Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

SỐ: 247 - tác giả LÊ CÔNG HƯƠNG



                     

CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG TỈNH ĐẮK LẮK
NHỮNG NGÀY THÁNG 3 NĂM 1975


Sau giải phóng 10/3/1975, ngày 15/3 Ủy ban quân quản (UBQQ) chính thức đóng trụ sở tại Đình Lạc Giao (thị xã Buôn Ma Thuột). Ngày18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã ra mắt đồng bào tại đình Lạc Giao. Công việc chính của Ủy ban là lo ổn định tình hình, xuất kho gạo cấp phát cho nhân dân, xây dựng chính quyền cơ sở, chuẩn bị kế hoạch đề phòng địch phản kích; vận động các buôn làng xung quanh thị xã cũng nổi dậy lập chính quyền cách mạng; kêu gọi y bác sĩ chế độ cũ trở lại bệnh viện lo cứu chữa cho dân; phối hợp với bộ đội chủ lực tiếp quản những công việc để giữ gìn trật tự an ninh... UBQQ phân công nhau, người lo mảng kinh tài, người lo mảng y tế, người lo mảng giáo dục; một bộ phận tiếp quản, quản lý và sử dụng hệ thống giao thông vận tải...             
Ngày 18/3, Đồng chí Y Blôk Êban,  Chủ tịch UBQQ đọc diễn văn ra mắt của Ủy ban quân quản. Ngày 19/3 có 3 tốp máy bay đến bỏ bom xung quanh đình Lạc Giao, hơn 200 người dân đã bị chết và bị thương, nhưng nhờ lực lượng bác sĩ, quân dân y cứu chữa, cũng đã phần nào giảm bớt tổn thất.
Những ngày đầu mới giải phóng, UBQQ đã vận động bà con làng Lạc Giao tham gia 2 việc là sửa đường ống nước và khôi phục điện. Các đồng chí trong UBQQ xác định rằng, chúng ta giành được chính quyền mà không giữ được chính quyền thì cũng bằng không. Lực lượng quần chúng là quyết định trong việc giữ chính quyền, giữ chính quyền không có dân không được, trong thực tế nhân dân rất ủng hộ lực lượng cách mạng, quả thật phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa; không nhờ dân giúp đỡ, UBQQ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có tinh thần ủng hộ của nhân dân sẽ rất khó thắng lợi.
Cùng thời gian này, ở Cheo Reo, ngày 20/3/1975, các lực lượng huyện, đội công tác và cán bộ của tỉnh Đắk Lắk được tăng cường xuống tiếp quản thị xã Cheo Reo và tổ chức mít tinh, hơn 1700 quần chúng tham dự, nghe tuyên bố của chính quyền cách mạng, xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban quân quản thị xã do bác sĩ Siu Pui (Ama Thương), Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thị xã Cheo Reo.
Trước đó, công việc tiếp quản thị xã, lực lượng ta giáo dục quần chúng giữ nguyên số dân trong thị xã để không ai chạy theo địch. Trên 2 vạn dân tỉnh Kon Tum và tỉnh Plei Ku di tản dồn lại ở đây được Ủy ban quân quản và bộ đội ta giúp đỡ lương thực, bố trí phương tiện cho họ trở về quê cũ. Lực lượng vũ trang công tác huyện và du kích còn đi sâu vào rừng để thu gom trẻ em chạy lạc. Đồng bào cũng kêu gọi tề ngụy địch ra hàng và nhiều nơi tổ chức thành lập chính quyền cách mạng.
Ở Đông Cheo reo (H2), lực lượng của huyện và đại đội 303 tỉnh Đắk Lắk tăng cường đã tấn công vào yếu khu Tòa lóa (Tloah) và toàn bộ khu ấp Đức Hưng, Đức An, Đức Lộc, đồng thời dùng súng cối bắn vào quận lị Phú Túc, điểm chốt Chư Ngất - đánh tan 1 đại đội bảo an và 2 trung đội nghĩa quân, giải phóng 4000 dân, nhân dân phá khu dồn kéo về làng cũ ở phía nam Sông Ba.
Ngày 16/3/1975 địch tổ chức phản kích giải tỏa yếu khu Tòa Lóa (Tloah) để dọn đường cho quân địch rút chạy, đã bị ta chặn đánh. Lực lượng huyện và du kích phục kích trên đường 7 đánh địch rút chạy bắt sống hàng trăm tù binh. Ngày 17/3/1975 bọn địch ở quận lị Phú Túc (nay là Krông Pa) phải rút chạy. Từ ngày 18/3/1975 đến 22/3/1975 ta đã tiếp quản và giải phóng toàn bộ hệ thống ấp chiến lược và khu dồn xung quanh quận lị, các khu vực dọc đường 7 lên đến cầu Ai Nu  gồm 78 buôn và 23 khu ấp.
Theo lời kể đồng chí Siu Pui: “Qua chiến thắng của ta ở đây, nhân dân các buôn làng rất phấn khởi và đã hăng hái tham gia giữ gìn trật tự an ninh, họp tàn quân địch, tề ngụy lẩn trốn ra đầu thú, trình diện nộp vũ khí cho ta ngày càng đông. Trên đường số 7, các chiến sĩ sư đoàn 320 để lại các bao gạo tự giác để cứu  dân dọc đường. Có những tốp lính ra tự thú rồi ngồi quanh bao gạo, chờ người của ta đến tiếp nhận, phóng thích.  Vì thế, lúc đó anh em chúng tôi thường nói đùa với nhau “Gạo là sĩ quan tiếp nhận tù binh”. Ngoài ra, cũng phải kể đến hoạt động của đại đội 303 và các lực lượng vũ trang, du kích huyện 2 đã kịp thời lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ nổi dậy, giải phóng các ấp Tà Bá, quận Phú Túc lên đến Ai Nu với 78 buôn khiến bọn địch tháo chạy lọt vào giữa vùng giải phóng của ta. Nhân dân vùng đất bằng Plei Ya, căn cứ cũ Huyện 2 đã hỗ trợ rất lớn cho các địa phương bạn trong cuộc vùng dậy lịch sử này”.
Chiến thắng đường 7 ở Tây Nguyên đã góp phần tiêu diệt các đơn vị lên tới 6 liên đoàn biệt động, 3 trung đoàn thiết giáp và pháo binh, công binh, phần lớn lực lượng cơ hữu Quân đoàn 2 ngụy ở vùng cao nguyên, bắt sống và buộc địch ra trình diện gần 6700 tên, giải phóng một vùng đất rộng lớn. Đường 7 đã ghi vào lịch sử là nơi đã xóa bỏ tên tuổi của Quân đoàn 2 ngụy khi chúng trên đường tháo chạy, tô thắm trang sử của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Sự ra mắt của Ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk (Chính quyền nhân dân cách mạng) trong những ngày tháng 3/1975 là thắng lợi to lớn của sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền trong ngày mới thắng lợi, kế tục chính quyền cách mạng trong những ngày đầu tháng 8/1945 và chính quyền cách mạng tại các vùng giải phóng, các vùng căn cứ kháng chiến thời chống Pháp, chống Mỹ. Như Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã nói “Giành được chính quyền đã khó. Giữ được chính quyền còn khó hơn”..., mở đầu công tác xây dựng chính quyền nhà nước Cách mạng dân chủ nhân dân thời kỳ đầu 3/1975 và chính quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam độc lập, dân chủ, xã hội chủ nghĩa, tiến bộ và cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét