Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

SỐ 266 - TÁC GIẢ TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT





NGƯỜI ĐẠI TÁ “HƯU” NHƯNG KHÔNG NGHỈ



Người cựu chiến binh già ngồi trước mặt tôi, vóc giáng nhỏ con, nhưng khuôn mặt cương nghị, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện, giọng trầm, đặc điểm riêng biệt của người dân Hà Tĩnh không lẫn lộn vào bất cứ vùng nào của đất nước. Ông kể lại cho tôi nghe cuộc đời làm chiến sỹ giải phóng quân tham gia chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông chiến đấu ở nhiều mặt trận, từng tham gia hơn 25 trận đánh và là một trong những chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thị xã Tam Kỳ và Thành phố Đà Nẵng mùa xuân 1975. Sau khi đất nước thống nhất ông được điều về làm giảng viên Trường Quân chính Quân khu V; năm 1988, về công tác tại tỉnh đội Đắk Lắk. Hơn 40 năm trong quân ngũ ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Năm 2006, ông về nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Gần như cả đời người khi trưởng thành, cuộc sống của ông gắn bó trọn vẹn với quân ngũ, khi được nghỉ hưu ông mừng lắm, về nói với vợ cọn: Công việc nhà nước giao lại cho lớp người trẻ hơn, bây giờ là lúc để tôi được làm chồng làm cha, làm ông đúng nghĩa đây! Ông nói vậy vì biết người vợ thủy chung đã bao nhiêu năm ròng vừa làm mẹ vừa làm cha chăm sóc, nuôi dạy các con để ông yên tâm gánh vác trọng trách người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, không một câu than vãn, trách móc. Trong thâm tâm ông yêu và biết ơn người bạn đời của mình nhiều lắm, chỉ mong được nghỉ để có thời gian bù đắp cho bà sau bao năm phải gánh vác trọng trách việc gia đình thay ông. Nhưng ước mơ giản dị đó lại chưa thể thực hiện được, tại Đại hội Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng, nơi ông về nghỉ hưu, những người đồng nghiệp cũ lại bầu ông làm Chủ tịch Hội. Với trách nhiệm người đảng viên, khi tổ chức cần, ông đành gác việc riêng để nhận công tác mới với mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé còn lại của mình đóng góp cho phong trào chung – vì những người lính đã trải qua quân ngũ. Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của Hội, không ngại khó, ngại khổ, tìm tòi những cách làm linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra. Hội Cựu chiến binh huyện, hội viên ngày một tăng lên, trong đó có thanh niên, sau khi rời quân ngũ trở về đời thường phải lo cơm áo gạo tiền, nuôi sống bản thân và cả gánh nặng gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn… Trách nhiệm của người đi trước, trách nhiệm của thủ trưởng đối với chiến sĩ và hôm nay là trách nhiệm của chủ tịch hội với hội viên… luôn luôn khiến ông trăn trở, tìm cách tháo gỡ.
Ngày xưa trong các trận đánh tấn công các cứ điểm của địch, quân ta phải trinh sát nắm vững cách bố trí hỏa lực của địch, quy luật hoạt động của chúng… khi đã nắm vững thì đánh chắc thắng, hạn chế được thương vong cho bộ đội. Hôm nay người bộ đội rời quân ngũ trở về họ lại bước vào một trận đánh mới, trận đánh không phải dùng bằng súng đạn, bom mìn, nhưng cũng hết sức cam go, vì thế phải chuẩn bị thật kỹ cho họ như chuẩn bị công đồn. Người chỉ huy già sau bao đêm trăn trở, ý tưởng mới ùa về, ông ngồi bật dậy ngay trong đêm thảo ra đề án phối hợp với các ban ngành trên địa phương mở các lớp bồi dưỡng về khuyến nông, khuyến lâm để hội viên tham gia tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao kiến thức làm kinh tế… Ngoài ra, ông còn tổ chức cho các cấp hội thường xuyên đưa hội viên đi tham quan, học tập những gương cựu chiến binh tiêu biểu về nghị lực vượt khó, những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả  trong và ngoài tỉnh để từ đó giúp cho hội viên vận dụng tốt vào sản xuất và kinh doanh. Bằng cách làm này những người cựu chiến binh - hội viên của ông đã giúp nhau vượt qua khó khăn, hòa nhập tốt với cộng đồng trở thành người công dân gương mẫu, đóng góp một phần quan trọng vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Năng.
Nhằm phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng thời thể hiện trách nhiệm tình cảm với đồng chí đồng đội, khi thấy còn nhiều hộ hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống, ông đã vận động các cấp hội cơ sở huy động hội viên ủng hộ và đóng góp xây dựng các quỹ như: quỹ thiên tai bão lụt, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo… kịp thời giúp đỡ nhiều gia đình hội viên vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu; động viên hội viên có ý chí vươn lên, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, tích cực lao động sản xuât, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng  cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Trong 5 năm qua (2009 đến 2014) quỹ Hội toàn huyện đạt 4,4 tỷ đồng, bình quân 1.100.000/1 hội viên; nhờ vậy đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 13,5% xuống chỉ còn 3,7%; nâng hộ giàu từ 18% lên đến 30%. Phần lớn các hộ khá, giàu của cựu chiến binh đã có nhà kiên cố, khang trang. Mức thu nhập của hội viên ngày càng tăng, đến nay toàn huyện có 887 hộ hội viên thuộc hộ giàu vơi mức thu nhập từ 100- 400 triệu đông/1 năm, có 18 hộ hội viên có mức thu nhập 500 – 900 triệu đồng/năm, có 09 hộ hội viên có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên/1 năm. Với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ, Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng được Trung ương Hội hai lần tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng 01 Bằng khen và 01 Bằng khen của Tỉnh Hội.
Ông nhấp thêm ngụm trà, đôi mắt chợt sáng lên cho tôi biết thêm: Đã là anh bộ đội, chúng tôi luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, không ngừng giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nên “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Chính những điều ấy đã giúp cho tập thể lãnh đạo các cấp của Hội cũng như hội viên đòan kết, cùng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi trên tinh thần đồng chí, đồng đội một cách dân chủ, tự nguyện; đó có lẽ là bí quyết để Hội chúng tôi thành công.
Chia tay ông, Nguyễn Tiến Chất - người cựu chiến binh đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, lòng tôi tràn ngập sự kính trọng, người cựu chiến binh mang trong mình nhiệt huyết truyền thống của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh (ông quê ở Kỳ Hưng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sự cống hiến của ông khiến tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Paven Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ôxtơrôpxki “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi ân hận vì dĩ vãng của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét