngót nghét cũng đã năm năm rồi, con chị  giờ chắc đã lớn. Nghĩ đến nó chị muốn khóc.
Chị về đến nhà, háo hức chờ đợi giây phút cả gia đình đoàn tụ bên nhau, con chị sẽ chạy ùa vào lòng chị reo cười còn chồng chị thì âu yếm ôm lấy vai vợ như ngày đầu họ mới cưới nhau. Hai bố con đón chị ở cửa. Con chị giờ đã lớn thật, chị muốn ôm lấy nó, nhưng chị chợt hẫng hụt. Nó nhìn chị xa lạ. Nó né tránh vòng tay của chị. Chị mua cho nó rất nhiều quà, rất nhiều đồ chơi và thú bông. Nó chỉ chơi một lúc rồi quẳng đấy. Nó nhất quyết không gọi chị là mẹ. Nó nói nó đã có người mẹ khác rồi. Chị thấy đau nhói trong lòng. Chị bần thần nhìn con rồi nhìn sang chồng chị. Nó nói thế nghĩa là sao? Chị hỏi anh, chị không muốn tin vào lời con trẻ. Chồng chị ôm lấy con, mắt anh nhìn chị lạnh lẽo kết tội. Phải đấy, nó đã có mẹ rồi. Mẹ nó là người phụ nữa khác. Cô đi suốt năm năm, bố con tôi sống được là nhờ người ấy chăm sóc.
Chị bàng hoàng mất một lúc. Hệt như có người vừa dội nước lạnh vào chị. Người phụ nữ ấy là ai. Cô ta là ai mà xen vào cuộc sống của gia đình chị, cướp mất hạnh phúc của chị. Đứa trẻ bật khóc. Nó lấm lét nhìn chị. Nó sợ, chồng chị bế nó đi. Chỉ còn lại mình chị trong căn nhà này. Vẫn là ngôi nhà ngày xưa nhưng chỉ mình chị là lạc lõng. Chị bần thần ôm cái túi mà khi ở trên máy bay chị giữ chặt nó như giữ tính mệnh của mình. Trong đó là toàn bộ số tiền chị tích góp được khi ở bên ấy. Chị tính việc đầu tiên khi về nhà là sẽ giao nó cho chồng chị để anh mua một căn nhà mới khang trang hơn như họ đã từng mơ ước thế. Nhưng anh chẳng quan tâm đến tiền chị kiếm được. Chị cười chua chát. Chúng chẳng còn có nghĩa lý gì nữa.
Mấy đêm về nhà là mấy đêm chị không ngủ được. Con chị vẫn né tránh chị mặc cho chị tìm cách gần gũi nó. Chồng chị nhìn chị xa lạ như thể chị chưa từng là vợ. Anh ta thay đổi hay chị thay đổi? Không lẽ cái mùi của người đàn ông bên ấy vẫn còn vướng vất trên cơ thể chị? Chị không biết nữa. Chị lo sợ, chị hồ nghi, chị hoảng loạn. Hay vì người đàn bà ấy. Cái người đã cướp chồng chị, cướp con của chị, cướp đi hạnh phúc của chị khi chị đi xa. Chị vật vã trong giấc ngủ. Lòng chị lạnh lẽo trống rỗng nhưng đầu chị thì nóng như lửa hun. Chị phải trả  thù, chị phải trả thù người đàn bà ấy, cả chồng chị nữa. Chị muốn họ phải nếm đủ tất cả những khổ đau, ê chề mà chị phải chịu đựng, như thế chị mới hả hê.
Một buổi sáng thức dậy, căn nhà vắng lặng khiến chị lo lắng. Không còn ai, chồng và con chị đã đi đâu từ rất sớm. Trên bàn còn mảnh giấy của chồng chị để lại, trong đó anh ta nói trả lại ngôi nhà này cho chị còn bố con họ sẽ đi nơi khác ở. Chị hốt hoảng, chị chạy nhào ra phố như người mất hồn. Gặp ai chị cũng níu họ lại, hỏi họ con chị đâu. Họ chỉ cho chị cái nơi mà chồng chị vẫn thường hay tới, nhà của người đàn bà ấy. Chị đi như mộng du đến cửa hàng bán hoá chất cách nhà chị có hai dãy phố. Chị đội mũ bảo hiểm có lưỡi trai sùm sụp, thêm cái kính đen cũng sùm sụp, cái khẩu trang bít bùng. Chẳng có ai còn nhận ra chị.
Chị đến nhà người đàn bà ấy. Chị chờ dưới cây sấu già này đã lâu. Chị phải chờ bằng được cái lúc mà cả hai người ấy cùng về. Họ phải chịu đau đớn như chị đã từng chịu. Có tiếng xe vụt qua, tiếng người cười nói lao xao khiến chị sực tỉnh. Trời đã nhá nhem tối, không còn nhìn rõ mặt người. Nhưng chị biết chắc là họ đã về. Tim chị đập nhanh, mắt chị căng ra, tay chân chị bắt đầu run rẩy. Rõ ràng chồng chị đang dắt tay đứa trẻ còn người đàn bà ấy thì loay hoay mở cửa, trước xe còn có một giỏ thức ăn. Cửa mở, chồng chị ân cần đẩy xe vào nhà còn chị ta thì âu yếm bế con chị vào theo. Họ cười nói vui vẻ, giống như một gia đình. Họ chẳng hề hay biết chị đang ở rất gần. Tim chị như thắt lại. Họ hạnh phúc quá. Cái hạnh phúc giản dị có lẽ đã từng là của chị. Chi bật khóc. Lọ axit trong tay chị rơi xuống vỡ tan bốc khói lèo xèo. Chị giật mình đứng dựa lưng vào gốc cây thở dốc. Một cơn gió lùa tới, cây sấu rùng mình trút một loạt những chiếc lá xuống người chị. Lá cứ rơi, cứ rơi, chị mơ hồ tưởng như có những bàn tay của ai đó đang chạm nhẹ lên vai chị an ủi, vỗ về…

                                                                                                           

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

SỐ: 254 - tác giả LÊ VĨNH TÀI




Chú thích ảnh:  Tác giả Lê Vĩnh Tài

Hà Nội nhớ



ta đã qua những đêm hoang vu
đến bao giờ ngủ bù cho Hà Nội
ngủ bù cho đêm
nằm tưởng tượng hương hoa sữa
tưởng tượng vị sấu ngâm
tưởng tượng em
đến sáng còn thèm

ta đã chui qua vòm ô Quan Chưởng
vác chõng lều ngang ngõ Trường Thi
Hồ Tây tình nhân mà không em ở đó
Hà Nội nóng ong ong nhắc nhớ điều gì

vẫn thèm yêu hơn là thèm gió
Hà Nội ta đi tìm bức tường vôi lở
lề đường sạch vỡ
phủ rêu

gió ơi ta hiểu vì sao người không thổi lên mái tóc em
sợ pha loãng đêm nay
đêm bay đi mất
đêm lênh đênh bên ngoài khung cửa
run lên như một chú mèo
thèm một mình leo lên gác nhỏ
nhìn theo…







Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

SỐ: 254 - tác giả TRƯƠNG BI




 NGHỆ SỸ Y SAN ALIÔ
35 NĂM GẮN BÓ VỚI ĐOÀN CA MÚA DÂN TỘC
ĐẮK LẮK


Y San Aliô sinh ra và lớn lên tại buôn Niêng, xã Êa Nuôl, huyện Buôn Đôn là một trong những buôn làng của người Êđê giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây từ bao đời nay còn lưu giữ được hàng chục bài khan (sử thi), các lễ hội truyền thống (cúng sức khoẻ, cúng hồn lúa, cúng bến nước, cúng thần gió, cúng cầu mưa…) với văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ và bộ luật tục quản lý cộng đồng khá nghiêm ngặt, sinh động, gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước
Được tắm mát trong dòng sông văn hóa truyền thống của buôn làng mình nên Y San Aliô lớn lên đã có năng khiếu văn nghệ dân gian. Lúc còn đi học phổ thông, Y San đã biết múa đẹp, biết thổi đing buốt hay, được bạn bè trong lớp mến mộ. Nhờ vậy, tháng 5.1978, Y San Aliô được lãnh đạo Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk tuyển dụng. Sau khi được tuyển dụng, được sự dìu dắt của các anh chị đi trước, Y San trở thành một diễn viên múa xuất sắc của Đoàn.
Năm 1979, Đoàn Văn công Đắk Lắk (lúc này đổi tên thành Đoàn Ca múa Đắk Lắk), tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Với tiết mục múa “Tình ca Drai H’Linh” - biên đạo nghệ sỹ Long Ta, do Y San Aliô và Kim Cúc thể hiện đã đạt được Huy chương bạc của Hội diễn.
Năm 1981, trong Hội thi múa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Y San đã đạt Huy chương vàng với tiết mục múa “Kong ko” - biên đạo nghệ sỹ Long Ta. Với tiết mục này Y San đã góp phần vào thành tích chung của Đoàn Ca múa Đắk Lắk trong Hội thi.
Năm 1986, trong Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Y San cùng nhóm múa của Đoàn trình diễn liên khúc múa “Ring reo” - biên đạo nghệ sỹ Long Ta, đạt Huy chương vàng và điệu múa “H’Nung pro” đạt Huy chương bạc của liên hoan, được dư luận và các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Năm 1988, trong Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, với tiết mục múa “Tung khắc” - biên đạo nghệ sỹ Y Brơm, diễn viên múa Y San Aliô đã dành được Huy chương vàng.
Với những thành tích đạt được của mình trong quá trình hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Y San Aliô được Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội chọn đi học khoa biên đạo múa (niên học 2001 - 2005). Trong 5 năm học tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, Y San Aliô đã học tập hết sức mình và đạt tốt nghiệp loại giỏi với tiết mục “Khen bar” do chính Y San Aliô biên đạo và dàn dựng, được Hội đồng xét tốt nghiệp khoá học của nhà trường đánh giá cao.
Tiết mục múa “Khen bar” (Múa mừng mùa) được Đoàn Ca múa Đắk Lắk chọn tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 9.2005) đạt Huy chương bạc. Bên cạnh đó, tiết mục “Sáo vỗ” (Đing buốt pă), “Làng buôn vào hội” do NSƯT Vũ Lân sáng tác được Y San biểu diễn đã đạt được Huy chương vàng trong liên hoan này.
Từ những thành tích đạt được của Y San trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong gần 30 năm đóng góp xây dựng Đoàn Ca múa Đắk Lắk, anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (9.2007).
Tháng 1.2008, NSƯT Y San Aliô được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk. Đây là trách nhiệm và vinh dự của anh trước nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. Sau khi nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn Ca múa dân tộc, anh đã cùng với ban lãnh đạo đoàn bắt tay vào việc củng cố tổ chức lại các phòng chuyên môn của đoàn, như Phòng Ca nhạc, Phòng Múa, Phòng Nhạc cụ dân tộc; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình mới để chuẩn bị tham gia liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Tháng 9.2009 Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đã tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Nha Trang, đạt Huy chương vàng toàn đoàn; trong đó có tiết mục múa “Đing tak tar” - NSƯT Y San Aliô biên đạo, đạt huy chương vàng; tiết mục diễn tấu nhạc cụ dân tộc “Ching kram” do NS Nguyễn Cường sáng tác, NSƯT Y San Aliô chỉ huy dàn nhạc, đạt Huy chương vàng; tiết mục “Thơ múa” do NS Nguyễn Cường sáng tác, biên đạo múa Trần Ly Ly dàn dựng, đạt Huy chương vàng. Tại liên hoan này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho Y San Aliô và nhạc sỹ Nguyễn Cường, người đạo diễn chương trình xuất sắc và chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc của Liên hoan.
Từ khi làm Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đến nay Y San đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và các nghệ sỹ Trung ương tổ chức thành công hai trại sáng tác âm nhạc và múa Đắk Lắk. Đó là Trại sáng tác âm nhạc và múa năm 2009 và Trại sáng tác âm nhạc và múa năm 2012, thu được những kết quả đáng phấn khởi: Trên 20 tác phẩm ca khúc, 12 tác phẩm múa, 15 tác phẩm nhạc múa, 11 tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc. Những tác phẩm này đã góp phần không nhỏ vào các hoạt động lớn của tỉnh, như Lễ kỷ niệm 105 năm hình thành - phát triển Buôn Ma Thuột, 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - giải phóng tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai năm 2009 và lần thứ ba năm 2011 được dư luận công chúng đánh giá cao.

Trong lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất và kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, NSƯT Y San Aliô vinh dự được Chính phủ tặng Bằng khen. Đó là những thành tích của Y San Aliô trong 35 năm công tác, gắn bó, đóng góp và xây dựng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk lớn mạnh như ngày hôm nay. Y San tâm sự: Thành tích này là của tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên các thế hệ Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đóng góp xây dựng nên chứ không phải của riêng cá nhân nào. Chúng tôi hứa sẽ gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả TRƯƠNG BI





CÓ MỘT KHO TÀNG SỬ THI
SỐNG Ở TÂY NGUYÊN



Các nhà nghiên cứu Folklore Việt Nam và quốc tế đều khẳng định sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên là một kho tàng sử thi sống. Nó khác với sử thi Iliat - Ôđixê (Hy Lạp); Kalevala (Phần Lan); Ramayana (Ấn Độ); Bài ca chàng Rô-lăng (Pháp) và sử thi của một số nước khác trên thế giới là sử thi đã được ghi chép bằng văn bản, và được lưu truyền bằng văn bản. Nghĩa là các sử thi này đã đi vào quá khứ. Còn sử thi Tây Nguyên: Khan (Êđê); Ót N’drông (M’Nông); H’ri (Ja Rai); H’mon (Ba Na)… là sử thi truyền miệng, đang sống cùng cộng đồng trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Ở đây có người kể (là những nghệ nhân trong cộng đồng), có người nghe (là tập thể già trẻ, gái trai trong cộng đồng). Và họ có một không gian kể sử thi: Dưới mái nhà dài, nhà rông, giữa sàn nhà trong những đêm trăng sáng, sau mùa nương rẫy. Đây chính là một không gian sống một không gian diễn xướng sử thi và lưu truyền sử thi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, nó có tính giáo dục rất cao đối với các thế hệ trong cộng đồng về ý thức dân tộc, về tinh thần đoàn kết, về nếp ăn, nếp ở, về khí phách kiên cường, bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, như Dam San, Sinh Nhã, Dăm Ji, Khing Jú và đảm đang thủy chung như nàng H’Nhí, H’Bhí, H’Tang, H’Jang… Những nhân vật ấy là hình mẫu cho cả cộng đồng vươn tới, noi theo, để xây dựng buôn làng ấm no, bình yên, giàu đẹp.
Nếu sử thi Đam San được Xa-ba-chiê sưu tầm được ở Đắk Lắk và đưa về Pháp xuất bản vào năm 1927 đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học lúc bấy giờ thì sau ngày giải phóng miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác sưu tầm nghiên cứu sử thi ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Bên cạnh khan Dam San với nhiều dị bản khác nhau: Dam Di, Xing Nhã, Khing Jú, Dăm Noi, M’Hiêng, Y Thoa… gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu Folklore trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, tại Hội thảo sử thi Tây Nguyên - Việt Nam do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và tỉnh ta tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (vào ngày 20/5/1997), giáo sư, tiến sỹ, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam Ngô Đức Thịnh đã kết luận: Tây Nguyên là một vùng sử thi; các dân tộc Tây Nguyên là chủ nhân của các tác phẩm sử thi; sử thi Tây Nguyên là sử thi sống vì nó tồn tại trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào; sử thi là hiện tượng văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.
Kể từ sau Hội thảo Sử thi Tây Nguyên - Việt Nam (1997), Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điền dã, sưu tầm nghiên cứu sử thi Êđê, M’nông và đã được các nghệ nhân của hai dân tộc này cung cấp một hệ thống sử thi khá đồ sộ.
Về hệ thống sử thi Êđê có gần 40 tác phẩm, trong đó Khan Dam San được sưu tầm đầy đủ với 9 chương khác nhau. Đặc biệt có thêm Khan về tuổi trẻ Dam San, do chị H’Năm - nguyên Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar sưu tầm ở xã Ea Tul; và khan H’Nhí, H’Bhí (vợ Dam San) thời con gái do anh Y Bhiu cán bộ Mặt trận huyện Krông Búk sưu tầm được ở xã Pơng Drang. Các già làng còn kể rằng, buôn làng Dam San rộng dài hơn tiếng chiêng ngân, nhà của Dam San dài từ bến nước này sang bến nước nọ, tôi tớ đông như bầy kiến, bầy mối; kẻ ra người vào ngực chạm ngực vai chạm vai, cười nói vui vẻ. Hình như lời ca, tiếng nói của vợ chồng Dam San vẫn còn đâu đây trong những mái nhà dài, trong những đêm lễ hội vui nhộn của buôn làng. Ngày nay tuy ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại nhưng các già làng Êđê vẫn thường kể khan cho con cháu nghe nhất là vào những ngày hội lớn của buôn làng.
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, sử thi M’nông cũng được sưu tầm và giới thiệu đến bạn đọc trong cả nước. Đáng kể là tác phẩm: Sử thi cổ sơ M’nông, Cây nêu thần, Mùa rẫy Bon Tiăng… càng khẳng định thêm dân tộc M’nông có một kho tàng sử thi khá độc đáo. Đặc biệt trong 2 năm 1997 - 1998, nhóm cán bộ Viện Văn hóa dân gian Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk đã tổ chức nhiều đợt điền dã trên bình diện rộng thuộc các huyện: Krông Nô, Đắk Nông, Đắk R’lâp, Đăk Mil, Lắk, Krông Bông, Buôn Đôn và được các nghệ nhân cung cấp một hệ thống sử thi (Ót N’drông) khá đồ sộ, với trên 100 tác phẩm khác nhau. Trong đó có sử thi Bán tượng gỗ biết kể Ót N’drông là sử thi cuối cùng nằm trong hệ thống Ót N’drông. Các nghệ nhân kể rằng trước đây người M’nông có tượng gỗ biết kể Ót N’drông. Nhưng rồi người cháu của chàng Tiăng muốn giàu có hơn người nên đã đem bán tượng gỗ cho người Campuchia, từ đó người M’nông không còn Ót N’drông. Mất Ót N’drông, các gia đình M’nông chia nhau đi nhiều nơi để sống, xã hội thị tộc của người M’nông tan rã từ đó. Câu chuyện đơn giản thế nhưng nó đã phản ánh sự chuyển mình của xã hội M’nông, từ công xã nguyên thủy sang chế độ chiếm hữu nô lệ.
Nhằm giới thiệu và sưu tầm kho tàng sử thi sống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, tháng 3.2001, Chính phủ đã thông qua Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Dự án này được giao cho Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện.
Qua 7 năm thực hiện dự án đã đạt được kết quả vô cùng phấn khởi: Thống kê và làm lý lịch 363 nghệ nhân hát kể sử thi thuộc các dân tộc Êđê, M’nông, Ja Rai, Ba Na, Xê Đăng, Sê Tiêng, Mạ, Raglai, Chăm H’roi; đã ghi âm 801 tác phẩm sử thi với tổng số 5.679 băng cattsete (90 phút/băng). Ngoài các sử thi nổi tiếng như Dam San, Xing Nhã, Dăm Ji, Khing Jú, M’Drông Dăm (của người Êđê); các nhóm sưu tầm đã phát hiện thêm 3 bộ sử thi liên hoàn, đồ sộ (còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ). Đó là Ót N’drông của người M’nông; Đăm Giông của người Ba Na; Dông của người Xê Đăng, mỗi bộ sử thi có độ dài trên 100 tác phẩm, riêng Ót N’drông của người M’nông có 250 tác phẩm. Điều này khẳng định các bộ sử thi trên đứng vào loại các bộ sử thi có độ dài nhất thế giới, như Ramayana (Ấn Độ), Cách tát nhĩ (Tây Tạng), Giang cách nhĩ (Nội Mông). Với kết quả sưu tầm được một kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã cho xuất bản đợt 1 (năm 2007) 75 bộ sử thi; đợt 2 (năm 2009) 21 bộ sử thi, với tổng số 205 tác phẩm sử thi Êđê, M’nông, Jra Rai, Ba Na, Xê Đăng, Sê Tiêng, Mạ, Raglai … gây sự sửng sốt, khâm phục của các nhà Folklore trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân có công sưu tầm và dịch sử thi M’nông là Điểu Kâu. Trong 7 năm (2001 - 2007) ông đã sưu tầm được trên 200 sử thi, và đã dịch xong 120 sử thi từ tiếng M’nông sang tiếng Việt, mỗi sử thi dài từ 600 - 800 trang vở học sinh. Các nghệ nhân biết kể Ót N’drông là Điểu Klưt, Điểu Klung, Điểu Glơi, Điểu Kưl, Điểu Mbiếc… Các nghệ nhân tuy tuổi đã “thất thập cổ lai hy” nhưng có trí nhớ khá tốt và kể Ót N’drông rất tài tình. Các cụ có thể cho chúng ta nghe thâu đêm suốt sáng mà không biết mệt. Có lần chúng tôi đến xã Dak Rung gặp nghệ nhân Điểu Klưt, sau khi được Điểu Kâu giới thiệu: Có đoàn cán bộ ở tỉnh đến tìm hiểu về văn hóa M’nông và muốn nghe kể Ót N’drông, cụ Điểu Klưt nhìn chúng tôi cười hiền từ, rồi bảo người nhà mang ra một ché rượu mời chúng tôi uống. Khi đã có chút men nồng ấm của rượu cần, cụ bắt đầu vào chuyện. Hình như chúng tôi đã khơi dậy mạch nguồn của cụ bị dồn nén lâu ngày, nay mới có dịp bộc lộ, cho nên những lời Ót N’drông như những dòng suối thần kỳ cứ tuôn ra đều đặn theo lời kể trầm bổng của cụ. Cứ thế cụ kể liền mạch say sưa, từ 5 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau mới hết một Ót N’drông. Sau khi nghe kể xong, chúng tôi hỏi: Cụ nhớ Ót N’drông được bao nhiêu chuyện? Cụ vui vẻ nói: Khoảng 20 chuyện, các con muốn nghe thì phải ở lại buôn làng này một mùa rẫy mới nghe hết chuyện. Đó là lời nói chân thực, nhưng cho ta thấy cả một kho tàng sử thi sống về Ót N’drông của nghệ nhân Điểu Klưt đến kỳ lạ.
Dân tộc Êđê ở Đắk Lắk tính đến thời điểm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai thực hiện đề án điều tra, sưu tầm sử thi Tây Nguyên (3/2001) có khoảng  trên  70 nghệ nhân biết hát kể sử thi, nhưng người kể hay nhất, thuộc nhiều sử thi nhất là nghệ nhân Y Nuih Niê ở xã Êa Kênh, huyện Krông Pác. Vào thời kỳ ấy nghệ nhân Y Nuih Niê được tiến sỹ Đỗ Hồng Kỳ - Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam mời lên Buôn Ma Thuột để hát kể khan và ghi âm các bài khan trong 4 tháng trời. Trong thời gian ấy, ông đã hát kể được tất cả 37 tác phẩm sử thi Êđê. Đặc biệt, khan  Dam San được nghệ nhân hát kể rất đầy đủ, với tổng số 29 băng cat sét (90’/băng) và dược dịch sang song ngữ Việt - Êđê 1.900 trang giấy A4. So với độ dày tác phẩm khan Dam San do Sa-ba-chiê xuất bản năm1927 tại Pa-ri thì sử thi do nghệ nhân Y Nuih Niê hát kể gấp 30 lần, nghĩa là khá đồ sộ. Qua đây, có thể khẳng định, trí nhớ của nghệ nhân Y Nuih thật tuyệt vời.
Người dịch sử thi Êđê có uy tín là anh Y Wơn, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện M’Đrắk. Anh đã tham gia dịch 37 tác phẩm sử thi Êđê do nghệ nhân Y Nuih Niê hát kể.
Đối với người Êđê, nghe hát kể sử thi là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người Êđê có câu nói: “Buổi tối dân làng ngồi nghe kể khan như thế nào, buổi sáng vẫn thấy họ ngồi đông nguyên như thế”. Người kể là một cụ già thuộc nhiều khan, có giọng tốt và có tài kể khan. Cụ ngồi trên chiếc chiếu hoa bên bếp lửa nhà sàn, già trẻ, gái trai ngồi vây quanh lắng nghe. Trời càng về khuya, giọng khan càng hấp dẫn, hơi khan đi lúc trầm hùng nhưng duyên dáng, gân guốc nhưng bóng bẩy, tựa như dòng sông lượng nước nhiều chảy ngang qua những vách núi hùng vĩ giữa một đêm sao... (Đào Tử Chí - Mấy ý nghĩ của người nghe kể khan).
Gặp gỡ các nghệ nhân kể khan Êđê, Ót N’drông M’nông, chúng tôi đều nhận thấy ở mỗi nghệ nhân đều chứa đựng trong trái tim, khối óc mình một kho tàng sử thi sống, và sử thi đã trở thành máu thịt, không thể tách khỏi cuộc sống đời thường của họ. Có thể khẳng định trong nền văn hóa Tây Nguyên có một kho tàng sử thi sống đang tồn tại trong các buôn làng. Nó chính là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà chúng ta cần sưu tầm, gìn giữ và phát huy nó trong cuộc sống cộng đồng làm cho nó sống thực sự trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Như người Êđê đã từng hát:
“Thiếu tiếng khan, tiếng k’ưt, tiếng chiêng
Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”.



SỐ: 253 - tác giả HỮU CHỈNH




TUỔI HOÀNG HÔN VẪN XANH MÀU LÁ
 (Đọc Lá xanh – Thơ Ngọc Bích – NXB Lao động – 2013)


Từ quê lúa Thái Bình, Ngọc Bích như chiếc lá xanh giữa điệp trùng Trường Sơn hùng tráng trong đoàn thanh niên xung phong góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nửa sau cuộc đời, Ngọc Bích chọn Đắk Lắk làm bến đậu vẫn không nguôi nhớ quê xưa.
Yêu thơ thì đến với thơ. Ngọc Bích đã thử nghiệm nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là thơ lục bát. Phải chăng làn điệu chèo quê hương và cánh cò phân vân trên đồng đã thấm vào hồn cho lục bát mượt mà:
                      … Nắng chiều vàng vọt chân đê
                      Đây ngôi nhà nhỏ, con về. Mẹ đâu?
                      Mẹ ơi! Chín tủi mười sầu
                      Mái nhà tắt nắng sương đau giọt thiền…
                                                                              (Mẹ ơi!)
Đấy là nỗi xót thương, là nỗi đau nhân thế của người con đi xa, khi về không còn có mẹ ở trên đời nữa. Câu hỏi “Mẹ đâu?” tuy là hỏi vào hư không nhưng lại quặn lòng.
Còn đây nỗi buồn tưởng vu vơ mà không vu vơ chút nào. Điệp từ “sầu” đồng âm khác nghĩa khá đắt. Chữ “sầu” đầu tiên chỉ tiếng kêu, chữ thứ hai chỉ tên loài ve, chữ thứ ba là trạng thái tâm lý của người:
                      Vui chi – ve đã sầu rồi
                      Còn kêu bên cánh phượng rơi nét buồn
                      Ve sầu chi để sầu tuôn.
                                                                              (Ve sầu)
Bài Rượu cần Buôn Đôn có sự lắng đọng tâm tư ẩn dưới niềm vui là nỗi buồn trầm tích:
                      Mặc ai uống, mặc ai say
                      Quả si tím cứ rơi đầy trước sân
                      Sông sâu nước gọi thì thầm
                      Cầu treo nghiêng ngả…
                      Anh cầm tay em.
Cầm tay để dìu nhau khi cầu treo đung đưa nghiêng ngả là có thật hay còn vì quả si tím, vì sông nước thì thầm.
Bài Đừng chiều được ngắt nhịp xuống dòng, cùng với dấu chấm lửng tăng hiệu quả cho thơ. Thấm vào nỗi buồn man mác, hoài niệm. Mong thời gian ngừng trôi, đừng tắt nắng để đừng xa:
                      Những mong hòa quyện hồn thơ
                      Đừng…
                      Mang chiều nhớ…
                      Vẩn vơ…
                      Đừng chiều.
Ngọc Bích cũng có kỷ niệm của thời mơ mộng ở quê lúa đồng bằng Bắc bộ:
                      Đầu mùa hương cốm thơm nồng
                      Thẹn thùng gói lá sen hồng trao tay
                      Nửa câu thề cũng loay hoay
                      Gói bao kỷ niệm đong đầy ước mơ
                                                                              (Tình quê)
Hương cốm gói lá sen hồng lá gói kỷ niệm theo suốt cuộc đời. Thơ có tứ hay lại được câu thơ hay neo giữ: Nửa câu thề cũng loay hoay. Chính cái loay hoay đó mới là nghĩa, là tình sâu nặng.
Từ đầu tới giờ chỉ trích thơ lục bát. Thật không công bằng với thể thơ khác. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Quả thật, thơ lục bát của Ngọc Bích nhuần nhuyễn, nổi trội hơn.
Tuy vậy, thể thơ khác cũng có thành công nhất định bởi tính chân thực. Bài Sông quê nằm trong số đó:
                      Ôi! Trà Lý yêu thương
                      Đây con sông quê hương
                      Qua bao mùa nước lũ
                      Sông buồn nhưng không ngủ
                      Lặng lẽ chở phù sa.
Hồn quê làm nên tính người. Vào tuổi 65, Ngọc Bích vẫn mượt mà trong làn điệu chèo hay hóa thân thành cô gái Kinh Bắc mắt chao nghiêng trong vành nón ba tầm, lạc quan như tuổi thanh xuân khi còn ở thanh niên xung phong. Tuổi hoàng hôn vẫn xanh màu lá.
Đã từng góp thơ trong nhiều tập, Lá xanh là tập in riêng đầu tiên, Ngọc Bích biết ơn những người đã động viên, giúp đỡ cho mình biết làm thơ. Phảng phất bóng dáng lớp đàn anh dìu dắt như Chính Tâm, Triệu Cơ, Triệu Miện…
Để kết thúc bài này, xin mượn bài Mừng Câu lạc bộ Đam San đã in trong tập Lá xanh, cũng là mừng cho Ngọc Bích, sống có nghĩa, có tình nên cứ vui, cử trẻ:
                      Đam San đã trọn tuổi mười lăm
                      Đến hẹn lại lên mỗi đêm rằm
                      Thi hữu về đây vui, trẻ lại
                      Câu thơ, tiếng hát sáng vầng trăng.

                                                                                                       

                                                                                        Tháng 7-2013

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả LINH NGA NIÊ KDĂM




Chú thích ảnh: Nhà văn - Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm


CHÚNG TÔI KẾT NỐI NHỮNG TRÁI TIM



Đất trời đi dần qua hạ để sang thu. Thu của những tháng ngày luôn gợi bao xúc cảm lãng đãng cho các nhà thơ tìm tứ, chọn vần, các nhạc sỹ ươm gieo những nốt nhạc thành giai điệu, tạo nên các tác phẩm “xanh mãi với thời gian”, nhất là âm nhạc. Âm nhạc không biên giới. Âm nhạc kết nối những trái tim, làm nên những điều diệu kỳ cho cuộc sống. Nhà cách mạng Tiệp Khắc Juliut Phu Xích từng nói: “Cuộc sống không có tiếng hát khác nào không có ánh nắng mặt trời”. Neo đậu một cách vững chắc trong tâm hồn con người và đời sống, thế nên từ năm 2010, ngày 3.9 được chọn là “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Bởi 53 năm về trước, tháng 9 năm 1960, kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại vườn Bách Thảo Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã vung “chiếc đũa nhạc trưởng” chỉ huy hàng trăm nhạc công và hàng ngàn quần chúng hát vang lời ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”. Năm 2013 là năm thứ tư giới âm nhạc cả nước  tổ chức kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam, nhưng với Đắk Lắk mới là lần kỷ niệm thứ hai. Và đêm nhạc 1.9.2013 “Bài ca đất nước” đầy ắp âm thanh tuyệt đẹp ấy, góp phần làm sang trọng và phong phú thêm đời sống tinh thần của miền cao nguyên đất đỏ.
Nhân thế, mới có dịp ngẫm lại về đội ngũ tác giả và tác phẩm của lĩnh vực nhạc Đắk Lắk. Chúng tôi có 17 thành viên. Đa số hoạt động chuyên nghiệp. Có thể nói, so với các tỉnh bạn trong khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có số hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam đông nhất (12 nhạc sỹ), gồm cả hai chuyên ngành sáng tác và giảng dạy âm nhạc.  Đồng thời cũng là tỉnh trong khu vực, có kha khá số tác giả là người dân tộc bản địa (5 người, kể cả 2 cố nhạc sỹ Kpa Púi và Y Yơn, dẫu có đi về “ bến nước ông bà”, tác phẩm vẫn còn sống mãi). Tác phẩm của một số tác giả Đắk Lắk đã vượt được cả không gian, thời gian để đến với bạn yêu nhạc trong cả nước. Đặc biệt với thanh niên dân tộc khắp các tỉnh Tây Nguyên, làm nên một nét riêng không dễ lẫn từ chất liệu âm nhạc dân gian Êđê. Như, tháng 3 nào cũng rộn ràng tràn ngập trên sóng phát thanh cả nước bài ca Tây Nguyên giải phóng của cố nhạc sỹ Kpa Púi. Cũng như âm nhạc và điệu múa Kon Tuor của ông, hơn 40 năm qua, gần như  hóa thân thành dân ca, dân vũ sống với các thiếu nữ mọi buôn làng Êđê. Chương trình phát thanh 6 thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên của Đài TNVN chưa bao giờ ngưng phát tiếng hát của con chim Gur Tuk  cao nguyên, của cố nhạc sỹ Y Yơn. Hay như những bài ca rất dễ thương Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên, Ra vườn hoa em chơi (của Văn Tấn – Trần Quang Huy), Đi tìm nữ thần mặt trời (của Y Phôn Ksor), Bài ca trên đồi, Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên (của Mạnh Trí),  Lên cao nguyên đi anh (Quang Dũng –Yên Ninh), Ơ chim Ktia (Y Sơn Niê), Mưa cao nguyên, Tiếng chim Tlang pút (Linh Nga Niê kdam), Gửi tới em (Nhật Thanh)… Không có bất cứ một sự kiện văn hóa nào của địa phương, mà thiếu sự đóng góp của anh chị em tác giả âm nhạc. Không chỉ là tác phẩm âm nhạc cất lên qua tiếng hát các ca sỹ, các dàn nhạc, mà còn là người dàn dựng những chương trình tham gia liên hoan trong tỉnh, trong khu vực hay toàn quốc, hoặc trực tiếp biểu diễn đàn, hát , giao lưu trong những đêm CLB âm nhạc; và hơn hết, bất chấp đời sống vốn vất vả bon chen hôm nay, những âm thanh đẹp nhất, chắt lọc từ sự rung động của tâm hồn các nhạc sỹ, vẫn đến với đời như một cứu cánh cho đời sống tinh thần miền cao nguyên. Tên tuổi các nhạc sỹ đã trở nên quen thuộc với bạn yêu nhạc trong địa phương và lan tỏa trong cả nước.
Mới có hơn một nửa thời gian của năm Quý Tỵ, âm nhạc Đắk Lắk đã có thêm những niềm vui mới, khi CLB âm nhạc Hoa Plang của Trường Cao đẳng VHNT và CLB Âm nhạc Đắk Lắk của Trung tâm VH tỉnh, nối tiếp nhau lần lượt ra mắt bạn yêu nhạc, nòng cốt là các nhạc sỹ, tập hợp được đông đảo các ca sỹ, vũ công. Đây không phải chỉ là sân chơi cho các nghệ sỹ, là nơi giới thiệu tác gỉả – tác phẩm mới, mà lần đầu tiên, khán giả yêu nhạc ở Đắk Lắk đã được thưởng thức âm nhạc cổ điển – thính phòng “thứ thiệt”, với những tuyệt phẩm của Bethoven, Mozart, Bize… những ca khúc nghệ thuật (romance), các trích đoạn nhạc kịch (aria - opera)… Hai cuộc giao lưu giữa các nhạc sỹ - nhà giáo (nhân ngày 20.11), nhạc sỹ và bạn yêu nhạc (nhân ngày 30.4), cũng như đêm hát cho nhau nghe tác phẩm Phạm Duy – Ngô Thụy Miên ở một hội quán, đã khiến âm nhạc như gần lại với tuổi trẻ hơn. Bên cạnh đó là những đợt trại sáng tác của Hội VHNT Đắk Lắk ở M’Drak, Krông Ana, tham dự “Liên hoan âm nhạc miền Trung – Tây Nguyên” tại Quảng Ngãi, kết hợp đi thực tế sáng tác và giao lưu với các tỉnh bạn Bình Định, Phú Yên, trại sáng tác của các Hội TW ở Sơn La, Lâm Đồng, Phú Yên… đã như những luồng gió mát lay động tâm hồn nhạy cảm của các tác giả, để rung lên các cung bậc bổng trầm của những ca khúc, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, giao hưởng thơ… thấm đẫm âm điệu dân nhạc Êđê và hơi thở cuộc sống mới ở mỗi vùng đất. Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sỹ VN, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số VN, Hội đồng Đội, trao cho tác phẩm của các tác giả Quang Dũng, Mạnh Trí, Sỹ Hùng, Nhật Thanh, Linh Nga Niê Kdam, Huỳnh Ngọc La Sơn; giải thưởng Đài TH thành phố HCM cho Nguyễn Văn Hạnh, Hồ Tuấn, giải thưởng Chư Yang Sin của UBND tỉnh, của Hội VHNT Đắk Lắk, giải Bài hát yêu thích trao cho Y Phôn KSor… là sự ghi nhận những đóng góp và thành công của các nhạc sỹ.
Lần ngược lại ký ức, đã có một lần chưa xa, Hội nhạc sỹ VN phối hợp với Hội VHNT và Chi hội Nhạc sỹ Đắk Lắk, tổ chức lớp bồi dưỡng phối khí nhạc nhẹ cho 21 tác giả của 4 tỉnh Tây Nguyên, những kỷ niệm khó quên với những người thầy tận tụy Đỗ Hồng Quân, Cát Vận, cố nhạc sỹ Bảo Phúc. Vậy mà nay Chi hội đã có thể đề xuất với các ngành có liên quan, tự tổ chức những lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc, phối khí nhạc nhẹ… để có nguồn từ thế hệ  trẻ bổ sung cho đội ngũ của mình. 
Kế hoạch đưa tác giả - tác phẩm tới với các trường học, tìm nguồn tài trợ để mỗi tháng một lần có thể đều đặn có được một buổi trình diễn “Âm nhạc đường phố”, hoặc sinh hoạt CLB âm nhạc… là những dự định ấp ủ của cả Chi hội, để đời sống âm nhạc miền cao nguyên đất đỏ thêm phong phú.
Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, rằng “bạn bè ở Huế thương nhau lắm”, để thấy 17 anh chị em trong Chi hội Âm nhạc Đắk Lắk cũng gắn bó thân thiết với nhau lắm đấy. Đồng nghiệp gặp tai ương, gia đình có chuyện vui, chuyện buồn, dẫu xa xôi đến mấy, anh em vẫn cùng đóng góp, sẻ chia. Yêu nghề, yêu đời, những nốt nhạc vui luôn luôn rộn ràng trên mọi nẻo đường đất đỏ, những ca khúc trữ tình lắng đọng làm trong trẻo thêm tình yêu và những bài hát thiết tha về biển đảo Việt Nam, là những dòng âm thanh kết nối mọi trái tim, mọi tâm hồn, cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Đó chính là nghĩa vụ & trách nhiệm của chúng tôi: Những người nhạc sỹ.


SỐ: 253 - tác giả PHẠM TUẤN VŨ




TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ
QUA MỘT BÀI THƠ CHÚC TẾT TRUNG THU



Trên báo Cứu Quốc số 1904 ra ngày 12-9-1951 có đăng Thư chúc tết Trung thu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Mở đầu bức thư, sau lời chào thăm “Các cháu yêu quý” là bốn dòng thơ lục bát nói về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi cả nước:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.
Nếu đứng độc lập, có thể xem bốn dòng lục bát trên là một bài thơ hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, đây là bài thơ mà hầu như trẻ em Việt Nam nào cũng thuộc lòng và yêu quý. Trong nhiều bài thơ viết về thiếu nhi của Bác Hồ, bài thơ trong Thư chúc tết Trung thu 1951 này là một trong những bài hay và cảm động nhất, có lẽ trước hết bởi đó là tấm lòng của một lãnh tụ vĩ đại dành cho thiếu niên nhi đồng.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch dành nhiều tình cảm yêu thương đặc biệt cho các cháu thiếu nhi. Trong các sáng tác của mình, Người cũng dành những vần thơ đẹp nhất cho lứa tuổi măng non là tương lai đất nước này. Trong mảng thơ viết cho thiếu nhi, thơ chúc tết Trung thu của Bác lại là một bộ phận quan trọng, đặc sắc. Trung thu 1952, cuối thư chúc, Người viết bài thơ cảm động : “Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh…”. Một năm sau, Trung thu 1953, trong niềm vui sướng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trên đà thắng lợi giòn giã, trong đó công lao của thiếu niên nhi đồng là không nhỏ, Người làm những vần thơ dạt dào tình cảm : “Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa”. Trung thu 1954, khi hòa bình vừa lập lại trên miền Bắc thì Mỹ nhảy vào miền Nam hòng chia cắt đất nước ta lâu dài, cuối thư chúc Trung thu, Bác viết hai dòng: “Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít thì ta vui lòng”. Trung thu năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước đang còn chia cắt, Bác gửi thiếu nhi miền Nam ruột thịt những vần thơ tâm huyết: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Ấy là những vần thơ sống mãi trong dòng thơ thiếu nhi nước ta, cũng như Hồ Chủ tịch sống mãi trong lòng dân tộc vậy.
Trong những bài thơ chúc tết Trung thu của Bác, bài thơ năm 1951 được xem là tác phẩm thành công, trọn vẹn. Lời thơ giản dị nhưng nén chặt tình thơ chan chứa, qua đó, ta thấy hết được tấm lòng cao cả của một lãnh tụ dành cho thiếu niên nhi đồng trong hoàn cảnh nước nhà còn chiến tranh gian khổ. Tấm lòng ấy thể hiện qua những chuyển biến từ cảnh sang tình rồi đến hành động trong bài thơ rất cụ thể mà vô cùng tinh tế, đậm chất hiện đại mà phảng phất dấu ấn Đường thi, thể hiện thi nhân vừa ở một tâm trạng xúc động dâng tràn lại vừa trong tâm thế ung dung, thư thái.
Mở đầu bài thơ là một không gian tràn ngập ánh trăng “Trung thu trăng sáng như gương”. Cảnh thu hiện lên đơn sơ mà trong sáng, tươi đẹp. Không giống “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” huyền ảo trong bài Cảnh khuya, chi tiết “trăng sáng như gương” cho phép ta liên tưởng đến ánh trăng lúc này hiện lên giữa bầu trời quang đãng không gợn mây, thời gian cũng đã dần về khuya. Thời gian này phù hợp với tâm trạng con người, đồng thời sẽ là chất xúc tác dễ khiến người ta bộc lộ tình cảm, nhất là những tình cảm chôn chặt, kìm nén. Có thể nói, “Thơ Bác đầy trăng” (Hoài Thanh). Trăng dạt dào trong thơ Người đồng thời cũng là người bạn tri giao thân thiết của Bác trên nhiều chặng đường hoạt động cách mạng khác nhau. Có ánh trăng tương hòa, “đồng cảm tương liên” với người ở cảnh tù đày trong bài Ngắm trăng; có ánh trăng mờ ảo, mơ hồ khiến người càng thêm nặng lòng ưu tư với vận mệnh dân tộc trong bài Cảnh khuya; có ánh trăng tươi mát, viên mãn, tràn đầy lạc quan cách mạng trong bài Rằm tháng giêng; lại có ánh trăng tinh nghịch, hồn nhiên trong bài Tin thắng trận… nhưng có lẽ hiếm có ánh trăng nào lại đơn sơ mà trong trẻo, giản dị mà ấm áp như ánh trăng này. Trăng Trung thu là viên mãn nhất, sáng nhất trong năm, cũng là ánh trăng dễ mang lại cho con người nhiều cung bậc cảm xúc nhất, là nơi những tình cảm chôn chặt sẽ dễ dâng trào. Một ánh trăng thu giản dị, sáng trong nơi núi rừng Việt Bắc những ngày kháng chiến gian lao thôi nhưng cũng đủ làm cho thi nhân chạnh lòng. Ánh trăng ấy vừa là cái cớ vừa lại nơi giãi bày nỗi nhớ mà Bác nói đến trong câu thơ tiếp theo.
Trăng, nhất là trăng trung thu thường gắn với quê nhà, gia đình, gắn với cảm xúc buồn man mác. Ngắm trăng dễ khiến người ta chạnh lòng nhớ về quê hương, mái nhà. Xưa Thi tiên Lí Bạch cũng từng thoáng “ngẩng đầu nhìn trăng sáng” để rồi ngậm ngùi, lặng lẽ “cúi đầu nhớ cố hương” trong đêm trăng thu yên tĩnh nơi đất khách quê người (Tĩnh dạ tư). Còn Bác Hồ thì ở trong hoàn cảnh khác. Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang trên đà quyết liệt, gian khổ để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Tình thế cấp bách, vận nước nguy nan, vậy mà người xưa và nay lại gặp nhau ở chỗ: Cũng ngắm trăng sáng và dâng tràn nỗi nhớ. Chỉ khác ở chỗ Lí Bạch xưa nhớ quê nhà, còn “Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Cũng dễ hiểu thôi, cả một đời Người cống hiến tất cả cho sự nghiệp cách mạng, hi sinh hạnh phúc riêng vì hạnh phúc chung của nhân dân, đất nước, những giờ phút cuối cùng trước lúc đi xa, Bác vẫn chưa nghĩ đến cho mình điều gì. “Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi, Quê hương Việt Bắc). Chính Bác cũng từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em đều là con cái tôi”. Như vậy, “Bác Hồ ngắm cảnh” cũng nhớ đến gia đình đó thôi, nhưng không phải gia đình nhỏ của riêng mình vì Người đã hi sinh cho dân tộc rồi, mà là đại gia đình trong đó nhi đồng là “con cái” Bác. Câu thơ “Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” dường như chùng xuống, trĩu nặng bởi một tấm lòng vĩ đại, nghĩ suốt một đời cho dân cho nước, chưa một phút nghĩ riêng cho mình. Đến đây, ta hiểu hết tấm lòng lãnh tụ bao la, thấy hết được tình yêu thương không bờ bến Người dành cho thiếu nhi Việt Nam. Cảm động trước tấm lòng vĩ đại ấy, Tố Hữu từng viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sau” (Theo chân Bác).
Trong hai câu thơ đầu, cảnh chuyển sang tình một cách tự nhiên, hợp lí. Hai câu thơ này mang dáng dấp thơ Đường ở kết cấu “tức cảnh sinh tình”. Thế nhưng thơ Bác còn có sự kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và chất hiện đại. Trường hợp hai câu thơ sau khá tiêu biểu. Nếu trong thơ cổ điển, chủ thể trữ tình thường chìm vào những dòng tâm tư cảm xúc triền miên không dứt thì trong thơ Bác, sự vật thường được vận động theo hướng vươn lên, ít chịu sự ngưng đọng đứng im. Khi nỗi “nhớ thương nhi đồng” đạt đến đỉnh điểm, Người không để cho tâm trạng trôi theo dòng cảm xúc miên man vô định mà có hành động cụ thể. “Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi thăm các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Có thể xem hai câu thơ này như “lời nói đầu” cho bức thư Chúc tết trung thu, động viên, khuyên nhủ thiếu nhi của Bác được viết ngay tiếp theo sau đó. Nhưng qua đây, cũng ít nhiều thấy được tình yêu thương bao la của Bác đối với trẻ em là “búp trên cành”, những mầm non tương lai đất nước. Tình yêu của Bác phải gắn với hành động cụ thể, thiết thực. Yêu thương là phải đem lại hạnh phúc, ấm no. Ngay cả việc gửi thư, tặng quà, thăm hỏi động viên các cháu thiếu niên nhi đồng mỗi dịp tết Trung thu, ngày 1.6 của Bác đã nói lên điều đó. Tiến sĩ sử học, nhà báo E.V. Cô-bê-lép từng khẳng định: Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Bác là vô cùng yêu quý thiếu nhi, Người đã dành tất cả tình yêu thương của mình cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người trìu mến gọi là cháu. Như vậy, tấm lòng của Bác dành cho thiếu nhi qua bài thơ không chỉ được thể hiện ở nỗi nhớ thương vì chiến tranh Bác cháu cách xa, mà cao cả hơn, đó còn là những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Bận trăm công ngàn việc trong hoàn cảnh đất nước dầu sôi lửa bỏng, Bác vẫn luôn nghĩ đến và dành cho thiếu nhi những tình cảm tốt đẹp nhất, tấm lòng lãnh tụ đơn sơ mà ấm áp, vĩ đại là ở đó.
Trung thu lại về, Bác Hồ cũng đã đi xa. Nhưng những vần thơ chúc tết trung thu năm nào của Bác vẫn còn vang vọng mãi, như Người vẫn hằng sống mãi với non sông, sống mãi trong lòng dân tộc. Tưởng nhớ Người, thiếu nhi Việt Nam hôm nay nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy, đưa đất nước vươn tới “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Người vẫn hằng ao ước và cùng hát vang bài ca “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phan Huỳnh Điểu, bài hát Nhớ ơn Bác).