Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

SỐ 263 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI




Mưa thành cổ


Những cơn mưa tự năm nào
còn mưa trắng lối chị vào thăm anh
tay lần theo những vô danh
chị đi từ thuở tóc xanh đến giờ

Quây quanh chị những nấm mồ
nén hương mưa dập gió lùa đổ nghiêng?

Khum tay châm lại nỗi niềm
tắt từ năm trước, từ đêm mưa nào
sống bằng kỷ niệm, chiêm bao
đi bằng nước mắt chị vào thăm anh

Chân trời bia mộ vòng quanh
lưng còng đổ xuống mà thành mái tăng
che làm sao được tháng năm
cứ mưa như chỉ sống bằng cơn mưa

Đỡ lên hương khói gió lùa
thắp cho thành Cổ bốn mùa khói hương
vốc lên từng nắm thịt xương
lẫn trong đất cát con đường, dòng sông…

Được bao năm nữa lưng còng
trong cơn mưa hóa mái tăng trên mồ
che cho những nắm xương khô
gọi là có nấm mà giờ nằm đâu?

Mấy tầng mây vẩn trên đầu
nhìn ra thành Cổ một màu trắng tinh
trắng như lòng chị tiết trinh

bao năm vẫn chỉ một mình vào thăm…

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

SỐ 263 - tác giả LÊ MINH PHONG




LINH HỒN BIỂN
          
Viết tặng Lê Vĩnh Tài

                                                                                                            Truyện ngắn

Tôi cam đoan rằng một bé gái cũng có thể làm được những điều như thế. Nghĩa là tôi cũng có thể trèo lên ban-công và đi trên dãy lan can mỏng manh ấy. Điều đó thật đáng sợ. Và cha tôi, với cái điệu khệ nệ của ông, thường rú lên mỗi khi tôi lao vào cái trò nghịch dại đó. Khi cha tôi thu mình trong phòng và lau lại những bức tranh cũ rích của ông thì tôi thường rón rén trèo lên ban-công và nhìn về phía có những đụn cát ngoài kia. Người ta nói rằng đằng sau những đụn cát đó là biển, nhưng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy biển.
Một buổi chiều, lúc tôi đang say sưa ngồi trên tầm cao đó ngắm nhìn những con dơi bay loạng choạng trên không trung thì có một đám người xuất hiện. Họ bắt đầu xuất hiện từ phía những đụn cát và tiến về phía nhà tôi. Rồi họ đứng lại trước cổng và ngước lên nhìn tôi.
“Chúng tôi cần một ít nước.” Một lão già nói với tôi. Lão có đôi chân như chân gà đang run rẩy trong bộ dạng đói lả. “Hãy cho chúng tôi một ít nước, hãy thương xót những người đã bỏ lại linh hồn của mình trên biển.” Lão nói.
“Linh hồn nào cơ?” Tôi nói.
“Linh hồn chúng tôi. Chúng tôi lạc mất linh hồn của mình khi chúng tôi lênh đênh trên sóng.” Lão nói.
“Làm sao mà điều quái quỷ đó lại có thể xảy ra được cơ chứ?” Tôi nói trong khi một con dơi đụng phải một con dơi khác trên không.
“Điều đó đã xảy ra khi người ta bắn đạn về phía chúng tôi, đạn găm vào tất cả chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi đang hát vì khoang thuyền đã đầy ắp cá. Thật tuyệt, những con cá xanh lơ.” Lão già lại nói. “Cháu có bao giờ trông thấy những con cá xanh như mây trời chưa?”
“Điều đó chỉ có trong phim thôi.” Tôi nói vọi xuống.
“Hãy mở cửa cho chúng tôi.” Một đứa con gái trong đám người đói rách cất lời. Nó bíu chặt lấy gấu áo của người đàn bà mù đang cố phát ra những tràng âm thanh nào đấy nhưng dường như đó là điều bất khả.
“Hãy cho tớ một nắm cơm nguội nếu cậu có thể. Hãy thương cho người bạn không có đôi mắt của mình.” Đứa con gái nói.
“Thế mắt cậu đang ở đâu?” Tôi nói.
“Ngoài khơi. Đạn găm vào mắt tớ. Lúc ấy tớ theo ba mẹ lên thuyền. Tớ trốn trong một thùng nước, bằng cách đó tớ đã được ra khơi. Nhưng đạn đã găm vào mắt tớ ngoài khơi. Tớ mất đôi mắt của mình. Bà tớ nói mắt tớ giống như một dòng sông phẳng lặng. Tớ chưa hề được nhìn thấy một dòng sông phẳng lặng nào cả. Ba tớ bảo mọi dòng sông đều chảy.” Đứa con gái nói.
“Đúng đấy, chẳng có một dòng sông nào như mắt cậu cả.” Tôi nói.
“Hãy mở cửa cho chúng tôi.” Đám người đó dường như cất tiếng cùng một lúc.
Mở cửa cho họ là một việc làm tày trời của tôi nếu bị cha tôi phát hiện. Tôi nghĩ tới những khẩu súng trong những bức tranh của cha tôi và đôi mắt nheo lại rồi bất ngờ trợn ngược lên của ông mỗi khi ông ngồi lau lại những bức tranh của ông.
“Cháu có trái tim chứ?” Người đàn ông có lồng ngực rỗng nói sau khi đã ho và khạc nhổ xuống nền đường.
Tôi sờ tay lên lồng ngực của mình. “Có.” Tôi nói khi nhận thấy trái tim của tôi đang đập trong ngực tôi.
“Cháu đã bao giờ trông thấy một người đàn ông có một trái tim quả cảm nhưng đã bị cướp đi chưa?” Người đàn ông nói.
“Nhưng chú vẫn còn sống đấy thôi.” Tôi nói.
“Không hẳn thế. Không hẳn thế đâu. Chú bị bắn vào ngực khi chú đang cố gỡ chiếc lưỡi câu ra khỏi miệng một con cá. Cháu thấy cá kình chưa. Miệng nó rất to.” Người đàn ông đó nói và lại ho rồi tiếp tục khạc nhổ. Những người khác đã ngồi bệt xuống đường. Họ xì xào những điều gì đấy mà tôi không thể nghe được.
“Linh, mày lại chết dẫm trên cái ban-công của mày rồi phải không?” Cha tôi rống lên. Mỗi khi lau xong một bức tranh của mình, ông lại rống lên như con trâu mộng bị chọc tiết. Tôi nghe thấy tiếng bước chân của ông. “Mẹ kiếp. Điều làm tao tức tối nhất là không đuổi cổ mày ra khỏi nhà được, Linh ạ.” Cha tôi lại rống lên phía dưới.
“Mở cửa đi, hãy cho chúng tôi một ít nước.” Đám người đến từ biển khơi lại nói. Tôi không biết mình phải xoay xở ra sao trong cái hoàn cảnh này. Tôi đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho họ im lặng và hình như đám người đó hiểu được thông điệp của tôi.
Tôi chạy xuống rồi rón rén bước vào phòng làm việc của cha tôi. Ông vẫn ngồi thù lù trên chiếc ghế sắt ấy và lau lại những bức tranh. Ông có hàng trăm bức tranh. Nhiều nhất là những bức tranh vẽ về súng. Có những khẩu bé như bàn tay của tôi, có những khẩu dài hơn cả thân hình của tôi. Có ba khẩu trong ba bức tranh cỡ lớn mà tôi nghĩ rằng dù tôi có khoẻ đến đâu cũng không thể nhấc nổi chúng. Tôi thích những bức tranh vẽ về biển của cha. Những bức tranh màu xanh và những con hải âu cánh trắng trông như những bông hoa dại đang cất cánh bay trên biển khơi. Khi nghe thấy bước chân của tôi thì cha tôi ngước lên và nhìn tôi với khuôn mặt khắc khổ.
“Tao gõ vào đầu mày đấy. Tao làm được điều đó đấy con ranh à.” Cha tôi rít lên.
“Đi pha cho tao một tô mì. Đừng quên bỏ trứng và hành tây đấy.” Cha tôi luôn nói với tôi bằng cái âm sắc ấy.
Rồi tôi xuống bếp pha mì cho cha. Trong khoảng thời gian chờ nước sôi, tôi chạy ra đem cho đám người đến từ biển một ít nước. Tôi để nước trong một cái chậu bằng nhôm khá lớn mà mẹ nói rằng cha tôi đem nó về từ trên đỉnh Phong Nhũ. Tôi không biết ngọn Phong Nhũ ở đâu.
Đám người đó tranh nhau uống nước. Tôi tưởng tượng rằng nếu tôi chậm một vài giây nữa thì tất cả họ sẽ chết khát.
“Phong Nhũ ở đâu?” Tôi hỏi đám người đó.
“Xa lắm đấy.” Lão già ngước lên nói với tôi trong khi những giọt nước đang nhỏ xuống trên chiếc cằm héo khô của lão.
“Không tới được Phong Nhũ đâu. Phong Nhũ xa lắm.”
“Có thể tới nhưng phải bằng một phương pháp nào đấy.”
“Quên Phong Nhũ đi. Có thể cho chúng tôi một cái gì đó ăn được không? Ba ngày rồi chúng tôi không có một cái gì bỏ vào miệng.”
Đám người ấy lại tranh nhau nói trong khi tôi vẫn nghĩ về Phong Nhũ. Dù có xa thế nào đi nữa thì cha tôi vẫn có thể mang một chiếc chậu nhôm từ đó về đến nhà. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ tìm ra được những con đường đến với ngọn Phong Nhũ. Có thể là những con đường hoàn toàn khác biệt.
“Linh.” Cha tôi thét lên.
Tôi bảo đám người cố gắng giữ yên lặng. Tôi cam đoan với họ rằng tôi sẽ trở lại ngay lập tức với một vài thứ gì đó mà họ có thể ngốn được.
“Mày có tin là sẽ phải đánh nhau không Linh?” Cha tôi nói trong khi mặt ông gần như đang chúi xuống chạm vào những sợi mì nóng.
“Ai đánh... mà đánh ai cơ?” Tôi nói.
“Đánh những kẻ ngạo ngược.” Cha tôi nói.
“Đánh những người anh em.” Cha tôi nói.
“Khi nào thì đánh?” Tôi nói.
“Khi tao lau xong những bức tranh này mày ạ. Linh ạ.” Cha tôi nói.
“Khi nào thì cha lau xong chúng?” Tôi nói và nhìn vào đống tranh đang chất lên như núi giữa phòng làm việc của ông và những bức tranh khác đã lau xong đang được treo trên tường.
“Tao không biết. Cần một khoảng thời gian dài. Mày biết không, khó nhất là lau bụi đang bám lấy trên mặt biển. Không cẩn thận là chúng sẽ rách nát ra đấy mày ạ.” Cha tôi nói và sau đó thì ông nghêu ngao ca khúc Em hôn môi ta bằng nụ của biển.
“Cha có tin là có những người không còn trái tim, không còn cái đầu, không còn lồng ngực nhưng vẫn có thể bước đi và nói năng như thường không?” Tôi hỏi cha tôi.
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi. Những sợi mì từ miệng ông chảy dài xuống trông như bộ râu của các nhân vật trong phim kiếm hiệp của Kim Dung mà tôi ghiền vô cùng.
“Mày học đâu ra cái lối tưởng tượng đó hả con ranh?” Cha tôi nói.
“Thật đấy.” Tôi nói.
“Tao nhét cái giẻ lau này vào miệng mày đấy.” Ông lại gầm lên.
“Cha không thể thấy được. Có nhiều thứ mà những người như cha không thể nhìn thấy đâu.” Tôi nói trong khi tim mình như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực.
“Cút ra khỏi phòng và đóng cửa lại cho tao. Tao sẽ đến trường làm việc với cô giáo của mày. Mày lại bắt đầu mơ mộng rồi đấy. Tao đã cấm mày có những lối tưởng tượng như anh trai mày. Nó đã bỏ đi vì không chịu nổi mùi của tao. Nó bảo nó cần một không gian rộng rãi cho những cuốn sách và những vần thơ dở hơi của nó. Rộng rãi quá đi chứ. Bây giờ tao cá với mày rằng nó đang gào rú với đám du thủ du thực ngoài kia. Gào rú đi. Rồi tha hồ mà gào rú...” Cha tôi lại rống lên một tràng dài. Rồi ông ngồi xuống và thở hổn hển. Tôi nhìn vào khuôn mặt khắc khổ của cha rồi phóng ra khỏi phòng và đóng sập cửa lại.
Đêm dần buông xuống. Một bé gái không còn mẹ như tôi thường thích để cho màn đêm liếm láp lên đôi mắt của mình. Tôi không bật đèn, tôi mò mẫm xuống bếp và lấy một ít cơm nguội, một ít muối mè và những con cá khô còn lại rồi lặng lẽ bước ra cổng. Đám người đó vẫn còn đợi tôi. Trong đêm tối họ không nói gì cả và cũng có thể họ không còn sức để nói nữa. Khi thấy tôi, họ ngước nhìn lên. Họ đồng loạt nhìn vào chiếc nồi của gia đình tôi trong ánh sáng vô cùng yếu ớt chưa tắt hẳn của một ngày tàn.
“Thực ra biển có những con mắt khổng lồ.” Lão già trong đám người nói. Chúng tôi cùng ngồi xuống dưới sân nhà tôi trong đêm khuya. Tất nhiên bây giờ cha tôi đã đi ngủ sau một ngày mải mê với những bức tranh của ông. “Biển có những bản tình ca của nó.” Lão già vẫn nói. “Những bản tình ca của biển sẽ cất giữ linh hồn của tất cả chúng tôi.” Một người khác trong đoàn người nói.
“Những linh hồn tội nghiệp có được gặp con mắt của biển không? Mắt biển là những vì sao. Mẹ cháu thường nói như thế khi bà còn sống.” Tôi nói.
“Đúng rồi, mắt của biển là những vì sao. Khi mọi người hò dô dưới trăng ngoài khơi, tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó, cha tôi cũng thấy và tất cả chúng tôi đều thấy cho đến khi những con tàu đó ập đến.” Một cậu bé trạc chừng tuổi tôi nói.
“Thân hình của cậu đâu rồi?” Tôi hỏi nó.
“Tớ không biết nữa.” Nó nói.
“Nó tan biến ngoài khơi rồi.” Nó nói.
“Tớ vẫn còn cảm giác được sự xé rách ấy. Ban đầu chúng lao tới và găm sâu vào người tớ. Sau đó tớ nghe thấy một sự xé rách nào đấy rồi tiếp đến là những tiếng nổ lớn. Thật khủng khiếp. Những viên đạn ấy.” Nó nói. “Từ sự xé nát ấy chúng tôi mới bắt đầu lên bờ và chạy trốn.” Nó nói.
Tôi bước tới và định quàng tay lên vai cậu ấy nhưng tôi không thể chạm được vào người cậu ấy. Dù sao thì tôi vẫn cảm nhận được một luồng hơi nóng từ cái thân như khói ấy.
Và trong đêm khuya những người đến từ biển kể cho tôi nghe về những huyền thoại của biển. Họ nói rằng thực ra biển rất hiền hoà và sinh ra những loài cá. Biển chỉ cuồng nộ khi con người cuồng nộ. Tôi hỏi họ những nàng tiên cá có thực không. Họ nói rằng những nàng tiên cá hoàn toàn có thực và những bài hát mê hoặc đó cũng hoàn toàn có thực. Những nàng tiên cá không có những hàm răng nhọn và làm ta mê lú rồi ăn thịt ta như trong phim ảnh. Phim ảnh là trò bá láp. Họ nói thế. Những nàng tiên cá thường xuất hiện khi có trăng rồi hát cho những con thuyền đi ngủ. Tất nhiên đó là những con thuyền hiền hoà không mang súng.
Khi tôi chạm vào ngực của người đàn ông ấy thì rõ ràng lồng ngực của ông trống rỗng. Tôi khua tay trong lồng ngực ông và tay tôi đã xuyên qua khoảng trống rỗng ấy. Một lúc sau, tôi cảm giác tay mình lạnh ngắt và tôi rút tay ra trong khi người đàn ông đó cười một cách hiền hoà. Ông xoa tay lên đầu tôi và nói: “Có những thứ mà chúng ta không hề biết, phải không? Tay cháu sẽ bị đông lại như đá đấy. Cháu có thể thử bằng cách để nó lâu hơn trong lồng ngực của chú. Thật đấy, cháu tưởng tượng được không? Cháu có thể tưởng tượng được một ngày cháu được trò chuyện với một người đàn ông có lồng ngực rỗng không và lạnh giá bước lên từ biển khơi không?”. Người đàn ông đó lại nói trong khi bàn tay đang xoa nhẹ lên tóc tôi.
“Lạnh lắm.” Tôi nói với người đàn ông về cái lồng ngực rỗng ấy.
“Rất lạnh.” Người đàn ông nói.
“Có thể bằng một cách nào đó làm nó ấm dần lên không?” Tôi nói.
“Có đấy, nếu có phép màu xảy ra. Cháu có tin vào những phép màu không?” Người đàn ông nói.
“Có.” Tôi nói. “Nhưng cha cháu luôn mồm phủ nhận điều đó.” Tôi nói.
Tất cả chúng tôi nằm ngửa ra sân và nhìn lên bầu trời đầy sao. Thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng trở mình của cha tôi và những tiếng ho của ông. “Của tôi. Đừng xé rách nó, không dán lại nổi đâu...” Cha tôi nói trong mơ. Thực ra cha tôi có những nỗi khổ riêng nhưng ông đã nuốt chúng vào ngực mình. Có mấy lần ông nói với tôi về các con tốt trong những ván cờ.
Một đứa bé thổi cho tôi nghe những bản nhạc diễm tuyệt bằng chiếc vỏ sò trong tay. Nó bảo với tôi rằng đó là lời của biển. Rồi nó úp chiếc vỏ sò đó vào tai tôi, nó bảo tôi hãy nhắm mắt và lắng nghe tiếng thì thầm của biển. Rồi trong phút giây thần tiên đó tôi nghe thấy tiếng sóng hát ca trong tai mình.
“Lời của biển đấy.” Nó nói.
“Thật tuyệt.” Tôi nói.
“Có nhiều thứ cậu không thể biết được đâu.” Nó nói rồi dúi chiếc vỏ sò vào túi áo của tôi và cả hai chúng tôi trườn đến nằm bên cạnh người đàn bà mù.
“Mẹ! Kể cho chúng con nghe về những nhà tiên tri mắt mù trên những hòn đảo hoang đó đi.” Đứa bé nói với mẹ nó. Và người đàn bà mù bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những nhà tiên tri mù sống đơn độc trên những hòn đảo chỉ có tiếng chim. “Bao giờ cũng thế, mù loà lại là tiên tri...” Người đàn bà mù nói. Chúng tôi lặng nghe những câu chuyện huyền bí đó, mặc dù có những thứ trong câu chuyện, có những từ ngữ trong lời nói của bà mà tôi chẳng thể nào hiểu được. Có khi bà nói đến những vì sao đậu xuống trên chiếc đinh ba khổng lồ của Poseidon. “Đôi khi biển cả rất hung bạo.” Người đàn mù nói trong đêm khuya. Bà còn nói về những gã du mục say rượu uống trăng trên mặt biển, họ nhảy những vũ điệu huyền bí rồi ngất ngưởng lang thang trên mặt biển dát vàng và tan biến đi mỗi khi sóng dâng cuồng nộ.
Chúng tôi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ tôi nghe ai đó gọi tên mình. Tôi tỉnh dậy và ngồi lặng nhìn những con người nhỏ bé đó đang chìm sâu vào giấc ngủ trong khoảng sân chật hẹp của nhà tôi.
“Đừng bắn con trai tôi.” Một người trở mình ú ớ.
“Túm chặt lấy tóc mẹ. Đừng để chìm xuống.” Đó là giọng của một người đàn bà.
“Dưới này lạnh lắm mẹ ơi.” Giọng của một đứa trẻ.
“Tim tôi đâu, tim tôi đâu rồi?” Một người thanh niên trở mình ú ớ, anh ấy đang gối mình lên một viên gạch vỡ phía bên ngoài sân.
Khi tôi đang mê mải rượt theo một chú thỏ con trong rừng thì lão già đó gọi tôi tỉnh dậy. Đoàn người đang nhìn tôi. Hình như họ đã thức dậy từ lâu. Họ đứng vây lấy tôi và dường như họ đang muốn nói với tôi một vài điều gì đấy.
“Chúng tôi phải đi.” Người già nhất nói với tôi.
“Đi đâu chứ?” Tôi nói.
“Rừng. Chúng tôi sẽ lên rừng. Trong sử sách, tổ tiên chúng tôi đã nói đến điều đó.”
“Trong rừng có thú dữ đấy.” Tôi nói.
“Không đâu.” Lão nói.
“Thú rừng chỉ sống trong lãnh địa của chúng, chúng tôi sẽ tìm một vùng đất mới cho chúng tôi.” Lão già nói.
“Giữ lấy chiếc vỏ sò của tớ.” Đứa con gái nói với tôi và ngay lúc đó tôi đưa tay vào túi áo nắm chặt lấy chiếc vỏ sò nhỏ bé ấy.
Người đàn bà mù bước tới sờ lên má tôi. “Mẹ con sẽ trở lại. Ít nhất cũng là trong những giấc mơ của con.” Người đàn bà mù nói với tôi.
“Chết rồi. Mẹ cháu chết rồi. Vào mùa xuân năm ngoái mẹ cháu đã chết vì bệnh tật của bà.” Tôi nói.
“Rồi những điều tuyệt diệu sẽ trở lại.” Người đàn bà mù nói với tôi và tất cả họ lên đường. Chúng tôi đã khóc. Tất cả chúng tôi, tất cả những con người yếu đuối đã bật khóc.
Tôi ngồi giữa đường và nhìn theo những bước chân vô định ấy khuất dần trong sương mai.
Tôi không biết đến khi nào thì họ quay trở lại nhưng tôi sẽ chờ đợi họ. Tôi sẽ ngồi trên ban-công nhà tôi và chờ ngày họ quay trở lại với những con vẹt rừng có muôn màu sắc đậu trên vai họ.
“Linh, giặt lại những chiếc khăn này cho tao.” Cha tôi đã thét lên. Ông luôn bắt đầu một ngày mới bằng những lời lẽ tục tằn đó.
“Đâu rồi?”. Cha tôi lại thét lên.
“Gì cơ?”. Tôi nói.
“Họ đâu rồi?”. Cha tôi nói.
“Ai?”. Tôi nói.
“Tao đẻ mày ra đấy. Mày tưởng qua mặt được tao hả Linh?” Cha tôi nói. Tay ông đang túm những chiếc khăn lau.
“Xuống bếp lấy một ít gạo và muối đuổi theo đem cho họ. Khoai và cá khô nữa, trong chum ấy.” Cha tôi nói.
“Xa rồi... họ đi xa lắm rồi.” Tôi gào lên, nước mắt tôi ứa ra, tôi nghe đắng nghét trong cổ họng.
Tôi ngồi bệt xuống trong sân. Cha tôi cũng ngồi bệt xuống trong sân. Ông cúi mặt xuống không nói. Tay ông túm chặt lấy những chiếc giẻ lau.
“Đi giặt lại những chiếc khăn này cho tao.” Cha tôi gần như rít lên.
“Trẻ con như mày không hiểu gì đâu. Làm ngay đi. Mày không hiểu được điều gì đang xảy ra đâu Linh ạ. Tao sợ chúng sẽ rách mất.” Ông ngậm ngùi nói.
Và tôi lại bắt đầu bằng một ngày mới với việc giặt lại những chiếc giẻ lau để cha tôi tiếp tục lau lại những bức tranh khốn nạn đó của ông. Tôi không biết đến bao giờ cha tôi mới lau hết những bức tranh chết tiệt đó của ông.
Chiều nay, tôi lại ngồi lên ban-công và nhìn về phía cuối chân trời, nơi có những dãy núi chìm khuất trong mây, những dãy núi mảnh mai như hàng lông mi của mẹ tôi ngày bà còn sống. Tôi tin rằng nơi đó sẽ lưu giữ những bước chân trần của họ. Bước chân trần của những người đã bị cướp mất linh hồn trên biển cả.



SỐ 263 - tác giả VƯƠNG VĂN BẠNG



Hát với Hoàng Sa

Tôi hát gọi bạc đầu sóng vỗ
Lời ông cha vuốt nhọn mũi thuyền
Tôi uống giọt biển nồng muôn thuở
Đảo xa ơi xót mặn đất liền!

Khuấy động trùng khơi loài quỷ dữ
Vết đau còn nhuốm máu cha anh
Ngư phủ trời nam từng chịu đựng
Từng bao phen nuốt hận không đành!

Nghe xao động trong tim mình có biển
Tôm cá Hoàng Sa rối loạn tan đàn
Loài ác quỷ vẫn đêm ngày vấy bẩn
Đau dải đá ngầm đau tiếng hò khoan

Đảo nổi đảo chìm ôm tròn chân lý
Vẫn âm thầm cương nghị mấy tầng sâu
Ông cha dựng nước non rừng bể
Giữ muôn đời cho thế hệ mai sau

Mỗi tấc giang sơn đều là vàng là bạc
Phải canh chừng lũ “Bạch cốt tinh”
Quỷ khát máu chưa thôi cơn thèm khát
Mấy thiên niên chúng vẫn rập rình

Tôi giấu trọn Hoàng Sa trong đáy mắt
Rọi ánh nhìn sáng rực từ tâm
Phát sáng năm châu soi rõ điều giả, thật
Thức lương trí sôi sục sóng ngầm

Chài lưới tung lên hát “Sơn hà Nam quốc”
Tôi hát vàng cát sỏi Hoàng Sa
Sóng biển Đông dạt dào nhân nghĩa
Vỗ sôi lên uất hận muôn nhà.


Hòa Thắng, 4.2014

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

SỐ 263 - tác giả DUY ĐẮC





Tiếng chuông
trên đảo Trường Sa



Cũng cong như mái đình làng
Ngôi chùa tụ thủy dưới hàng phong ba
Chuông ngân kéo lệch chiều tà
Sóng mềm như ánh trăng ngà dịu êm

Đất làng xưa đã thành tên
Mái chèo cắt gió treo trên hải trình
Những mộ gió những hùng binh
Da là Tổ quốc, xương hình nước non

Bão giông gió giật sóng cồn
Hình như biển đã mặn hơn mỗi ngày
Lặn vào sóng, dội vào mây
Tiếng chuông thánh thiện vỡ đầy không gian.




Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

SỐ 263 - tác giả KHÔI NGUYÊN

Tác giả KHÔI NGUYÊN


AO LÀNG

Truyện ngắn

Cái ao là của chung cả làng, nhưng mấy nhà ở xóm Cây Mít ven bờ ao cứ chũm chọe tranh chấp, nhà nào cũng đòi hỏi chủ quyền một góc nhỏ của cái ao chung ấy.
Sự việc bắt đầu từ lão Trung. Đất nhà lão rộng vào bậc có thứ hạng, người nhà lão đông nhất làng, nhưng tham vẫn cứ tham. Lão vốn lắm mưu mô, nhiều thủ đoạn, thâm hiểm khôn lường. Giành giật đất đai với hàng xóm đến mức phải đánh nhau sứt đầu mẻ trán mà chẳng bõ bèn gì, vì nhà nào cũng có rào dậu phân ranh rõ ràng, lão chợt nghĩ ra chỉ có cách lấn ra cái ao làng thì mới hòng nên chuyện.
Nghĩ là làm. Bắt đầu là lão thả bèo. Đám bèo ngày một loang ra. Rồi một hôm, lão tuyên bố với đám con cháu rằng bèo mọc ở đâu thì phần ao đó thuộc của nhà mình. Được bật đèn xanh, lũ con cháu nhà lão mặc sức ngang ngược. Thằng con nhà lão Mộc thò cần câu xuống ao, lão xui con ra ném đất đá xuống gây động để đuổi cá cho hết câu. Nhà lão Kim mang lưới ra thả, lão xui con mang thuyền thúng ra thu về. Bầy vịt nhà lão Thủy mà rúc vào đám bèo là lập tức những viên đạn súng cao su đã chờ sẵn có dịp bắn tới… 
Mấy gia đình trong xóm Cây Mít xưa nay vốn được hưởng một phần nguồn lợi từ cái ao thấy mình mất quyền lợi thì bất bình ra mặt, nhưng chẳng làm gì được. Vì có sang nhà để trực tiếp gặp lão Trung thì lão vẫn tiếp đón với vẻ bề ngoài hết sức lịch lãm. Vẫn bắt tay, thơn thớt nói cười, vẫn bày tỏ quan điểm là xóm ta phải hết sức đoàn kết để giúp nhau cùng phát triển. Có nêu nỗi bực bội vì đám con cháu lão gây nên chuyện ở ngoài ao thì lão cũng mang bộ mặt đăm chiêu rồi thủng thẳng rằng chuyện ấy không quan trọng, không phải chuyện của người lớn, đừng vì nó mà ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm… Nói thế nhưng trong thâm tâm lão thì lại nghĩ: “Tao cứ làm thế đấy. Thách thằng nào dám làm gì được tao!”
Khốn khổ nhất là nhà lão Mộc. Đất của lão Mộc liền kề với đất nhà lão Trung. Từ cái thuở khai thiên lập địa, gia đình lão Trung đã nhiều lần lấn chiếm nhưng không thành. Nay bèo nhà lão Trung đã lan đến gần cầu ao nhà lão Mộc, có chỗ đã sát với khóm tre mọc ở rìa ao. Cái bè rau muống đang tốt bời bời như thế, đấy là thức ăn hàng ngày của gia đình, cũng là hàng hóa để vợ lão Mộc thỉnh thoảng đem ra chợ đổi về dăm đồng bạc lẻ, ấy thế mà lũ con lão Trung lại ngang ngược chèo thuyền thúng chà đi xát lại khiến đám rau tơi tả, nát bươm… Cứ đà này thì nhà lão Mộc chẳng mấy chốc không được hưởng chút gì ở cái ao làng. Đã nhiều lần lão Mộc sang nhà lão Trung để nói cho ra nhẽ thì lão Trung lại kể lể về cái đận gia cảnh lão Mộc gặp khó khăn đã được lão giúp đỡ như thế nào, rồi các cụ của hai gia đình vốn là tri âm tri kỷ của nhau, hai gia đình hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau thì đừng vì mấy cái bèo mà mất đi cái tình xưa nay… vân vân và vân vân. Lão Mộc chỉ biết ngậm ngùi ra về với nỗi ấm ức. Bây giờ mà có đánh nhau với gia đình lão Trung thì không được rồi. Họ tộc nhà lão Trung chiếm một phần năm dân số của làng, lão Trung cũng ỷ thế mà hiếp đáp hàng xóm láng giềng trong khi miệng lưỡi vẫn rêu rao thân thiện. Nhưng gì thì gì, lão Mộc cũng phải kiên quyết giữ phần ao nhà mình để có chỗ cho vợ con tắm táp, có cái cầu ao để mà sinh hoạt, có chỗ cho lũ con thả câu giăng lưới kiếm chút cá của cái ao làng… Nhưng lưới giăng ra cũng bị mất, câu cắm nào cũng bị bẻ, ngọn rau muống nào vừa nhò ra là vẫn cái lũ ôn dịch ấy đến vừa chống sào vừa lia gậy cho nát be nát bét… Biết thừa là chỉ có con cháu lão Trung nhưng vợ con lão Mộc chỉ biết đứng trên bờ dậm chân, vỗ bẹn bồm bộp để chửi “cái đứa nào” phá hoại – cũng chỉ vì lão Mộc cấm tuyệt đối việc chửi vỗ mặt tên tuổi, họ hàng hang hốc “cái đứa nào” dù có biết rõ mười mươi. Ừ, bên kia cho đấy là chuyện trẻ con thì bên này cũng cho là chuyện đàn bà con nít.
Lão Kim thì lại khác. Thấy lão Trung đã lấn sang phần ao của mình thì chống đối ra mặt. Con nhà Trung sang thả lưới, lão cũng cho người ra thu. Con nhà Trung mang cây đến cắm và nhận đây là phần ao nhà mình, lão cho người ra nhổ. Con nhà Trung ném đá thì con nhà Kim cũng sẵn sàng chọi lại ngay. Nhà lão Kim không giàu, họ tộc cũng không đông nhưng lão Kim không sợ lão Trung vì lão Kim chơi rất thân với tay Can – đứng đầu đám giang hồ chuyên bảo kê. Lão Trung cũng có phần e ngại Can, nhưng vì lòng tham nên âm mưu lấn chiếm ao là khó mà từ bỏ.
Cũng có người khuyên lão Mộc nên chơi thân với tay Can, nhưng lão vốn nho nhã và cao đạo, không muốn chơi với kẻ xấu. Vả lại, trước đây tay Can này cũng đã mò vào nhà lão giở thói du côn tính kiếm chác nhưng đã bị nhà lão nện cho vài gậy khiến tay này phải đánh bài chuồn. Giờ chơi với nó, không cẩn thận rước rắn về nhà.
Lão Trung cũng chẳng phải tay vừa. Thừa biết là việc muốn độc chiếm cái phần ao làng ở xóm Gốc Mít là chuyện khó gặm, nên phải tìm mọi thủ đoạn để thỏa lòng tham. Nhân cuộc họp xóm sắp diễn ra ở nhà lão Thổ, biết thế nào cũng có phần dành cho chuyện về cái ao, lão bắt đầu dò la, nắm được rằng vợ con lão Thổ đang đói, lập tức lão bố trí cho thằng con lão sang rủ rê con lão Thổ đi chơi phố một bữa với cắt tóc, mát xa, ăn nhậu… vợ lão thì bưng sang rá gạo, còn lão gọi lão Thổ sang để thủ thỉ: Chú yếu sinh lực, tớ cho cái chai rượu này là cả nhà cùng vui!... Chỉ có thế thôi, nhưng cuộc họp xóm bàn gì thì bàn, hễ nói đến chuyện cái ao là cả nhà lão Thổ gạt phắt: “Ao của cả làng. Ai lấy mất đâu mà sợ. Nhà tôi vẫn tắm giặt hàng ngày…” Cuộc họp xóm chỉ thành công một nửa. Riêng với mấy nhà khác trong xóm Cây Mít đang bị mất dần quyền lợi của cái ao thì coi cuộc họp này chẳng đâu vào đâu.
Lão Trung thừa biết sự ấm ức của dân Cây Mít. Song, rắp tâm phải thực hiện bằng được. Một mặt lão cho vợ con đi đến từng nhà trong xóm để tỏ thân tính giao hảo, mặt khác thì lão rêu rao rằng chuyện của xóm thì để xóm tự giải quyết, đừng ai can thiệp vào. Lão Trung vẫn thỉnh thoảng sang nhà lão Mộc chơi và đánh ánh mắt vào bức đại tự “Tứ hảo” sơn son thếp vàng giả cổ mà lão tặng mừng lễ tân gia với ngầm ý kể công.
***
Tay Can ở xóm Mới - phía bên kia bờ ao – biết chuyện của xóm Cây Mít, nổi máu giang hồ, cũng muốn nhảy vào can thiệp. Mặc dù chơi thân với lão Kim nhưng cũng không dám ra mặt, nhưng vẫn bảo với lão Kim: “Ông cứ chơi tới bến. Nó chơi kiểu gì thì mình chơi kiểu nấy”. Mà lão Kim làm luôn, xá gì! Bèo nhà lão Trung lan đến gần cầu ao, lão Kim cho con cháu ra vớt về vứt lên vườn làm phân xanh. Con cháu lão Trung đến đòi lại thì con cháu lão Kim trật quần xuống, gảy tưng tưng; con cháu lão Trung giương súng cao su lên dọa thì con cháu lão Kim vác gậy ra đuổi cho chạy quắn đít. Con cháu lão Trung mang lưới đến thả gần cầu ao, lập tức con cháu lão Kim bơi cùng mấy tay đầu gấu đến thu về cả lưới lẫn cá… Lão Trung thừa biết đằng sau đó là lão Kim, sau hơn nữa là tay Can xúi dục nhưng vẫn phải lu loa rằng bị mất trộm và có phần e dè lão Kim.
Tay Can thèm cái phần ao của nhà lão Mộc hơn. Vị thế của nhà lão Mộc sao mà thuận lợi! Chỉ cần ghé được vào rìa đất thôi là có thể tiến sâu vào trong xóm, đi hướng bắc, hướng tây, hướng nam đều tiện. Chỉ mong lão Mộc cho ghé nhờ cái cầu ao thôi thì một xóm chứ mười xóm cũng dễ bề để mình thả sức tung hoành làm bảo kê cho cả làng. Nhưng khốn nỗi, lão Mộc lại có bà chị họ rất thâm thù tay Can. Mà công ơn đối với bà chị họ của lão thì cao hơn núi, dài hơn sông. Bây giờ mà chơi với tay Can thì khác nào kẻ tráo trở, lật mặt! Mà cái bà chị Liên “tân thời” ấy thì lại chúa đỏng đảnh. Mấy đứa em ruột ăn ở không làm chị hài lòng là chị sẵn sàng từ, không thèm đếm xỉa. Có dạo, chị đã đánh tiếng với lão Mộc rằng cho con chị đến quây nhờ ít vịt ở rìa ao, lão đã từ chối. Nay mà cho tay Can cứ xồng xộc ghé thuyền máy vào thì có mà bị bà ấy tốc váy trùm lên đầu!
Đám con cháu lão Mộc bức xúc lắm rồi, chỉ chờ lão hô một tiếng là chúng sẵn sàng chấp nhận đổ máu với nhà lão Trung để giành lại phần ao đang bị xâm lấn. Ấy thế mà lão vẫn cấm manh động liều lĩnh. Chúng đâu biết nỗi đau khổ và lo lắng của lão! Lão đang đau đáu với nỗi làm sao giữ được phần ao nhà mình mà vẫn giữ được hòa hiếu với tay xóm giềng đang muốn xưng hùng xưng bá.
***
Sáng sớm nay ngủ dậy, mắt mũi kèm nhèm, ra đến cầu ao để rửa mặt, Lão Mộc sững sờ khi thấy sát bên chân cầu ao nhà lão là một cái chòi vịt mọc sừng sững. Trong chòi vịt, bọn con cháu nhà lão Trung đang khúc khích cười, có đứa còn thè lưỡi ra như thể lêu lêu chọc tức.
Vuốt sơ qua cái mặt, sửa lại bộ râu, lão vào nhà, con lão bảo:
- Sáng nay chúng con bị bọn nó té nước ướt hết cả người.
Vợ lão bảo:
- Sáng nay tôi ra rửa rau, bị bọn mất dạy đấy hất tung cả rổ…
Lão trầm ngâm:
- Chuyện trẻ con ý mà. Đừng có chấp.
Vợ lão nhăn mặt:
- Ông nói thế mà được à? Cái phần đất ao nhà mình mà nó tung tác như thể… Ông phải có cách gì mà đuổi nó đi chứ!
- Ừ, cứ từ từ rồi tính.
- Cái từ từ của ông khi tính xong thì vợ con ông cũng thành của nhà nó rồi! hương hỏa nhà ông cũng chẳng còn nữa đâu!
Nghe vợ sùng sùng nói toàn điều gở, lão câm bặt, nằm phịch lên tấm phản gỗ suy nghĩ. Cái kiếp người chẳng ai chọn được cha mẹ để sinh ra, chẳng ai chọn được hàng xóm để mà dựng nhà cửa, khốn nạn là thế! Ngàn đời nay tổ tiên đã định cư trên mảnh đất này bởi phía tây là đất đai, phía đông là cái ao làng, cứ dựa vào đó mà no cơm ấm cật để sinh tồn.
Nghĩ đến cái miệng của lão Trung lúc nào cũng thơn thớt về tình hàng xóm láng giềng nhưng hành động lại thể hiện đầy mưu mô, thủ đoạn lấn lướt, hiếp đáp… khiến lão Mộc trăn trở.
Kiện ư? Chắc gì đã thắng! Việc chạy án thì lão Trung có đủ khôn ngoan.
Kêu gọi bà con dân làng lên án hành vi của lão Trung ư? Chẳng ăn thua với cái mặt trơ như thớt của lão ấy. Mà lão Trung cũng sẽ rêu rao “phản đòn” lại chứ kém cạnh gì! Nhiều người trong thiên hạ nghễnh ngãng, tai điếc tai lòi, hoặc ba phải thì nghe được bên nào là cho bên ấy đúng; thậm chí lại là dịp để những kẻ xưa nay chẳng ưa lão Mộc được cơ hội bêu riếu một cách hả hê. Đã bêu xấu nhau thì cả đôi bên cùng xấu.     
Đánh ư? Ngày xưa tổ tiên của lão Mộc cũng đã nhiều lần đánh cho tổ tiên nhà lão Trung tả tơi, có đứa phải chui vào ống cống mà trốn, có đứa không kịp mặc quần áo mà chạy, có đứa chạy không kịp phải thắt cổ tự tử…
Ừ. Nếu lão Trung mà quá quắt thì phải đánh. Con cháu lão Mộc đã ở tư thế sẵn sàng. 
Lão bật dậy, cái bức đại tự “TỨ HẢO” mà lão Trung tặng hôm nào được treo ngay gian giữa đập vào mắt. Lão lẩm bẩm: “Hão…” rồi quát gọi: “Chúng bay đâu, tháo cái này ra để làm cửa ngăn chuồng lợn hay thay cái cửa nhà vệ sinh cũng được…!”