Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

MÙA THU BAN MÊ



Một góc thành phố Buôn Ma Thuột

Tản văn của HỒNG CHIẾN

Nhắc đến mùa thu người ta thường nghĩ ngay đến cảnh lá vàng úa một màu phủ lên cây và mặt đất, chờ những cơn gió đến mang đi, để trơ lại những cành như đã hết sức sống chống chọi với mùa đông. Còn trên thành phố Ban Mê được mệnh danh là “thủ phủ Cao Nguyên” lại hoàn toàn khác với những gì các văn nghệ sĩ từng viết về mùa thu trên đất Bắc; thu về, trời nổi cơn giông và những hạt mưa cứ thi nhau rơi xuống, rơi xuống làm cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, khoe với đất trời một màu xanh bất tận, tươi tắn và đầm ấm.
Nếu bạn là người đến thành phố từ sân bay Buôn Ma Thuột sẽ được thấy con đường đẹp như tranh vẽ với các cây cổ thụ cao chót vót sừng sững hai bên đường như những người lính nghiêm trang đón chào. Đường Nguyễn Lương Bằng – con đường được đánh giá đẹp nhất thành phố đưa bạn qua rừng cây thực nghiệm gần trăm tuổi với những gốc cây hai người ôm không hết, cành lá xanh tươi. Xa xa, rừng cà phê khoe màu lá xanh um để lộ ra nơi nách lá từng chùm quả màu xanh sẫm, tròn căng như được một bàn tay khéo léo gắn vào. Cuối thu nhiều cây đã điểm đôi qủa chuyển từ màu xanh qua phớt hồng báo hiệu sắp đến mùa thu hoạch.
Nếu đến Ban Mê từ phía bắc theo con đường Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy con đường rộng thênh thang được trang điểm bằng những ngôi nhà cao tầng tọa lạc hai bên đường hay các nhà máy, xí nghiệp đồ sộ được quy hoạch hiện đại có cây xanh mượt mà tỏa bóng. Thành phố đang tiếp tục phát triển về phía Bắc và sau các dãy nhà cao tầng ấy là những cánh rừng cao su bạt ngàn đang vươn mình lao lên trời xanh khoe tán lá xanh đen như những chiếc ô khổng lồ làm chúng ta có cảm giác của sự mát mẻ của vùng đất thanh bình gần gũi với thiên nhiên.
Còn bạn là người từ phía Nam lên theo quốc lộ 14, khi vượt qua cầu Srêpok – nơi có dòng sông chảy ngược ồn ào tung bọt trắng qua các gềnh đá, đặt chân lên địa phận thành phố, bạn sẽ được chứng kiến những ngôi nhà khang trang nép mình bên những hành cây cảnh khoe những chiếc lá non tơ đang khoan khoái đón những hạt mưa tắm gội. Thỉnh thoảng bên đường lại để lộ ra những đám ruộng vừa mới thu hoạch xong, các gốc rạ đua nhau mọc lên những nhánh lúa mới quyến rũ từng đàn cò trắng mãi mê dạo bước ngắm nhìn.
Trong thành phố, con đường nào cũng rợp bóng cây xanh. Cây nào cũng như đua nhau khoe sắc, khẳng định sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên. Có lẽ hiếm có nơi nào như thành phố trẻ này, ngay tại phố trung tâm nơi được đầu tư xây dựng Nhà bảo tàng nguy nga, lộng lẫy vẫn giữ lại được cả một khu rừng nho nhỏ của đại ngàn với các cây cổ thụ trên vài trăm tuổi, có cây gốc to bốn năm người ôm không hết. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thổi qua giật trên tán lá đôi chiếc lá vàng thả theo gió chao nghiêng trước khi đáp xuống mặt đường và theo nước mưa vội vã chui xuống các ống cống bên đường. Quy luật của cuộc sống là vậy, lá xanh chuyển qua vàng và rời cành cây về với đất mẹ, đó là quy luật muôn đời của tạo hóa phải như thế. Song qua những cơn gió, đôi khi ta thấy những chiếc lá còn xanh cũng bị gió ném xuống mặt đường. Gió cũng chỉ làm công việc của mình theo quy luật tự nhiên: những chiếc lá chưa vàng, nhưng bị sâu gậm hay những chiếc lá do tác động ngoại cảnh không thể chịu đựng được thử thách của môi trường sẽ phải tự đào thải để trả lại màu xanh mượt mà cho cây cối; âu đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống!
Mùa thu Tây nguyên nói chung, mùa thu trên thành phố Ban Mê nói riêng bao giờ cũng tràn căng sức sống với màu xanh mượt mà của cây cối làm không gian đượm không khí thanh bình của một vùng đất thơ mộng, nồng ấm. Mùa thu Ban Mê là vậy, nếu ai chưa đến hãy ghé thăm một lần cho biết khung cảnh nơi đây và tôi tin chắc rằng, nếu bạn đã đến một lần thì sẽ muốn đến nhiều lần và có khi muốn ở lại luôn mảnh đất có khí hậu ôn hòa, cây cối bốn mùa tươi tốt và con người cũng chân tình với nhau hơn qua ly cà phê thơm nức tỏa hương vào không gian. Ban Mê mùa thu là thế!

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

CÂU TRẢ LỜI Ở ĐÂU?



Thêm chú thích: Hoc nghe

                                                                                       Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN
             - Chú ơi! rừng ở đâu?
Hiền tò mò hỏi chú ngay sau khi xuống xe.
- Rừng à, trước đây vùng này là rừng đấy, rừng già hẳn hoi, toàn cây to đến hai người ôm không hết ấy chứ. Bây giờ rừng sợ người nên chạy đi xa rồi. Cháu nhìn phía bắc, mấy dãy núi mờ mờ kia đó là: núi Cô Đơn, núi Cánh Diều; vượt qua mấy dãy núi đó là rừng. Còn phía nam này, cháu có nhìn thấy mấy ngọn núi xa xa kia không? Nhìn kĩ mới thấy vì nó xanh gần giống màu da trời buổi sáng; rừng ở đấy đấy. Nhất định cháu sẽ được thấy mà.
Dịp  nghỉ hè năm nay, Hiền được bố mẹ cho vào Tây Nguyêm thăm chú, nguyên là người lính Sư đoàn  333, nay chuyển qua làm công nhân nông trừơng mía. Đây là phần thưởng gia đình dành cho cậu về thành tích cao trong đợt thi học sinh giỏi quôc gia vừa qua. Mấy ngày ngồi xe, Hiền sốt ruột  mong chóng tới mảnh đất mà gần như cả cuộc đời người chú đã gắn bó và hơn cả Hiền muốn biết thế nào là rừng!
Sau hai ngày nghĩ ngơi, Hiền được chú đưa sang nhà chú Quáy người bạn chiến đấu cũ, nay là một thợ săn nổi tiếng vùng Chư Zang, với mục đích để Hiền được tiếp cận với ù rừng. Rời thị trấn Bình Minh khoảng hơn chục ki lô mét, Hiền chỉ thấy nhà cửa trãi dài hai bên đưòng, thỉnh thoảng có vườn cà phê vườn điều lá xanh ngắt, xen lẫn mái ngói ngã màu nâu đen; còn vùng nào cây cối không có trơ những cát  là cát, nhìn như bãi biễn .
 - Cháu thấy không, vùmg này dân ở miền bắc di cư  tự do vào đấy. Họ chặt rừng làm rẫy nên đất trở thành sa mạc cả rồi. Trước đây khoảng bốn năm năm, vùng này còn có cả voi, hổ, báo, gấu… sinh sống. Bây giờ xem như  tuyệt giống cả .
-Thế ai muốn phá thì phá sao ?
-Đúng vậy! Ở cái huyện này, ngưòi dân di cư  tự do vào rừng chiếm đất, đánh dấu vào thân cây xem như đất có chủ. Người khác muốn làm thì họ bán lại cho. Như vậy, người ta chỉ mất công “xí” đất mà thu năm bãy chục triệu là thưòng. Còn vùng này thuộc thôn Năm đây.
Hiền nhìn hai bên đường thấy những cây lớn một vòng tay ngưòi ôm không hết đến các cây bé như  cổ tay cổ chân, đươc chặt ngã chồng chất lên nhau, kéo dài đến hết cả tâm mắt. Ôi biết bao nhiêu là gỗ bị đốn hạ.
 - Sao họ chặt nhiều gổ vậy hở chú ?
- Người ta phát rẫy đó, vài hôm nữa họ châm lửa đốt ra tro hết.
          - đốt cả những cây gỗ sao?
          - Đốt tuốt, đốt để gieo tỉa mà.
          - Tiếc chú nhỉ?
          Cuối cùng cũng đến thôn 6; cái thôn nhỏ bé chỉ độ chục hộ nằm rải rác ven con suối cạn bị cắt bởi đường cát xuyên qua. Nhà chú Quáy hai tầng làm toàn bằng gỗ, nằm sát ngã ba đường và suối cạn. Tầng dưới ngôi nhà cao vừa quá đầu người một chút; chất củi, cuốc, cày bừa và các loại bẫy thú. Chiếc cầu thang rộng chừng nửa mét được đẽo bằng một cây gỗ, đưa người lên tầng trên. Sàn nhà lát ván màu vàng sẫm. Nhìn ba gian nhà rộng rãi đến tuyềnh toàng, chỉ có mấy cái chăn, cái mền xếp cẩn thận để sát vách ván, bộ ấm chén đặt giữa sàn nhà.  Chú Quáy như đoán được suy nghĩ của Hiền, cười bảo:
- Nhà người miền núi là vậy. Sàn nhà cũng là bàn, là gường, là mâm cơm. Cô và mấy đứa nhỏ ra rẫy nên không có ai ở nhà cả. Cháu muốn uống nước thì tự  rót lấy .
          Hiền tần ngần đứng ngắm ngôi nhà và mắt chợt sáng lên khi thấy trên vách treo một bộ sừng đồ sộ như một bộ rễ cây lớn.
-         Chú ơi! Sừng con gì đây?
-         À, đó là sừng nai đấy. Con nai đực có hai sừng, mỗi sừng có ba nhánh chìa ra phía trước. Con nào càng lớn sừng càng to và cao. Cặp sừng này cao gần một mét tư, chưa phải là lớn đâu; nhưng quí là ở chỗ nó đều, hai cái y hệt nhau. Riêng cái đế sần sùi gần sát da đầu - chú Quáy lấy tay rẽ vành lông dài mọc sát chân sừng, giải thích thêm: cứ mỗi lần nai thay sừng là một lần có thêm nếp nhăn ở đây. Con này có tới tám nếp nhăn là tám lần thay sừng rồi.
Chú quay qua chỉ cái sừng đóng trên cây cột bên cạnh, nói tiếp:
- Còn đây là sừng con min, một con vật vừa giống bò lại vừa giống trâu, nặng cả tấn đấy.
Cặp sừng cong vút như sừng trâu, to chắc phải bằng bắp đùi người lớn màu trắng ngà, nhọn hoắt; gốc sừng mọc sát xương sọ có nhiều nếp nhăn gợn lên như những lớp sóng biển nối tiếp nhau. Hai cái sừng mọc cách nhau chừng hai gang tay nên cái xương sọ trắng hếu.
- Làm sao chú nhặt được cái sừng này?
- Nhặt là thế nào? Chú bắn đấy, bắn lấy thịt ăn, còn sừng treo cho nó đẹp. Cặp sừng có người trả bốn triệu tương đương một cây vàng bốn số chín, chú không bán.
Chú Quáy chỉ bộ sừng đóng ở đầu hồi nhà cao tới mét hai hay mét ba gì đó; hai cái sừng mọc trên cái sọ còn dính miếng da, cách nhau chưa tới một gang tay hình hơi cong cong như lưỡi liềm nhô về phía trước. Cái sừng đến lạ, mỗi cái có tới bảy nhánh, mà nhánh của nó bẹp, mỏng, làm Hiền cảm giác như do tay người gắn vào, tạo nên. Bộ sừng có màu sữa hơi sẫm một chút.
- Cháu biết sừng con gì không?
- Con gì hở chú?
- À sừng con cà  toong đấy; con này hiếm lắm và rất kho bắn, cả vùng này mỗi mình chú có thôi.
Thì ra Tây Nguyên có những con thú đẹp và to thật, nhưng chúng đều chung số phận thế này cả sao? Hiền tần ngần chợt nghĩ: không biết ai có may mắn được nhìn thấy những con vật quí giá này còn sống nữa không?
- Cháu uống nước đi rồi theo chú đi thăm bẫy.
Vừa nói chú Quáy vừa vén rèm nhựa treo trước bàn thờ, thắp ba que nhang cắm vào bình hương. Hiền chợt thấy trên bàn thờ là hai cái lông, mỗi cái dài tới hai mét, mặt lông nền trắng, có rất nhiều đốm vàng, tím, đen đan lẫn nhau, tạo thành nhiều màu sắc óng ả, lóng lánh.
 -Chú ơi, lông con gì đẹp thế, có phải lông con công không?
-  Không phải lông công đâu. Lông công tuy đẹp nhưng không ai treo trong nhà cả, vì nó có lớp phấn rất độc có hại cho sức khoẻ con người. Còn đây là lông trĩ sao đấy .
-   Nó to bằng mấy mà lông dài vậy chú ?
-   Nó nhỏ thôi, chỉ nặng hai ký là cùng, nhưng dáng đẹp lắm. Ở đây ít hôm cháu sẽ thấy.
Chà cái lông đẹp và dài thật; chắc ít có đứa bạn nào tin khi mình bảo ở đây có con chim lông dài đến vậy. Hiền chợt nghĩ và tự  hỏi: Sao chú Quáy lại để nó trên bàn thờ ? Nó là con vật linh thiêng chăng? Nếu linh thiêng sao người ta lại giết nó nhỉ?
Hiền buộc nốt dây giày ba ta rồi theo chú xuống cầu thang. Chú Quáy đầu không mũ, để phơi những sợi tóc ngả màu bờm xờm xoã xuống gáy, lưng đeo chiếc ba lô bạc phếch, còn chiếc dao dài đến hai gang được bỏ trong chiếc vỏ gỗ đẽo gọt cầu kỳ đeo ngang hông; chân xỏ đôi giày cao cổ còn mới, leo lên chiếc “Min” động cơ xăng pha nhớt, nổ máy, khói tuôn ra như ống khó nhà máy gạch; nhằm dãy núi phía Nam lao đi. Hai bên đường, xen giữa những đám cây rừng mới bị chặt phá là những đám rẫy còn trơ lại những cây bắp khô cong bị bẻ ngang thân, gập xuống. Lác đác những cây tàu bay xoè bông trắng xoá theo gió tung lên bầu trời.
Vào tận chân núi, chiếc xe “Min” khựng lại. Hiền nhảy xuống xe kêu lên:
-         Rừng. Đúng là rừng thật rồi!
Ngửa mặt nhìn lên: Một vùng xanh mát rượi xua tan cái nắng ong ong của mùa hè. Hiền sung sướng tự nghĩ: Cuối cùng mình đã tới rừng, rừng thật sự, rừng có những cây to, cao vời vợi, hương vị thật ngọt ngào. Thỉnh thoảng tiếng của bầy chim rừng vọng đến nghe thật thích.
Dựng xe vào gốc cây to chú Quáy bảo:
- Cháu thấy rừng chưa? Rừng già là vậy đó.
Như đáp lời chú, một tiếng kêu vọng lên làm Hiền giật thót mình:
- Tắc… Tăc…Tắ..c…kè !
Theo tay chú Quáy chỉ? Hiền thấy một con vật hình thù giống con rắn mối thường sống trên tường nhà, nhưng to hơn nhiều, màu xanh biếc điểm những nốt đỏ sần sùi. Cái đầu giống đầu rắn ráo chỉ khác có cặp mắt to bằng đầu đũa, hơi lồi ra như mắt ếch. Vách núi cheo leo, lởm chởm những đá là đá . dây chằng chịt từ mặt đất lên đến ngọn cây cao, tạo ra một tán khổng lồ. Trên các cành cây thấp thoáng những cụm phong lam xanh mướt rũ xuống những chùm hoa trắng, tím, đỏ… Trông thật thích. Mới leo một đoạn đồi mà Hiền đã nghe: o, o,o… hoài.
- Cháu nhìn kìa! có thịt ăn rồi đấy.
Đang lúc miệng, mũi và cả hai tai Hiền đều tranh nhau thở, bỗng nhiên bị khựng lại khi nhìn thấy trước mặt. Trên chiếc cần câu bằng cây rừng to hơn ngón tay cái chút xíu, buộc sợi cước trắng tinh, treo lủng lẵng một con gà màu xanh đen, có lẽ phải nặng đến ba ký. Hai cánh nó xòe ra hai bên, rủ xuống, cái cổ bị sợi dây thắt chặt treo lơ lững, vẹo qua một bên, trông thật tội nghiệp.
          Chú Quáy thảm nhiên lại gỡ con  gà để qua bên cạnh rồi gài lại bẫy. Hiền bước lại gần quan sát, con gà đã tắt thở từ lúc nào mà hai mắt vẫn trợn trừng như  không tin điều đã xãy ra là thực chiếc mỏ vàng óng hơi hé ra để lộ chiếc lưỡi màu vàng hình tam giác nhọn nằm vẹo một bên. Viền hai bên mỏ là một lớp da màu đỏ tươi kéo xuống cằm. Chiếc mào cũng màu xanh đen lóng lánh như  thuỷ tinh được tạo ra bởi một túm ba chiếc lông. Đôi chân giống chân gà nhà, màu nâu vàng, chỉ khác đôi cựa dài hơn hai đốt ngón tay màu trắng đục, cong vút về phía sau .
         - Cháu biết con gì đây không? Chú Quáy hỏi Hiền và không chờ câu trả lời, chú nói luôn: Đây là con trĩ đen; loại này giống gà nhưng to hơn và khác gà ở điểm cái mào của nó chỉ một túm lông chứ không phải là da như gà. Thịt nó giống thịt gà nhưng ngon  hơn.
Vừa nói chú vừa nhét con trĩ vào ba lô. Hiền lặng người nhìn động tác vô tình của chú trước một con vật đẹp đến vậy mà thoáng chốc thành xác chết. Nhìn cái bẫy sơ sài, chỉ là một cái cây nhỏ bé, được buộc sợi cước vít xuống, gài một cái bẫy nhỏ đặt giữa lối đi đã được dọn quang, nếu con nào vô tình đụng vào bẫy, cành cây bật lên kéo theo sợi dây thắt chặt cổ con vật.  Cách chỗ đặt bẩy về hai phía đã được dọn sạch cành cây và làm hàng rào cao khoảng ba gang tay về hai phía cách nhau độ chục mét. Thế tại sao mấy con vật ngu ngốc này lại không đường tránh? Hiền thấy thương cho chúng quá. Trước cái xác chết của con trĩ, Hiền cảm thấy áy náy thế nào ấy. Tại sao người ta chỉ thích bắn chúng để ăn thịt thôi mà không nhìn thấy vẻ đẹp kiều diểm của chúng? Cứ tiếp tục thế này chắc sẽ đến lúc rừng không còn một con chim, không còn một tiếng hót.
Mãi nghĩ Hiền giật mình bởi tiếng kêu tuyệt vọng của con chim gì đó vọng lại: “Toóc toóc, toóc” và liền sau đó là tiếng đập cánh phành phạch dữ dội.
-   Trĩ sao dính bẫy đó; chắc là được cả đôi rồi!
          Chú Quáy bước nhanh nhưng Hiền còn nhanh hơn, vịn vào cây cố gắng leo lên trước. Đến nơi một quang cảnh hải hùng hiện ra trước mắt: Trên chiếc cần bẫy nhỏ bé, một con trĩ sao to chỉ độ hơn ký, lông màu nâu sẫm điểm những chấm trắng, xanh li ti như hạt đậu, cổ bị sợ dây cước thắt chặt treo lơ lửng trên không. Bên cạnh đó một con khác không lớn hơn, đang cố sức dùng đầu thúc vào thân con mắc bẫy, đập cánh làm cỏ cây xung quanh xơ xác, mồm liên tục kêu đến ứa máu. Thấy Hiền nó không bỏ chạy mà rụt cổ lại, xoè cánh ra như cố che cho con mắc bẫy. Chùm lông xung  quanh cổ dựng ngược cả lên như muốn lao vào cắn xé Hiền. Đặc biệt lông đuôi của nó chỉ có ba cái nhưng thật là dài, có lẽ phải hơn sải tay người lớn, cao vồng lên, rũ ra phía sau với nhiều màu sắc rực rỡ. “Phập” một tiếng động vang lên cúng lúc với bóng chú Quáy đổ xuống và con trĩ giẫy giụa một cánh tuyệt vọng trong tay chú .
- Đừng, đừng giết nó chú ơi! Hiền thét lên.
- Đây là con trĩ sao mà nhà nào cũng muốn có lông đuôi cắm trên vách nhà - Chú Quáy thản nhiên bảo: Con cái mắc bẩy chết rồi, con trống cố tìm cách gọi cho đến lúc kiệt sức mà chết theo. Nếu không bắt, nó cũng chết thôi. Loài chim này sống với nhau có tình lắm.
Nhìn con trĩ sao giãy giụa một cách tuyệt vọng trên tay chú, Hiền bảo:
 - Chú, chú cho cháu nhé.
          - Không nuôi được đâu cháu ạ; có mang về nó cũng nhịn ăn mà chết vì lẽ loi cô độc đấy .
-   Chú tặng cháu đi, cháu xin chú mà.
Chú Quáy trao con trĩ đang cố vùng ra khỏi tay người, hai con mắt tròn như  hai hạt cườm, vằn lên những tia đỏ kéo ngang bên khoé mỏ, vệt máu đỏ còn đang rỉ ra, chảy cả lên lông. Hiền ôm con trĩ chạy vội ra xa, đặt nhẹ xuống mặt đất, tay vút vút lên chòm lông màu tím mọc trên đầu tạo thành cái mào xinh xinh và thì thầm bảo:
-   Chạy đi! chạy đi!
 Lạ thay, khi tay Hiền vừa buông ra, nó lại cắm đầu cắm cổ lao đầu vào chú Quáy với tiếng kêu khan đặc, tắc nghẹn. Chiếc mỏ nhỏ bé màu vàng giờ đã trở thành hồng tươi cố giơ cao hơn thúc thúc vào con trĩ đã chết mà chú Quáy vừa gỡ xong. Chú cúi xuống chộp lấy nó và quay đầu bảo.
          - Thôi ta; cháu muốn thả, nó cũng không đi đâu. Cháu có muốn nó cũng chẳng sống nỗi, nên tốt nhất là thịt. Còn mấy cái lông này để làm kỷ niệm vậy.
Con trĩ trống thấy con trĩ cái bị bỏ vào ba lô, nó như  hiểu ra điều gì và chợt run lên bần bật. Những tiếng nghẹn ngào từ trong cổ phát ra, đầu gục xuống. Mấy giọt máu từ miệng nó rơi xuống đất. Hiền vội đỡ nó từ tay chú, nhưng con trĩ bỗng run lên bàn bật rồi mềm oặt; cái cổ dài thường vươn cao kiêu hảnh, giờ rủ xuống như tàu khoai môn gặp lửa. Đặt nó xuống mặt đất, Hiền thấy nó gật khẽ một cái, mắt dại đi rồi tất cả rơi vào im lặng. Hiền cố lắc nhưng nó vẫn lăn kềnh trên mặt đất. Nhìn nó nước mắt Hiền ứa ra .Thương cho con  vật đẹp đẽ, và chung thủy bất ngờ lìa bỏ cuộc sống. Chú Quáy cầm nó lên, kéo lê cái đuôi dài trên mặt đất. Hiền lặng lẽ bước theo sau, trong óc chợt loé lên câu hỏi: Sao người ta có thể tàn nhẫn thế nhỉ? Chỉ vì một chút lợi lộc nhỏ bé mà tước đi cuộc sống tươi đẹp, chia lìa hạnh phúc của đôi chim tội nghiệp...
  Hôm sau Hiền xin chú Quáy cho trở lại thị trấn Bình Minh


Tháng 12 năm 2002
                                                  

                                                                                     


Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

SĂN HEO RỪNG




                          Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN


Nạn heo rừng tàn phá hoa màu, cây cối kéo dài đã bao đời nay ở vùng Ea Ty - Ea Bin – Ea Pal mà không ai làm gì nổi. Cứ đến vụ thu hoạch lúa, bắp hay khoai  là người ta phải làm lều, đốt lửa, thức trắng đêm khua chiêng, gõ mõ canh rẫy. Nhưng ác hại thay heo rừng vẫn về hàng đàn, hàng lũ. Có đàn năm mười con; có đàn hàng trăm con. Chỉ cần một đêm thôi, bầy heo có thể phá sạch cả héc ta bắp sắp thu hoạch; hay năm, bảy sào lúa đang đông sữa.
Nhìn cánh đồng bắp bị dày xéo, đổ gãy ngang thân, chính thị là heo rừng phá; cánh đồnh lúa chỉ còn trơ bông không hạt, rạ chất thành đống,thủ phạm cũng là heo rừng.Mỗi loài cây chúng ăn theo một cách khác nhau. Nếu là khoai lang hay khoai mỳ chúng ủi từng gốc, đào sâu hàng mét, moi kỳ hết củ. Còn bắp chúng ăn theo kiểu riêng: con lớn cắn ngang thân cho cây bắp gãy xuống, con nhỏ nhai cả cùi lẫn hạt. Nếu ăn lúa thì đơn giản hơn: cứ ngang cổ bông lúa mà nhai, nuốt lấy nước nhả trấu ra từng đống. Aên chán chúng rủ nhau cắn sát gốc lúa tha cây lại một chổ chất thành đống to như ngôi nhà, phía trong rỗng có hai cửa ra vao rồi đuổi nhau chạy vòng quanh, hay chui qua cửa vào trong giữa đống rơm, rạ cắn nhau kêu chí chóe. Để tránh sự tàn phá khủng khiếp đó, người ta phải đào hào, rào rẫy, làm bù nhìn, đêm đêm đốt lửa nơi góc rẫy và tìm lối mòn chúng thường qua lại đặt bẫy; nhưng vẫn không ngăn đựơc nạn phá hoa màu của bầy heo rừng. Cuối cùng họ phải nhờ đến cánh thợ săn. Những săn heo đâu phải là dễ!
Người ta kể rằng vùng xã Ea Tý và Ea Pal cũng có mấy nhóm thợ săn trổ tài  đuổi heo. Ban đầu cứ nghe nơi nào có heo phá là mang chó đến lùng sục. Song kết quả thật đáng buốn, cứ vài lần gặp heo rừng phường săn phải bỏ đi vài con chó. Con thì bị nát chân, con thủng bụng, con toạc mông. Có con sau một lần săn heo đến lần khác chỉ ngửi thấy mùi heo là chạy lại với người. Điều đáng sợ hơn cả với phường săn là con heo một thỉnh thoảng vẫn về. Gọi nó là heo một vì nó luôn đi một mình không bao giờ đi với con khác. Người dân trong vùng nói rằng: “con heo một này thành tinh rồi, bắn không được vớ!”.
Nhiều người nhìn thấy nó thong thả diễu hành qua các rẫy lúa, rẫy bắp và rất điềm nhiên nhìn người ta la hét xua đuổi. Có lần thấy người đuổi, nó chạy lại đuổi  người. May, hôm đó có cây để người chủ rẫy trèo lên tránh chứ không chẳng hiểu sẽ ra sao. Thân hình con heo một mỗi người nói một cách. Có người bảo nó giống như con trâu mộng, có người lại bảo nó giống như con bò kéo xe. Nhưng ai cũng nói giống nhau một điểm: hai cái nanh của nó to bằng cổ tay trẻ con, trắng hếu thò ra phía trước mồn như hai qủa chuối; lông bờm dựng đứng, lởm chởm, vòng ngực rất nở, to gấp rưỡi phần sau; nhìn qua giống như con sư tử vẽ trong sách. Mỗi lần nó về là đồng ruộng bị tàn phá nặng nề. Đặc biệt là mía. Một đêm nó có thể nhai gần hết sào mía. Cách ăn cũng rất lạ: Cây mía bị ủi tung gốc cho đổ xuống rồi nó ùng chân giữ lấy cây đưa miệng xuống  nhai như người. Ăn chán nó còn cắn tấp thành đống cao như mái nhà để ngủ. Nhân dân trong vùng khổ sở vì nó. Nhiều thợ săn đã chạm và không ai giám bóp cò khi đôi mắt trắng dã của nó long lên nhìn người chằm chằm.
Tiếng tăm con heo ngày càng vang xa khi nó quật ngã tay thợ săn nổi tiếng vùng Ea Pin. Hôm đó vào khoảng 18 giờ, Nông Văn Nhung một tay thợ săn dày dạn kinh nghiệm, đội đèn ra rấy canh bắp. Anh vừa bước vào đến mép rẫy bổng thấy một khối đèn sì như con trâu di chuyển vào bìa rừng. Vốn là tay thợ săn cự phách Nhung nâng khẩu súng xiết cò. Khối đen bổng “hộc” lên một tiếng rợn người nhảy bổ vào vạt cỏ tranh bìa rừng, biến mất. Linh cảm của người thợ săn lành nghề, Nhung quay luôn về nhà không giám vào rẫy nữa. Anh biết mình đã bắn trúng con heo “truyền thuyết”; song không rõ nó có chết hay không.
Sáng hôm sau Nhung rủ thêm mấy người bạn mang chó ra tìm. Đến chỗ bắn hôm qua Nhung reo lên.
- Có vết máu đây rồi! Nhanh lên.
Mọi người xua chó lần theo vết máu. Ba con chó săn tinh khôn không chịu đi cứ đứng ngoài rẫy sủa ông ổng vào đám cây trước mặt. Bực mình Nhung thọc nòng súng vào đám cây, rẽ lối lần theo vết máu. Anh hi vọng con heo đã chết rồi. Đi cách rẫy chưa được chục mét, bổng nhiên vạt cây trước mặt Nhung rung lên như có gió xoáy kèm theo tiếng “hộc” rợn người; cả thân hình hơn sáu chục ký của Nhung đã lơ lững trên không, khẩu súng văng lên ngọn cây bên cạnh. Mấy người bạn đi theo cuống cuồng xả đạn lên trời hò hét lao vào. Nhưng rừng cây đã in lặng như chưa có gì xãy ra, để lại Nhung nằm trên vũng máu, một vết rách dài từ đùi lên tới tận bụng.
Sau vụ đó gần ba tháng không còn thấy nó trở về; ai cũng tưởng nó chết. Nào ngờ vào một đêm tối trời nó đã khắc dấu ấn để lại cho mọi người biết sự tồn tại của nó bằng cách xóa sạch cả một rẫy đậu phụng sắp đến ngày thu hoạch. Cái rẫy mà nó bị bắn hôm trước in chi chít dấu chân to như dấu chân bò, có khác chăng hai móng sau thọc sâu xuống đất. Sự xuất hiện của nó làm người ta lo sợ sự trả thù của “ông heo một”. Người già bảo: “phải cúng thôi, cúng để ông ấy nguôi giận mà đừng phát nữa!?”. Nhưng đám thanh niên vốn không xem ma, quỷ, thân thánh là gì cả nên bàn với nhau cách trị con heo “thành tinh” này. Thế là một kế hoạch chi tiết được vạch ra, bầy chó săn nổi tiếng của anh em nhà họ Khúc từ Thái Hòa được mời tới tham gia “trận đánh”.
Mười ba chàng thanh niên nhanh nhẹn được trang bị mác, gươm và pháo đùng lần theo dấu chân heo. Tám tay súng thiện xạ nhất chọn ngay chân núi làm điểm phục kích. Họ chặt cây làm sàn cách mặt đất từ hai đến ba mét. Có giá bắn cẩn thận để chờ. Ai cũng đóan nếu bị  xua đuổi nó phải chạy qua đây để lên núi Chư Pa. Đội quân đi lùa lần theo dấu vết đến đám rẫy bỏ hoang từ năm ngoái, cây cối mọc rậm rạp cao lút đầu người rộng chừng nữa hét ta, xung quanh đám rẫy hoang là cánh đồng trống.
Bổng bầy chó gào lên inh ỏi, đoàn người lùa như được hiệu lệnh cùng lúc gầm lên A-ô! A-ô! Vang động cả góc trời xen lẫn tiếng đì đùng của pháo cối được đốt để thị uy. Thế nhưng con heo đã thành tinh không chịu chạy qua đám trống của rừng già, chắc nó biết cái góc rừng không có tiếng người; tiếng pháo kia chứa đầy chết chóc nên  không chịu ra. Nó luẩn quẩn trong đám rẫy phát, thỉnh thoảng báo hiệu sự có mặt của mình bằng tiếng “hộc”, lạnh lùng kèm theo tiếng kêu thảm thiết của một con chó nào đấy.
Cuộc săn đuổi từ nửa buổi sáng qua nửa buổi chiều vẫn không đạt kết quả gì. Bầy chó ban sáng hung hăng giữ tợn như vậy, bây giờ xơ xác, con rách bụng, con nát chân, con nào may mắn hơn chạy ra đám rẫy quang ngó vào tu lên từng hồi ai oán. Đoàn người mệt mỏi gọi nhau họp lại tìm cách giải quyết. Cuối cùng đành phải dùng cách cổ điển nhất buộc con heo thành tinh phải lộ diện bằng cách: mọi người dàn hàng ngang, cách nhau 3 mét, vừa đi vừa phát vừa hò hét, làm như thế có mệt hơn, lâu hơn nhưng chắc chắn con heo thành tinh này phải chạy lên núi cao, chỗ ấy có năm tay súng giỏi nhất đang chờ.
Bàn bạc xong mọi người chia nhau ra chỗ được phân công.
Trớ trêu thay khi năm người được cử ra chỗ mai phục vừa mới bước đi thì đã thấy một khối đen sì lừng lững như con trâu dang sắp khuất  hẳn vào rừng. Không ai bảo ai, song cả năm khẩu súng đều gầm lên, cát bụi tung tóe che khuất cả một góc rừng. Khi đám bụi lắng xuống chẳng ai còn nhìn thấy con heo ấy nữa. Mọi người tiếc ngẩn ngơ. Cả một ngày với hơn hai chục con người, hàng chục con chó vẫn không sao hạ được con heo “thành tinh”.
Tin dữ bay về, người già trong các làng chê trách bọn trẻ ngổ ngược và bảo: “bây giờ chọc tức “ông ấy” rồi thì hãy nống mắt lên mà nhìn tai họa”. Nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua và từ đó tới nay, không ai trong vùng còn nhìn thấy dấu vết của con heo khủng khiếp ấy nữa.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

LỜI TỰ GIỚI THIỆU CỦA CHỦ NHÀ



Cùng các ban!
Mở đầu cho trang Blog mới, chủ nhà mượn Lời giới thiệu tập truyện ngắn "CHUYỆN KỂ NGƯỜI ĐI SĂN" của nhà thơ Phạm Doanh - Nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk, Tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin để bạn hữu biết thêm về chủ nhân khi đến thăm nhà.

Do hoàn cảnh đặc biệt mà Hồng Chiến trở thành một thợ săn nổi tiếng của vùng rừng núi phía Đông Cao nguyên Dak Lak.
Những tưởng nghề săn chỉ là phương tiện kiếm sống để chờ đợi… giải khuây; nào ngờ cái hùng vĩ và bí ẩn của đại ngàn Tây Nguyên đã kích thích tính mạo hiểm, niềm say mê khám phá và tình yêu thiên nhiên của Hồng Chiến – đến đỗi, anh đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong mỗi chuyến đi săn. Anh tâm sự: “Săn thú trên rừng cũng như bắt cá dưới biển; đạo đức của người săn bắt là có ý thức bảo vệ môi sinh, giữ gìn loài quý hiếm”.
Vốn là một nhà báo nghiệp dư, Hồng Chiến đã từng cho bạn đọc thấy sự lạ ở những nơi quen. Qua “Chuyện kể người đi săn”, anh lại muốn bạn đọc làm quen với nhiều sự lạ.
PHẠM DOANH

MỘT LẦN ĐI SĂN


                                                                                          Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN

          Tôi đang vùi đầu vào đống tài liệu chất ngất trên bàn, bỗng một bàn tay vỗ nhẹ lên vai:
- Này, ông có đi săn cùng với bọn mình không?
Tôi quay lại, bắt gặp nụ cười của thiếu tá Đinh Lập, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.
          - Đi thì đi; À, nhưng có xa không?
          - Gần thôi.
          - Đi bằng ô tô à?
- Đúng, đi bằng ô tô, nhưng chỉ vào đến bãi bắn thôi , còn phải đi bộ.
          Tôi vội vã xếp lại đống tài liệu, với khẩu súng định mang theo. Đinh Lập cười bảo:
          - Dành cho ông khẩu AK ngoài  xe kia rồi, còn thứ này anh hất đầu chỉ khẩu súng của tôi, chỉ để diện thôi.
Tôi theo anh ra xe và ngạc nhiên thấy trên xe, ngoài một người trung niên dáng vẽ lanh lợi ra, còn có ba con chó ngồi chồm hổm trên ghế. Qua giới thiệu của anh Đinh Lập, tôi biết người ngồi trên xe là Nguyễn Hương, một cựu chiến binh từng lăn lộn trên đường mòn Hồ Chí Minh với cái máy ủi ĐT75, đùa giỡn với tử  thần, bảo đảm giao thông trong suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ ác liệt ở nhiều cung đường trọng điểm thuộc Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Nay anh về nghỉ mất sức và là tay thợ săn nổi tiếng trong vùng với bầy chó săn tinh khôn.
Chiếc xe từ từ rời nhà khách sư đoàn, đưa chúng tôi đến trung đoàn 714, trung đoàn chủ lực làm kinh tế đóng bên bờ sông Krông Pak.
Thấy chúng tôi, trung đoàn trưởng vui vẻ ra đón và nói ngay:
- May quá các anh đã vào. Chúng phá của tôi hơn chục hécta mà không sao trị được. Lần này chắc đuổi được chúng rồi. Mời các anh vào nhà.
- Chúng có đông không anh ?- anh Hương hỏi.
- Đông lắm, chắc phải trên một trăm.
Tôi ngạc nhiên, không biết các anh nói gì. Ai phá mà cả trung đoàn không can nổi. Lẽ nào giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc hơn gần chục năm trời mà còn bọn nổi loạn Fulrô!
 Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh Đinh Lập cười bảo:
- Khỉ đấy anh bạn ạ, chúng phá giữ lắm nên mới phải mời “chuyên gia” vào trị.
- À ,thì ra các anh nói về khỉ, thế mà tôi cứ  tưởng….
- Khỉ ở đây phá như ngụy ấy. Cái khó là không sao bắt được.
Qua lời kể của trung đoàn trưởng, tôi đã hình dung ra bầy khỉ khôn ngoan quỉ quái đang tàn phá cánh đồng bắp hàng trăm héc ta ở đây. Đàn khỉ này được tổ chức khá chặt chẽ. Sáng sớm khi mặt trời còn mờ sương, con khỉ đầu đàn đã ngồi vắt vẻo trên cây săng lẻ đưa mắt quan sát khắp vùng, thấy không có người mới cất tiếng gọi bầy. Thế là lũ lượt họ hàng nhà khỉ kéo ra bẻ bắp. Những con lớn biết bứt dây rừng buộc quanh ngưới giắt bắt vào, mang đi. Còn con nhỏ líếu riếu chọn bắp vừa đông sữa, tha lên cho khỉ đầu đàn ăn, Mà chúng ăn chỉ một nửa hay một phần ba cái là quăng đi. Cứ  như  vậy, hàng ngày lũ khỉ phá cả sào bắp.
- Sao các anh không xua đuổi chúng.
- Ôi, nó khôn lắm, nếu anh vác gậy ra lùa liền bị nó mang cùi bắp, cành cây liệng xuống đầu rồi nhăn nhó gãi bụng và nhe răng cười giễu cợt. Còn chỉ thoáng thấy bóng người mang súng là chúng biến đâu hết sạch. Nhưng ác thay cây bắp vẫn bị bẻ. Giữ chỗ này nó bẻ chỗ kia. Cánh đồng bắp quá rộng, chúng vào giữa bãi bẻ bắp lột vỏ rồi vác ra ngoài như  người ăn trộm, không làm sao đuổi được. Chúng tôi nhiều lần tổ chức phục kích, đặt bẩy, nhưng vẫn không làm gì được chúng. Mấy hôm trước nhờ mấy người Ê Đê mang chó vào đuổi, ai ngờ khỉ không bắn được mà chó lại bị chúng nhận chết chìm dưới ao bèo. Anh đứng lên chỉ trên bản đồ.
- Phía bên này sông là đồng bắp, phía bên kia là rừng, chỗ này là nhánh suối cụt có nhiều bèo tây nên dân ở đây quen gọi ao bèo. Bầy khỉ khi gặp chó thường chạy đến bờ ao để dìm chó. Người dân tộc thiểu số ở đây nói: “Bầy khỉ này có Ziàng giúp, không bắn được nó đâu vớ”.
- Muốn xua bầy khỉ, bắt buộc phải bắn cho được con đầu đàn. Con đầu đàn chết, chúng sợ phải bỏ vùng này thôi.
Ngừng một lát, anh Hương nói tiếp:
- Bây giờ ba anh em đến bên ao bèo trước, các anh nấp cho kín, còn tôi đi từ phía này lùa cho chúng chạy về phía ao bèo. Chờ con đầu đàn ra giữa ao hãy bắn.
Tôi cùng anh Đinh Lập theo trung đoàn trưởng ra ao bèo. Gọi là ao, nhưng thật ra nó là một cái đầm nước rộng hơn hecta, cây cối mọc um tùm, xanh tốt. Dưới mặt ao, bèo Nhật Bản chiếm gần nữa diện tích xanh mượt. Chúng tôi chia nhau núp sau những gốc cây Bằng lăng, Kơ nia chờ đợi.
Bỗng tiếng chó sủa râm ran, tiếng người hò hét từ xa vọng tới ngày một rõ dần. Một lúc sau, cùng với tiếng chó sủa, chúng tôi nghe tiếng kêu: “Khẹc, khẹc” của lũ khỉ, tiếng cây côi rung rào rào như bị gió xoáy. Quen như mọi khi, lũ khỉ kéo nhau chạy xuống ao bèo. Con đầu đàn khá lớn, mặt đỏ như sơn, lông màu vàng sẩm, trên cằm có cụm râu trắng dài, cong vút ra phía trước. Nó nhẹ nhàng nhảy từ cành này qua cành khác, chỉ cách mặt đất chừng mét rưởi. Ba con chó săn to lớn lao theo như có sợi dây vô hình nối chung với chú khỉ đầu đàn.
Tôi rê khẩu AK theo cái bóng nhảy nhót ẩn hiện qua các thân cây, nhưng không sao đặt được vào thước ngắm. Hồi ở trường, tôi thuộc diện bắn giỏi, luôn luôn được giảng viên khen ngợi. Nhưng với chú khỉ này, như cánh én thoắt ẩn thoắt hiện qua các thân cây không làm sao bắn được. Trung đoàn trưởng đã dặn: “Nổ súng là phải hạ bằng được, nếu trược, nó về báo thù phá hết hoa màu”! Biết vậy nên tôi không  dám bắn ẩu, cứ rê súng theo, chờ đợi.
Bỗng một con khỉ lao xuống mặt nước và cất tiếng kêu: “Khoạc, khoạc, khoạc”. Ba con chó không ngần ngại cũng lao xuống nước bơi theo, cất tiếng sủa ầm ĩ. Bầy chó đuổi con khỉ lúc ẩn, lúc hiện dần dần ra xa bờ. Con khỉ đầu đàn ôm lấy thân cây đu lên, cất tiếng kêu như cười. Lập tức bầy khỉ xuất hiện từ các tán lá lao xuống sát mặt nước, con rung cây, con tạt nước, con ném cành vào bầy chó. Những con chó thông minh nhanh nhẹn trên mặt đất bao nhiêu thì giờ đây, dưới mặt nước trở nên chậm chạp bấy nhiêu, tiếng sủa ngừng bặt vì bị tạt nước.  Chúng vội quay vào bờ. Con khỉ đầu đàn nép mình trong bóng cây bỗng tung mình nhắm ngay con chó bơi sau cùng lao xuống. Sau một tiếng ùm dữ dội, cả khỉ và chó chìm sâu xuống mặt nước. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng: “Ăc” yếu ớt vọng lại rồi tắt hẳn. Bầy khỉ nhảy nhót trên các cành cây kêu chít chít, tỏ vẽ thích thú. Hai con chó còn lại cất tiếng gào thảm thiết như khóc vọng trên mặt ao vang lên nghe rờn rợn.
Bỗng, đám bèo tây bị hất tung lên, cả chó và khỉ nhảy chồm lên khỏi mặt nước trong tích tắc; chỉ chờ có vậy, tôi bóp cò trước khi cả chó và khỉ chìm xuống mặt nước. Nghe tiếng nổ, trong nháy mắt bầy khỉ như có phép tàng hình, tót lên cành cây biến mất sau đám lá.
  Anh Lập vội vã nhằm con chó vừa chìm lao ra. Nước ngập đến cổ, anh phải rẽ bèo và cố lắm mới tới nơi. Sau hai lần hụp lặn, anh đã mò được con chó, giơ lên khỏi mặt nước và đi vào bờ. Đặt con chó chỉ còn thoi thóp thở, máu ở cổ trào ra qua miệng của con khỉ đang cắn chặt. Hai bàn tay nhỏ nhắn của con khỉ túm chặt tai chó, gỡ mãi mới ra. Vừa lúc đó, Anh Hương chạy đến cạy miệng con khỉ để nó nhả chó ra, rồi lấy gói thuốc mang theo đắp vào vết thương.
Nhìn con khỉ, cái mặt nhăn nhó, mắt trợn ngược, lồng ngực bị đạn xuyên thủng, máu hoà nước chảy lênh láng trên cỏ, tôi thấy tội nghiệp cho nó. Chắc nó già lắm, lông mày, râu đã bạc trắng cả. Tay, chân nó rắn chắc như người, cái đuôi ngắn tí tẹo, cỡ hai đốt ngón tay, mọc ra từ mông đít đỏ như son lồi ra như cái gáo dừa. Nhìn tấm thân rắn chắc của con khỉ, anh Đinh Lập đoán nó nặng trên hai chục ký.
Ôm con chó bị thương vào lòng, anh Hương bảo mọi người.
- Thôi ta về!
- Thế mình không mang con khỉ này về à?
- Phải để lại đây cho chúng nó sợ. Anh Hương giải thích, chứ mang đi, chúng kéo cả đàn về phá nhà như chơi.
Chúng tôi ra bờ sông Krông Păk để anh Đinh Lập tắm giặt. Tôi chợt nghĩ: Không biết bọn tôi đi rồi bầy khỉ sẽ làm gì với cái xác con khỉ đầu đàn… ?  Tôi rủ Trung đoàn trưởng quay lại xem sao. Khi gần đến nơi tôi nghe tiếng kêu thảm thiết của bầy khỉ đang bu lấy cái xác con khỉ đầu đàn: con túm đầu, con túm chân, cứ lắc qua lắc lại mãi. Cuối cùng như hiểu ra điều gì đó, chúng xúm lại công kênh cái xác, kéo nhau đi, con lớn đi trước, con nhỏ theo sau, thứ tự như người xếp hàng, khuất dần vào rừng, chỉ còn tiếng kêu nghẹn ngào vọng lại.   Tôi quay lại bảo trung đoàn trưởng cùng về thì thấy hai giọt nước long lanh trên khoé mắt. Im lặng một lúc, anh khẽ nói:
- Tại nó phá dữ quá nên đành….
         Anh nói không hết câu, cuối đầu lầm lũi bước.

                                                                                EAKAR  Tháng 12 năm1986
                                                                                      

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012


Với trang Blog mới này, hy vong nơi đây bạn bè ta lại có dịp hội tụ cùng nhau.