Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN
NGỦ QUÊN BÊN ĐƯỜNG
Truyện ngắn
Buổi trưa, nắng như rây lửa dưới chân
đèo. Con đường vừa bồng bềnh trên mây thoắt hiện nguyên hình con rắn lửa. Ngã
ba không có bóng người. Chúng tôi vào quán. Quán vắng. Cô chủ có đôi mắt thủy
tinh trong suốt như con gái thủy thần nhìn tôi không chớp, không cười. Ngoài
kia, hơi lửa nhảy nhót. Tôi ngả lưng xuống võng, nhìn sâu vào mắt cô chủ một lúc
rồi từ từ nhắm lại. Hơi mát đâu đó từ dưới gốc cây cổ thụ tỏa lên, mát như ai
quạt. Chúng tôi bồng bềnh như sắp sửa bay.
Những con rồng được chạm trổ tinh vi
trên những bộ bàn ghế gốc cây gỗ lũa bắt đầu cựa quậy. Lũ rồng rắn thường thích
đi dạo vào những buổi trưa vắng người. Đôi mắt chúng, không khác gì đôi mắt cô
chủ, trong suốt như thủy tinh, mà bên trong óng ánh nước. Tôi thì thào gọi bạn:
Này, có những con rồng rất đáng yêu! Nhưng bạn cũng đã ngủ ngay khi đặt lưng xuống
võng. Khuôn mặt bạn rạng ngời hạnh phúc. Có lẽ bạn đang mơ rất đẹp. Còn tôi, tôi
mơ thấy những đôi mắt thủy thần trong suốt.
Trên đèo, mà đèo tên gì thì không biết,
cả một bầy họa mi rủ nhau về ngồi trong im lặng. Chỉ một tiếng hót cất lên thôi,
cơ hồ sẽ làm náo động buổi trưa yên tĩnh. Mà chúng tôi, đâu có được nhiều những
giây phút thần tiên! Cả tôi và bạn, đều đã từng phải đi qua rất nhiều bụi bặm,
rất nhiều lo toan, rất nhiều đánh đổi, thì cớ sao trưa nay, họa mi lại phải hót
lên… Niềm hân hoan có nhiều khi không cần đến nhiều lời. Lời thì sẽ biến mất,
tiếng chim thì sẽ vỡ tan, gió thì sẽ vút qua. Còn những đôi mắt trong veo thì
im lặng và trong suốt giữa buổi trưa nay.
Bất ngờ, bạn nói, trong giấc mơ trưa:
“Ước gì được quay lại lần nữa ở…” Tiếng nói trong mơ chìm khuất trong tiếng thở
nhẹ nhàng. Cô chủ không biết là biến đi đâu mất từ lúc nãy. Hình như có một làn
gió thoảng nào đó vừa kéo đi, như cuốn đi một tà áo trắng mà rất mỏng, không để
lại dấu vết. Trưa thì vẫn mênh mang. Nắng thì vẫn mênh mang. Bạn đã bao giờ thử
chưa? Một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng, tĩnh lặng, bên cạnh bạn của mình, và bắt đầu
mơ. Tuyệt lắm!
Bầy rồng mắt trong suốt đã rủ nhau lên
chơi giữa lưng chừng đèo dốc. Chúng chơi trò trốn tìm sau những vòm cây lá rộng.
Chúng chạy và bay và cười vang như trẻ nhỏ. Tôi cố gắng nghe nhưng không được nữa,
những âm thanh trong trẻo ngày càng xa khuất, chìm lấp trong buổi trưa nắng rạng
ngời… Phía xa xa, có một dòng sông gì đó đang miệt mài trôi lặng lẽ giữa phù
sa. Tôi nói trong mơ: “Sông ơi, sông gì đó ơi, chảy về phía nào thì có…?”. Không
có tiếng trả lời, chỉ có hơi thở bạn tôi vẫn đều đều. Tôi ngoảnh nhìn sang, trên
đôi môi hồng khép nhẹ, có một giọt nắng vàng tươi đang nhảy nhót như trêu, như đùa,
như vuốt ve tinh nghịch…
Tôi nhắm mắt lại, không nhìn nữa. Từ
lâu, tôi đã có ý định, mình sẽ tập nhìn bằng da, chứ không phải bằng mắt. Hễ tôi
nhìn bằng mắt, thì mọi vật trở nên méo mó, thậm chí tan chảy ra như que kem ngày
tuổi nhỏ giấu trong gấu áo, có khi, kinh hoàng hơn, mọi vật bốc cháy khi ánh nhìn
mới khẽ chạm vào. Tôi sợ lắm! Giờ tôi nhìn bằng da bằng thịt thì hình ảnh bên
ngoài tự nhiên tồn tại, thản nhiên vận động, bình thản đi qua. Tiếng cười nguyên
vẹn là tiếng cười, tiếng hát tròn trịa là tiếng hát, đôi mắt thản nhiên là đôi
mắt, như thể đêm qua, chúng chưa hề vút lên, chưa hề mất ngủ, chưa hề mọc thêm đôi
cánh và bay lên trên đỉnh trời tròn…
Tôi nhìn bằng da, để biết dòng sông đang
trôi ngoài kia vẫn còn chảy miệt mài chứ chưa khô cạn và rên rỉ nỗi đau nứt toác
mùa khô. Và trên đèo, cổ thụ vẫn tỏa bóng mát ngàn năm chứ không phải đã cháy đen
hay mục ruỗng từ trong từng thớ rễ. Bầy họa mi kia nữa, chúng từ lâu không hót,
vì giọng hót của chúng đã bị rách toác bởi những truy đuổi nhẫn tâm, hoặc chúng
đang lặng thầm quan sát ánh mặt trời nhảy nhót, hân hoan như vừa cận kề cái chết.
Cô chủ quán đã ngủ đâu đó phía sâu bên trong, riêng đôi mắt thì vẫn trong suốt
thủy tinh nhìn mà như không nhìn, thấy mà như không thấy, khẽ nheo nheo như sắp
sửa một nụ cười…
Tự dưng, tôi nhìn thấy một chiếc lồng,
đẹp một cách tàn nhẫn. Rộng vừa đủ để nhốt mọi loại hình hài. Nan mảnh nhưng rất
sắc, bóng lộn, phía trên, là cái móc để treo, uốn cong cong hình một ngón tay dài.
Tôi nghĩ, ngón tay này, dùng để cầm một điếu thuốc hay một ly rượu thì đẹp, còn
để móc một chiếc lồng thì hơi phí. Trong lồng, xếp chồng lên nhau rất nhiều áo
và quần. Chiếc áo tứ thân màu nâu, áo bà ba màu đen, áo công nhân màu xanh, áo
nông dân màu rêu, áo thiếu phụ loang lổ vết sữa úa vàng, áo giáo viên đầy bụi
phấn, áo học trò có dấu phượng và ve, áo đại cán màu đen lạnh lùng, áo ba lỗ
phong phanh gió rét, áo mớ bảy mớ ba phường chèo son phấn. Chiếc quần kaki đứng
đắn, quần móng lợn hiên ngang, quần jeen phiêu dạt quần lụa kiêu sa quần lửng dịu
dàng và quần trễ cạp gai góc hoang đàng… Tất cả, những quần áo ấy, nằm với nhau
trong im lặng, hoặc là chúng đang trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của loài cừu.
Có lẽ, nằm trong lồng, chúng bị bỏ đói, đã từ lâu lắm. Nhìn kỹ, có vẻ như, chúng
đang lên cơn sốt. Rất có thể, chúng đã bị nhiễm một căn bệnh truyền nhiễm nào đó
mà không chịu nói thật ra.
Ở ngã ba hoang vắng này, hình như từng
có một nhà tiên tri đi qua và từng ghé lại. Ông ta đã bỏ quên chòm râu trắng nõn
trên cây. Buổi trưa, từ chòm râu mịn màng, thoảng bốc lên những cọng khói màu
xanh. Cọng khói biết tôi đang có mặt ở đây, biết bạn tôi đang ngủ, đang mơ, biết
lũ rồng bỏ quán đi chơi, biết cô chủ ngủ đang trốn đâu đó trong các hốc cây và
biết lũ áo quần đang lên cơn sốt.
Đấng tiên tri già nua lẩm cẩm ấy đã
nghĩ gì vào một buổi trưa không ngủ? Chắc chắn là ông ta đã từng nghe hết những
âm thanh câm lặng giữa chốn hoang vu này. Mà ông ta đã nói gì với những chiếc áo
quần đang kẹt cứng trong lồng chim đẹp tàn nhẫn ấy? Tôi không dám đoán chắc.
Tôi sẽ sợ hãi lắm hoặc hân hoan lắm,
nếu như đấng tiên tri đáng kính, trong một lúc đãng trí, vứt vào trong chiếc lồng
ấy một que diêm. Tất cả sẽ cháy lên sau đó, như một giấc mơ bị bỏ quên bên đường
về đầy hoa gạo tháng ba.
Và giấc mơ của tôi mới thật sự bắt đầu,
mặc cho bạn tôi vừa tỉnh giấc khẽ khàng giục giã: Thôi về đi, kẻo không còn kịp
nữa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét