SÓNG NƯỚC BIỂN ĐÔNG
Truyện
lịch sử
Sau chuyến đi Hợp Chủng Quốc lần thứ hai trở về, Bùi Viện
cảm thấy cuộc đời mình như đang dẫm chân tại chỗ. Nhiều đêm ông thức trắng bên
ngọn đèn dầu lạc với những câu thơ mang đầy tâm sự ngang trái. Ông nhớ cách đây
đã mười hai năm đậu tú tài cùng khóa với đứa em ruột, nhưng oái oăm là ba năm
sau đó, người em đậu cử nhân, còn mình thì rớt để rồi trở thành Giám sinh. Thấm
thía biết chừng nào câu nói “Học tài thi phận”. Ông lại nhớ đến người cha già còm
cõi nơi quê nhà, người mẹ một nắng hai sương, ngã bệnh rồi qua đời lúc ông còn
lênh đênh trên biển. Ông cũng không quên tấm lòng ưu ái của nhà vua, những câu
dặn dò đầy trách nhiệm trước lúc ra đi và ly rượu do chính tay nhà vua rót để
ban cho ông. Cảm khái trước ơn vua, lộc nước, lúc đó ông đã ứng khẩu đọc bài thơ
dài mà trong đó có hai câu như một bức chân dung tự họa, đến nay vẫn thuộc nằm
lòng:
… Cương thường thân gánh vác
Sương gió bước chơi vơi…
Ông ngước mắt nhìn lên giàn bầu nậm. Dây nào cũng mập mạnh
với những chiếc lá xanh non tràn đầy sức sống. Có nách đã đậu trái, có nách chỉ
mới ra hoa. Ông lại như vừa nhìn ra một triết lý sống dâng hiến cho cuộc đời này
qua cây cỏ.
Ông đang sống những ngày buồn tẻ thì bỗng dưng nhận được
chiếu chỉ của nhà vua triệu vào kinh. Ông thầm nghĩ, chắc cũng như những lần trước,
lần này có lẽ lại phải lên đường đi xa, lênh đênh chân trời, góc bể.
Một buổi sáng, nắng đang dần lên sau những ngày mưa bụi.
Cả hoàng thành như ấm lại. Cung điện, đền đài thoát ra khỏi cái vẻ trầm mặc dưới
những hàng cây um bóng lá, bên những khóm hải đường, những khóm trúc đào với những
chùm hoa rực rỡ, lay động trước gió xuân.
Vua Tự Đức không mặc hoàng bào như những lần thiết triều ở
điện Thái Hòa. Nhà vua chỉ mặc bộ lụa vàng trông thật giản dị và gần gũi trong
lúc làm việc ở điện Cần Chánh. Nhà vua ban rượu cho Bùi Viện rồi ôn tồn nói:
- Khanh đừng lấy làm phiền muộn về hai chuyến đi ra nước
ngoài của mấy năm trước không mang lại kết quả. Các nước lớn người ta suy tính
thiệt hơn ghê lắm. Khanh cũng chỉ vì ta mà ra sức tìm cách bảo vệ giang sơn gấm
vóc do các Tiên đế đã dày công gầy dựng. Nay ta muốn bàn với khanh một vấn đề
quan trọng, có liên quan đến vận mệnh đất nước, trong tình hình ngoại xâm, nội
thù hiện nay.
- Bẩm! Hạ thần xin phụng mệnh.
- Đất nước ta, từ Bắc chí Nam có mấy ngàn dặm biển. Đó không
những là đầu mối giao thông của đường thủy trong nước và ngoài nước mà còn là một
nguồn lợi vô tận, có thể nuôi sống con dân đến muôn đời sau.
Từ khi lập quốc đến nay, thời nào cũng coi trọng mặt biển.
Các bậc Tiên đế của Trẫm đã từng lập nên Đội Hoàng Sa để đo đạc, vẽ bản đồ,
khai thác và bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các hoàng đế về sau đều
tiếp tục mở rộng sự hoạt động của Đội Hoàng Sa, đều có xây thêm các trấn hải đài
để tăng cường canh phòng mặt biển.
Trẫm chưa nguôi cơn giận đối với bọn Phú Lang Sa, dám đem
tàu chiến đến bắn phá cửa biển Đà Nẵng, chiếm đất phía Nam, đánh thành Hà Nội,
thì gần đây lại xảy ra sự việc bọn Tàu Ô đến cướp phá ở bên ngoài cửa biển Thuận
An.
- Bẩm! Hoàng thượng có thể nói rõ hơn về việc này.
- Nguyên hôm đó có đoàn thuyền của Nha Kinh lược sứ Bắc
thành chở binh lính và một số vật dụng vào Huế đổi phiên thì bị bọn Tàu Ô chận đường
cướp phá, gây không biết bao nhiêu thiệt hại về người và của.
Trước đó, Trẫm đã nghiêm trừng các viên trấn thủ Thuận An
cùng các viên phòng luyện Hải Phòng sứ do sơ suất trong việc canh gác để cho
thuyền của bọn Phú Lang Sa đến xin giao hảo, chưa có phép của triều đình lại
cho đi thẳng vào Thuận An mà các viên Tấn thủ, Hải Phòng sứ không can ngăn.
Trong việc này các viên Chánh phó sứ Trần Tiễn Thành, Nguyễn Thịnh đã không biết
nghiêm sức các thuộc hạ nên cũng bị giáng hai cấp, lưu, để làm gương.
Trước tình hình đó, Trẫm muốn khanh giúp ta kế sách ổn định
mặt biển, Khanh có ý gì mới cứ đề xuất, kế sách càng cụ thể càng tốt.
Bùi Viện đã từng đối diện với nhà vua nhiều lần nên vẫn
giữ được vẻ ung dung tự tại, chăm chú nghe từng sự việc. Khi nhà vua đề cập đến
chuyện bọn Tàu Ô cướp phá ở ngoài cửa bể Thuận An, ông chợt nhớ đến bài thơ do
mình sáng tác nhân sự việc này. Lúc đầu, ông định đọc cho nhà vua nghe nhưng rồi
lại thôi vì có nhiều câu châm biếm, đụng chạm đến quan hệ của triều đình: “Tàu Ô hai chiếc thẳng dong/ Ào ào súng nổ rồi
cùng hét vang/ Tung hoành chạy dọc, chạy ngang/ Quan quân chẳng thấy, thấy toàn
Tàu Ô… Cũng xưng là đấng làm tôi/ Cớ sao chẳng biết hổ ngươi trong mình…”
Sau một thoáng nghĩ ngợi miên man, ông sực tỉnh và bẩm báo:
- Bẩm Hoàng thượng, việc giữ gìn an
ninh mặt biển là rất quan trọng. Từ xa xưa cũng như mới đây bọn xâm lược đã nhiều
lần tấn công nước ta bằng mặt biển.
Trong cả hai lần xuất dương, hạ thần thấy cảng biển nào cũng
thế dù tàu bè to lớn, tấp nập, mua bán sầm uất, nhưng họ kiểm tra, kiểm soát rất
chặt chẽ. Nước ta đang có chiến tranh, những nơi trọng yếu cần phải được canh
phòng cẩn mật với các phương tiện tàu to, súng lớn.
- Ngoài khanh ra, Trẫm chưa thấy ai thích hợp với công việc
này. Mấy năm trước Trẫm đã rõ chuyện khanh cùng với Doanh điền sứ Nam Định mở
mang bến Ninh Hải. Sau này khi bến đó trở thành một cảng biển lớn, giao thương
thuận tiện với các nước thì các khanh là những người có công lớn, tên tuổi gắn
liền với sự nghiệp phát triển mặt biển. Khanh hãy cố gắng để chu tất công việc
hệ trọng này.
Biết không thể từ chối, Bùi Viện xin phụng mệnh rồi cáo
lui. Ông rời điện Cần Chánh, đi thong thả về phía cửa Hiển Nhơn. Những lối đi
nhỏ lát gạch bát tràng nằm im mát dưới những bóng cây cổ thụ, gió thổi lên từ
phía sông Ngự Hà thơm ngát hương ngâu, hương bưởi. Trước phong cảnh hữu tình
khiến ông cảm thấy thoải mái, dễ chịu sau những giờ phút căng thẳng phải giữ lễ
nghi ở chốn triều đình.
Ông lại chợt nhớ đến lần gặp gỡ trước, nhà vua cũng đã có
lời khen ngợi đối với cá nhân ông: “Trẫm với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà người
đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi khó nhọc, quỷ thần chắc ứng
cho”. Nghĩ đến đó, lòng ông lại rộn ràng, phấn chấn trước công việc được giao. Đây
là cơ hội tốt của đời ông để thi thố tài năng, thỏa chí tang bồng hồ thỉ, góp
chút công sức cho dân, cho nước, mặc dầu biết rằng con đường đi tới đầy cả gian
nan thử thách, sóng gió nghìn trùng.
Khi ra khỏi cửa Hiển Nhơn, mặt trời đã trên đỉnh đầu, ông
lừng khừng giây lát rồi quyết định ghé lại trường Quốc Tử Giám để tìm thăm quan
Tế tửu, người mà bao giờ ông cũng xem như cha mẹ mình với lòng biết ơn và quí
trọng.
Một điều rất thú vị là trong lúc ông đang quan tâm đến biển
đông thì tại nhà quan Tế tửu ông đã được đọc và luận bàn về các sách của người
xưa như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết từ năm 1776, lúc đó ông giữ chức
Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, Triều chính yếu thực lục viết dưới thời
Gia Long và Minh Mạng. Những tác phẩm này đều có đề cập đến đội Hoàng Sa và việc
khai thác, bảo vệ các quần đảo ở biển Đông. Nhờ đó mà ông hiểu tường tận hơn về
nội dung các hoạt động như Đội Hoàng Sa
có bảy mươi suất đinh, mỗi năm tháng ba đã tổ chức ra đi và tháng tám mới trở về,
thu lượm không biết bao nhiêu là hải vật như yến sào, đồi mồi, thiếc và cả đồng
khí, vàng bạc do thuyền của các nước khác bị đắm trôi dạt vào…
Trong cuộc hành trình dài ngày, ông đã có dịp ghé lại nhiều
cửa biển, ăn ở trên một số đảo, nhưng nơi đã gây nhiều ấn tượng với ông là đảo
Lý Sơn khiến ông dừng chân ở đây cả tuần lễ để vừa sinh hoạt, vừa tìm hiểu đời
sống và văn hóa của cụm đảo này.
Đảo Lý Sơn còn có cái tên dân dã là Cù Lao Ré. Có ra đến đây
ông mới hiểu được vì sao người dân lại thích gọi cái tên dân dã này. Trên đảo mọc
rất nhiều cây ré, thân mềm, lá giống lá nghệ vỏ dùng để làm dây buộc đồ rất bền.
Qua thời gian sử dụng nó đã trở thành hàng hóa, mua bán trao đổi với các thương
thuyền của các xứ mỗi lần ghé qua đây.
Thật ra đảo Lý sơn chỉ cách bờ có sáu mươi lăm dặm. Lúc
ghe của ông cập bến thì trời vừa hửng sáng, dân chài vội vã chuyển cá lên bờ,
sau một đêm ra khơi đánh bắt. Vùng biển này cá trích rất nhiều. Người ta kể, vào
khoảng đầu mùa đông hằng năm cá trích bơi vào trắng như phao cả mặt biển, nhiều
nhất là ở bến Đình, bến Ngoài. Bà con ngư dân dùng mọi phương tiện xúc về bán.
Ông dành thời gian ghé lại nhà một lão ngư. Tuổi cao, sức
yếu không đi biển được nữa, nhà lại sát chân núi cả ngày vắng vẻ, nay có khách đến
nên chủ nhà rất vui, lại có chai rượu mới được đứa cháu gái ở Quảng Ngãi gởi
ra. Hai người nâng chén rồi đàm đạo:
- Gia đình cụ sống ở đây đã lâu chưa? Bùi Viện hỏi.
- Nói chung, dân trên đảo làm ăn sinh sống ở đây đã lâu,
kể ra cả mấy trăm năm. Nghe người này, người kia nói có từ thời nhà Hồ, nhà Lê
gì đó. Còn gia đình tôi ra đây từ đời ông cố.
- Ở đây yên bình quá! Nếu không phải mùa gió bão thì trăng
thanh, gió mát, biển cả mênh mông, thật thú vị.
- Bác nói rất đúng. Đẹp lắm, bình yên lắm. Ai mới ra lần đầu,
được ngắm phong cảnh, được ăn con tôm,
con cá mới bắt lên thì thật là thú vị. Có nhiều người vào ra một vài lần, rồi đưa
cả vợ con ra ở đây.
- Ngoài chuyện sinh sống làm ăn, còn chuyện gì nữa?
- Nhiều chuyện lắm. Sóng to gió lớn vẫn chưa sợ, sợ nhất
là bọn cướp biển. Ông Nguyễn Văn Tuất là người gắn liền với huyền thoại dân đảo
chống bọn Tàu Ô, cướp phá, xâm lược, cũng mới xảy ra thôi. Chuyện nàng Roi cũng
là chuyện một người con gái đầy nhan sắc, tham gia chống cướp rồi hy sinh trên đảo.
Dân chúng vô cùng thương tiếc cả hai người.
Không ngờ chuyến đi kéo dài cả mấy tháng làm cho sức khỏe
của ông sút kém một cách rõ rệt. Khi trở về nhà ông suy nghĩ nhiều điều. Việc đi
lại và buôn bán trên biển gặp nhiều khó khăn nên không thể phát triển được. Một
phần do thuyền bè của ta nhỏ, sản vật trao đổi chủ yếu là lúa gạo, khoai sắn, một
phần thì bị bọn Tàu Ô chận đường cướp thuyền. Bởi vậy, điều cần thiết lúc này là
phải canh tân đất nước lập đội hải quân hùng mạnh để giữ gìn an ninh, trật tự ở
biển Đông nhằm bảo vệ thương thuyền và ngư dân, đồng thời bảo vệ biên cương biển
đảo của Tổ quốc.
Bên ngọn đèn khuya, ông ngồi viết bản điều trần cho nhà
vua với những kế sách rất cụ thể. Ông đề nghị lập một thủy đội với một ngàn lính
tuyển từ các nơi, gồm những người đã quen với biển cả kể cả bọn cướp biển qui hàng.
Ông sẵn sàng nhận chức “Tuần dương quân” để huấn luyện cho đội thủy quân.
Bản điều trần đầy tâm huyết được dâng lên, nhà vua đọc rồi
châu phê: “Nói lớn mà không làm được là có tội”. Ông thất vọng, buồn rầu, ra về
một cách lặng lẽ. Bao nhiêu tâm tư tình cảm tan như mây khói. Ôi! Trước nạn nước,
một chút tâm huyết gởi vào biển Đông, chỉ còn là những bọt sóng giữa đêm khuya
vỗ mạn thuyền.
Nhưng may thay, ngày hôm sau nhà vua lại triệu vào và sửa
lại lời phê: “Người nên tự cáng đáng lấy việc này”.
Ông phấn chấn trở về để bắt tay vào việc. Với chức vụ mới
là “Tuần tải nha chánh quản đốc” ông quyết định thành lập đội “Tuần dương quân”
gồm hai đoàn là “Thanh đoàn” và “Trung dũng đoàn”. Một đoàn mặc áo xanh, đội mũ
vải, là bọn giặc biển qui hàng; một đoàn mặc áo nẹp đỏ, đội nón lá, dân của các
làng chài, tất cả đều đã quen với sóng nước. Ông xây dựng “Tuần dương quân” trên
quan điểm: “Triều đình và nhân dân cùng gánh vác”, những kẻ giàu có có thể bỏ
tiền bạc ra rồi mộ quân lập đội, chỉ cần lập danh sách báo cáo và chấp hành mọi
quy định của Triều đình.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đội Tuần dương của ông
đã có hai ngàn quân với hai trăm chiến thuyền, đúng là một đội hải quân hùng mạnh
lúc bấy giờ. Mạnh không chỉ quân đông, thuyền nhiều mà dưới dự chỉ huy của ông,
quân lệnh rất nghiêm. Nhà vua và một số quan lại thức thời ở Triều đình đã dành
nhiều cảm tình trước sự thành công bước đầu của ông.
Một lần nhà vua xa giá về Trấn hải đài để tham dự lễ duyệt
binh ở cửa bể Thuận An, trước mặt Chánh sứ Trần Tiễn Thành, nhà vua đã khen Bùi
Viện:
- Trẫm không ngờ đội “Tuần dương quân”
do khanh vận động thành lập và chỉ huy lại đông đảo và nghiêm lệnh như thế này.
Thời gian gần đây, biển Đông đã yên ổn nhiều, ngư dân và thương lái được yên ổn
làm ăn. Trẫm rất là vui mừng.
Bùi Viện nghe nhà vua nói rất là cảm động và mạnh dạn bày
tỏ.
- Bẩm Hoàng thượng, từ xưa các vị Tiên đế rất quan tâm đến
mặt biển. Không những thành lập và nuôi dưỡng Đđội Hoàng Sa để khai thác và giữ
yên vùng biển đảo xa xôi, mà còn là việc khẳng định chủ quyền của đất nước ở biển
Đông. Thế Tổ đã từng lập căn cứ ở trên biển để chống với Tây Sơn, Thái Tổ đã
cho khắc biển Đông lên Cửu đỉnh, giờ phút này Hoàng thượng cũng đang đứng ở cửa
bể Thuận An. Biển, thật là nhịp tim của lịch sử đất nước. Việc làm của hạ thần,
chưa có gì đáng nói. Đó là chỉ là tấc lòng, hạ thần muốn gởi đến sóng nước biển
Đông mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét