Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

CÂU TRẢ LỜI Ở ĐÂU?



Thêm chú thích: Hoc nghe

                                                                                       Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN
             - Chú ơi! rừng ở đâu?
Hiền tò mò hỏi chú ngay sau khi xuống xe.
- Rừng à, trước đây vùng này là rừng đấy, rừng già hẳn hoi, toàn cây to đến hai người ôm không hết ấy chứ. Bây giờ rừng sợ người nên chạy đi xa rồi. Cháu nhìn phía bắc, mấy dãy núi mờ mờ kia đó là: núi Cô Đơn, núi Cánh Diều; vượt qua mấy dãy núi đó là rừng. Còn phía nam này, cháu có nhìn thấy mấy ngọn núi xa xa kia không? Nhìn kĩ mới thấy vì nó xanh gần giống màu da trời buổi sáng; rừng ở đấy đấy. Nhất định cháu sẽ được thấy mà.
Dịp  nghỉ hè năm nay, Hiền được bố mẹ cho vào Tây Nguyêm thăm chú, nguyên là người lính Sư đoàn  333, nay chuyển qua làm công nhân nông trừơng mía. Đây là phần thưởng gia đình dành cho cậu về thành tích cao trong đợt thi học sinh giỏi quôc gia vừa qua. Mấy ngày ngồi xe, Hiền sốt ruột  mong chóng tới mảnh đất mà gần như cả cuộc đời người chú đã gắn bó và hơn cả Hiền muốn biết thế nào là rừng!
Sau hai ngày nghĩ ngơi, Hiền được chú đưa sang nhà chú Quáy người bạn chiến đấu cũ, nay là một thợ săn nổi tiếng vùng Chư Zang, với mục đích để Hiền được tiếp cận với ù rừng. Rời thị trấn Bình Minh khoảng hơn chục ki lô mét, Hiền chỉ thấy nhà cửa trãi dài hai bên đưòng, thỉnh thoảng có vườn cà phê vườn điều lá xanh ngắt, xen lẫn mái ngói ngã màu nâu đen; còn vùng nào cây cối không có trơ những cát  là cát, nhìn như bãi biễn .
 - Cháu thấy không, vùmg này dân ở miền bắc di cư  tự do vào đấy. Họ chặt rừng làm rẫy nên đất trở thành sa mạc cả rồi. Trước đây khoảng bốn năm năm, vùng này còn có cả voi, hổ, báo, gấu… sinh sống. Bây giờ xem như  tuyệt giống cả .
-Thế ai muốn phá thì phá sao ?
-Đúng vậy! Ở cái huyện này, ngưòi dân di cư  tự do vào rừng chiếm đất, đánh dấu vào thân cây xem như đất có chủ. Người khác muốn làm thì họ bán lại cho. Như vậy, người ta chỉ mất công “xí” đất mà thu năm bãy chục triệu là thưòng. Còn vùng này thuộc thôn Năm đây.
Hiền nhìn hai bên đường thấy những cây lớn một vòng tay ngưòi ôm không hết đến các cây bé như  cổ tay cổ chân, đươc chặt ngã chồng chất lên nhau, kéo dài đến hết cả tâm mắt. Ôi biết bao nhiêu là gỗ bị đốn hạ.
 - Sao họ chặt nhiều gổ vậy hở chú ?
- Người ta phát rẫy đó, vài hôm nữa họ châm lửa đốt ra tro hết.
          - đốt cả những cây gỗ sao?
          - Đốt tuốt, đốt để gieo tỉa mà.
          - Tiếc chú nhỉ?
          Cuối cùng cũng đến thôn 6; cái thôn nhỏ bé chỉ độ chục hộ nằm rải rác ven con suối cạn bị cắt bởi đường cát xuyên qua. Nhà chú Quáy hai tầng làm toàn bằng gỗ, nằm sát ngã ba đường và suối cạn. Tầng dưới ngôi nhà cao vừa quá đầu người một chút; chất củi, cuốc, cày bừa và các loại bẫy thú. Chiếc cầu thang rộng chừng nửa mét được đẽo bằng một cây gỗ, đưa người lên tầng trên. Sàn nhà lát ván màu vàng sẫm. Nhìn ba gian nhà rộng rãi đến tuyềnh toàng, chỉ có mấy cái chăn, cái mền xếp cẩn thận để sát vách ván, bộ ấm chén đặt giữa sàn nhà.  Chú Quáy như đoán được suy nghĩ của Hiền, cười bảo:
- Nhà người miền núi là vậy. Sàn nhà cũng là bàn, là gường, là mâm cơm. Cô và mấy đứa nhỏ ra rẫy nên không có ai ở nhà cả. Cháu muốn uống nước thì tự  rót lấy .
          Hiền tần ngần đứng ngắm ngôi nhà và mắt chợt sáng lên khi thấy trên vách treo một bộ sừng đồ sộ như một bộ rễ cây lớn.
-         Chú ơi! Sừng con gì đây?
-         À, đó là sừng nai đấy. Con nai đực có hai sừng, mỗi sừng có ba nhánh chìa ra phía trước. Con nào càng lớn sừng càng to và cao. Cặp sừng này cao gần một mét tư, chưa phải là lớn đâu; nhưng quí là ở chỗ nó đều, hai cái y hệt nhau. Riêng cái đế sần sùi gần sát da đầu - chú Quáy lấy tay rẽ vành lông dài mọc sát chân sừng, giải thích thêm: cứ mỗi lần nai thay sừng là một lần có thêm nếp nhăn ở đây. Con này có tới tám nếp nhăn là tám lần thay sừng rồi.
Chú quay qua chỉ cái sừng đóng trên cây cột bên cạnh, nói tiếp:
- Còn đây là sừng con min, một con vật vừa giống bò lại vừa giống trâu, nặng cả tấn đấy.
Cặp sừng cong vút như sừng trâu, to chắc phải bằng bắp đùi người lớn màu trắng ngà, nhọn hoắt; gốc sừng mọc sát xương sọ có nhiều nếp nhăn gợn lên như những lớp sóng biển nối tiếp nhau. Hai cái sừng mọc cách nhau chừng hai gang tay nên cái xương sọ trắng hếu.
- Làm sao chú nhặt được cái sừng này?
- Nhặt là thế nào? Chú bắn đấy, bắn lấy thịt ăn, còn sừng treo cho nó đẹp. Cặp sừng có người trả bốn triệu tương đương một cây vàng bốn số chín, chú không bán.
Chú Quáy chỉ bộ sừng đóng ở đầu hồi nhà cao tới mét hai hay mét ba gì đó; hai cái sừng mọc trên cái sọ còn dính miếng da, cách nhau chưa tới một gang tay hình hơi cong cong như lưỡi liềm nhô về phía trước. Cái sừng đến lạ, mỗi cái có tới bảy nhánh, mà nhánh của nó bẹp, mỏng, làm Hiền cảm giác như do tay người gắn vào, tạo nên. Bộ sừng có màu sữa hơi sẫm một chút.
- Cháu biết sừng con gì không?
- Con gì hở chú?
- À sừng con cà  toong đấy; con này hiếm lắm và rất kho bắn, cả vùng này mỗi mình chú có thôi.
Thì ra Tây Nguyên có những con thú đẹp và to thật, nhưng chúng đều chung số phận thế này cả sao? Hiền tần ngần chợt nghĩ: không biết ai có may mắn được nhìn thấy những con vật quí giá này còn sống nữa không?
- Cháu uống nước đi rồi theo chú đi thăm bẫy.
Vừa nói chú Quáy vừa vén rèm nhựa treo trước bàn thờ, thắp ba que nhang cắm vào bình hương. Hiền chợt thấy trên bàn thờ là hai cái lông, mỗi cái dài tới hai mét, mặt lông nền trắng, có rất nhiều đốm vàng, tím, đen đan lẫn nhau, tạo thành nhiều màu sắc óng ả, lóng lánh.
 -Chú ơi, lông con gì đẹp thế, có phải lông con công không?
-  Không phải lông công đâu. Lông công tuy đẹp nhưng không ai treo trong nhà cả, vì nó có lớp phấn rất độc có hại cho sức khoẻ con người. Còn đây là lông trĩ sao đấy .
-   Nó to bằng mấy mà lông dài vậy chú ?
-   Nó nhỏ thôi, chỉ nặng hai ký là cùng, nhưng dáng đẹp lắm. Ở đây ít hôm cháu sẽ thấy.
Chà cái lông đẹp và dài thật; chắc ít có đứa bạn nào tin khi mình bảo ở đây có con chim lông dài đến vậy. Hiền chợt nghĩ và tự  hỏi: Sao chú Quáy lại để nó trên bàn thờ ? Nó là con vật linh thiêng chăng? Nếu linh thiêng sao người ta lại giết nó nhỉ?
Hiền buộc nốt dây giày ba ta rồi theo chú xuống cầu thang. Chú Quáy đầu không mũ, để phơi những sợi tóc ngả màu bờm xờm xoã xuống gáy, lưng đeo chiếc ba lô bạc phếch, còn chiếc dao dài đến hai gang được bỏ trong chiếc vỏ gỗ đẽo gọt cầu kỳ đeo ngang hông; chân xỏ đôi giày cao cổ còn mới, leo lên chiếc “Min” động cơ xăng pha nhớt, nổ máy, khói tuôn ra như ống khó nhà máy gạch; nhằm dãy núi phía Nam lao đi. Hai bên đường, xen giữa những đám cây rừng mới bị chặt phá là những đám rẫy còn trơ lại những cây bắp khô cong bị bẻ ngang thân, gập xuống. Lác đác những cây tàu bay xoè bông trắng xoá theo gió tung lên bầu trời.
Vào tận chân núi, chiếc xe “Min” khựng lại. Hiền nhảy xuống xe kêu lên:
-         Rừng. Đúng là rừng thật rồi!
Ngửa mặt nhìn lên: Một vùng xanh mát rượi xua tan cái nắng ong ong của mùa hè. Hiền sung sướng tự nghĩ: Cuối cùng mình đã tới rừng, rừng thật sự, rừng có những cây to, cao vời vợi, hương vị thật ngọt ngào. Thỉnh thoảng tiếng của bầy chim rừng vọng đến nghe thật thích.
Dựng xe vào gốc cây to chú Quáy bảo:
- Cháu thấy rừng chưa? Rừng già là vậy đó.
Như đáp lời chú, một tiếng kêu vọng lên làm Hiền giật thót mình:
- Tắc… Tăc…Tắ..c…kè !
Theo tay chú Quáy chỉ? Hiền thấy một con vật hình thù giống con rắn mối thường sống trên tường nhà, nhưng to hơn nhiều, màu xanh biếc điểm những nốt đỏ sần sùi. Cái đầu giống đầu rắn ráo chỉ khác có cặp mắt to bằng đầu đũa, hơi lồi ra như mắt ếch. Vách núi cheo leo, lởm chởm những đá là đá . dây chằng chịt từ mặt đất lên đến ngọn cây cao, tạo ra một tán khổng lồ. Trên các cành cây thấp thoáng những cụm phong lam xanh mướt rũ xuống những chùm hoa trắng, tím, đỏ… Trông thật thích. Mới leo một đoạn đồi mà Hiền đã nghe: o, o,o… hoài.
- Cháu nhìn kìa! có thịt ăn rồi đấy.
Đang lúc miệng, mũi và cả hai tai Hiền đều tranh nhau thở, bỗng nhiên bị khựng lại khi nhìn thấy trước mặt. Trên chiếc cần câu bằng cây rừng to hơn ngón tay cái chút xíu, buộc sợi cước trắng tinh, treo lủng lẵng một con gà màu xanh đen, có lẽ phải nặng đến ba ký. Hai cánh nó xòe ra hai bên, rủ xuống, cái cổ bị sợi dây thắt chặt treo lơ lững, vẹo qua một bên, trông thật tội nghiệp.
          Chú Quáy thảm nhiên lại gỡ con  gà để qua bên cạnh rồi gài lại bẫy. Hiền bước lại gần quan sát, con gà đã tắt thở từ lúc nào mà hai mắt vẫn trợn trừng như  không tin điều đã xãy ra là thực chiếc mỏ vàng óng hơi hé ra để lộ chiếc lưỡi màu vàng hình tam giác nhọn nằm vẹo một bên. Viền hai bên mỏ là một lớp da màu đỏ tươi kéo xuống cằm. Chiếc mào cũng màu xanh đen lóng lánh như  thuỷ tinh được tạo ra bởi một túm ba chiếc lông. Đôi chân giống chân gà nhà, màu nâu vàng, chỉ khác đôi cựa dài hơn hai đốt ngón tay màu trắng đục, cong vút về phía sau .
         - Cháu biết con gì đây không? Chú Quáy hỏi Hiền và không chờ câu trả lời, chú nói luôn: Đây là con trĩ đen; loại này giống gà nhưng to hơn và khác gà ở điểm cái mào của nó chỉ một túm lông chứ không phải là da như gà. Thịt nó giống thịt gà nhưng ngon  hơn.
Vừa nói chú vừa nhét con trĩ vào ba lô. Hiền lặng người nhìn động tác vô tình của chú trước một con vật đẹp đến vậy mà thoáng chốc thành xác chết. Nhìn cái bẫy sơ sài, chỉ là một cái cây nhỏ bé, được buộc sợi cước vít xuống, gài một cái bẫy nhỏ đặt giữa lối đi đã được dọn quang, nếu con nào vô tình đụng vào bẫy, cành cây bật lên kéo theo sợi dây thắt chặt cổ con vật.  Cách chỗ đặt bẩy về hai phía đã được dọn sạch cành cây và làm hàng rào cao khoảng ba gang tay về hai phía cách nhau độ chục mét. Thế tại sao mấy con vật ngu ngốc này lại không đường tránh? Hiền thấy thương cho chúng quá. Trước cái xác chết của con trĩ, Hiền cảm thấy áy náy thế nào ấy. Tại sao người ta chỉ thích bắn chúng để ăn thịt thôi mà không nhìn thấy vẻ đẹp kiều diểm của chúng? Cứ tiếp tục thế này chắc sẽ đến lúc rừng không còn một con chim, không còn một tiếng hót.
Mãi nghĩ Hiền giật mình bởi tiếng kêu tuyệt vọng của con chim gì đó vọng lại: “Toóc toóc, toóc” và liền sau đó là tiếng đập cánh phành phạch dữ dội.
-   Trĩ sao dính bẫy đó; chắc là được cả đôi rồi!
          Chú Quáy bước nhanh nhưng Hiền còn nhanh hơn, vịn vào cây cố gắng leo lên trước. Đến nơi một quang cảnh hải hùng hiện ra trước mắt: Trên chiếc cần bẫy nhỏ bé, một con trĩ sao to chỉ độ hơn ký, lông màu nâu sẫm điểm những chấm trắng, xanh li ti như hạt đậu, cổ bị sợ dây cước thắt chặt treo lơ lửng trên không. Bên cạnh đó một con khác không lớn hơn, đang cố sức dùng đầu thúc vào thân con mắc bẫy, đập cánh làm cỏ cây xung quanh xơ xác, mồm liên tục kêu đến ứa máu. Thấy Hiền nó không bỏ chạy mà rụt cổ lại, xoè cánh ra như cố che cho con mắc bẫy. Chùm lông xung  quanh cổ dựng ngược cả lên như muốn lao vào cắn xé Hiền. Đặc biệt lông đuôi của nó chỉ có ba cái nhưng thật là dài, có lẽ phải hơn sải tay người lớn, cao vồng lên, rũ ra phía sau với nhiều màu sắc rực rỡ. “Phập” một tiếng động vang lên cúng lúc với bóng chú Quáy đổ xuống và con trĩ giẫy giụa một cánh tuyệt vọng trong tay chú .
- Đừng, đừng giết nó chú ơi! Hiền thét lên.
- Đây là con trĩ sao mà nhà nào cũng muốn có lông đuôi cắm trên vách nhà - Chú Quáy thản nhiên bảo: Con cái mắc bẩy chết rồi, con trống cố tìm cách gọi cho đến lúc kiệt sức mà chết theo. Nếu không bắt, nó cũng chết thôi. Loài chim này sống với nhau có tình lắm.
Nhìn con trĩ sao giãy giụa một cách tuyệt vọng trên tay chú, Hiền bảo:
 - Chú, chú cho cháu nhé.
          - Không nuôi được đâu cháu ạ; có mang về nó cũng nhịn ăn mà chết vì lẽ loi cô độc đấy .
-   Chú tặng cháu đi, cháu xin chú mà.
Chú Quáy trao con trĩ đang cố vùng ra khỏi tay người, hai con mắt tròn như  hai hạt cườm, vằn lên những tia đỏ kéo ngang bên khoé mỏ, vệt máu đỏ còn đang rỉ ra, chảy cả lên lông. Hiền ôm con trĩ chạy vội ra xa, đặt nhẹ xuống mặt đất, tay vút vút lên chòm lông màu tím mọc trên đầu tạo thành cái mào xinh xinh và thì thầm bảo:
-   Chạy đi! chạy đi!
 Lạ thay, khi tay Hiền vừa buông ra, nó lại cắm đầu cắm cổ lao đầu vào chú Quáy với tiếng kêu khan đặc, tắc nghẹn. Chiếc mỏ nhỏ bé màu vàng giờ đã trở thành hồng tươi cố giơ cao hơn thúc thúc vào con trĩ đã chết mà chú Quáy vừa gỡ xong. Chú cúi xuống chộp lấy nó và quay đầu bảo.
          - Thôi ta; cháu muốn thả, nó cũng không đi đâu. Cháu có muốn nó cũng chẳng sống nỗi, nên tốt nhất là thịt. Còn mấy cái lông này để làm kỷ niệm vậy.
Con trĩ trống thấy con trĩ cái bị bỏ vào ba lô, nó như  hiểu ra điều gì và chợt run lên bần bật. Những tiếng nghẹn ngào từ trong cổ phát ra, đầu gục xuống. Mấy giọt máu từ miệng nó rơi xuống đất. Hiền vội đỡ nó từ tay chú, nhưng con trĩ bỗng run lên bàn bật rồi mềm oặt; cái cổ dài thường vươn cao kiêu hảnh, giờ rủ xuống như tàu khoai môn gặp lửa. Đặt nó xuống mặt đất, Hiền thấy nó gật khẽ một cái, mắt dại đi rồi tất cả rơi vào im lặng. Hiền cố lắc nhưng nó vẫn lăn kềnh trên mặt đất. Nhìn nó nước mắt Hiền ứa ra .Thương cho con  vật đẹp đẽ, và chung thủy bất ngờ lìa bỏ cuộc sống. Chú Quáy cầm nó lên, kéo lê cái đuôi dài trên mặt đất. Hiền lặng lẽ bước theo sau, trong óc chợt loé lên câu hỏi: Sao người ta có thể tàn nhẫn thế nhỉ? Chỉ vì một chút lợi lộc nhỏ bé mà tước đi cuộc sống tươi đẹp, chia lìa hạnh phúc của đôi chim tội nghiệp...
  Hôm sau Hiền xin chú Quáy cho trở lại thị trấn Bình Minh


Tháng 12 năm 2002
                                                  

                                                                                     


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét