Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

SỐ 266 - tác giả VŨ DY

 
Tác giả VŨ DY


CÀ PHÊ QUÁN CŨ

                                                                    Tạp văn


Trong các thức uống mà người Việt Nam biết đến thì cà phê là một đặc biệt. Đặc biệt vì cà phê, nguyên thủy do người Pháp đem qua ta còn dân mình thì nghĩ ra một cách uống rất không hợp với phong cách dân Tây chút nào. Nghĩa là uống cà phê phải cà kê, dê ngỗng mới thú vị. Uống cà phê không phải để giải khát mà uống để nghĩ ngợi, thư giãn, chuyện phiếm, mơ mộng và đôi khi để… ngồi một mình. Thường, mỗi khi rủ nhau ra quán nước đều: Cà phê đi! Mấy ai nói khác. Và cà phê đối với nhiều người đã trở thành một văn hóa, lâu dần biết đâu sẽ trở thành “Cà phê đạo” như “Trà đạo” của người Nhật.
Ngày nhỏ, lần đầu tập vào quán cà phê, vì không biết nên cứ để những giọt nâu rớt gần tràn ly hoặc cứ lóng ngóng đặt chiếc phin nhôm xuống bàn làm cà phê thừa chảy tràn rồi tiếc mãi. Lớn lên một chút, biết mơ mộng thì đã yêu và ghiền cà phê lúc nào không hay. Những ai từng là sinh viên mà không có chút cà phê chảy trong huyết quản. Cà phê đồng hành cùng dân công chức, dân văn nghệ, và với cả dân vô công rồi nghề, già và trẻ, không trừ chị em. Quá nửa đời, tôi vẫn là tín đồ của thứ nước nâu đặc sánh ấy.
Có những không gian đã khuất chìm nhưng vẫn rạng ngời mỗi khi nhớ lại. Quán nhỏ, mưa lạnh, lối đi hẹp, ghế gỗ hoặc ghế mây. Và mờ tối. Cà phê thơm lừng, giọt ấm. Sắc nâu có lửa làm gợi mắt nâu long lanh, mắt đen một thuở. Thảnh thơi ngồi nghe Trịnh Công Sơn. Có mái hiên lung linh hoa vàng trăng khuyết, những bức tranh thiếu nữ u sầu. Những bài  ca một thuở cứ phiêu bồng mãi. Quán cũ với những bài tình xưa bây giờ đã hiếm thật rồi. Đi chơi hay công tác, tôi có thói quen dạo tìm mấy quán “cũ” như thế ở những nơi mới. Đôi khi với vài ba ngưới bạn. Đôi khi một mình. Thường thì phải dò hỏi. Khi có, khi không.
Bây giờ ở đâu cũng đô thị hóa nên cà phê cũng hiện đại và biến tướng theo. Nhan nhản cà phê video, cà phê internet, cà phê nhạc trẻ sôi động, cà phê bóng đá, cà phê lều tối, cà phê chân dài... và có trời mới biết còn có những cà phê kiểu gì! Nhiều quán cà phê bây giờ là nơi phô diễn, nơi bọn nhóc tóc nhuộm vàng đỏ thản nhiên chiếm cứ. Đã không còn chỗ cho những người như tôi. Dù một góc yên tĩnh cũng khó khăn. Tôi đã cố thử nhưng thấy mình vẫn không quen được với các loại cà phê công nghiệp hòa vội uống liền nhàn nhạt, xa lạ với ghế màu xanh đỏ, ghế inox sáng loáng, với những giọng ca hét nhiều hơn hát. Hầu hết quán bây giờ hiện đại và sôi động. Có lẽ tôi đã thuộc về một thời xưa cũ và không còn hợp mùa. Nhưng quả thực cách ẩm thực, nghe nhìn, cảm nhận đã thay đổi rồi. Mỗi người có một quán hoặc một kiểu quán cho riêng mình. Uống cà phê đâu chỉ vì ngon hay không mà đôi khi là kỷ niệm, có khi chỉ là một không gian. Đã từng có một chỗ ngồi bình an, một chỗ trú thân cho tôi sau một ngày mỏi mệt. Tôi về dỗ mình trong quán cà phê chiều tối/ bằng bài tang go mưa1. Buôn Ma Thuột, thủ phủ của cà phê, có nhiều quán thật thơ mộng với nhiều không gian xanh đầy nắng gió. Như cà phê Không Gian Xưa, cà phê Thiên Đường Mê hy Cô, thậm chí có cả… làng cà phê như làng cà phê Trung Nguyên, đi tha hồ mỏi. Tôi đã vài lần lên Đà Lạt. Phải nói xứ sương mù ấy nhiều quán cà phê đẹp. Những cái tên ấn tượng: Gia Nguyễn, Làng Văn, Phượng Tím. Những quán ấy sang trọng quá. Tôi nhớ một cà phê Tùng gần chợ Đà Lạt thuở còn Trịnh xưa, nồng ấm và xưa cũ, một cà phê Trăm Mái có đường lên trăng thật lạ. Một cà phê Văn dốc sâu Buôn Ma Thuột gợi một không gian buồn đậm chất văn nghệ, một Trúc Lâm Viên rất riêng ở Đà Nẵng. Và tôi cũng nhớ rất nhiều những quán cà phê trên phố núi Plieku bàng bạc thông xanh và dốc đồi những sớm mai se lạnh. Kỳ thực có khi là nhớ một cà phê vỉa hè sáng mưa nào đó ở một thành phố bất chợt nào từng ghé qua, thảnh thơi ngồi nhấm nháp với bạn bè mà lòng có nghĩ: Một người tưởng như đang chờ đợi, thực ra đang ngồi thảnh thơi2 Thời đại công nghiệp, cuộc sống trở nên gấp gáp nên ăn uống cũng gấp gáp theo. Bao nhiêu là thức ăn nhanh, đồ uống liền. Bây giờ người ta đã quá quen với các thao tác bật nắp, dốc vội, tu ừng ực hơn là ngồi đợi từng giọt cà phê thánh thót rồi cho đường và khuấy đều, thưởng thức chậm. Cách uống đã khác. Cách thưởng thức cũng khác. Nghe nhìn thường dễ hơn đọc và suy  ngẫm. Và cà phê tưởng đã khuất chìm đâu đó. Nhưng không, ai đó đã nói Việt Nam là thiên đường cà phê, nên tôi tin cà phê chưa bao giờ là thức uống ế ẩm ở cái xứ nắng lắm mưa nhiều này. Và thử hình dung trong suốt một ngày, giữa khuya và sáng sớm, trưa hay chiều, thức để làm việc hoặc thức trong mùa World cup… cà phê lúc nào cũng có mặt.
Những năm gần đây, cái thức uống đầy chất trí tuệ ấy đã cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng với các đồ uống khác để khẳng định mình. Và mới đây đã có lễ hội cà phê. Cà phê đã được tôn vinh như nó vốn được như thế và đã thực sự đã lên ngôi? Các thương hiệu cà phê Trung Nguyên, Mê Hy Cô của Buôn Ma Thuột, Thu Hà của Pleiku, Mê Trang của Khánh Hòa, Vinacafé… rồi Nescfé, Starbucks… xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Người ta quảng bá cho cà phê cũng rầm rộ không kém gì quảng bá cho dầu gội đầu, kem dưỡng da hay mì ăn liền và cà phê ở xứ ta đang thay đổi để thích nghi dần với nhịp mưu sinh của cuộc sống hiện đại. Những đại diện cà phê Âu Mĩ đã bắt đầu xâm nhập thị phần Cà phê Việt Nam và dần có chỗ đứng. Giá mỗi ly cà phê cũng thay đổi. Có nơi vài nghìn vẫn cứ ngon và đậm. Có nơi đến vài chục nghìn mà uống vào nhạt thếch rất không giống… cà phê. Gu uống cũng bắt đầu thay đổi. Mai mốt chắc không còn kiểu uống cà phê phin mà thay vào đó bằng những lon cà phê đóng sẵn như Cocacola hay Pepsi và những tín đồ như tôi sẽ trớ thành những “ông đồ”, thưa dần rồi mất hẳn. Và cũng không còn cảnh những chiều cuối năm công việc bận rộn nhưng vẫn tranh thủ ra ngồi ở quán quen ven đường mà nghe quê quán tôi xưa3, nhìn thiên hạ ngược xuôi bất tận với một chút buồn cố xứ. Tất cả sẽ là hoài niệm. Nhưng điều đó vẫn còn chưa hoặc chỉ là những suy nghĩ của tôi trong ngày u ám nào đó thôi vì bây giờ tôi đang bước vào một quán cà phê rất ưng ý chuẩn bị chọn chỗ và gọi: Em ơi cho một đen đá! Và dĩ nhiên là ít đường.

                                                                                        BMT, 8.2012



-------------
1. Thơ Vũ Dy

2, 3. Lời ca khúc Trịnh Công Sơn 

SỐ 266 - tác giả VĂN CÔNG HÙNG



Cuối con đường

Ở cuối con đường ai vẫn chờ ai
những giấc mơ còn nguyên màu ngày cũ
cơn lốc thời gian buốt phận người nông nổi
gió tạt bên này người thức phía kia

cuối con đường hun hút bàn tay
những ngã rẽ rối mù như bão cát
ta im lặng như từng im lặng
chiếc lá xoay vần vũ bóng chiều

vẫn xa vời những ước vọng đêm
cứ xa xót như mình còn mắc nợ
thắc thỏm lặng yên xòe tay đón gió
ngày phân thân hai nửa mất còn…

tận cuối con đường ta vẫn đợi nhau
bao òa vỡ dập dồn sấp ngửa
rồi một ngày những trái tim lầm lỡ
gõ vào nhau giữa mất với còn…

Đêm 26.2.2014



Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

SỐ 266 - tác giả DUY ĐẮC



Tâm sự Thị Mầu

Xin đừng trách nữa chị ơi
Trái tim em cũng tơi bời vì yêu
Em chơi vơi quá đâm liều
Khát khao nên đã đơm điều bão giông

Thôi xin chị hay mở lòng
Cho em một tiếng gỡ bong kiếp người
Em xin đấy Tiểu Kính ơi
Nợ này biết trả bao đời cho xong

Biết là còn giọt máu hồng
Cửa từ bi rứt nửa lòng trong em
Câu kinh rụng lõm bậc thềm
Đứt ngang tiếng mõ đêm nghèn nghẹn đêm

Miệng đời buộc những oan khiên
Trớ trêu thay khép phận duyên bụi trần
Kiếp người như kiếp phù vân
Chỉ xin được chị ngàn lần thứ tha.



Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

SỐ 266 - tác giả SÔNG HƯƠNG




Kí ức tháng mười


Tháng mười
Nước nhảy qua bờ ruộng
Mẹ gánh con qua mùa giáp hạt
Tuổi thơ con là những chiều đồng dao có chú nghé lạc bầy ngơ ngác
Lũ rô cờ ức nước…
Quẫy khúc hát biền sông

Tháng mười
Cha đội áo tơi ra đồng
Mưa thấm lạnh qua vạt đời ám mùi khói thuốc
Thầm lặng ươm ngày mai trong trang vở con vào đôi bàn tay lem luốc
Cho con biết yêu người
Biết thuộc những vần thơ

Tháng mười
Con xa quê khi nước trắng đôi bờ
Ngày mưa giảng đường kí ức dòng sông vỗ vào mơ ước
Bài giảng của thầy có những buồn, vui, mất, được…
Có một lối con về
Chạy ngược suốt triền thơ

Tháng mười
Con vào đời lạc lõng bơ vơ
Cao nguyên mở vòng tay ôm con vào đêm gió lộng
Hành trang con có dòng sông quê dạt dào lời ru của sóng
Có khúc đồng dao chiều
Và lòng mẹ rộng lo toan

Tháng mười
Khi những hàng cây trút lá vàng
Thương cha mẹ mái đời trắng vội
Trách mình vô tâm, hững hờ bước chân nông nổi
Ước làm chú nghé lạc đàn
Chiều quay về tạ tội bên sông.
Huế, 9.2014


Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

SỐ 266 - TÁC GIẢ HƯƠNG VŨ



Phía rừng có mặt trời lên

Chẳng có rừng đêm ở Drăng Phôk
Thức dậy khi mặt trời mọc
Rừng sáng lên lấp lánh những giọt sương
Lặng thầm lan tỏa mùi hương
Hoa mới nở trên cành cây cao vút
Đất đai còn ẩm ướt
Chút tình bâng quơ rung động trong lòng

Ngủ một đêm trong căn nhà giữa rừng
Thấp thoáng bầy trâu sáng ra đẫm nước
Thấp thoáng người đi trong sương còn ướt
Người đi nương - nương ở bên rừøng
Như khách lãng du chẳng vội vàng
Chúng tôi bấm máy như nhà nhiếp ảnh
Những thân cây rừng mặt trời soi đỏ ửng
Có cô gái nào má hồng soi gương
Về với rừng - chẳng phải rừng đêm
Rừng buổi sáng - sương bay - mặt trời lên

Uống ly rượu này
Với thịt bò và lá đào non
Ama Phương mời chúng tôi
Buôn Đôn đang mời bạn
Trước con đường bầy voi đang hóng nắng
Hay du khách về đi voi qua sông
Mùi nương rẫy - nhà sàn thuộc về rừng tất cả
Những con người vui tươi với khách
Như người bạn lâu ngày ghé thăm quê

Ngày ở rừng
Chờ một câu ca
Ché rượu cần vút cong đôi bạn
Người con trai Lào uống xong ngẫm nghĩ
Ngôi làng mình thêm một ngày vui
Chờ điệu lăm vông - chờ một nụ cười
Phía rừng có mặt trời lên
Xanh tươi từ phía xa đồng cỏ.


Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

SỐ 266 - TÁC GIẢ NGUYỄN NGỌC PHÚ




Với người chụp ảnh bên Văn Miếu


Sau cái bấm “tách” nhẹ nhàng
Anh đã chụp - phim màu lên khuôn sẵn
Góc độ nào sẽ thu vào ống kính
Dáng người xưa ngồi vững chãi bình văn…
Những dáng người nhíu mắt đăm đăm
Bầu rượu nóng, bút lông trào mực viết
Ôi câu thơ xé lòng, xé ruột
(Đĩa đèn dầu hút cạn bóng đêm sâu…)
Con nghê đá vẫn cười trong nắng gió vô tư
Người đi qua áo hoa nhẹ nhõm
Góc độ nào sẽ thu vào ống kính
Vết thời gian cỏ đã phủ dày
Cỏ như một bàn tay
Từ từ gấp lại…
Tôi cùng anh mê mãi
Tìm dấu vết người xưa
Ngoi lên bờ hong nắng
Bia tiến sĩ những trang đời trĩu nặng
(Gió qua vườn - Gió có lật từng trang)
Giếng Thiền Quang in dấu ấn xanh
Tờ giấy bản thấm mồ hôi nước mắt
Cha ông xưa chiếc quạt trần phơ phất
Xua đi lo âu thương cảm nhọc nhằn
Ghế bình văn đâu có phải ngai vàng
Tay nhẵn bóng mồ hôi người vật vã
Khi tôi đến sờ tay lên mặt đá
(Ống kính anh xoay có phân vân?)
Sau cái bấm “tách” nhẹ nhàng
Văn Miếu hiện dần lên tờ giấy ảnh
Tờ giấy còn ấm nóng
(Vết tay người chụp ảnh lặn vào đâu!)
Anh làm sao dựng dậy được ba chiều
Hun hút vòm cong Khuê Các
Bước chân lên thềm có bao nhiêu bậc
Vệt rêu xanh trong ảnh có mờ?
Ta gặp lại người xưa
Mỉm cười độ lượng
Ai đã đến một lần chiêm ngưỡng
Có nhận ra mình đối diện với mình đây
Như Văn Miếu chiều nay
Tôi với người chụp ảnh…


SỐ 266 - TÁC GIẢ NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN




NGỦ QUÊN BÊN ĐƯỜNG
Truyện ngắn



Buổi trưa, nắng như rây lửa dưới chân đèo. Con đường vừa bồng bềnh trên mây thoắt hiện nguyên hình con rắn lửa. Ngã ba không có bóng người. Chúng tôi vào quán. Quán vắng. Cô chủ có đôi mắt thủy tinh trong suốt như con gái thủy thần nhìn tôi không chớp, không cười. Ngoài kia, hơi lửa nhảy nhót. Tôi ngả lưng xuống võng, nhìn sâu vào mắt cô chủ một lúc rồi từ từ nhắm lại. Hơi mát đâu đó từ dưới gốc cây cổ thụ tỏa lên, mát như ai quạt. Chúng tôi bồng bềnh như sắp sửa bay.
Những con rồng được chạm trổ tinh vi trên những bộ bàn ghế gốc cây gỗ lũa bắt đầu cựa quậy. Lũ rồng rắn thường thích đi dạo vào những buổi trưa vắng người. Đôi mắt chúng, không khác gì đôi mắt cô chủ, trong suốt như thủy tinh, mà bên trong óng ánh nước. Tôi thì thào gọi bạn: Này, có những con rồng rất đáng yêu! Nhưng bạn cũng đã ngủ ngay khi đặt lưng xuống võng. Khuôn mặt bạn rạng ngời hạnh phúc. Có lẽ bạn đang mơ rất đẹp. Còn tôi, tôi mơ thấy những đôi mắt thủy thần trong suốt.
Trên đèo, mà đèo tên gì thì không biết, cả một bầy họa mi rủ nhau về ngồi trong im lặng. Chỉ một tiếng hót cất lên thôi, cơ hồ sẽ làm náo động buổi trưa yên tĩnh. Mà chúng tôi, đâu có được nhiều những giây phút thần tiên! Cả tôi và bạn, đều đã từng phải đi qua rất nhiều bụi bặm, rất nhiều lo toan, rất nhiều đánh đổi, thì cớ sao trưa nay, họa mi lại phải hót lên… Niềm hân hoan có nhiều khi không cần đến nhiều lời. Lời thì sẽ biến mất, tiếng chim thì sẽ vỡ tan, gió thì sẽ vút qua. Còn những đôi mắt trong veo thì im lặng và trong suốt giữa buổi trưa nay.
Bất ngờ, bạn nói, trong giấc mơ trưa: “Ước gì được quay lại lần nữa ở…” Tiếng nói trong mơ chìm khuất trong tiếng thở nhẹ nhàng. Cô chủ không biết là biến đi đâu mất từ lúc nãy. Hình như có một làn gió thoảng nào đó vừa kéo đi, như cuốn đi một tà áo trắng mà rất mỏng, không để lại dấu vết. Trưa thì vẫn mênh mang. Nắng thì vẫn mênh mang. Bạn đã bao giờ thử chưa? Một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng, tĩnh lặng, bên cạnh bạn của mình, và bắt đầu mơ. Tuyệt lắm!
Bầy rồng mắt trong suốt đã rủ nhau lên chơi giữa lưng chừng đèo dốc. Chúng chơi trò trốn tìm sau những vòm cây lá rộng. Chúng chạy và bay và cười vang như trẻ nhỏ. Tôi cố gắng nghe nhưng không được nữa, những âm thanh trong trẻo ngày càng xa khuất, chìm lấp trong buổi trưa nắng rạng ngời… Phía xa xa, có một dòng sông gì đó đang miệt mài trôi lặng lẽ giữa phù sa. Tôi nói trong mơ: “Sông ơi, sông gì đó ơi, chảy về phía nào thì có…?”. Không có tiếng trả lời, chỉ có hơi thở bạn tôi vẫn đều đều. Tôi ngoảnh nhìn sang, trên đôi môi hồng khép nhẹ, có một giọt nắng vàng tươi đang nhảy nhót như trêu, như đùa, như vuốt ve tinh nghịch…
Tôi nhắm mắt lại, không nhìn nữa. Từ lâu, tôi đã có ý định, mình sẽ tập nhìn bằng da, chứ không phải bằng mắt. Hễ tôi nhìn bằng mắt, thì mọi vật trở nên méo mó, thậm chí tan chảy ra như que kem ngày tuổi nhỏ giấu trong gấu áo, có khi, kinh hoàng hơn, mọi vật bốc cháy khi ánh nhìn mới khẽ chạm vào. Tôi sợ lắm! Giờ tôi nhìn bằng da bằng thịt thì hình ảnh bên ngoài tự nhiên tồn tại, thản nhiên vận động, bình thản đi qua. Tiếng cười nguyên vẹn là tiếng cười, tiếng hát tròn trịa là tiếng hát, đôi mắt thản nhiên là đôi mắt, như thể đêm qua, chúng chưa hề vút lên, chưa hề mất ngủ, chưa hề mọc thêm đôi cánh và bay lên trên đỉnh trời tròn…
Tôi nhìn bằng da, để biết dòng sông đang trôi ngoài kia vẫn còn chảy miệt mài chứ chưa khô cạn và rên rỉ nỗi đau nứt toác mùa khô. Và trên đèo, cổ thụ vẫn tỏa bóng mát ngàn năm chứ không phải đã cháy đen hay mục ruỗng từ trong từng thớ rễ. Bầy họa mi kia nữa, chúng từ lâu không hót, vì giọng hót của chúng đã bị rách toác bởi những truy đuổi nhẫn tâm, hoặc chúng đang lặng thầm quan sát ánh mặt trời nhảy nhót, hân hoan như vừa cận kề cái chết. Cô chủ quán đã ngủ đâu đó phía sâu bên trong, riêng đôi mắt thì vẫn trong suốt thủy tinh nhìn mà như không nhìn, thấy mà như không thấy, khẽ nheo nheo như sắp sửa một nụ cười…
Tự dưng, tôi nhìn thấy một chiếc lồng, đẹp một cách tàn nhẫn. Rộng vừa đủ để nhốt mọi loại hình hài. Nan mảnh nhưng rất sắc, bóng lộn, phía trên, là cái móc để treo, uốn cong cong hình một ngón tay dài. Tôi nghĩ, ngón tay này, dùng để cầm một điếu thuốc hay một ly rượu thì đẹp, còn để móc một chiếc lồng thì hơi phí. Trong lồng, xếp chồng lên nhau rất nhiều áo và quần. Chiếc áo tứ thân màu nâu, áo bà ba màu đen, áo công nhân màu xanh, áo nông dân màu rêu, áo thiếu phụ loang lổ vết sữa úa vàng, áo giáo viên đầy bụi phấn, áo học trò có dấu phượng và ve, áo đại cán màu đen lạnh lùng, áo ba lỗ phong phanh gió rét, áo mớ bảy mớ ba phường chèo son phấn. Chiếc quần kaki đứng đắn, quần móng lợn hiên ngang, quần jeen phiêu dạt quần lụa kiêu sa quần lửng dịu dàng và quần trễ cạp gai góc hoang đàng… Tất cả, những quần áo ấy, nằm với nhau trong im lặng, hoặc là chúng đang trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của loài cừu. Có lẽ, nằm trong lồng, chúng bị bỏ đói, đã từ lâu lắm. Nhìn kỹ, có vẻ như, chúng đang lên cơn sốt. Rất có thể, chúng đã bị nhiễm một căn bệnh truyền nhiễm nào đó mà không chịu nói thật ra.
Ở ngã ba hoang vắng này, hình như từng có một nhà tiên tri đi qua và từng ghé lại. Ông ta đã bỏ quên chòm râu trắng nõn trên cây. Buổi trưa, từ chòm râu mịn màng, thoảng bốc lên những cọng khói màu xanh. Cọng khói biết tôi đang có mặt ở đây, biết bạn tôi đang ngủ, đang mơ, biết lũ rồng bỏ quán đi chơi, biết cô chủ ngủ đang trốn đâu đó trong các hốc cây và biết lũ áo quần đang lên cơn sốt.
Đấng tiên tri già nua lẩm cẩm ấy đã nghĩ gì vào một buổi trưa không ngủ? Chắc chắn là ông ta đã từng nghe hết những âm thanh câm lặng giữa chốn hoang vu này. Mà ông ta đã nói gì với những chiếc áo quần đang kẹt cứng trong lồng chim đẹp tàn nhẫn ấy? Tôi không dám đoán chắc.
Tôi sẽ sợ hãi lắm hoặc hân hoan lắm, nếu như đấng tiên tri đáng kính, trong một lúc đãng trí, vứt vào trong chiếc lồng ấy một que diêm. Tất cả sẽ cháy lên sau đó, như một giấc mơ bị bỏ quên bên đường về đầy hoa gạo tháng ba.
Và giấc mơ của tôi mới thật sự bắt đầu, mặc cho bạn tôi vừa tỉnh giấc khẽ khàng giục giã: Thôi về đi, kẻo không còn kịp nữa…

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

SỐ 266 - TÁC GIẢ H’SIÊU BYĂ

Tác giả H'SIÊU BYA



THĂM BUÔN YĂ WĂM MÙA MƯA
Tản văn



Nhà mẹ ở M’Đrăk.
Nhà bố ở Cư M’gar.
Mùa mưa, mình bắt xe ngược lên vùng Cư M’gar thăm bà nội ở buôn Yă Wăm.
Buôn Yă Wăm nhầy nhụa trong bùn đất đỏ, những chiếc cà kheo chỏng chơ long khấc rải rác ở hai bên đường. Mình đoán là của những đứa trẻ, chỉ có những đứa trẻ mới lêu nghêu trên cây cà kheo trong buổi chiều lùa bò về, bỏ lại.
Buôn Yă Wăm xanh màu cỏ lá. Dọc hai bên đường, dãy muồng xanh um, vươn cao cánh tay kiêu hãnh chắn gió cho cà phê vối đang mùa bói quả. E ấp dưới tán lá rộng, những bụi ớt xiêm xanh rì nhả chùm quả trắng non lúp xúp. Dưới thấp hơn, dây khoai lang xanh lè nhánh này đẻ ra nhánh kia, lua xua như một tấm thảm trải dài, phủ khắp.
Ngôi nhà sàn của bà mình thật đẹp, gần cầu thang lên xuống trồng một cây đủng đỉnh lớn. Nó đứng ở đây gần chục năm, lắng nghe nhiều tiếng khóc, tiếng cười của mọi người trong nhà. Ông nội đã đem nó từ Buôn Đôn về trồng. Mùa mưa, chùm đủng đỉnh rũ tóc, mái này chồng lên mái kia, lớp lớp như nhiều con gái sống trong ngôi nhà dài.
Bùn đất nhầy nhụa, mình ra giếng rửa chân. Giếng rộng, vòi lớn (vòi để tưới cà phê) nước chảy ồ ồ, mình đưa hai tay hứng , lắng nghe mùi cà phê rang xoáy vào mũi, xộc vào miệng loang đến tận đỉnh đầu. Khoan khoái, nhẹ nhõm.
Sau bữa cơm canh cà phơi nắng cay xé họng nấu với cá suối, gia đình mình mỗi người một cái ghế nhỏ ngồi xung quanh bếp lửa. Ghế nhỏ đen bóng, thứ tự từ lớn đến bé theo vai vế của mọi người trong nhà. Mặc dầu không viết tên nhưng ai cũng biết chủ nhân của những chiếc ghế. Có lần mình chọn chiếc ghế to, dài nhất, đen bóng nhất để xoạc giữa hai chân chuẩn bị ngồi, thằng Bốt em mình hét to: “Không được đâu, đó là ghế của aduôn”. Mình hốt hoảng, người Êđê chỗ mình không như vậy, ghế của chung, ngồi chung là chuyện bình thường.
Bên ngoài mưa rả rích, tiếng ếch kêu ồm oạp xé toạc không gian yên tĩnh. Nàng đêm phủ trùm lên buôn Yă Wăm tấm thổ cẩm dệt bằng len tối. Nhà bà chưa bật điện, lửa trong bếp nhún nhảy. Gió lạnh, nhiều bàn tay giơ ra hơ hơ. Bà mình bận bịu trong công việc mới - pha cà phê cho mọi người “Người lớn cốc lớn, người nhỏ cốc nhỏ, cốc nào chưa ngọt bỏ đường thêm, cốc nào đặc quá thêm nước vào. Thằng Bốt, thằng Môn còn nhỏ, uống ít thôi, tối mắt mở to, miệng muốn nói, tao đưa ra ngoài,…”. Bà vừa nói vừa dở phin ra khỏi cốc, cà phê đặc, sóng sánh, đen thui như quả bầu khô lủng lẳng treo trên bếp.
Trong gian bếp mùi cà phê nồng nàn. Lửa bập bùng, ánh mắt bập bùng. Cà phê đắng thâm thấm từng thớ lưỡi. Bà bảo uống như thằng Bốt, thằng Môn không ngon. Uống gì mà đổ vào họng ào ạt, sao thấy lời cà phê nói chuyện nữa. Phải vừa uống, bàn tay vừa hơ lửa, ngậm một chút, nuốt từ từ, lắng nghe cà phê rủ rỉ trong vòm họng.
Đêm phả nhiều hơi lạnh. Bóng người nhỏ nhấp nhổm trong gian bếp. Cốc cà phê đã vơi đi một nửa, câu chuyện kể hàng đêm bắt đầu. Hôm nay bà kể lại câu chuyện nữ tù trưởng Yă Wăm cho con cháu nghe. Nữ tù trưởng oai hùng nổi tiếng khắp vùng đất, mỗi lần bước xuống cầu thang “một trăm con voi đực đi trước, một ngàn con voi cái theo sau, voi trắng một ngà chở bà bước đi chính giữa”. Giọng bà trầm và ấm, mấy đứa nhỏ đã ngủ quên tai từ lâu. Than nổ lép bép, ánh lửa liu riu, bà chất thêm củi, lửa sáng soi rõ mặt từng người. Bấy giờ, người lớn mới nhìn nhau nói chuyện.
Ama Bốt, amí Bốt nhìn vào mặt bà.
Ông nhìn vào mặt bà.
Mình nhìn vào mặt bà.
Tất cả lần lượt kể cho bà nghe công việc diễn ra một ngày. Bà tháo khăn, xổ tóc, nhấp cà phê, lắng nghe tiếng nói chuyện. Mọi người say sưa. Bà chăm chú. Thỉnh thoảng Amí Bốt lấy ba chiếc lá lốt hơ lửa áp lên đầu gối bà. Bà đau khớp, đôi chân như tê dại vào mùa mưa. Đối với bà, đó là do con ma lai làm, nó chèn quả ớt vào khớp xương. Bà nhớ rất rõ, khi bà đang dọn chuồng bò, một con dơi bay ra rồi đâm sầm vào chân. Dơi là Yang Xấu, bà kể và bắt mọi người phải tin.
Mưa mỗi lúc một to. Sấm chớp đùng đoàng. Cây mít răng rắc. Tiếng tắc kè khàn khàn nhỏ dần và biến đi đâu. Củi cháy cụt lủn. Bà bảo mọi người uống hết cà phê.
Hôm nay ông cột mùng nằm một mình ở gian khách. Mình được ngủ với bà. Bà rờ mắt, rờ mũi rồi bẹo má, “Chiêng kêu hay nhờ người đánh. Trống vang xa nhờ người vỗ. Đạo làm con phải hiếu nghĩa với ông bà mẹ cha”. Bà kể mình nghe nhiều chuyện xảy ra ở buôn Yă Wăm. Tới khuya, chân nhức, bà nằm nghiêng bực bội. Chửi cả dòng họ ma lai làm đau chân bà “Thối ruột, thối bụng nó đi, những đứa đội lốt theo Chúa Jêsu mà còn nuôi ma lai hại người”.

Mình nín thít. Mồ hôi rịn đặc trên đầu.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

SỐ 266 - TÁC GIẢ TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT





NGƯỜI ĐẠI TÁ “HƯU” NHƯNG KHÔNG NGHỈ



Người cựu chiến binh già ngồi trước mặt tôi, vóc giáng nhỏ con, nhưng khuôn mặt cương nghị, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện, giọng trầm, đặc điểm riêng biệt của người dân Hà Tĩnh không lẫn lộn vào bất cứ vùng nào của đất nước. Ông kể lại cho tôi nghe cuộc đời làm chiến sỹ giải phóng quân tham gia chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông chiến đấu ở nhiều mặt trận, từng tham gia hơn 25 trận đánh và là một trong những chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thị xã Tam Kỳ và Thành phố Đà Nẵng mùa xuân 1975. Sau khi đất nước thống nhất ông được điều về làm giảng viên Trường Quân chính Quân khu V; năm 1988, về công tác tại tỉnh đội Đắk Lắk. Hơn 40 năm trong quân ngũ ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Năm 2006, ông về nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Gần như cả đời người khi trưởng thành, cuộc sống của ông gắn bó trọn vẹn với quân ngũ, khi được nghỉ hưu ông mừng lắm, về nói với vợ cọn: Công việc nhà nước giao lại cho lớp người trẻ hơn, bây giờ là lúc để tôi được làm chồng làm cha, làm ông đúng nghĩa đây! Ông nói vậy vì biết người vợ thủy chung đã bao nhiêu năm ròng vừa làm mẹ vừa làm cha chăm sóc, nuôi dạy các con để ông yên tâm gánh vác trọng trách người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, không một câu than vãn, trách móc. Trong thâm tâm ông yêu và biết ơn người bạn đời của mình nhiều lắm, chỉ mong được nghỉ để có thời gian bù đắp cho bà sau bao năm phải gánh vác trọng trách việc gia đình thay ông. Nhưng ước mơ giản dị đó lại chưa thể thực hiện được, tại Đại hội Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng, nơi ông về nghỉ hưu, những người đồng nghiệp cũ lại bầu ông làm Chủ tịch Hội. Với trách nhiệm người đảng viên, khi tổ chức cần, ông đành gác việc riêng để nhận công tác mới với mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé còn lại của mình đóng góp cho phong trào chung – vì những người lính đã trải qua quân ngũ. Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của Hội, không ngại khó, ngại khổ, tìm tòi những cách làm linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra. Hội Cựu chiến binh huyện, hội viên ngày một tăng lên, trong đó có thanh niên, sau khi rời quân ngũ trở về đời thường phải lo cơm áo gạo tiền, nuôi sống bản thân và cả gánh nặng gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn… Trách nhiệm của người đi trước, trách nhiệm của thủ trưởng đối với chiến sĩ và hôm nay là trách nhiệm của chủ tịch hội với hội viên… luôn luôn khiến ông trăn trở, tìm cách tháo gỡ.
Ngày xưa trong các trận đánh tấn công các cứ điểm của địch, quân ta phải trinh sát nắm vững cách bố trí hỏa lực của địch, quy luật hoạt động của chúng… khi đã nắm vững thì đánh chắc thắng, hạn chế được thương vong cho bộ đội. Hôm nay người bộ đội rời quân ngũ trở về họ lại bước vào một trận đánh mới, trận đánh không phải dùng bằng súng đạn, bom mìn, nhưng cũng hết sức cam go, vì thế phải chuẩn bị thật kỹ cho họ như chuẩn bị công đồn. Người chỉ huy già sau bao đêm trăn trở, ý tưởng mới ùa về, ông ngồi bật dậy ngay trong đêm thảo ra đề án phối hợp với các ban ngành trên địa phương mở các lớp bồi dưỡng về khuyến nông, khuyến lâm để hội viên tham gia tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao kiến thức làm kinh tế… Ngoài ra, ông còn tổ chức cho các cấp hội thường xuyên đưa hội viên đi tham quan, học tập những gương cựu chiến binh tiêu biểu về nghị lực vượt khó, những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả  trong và ngoài tỉnh để từ đó giúp cho hội viên vận dụng tốt vào sản xuất và kinh doanh. Bằng cách làm này những người cựu chiến binh - hội viên của ông đã giúp nhau vượt qua khó khăn, hòa nhập tốt với cộng đồng trở thành người công dân gương mẫu, đóng góp một phần quan trọng vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Năng.
Nhằm phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng thời thể hiện trách nhiệm tình cảm với đồng chí đồng đội, khi thấy còn nhiều hộ hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống, ông đã vận động các cấp hội cơ sở huy động hội viên ủng hộ và đóng góp xây dựng các quỹ như: quỹ thiên tai bão lụt, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo… kịp thời giúp đỡ nhiều gia đình hội viên vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu; động viên hội viên có ý chí vươn lên, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, tích cực lao động sản xuât, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng  cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Trong 5 năm qua (2009 đến 2014) quỹ Hội toàn huyện đạt 4,4 tỷ đồng, bình quân 1.100.000/1 hội viên; nhờ vậy đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 13,5% xuống chỉ còn 3,7%; nâng hộ giàu từ 18% lên đến 30%. Phần lớn các hộ khá, giàu của cựu chiến binh đã có nhà kiên cố, khang trang. Mức thu nhập của hội viên ngày càng tăng, đến nay toàn huyện có 887 hộ hội viên thuộc hộ giàu vơi mức thu nhập từ 100- 400 triệu đông/1 năm, có 18 hộ hội viên có mức thu nhập 500 – 900 triệu đồng/năm, có 09 hộ hội viên có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên/1 năm. Với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ, Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng được Trung ương Hội hai lần tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng 01 Bằng khen và 01 Bằng khen của Tỉnh Hội.
Ông nhấp thêm ngụm trà, đôi mắt chợt sáng lên cho tôi biết thêm: Đã là anh bộ đội, chúng tôi luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, không ngừng giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nên “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Chính những điều ấy đã giúp cho tập thể lãnh đạo các cấp của Hội cũng như hội viên đòan kết, cùng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi trên tinh thần đồng chí, đồng đội một cách dân chủ, tự nguyện; đó có lẽ là bí quyết để Hội chúng tôi thành công.
Chia tay ông, Nguyễn Tiến Chất - người cựu chiến binh đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, lòng tôi tràn ngập sự kính trọng, người cựu chiến binh mang trong mình nhiệt huyết truyền thống của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh (ông quê ở Kỳ Hưng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sự cống hiến của ông khiến tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Paven Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ôxtơrôpxki “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi ân hận vì dĩ vãng của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.

GIỚI THIỆU SỐ 266 - THÁNG 10 NĂM 2014