TỤC NỐI DÂY TRONG HÔN NHÂN
CỦA NGƯỜI ÊĐÊ Ở TỈNH ĐẮK LẮK
Mỗi dân tộc
có một nền văn hoá với những nét truyền thống riêng. Trong quá trình cộng cư, sự
giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, việc tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố văn
hoá mới của các dân tộc khác đã làm phong phú hơn cho nền văn hoá của dân tộc mình.
Tục nối dây (cuê nuê) trong cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk dù đã trải qua một thời
gian dài nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại, bởi vì nó vẫn có ý nghĩa và đã tự điều
chỉnh tiếp thu những cái mới.
Hôn nhân trong xã hội mẫu hệ truyền
thống của người Êđê là ngoại hôn, những người trong cùng một dòng họ không được
phép lấy nhau. Vì vậy, việc kết hôn phải được thực hiện giữa hai thành viên thuộc
hai dòng họ khác nhau. Với tính cố kết cộng đồng cao, người Êđê quan niệm rằng
việc trao đổi hôn nhân giữa các gia đình lớn và dòng họ nhằm thiết lập sự liên
minh giữa các dòng họ với nhau và tạo ra nhiều mối quan hệ xã hội mới (quan hệ thông
gia, quan hệ với bà con thân thuộc của cả hai bên...).
Hình thức hôn nhân điển hình cho sự
liên minh giữa các dòng họ và gia đình đó là loại hình hôn nhân ưu tiên và hôn
nhân nối dây. Hôn nhân ưu tiên hay còn gọi là hôn nhân con cô con cậu - nghĩa là
các con của cô được phép kết hôn với các con của cậu (anh, em trai của mẹ) vì
chúng thuộc về hai dòng họ khác nhau. Hôn nhân nối dây hay còn gọi là tục nối dây
- nghĩa là nếu chồng chết thì người vợ góa có quyền đòi hỏi gia đình chồng thay
thế người đã khuất bằng anh hoặc em trai, hoặc cháu trai của người này và ngược
lại, người chồng cũng có quyền như vậy khi vợ anh ta chết.
1. Nhận thức về tục nối dây
Đối với người Êđê, hôn nhân không những
là sự kiện quan trọng đối với một cá nhân nào mà nó là sự kiện quan trọng của mỗi
gia đình, dòng họ và rộng hơn là cả buôn, làng, vì hôn nhân của người Êđê ảnh hưởng
đến cộng đồng làng. Trong tâm thức của họ, nghi lễ của bất kỳ một cuộc hôn nhân
nào kể cả hôn nhân nối dây cũng cần phải có sự chứng kiến của thần linh (Yang) để
mong nhận sự phù hộ mọi điều tốt lành đến với cặp vợ chồng, dòng họ và cộng đồng.
Người Êđê theo tập quán mẫu hệ nên cư
trú sau hôn nhân là bên nhà gái. Trong hôn nhân, quan niệm của nhà trai là họ mất
đi một người lao động đã trưởng thành, còn bên nhà gái họ thường tìm kiếm người
đàn ông biết làm ăn và chăm lo cho gia đình. Luật tục của người Êđê quy định,
khi vợ hoặc chồng chết, dòng họ phía người chết phải tìm một người thay thế người
chết cùng với người còn lại chăm sóc những đứa con bất hạnh của họ và duy trì
gia đình như trước đó. Vì thế, khi vợ chết thì chồng có thể lấy em vợ, chị vợ,
còn khi chồng chết người vợ có thể lấy em chồng, anh chồng hoặc cháu chồng. Tính
nhân văn của tục lệ này là giúp cho các em nhỏ và người già có nơi nương tựa, nó
không những tạo sự liên kết giữa các thành viên với nhau mà tạo tính bền vững
giữa dòng họ này với dòng họ khác.
2. Vai trò của tục nối dây trong luật tục
Người Êđê cho rằng tục nối dây
là một tục lệ bình thường trong luật tục, được cộng đồng thực hiện nó một cách
nghiêm túc, tự nguyện. Nếu có trường hợp người nối dây chênh lệch tuổi
quá nhiều thì luật tục cũng cho phép họ chỉ là một cặp vợ chồng trên danh nghĩa.
Vì thế trong luật tục quy định: Nếu người góa mà lớn tuổi, người nối dây còn nhỏ
tuổi quá thì chưa thể làm vợ hoặc làm chồng được, khi đó người góa có quan hệ tình
cảm với người khác thì cũng không bị xử phạt.
Về quy định tục nối dây sẽ được tiến hành sau nghi lễ an
táng, các cuộc họp giữa ngày mới chết và ngày để họ tiến hành chôn cất người quá
cố trong thời gian khoảng từ ba đến bảy ngày, trong thời gian này gia đình người
chết sẽ tìm người nối dây cho người đàn ông hay người đàn bà còn lại. Phải xem
người nối dây có đồng ý nối cùng với người goá vợ hoặc goá chồng hay không và
ngược lại vợ hoặc chồng goá có đồng ý nối dây với người đó hay không. Thường thì
người Êđê chỉ thích nối dây với người bà con trong thị tộc hoặc trong các dòng
họ gần với mình, để thích nghi cho việc hôn nhân.
Đối với trường hợp người mất là người chồng mà trong dòng
tộc vẫn không tìm được người nối dây trong dòng họ thì cần phải tìm một người
con trai của dòng họ khác hoặc làng khác về làm con nuôi trong gia đình nhà
trai và coi người đó như người ruột thịt trong gia đình. Sau khi tiến hành nối
dây thì người nhà gái vẫn phải đưa của hồi môn cho dòng họ ruột của nhà trai, mà
không phải đưa lễ vật cho gia đình nuôi người đàn ông.
Với trường hợp người mất là người vợ thì gia đình vợ sẽ tìm
trong dòng tộc một người chị, hoặc em gái hoặc cháu gái của người vợ. Nếu gia đình
không tìm được người trong gia đình để thay thế thì có thể tìm một người phụ nữ
ở dòng họ hoặc làng khác để nối dây. Nhưng người phụ nữ này sẽ được gia đình người
vợ quá cố mang một ít của cải sang nhà để mua lại cô gái này. Một số trường hợp
người chồng không tìm được người thích hợp trong gia đình người vợ đã mất để cuê
nuê thì sau khi làm lễ wăt trong ngày đưa tang để tách linh hồn của mình với
vong hồn của người đã khuất; sau đó trở về gia đình của mình trước khi có vợ để
sống cùng với chị gái hoặc em gái ruột.
Trong trường hợp khác thì khi người vợ mất, người chồng tạm
quản lý tài sản và nuôi con khôn lớn, khi hết tang vợ thì người chồng lấy vợ khác,
tài sản giao lại cho con và cho gia đình vợ. Còn khi họ chưa có con thì tài sản
được giao lại cho bên vợ, người chồng không mang theo để lấy vợ khác. Về người đàn
bà goá không có nòi để nối, muốn lấy chồng trong khi chưa bỏ mả người chồng chết
thì gia đình chồng có thể cho tái giá.
Luật tục của người Êđê phân biệt rất rõ về điều kiện hôn
nhân, nhất là sự phân biệt rõ về nguồn gốc huyết thống để tránh anh em trong cùng
dòng họ lấy nhau. Những ứng xử trong cộng đồng gia tộc trước và sau khi diễn ra
hôn nhân nối dây luôn được đặt trong mối quan hệ tự do dân chủ trong khuôn khổ
quy định của luật tục. Hôn nhân của người Êđê luôn phải nằm trong sự ổn định và
phát triển quyền lợi của gia đình, dòng họ. Hạnh phúc của những cặp nối dây luôn
luôn được sự giúp đỡ của hai bên gia đình và cả cộng đồng người Êđê. Đó là văn
hoá ứng xử xã hội được biểu hiện qua sự cảm thông, chia sẻ của hai gia đình,
hai dòng họ, giữa bố mẹ và con cái. Đây cũng là nền tảng để xây dựng hạnh phúc
gia đình lâu dài, xây dựng sự đoàn kết của hai gia đình, hai dòng họ và lớn hơn
là sự đoàn kết của cả cộng đồng được bền vững.
3. Hôn nhân
nối dây qua văn hoá dân gian của người Êđê
Hôn nhân nối dây được thể hiện trong các tác phẩm sử thi
như: Đăm Săn, Đăm Tiông và Khing Jú.
Nhân vật Đăm Săn trong trường ca là một vị tù trưởng oai
hùng, chống lại thần quyền chống lại luật tục. Đăm Săn không chịu nối dây, không
thích công việc nhà vợ, có những nguyện vọng cao xa như đi bắt nữ thần Mặt Trời
về làm vợ lẽ của mình. Tuy nhiên, xuyên suốt sử thi Đăm Săn là vấn đề nối dây và
hôn nhân nối dây ở đây theo nguyên tắc ngoại hôn dòng tộc.
Hôn nhân nối dây ở trong tác phẩm sử thi Khinh Jú theo kiểu
hôn nhân chị em vợ, chính H’bia Dâo là người đã phản đối gay gắt khi biết mẹ không
gả H’Guê về làm vợ Khinh Jú theo tục lệ nối dây. Đó là do ý thức của việc thực
hiện bảo vệ, duy trì hôn nhân nối dây. Phụ nữ người Êđê trong sử thi không chỉ
là những người thực hiện nghiêm túc hôn nhân nối dây mà còn bảo vệ, duy trì, gìn
giữ các quy tắc hôn nhân mẫu hệ nói riêng và phong tục tập quán của người Êđê nói
chung.
Sử thi Đăm Tiông có cốt truyện là người anh hùng cướp vợ,
mặc dù Đăm Tiông đã có vợ nhưng người anh hùng này vẫn muốn cướp người vợ mà
cha mẹ hứa hôn từ khi anh còn bé và nó cũng có liên quan đến tục nối dây.
Trong sử thi, biểu hiện rõ nét nguyên tắc hôn nhân truyền
thống của đồng bào Êđê, nhằm củng cố, thiết lập mối liên minh dòng họ thông qua
nguyên tắc hôn nhân ngoại tộc. Hôn nhân nối dây được đề cập đến trong sử thi như
là một cách để người ta có thể bảo vệ tuyệt đối các quy tắc hôn nhân truyền thống
nói riêng và truyền thống mẫu hệ Êđê nói chung.
4. Tục nối dây
trong văn hoá phi vật thể truyền thống của người Êđê
Với người Êđê mối
quan hệ thân tộc được tính theo dòng mẹ và quan hệ huyết tộc chi phối nhiều đến
đời sống các thành viên trong tộc họ cũng như những công việc quan trọng của dòng
họ đều được quyết định theo quy định của mẫu hệ. Trong mỗi làng thường có nhiều
dòng họ sinh sống. Trong dòng họ có một người lớn tuổi nhất sẽ đứng đầu dòng họ.
Đây được gọi là quần cư thân tộc mà đặc trưng của nó là theo huyết thống bên mẹ,
quần cư này gồm có từ 50 đến 150 gia đình. Mỗi dòng họ phải có một người lớn tuổi,
có uy tín, và luôn có trách nhiệm với dòng họ mình. Các thành viên trong làng có
việc gì cần cầu xin, báo tin vui, cảm ơn tổ tiên phải đến gặp già làng để làm lễ.
Mỗi dòng họ của người Êđê đều có nghĩa địa chung hay còn
gọi là nhà mồ, những người có quan hệ huyết tộc theo dòng mẹ khi chết được chôn
phía nhà mẹ, đối với những người đàn ông có vợ thì khi chết cũng được chôn ở
khu nhà mồ bên vợ.
Trong dòng tộc thì văn hoá mẫu hệ còn thể hiện ở vai trò
của người cậu trong gia đình, trong dòng tộc. Vai trò người cậu tức là người
anh (em) trai ruột của mẹ, anh em bà con cùng huyết thống dòng họ bên mẹ được đề
cao và vẫn còn chi phối mạnh mẽ trong gia đình người Êđê. Khi gia đình có sự bất
hoà giữa các thành viên với nhau thì người cậu được mời đến để giải quyết.
Tập tục quy định quyền người cậu là biểu hiện tàn dư của
tập tục mẫu hệ, ngoài thể hiện trong việc xét xử, giáo dục trong dòng tộc còn tồn
tại trong việc cưới vợ hay gả chồng cho cháu mình. Gia đình hai bên trai gái
khi cần lo dựng vợ gả chồng cho con cái đều phải hỏi ý kiến của ông cậu, nhiều
lúc ý kiến đó lại có ý nghĩa quyết định. Những tặng phẩm trong lễ hỏi và lễ cưới
thường được trích ra một phần tặng cho ông cậu. Trong vài trường hợp đặc biệt,
những đứa trẻ mà mẹ đã chết, không ở với cha thì ở với cậu, và người cậu có quyền
nuôi dạy, và có trách nhiệm hoàn toàn về mọi mặt đối với đứa cháu ruột theo huyết
thống dòng họ mẹ.
Dòng tộc của người Êđê là dòng tộc mẫu hệ là mối quan hệ
chị, em gái- anh, em trai. Mặc dù người con trai khi đi lấy vợ và ở nhà vợ nhưng
vẫn quan tâm đến những việc của dòng họ mình và vẫn giữ vai trò điều khiển. Và
những người đàn ông được cho là lãnh đạo cao nhất trong xã hội mẫu hệ. Hàng năm
thì già làng vẫn tập hợp các thành viên của dòng tộc như đóng góp hoặc phân
chia tài sản của dòng tộc. Tài sản của dòng tộc chủ yếu nằm trong tay người phụ
nữ người chủ của gia đình
Hôn lễ của người Êđê xưa, tập tục mẫu hệ bao trùm lên
phong tục tập quán hôn nhân của người Êđê, từ những quy tắc về hôn nhân đến những
nghi lễ cưới xin.
Theo luật tục thì người Êđê cấm kết hôn với những người cùng
họ với mẹ, dù xa nhau mấy đời cũng không được lấy nhau, theo đó những người cùng
dòng họ, cùng thờ chung tổ tiên thì không được lấy nhau vì đó là những người cùng
dòng máu, tính theo huyết thống bên mẹ.
Kết hôn phải có sự đồng ý của hai bên tộc họ. Nếu hôn nhân
không có sự chứng kiến, đồng ý của tộc họ thì bên nhà trai và nhà gái sẽ bị làng
phạt vạ bằng trâu, bò và các tài sản khác. Trong kết hôn thường thì người Êđê sẽ
trải qua những giai đoạn làm lễ như:
Mẫu hệ quy định nhà gái sẽ là người đi hỏi cưới chồng, và
trong phong tục nối dây thì nhà gái vẫn phải một lần nữa đưa ra các lễ vật để
tiến hành đám cưới.
Hình thức cưới bình thường: Văn hoá mẫu hệ trong nghi lễ
cưới xin của người Êđê cũng có nét tương đồng với một số tộc người thiểu số khác
có nguồn gốc Nam Đảo như ở người Chăm và Raglai thì nhà gái đưa chồng về, chồng
sang nhà vợ ở rể, huyết thống được tính theo dòng họ mẹ, vai trò thừa kế thuộc
về người phụ nữ. Ở người Churu và Jarai thì người phụ nữ được tôn vinh, là người
thừa kế của gia đình, dòng họ bên phía mẹ. Người phụ nữ luôn chủ động trong hôn
nhân, sau lễ cưới cô dâu phải ở lại nhà chồng nửa tháng chờ lễ đón rể về cư trú
bên nhà gái.
Cư trú sau hôn nhân nối dây: Người Êđê theo chế độ mẫu hệ,
nên sau lễ cưới cô dâu và chú rể cùng về cư trú bên nhà chồng, với người Êđê thì
người ta quan niệm con rể phải về ở bên nhà vợ làm ăn cùng nhà vợ, cùng gia đình
vợ lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải, sinh con đẻ cái, xây dựng gia đình
và là thành viên chính thức của gia đình vợ. Hiện nay gia đình của người Êđê vẫn
tuân thủ theo nguyên tắc này. Sau lễ cưới tất cả của hồi môn của hai vợ chồng đều
được cất ở nhà vợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét