Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả NGUYỄN HOÀNG THU





CHÂU ÂU, NHỮNG NGÀY RONG RUỔI…
                                                                             

Sau một tuần thăm thú thủ đô Warszawa và cố đô Kraków – Ba Lan, chúng tôi quyết định chọn Berlin – Đức và Paris – Pháp để tiếp tục lãng du trong thời gian còn lại không lâu trên đất châu Âu. Warszawa và Kraków cách nhau gần 300 km, cùng tọa lạc bên dòng sông Vistula, đẹp trong vẻ thanh thản tinh thơm với những hàng cây đường phố gần kề vườn cây và rừng cây vàng rực nhẹ nhàng trong nắng thu. Ba Lan đáng nhớ trong lòng tôi là thế, sau 6 năm trở lại, vẫn êm đềm lá vàng miên man điểm cành lá đỏ của những cây phong chen lẫn trong rừng sồi và bạch đàn. Giữa quảng trường trung tâm thành cổ Kraków gần chân đồi lâu đài Wawel, trong nắng thu lạnh ban mai hoặc trời chiều chưa tắt nắng, hàng trăm con chim bồ câu đủng đỉnh bước chân thân thiện kề cạnh bước chân người thanh thản qua đường. Có giây phút nào tôi chợt nghĩ, một đất nước Ba Lan bị giết hại 6 triệu người trong thế chiến thứ hai, mà ngày nay, mọi người dân đều quí trọng chim thú và rừng cây… 
*
Ngồi trên con thuyền trắng xuôi ngược trên dòng sông Seine trong xanh tinh anh không một vụn rác giữa đôi bờ hàng cây lung lay cành lá vàng thu bên những ngôi nhà cổ kính tráng lệ của Paris, khoảng 200 mét lại gặp một chiếc cầu bắc qua sông với kiểu dáng khác nhau. Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng điểm mây trắng nhẹ nhàng bay trong gió thu sắp chuyển đông lạnh giá, tôi nghe niềm hạnh phúc ấm áp len lỏi vào lòng mình với cảm hứng yêu thương độ lượng gạn lọc những giận hờn nhỏ nhen. Con thuyền du lịch lướt chậm êm ái trên mặt nước sông Seine, xuất phát từ chân tháp Eiffel qua khỏi nhà thờ Đức Bà vài trăm mét thì quay lại bến bờ cũ bên quán cà phê dưới tán lá vàng thu. Màu lá thu vàng vấn vương nhẹ nhàng trong lòng tôi, từ những con đường nội thành Warszawa đến phố cổ Kraków, từ trong vườn nhà nhạc sĩ Chopin có bóng đàn thiên nga bơi trên dòng nước đến thành phố Wadowice quê hương Đức giáo hoang Jana Pawla II; còn vương vấn thêm khi tôi đặt chân trên đất Berlin, đẹp làm sao cành lá thu vàng rực nối tiếp nhau bên dãy tường thành ngăn cách Đông và Tây nước Đức, giờ được tô đậm sắc màu sự sống tốt tươi có bước chân người vui tay cầm tay qua lại bên những bước chân chim bồ câu nhún nhảy, thân thiện nhau một cách tự nhiên. Hoa lá cây cỏ con người và chim thú sống yên lành hai bên bờ nhánh sông ôm vòng thủ đô Berlin rộng lớn giàu sang của một dân tộc từ lâu không còn đố kỵ hận thù. Một đất nước không còn ai thiếu ăn, người giàu và người nghèo không ngăn cách trong ánh mắt nhìn nhau.
Màu lá vàng thu theo tôi từ Berlin sang Paris, vàng từ Khải Hoàn Môn giữa hai đầu đại lộ Champs Élysées, vàng từ vườn Luxembourg mơ màng đến đồi Montmartre nên thơ, vàng từ bảo tàng mỹ thuật Louvre hoành tráng đến lâu đài Versailles mênh mông diễm lệ với 700 phòng có từ đời vua Louis XIV tọa lạc trên vùng đất ngoại thành Paris, vàng khắp nẻo đường nội đô ánh sáng lộng lẫy hai bên bờ sông Seine có hơn 70 chiếc cầu bắc qua…Một màu vàng gợi cảm đặc trưng châu Âu những tháng mùa thu cho đến ngày rơi rụng không còn một chiếc lá, nhường chỗ cho tuyết trắng rơi bám đầy cành cây khi tiết mùa đã chuyển sang đông.
Ngày cuối cùng ở Paris, sau khi thăm nhà lưu niệm văn hào Victor Hugo, cô bạn trẻ Từ Huy, Tiến sĩ văn học, đang công tác trên quê hương của tác giả Những Người Khốn Khổ đã  dành trọn một ngày hướng dẫn chúng tôi thăm viện bảo tàng Louvre, từ tầng hầm lên hết các tầng trên không làm sao có đủ thời gian dừng lại thưởng thức 400.000 hiện vật điêu khắc và hội họa của bao nghệ sĩ kỳ tài của nhân loại từ thời cổ đại đến cận hiện đại. Lần lượt dừng lại bên bức tượng Vénus de Milo, Vénus de Vienne và những bức tượng Hy Lạp - La Mã trước công nguyên, đẹp đẽ nguyên sơ thuần khiết, là người không lịch lãm về mỹ thuật hình khối, tôi chỉ biết cảm nhận lòng mình thán phục con người xưa tài hoa quí trọng vẻ đẹp con người đã lao lực sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật lưu truyền mãi cho con người. Và, trước bức tranh bất hủ nàng La Joconde (Monna Lisa) của danh họa Leonardo da Vinci sáng tác cách đây hơn 500 năm tại bang Florence nước Ý, tôi mải mê nhìn nguyên bản đặt cao trang trọng trên bức tường của bảo tàng mỹ thuật lớn nhất thế giới. Bức tranh tuyệt tác nàng La Joconde được chụp lại qua sách báo, tôi đã ngắm nhìn biết bao lần từ 40 năm trước, đến bây giờ mới được tận mắt trước vẻ đẹp nguyên bản sắc màu mà danh họa thời phục hưng ấy đã điểm tô bằng bàn tay kỳ diệu tâm hồn.
*
Quỳnh Nga, người phụ nữ Hà Nội sống ở Đức hơn 30 năm, đã đón chúng tôi tại sân ga Berlin vào buổi sáng sau chuyến tàu đêm khởi hành từ sân ga trung tâm Warszawa. Một nụ cười đẹp trên khuôn mặt niềm nở và những cái bắt tay thân tình như từ lâu quen biết nhau cho chúng tôi cảm thấy ấm áp lần đầu tiên bước chân trên đất nước này. Cổng thành Berlin không còn ngăn cách và tường thành dài dặc đã được san bằng, xóa sạch dấu vết gai kẽm tối đen chia đôi Đông và Tây nước Đức, mở rộng những con đường thông thoáng yên lành cho Quỳnh Nga lái ô tô đưa chúng tôi thăm thú toàn cảnh thủ đô chỉ trong ba ngày lưu lại nơi này.
Chúng tôi đã dừng chân khá lâu bên ngoài và bên trong khu tượng đài tưởng niệm người Do Thái bị phát xít Hitler giết hại được nhà nước Đức ngày nay xây dựng và trưng bày bao hình ảnh tội ác đã qua. Tượng đài Do Thái gần kề tòa nhà quốc hội Đức đối diện với rừng cây rợp lá vàng thu rạng rỡ bên nhánh sông xanh lững lờ trôi quanh đô thành Berlin. Bất công và lầm lỗi tối đen đã đi khỏi Cộng Hòa Liên Bang Đức, còn lại đây niềm vui sống sáng tươi lành lặn, không phân biệt sắc tộc màu da, trong đó có cộng đồng người Việt Nam hơn 60.000 người. Buổi chiều ngắn ngủi còn lại, Quỳnh Nga không quên đưa chúng tôi thăm chợ Đồng Xuân của người Việt tại Berlin. Mấy trăm gian hàng sạch đẹp tươm tất giữa lồng chợ rộng khang trang bày bán đầy đủ vật dụng thiết yếu, đặc biệt tại những gian hàng thực phẩm không thiếu thức ăn và hương vị quen thuộc nào của Việt Nam; cũng như chợ người Việt tại thủ đô Warszawa-Ba Lan, chúng tôi vui mắt nhìn với tình cảm gần gũi từ lọ hạt tiêu đến bọc măng khô, từ hũ chao đến chai nước mắm, từ gói nấm hương đến hạt sen, từ củ tỏi đảo Lý Sơn đến con mực khô đảo Phú Quí của vùng biển quê hương…Giữa trời Âu lạ cảnh lạ người và ngôn ngữ, gặp đồng hương nghe bồi hồi niềm vui, thêm hình ảnh đậm đà hương vị Việt, lòng cảm thấy ấm áp nghĩ về đất nước ở xa xôi.
Quỳnh Nga giới thiệu chúng tôi với các bạn Việt Nam tại chợ Đồng Xuân-Berlin, vui vẻ và cởi mở như đã quen thân, tất cả cùng nhau vào một nhà hàng ấm cúng dưới ánh đèn vàng khi màn đêm lạnh bắt đầu buông xuống những hàng cây bên ngoài khu vực chợ. Rượu vodka Đức và những món ăn Việt được bày biện ra bên những khuôn mặt tình thân mới gặp nhau nơi xứ người.
*
Chuyến tàu đêm đi qua miền Nam nước Đức, 7 giờ sáng hôm sau mới đến Munich thành phố lớn giàu sang với dáng vẻ tân kỳ và cổ kính chỉ sau thủ đô Berlin của một quốc gia giàu có thuộc bậc nhất châu Âu. Lê Vân, người bạn thân 30 năm trước ở Hà Nội, đón tôi và hai người bạn tại sân ga. Một nụ cười mãn nguyện long lanh nước mắt trong vòng tay ôm, Vân nói, giọng xúc động niềm vui: “Cuối cùng mình cũng gặp được nhau, em vui rất vui, lại còn có bạn của anh nữa! Về nhà em nhé, có đủ chỗ nghỉ ngơi cho các anh, em cũng đã chuẩn bị bữa ăn sáng tại nhà. Em có duyên được đón tiếp anh và các anh tại nước Đức em đã sống hơn hai mươi năm qua...” Và suốt ba ngày lưu lại Munich, người bạn gái 30 năm trước với bao tình nghĩa đã ân cần chăm lo cho chúng tôi từ ly cà phê buổi sáng đến ly rượu buổi chiều tổ chức gặp gỡ bạn bè thân tình của em nơi xứ người trong tiết lạnh cuối thu châu Âu đó đây đã rơi đầy tuyết trắng trên những bóng cây chỉ còn thưa thớt lá vàng. Trời sắp chuyển sang đông, có đêm lạnh xuống 1-2 độ, Lê Vân đã chu đáo chuẩn bị thêm áo ấm cho chúng tôi, thân thiết như người thân không còn gì hơn nữa.
        Ngày cuối cùng ở Munich, vợ chồng Đặng Dũng-Thiên Kim, hai người bạn thân một thời ở Nha Trang hẹn gặp tôi tại nhà Lê Vân buổi sáng và tất cả cùng đi thăm cung điện Nymphenburg, một trong ba lâu đài cổ vẫn còn nét tráng lệ lộng lẫy tại thành phố lớn miền Nam nước Đức ngày nay. Bên ngoài và bên trong cung điện Nymphenburg hoành tráng nguy nga từng căn phòng nối tiếp nhau bày biện đầy đủ di sản lịch sử một thời đế vương không kém gì lâu đài Versailles của Pháp tọa lạc trên vùng đất ngoại thành Paris. Lâu đài thành quách nào cũng vậy, xem thì xem để biết vẻ đẹp lạ và kì vĩ của xứ người, cái đáng nhớ đời với tình cảm bồi hồi xao xuyến trong tôi vẫn là sự tốt tươi sinh động hài hòa của thiên nhiên diễm lệ có ít nhiều bàn tay chăm chút của con người.
Bước ra ngoài cung điện Nymphenburg, thêm một lần tôi dừng lại ngắm nhìn thảm cỏ xanh vuông rộng bằng phẳng mượt mà như nhung, bốn góc cạnh được trang trí màu hoa đỏ thắm tươi dài theo bờ cỏ, kề cạnh đó là dòng nước trong xanh có đàn thiên nga trắng nhẹ nhàng bơi lội yên lành dưới bầu trời cao lồng lộng đầy nắng và bóng lá vàng rạng rỡ của một ngày cuối thu. Một chuyến đi xa, ý nghĩa không chỉ nhìn nhận bao điều mới lạ tốt tươi, đẹp hơn nữa là tình ý chân thành thân thiết của những người bạn xa bao năm gặp lại nhau, và những người bạn mới gặp gỡ trên đất châu Âu, cởi mở thật lòng như thân quen nhau từ lâu.

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả TRÚC HOÀI



Lên vạn lý

      “Bất đáo Trường Thành, phi hảo hán”.
                                                        Mao Trạch Đông



Suốt một đời vất vả
Chẳng tiếng cũng chẳng danh
Nay hả lòng, hả dạ
Trên Vạn Lý Trường Thành

Này nhé, nhớ từ đây
Ta là trang hảo hán
Trán chạm đến tầng mây
Dưới chân núi uốn lượn

Ơi người bạn yêu quý
Hãy lên đây cùng ta
Hãy lên cùng Vạn Lý
Rồi bay lên thiên hà.
                                 

Bắc Kinh, 31-7-1998

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - giới thiệu chân dung Nhà văn TRÚC HOÀI







Tên thật: Nguyễn Trúc      
Sinh năm: 1942
Quê quán: Bình Định
Hội viên Hội Văn hc-Ngh thut Đắk Lắk
Tác phẩm và giải thưởng:
- Từ những tháng năm. (Thơ, NXB Hội Nhà văn 2 tập)
- Vượt dải Trường Sơn. (Nhật ký và truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2007). Giải C, Giải thưởng Chư Yang Sin lần thứ nhất của tỉnh Đắc Lắc.
- Từ sông Krông Bông, Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân. Giải  C, giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, 2012.
- Bộ ảnh tư liệunghệ thuật  “ Việt Nam – Đất nước tôi ”, gồm 150 ảnh.
Tâm niệm:
Kết duyên cùng CÁI ĐẸP thuở ấu thơ
Không thề nguyện cũng thủy chung đến giây phút cuối.
(Trích bài “ Giải bày với hoa” của TH)





Chúng tôi gác
cho cô ấy tắm




Chúng tôi gác cho cô ấy tắm
Ở chiến trường này chuyện thế chẳng lạ đâu




Mùa khô, mùa khô dòn lá cánh rừng dầu
Cháy sém đồi tranh, núi đá ong nhả khói
Tìm nơi đóng quân chúng tôi len lỏi
Đến với từng cái mạch, cái khe
Có những khi vui sướng đến hả hê
Chợt gặp vũng nước voi đầm còn sót lại
Cả trăm người, con trai và con gái
Dân công, bộ đội quây quần
Mỗi mùa khô có biết bao lần
Bọn biệt kích rình chúng tôi ở nơi có nước
Vài phút sau chúng tôi hứng được
Những trận bom sạt núi đá tai mèo
Những trận pháo điên cuồng cấp tập bồi theo
Rồi trực thăng ầm ầm đổ quân vây bủa
Có đêm lạnh chúng tôi nổi lửa
Thám báo ém quân tập kích bất ngờ
Còn hôm nay, vào lúc tờ mờ
Đội công tác năm người về tập kết
Đêm hoạt động khiến chúng tôi thấm mệt
Và cô gái cần một mạch nước xa xa
Chúng tôi âm thầm ôm súng AK
Hai đứa hai đầu gác cho cô ấy tắm

Trên bầu trời phản lực gầm như sấm
Trực thăng bay theo những đội hình
Pháo tầm xa đã dội ình ình
Một ngày hành quân Mỹ bắt đầu rồi đấy

Từ suối hiện lên
                     hiện lên
                                 cô gái ấy
Tóc hứng gió rừng, vai vác khẩu AK
Súng nổ ran trảng cỏ trước rừng già.
                                   
                                                                                     Những ngày ác liệt, 1972
Chắc anh chết



Em bảo mạng anh sao lớn quá
Bom đạn chiến trường bao bận tránh anh
Nhưng em ơi, điều này thì không lạ
Chắc anh chết chìm trong biển mắt long lanh.
                                                             


SỐ: 247 - tác giả KIỀU MAILY





Có khi…





Có khi cơn gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa

Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh

Như loài hoa hồng héo rụng mẹ quét vào chiều
Cuống khô còn lưa thưa mắt
Không cách nào ghì níu lại
Như cái Út đánh rơi viên bi tuổi thơ
Vào quên lãng

Em có thể lục album ảnh cũ để nhận mặt anh
Nhưng em đã không
Như em không muôn phone để được nghe giọng cha trầm và ấm
Dù không cách nào đánh thức
Kí ức đã rất xa

Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.


Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả LÊ VĨNH TÀI



 
Nhà thơ LÊ VĨNH TÀI



Hay là gió làm em nước mắt…





đêm ơi
hay là như thế này
đêm cay đắng và âm thầm chờ đợi
nếu không đợi chờ em đêm còn biết làm gì
em rơi xuống như con chim trúng đạn
hay là gió làm em nước mắt
cùng rơi

đêm ơi
mái tóc ngắn xíu của em
cứ hay cười vì hay buồn vô cớ
đám mây thấp ngày mưa ẩm ướt
chiếc khăn tay hạnh phúc của em
làm ướt cả cánh đồng tăm tối

đêm ơi
anh vẽ em trong hai con mắt
đen và buồn
ngày anh thức mà em chưa tỉnh dậy
trong nhà hát của giấc mơ
em mặc chiếc áo thun màu cỏ
lạc vào giấc mơ bazan bụi đỏ
đang vẫy theo em sau cửa kính và chiếc gạt nước
mỏi mệt vì mất ngủ
mỏi mệt vì đau đớn

không một chiếc cầu thang nào đủ dài
bằng ngày mưa phố núi
dắt anh đến những quạnh hiu xa xăm
nhớ về cánh đồng
có một người cười buồn như một em bé

những quanh co của núi
đang mò mẫm như người mù bên cánh cửa
em hãy làm con mắt thứ ba
kẻo anh té ngã

đêm ơi
em chỉ để lại chiếc áo cũ của em
và mang trái tim phố núi ra đi
một kiểu kinh doanh với lợi nhuận thật tàn nhẫn
khởi sự với giọt nước
kết thúc với suối nguồn
với tiếng đàn
của thi sĩ Vũ Ngọc Giao đang say rượu
ép thành đĩa nhựa
quay mãi bài hát mà em đã khóc
hãy ngồi xuống đây…

nỗi đau từ xa đến này
rốt cuộc đã va phải núi
cứ hay cười vì buồn vô cớ
những tiếng đàn lang thang ngoài hành lang
quán Văn đau thắt

có một người mù
bỏ đi một xứ khác
bốc hơi…

SỐ: 247 - tác giả - NGUYỄN ĐỨC KHẨN








Vầng trăng ấy ơi






Hôm qua em hát
vầng trăng ấy ơi
hôm nay lỗi nhịp
người ấy đi rồi
thế là câu hát
vô tình lẻ tôi
làm cho con mắt
khóc thương cõi người
phận sao mỏng thế
ối trời đất ơi!

Hôm nay em khóc
vầng trăng vỡ đôi
thế là câu hát
dở dang đứt lời
nắng thưa nhạt nắng
mây tơi tả trời
một lần mơ ước
mấy lần chơi vơi
chim khuyên mất bạn
hót câu rã rời
trăng ngày bỗng nhạt
giữa cuộc đời tôi.

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả NGÔ THẾ LÂM





Khúc hát ân tình


Em có về cùng anh
Quê mẹ miền Trung ngàn đời nắng gió
Tình người đơn sơ, hồn nhiên như cỏ
Bão lũ tràn về để sông chảy thành thơ

Em có về cùng anh
Nghe triều lên dặt dìu lời biển gọi
Nghe gió tự tình bài ca về hạt muối
Thương một đời cha da nhuốm nắng mặn mòi


Bát nước chè xanh ấm một lời mời
Từ ngày xưa ông bà ta đã gặp nhau như thế
Nghe đất trở mình kể chuyện đời dâu bể
Vôi trắng lá trầu một thuở kết thành đôi

Em hãy về quê mẹ một lần thôi
Để câu dân ca níu hồn người ở lại
Mẹ hát “giận thương” vọng về da diết mãi
Người xa người nhớ muối mặn gừng cay

Lòng dặn lòng ai nhé, chớ đổi thay
Lời hẹn thủy chung ấm nồng hơi thở
Như mẹ cha ta thì thầm một thuở
Một ngày cũng thành vàng đá trăm năm

Em hãy về cùng anh
Nơi giông bão đã lùi xa, nhịp đời trôi hối hả
Biển trả ơn cha bội mùa tôm cá
Đời mẹ cũng qua rồi tần tảo sớm khuya

Đôi mái chèo lại vỗ nhịp sông quê
Dâng ngập phù sa ngát thơm, bờ bãi
Điệu ví ru anh thời trẻ thơ sống dậy
Em thấy không em, đẹp lắm quê mình!




4/11/2012

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả TUYẾT TRINH





Không đề


Em nghiêng tay tìm nắng
Rồi nghiêng đời tìm anh
Đặt mình vào thế chông chênh
Tim rơi
Vỡ tan tành câu yêu
Bóng nắng đổ xiêu
Bóng em nghiêng
Anh thì đứng thẳng
Em xoay trái đất
Đi tìm anh giữa 8 tỷ người
E.P 20/02/2013

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả DUY HOÀN







Đêm cồng chiêng trên biển




Cứ ngỡ như mơ
Em xuôi về phố biển
Gửi vào đêm, lời gió ngàn thánh thiện
Nhịp chiêng cồng thao thức cả vầng trăng

Dìu dặt, trầm, thăng
Tiếng thanh, tiếng đục
Rộn rã, hùng thiêng thôi thúc
Mơ hồ, mạnh mẽ, khát khao…

Ánh mắt người trao
Giữa bập bùng ánh lửa
Mnê ơi! Em mang về nhịp thở
Từ thẳm sâu, hoang dã phía đại ngàn
Tiếng chiêng cồng níu gọi cả không gian

Tím, đỏ, hồng, vàng
Tua chỉ mềm vai áo
Sắc hoa pơ lang trắng trong thơm thảo
Để chàng trai biển xốn xang

Thổn thức, mênh mang
Như tự tình cùng nàng thiếu nữ
Lửa rượu cần
     ngất ngây
            người viễn xứ
Khơi xa ùa về hương biển mặn bờ môi…

Nha Trang 2013

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả KIỀU THÀNH





Em về



Em về với sóng trùng dương
Biết chăng ai đã khói sương quyện lòng?
Khô khan viết gởi đôi dòng
Cất trong tiềm thức hương nồng tình xưa

Em về có gặp gió mưa
Khi mùa đông đến có vừa gối chăn?
Núi ngồi đầu đội mây giăng
Lim dim tưởng biển rất gần, hóa xa

Em về hát bản tình ca
Du dương điệu nhạc có nhòa câu thơ?
Đêm nay dưới ánh trăng mờ
Núi nghiêng bóng sẫm phất phơ gió ngàn

Em về cách trở quan san
Bài thơ đang viết lỡ làng mấy câu
Nhớ em, tóc đã phai màu
Ngỡ rằng dịu bớt ngờ đâu ngập lòng!

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả HUỲNH DUY HIẾU






Trái tim em cất đầy rượu ngọt



Hề ta uống cạn ly này nữa
Chỉ hơi chếnh choáng nào đâu say
Giữa cuộc dường như ai tiếp lửa
Đốt cháy hồn ta ra khói mây

Cơn buồn sao cứ theo đeo bám
Chạy mãi nhìn quanh vẫn thấy gần
Có lẽ nhờ ta đang có rượu
Tiếp sức vào không thấy mỏi chân

Ừ thôi tăng tốc cho mau tới
Xa cả trần gian quá bộn bề
Xuôi ngược mảnh đời bao rối rắm
Buồn bã thi nhau đến cần kề

Hề xin uống cạn thêm lần nữa
Say quá tìm nơi ngủ phẻ re
Quên đời mộng mị không nên dáng
Quên cả buồn đau đang hăm he

Chắc lẽ sau này không nhớ rượu
Tỉnh rồi lại thấy đời nguyên xi
Thôi thì xin nụ hôn say đắm
Vẫn ngất ngây như thuở dậy thì

Chỉ có tình em là rượu ngọt
Uống vào đang tỉnh hồn say ngay
Cơn buồn trốn chạy nơi xa lắc
Đời nở hoa hương sắc phơi bày



Trái tim em cất đầy men rượu
Hãy rót vào ta trong đêm nay
Hãy rót vào ta trong giấc ngủ
Và cả đời ta đang muốn say.




Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả SƠN THÚY





Khúc ru của bà


À… ơi…
Giời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi bế bồng con của người ta
Cháu ngoan cháu ngủ với bà
Mẹ đi “xuất khẩu” vài ba năm về

À… ơi…
Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm với gì, uống nước với cô
Bố còn ra tận thủ đô
Gồng thuê gánh mướn khi mô mới về?

À… ơi…
Ước gì quê đúng là quê
Bờ tre chim hót, tứ bề ruộng nương
Cái cò trắng muốt trong sương
Bay trên ruộng lúa bờ mương xanh rờn

À… à… ơi…
BMT, 1/10/2012

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả HÀN PHONG VŨ


Chùm thơ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 – 3




Ngày của mẹ
             



Cả cuộc đời mẹ chưa một lần có ngày tám tháng ba
Bởi thương chồng con mẹ tảo tần mưa oằn vai sớm chiều lam lũ
Không phải mẹ không biết ngày tám tháng ba
là ngày Quốc Tế Phụ Nữ
Mà tay mẹ trăm công ngàn việc ruộng nương gà lợn
quên khuấy tháng ngày…

Ngày yêu thương cha không dám mua quà tặng mẹ
Vì sợ mẹ buồn nói cha bày vẽ làm chi
Con muốn mua hoa thì mẹ bảo đừng lãng phí
Chỉ cần cha thương yêu
Con hiếu ân là lòng mẹ vui rồi…

Ngày phụ nữ biết bao người được chồng con nâng niu
chiều chuộng
Ngược lại mẹ tôi còn chiều chuộng chồng con
Mẹ bảo hạnh phúc nhất cuộc đời là được chăm sóc gia đình
 sớm tối
Mỗi ngày bận bịu việc đồng chuyện nhà khó chu toàn trên dưới
Hôm nay mẹ dành thời gian yêu chồng thương con nhiều hơn…

Ôi lòng mẹ bao la hơn trời biển
Ơn nghĩa sinh thành cao tựa Thái sơn
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau nuôi con khôn lớn
Rồi con đi xa
Nỗi nhớ thương mong mỏi hằn đôi mắt mẹ vạn nếp nhăn buồn…


Ngày của Mẹ!
Thêm một lần con bất hiếu phương xa nghẹn ngào hờøn tủi
Mua bó hoa tươi tặng mẹ mà không dám gửi về
Mượn vần thơ tỏ lòng yêu thương dâng Người thành kính
Nguyện cầu mẹ hiền đắc thọ bình yên…

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả KHÔI NGUYÊN




Nhà văn KHÔI NGUYÊN


VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐẮK LẮK
HOẠT ĐỘNG ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG,
ĐẬM CHẤT NHÂN VĂN


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ấy”. Đảng, nhà nước và nhân dân ta cũng đánh giá cao và khẳng định vai trò đặc biệt của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển của cách mạng và đất nước nói chung và trong việc trực tiếp góp phần xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của chế độ mới, xây dựng và nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam nói riêng.
Trong Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng tại Đại hội VI có nêu: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ và nếp sống của con người.” Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của CNXH. Văn học, nghệ thuật là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về Chân – Thiện – Mỹ” và “Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng, ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.” Nghị quyết Trung ương 5 – khóa VIII đề ra nhiệm vụ cụ thể: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến XHCN đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.” Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết số 23-NQ/TW).
Hội VHNT Đắk Lắk là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người có trình độ trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật sinh sống và làm việc tại Đắk Lắk; mục đích của Hội là tổ chức, tập hợp, động viên văn nghệ sĩ hoạt động sáng tạo, xây dựng và phát triển VHNT Đắk Lắk phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Hội VHNT Đắk Lắk đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý và bảo trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian qua, Hội đã làm tốt vai trò của một tổ chức tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh nhà với tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Dân tộc – Hiện đại”. Hiện nay Hội có 200 hội viên hoạt động ở các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu – biểu diễn, phát thanh truyền hình, nghiên cứu – sưu tầm văn hóa dân gian, được tổ chức thành 9 chi hội (7 chi hội chuyên ngành và 2 chi hội cơ sở cấp huyện).
*
Trong những năm vừa qua, văn học nghệ thuật của Đắk Lắk nói riêng và toàn quốc nói chung chịu sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố. Đó là sự tác động của tình hình quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa về mọi mặt làm biến đổi sâu sắc tư duy con người, trong đó có sự ảnh hưởng đến VHNT; những trào lưu, tư tưởng, lý luận về VHNT trên thế giới xâm nhập vào nước ta gồm cả tích cực và tiêu cực; các thế lực thù địch đẩy mạnh “âm mưu diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ khi có điều kiện nên chúng tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn nghệ để thực hiện âm mưu “xâm lăng văn hóa”. Bên cạnh sự tác động của tình hình quốc tế là sự tác động của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ làm biến đổi, thậm chí làm đảo lộn các giá trị vốn có trong xã hội để tìm kiếm, định hình các giá trị mới là tiền đề dẫn tới sự phân hóa mạnh trong công chúng nghệ thuật về quan niệm, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ… Những tác động kể trên dẫn đến xu hướng đa dạng hóa các trường phái, các nhóm quan niệm khác nhau về văn học nghệ thuật.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của văn học nghệ thuật trong cả nước, Hội VHNT Đắk Lắk đã tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” và Kết luận số 213 của Ban Bí thư (khóa X) về thực hiện Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật” bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức khác nhau, hướng tới ba mục tiêu: Một là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hai là xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới; ba là nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức các hoạt động, đảm bảo yêu cầu phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Trong những năm qua, tạp chí Chư Yang Sin – cơ quan ngôn luận của Hội – luôn bám sát tôn chỉ: tuyên truyền các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của địa phương bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật; bên cạnh đó, Hội tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh, nhiều chương trình hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương và của đất nước để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân nhưng đồng thời cũng là định hướng về chân – thiện – mỹ cho độc giả, khán thính giả, góp phần vào thành công của các lễ hội. Hội thường xuyên tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức các đợt học tập, triển khai, quán triệt các Nghị quyết của Đảng; tổ chức các hội nghị hội thảo hoặc trại sáng tác, đi thực tế sáng, các cuộc thi sáng tác theo chủ đề, các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ… nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, và niềm say mê hoạt động, sáng tạo văn học nghệ thuật. Cũng phải nói thêm rằng, Đắk Lắk là tỉnh duy nhất của cả nước suốt 22 năm qua liên tục tổ chức được các lớp bồi dưỡng sáng tác văn học nghệ thuật cho thanh thiếu niên của tỉnh vào các mùa hè để đào tạo lực lượng kế cận trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Hàng ngũ lãnh đạo Hội (cao nhất giữa hai kỳ Đại hội là Ban Chấp hành Hội) hoàn toàn do sự tín nhiệm của hội viên bởi phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo và năng lực quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động của Hội, có tâm huyết với Hội, có tinh thần đoàn kết thống nhất vì mục đích xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.
Tỉnh đã có chủ trương xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chư Yang Sin 5 năm/lần và cấp kinh phí cho Hội tổ chức xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật hàng năm, cấp kinh phí cho Hội tổ chức Trại sáng tác cho thanh thiếu niên Đắk Lắk vào các mùa hè, cấp kinh phí để xuất bản tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin… là việc làm thiết thực thể hiện sự quan tâm đến hoạt động văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đã có một số huyện, cơ quan, đơn vị đã phối hợp hoặc tạo điều kiện cho Hội tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các buổi giao lưu cho văn nghệ sĩ (điển hình là các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Krông Ana, Krông Păc, Ea Suôp, Buôn Đôn… và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty Cơ giới Đồng Tâm, trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng…). Đây cũng là điều kiện để văn học nghệ thuật bám sát thực tế cuộc sống để phản ánh bằng hình tượng nghệ thuật và quay trở lại phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, sự liên hệ thường xuyên giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Hội, sự phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động giữa Hội với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, việc mở chuyên mục Văn học nghệ thuật của Đài phát thanh – truyền hình Đắk Lắk đã khẳng định được các hoạt động của Hội đã và đang được Đảng, Nhà nước, các cấp và các ngành cũng như đồng bào nhân dân các dân tộc của tỉnh Đắk Lắk quan tâm.      
Bởi vậy, mỗi năm, hơn 6000 cuốn tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, hàng chục đầu sách được xuất bản, hàng trăm tác phẩm đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, nhiều tác phẩm có sức lan tỏa, tác động vào tâm hồn, tình cảm con người không chỉ trong phạm vi địa phương, trong khu vực, toàn quốc mà còn mở rộng đến bạn bè thế giới.
Tất cả các hoạt động văn học nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk từ khi được thành lập (1990) cho đến nay, đều đúng định hướng, đậm tính nhân văn.