Tác giả HỒNG CHIẾN |
TRƯỚC THỜI CƠ VÀ THÁCH
THỨC
CỦA THỜI ĐẠI
Cả nước nô nức
đón chào Xuân Quý Tỵ - 2013 với biết bao mừng vui trước thành công của công cuộc
đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Và Xuân này càng vui hơn khi
mọi người, mọi nơi trên khắp mọi miền đất nước sôi nổi cùng nhau tham gia góp ý
vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; công việc hệ trọng này đã trở thành một
phong trào sinh hoạt chính trị sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung và
giới văn nghệ sĩ nói riêng. Hòa chung không khí ấy, văn nghệ sĩ, cũng tích cực
tham gia góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đây chính là cơ hội
để giới văn nghệ sĩ đem tài trí của mình tham gia kiến quốc.
Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn
học nghệ thuật nước ta luôn đồng hành cùng dân tộc và có thể nói đã góp phần
quan trọng làm nên những trang lịch sử chói lọi của tổ quốc. Trong lúc cuộc kháng
chiến chống Thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt; tuy bận rộn với nhiều công việc
của một nguyên thủ quốc gia trong thời chiến, nhưng biết tin có cuộc triển lãm
hội họa, Bác vẫn giành thời gian viết thư cho các họa sĩ, trong thư đã khẳng định:
“Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt
trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951).
Điều ấy đủ để chúng ta thấy Đảng và Bác đánh giá
rất cao vai trò của văn nghệ sĩ và xem đó là một lực lượng không thể thiếu để
tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của
cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nước nhà thống nhất, Đảng ta đã ban hành
Nghị quyết số: 23 NQ/TW “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ
thuật trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh
vực rất quan trọng đặc biệt tinh tế của văn hoá, là nhu cầu thiết yếu thể
hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một động lực to lớn trực tiếp
góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của
con người Việt Nam”.
Để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, những người con ưu tú của dân tộc, cùng
chung sức đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, Đảng đã thành lập Hội Văn
hóa cứu quốc từ rất sớm, năm 1948 thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam – nay là Liên
hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và trở thành một tổ chức “Chính trị xã
hội nghề nghiệp” của Đảng. Những người văn nghệ sĩ chân chính tự nguyện gia nhập
tổ chức của Đảng là chấp nhận phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, nguyện tuyệt đối
trung thành với Đảng. Thắng lợi của các cuộc khánh chiến giải phóng dân tộc, thống
nhất đất nước cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc do Đảng ta lãnh đạo
trong suốt thời gian vừa qua có sự đóng góp vô cùng to lớn của giới văn nghệ sĩ.
Hòa bình lập lại, công cuộc tái thiết đất nước cũng như công cuộc đổi mới của Đảng
ta hiện nay, vai trò của người nghệ sĩ càng
có tầm quan trọng hơn bao giờ hết; lịch sử đã chỉ ra: không có công cụ
tuyên truyền nào có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân như văn nghệ;
không có bất cứ một phương tiện nào có thể tác động có hiệu qủa lên mọi tầng lớp
nhân dân về “Chân – Thiện – Mĩ”, như văn nghệ; đây chính là niềm vinh dự, tự hào
của những người văn nghệ sĩ.
Văn học nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới
của Đảng trong thời kỳ hội nhập, nó tác động lên mọi mặt của cuộc sống con người,
vì thế không có gì ngạc nhiên khi một số thế lực thù địch, chống phá nước ta, âm
mưu tiến hành cuộc chiến diễn biến hòa bình đã kêu gọi tách văn nghệ sĩ ra khỏi
tổ chức của đảng, thành lập “Hội Văn nghệ phi chính phủ!”, nhằm chia rẽ đảng với
văn nghệ sĩ. Đây cũng là lúc thể hiện bản lĩnh của người nghệ sĩ chân chính, một
lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định lập trường tư tưởng
cộng sản, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc nhằm mục tiêu cao cả: ổn định
chính trị để kinh tế phát triển.
Hiện nay Đảng và Nhà nước tiến hành lấy ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992, các thế lực thù địch đang cố gắng lợi dụng dân chủ, bội nhọ chế độ
và âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, đoài tước quyền lãnh đạo của Đảng đối
với đất nước thông qua việc sửa đổi hiến pháp. Âm mưu thâm độc này đã bị đông đảo
nhân dân trong nước cũng như các trí thức tiến bộ trên thế giới cực lực lên án.
Chúng ta, những văn nghệ sĩ kiên định đi theo Đảng, dùng chính tác phẩm của mình
vạch trần âm mưu xảo quyệt của kẻ thù để giữ vững lòng tin của quần chúng nhân
dân đối với Đảng; đồng thời có những ý kiến đóng góp tích cực để bản Hiến pháp
mới hoàn thiện hơn, phù hợp với xu thế của thời đại; phấn đấu xây dựng nước nhà:
“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như lời Bác dạy.
Một mùa xuân nữa lại về, những người chiến sĩ trên mặt trận văn học nghệ
thuật tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, tiến bước dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng,
xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần làm
cho: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; sánh vai với các
cường quốc năm châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét