Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

SỐ 259 - tác giả NGUYỄN THỊ SÁU



Khát vọng đông


Khi dòng sông gầy đi
Là lúc những con chim háo hức hát về cuộc hành trình di trú
Bỏ ếch lại trong đầm
Khép mắt nhớ về cơn lũ

Mặt trời mải chơi
Sớm mai muộn ngủ
Mặc hạt mầm bé nhỏ
Co ro
Mơ về tổ tiên xanh mướt

Gió trở mặt
Những chiếc lá hao gầy vàng vọt
Dốc sức hát ước vọng sau cùng
Cành cô đơn lặng câm
Đau đáu niềm mong
Âm thầm tróc vỏ
Người no đủ
Thích cái rét để diễn mình
Lãng quên
Những bàn chân trần ngâm trong bùn nước
Bàn chân không sợ rét buốt
Dẫu tím bầm
Vẫn đợi mùa xuân…



Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

SỐ 259 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN


ĐÔI MẮT CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
TRONG TRUYỆN NGẮN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
CỦA NGUYỄN MINH CHÂU
(Ngữ văn 12)


Nguyễn Minh Châu được coi là “người mở đường tinh anh” của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào năm 1983, đã tách ra khỏi hướng trôi quán tính của nền văn học cách mạng trước đó với hai đặc điểm lớn là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng. Hiện thực mới mẻ đầy lạ lẫm đã đặt ra không ít thử thách cho các nhà sáng tác. Với cảm quan nhạy bén của một người “mở đường”, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận ra rằng: Khi hiện thực cuộc sống thay đổi, thế giới quan, ngòi bút của nhà văn không thể khư khư theo cách quen thuộc như trước. Xã hội Việt Nam thời hậu chiến (sau 1975) bộn bề nhiều nỗi lo toan. Con người trở về với số phận cá nhân trong đời thường, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Từ đó, bao nhiêu vấn đề “tẹp nhẹp, vô nghĩa lý của đời thường” (chữ dùng của nhà văn Nam Cao) nảy sinh, chi phối, tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất, trở thành những thử thách thật sự cho xã hội.
Cầm bút sáng tác trong hoàn cảnh đó, nhà văn sẽ lựa chọn, phản ánh điều gì? Trong lần trả lời phỏng vấn đầu xuân 1986 của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Nguyễn Minh Châu cho rằng: Văn chương cần phải khác. Con người cần được nhìn nhận sâu hơn xa hơn, trên nhiều bình diện hơn. Nguyễn Minh Châu liên tiếp cho ra đời các tác phẩm với cảm hứng khác hẳn Dấu chân người lính vốn từng rất nổi tiếng trước đó của ông. Các truyện ngắn thời kỳ này của ông được tập hợp in trong 3 tập: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985) và Cỏ lau (1989).
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa lấy khung cảnh của một làng chài ven biển miền Trung những năm sau chiến tranh. Nhân vật xưng “tôi” là Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng là người lính từng chiến đấu ở đây trong những năm chiến tranh ác liệt. Như vậy, chiến tranh đã lùi xa nhưng cái ý nghĩa tồn tại của nó là: Hết chiến tranh, con người sẽ sống thế nào? Thì đây, cuộc sống của người dân chài: “lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”.
Người nghệ sĩ trở về vùng đất từng bị tàn phá bởi bom đạn với múc đích đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống hòa bình. Và may mắn, Phùng đã tìm được: “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ (…) toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
Với cảnh sắc trời cho ấy, Phùng may mắn thực hiện được nhiệm vụ của tòa soạn giao, đó là chụp một tấm hình nghệ thuật cho bộ lịch năm mới. Nhưng, phía sau bức tranh tuyệt mĩ được ngắm nhìn từ xa ấy là gì? Đó là hiện thực cuộc sống phũ phàng, tàn nhẫn, nỗi cực nhục của con người. Khi chiếc thuyền lại gần, Phùng ngay lập tức được chứng kiến một cảnh tượng trái ngược: Từ trên thuyền bước xuống một người đàn ông và một phụ nữ, họ nhàu nhĩ, lam lũ và đặc biệt, cư xử thô bạo: “Lão đàn ông dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két.” Người đàn bà nhẫn nhục, lặng lẽ cắn răng chịu đựng. Đứa con trai xuất hiện, lao vào đánh nhau với bố để bênh vực mẹ mình. Đến đây thì ý đồ nghệ thuật của tác giả đã rõ: Hỡi người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp kia, anh sẽ chọn bức tranh nào trong hai bức tranh đối lập ấy? Anh sẽ nhìn vào đâu? Thu nhận hình ảnh nào? Đứng về phía nào? Lựa chọn đi.
Chính Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người (…) Nhà văn tồn tại trên đời để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin, để bênh vực cho những con người không có ai bênh vực” (Ngồi buồn viết mà chơi).
Cảnh tượng cuộc sống phũ phàng ám ảnh, Phùng đã nán lại để đi sâu tìm hiểu bi kịch của con người ở đây. Chung quy là do nghèo đói quá, vất vả quá, người đàn ông trở nên cục cằn với vợ con. Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng để trút đi cái uất ức, khổ ải của kiếp người. “Cái chính là do đám đàn bà ở trên thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”.
Với quan điểm của một kẻ đứng ngoài, Phùng khuyên người đàn bà bỏ gã chồng vũ phu, độc ác. Câu trả lời của người phụ nữ làng chài đau khổ là: Không bao giờ! Bởi vì, như chị nói, “các chú không hiểu được đâu”, chỉ có người phụ nữ ở đây mới biết người đàn ông cần thiết đến mức nào cho cuộc sống gia đình, cái gia đình chật chội, lênh đênh và luôn luôn thiếu thốn ấy. Cũng chỉ mình chị biết, bình thường, ông ấy “cục tính nhưng hiền lành lắm”. Chỉ vì khổ quá mà anh ta thành ra cục súc. Hơn nữa, cuộc sống của chị là vì những đứa con. Hạnh phúc có lẽ là duy nhất của chị là được “nhìn những đứa con được ăn no”. Chính vì thế mà chị cầu xin chồng kéo chị lên bờ mà đánh, chị sẵn sàng cam chịu mọi đau khổ về thể xác, đừng để con trông thấy, tâm hồn chúng bị tổn thương!
Thế đấy, cuộc sống có quy luật của nó, phức tạp hơn nhiều so với trí tưởng tượng của người nghệ sĩ. Giải quyết thế nào đây? Câu hỏi này, riêng nghệ sĩ không thể trả lời. Nhưng anh phải là người đầu tiên xướng lên câu hỏi ấy, đặt nó ra giữa cuộc đời để tất cả mọi người cùng quan tâm, giải quyết. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút, chứ không phải là đi tìm cái đẹp viển vông xa xôi bên ngoài số phận con người.
Vấn đề được nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt ra những năm đầu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, mà ý nghĩa của nó, hình như đạt đến muôn đời.
Giới thiệu phê bình nghiên cứu


Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

SỐ: 259 - tác giả LỆ HẢI



Lời cho con

Mạnh mẽ lên phượng hoàng yêu
Thế giới bên ngoài xanh lắm
Những cánh hải âu vững vàng lướt gió
Cũng trưởng thành từ bước đầu tiên
Hãy can đảm bay vào vũ trụ
Rừng cổ thụ phía sau tỏa bóng
Mặt đất bầu trời nối liền cánh võng
Đôi vai hai vầng nhật nguyệt sáng soi

Phía trước ngọn Olimpia đợi chờ tuổi thơ
lung linh vòng nguyệt quế
Chinh phục không gian bằng sức lực mình

Hãy bay cao – bay xa
trong bao la lớn rộng
Mà nhận biết không gian kỳ diệu
Đất nước muôn trùng tre xanh giữ cõi
Sóng đỏ sông Hồng rạng rỡ lòng Hà Nội
Trường Sơn xanh hùng vĩ oai phong
Cảm thức sâu trang sử vàng nước Việt
Âm vang bước chân tiếp bước ngày dài.



Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

SỐ: 259 - tác giả BÙI THỊ NGỌC BÍCH



Dẫu

Dẫu năm tháng qua rồi
Thuyền xuôi dòng cổ tích
Thôi, xin đừng day dứt
Buồn vui gửi thời gian
Hoa mướp dẫu nở vàng
Vẫn thương cà nụ tím
Yêu thương chưa đủ chín
Tiếc một thời ngu ngơ…


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

SỐ: 259 - tác giả THY LAN

       

Là vợ


Có những lúc em thấy mình xa lạ
Giữa bốn bề quen thuộc hóa bơ vơ
Quả bóng xẹp vì mũi kim rất nhỏ
Cảm xúc đâu còn cho một ý thơ

Anh bảo ta hiểu nhau từ bấy đến giờ
Một chút cỏn con có gì đâu phải nghĩ
Em biết em là người vợ trẻ
Phải bền lòng xe chỉ luồn kim

Chẳng bằng lòng anh cứ nói với em
Lửa tình yêu đừng tắt dần vì những điều vụn vặt
Những cái lớn lao đựng những gì nhỏ nhất
Như giọt sương chứa hết cả mặt trời

Ta có nhau trong đời
Xin đừng để lạc
Trước ngả ba
ngả bảy…

con đường…!

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả TRẦN HƯƠNG GIANG

TRẦN HƯƠNG GIANG



GÃ ĐẦU BẠC

Truyện ngắn



Gã đã tự trang bị cho mình một vẻ bề ngoài thư sinh. Gã giỏi. Gã thông minh. Chỉ số IQ thuộc dạng khá khẩm. Cái gì gã cũng biết. Văn chương, học thuật, lịch sử, địa lí, số má, ngoại ngữ, máy tính… tất tần tật. Gã giống như một từ điển sống.
Gã sống trong một căn nhà khang trang. Chẳng ai biết gã làm mắm gì mà khá giả đến thế? Gã khá hào phóng, với bạn bè, với những người nghèo khổ. Thi thoảng, người ta thấy gã khóa cửa biến đâu mất tích dăm ngày nửa tháng, có khi cả mấy mùa trăng liền mới thấy căn nhà gã bật đèn sáng choang, thấy có bóng người đi ra đi vào rầm rập, nhộn nhịp. Gã rất ít nói. Gã hay khoác cái áo màu đen mỗi lần phắn lên con xe lao ra ngoài phố. Đường đầy khói bụi. Gã góp thêm một tí có làm sao. Ai cũng đều nghĩ thế. Riêng gì gã đâu. Đường chật hẹp. Gã chen chúc cùng dòng người đang đua nhau, vượt qua nhau từng centimet đường. Có sao? Ai cũng phải chen chúc, tất bật. Miếng ngon khó nhường. Đất sống càng không thể. Thời buổi kinh tế này đất là kim cương, tiền tỉ. Tất cả họ đều không còn đi chậm, nói nhỏ được nữa. Phải hét thật to, phải chạy thật nhanh. Đường đông đúc, xe cộ ồn ào náo nhiệt. Và họ chạy cho đến khi nào, mặt mũi tèm lem đóng một lớp vừa mồ hôi, vừa đất bụi nhòe nhoẹt, họ mới về đến nhà (mặt gã vẫn láng coóng ngon ơ). Người ta rồ ga xe máy, khẩu trang bịt kín vẫn dính bụi nhơ nhớp, từng lớp bụi có khi còn chui tận vào trong lỗ mũi. Ngoáy ra thấy đen sì sì. Mức độ ô nhiễm “ác chiến” của thế kỉ hiện đại. Gã bon bon ghế êm trên con xe bốn bánh. Bụi đã bị mấy cái cần gạt nước trước kính hất xuống hết. Ai đi xe máy hưởng thêm tí bụi của gã (có làm sao đời này, vốn dĩ thế, càng hiện đại người ta càng tàn nhẫn với chính mình và kẻ khác).
Gã có một khuôn mặt đẹp. Đôi mắt phong trần sâu thẳm. Lạnh lùng. Gã có nụ cười khinh khỉnh nhếch mép, chắc chỉ thua Don Juan. Nhiều cô gái chết mê. Gã phớt lờ. Hình như, các nàng kiều cũng mê luôn cái căn nhà khang trang của gã, con xe của gã. Thời này, các nàng quen thói ăn diện, trau chuốt nhan sắc cần phải để ý đến những “mối làm ăn” như thế. Mất mát gì đâu? Đến cả lớp trẻ sinh viên, còn rỉ rả vào tai nhau: “Yêu đếch có tiền thì bốc cám mà ăn à?”. Đứa nào từ quê lên tỉnh đi học thì cố gắng bám vào các chàng/nàng có hộ khẩu thành phố để ở lại luôn, chẳng thèm về những vùng nông thôn nghèo khổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi mẹ cha cố gắng chắt chiu từng mùa lúa, từng lứa lợn xuất chuồng nuôi ăn nuôi học. Thật ra, cũng nên có chí tiến thủ. Chả nhẽ, về quê. Chả nhẽ cứ phải bám đất ruộng, đất làng, bám cái ao cá, chuồng heo, con gà, con vịt để kiếm ăn như bố mẹ? Có học, phải vươn xa, phải tìm cách đổi số, thay vận; phải tìm cách ngóc đầu lên với thiên hạ, cũng nhà cao cửa rộng, xe bốn bánh chạy sề sề. Mỗi lần về quê, như kiểu “vinh quy bái tổ”, báo cáo làng nước, gia đình, họ hàng: “Tớ đã giàu rồi nhé, tớ đã là đại gia rồi nhé!”
Có cái lạ. Dân tỉnh lẻ, nếu tìm cách ở lại thành phố để hít ít khói bụi xa hoa, thì người thành phố, giàu kếch xù lại muốn trở về quê, lên tận những vùng heo hút núi non để mua đất, dựng nhà, mua gà vịt, tậu trang trại hoặc có khi xây luôn cho mình mấy hầm mộ bằng tiền tỉ, lo cho nơi an nghỉ cuối cùng. Sống giàu sang, chết cũng phải hoành tráng. Ai chẳng muốn thế. Đất đắt như kim cương. Muốn chết có nơi chôn, người thành phố phải lo dấm chỗ, đặt trước, kiếm cái bìa đỏ chứng minh: “Chỗ này là chỗ tớ nằm, đéo thằng nào được nhấm nhẳng ngó nghiêng đấy nhá”. Người thành phố có cái khổ của người thành phố, người tỉnh lẻ có cái khổ của người tỉnh lẻ. Cuối cùng, đời người, kiếp con người cũng chỉ là sự quẩn quanh giữa hai chữ sống và chết. Sống là tạm bợ. Chết là vĩnh viễn. Người theo Kitô giáo thì ngược lại, dù sao họ vẫn có quan niệm nhẹ nhàng hơn. Sự sống là quà tặng ban của Đức Chúa trời, phải trân trọng từng giây phút, từng khoảnh khắc, từng ngày tháng. Chết là về với nước Chúa. Chết là để được sống lại như Chúa (Chúa bất tử, nên họ cũng sẽ bất tử). Không việc gì phải buồn lo, suy nghĩ chuyện sống chết. Có câu trong kinh thánh: “Anh em ra đi là để sinh nhiều hoa trái”. Người chết nằm xuống, nhẹ nhàng. Người sống nhìn nấm mộ đã đắp đất, buồn đau một chút, khóc than một chút, nhớ thương một chút theo lẽ thường của cảm xúc, rồi lặng yên nguyện cầu cho người chết nhanh lên thiên đàng, sau khi họ đã trải qua những xét xử dưới luyện ngục, và đã được tha tội. Tất nhiên, trừ những kẻ tạo cơn cớ quá nặng, xem chuẩn mực đạo đức bằng đầu ngón tay khi còn là xác thịt sờ sờ. Người chết không còn nữa trên đời. Người sống nên ghi nhớ hình ảnh của họ bằng trái tim và đợi chờ cuộc hội ngộ sau cùng nơi cánh cửa nào đó trên cao tít, bí ẩn trong vũ trụ khôn cùng.
Chỉ số IQ cao, nhưng tóc gã chưa tới băm đã lấm tấm bạc như các “bô lão” tuổi trung niên. Ai đó nói bâng quơ: “Do máu xấu”, đừng hiểu nhầm. Máu xấu thôi nhé. Gã là người tốt. (Đôi khi hơi chướng, vì cái tật khoe mẽ: bảnh trai, nhà giàu, xe xịn, lạnh lùng, sát gái). Gã tham gia vào một hội nhóm nào đó trên mạng. Thỉnh thoảng gã đi đú đởn nhậu nhẹt cùng hội, rồi phượt phiếc linh ta linh tinh. Thỉnh thoảng, gã sắp xếp đồ đạc và lên đường đi đến tận những miền cao, miền xa cùng một nhóm người nào đó trên một chiếc xe toyota đã được chất đầy hàng hóa: quần áo, bút mực, sách vở, và mấy thứ đồ dùng khác chuyển lên cho trẻ em nghèo miền núi mỗi dịp tết đến hay đông về. Đấy, gã là người tốt đấy. Nhóm hội của gã cũng vậy. Họ nghĩ: Khá giả một chút, thừa thãi nhiều thì nên chia sẻ bớt cho những kẻ khốn khó còn thiếu ăn thiếu mặc.
Mỗi bận đi “phượt” kiểu ấy, người ta lại thấy gã sung sướng huýt sáo vang cả nhà. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất, khi gã chuẩn bị đi làm từ thiện. Vẫn chẳng ai biết gã làm quái gì mà giàu đến thế? Gã giỏi. Ai cũng bảo: “Trông tướng gã như giáo sư, tiến sĩ có học thức, chữ nghĩa đầy đầu”, hoặc đoán mò: “Thằng cha ấy chắc là giảng viên của một trường đại học nào đó”. Thật ra, gã cũng từng có mơ ước: Làm một anh giáo suốt ngày chúi mũi vào nghiên cứu, rồi lên lớp truyền đạt mấy mớ kiến thức cho đám sinh viên. Thật ra, gã cũng đã từng có một vài ý nghĩ chảnh chọe: “Làm thằng giảng viên oách văn ngầu nhỉ?”. Cái đầu thông minh của gã, đôi khi cũng gặp sự cố. Mỗi lần nghĩ lại ước muốn trở thành anh giáo gã buồn cười. Thằng bạn thân của gã bây giờ vẫn đang ở trọ. Gã đã nhà cao cửa rộng. Xe bốn bánh chạy ro ro. Gã thấy thương. Gã vẫn giỏi hơn mấy thằng bạn. Gã nhận ra: “Phải tìm một con đường khác để đi. Đời người có bao nhiêu. Sống được bao nhiêu. Tích lũy cần thiết. Nhưng, tóc gã chưa gì đã lấm tấm bạc thế kia”. Lớp trẻ hiện nay, cũng đã bắt đầu nhận ra. Có thể “cày” như điên. Nhưng, họ chọn những phương thức kiếm ăn rút gọn thời gian. Một số thằng không đủ sức chơi kiểu đó, thì phải cần cù chăm chỉ gieo hạt, đợi mùa vụ rồi thu hoạch. Riêng gã, vì có cái đầu thông minh, gã chơi cách khác. Món gì gã cũng nhúng tay vào thử. Gã giỏi tiếng Anh, một lợi thế để gã kiếm tiền rất tốt, trong thời đại số má, công nghệ hóa này. Gã quất một cái blog riêng bằng tiếng Anh. Cung cấp thông tin cho bộ máy tìm kiếm của Google, tranh thủ “xơi” thêm vài quả bằng cách ăn phần trăm quảng cáo. View càng cao, thì cơ hội có tiền của gã càng lớn. Nhưng đây chỉ là một cách nhỏ, trong vô vàn những việc mà gã đang làm. Blog – gã xem như là một trò chơi giải trí. Gã làm nghề tự do (gọi là Freelancer). Một kiểu nghề mới nảy sinh bởi tình hình kinh tế í ẹ của thế giới hiện nay, khi các công ti tư nhân lần lượt cắt giảm nhân sự. Nghề này, gã có thể tận dụng quỹ thời gian trống và thể hiện năng lực của mình. (không ai bắt gã phải làm thế này trước, làm thế kia sau). Đồng thời gã có thể tự làm chủ thời gian – thu nhập, không cần phải tất bật mỗi sáng đến công ti cho kịp giờ, hay “cày bừa” đến tối mịt mới mò về nhà. Ngoài cái blog tiếng Anh – ăn phần trăm quảng cáo cho bộ máy tìm kiếm khổng lồ Google, gã còn tranh thủ nhận thêm các mối dịch thuật kịch bản, văn học, hay viết PR, lập trình… tất tần tật miễn là phù hợp, miễn là nằm trong khả năng bàn tay và cái đầu có chỉ số IQ cao của gã, và miễn có tiền. Quan trọng nhất vẫn là thứ đó. Mấy tờ giấy bạc xanh, đỏ đầy ma lực, khiến cả thế giới loài người đâm đầu vào tranh giành, kiếm chác; cái thứ “bùa mê” khiến nhân tâm đảo điên, khiến một gia đình đang hạnh phúc, sung túc đủ đầy, bỗng chốc tan nát và ngược lại. Cái thứ khiến một thằng con nghịch tử, vì thiếu nợ, ham hút chích, cờ bạc, sẵn sàng đâm chết cha mẹ ruột mà không hề gớm tay. Gã thì thèm lắm một tiếng gọi ấm áp của tình mẫu tử. Thế giới này đưa lên cán cân, vẫn không bao giờ bằng nhau. Cha mẹ gã đều chết vì căn bệnh nan y mà cả thế giới bó tay. Đời sống càng hiện đại, bệnh tật xuất hiện càng nhiều. Khoa học càng hiện đại càng sản sinh ra nhiều thứ suy nghĩ nguy hiểm. Vòng tròn nào có vết của đồng tiền, ở đó có đau thương. Thế giới là khối rubik. Đồng tiền là kẻ đang cầm cái khối rubik đó và bắt đầu xoay như chong chóng. Con người tưởng mình đang điều khiển game. Hóa ra, không phải. Con người thường hay ngộ nhận và nhầm nhọt.
Gã kiếm tiền tốt thế. Bằng cách nào? Khối đại gia giàu hơn. Gã chưa là gì. Các đại gia kiếm tiền bằng cách nào thế? Tài thật. Đại gia có tiền thì cũng vung tay quá trán nhiều lắm: Khoe siêu xe. Khoe nhà cao cửa rộng, khoe các trang trí nội thất đắt giá, khoe cả bồ nhí chân dài. Gã chỉ là một thằng con trai bình thường, có đầu óc, biết cách kiếm tiền và hiện tại gã đang hơn mấy thằng bạn cùng cấp học ngày xưa. Gã tậu được nhà, tậu được xe hơi, tậu được trang thiết bị nội thất hiện đại. Gã có tiền để ban phát cho kẻ nghèo khổ bất hạnh hơn mình. Gã hạnh phúc và hài lòng với những hành động của mình. Bẵng đi hơn một thời gian. Hàng xóm không nghe gã ho he huýt sáo sung sướng trong những lần chuẩn bị lên đường đi phượt. Nghe bảo: Gã đi nước ngoài. Căn nhà khang trang để trống. Dăm ba bữa thấy một người giúp việc đến dọn dẹp.
Phía trước cổng có giàn hoa tigon leo lên cánh cửa sắt sơn màu trắng. Chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng đỗ xịch. Người đàn ông áo đen bước xuống, tay xách chiếc va li, tay mở cửa xe. Người đàn bà mặc chiếc váy màu thiên thanh, tóc vàng hoe hoe, mắt xanh đang loay hoay níu lấy một bên hông gã, khi dừng chân trước cửa nhà. Hàng xóm ngó qua. Mấy đứa con gái mới lớn ngó qua. Gã về. Tóc vẫn lấm tấm bạc, gần nửa mái đầu. Đặc điểm nhận dạng nhanh nhất của gã. Thời đại kinh tế mở cửa, mọi khoảng cách về không gian địa lí, ngôn ngữ, màu da không còn là vấn đề. Tình yêu cũng thế. Thông và thoáng. Cởi và mở. Con gái Việt, vẫn thích tếch sang Tàu, sang Tây sắm chồng. Gã cũng có quyền sắm cho mình cô vợ mắt xanh, tóc vàng. Không biết nói tiếng Việt, có hề gì. Gã giỏi tiếng Anh.
Cô gái tóc vàng của gã, mỗi lần cười cũng xinh lắm. Gã không thuộc tuýp người khoái ăn chơi lung tung. Cô nàng này, chắc chắn đã được tuyển lựa rất kĩ. Hàng xóm tò mò, thích hóng hớt ngó sang. Gã cười cười. Thiên hạ, chuyện gì cũng có thể bới móc, suy diễn, một thành mười, mười thành trăm. Dăm ba người, tụ năm, tụ bảy đã thành cái chợ. Gã thừa biết. Gã lặng im. Hồn ai nấy giữ.
Một dạo, gã đưa nàng về quê. Đi xa lâu ngày, quê gã vẫn như xưa, không có gì tiến triển hơn. Vẫn nghèo nghèo, tội tội như thế. Những người nông dân, ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đêm về tụ tập lại trước sân nhà chén anh chén chú. Có gia đình, con cái nheo nhóc, cơm áo không đủ no, vợ chồng hục hà hục hặc sau khi thằng đàn ông có tí hơi men. Quê gã đấy, ngày xưa và bây giờ. Gã chỉ còn vuông đất thờ để lại cho các bác trong họ trông coi. Gã về, thắp nén nhang cho ông bà, cho cả hai người thân sinh ra mình. Gã về, đưa cả nàng dâu mới bên xứ lạ ra mắt họ tộc. Các cô, dì… người ngấm, kẻ nguýt. Các ông cậu, ông chú, phản đối. Đất lề quê thói. Họ cứ ra rả ca bài ca xưa cũ cho gã nghe: «Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn». Gã lặng im. Cha mẹ gã mất rồi, chỉ còn họ tộc là đại diện duy nhất khi gã lập gia đình. Mấy ngày cho cô dâu Tây làm quen với lối sống quê kiểng, gã gặp khá nhiều trở ngại, từ giao tiếp đến đồ ăn thức uống. Gã vẫn cố thử. Chưa được một tuần, không chịu được những đàm tiếu ở quê, gã tếch thẳng lên thành phố. Vậy là không có đám cưới đám kiếc nào hết. Gã làm thử cái trắc nghiệm. Gã chỉ đúng 30%. Ở một phương diện nào đó. Tình yêu có thể khiến người ta vượt qua được những khoảng cách về mặt địa lí, ngôn ngữ, màu da. Nhưng, lập trình cho trái tim, cho một mái ấm gia đình của gã đã thất bại. Xưa nay, vốn đã thế, phép vua thua lệ làng. Người ở quê, vẫn cứ là người ở quê. Họ trọng sự chân chất, mộc mạc, trọng dòng máu gốc rễ của mình hơn. Dẫu có nghèo, họ vẫn không muốn rời khỏi đất làng, đất xã để tìm kiếm một miền đất hứa khác. Cha mẹ gã bỏ làng ra đi, đến khi chết vẫn phải quay trở về xin nắm đất nhỏ bên đồng để được ở gần ông bà, tổ tiên. Gã bâng khuâng nghĩ ngợi. Người giàu cũng có những khổ tâm của riêng mình.
Một năm sau, gã lại lon ton trở về quê, nhờ chú, bác cưới vợ. Gã chọn được cô bé hàng xóm thời còn để chỏm, mặc quần thủng đít chạy long nhong ngoài bờ đê cắt cỏ, chăn trâu với gã. Cô gái bây giờ đã hơn hai mươi bảy tuổi (Gã gần ba mươi). Vậy là đẹp. Người ở quê xôn xao: “Con bé ấy đi tu nhưng vì lí do gì đó lại không được dòng tu nào chấp nhận, giờ về quê chỉ chăm việc heo gà, đồng áng. Tuổi như nó ở quê gọi là gái ế. Sao còn lấy?” Gã cười khẩy. Lần này thì gã quyết. Họ tộc không ai nói gì. Mọi người đều hiểu hoàn cảnh cô bé đó. Một đám cưới bình dị tổ chức tại quê. Gã không thích phô trương. Sau dăm ngày, gã đón cô vợ quê lên thành phố. Nhà cửa sang trọng, choáng ngợp. Ô tô bóng loáng. Cô vợ của gã hiền lành.
Thế là gã đã có vợ. Các cô nàng chân dài ở thành phố tiếc nuối. Gã cũng đâu đến nỗi đem của đi nuôi các ả chỉ biết sơn móng tay, thoa phấn son, diện quần áo hàng hiệu mỗi ngày. Gã đã chọn vợ, là phải chọn cho thật tử tế.
Bao nhiêu năm rồi, căn nhà của gã vẫn im lìm, không nghe tiếng cười, không nghe tiếng khóc. Nay, gã đã có vợ vẫn thế. Cưới đã lâu, vậy mà vợ chồng gã vẫn đi đi về về với nhau. Một mái ấm gia đình, thiếu mất tiếng bi bô của trẻ thơ đôi khi cũng thành bi kịch. Gã thương vợ. Gã có ăn có học, gã có trái tim nhân hậu, gã không làm khổ vợ. Thùy là cô gái có đức tin mãnh liệt. Nghe đồn trong nam có nơi cầu tự linh thiêng, Thùy bàn với gã, cả hai vợ chồng làm một chuyến. Đi dăm tháng. Về lại, vợ gã bụng đã lùm lùm. Thật khó hiểu. Người ta bảo cứ tin là sẽ được. Niềm tin mãnh liệt có thể đem lại nhiều điều kì diệu và cả kì quái. Cái bầu của vợ gã ngày một lớn, nhưng không có tín hiệu chuyển dạ. Thi thoảng, người ta lại thấy bụng Thùy lép kẹp. Thi thoảng thấy bụng Thùy to ra. Theo chu trình, đủ chín tháng mười ngày thì đứa bé chào đời. Nhưng, Thùy có bầu đã gần hai năm. Thùy nghe bảo: Con cầu tự không được đi siêu âm, đi khám thai. Nếu không em bé sẽ biến mất. Thùy vẫn thấy cái bầu cử động, mỗi lần cô nói chuyện với con. Thùy vẫn tự hào, đứa trẻ chính là thiên thần do Chúa cử đến. Cô tin tưởng, cô kiên nhẫn chờ đợi. Một đức tin không thể nào lay chuyển nổi. Hàng xóm lời ra tiếng vào, Thùy mặc kệ. Gã tôn trọng đức tin của vợ. Gã cũng kiên nhẫn đợi. Chẳng biết đến bao giờ đứa trẻ mới ra đời. Câu hỏi đó không phải dành riêng cho vợ chồng gã. Hình như ở quê gã cũng có vài cặp vợ chồng đi cầu tự như thế. Và, họ cũng đang đợi sự ra đời của đứa trẻ. Biết đến bao giờ? Hãy cứ tin là sẽ được. Gã để cho Thùy giữ lấy đức tin ấy.
Gã mải mê với công việc, với những vụ làm ăn xa nhà khi đã có thêm nhiều vốn liếng. Gã đầu tư vốn vào các công ty cổ phần. Tiền của gã không bao giờ ngồi yên mà chúng quay vòng, sinh lời liên tục. Gã có cái đầu giỏi. Cái đầu đó gã không dùng vào việc nghiên cứu sách vở, gã dùng nó để kiếm tiền. Gã càng ngày càng giàu. Lắm lúc gã có những suy nghĩ kì quái: Thiên hạ cần tiền để làm gì nhỉ? Gã có tiền nhiều lắm. Nhưng gã không thấy vui, không thấy hạnh phúc. Từ ngày có vợ gã ít tham gia vào hội nhóm, đàn đúm, nhảy nhót hay đi phượt. Gã vẫn thầm lặng giúp đỡ những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng gã làm một cách bí mật. Ít khi gã ra mặt. Gã núp bóng vào công việc, vào cái Computer không biết chán.
Mỗi lần trở về nhà, gã vẫn thấy cái bầu của Thùy lúc to, lúc nhỏ. Gã không thể nào hiểu nổi. Đây có phải trò đùa của đức tin? Gã tự đặt câu hỏi. Gã lặng im chờ đợi cùng Thùy. Hình như trong lòng gã vẫn có một đức tin. Gã cần phải tin. Nếu không, gã chết mất. Những suy nghĩ bùng nhùng trong tim óc gã thật đáng sợ. Con người thỉnh thoảng vẫn thả trí tưởng tượng của mình bay nhảy. Chúng không đơn giản chút nào. Chúng biến dạng thành nhiều hình thù khác nhau. Gã cũng đã từng có những tưởng tượng về cái bầu của Thùy. Rồi gã thấy tội lỗi. Gã lăng nó đi. Gã nghĩ về một thiên thần, khuôn mặt sáng ngời, thánh thiện. Tội lỗi của loài người đầy rẫy. Con gã sinh ra phải là một thiên thần. Nó không phải gánh chịu những thứ tạp nham, mệt mỏi của thế giới.
Ba năm trôi qua. Bụng Thùy vẫn cứ thế. Gã quen dần với sự hiện diện của đứa con chưa bao giờ được sinh ra, chưa bao giờ được nghe thấy tiếng cười, tiếng khóc, tiếng bi bô gọi bố của nó. Đến năm thứ tư. Gã bắt đầu phát hiện ra mình có những dấu hiệu không tốt về sức khỏe. Gã suy kiệt dần. Gã bất chợt nhớ về cha mẹ. Họ đều chết vì K. Gã biết, loại này vẫn có di truyền.
Năm thứ tư. Thiên thần vẫn chưa chào đời. Gã đã ở giai đoạn cuối. Thiên thần đến, gã sẽ đi. Gã đã kiếm đủ tiền cho Thùy (cả đứa con gã đang đợi chờ bằng niềm tin) sống hết đời. Nhờ có tiền, bệnh gã được duy trì thêm khoảng dăm tháng nữa. Ngày gã hấp hối, Thùy chuyển dạ. Vậy là đức tin đã thành hiện thực.

Thùy đưa cậu bé ba tuổi, đã chạy lon ton được đến bên mộ gã. Đôi mắt thiên thần trong veo. Vành môi đỏ. Khuôn mặt tròn và mái tóc hoe hoe. Gió lướt qua vuốt ve nhẹ trên má cậu bé. Thùy chắp tay nguyện cầu, đọc mấy câu kinh. Linh hồn gã đang mỉm cười. Hạnh phúc vẫn là điều kì diệu nhất. Thùy luôn cảm thấy dường như: “Gã chỉ làm một cuộc phiêu lưu ở một thế giới khác, chứ không hề biến mất khỏi cõi trần này”. Thùy yêu chồng, cũng giống như yêu đức tin của mình. Thùy nghĩ: “Đức tin đôi khi đã cứu rỗi linh hồn con người khỏi những lầm lạc”.

SỐ 259 - tác giả HOÀNG THIÊN NGA

Tác giả Hoàng Thiên Nga

Thơ đọc vào tai ngựa

Có người sinh ra đời chỉ để làm thơ
Nếu không, thật phí!

Có vị chẳng biết làm gì
Bèn múa bút vẽ thơ!

Vậy nên có làn thơ bay bổng
Lẫn đống câu lạch bạch vịt bầu
Những ý thơ đọc thầm mà choáng váng
Giữa mớ vần vè gân cổ xù râu

Có hồn thơ như suối nguồn trong trẻo
Nắng rọi vào từng kẽ đá rong rêu
Có xác thơ như vũng sâu tăm tối
Lỡ rơi vào, đầu óc mịt mù theo

Có câu thơ như sấm truyền, bí kíp
Kẻ sắp chìm vớ lấy ngoi lên
Có tập thơ quẫy vờn mồi ngư nữ
Nhấn thật sâu kẻ si dại, yếm mềm

Chỉ đôi người bẩm sinh thi sĩ
Mà biết bao ảo tưởng vơ nhầm

Ta vất sách! Tót lên lưng chiến mã
Phi ào ào, hít căng ngực gió xuân!



Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

SỐ 259 - tác giả BÍCH THIÊM



Giấu…

Mặt trời giấu trái tim nóng ấm của mình
bằng màn đêm đặc sánh
Mặt trăng giấu sự dịu dàng
bằng những áng mây bông mát lạnh
Mặt đất giấu đi
những khô cằn cô quạnh
bằng cỏ non tơ và hoa lá mướt xanh
Em giấu tình yêu với anh
trong im lặng thẳm sâu
mà bao la như biển
Ngày lại ngày
đếm ngược thời gian
có hạt sương nào
trên khóe mắt long lanh…



Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

SỐ 259 - tác giả VÂN GIANG





MIỀN XƯA CỦA MẸ

Tản văn


Mẹ đi lạc, đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Tôi thử mặc định lại câu hỏi này cho một người đàn bà hơn năm mươi tuổi, vẫn lênh đênh với những câu trả lời chỉ là một dấu chấm than còn để ngỏ trong những giọt nước mắt xa xôi. Tự thuở nào, bé bỏng xinh xinh, mẹ chỉ là cô bé con chưa nên vóc thành hình. Mẹ như bông hoa đơn thương độc mã thất lạc giữa chốn núi rừng, tìm kiếm những giấc mơ cổ tích đời thường riêng nào đó, dù chưa từng đánh mất. Mẹ đi lạc trong cõi nhớ, thương tháng năm xưa, giữa bom đạn chiến tranh chưa một lần được nghe tiếng ru à ơi của người đàn bà đã sinh ra mình. Mẹ vẫn đi lạc, khi cõi tình rộng mở trên từng bước chân.

Tôi nghe câu chuyện đêm khuya bên ánh đèn tờ mờ thuở cơm áo chưa đủ no: Mẹ kể về cuộc đời mình, kể về tuổi ấu thơ, côi cút. Tôi nghe câu chuyện giữa những khoảnh khắc riêng tư, mẹ lặng im đón chờ từng giây phút đứa con gái của mẹ chào đời, bằng những giọt sữa non ngọt ngào thơm lừng. Tôi lớn lên, thẳm sâu mong mỏi những miền xưa nào đó vô hình, không tên. Tôi lớn lên, mới hiểu: Mẹ đã cố tình nén chặt tất cả trong quả tim mình, để tạo thành miền xưa ngọt ngào khác cho các con bằng giấc mơ màu cổ tích, có ông trăng tròn vành vạnh đêm rằm tháng tám đậu giữa sân nhà.

Mẹ vẫn là mẹ thôi, mẹ vẫn từng là một đứa trẻ đã lớn lên từ những tháng năm chinh chiến và li biệt chưa nguôi những mất mát đắng đót của đứa con cút côi. Mẹ lang thang giữa núi đồi từ thuở lên ba, mẹ lang thang giữa biển người từ thuở không có mẹ, có cha. Mẹ chỉ là mẹ thôi, đôi bàn tay nhỏ xíu ngày xưa chưa một lần được dìu dắt, và nắm chặt trên đời. Mẹ vẫn là mẹ thôi, vẫn khát khao thốt lên tiếng gọi thiêng liêng của tình mẫu tử khi tuổi tác đã thành nếp gấp trên làn da nâu rám nắng. Mẹ chỉ là mẹ thôi, gần cả một kiếp người không nguôi tìm kiếm miền kí ức hoang hoải bàng bạc trong nắng chiều mỗi lần ngóng nhìn về nơi nào đó xa xôi.

Tôi đi theo triền kí ức trong từng lời kể. Tôi đưa mẹ về với giấc mơ tuổi thơ bằng những bức tranh được vẽ nên bằng câu chữ. Núi rừng xưa, nay có còn ngẩn ngơ chờ đợi? Buôn làng xưa, nay có còn rộn ràng tiếng chiêng khua, hay buồn đau, rồi lãng quên bóng dáng mẹ tôi? Miền ấu thơ ơi, tôi gọi cả tháng năm, gọi cả chờ mong, đang nhịp nhàng luồn lách như con suối chảy qua vách núi, như con nai lạc bầy trở về với mẹ. Miền xưa ơi, tôi gọi nắng sớm, chiều mưa, gọi đêm thâu chong đèn vá áo, gọi thời gian theo từng mạch máu tuôn đổ về quả tim bé nhỏ, ào ạt mà mẹ đã trọn vẹn dành lại cho chị em tôi. Miền xưa ơi, thăm thẳm và trĩu nặng hay đang trôi dạt tận phương nào trong từng ánh mắt nhìn đằng đẵng những thương yêu.

Một ngày, tôi ngồi giữa thênh thênh tiếng gió thổi đêm trăng tháng bảy, đếm trên từng đốt tay mình. Tôi đếm đi và đếm lại, đếm hoài vẫn chưa thấy đủ những khoảnh khắc chập chờn trong từng giấc ngủ, bỗng giật mình nhìn thấy: miền ấu thơ của tôi chồng chất lên tháng năm, tròn đầy như chiếc bánh đường ngọt lịm thơm thơm mùi nếp mới. Miền ấu thơ của mẹ chỉ là một điệp khúc gọi hoài, gọi mãi vẫn còn trốn nấp trong trò chơi của đứa con nít: Năm, mười, mười lăm, hai mươi…

Một ngày nữa, tôi ngồi tựa cửa, cùng mẹ, lắng nghe tiếng mưa chiều trên phố núi, ngắm nghía, lật bàn tay mẹ, đếm từng nếp nhăn hao gầy, bỗng đọng lại trên khóe mắt tôi cay cay một vết sẹo dài cả tuổi ấu thơ chưa bao giờ đủ đầy tình mẫu tử. Tôi biết rằng mình đã được nhiều hơn thế. Thương lắm miền xưa của mẹ bây giờ…


Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

SỐ 259 - tác giả NGUYỄN MINH KHIÊM



LTS: Ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột? Sự thật về tiếng súng ấy như thế nào? Giờ G là giờ nào? Chính xác là mấy giờ?... Mặc dù đã có nhiều tài liệu viết về chiến dịch này nhưng chưa có sự thống nhất hoặc cụ thể về những chi tiết trên. Chư Yang Sin đăng bài viết của tác giả Nguyễn Minh Khiêm để bạn đọc tham khảo.


GẶP NHÂN CHỨNG NỔ SÚNG
MỞ MÀN CHIẾN DỊCH BUÔN MA THUỘT
NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 1975
                                                                                            Ghi chép


Nói đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975 lịch sử, ai cũng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột mùng 10 tháng 3 năm 1975. Nó là then chốt, là chìa khóa mở ra sự thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột? Sự thật về tiếng súng ấy như thế nào? Giờ G là giờ nào? Chính xác là mấy giờ? Có thể tất cả những chi tiết ấy cũng không có ý nghĩa to tát gì so với thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhưng đó vẫn là câu hỏi tò mò, hiếu kỳ không chỉ riêng cho bao nhiêu người lính, mà đối với bao nhiêu nhà nghiên cứu, viết lịch sử truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, lịch sử trận đánh mở màn Chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Làng tôi gần trăm người đi bộ đội thời chống Mỹ. Hơn nửa phần trong số đó từng chiến đấu ở Tây Nguyên. Nhưng khi hỏi ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột, mùng 10 tháng 3 năm 1975? Không ai biết. Hỏi bao nhiêu người nữa cũng không biết.
Anh Thiều Minh Liên là bộ đội đặc công 305 tham gia đánh nhiều mặt trận. Anh hay kể cho tôi nghe những trận đánh kỳ tài của bộ đội đặc công như trận Pha Thí, trận Cù Kiệt bên Lào. Rồi trận đánh sân bay U-ta-pao, sân bay Cò-rạt Thái Lan. Nhưng không thấy anh kể gì về trận đánh Buôn Ma Thuột. Một hôm anh Thiều Minh Liên đến nhà chơi, tôi mang cái phân vân bấy lâu nay của mình ra hỏi. Bỗng anh sôi nổi hẳn lên.
- Ông Sĩ! Ông Sĩ người làng Trịnh Lọc, Yên Phú, Yên Định, Thanh Hóa mềnh đấy (tiếng địa phương quê tôi, âm i phát âm thành âm ê nên “mình” thành “mềnh”). Tôi, ông Sĩ, ông Cộng, với ông Hòa anh ruột vợ chú (anh ruột vợ tôi là Đỗ Công Hòa, hy sinh ở Trảng Bàng, Tây Ninh), cùng nhập ngũ một ngày 20 tháng 6 năm 1968 mà. Cả 4 thằng cùng vào đặc công. Ông Hòa với ông Sĩ còn được rút đi học đặc công chiến lược. Các ông ấy biết lái tất cả các loại xe, lái được cả máy bay trực thăng. Chính ông Sĩ là người nổ phát súng mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột đấy. Ông Gián, Trịnh Hữu Gián, bộ đội đặc công xịn, tôi gọi bằng chú, chính là người chỉ huy mũi đánh mở màn trận ấy đấy.
Anh nói chắc như đinh đóng cột. Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sao làng Bùi, Yên Phú lại tụ hội nhiều nhân vật đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thế. Ông Đỗ Hoàng Diệu là một trong những sĩ quan chỉ huy trận máy bay Mig17 của ta đánh tập kích bất ngờ mấy tàu chiến của Mỹ ngoài khơi tỉnh Hà Tĩnh làm cho bọn giặc kinh hồn. Sau này ông là Trưởng phòng Điều vận sân bay Quốc tế Nội Bài. Rồi ông Thiều Quang Nông, nguyên Tiểu đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy tiểu đội cắm cờ lên nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài gòn Đại tá nghỉ hưu, vừa được chính thức vinh danh năm ngoái. Không tưởng tượng nổi, người nổ súng mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột lịch sử lại cũng là người làng Bùi. Tôi bảo anh Liên liên lạc cho tôi gặp ông Gián và gặp anh Sĩ càng sớm càng tốt.
- Chú cứ yên tâm. Tôi sẽ đưa chú lên nhà ông Sĩ một hôm. Ông Gián, chú tôi, hiện nay đang ở Sài Gòn. Tôi sẽ gọi điện. Còn nhà ông Sĩ, ngay chỗ dốc vào cổng Ủy ban Yên Phú, ngay cổng chợ làng Bùi. Chú về ông ngoại ngày nào chả đi qua cổng nhà ông Sĩ.
 Quãng một tháng sau, anh Liên đem đến cho tôi ba tập “Nhật ký và Hồi ký qua những năm tháng ở chiến trường miền Nam” của ông Trịnh Hữu Gián, thiếu tá, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn đặc công 198, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 198. Tôi đọc rất kỹ từng tập Nhật ký – Hồi ký của ông. Nhưng các chi tiết sự kiện nổ súng mở màn thì ông ghi lại chưa rõ. Về tiếng súng đầu tiên, ông Trịnh Hữu Gián viết “2h địch đã phát hiện thấy ta. 2h 2 phút tên trực ban cùng 2 tên nữa mặc quần đùi áo thun bắn những loạt AR15 vào những đồng chí sau cùng của tổ thọc sâu”( Q3.tr85). Về giờ nổ súng, ông Gián viết “ Giờ G quy định là 2h30 phút sáng 10.3.1975”. Ông kết luận “ Vậy là đặc công bắt buộc phải nổ súng sớm hơn 25 phút”(Q3. tr 90).
Nhưng tôi vẫn chưa gặp được anh Sĩ. Người được anh Liên giới thiệu là Người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột. Rất gần nhà nhau nhưng khi thì anh Liên mắc điều hành Công ty Khai thác tận dụng nguyên liệu quý ở tận Sơn La. Khi thì anh đang làm việc cùng Công ty trên Bá Thước, Quan Hóa thượng nguồn Sông Mã.
Mãi mùng 2 Tết Giáp Ngọ năm nay, anh Liên bảo, tôi hẹn ông Sĩ rồi. Mùng 10 tháng Giêng này các ông ấy xuống nhà tôi uống rượu. Hôm ấy chú đến nhá.
Thấp thỏm suốt từ sáng tới trưa. Mãi một giờ chiều anh Thiều Minh Liên mới gọi. Tôi đến ngay lập tức. Anh Liên chỉ vào từng người:
- Đây là anh Nguyễn Văn Sĩ. Người đã bắn phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột. Đây là anh Nguyễn Văn Cộng. Hai anh cùng làng Trịnh Lọc, bộ đội đặc công cùng nhập ngũ một ngày với tôi và ông Hòa anh ruột vợ chú đấy.
Anh Sĩ da xạm, chắc khỏe, ngồi trầm lặng. Anh Cộng người nhỏ nhắn, da trắng, cắm lún phún râu đốm bạc, trông nhanh nhẹn. Sau tay bắt mặt mừng chào hỏi chúc tụng đầu xuân năm mới, tôi nói ngay:
- Tôi muốn được anh kể thật chi tiết về sự kiện nổ phát súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch Buôn Ma Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975.
   Anh sĩ kể ngay:
- Lúc ấy, tôi ở C3, tức Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn đặc công 198. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh sân bay dã chiến – sân bay Hòa Bình, thị xã Buôn Ma Thuột. Trung đội đặc công của tôi có 38 đồng chí. Tất cả đang tập kết ở Buôn Ja Vằm, cách Ngã Sáu thị xã Buôn Ma Thuột 30 km. Tôi là Trung đội phó. Mũi phó 12 người. Tổ trưởng 3 người trực tiếp mở cửa mở cho toàn đơn vị.
Tôi ngắt lời anh:
- Anh có nhớ mười hai người trong mũi do anh làm Mũi phó và 3 người do anh làm Tổ trưởng trực tiếp mở cửa mở không? Anh Sĩ lần lượt kể tên từng người: Sơn, Sĩ, Thắng, Hòa, Hoa, Chung, Dụng, Cường, Trâm, Đốc – Chính trị viên Đại đội 3 trực tiếp làm Mũi Trưởng... Tôi – Tổ Trưởng trực tiếp.
  Anh Sĩ bảo, tôi phân công anh Hoa, quê Thái Nguyên, chịu trách nhiệm mang bộc phá. Một quả 0,6 lạng. Một quả 2 ki-lô-gam. Quả 2kg là để đánh vào Trung tâm chỉ huy sân bay của địch. Anh Nguyễn Văn Thắng, quê Tuyên Quang, phụ trách B40. Tôi, Tổ trưởng, phụ trách AK.
- Hai quả bộc phá ấy, quả nào là quả bộc phá lệnh giờ G mở màn cho toàn Mặt trận?
- Quả bộc phá 2kg dùng đánh vào Trung tâm chỉ huy sân bay chính là quả bộc phá lệnh cho toàn Mặt trận.
- Anh có nhớ quả bộc phá ấy là loại chất nổ gì không? 
Anh Sĩ cười hiền lành:
- Có chứ. Bằng chất nổ C4. Anh Thiều Minh Liên còn giải thích thêm “Một Cm3 chất nổ C4 này có sức công phá bằng 1000 lít không khí”. Khủng khiếp lắm.
- Ai trực tiếp giao mệnh lệnh cho anh? Ai cho anh biết giờ G là 2 giờ? Hay anh chỉ biết đến giờ ấy là phải nổ được bộc phá?- Tôi hỏi.
  Như để chắc chắn, anh Nguyễn Văn Sĩ lấy bút bi viết ra tờ giấy: Trước khi xuất kích ở Buôn Ja Vằm, anh Biều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Còn đồng chí Vũ Lăng, Chính ủy Quân đoàn trực tiếp định giờ cho C3, 38 người chúng tôi: 2 giờ nổ bộc phá lệnh.
Không để mạch chuyện đi quá xa chủ đề, tôi kéo anh Sĩ vào câu chuyện.
- Các anh đã vào Sân bay như thế nào?
Anh kể:
- Chúng tôi cắt được bốn hàng rào: Hàng rào tôn cao 2,5m ngoài cùng dựng đứng dưới mương nước cạn; ba hàng rào dây thép gai bùng nhùng. Mỗi hàng rào cách nhau từ 5 đến 10 mét. Hàng rào đơn cuối cùng cách lô cốt đầu cầu 15m. Lúc ấy 1 giờ 45 phút.
Tôi buột mồm hỏi:
- Sao lại có cầu?
Các anh cười ồ lên.
- Không phải có cầu. Cũng không phải lô cốt ở đầu một cây cầu thật. Đó là thuật ngữ chuyên môn của bộ đội đặc công. Cái lô cốt đầu tiên gọi là lô cốt đầu cầu.
- Anh tiếp đi. Tôi hướng sang anh Sĩ.
- Bỗng thấy một tên lính gác cách lô cốt đầu cầu gần 10m. Tên lính phát hiện ra tổ đột nhập của tôi. Nó la ú ớ không thành tiếng. Rồi bất ngờ nó lia luôn một băng AR15. Cùng lúc, toàn sân bay báo động. Xác định đã bị lộ. Tình thế buộc phải nổ súng. Tôi nổ súng diệt luôn tên lính gác. Đồng thời tôi ra lệnh cho anh Hoa, số 1, đánh luôn quả bộc phá 0,6 lạng phá hàng rào đơn, lao vào.
- Đây có phải là tiếng bộc phá lệnh mở màn cho chiến dịch Buôn Ma Thuột không? Lúc này là mấy giờ?
- Đáng lẽ, phải là tiếng bộc phá 2kg đánh vào Trung tâm sở chỉ huy sân bay cơ. Đây chính là tiếng bộc phá lệnh cho toàn mặt trận ngoài mong muốn. Lúc này là 2 giờ kém 10 phút.
 Bỏ qua lô cốt đầu cầu. Cả ba chúng tôi lao thẳng vào lô cốt Trung tâm sở chỉ huy sân bay. Tôi ra lệnh cho anh Hoa đánh bộc phá 2 kg. Rất tuyệt vời là, quả bộc phá của chúng tôi diệt gọn toàn bộ lô cốt Trung tâm chỉ huy này.
  So với giờ G quy định, chúng tôi cho bộc phá lệnh (quả 0,6 lạng) nổ sớm hơn 10 phút. Đến 2 giờ, toàn bộ sân bay đã bị chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng không biết dưới Chỉ huy sở của chúng có một hầm ngầm nên bỏ sót. Chúng chống cự quyết liệt. Nhưng cứ vài chục phút chúng tôi lại ném một quả thủ pháo vào miệng hầm. Chúng không lên được. Mãi đến gần 10 giờ sáng, chúng tôi dọa đổ xăng đốt chúng mới chịu đầu hàng.    

*
  Hầu hết các tư liệu, các bài viết về sự kiện này đều nói rất khái quát. Điểm chung là, tất cả các bài viết khẳng định bộ đội đặc công Trung đoàn 198 nổ súng đánh sân bay Hòa Bình mở màn chiến dịch nhưng không viết cụ thể: Ai đã được giao nhiệm vụ nổ phát súng mở màn cho toàn chiến dịch? Giờ G là mấy giờ? Rồi tôi đọc cho ba anh nghe những đoạn tôi ghi chép được nói về sự kiện tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột:
  “Bách khoa toàn thư”  trong Wikipedia, Mục 3.2, tiêu đề “Trận Buôn Ma Thuột”, thời khắc nổ súng mở màn chiến dịch được viết ngắn gọn như sau: “2 giờ sáng 10 tháng 3 năm 1975, cuộc tiến công của QĐNDVN vào Buôn Ma Thuột bắt đầu với các trận đột kích sâu của Trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của Trung đoàn 53 (QLVNCH) với sự yểm hộ của hỏa tiễn tầm ngắn ĐKB và H- 12”. Như vậy là, 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, tất cả các trận đột kích sâu của Trung đoàn đặc công 198 cùng nổ súng”. Cách diễn đạt của câu văn “bắt đầu với các trận đột kích sâu của Trung đoàn 198” cũng không chính xác. Rất chung chung. Không có súng lệnh hay bộc phá lệnh? 
Bài “Tây Nguyên – Chiến dịch mở màn lịch sử” của Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu (lược ghi theo lời kể của cố Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo) in trên Báo QĐND, ra thứ 3, ngày 19 tháng 03 năm 2013 cũng ghi về sự kiện này như sau: “Ngày10.3.1975, lúc 2 giờ sáng, ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột”. Thời gian nổ súng lệnh ở đây cũng được ghi là 2 giờ. Nhưng câu “ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột” thì không rõ “ta” là bộ phận nào? Ai? Hay toàn mặt trận?
Trong cuốn “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, Phần 1 “Nhớ lại trận then chốt chiến dịch”, mục nhỏ với tiêu đề “Ngày 10 tháng 3 bắt đầu”, Thượng tướng viết: “Đúng 2 giờ (có chênh lệch từ 5 – 10 phút) khi đặc công và pháo binh, pháo cao xạ của ta bắt đầu vượt sông Sêrêpốk, cùng các đơn vị, các binh chủng trên các hướng, các mũi theo thứ tự tiến vào vị trí triển khai chiến đấu”. Ngay đoạn tiếp theo, cùng trang, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo lại viết: “Đúng 2 giờ 3 phút ngày 10 tháng 3 các đội 1, 9, 18 Trung đoàn đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã”. Tôi không dám bình luận gì về tính chính xác của tư liệu trong hai đoạn văn trên. Xin dẫn một tư liệu nữa về sự kiện này.
Trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng, chương 6, với tiêu đề “Đòn đánh trúng huyệt”, Đại tướng viết: “Đúng 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, bộ đội đặc công nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và và kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột”.
Anh Sĩ bảo:
- Đúng là Tướng viết thì không được bàn thật. Nhưng các vị ấy cũng chỉ nghe cấp dưới báo cáo lại thôi. Có ai trực tiếp đâu. Ngay như ông Hoàng Minh Thảo, ở hai tư liệu cũng có sự không thống nhất. Một thì viết đúng 2 giờ ngày 10 tháng 3 năm 1975. Một lại viết đúng 2 giờ (có chênh lệch từ 5 đến 10 phút)! Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng viết “đúng 2 giờ… bộ đội đặc công nổ súng sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho Mai Hắc Đế”. Đó là cách viết tổng quát cả chiến dịch. Làm gì có chuyện đồng loạt cùng nổ súng như thế. Vả lại, 2 giờ cũng không đúng. Chính xác là 2 giờ kém 10 phút, thằng lính gác của ngụy phát hiện thấy chúng tôi. Nó bắn một loạt AR15. Ngay lập tức, tôi lia một băng AK. Nó chết tại chỗ. Không đến một phút sau, tôi ra lệnh cho anh Hoa đánh quả bộc phá 0,6 lạng phá hàng rào đơn. Nếu tính tiếng bộc phá lệnh cho mặt trận, thì 2 giờ kém 10 phút là đúng nhất.
Tôi đọc lại đoạn Nhật ký và Hồi ký của ông Trịnh Hữu Gián “2h địch đã phát hiện thấy ta”. “Song so với thời gian giờ G quy định là 2h30 phút sáng 10.3.1975… đặc công bắt buộc phải nổ súng sớm hơn 25 phút” (Q3. tr 90 ).
Tôi hướng về các anh:
- Đoạn này có vẻ rất tin cậy. Ông Gián vừa chiến đấu, vừa là chỉ huy của anh. Chẳng nhẽ ông viết lại không đúng?
Một cuộc bàn tán sôi nổi bùng lên. Anh Thiều Minh Liên, anh Cộng, anh Sĩ đều chung một ý. Chỗ này có vẻ ông Gián nhầm lẫn. Không thể có chuyện nổ súng sớm hơn 25 phút được. Đánh phối hợp phải hợp đồng chặt chẽ. Nếu nổ súng sớm, các đơn vị khác chưa tập kết được, pháo, xe tăng, bom xăng của địch chỉ trong chốc lát nó diệt hết. Làm sao có chuyện sớm hơn so với quy định 25 phút. Cứ theo ông Gián viết, giờ G là 2h30 phút. Nổ súng sớm 25 phút. Vậy bộc phá lệnh sẽ nổ lúc 2h5 phút? Không đúng. Thực tế, chúng tôi đã nổ bộc phá lúc 2 giờ kém 10 phút. Đó là tiếng bộc phá đầu tiên trên toàn mặt trận. Còn quả bộc phá 2kg, được giao đánh Trung tâm Sở chỉ huy sân bay làm bộc phá lệnh cho toàn mặt trận thật sự thì lại nổ sau quả bộc phá 0,6 kg vài phút.
Tôi nói vui:
- Chiến công có ý nghĩa lịch sử to lớn thế sao từ trước tới nay không thấy báo chí nào viết về các anh?
Anh Sĩ chậm rãi:
- Viết cái chi. Cả nước mềnh (mình) có bao nhiêu trận đánh lịch sử. Ai cũng đưa, ai cũng viết, ai cũng đòi kỷ niệm Nhà nước mềnh lấy của mô.
- Các anh có được tặng thưởng huân, huy chương gì không?
Vẫn cái giọng hiền lành thật thà, anh Sĩ đáp:
- Có được thưởng Huân chương Giải phóng nhưng là thưởng hồi đánh Pha Thí, đánh Cù Kiệt bên Lào chứ không phải trận Buôn Ma Thuột. Trận này chỉ được Bằng khen thôi.
- Sao lại thế? Các anh phải được phong Anh hùng mới phải.
Anh Sĩ nói ngay:
- Không phải kỷ luật bắt đi tù là may lắm rồi chứ còn đòi Anh hùng?
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao lại kỷ luật? Tại sao lại đi tù?
Biết tôi không hiểu, anh Sĩ, anh Liên, anh Cộng cùng giải thích: Chú ơi, đánh hợp đồng binh chủng đòi hỏi giờ nổ súng (gọi là giờ G đấy) phải rất chính xác. Nếu nổ sớm năm sáu phút thôi thì tác hại vô cùng to lớn. Có khi nướng cả trung đoàn, cả sư đoàn hoặc mấy sư đoàn ấy chứ. Đằng này sớm 10 phút. May là mình giải quyết gọn gàng sân bay, sở chỉ huy, tổng kho Mai Hắc Đế và toàn mặt trận thắng lợi giòn giã mình mới được Bằng khen. Chứ nếu trục trặc thì tù thật chứ tù bỡn à. Mà chưa chắc mềnh có còn mà về để đi tù nữa không tê! Nói như thế để thấy, việc ông Gián nói đặc công nổ súng sớm 25 phút so với quy định và giờ G là 2 giờ 30 phút là không có cơ sở.
Sau một hồi tranh luận, anh Sĩ tâm tình:
- Nếu không nổ súng sớm 10 phút so với quy định chắc cũng được anh hùng đấy. Vì trước lúc xuất phát, phóng viên mặt trận đã chụp ảnh 38 chúng tôi rồi.
Tôi hỏi ngay:
- Anh có còn giữ được tấm ảnh ấy không?
Anh Sĩ đáp:
- Mãi ngày mùng 10 tháng 3 năm ngoái, khi Ban Liên lạc những người lính đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên mời họp mặt, dưới sự bảo trợ của ông Nguyễn Văn Khai Chủ tịch Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long, chúng tôi mới được gặp nhau. Tôi mới biết có ảnh chứ trước đây họ chụp lúc nào mình có biết mô.
- Thế là sau 38 năm?
- Vâng.
- Trong số 38 người được giao làm nhiệm vụ đặc biệt ấy có hy sinh người nào không?
- Rất may - Anh Sĩ đáp - Chúng tôi chỉ hy sinh có hai người. Còn lại đều sống cả. Nhưng chỉ có anh Hoa, người trực tiếp đánh hai quả bộc phá là đến bây giờ vẫn chưa liên lạc được.
Tôi động viên, chắc chắn là các anh sẽ liên lạc được thôi. Chuyện trò râm ran hẳn lên. Gần như chốt lại buổi gặp mặt, tôi hỏi anh Sĩ:
- Kỷ niệm nào nhớ nhất trong cuộc đời bộ đội đặc công chiến đấu của anh?
Anh Sĩ cười:
- 2 giờ kém 10 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975 chắc chắn là kỷ niệm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời lính đặc công của tôi.
- Cảm ơn anh. Cuộc gặp gỡ với anh hôm nay chắc chắn cũng là một kỷ niệm không thể quên đối với tôi. Tôi đã biết được sự thật về tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975.
          
  18.2.2014