Guy de Maupassant, nhà văn Pháp
Sinh ngày : 5.8.1850 tại vùng Normandie ở miền
Bắc nước Pháp
Mất ngày: 6.7.1893
Nghề nghiệp: nhà văn, nhà viết kịch
Trường phái: văn học hiện thực, văn học lãng mạn
Tác phẩm chính: Pierre và Jean (Pierre et Jean), Một cuộc
đời (Un vie)
ĐỨA CON NUÔI
Hai mái nhà tranh đứng bên cạnh nhau dưới chân một ngọn đồi
gần một khu nghỉ mát nhỏ bên bờ biển. Hai người nông dân lao động vất vả trên vùng
đất bạc màu để nuôi những đứa con nhỏ của họ, mỗi gia đình có bốn đứa con.
Phía trước hai khung cửa kế cận nhau là cả đám nhóc tì chơi
đùa từ sáng tới tối. Hai đứa lớn nhất mới sáu tuổi, và đứa bé nhất mới mười lăm
tháng tuổi. Hai cuộc hôn nhân, và những lần sinh nở sau đó đã xảy ra gần như đồng
thời ở cả hai gia đình.
Hai người mẹ khó lòng phân biệt con của họ giữa đám đông,
và về phần hai người cha, họ cùng nhau làm việc ở biển. Tám cái tên nhảy nhót
trong đầu họ, họ luôn luôn lẫn lộn chúng, và khi họ muốn gọi một đứa trẻ, hai
người đàn ông phải gọi đến ba cái tên thì mới trúng được đứa muốn gọi.
Mái nhà tranh thứ nhất, khi từ bãi tắm Rolleport đi lên,
là của gia đình Tuvaches, ông này có ba cô con gái và một cậu con trai; nhà kia
là nhà của gia đình Vallins, có một cô con gái và ba cậu con trai.
Tất cả họ sống thanh đạm bằng xúp, khoai tây và khí trời.
Vào lúc bảy giờ sáng, rồi đến trưa, rồi đến sáu giờ chiều, hai bà vợ gom lũ con
lại cho ăn, như người chăn ngỗng gom ngỗng. Những đứa trẻ được cho ngồi theo độ
tuổi trước cái bàn gỗ lên nước bóng vì đã dùng năm mươi năm, miệng của đứa bé nhất
còn chưa ngang mặt bàn. Trước mặt chúng được đặt một tô đựng đầy bánh mì, chấm
nước luộc khoai, một nửa bắp cải và ba củ hành, và cả dãy dài ăn cho tới khi cơn
đói của chúng dịu lại. Còn người mẹ thì cho đứa bé nhất ăn.
Một nồi thịt quay nhỏ vào ngày chủ nhật là một bữa tiệc đối
với tất cả. Vào ngày hôm ấy người cha ngồi lâu hơn ở bữa ăn, nói: “Ước gì ngày
nào mình cũng như thế này”.
Một buổi chiều tháng tám, một chiếc xe ngựa bốn bánh đột
ngột dừng phía trước hai mái nhà tranh, và một thiếu phụ, là người đang đánh xe
ngựa, nói với người đàn ông lịch sự ngồi bên cạnh nàng:
“Ô, nhìn những đứa trẻ kia kìa, Henri! Chúng đẹp làm sao,
chúng nhào lộn trên đất, như thế kia!”.
Người đàn ông không trả lời, vì đã quen với những lời bình
phẩm như thế, đó là một nỗi đau và gần như một lời chỉ trích anh. Người thiếu
phụ tiếp tục nói:
“Em phải ôm hôn chúng! Ôi, em muốn có một đứa trong bọn
chúng quá – đứa kia kìa – đứa nhỏ xíu ấy!”
Nhảy xuống xe, nàng chạy về phía bọn trẻ, ôm lấy một
trong hai đứa nhỏ nhất – thằng nhóc con nhà Tuvache – bế nó lên trong hai tay nàng,
nàng âu yếm hôn lên đôi má lấm lem của nó, lên mái tóc bù xù lấm đất của nó, và
hôn lên đôi tay bé nhỏ đang vùng vẫy mạnh để tránh khỏi sự âu yếm làm nó khó chịu.
Thế rồi nàng lại lên xe, và cho xe chạy đi. Nhưng tuần
sau đó nàng trở lại, nàng ngồi trên đất, ôm đứa bé trong tay, cho nó ăn bánh,
cho kẹo những đứa khác, và chơi đùa với chúng như một cô gái trong khi chồng nàng
nhẫn nại đợi trong xe.
Nàng lại quay lại, làm quen với cha mẹ bọn trẻ, và lại xuất
hiện mỗi ngày túi đầy những món ngon và những đồng xu.
Tên nàng là Henri d’Hubieres.
Một buổi sáng, sau khi đến nơi, chồng nàng xuống xe cùng
nàng, và không dừng lại để nói chuyện với bọn trẻ bây giờ đã khá quen nàng, nàng
vào nhà của người nông dân.
Họ đang bận chẻ củi để nhóm lửa. Họ đứng dậy ngạc nhiên,
nhắc mấy cái ghế lại và chờ đợi.
Lúc ấy người đàn bà, bằng một giọng đứt quãng, run run, bắt
đầu:
“Ông bà ơi, tôi đến gặp ông bà, vì tôi muốn… tôi muốn đưa
cậu nhỏ con của ông bà đi với tôi…”
Những người nhà quê quá hoang mang không nghĩ được gì nên
không trả lời.
Thiếu phụ lấy lại hơi thở, tiếp tục: “Chúng tôi cô độc,
chồng tôi và tôi cô độc. Chúng tôi sẽ nuôi nó. Ông bà có bằng lòng không?”
Bà nông dân bắt đầu hiểu ra. Bà ta hỏi:
“Bà muốn đem Charlot đi khỏi chúng tôi à? Ồ, không, không
đâu!”
Lúc ấy ông d’Hubieres chen vào:
“Vợ tôi nói không rõ ý. Chúng tôi muốn nuôi nó, nhưng nó
sẽ trở về thăm ông bà. Nếu nó nên người, mà có nhiều lý do để được như vậy, nó
sẽ là người thừa kế của chúng tôi. Nếu may mà chúng tôi có con, nó sẽ chia gia
tài bằng chúng, còn nếu nó không đáp ứng lòng kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi
sẽ cho nó một khoản tiền hai mươi ngàn quan khi nó đủ tuổi thừa hưởng, khoản tiền
này mang tên nó sẽ được ký gửi ngay cho một luật sư. Chúng tôi có nghĩ về ông bà,
chúng tôi sẽ chi cho ông bà cho đến chết, một khoản tiền một trăm quan mỗi tháng.
Ông bà có hiểu tôi không?”
Bà mẹ điên tiết:
“Mấy người muốn tôi bán Charlot cho mấy người hả? Ồ không,
đó không phải là chuyện để hỏi một người mẹ! Ồ không! Đó là việc kinh tởm!”
Người bố, nghiêm nghị và thận trọng, không nói gì, nhưng
tán thành những lời bà vợ nói bằng cách gật đầu mấy cái.
Bà d’Hubieres, thất vọng, bắt đầu khóc. Bà quay sang chồng,
giọng thổn thức bằng một giọng mà trẻ nhỏ thường dùng để có được những thứ chúng
muốn, bà lắp bắp:
“Họ không chịu, Henri, họ không chịu”.
Lúc ấy ông chồng cố gắng một lần chót: “Nhưng các bạn ơi,
hãy nghĩ đến tương lai của đứa trẻ, nghĩ đến hạnh phúc của nó, đến…”
Nhưng bà nông dân giận điên lên, ngắt lời ông:
“Chúng tôi nghĩ kỹ rồi! Hiểu cả rồi! Ra khỏi đây ngay và đừng
để tôi thấy mặt ông bà nữa… sao lại muốn đem đi một đứa trẻ như thế!”.
Bà d’Hubieres nhớ rằng có hai đứa bé, đều khá nhỏ, và bà
hỏi qua làn nước mắt, với sự kiên trì:
“Nhưng đứa bé kia không phải là con của ông bà chớ?”.
Ông Tuvache trả lời: “Không, nó là con của nhà hàng xóm!
Bà có thể đi gặp họ nếu bà muốn”. Nói rồi ông bỏ đi vào trong, vì giọng phẫn nộ
của bà vợ lại vang lên.
Ông bà Vallins đang ngồi ở bàn, chậm chạp ăn những lát bánh
mì mà họ đã hết sức dè sẻn phết lên một ít bơ có mùi ôi đựng trên cái đĩa để giữa
hai người.
Ông d’Hubieres nói lên những lời đề nghị của ông, nhưng với
lời nói bóng gió hơn, đề phòng hơn, khôn ngoan sắc sảo hơn.
Hai người nhà quê lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng, nhưng
khi họ biết rằng họ sẽ có được một trăm quan mỗi tháng, họ suy nghĩ lại, hỏi ý
nhau bằng mắt, bối rối hơn. Họ cứ im lặng một hồi lâu, cân nhắc, do dự. Cuối cùng
bà vợ hỏi: “Sao hả ông?” Bằng một giọng nặng nề, người chồng nói: “Tôi nói chuyện
này không nên xem thường”.
Bà d’Hubieres, run run vì đau khổ, nói về tương lai của
con họ, về hạnh phúc của nó, và về số tiền nó có thể cho họ sau này.
Người nông dân hỏi: “Khoản tiền một ngàn hai trăm quan này
sẽ được đảm bảo trước một luật sư chớ?”
Ông d’Hubieres đáp: “Nhất định là vậy, bắt đầu từ ngày
mai”.
Bà nông dân đang ngẫm nghĩ về chuyện này, tiếp lời:
“Một trăm quan một tháng không đủ để bù việc chúng tôi mất
con. Thằng bé đó sẽ làm việc trong vài năm nữa, chúng tôi phải được một trăm
hai mươi quan”.
Sốt ruột, bà d’Hubieres đồng ý khoản tiền đó ngay, và vì
bà muốn đem đứa nhỏ đi, bà tặng thêm một trăm quan nữa làm quà, trong khi chồng
bà làm giao kèo. Và người phụ nữ trẻ, hớn hở, mang thằng bé đang tru tréo đi,
như người ta mang đi một món hàng ra khỏi tiệm.
Ông bà Tuvache, từ cửa nhà họ nhìn người phụ nữ trẻ ra đi,
im lặng, trầm ngâm, có lẽ ân hận vì sự từ chối của họ.
Không ai biết gì thêm về cậu bé Jean Vallin nữa. Cha mẹ của
cậu đến gặp luật sư hàng tháng để lĩnh khoản tiền một trăm hai mươi quan. Họ đã
cãi nhau với hai người hàng xóm, vì bà Tuvache cứ xăm xỉa họ, rằng người ta phải
quái đản lắm mới bán con mình; việc bán con là kinh dị, đáng ghê tởm. Thỉnh thoảng
bà lại bế Charlot trong tay, nói to, như thể là nó hiểu hết.
“Mẹ đã không bán con. Con yêu của mẹ. Mẹ không giàu, nhưng
mẹ không bán con của mẹ!”.
Nhà Vallins sống thoải mái, nhờ khoản tiền hàng tháng. Đó
là nguyên nhân làm sự tức giận của nhà Tuvache không dịu được, vì họ vẫn nghèo
khó. Đứa con cả đã đi lính; còn lại một mình Charlot lao động với ông bố già, để
giúp đỡ mẹ và hai cô em gái nhỏ hơn.
Khi cậu được hai mươi mốt tuổi thì một sáng, một chiếc xe
ngựa đẹp dừng trước hai căn nhà. Một chàng trai lịch sự có chiếc đồng hồ vàng đính
dây xích xuống xe, chìa tay cho một bà tóc bạc lớn tuổi. Bà già nói với anh: “Nè
con, chính là ngôi nhà thứ hai kia”. Thế rồi chàng trai vào nhà của gia đình
Vallins như thể nhà mình.
Bà mẹ già đang giặt tạp dề, người cha già yếu ngủ ở góc ống
khói lò sưởi. Cả hai ngẩng đầu lên, và chàng trai nói:
“Chào cha, chào mẹ!”.
Cả hai ông bà đứng lên, hoảng hồn. Bối rối, bà nông dân làm
rớt cục xà phòng vào nước, lắp bắp:
“Là con, con của ta? Con của ta phải không?”
Chàng trai ôm hôn bà lập lại: “Chào mẹ”, trong khi đó ông
già nói bằng giọng điềm tĩnh mà ông chưa bao giờ mất: “Con lại về đây rồi,
Jean”, cứ như thể ông mới gặp chàng một tháng trước.
Khi họ đã làm quen với nhau rồi, cha mẹ chàng trai muốn đưa
con họ đi trong xóm để giới thiệu. Họ dẫn chàng đến gặp ông thị trưởng, ông phó,
ông thầy thuốc, và ông hiệu trưởng.
Charlot, đứng nơi ngạch cửa nhà anh, nhìn chàng trai đi
ngang. Vào buổi tối ở bữa ăn, anh nói với hai ông bà già: “Ba mẹ chắc phải ngớ
ngẩn lắm mới để họ đem thằng con nhà Vallins đi”.
Người mẹ cãi lại: “Mẹ sẽ không bán con của mẹ”.
Người cha giữ im lặng. Người con tiếp tục:
“Thật không may khi bị hy sinh như thế”.
Lúc ấy ông Tuvache bằng giọng tức giận, nói:
“Mày quở trách ba mẹ vì đã giữ mày lại hả?” Chàng thanh
niên nói một cách tàn nhẫn:
“Phải, con trách ba mẹ là những người khờ. Những người như
ba mẹ làm mất may mắn của con cái. Tôi có bỏ ba mẹ thì cũng đáng”. Bà già khóc
ngay trên bữa ăn. Bà tấm tức, khi bà nuốt những muỗng canh, bà làm đổ hết một nửa:
“Người ta có thể chết để nuôi dưỡng con cái!”
Lúc ấy người con nói sẵng: “Tôi thà không được sinh ra còn
hơn là như thế này. Khi tôi thấy thằng đó, tim tôi như ngừng đập. Tôi tự nhủ: Hãy
nhìn những gì lẽ ra bây giờ mình đã là!”. Người con đứng dậy: “Tôi cảm thấy rằng
tôi không ở nhà này thì tốt hơn, vì tôi sẽ cằn nhằn ông bà từ sáng tới tối, và
tôi sẽ làm cuộc đời ông bà khốn khổ. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông bà về
chuyện đó!”
Hai ông bà già im lặng, nhìn xuống, trào nước mắt.
Người con tiếp tục: “Không, nghĩ về chuyện đó sẽ là quá
nhiều. Tôi muốn tìm một cuộc sống ở nơi khác hơn”.
Anh ta mở cửa. Nhiều giọng nói vọng vào nơi cửa. Nhà
Vallins đang ăn mừng sự trở về của con họ.
VÕ HOÀNG MINH dịch
(Từ “The adopted son”)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét