Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Ố 267 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN



THẦY TÔI
Kính tặng thầy Phức, cô Tứ

Tản văn


Biết thầy từ lâu nhưng mãi đến sau này khi vào Đại học Vinh tôi mới được gặp thầy. Đó là một buổi chiều mùa đông sau khi nhập học xong, cữ vào dịp cuối tháng mười một Tây lịch, thằng bạn cùng làng bên khoa Toán đến kí túc xá rủ tôi tới khu cán bộ thăm thầy. Lúc bấy giờ, trường mới chuyển từ nơi sơ tán về được một thời gian nên cơ sở vật chất còn tạm bợ. Trừ giảng đường, đúng hơn là các phòng học được xây theo kiểu nhà cấp 4 còn thì nhà ở của cán bộ, giáo viên và kí túc xá sinh viên đều làm bằng tranh tre nứa lá. Trên mỗi dãy nhà, ba bốn cặp tre to giằng chéo qua mái là để chống bão, đầu mỗi cây tre nhô cao như mũi chông xiên thẳng lên bầu trời. Có lẽ đấy là hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại trong kí ức một thời sinh viên của tôi về ngôi trường đại học trên mảnh đất mà trước đó không lâu còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh.
Nơi ở và làm việc của thầy là một nửa gian nhà được ngăn bằng phên nứa, vừa đủ để đặt cái giường một, cái tủ gỗ nhỏ và bộ bàn ghế. Gọi là bộ bàn ghế cho oai nhưng thực ra chỉ mỗi cái bàn mộc và một chiếc ghế tựa. Giá có thêm vài ba chiếc ghế nữa thì cũng chẳng biết để vào đâu. Khách đến chơi thì cái giường một bỗng biến thành “xa lông” bất đắc dĩ.
Tôi để ý thấy dưới gậm giường chất đủ thứ, nhưng ấn tượng nhất là mớ củi khô. Hèn gì lúc sáng ngồi trong lớp học, qua khung cửa sổ nhìn ra khu bãi hoang bên cạnh, tôi thấy bóng dáng một người đàn ông, đầu đội nón lá, đang lúi húi gom nhặt từng cành cây dại đã khô. Đó là thứ mà có lẽ thầy là người duy nhất ở trường này chịu khó tìm kiếm làm chất đốt, bởi thời bao cấp đến que củi cũng phải phân phối bằng tem phiếu. Chúng tôi hỏi thầy sao không ăn cơm tập thể cho tiện. Thầy bảo cái bụng mình nó khó tính lắm, cơm thì khi sống, khi nhão, bo bo, bắp hạt thì nhá không được, hại cái dạ dày quá nên đành phải chịu khó nấu lấy thôi. Lúc ấy tôi chỉ là một cậu bé ở quê mới ra tỉnh, cái sự hiểu biết còn nông như đít đĩa, sau này ngẫm lại mới thấy xót xa. Thời ấy, cả hàng xã, hàng huyện mới có một thầy giáo dạy đại học, thế mà cuộc sống của các thầy sao cơ cực quá. Đó là những kỉ niệm thật khó phai mờ trong cuộc đời tôi. Sau này chúng tôi tiếp bước thầy, lại cũng cảnh cơm niêu nước lọ. May mà đất nước đã kịp đổi thay.
*
Làng tôi chỉ cách làng thầy một con đê Tả Lam. Làng thầy ở phía ngoài bãi sông, gọi là xóm “Vụng” bởi cạnh làng có cái đầm to tướng, mùa hè nở đầy hoa sen. Buổi trưa nào bọn trẻ chúng tôi cũng rủ nhau đi tắm vụng, khi về lấy lá sen làm nón che cái nắng gay gắt tháng sáu và thế nào cũng tìm cách trộm cho bằng được nếu không là một bông hoa, thì cũng là một gương sen đã ních hạt. Tôi đã ra nhà thầy đôi ba lần. Đó là những lúc mẹ tôi dẫn tôi đến nhờ ông cụ cắt may khi thì quần áo mới để đón tết, khi thì cái xắc đựng sách vở chuẩn bị vào năm học mới. Con đường ngoằn ngoèo rụng đầy lá tre khô và hình như có leo một con dốc nho nhỏ bởi những ngôi nhà ở xóm Vụng thường phải đắp cao nền để tránh lũ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông cụ thân sinh của thầy. Đó là một ông lão dáng tầm thước, nho nhã, lúc nào cũng bận quần áo lụa, đi guốc mộc. Nhìn ông râu tóc như cước, gương mặt hơi gầy bởi tuổi già nhưng phúc hậu, tôi cứ ngờ ngợ. Về tới nhà, tôi vội tìm ngay cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng, lần giở các trang… Ủa, sao lại giống ông thế nhỉ?
Tôi không biết gì nhiều về gia đình thầy, vì lớn lên là đã xa nhà, xa quê biền biệt cho đến hôm nay, nhưng tôi hiểu đó là một gia đình gia giáo. Tôi cảm nhận được cái nho nhã, hiền từ, phúc hậu từ ông bà cụ thân sinh hiển hiện trên gương mặt, tính cách của những người con trong đó có thầy. Có ngẫu nhiên chăng khi sau này thầy chọn cho mình nghề giáo và hơn thế nữa là thầy giáo dạy Hán - Nôm?
Bây giờ không còn xóm Vụng nữa. Phong trào “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn” những năm bảy tám mươi của thế kỉ trước đã đưa cả xóm vào trong đồng. Nhà thầy giờ gần nhà tôi hơn. Thi thoảng về quê, tôi lại sang thăm thầy cô. Thời gian in dấu trên gương mặt hai người nhưng nét nho nhã truyền thống của gia đình và chất nhà giáo vẫn đậm trong mỗi lời nói, cử chỉ. Tôi học thầy những năm tháng ở đại học nhưng tôi còn được học cô hồi ở phổ thông. Cô là giáo viên chủ nhiệm khi tôi vào lớp 8. Có lẽ chất văn trong huyết mạch của tôi được truyền từ cảm hứng của cô – một giáo viên trẻ mới ra trường, qua những bài giảng văn thuở ấy?
*
Nhớ có lần thầy vào thỉnh giảng ở Đại học Tây Nguyên. Ấy là khi thầy vừa mới nghỉ hưu, anh bạn tôi làm chủ nhiệm khoa Sư phạm bên ấy muốn tạo điều kiện cho thầy kết hợp chuyện giảng dạy với thăm thú Tây Nguyên. Hôm vợ chồng tôi đến thăm, thầy khoe bữa nay nghỉ hưu rồi, thư thả mới có dịp đi xa thế này. Thầy bảo, đây là lần đầu tiên mình vô Tây Nguyên đấy, mà cũng là lần đầu tiên được đi máy bay. Chao ôi, tôi thầm nghĩ, cả một đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không một chút bon chen, tính toán, đến khi nghỉ hưu rồi mới được nếm chút ít hạnh phúc mà lẽ ra một giảng viên đại học lâu năm như thầy phải được hưởng từ lâu, từ khi còn đứng trên giảng đường đại học.
Thầy lúi húi mở cặp sách, đoạn rút ra một tập giấy báo và nói với tôi, mình có cái này cho cậu. Thầy vẫn giữ cách xưng hô với học trò như thế, như cái ngày chúng tôi còn là những cô cậu mới ngơ ngác nhập trường. Tôi đón lấy và mở ra xem. Thì ra đây là những tác phẩm của thầy đăng trên tạp chí chuyên ngành. Có những bài vừa mới đăng trước khi thầy vào Tây Nguyên không lâu. Tôi xúc động thật sự, bởi ý nghĩa sâu xa của món quà độc đáo này. Thầy không tự đề cao mình, bởi đó không phải là bản tính của thầy. Cũng không phải thầy tặng tôi quà vì thầy không nghĩ thế. Thầy muốn gửi đến học trò một lời nhắc nhở mà khi xưa thầy đã từng nói trên bục giảng: làm thầy không bao giờ được tự bằng lòng với chính mình. Sau này đọc, nghiền ngẫm những bài viết ấy của thầy, tôi mới cảm nhận được cái sắc sảo, thâm thúy của một người am hiểu văn tự, văn hóa của ông cha, và càng thấu hiểu cái “thông điệp” mà thầy ngầm nhắn gửi cho mình. Ngày trước, khi chớm tuổi thanh xuân, tôi học thầy những tri thức để hành nghề. Bây giờ, ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi vẫn học thầy, học những điều tưởng như mình đã biết. Thế hệ những người như thầy là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Những con người như thế đang vắng bóng dần trên các giảng đường đại học. Tri thức và nhân cách, đấy là tài sản vô giá mà thầy muốn trao lại cho các thế hệ học trò cả khi không còn đứng trên bục giảng nữa.
Chúng tôi tôn kính và khâm phục thầy, không phải ở cái oai của học hàm, học vị. Những thứ cao siêu ấy có người đeo đầy mình nhưng vẫn không che lấp được khoảng trống về tri thức và nhân cách. Có lẽ những nhà giáo còn phảng phất một chút “gàn” của ông đồ xứ Nghệ xưa như thầy không thích cái sự phô trương. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thầy chỉ muốn được là chính mình. Khi nghỉ hưu vì tuổi tác, thầy vẫn là một nhà giáo, “nhà giáo nhân dân” đúng nghĩa của cụm từ này. Rời xa phố thị ồn ã, thầy lại về với làng quê máu thịt của mình, về với những người nông dân chân chất, quê mùa, chia sẻ câu chuyện với hàng xóm qua đọi nước, củ khoai nhưng không quên giành thời gian cho cái nghiệp mà thầy đã đeo đuổi suốt đời. Lại nghiên cứu, viết bài rồi lại lọ mọ ra bưu điện gửi đi các báo.
*

Ngày Nhà giáo năm nay, thầy sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, cái tuổi đáng lẽ ra chỉ biết vui vầy cùng con cháu và chén rượu cuộc cờ với bầu bạn. Nhưng không, thầy vẫn như con tằm miệt mài rút ruột nhả tơ, cháy hết mình cho cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét