Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

SỐ 262 - tác giả LINH NGA NIÊ KDĂM


                       

NHà văn LINH NGA NIÊ KDAWM

ÍT ỎI VÀ CHƯA CÓ DẤU ẤN
                                                                                         


Ngày 15.5.2014, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”. Một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu người dân tộc thiểu số các vùng đã có mặt tại hội thảo. Nhiều vấn đề về vẻ đẹp, thành tựu, sự đóng góp, đội ngũ, những hạn chế, thậm chí là bức xúc của văn học các dân tộc thiểu số đã được trình bày.
Sau đây là trích tham luận “điểm danh” đội ngũ tác giả văn học người dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn – Tây Nguyên tại hội thảo của nhà văn Linh Nga Niê Kdăm.

Thông thường, với  vùng đất có một kho tàng văn học dân gian truyền miệng đồ sộ như trường ca, lời nói vần, cổ tích… Tây Nguyên, sẽ phải có rất đông đảo những người cầm bút làm nên sự nghiệp văn học đương đại của khu vực. Nhưng tính đến năm 2014, khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên tuy có bốn thế hệ tác giả văn học người dân tộc thiểu số, nhưng vẫn ít ỏi so với các dân tộc anh em phía Bắc. Điểm danh, chúng ta sẽ có:
- Thế hệ thứ nhất, cầm bút từ trước năm 1975  và vẫn viết “lai rai” cho đến năm 1985, thời gian rất dài nhưng số lượng tác giả rất ít ỏi, gồm: Nhà văn Y Điêng Kpă Hô Dí và tác giả thơ Mlô Y Cla Vi (dân tộc Êđê - Phú Yên); nhà văn Nay Nô (dân tộc Jrai - Gia Lai); cố tác giả thơ Đinh Xăng Hiền (dân tộc Hrê - Quảng Ngãi); tác giả thơ Kpă Y Lăng (dân tộc Bâhnar - Phú Yên).
Thời gian này hầu như không có sự quan tâm thật sự của bất cứ một cơ quan chức năng nào đối với việc xây dựng đội ngũ tác giả người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tuy đã có hai người là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
- Thế hệ thứ hai bổ sung trong những năm 1986 – 2000, từ sự ra đời của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo nên một sân chơi, chăm lo đến sự phát triển của tác giả dân tộc thiểu số cả nước. Đồng thời với sự quan tâm của các hội VHNT địa phương, thêm 5 cây bút mới xuất hiện: nhà thơ Nga Ri Vê (dân tộc Hrê - Quảng Ngãi), nhà văn Kim Nhất (dân tộc Bâhnar - Bình Định), Ka Sô Liễng (dân tộc Chăm Hroaih - Phú Yên), H’Linh Niê (dân tộc Êđê - Đắk Lắk), Hồ Chư (dân tộc Vân Kiều - Quảng Trị). Đã bắt đầu có phong cách riêng, mang đậm dấu ấn văn học dân gian truyền miệng miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên.
Đội ngũ viết văn DTTS đương đại ở Trường Sơn - Tây Nguyên từ sau năm 2000 tăng lên một cách đáng kể, nhờ sự chăm lo của Hội Nhà văn và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng như các Hội địa phương. Thế hệ thứ ba trưởng thành bổ sung hai nữ tác giả Hoàng Thanh Hương (dân tộc Mường - Gia Lai) và Niê Thanh  Mai (dân tộc Êđê, Đắk Lắk). Tiếp sau đó là sự “tự thân phát tiết” của hai tác giả thơ H’Trem Knul (dân tộc Êđê - Đắk Lắk) và K’ra Zan Plin (dân tộc K’ho - Lâm Đồng).
Từ các trại bồi dưỡng sáng tác văn thơ dành cho thiếu nhi mỗi mùa hè như Hạ Xanh, rồi Hương Rừng… và sự nỗ lực tìm kiếm, nâng niu các cây bút trẻ viết song ngữ, Hội VHNT Đắk Lắk hoan hỉ chào đón thế hệ thứ tư các gương mặt rất trẻ trung như:  H’Xíu H’Mok, H’Siêu Bya (dân tộc Êđê – Đắk Lắk), Hồng Nhật Rlayang (dân tộc Mnông - Đắk Nông). Đặc biệt hai cô gái Êđê ở Đắk Lắk tốt nghiệp đại học viết văn do Hội Nhà Văn Việt Nam phối hợp với Trường đại học VHNT Quân đội tổ chức: H’Phi la Niê và H’Wê ra Niê. Nhìn sang cao nguyên phía bắc, có thêm Y Việt Sa (dân tộc Sê Đăng), Đinh Su Giang (dân tộc Bâhnar) ở Kon Tum và H’Bi Tô (dân tộc Jrai - Gia Lai).
Vậy là chỉ tạm tính từ năm 1975 đến nay, đội ngũ cầm bút người dân tộc thiểu số của khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên đã tăng lên đáng kể. Còn chất lượng thì ra sao?
Qua tác phẩm của các tác giả bốn thế hệ, người đọc có thể nhận thấy được một phần đời sống đương đại, hình ảnh và văn học dân gian Tây Nguyên ảnh hưởng rõ nét trong các tác phẩm. Tuy nhiên nội dung vẫn chưa phản ánh hết hiện thực các vấn đề “nóng” ở địa bàn (hoặc có nhưng chưa sâu sắc), cho dẫu Tây Nguyên có tới bốn đề tài lớn chưa được khai phá hết: những mất mát hy sinh và cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chống Phulrô; những mất còn trong cuộc chuyển đổi kinh tế ồ ạt và nhanh chóng; sự chuyển đổi từ đa thần sang các tín ngưỡng khác; cuộc chuyển cư đầy nước mắt đớn đau của các dân tộc phía Bắc... Bên cạnh đó, sự sơ khai, đơn giản trong mổ xẻ tâm lý, hạn chế về cấu trúc ngôn ngữ, nghệ thuật dựng chuyện yếu… là những nguyên nhân khiến văn học đương đại khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên chưa có những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận. Cũng chưa phát triển được song ngữ để có thể tới được với cộng đồng tộc người chính mình.
Có  những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan trong sự phát triền cả đội ngũ lẫn tài năng của văn học đương đại khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.
Nguyên nhân khách quan là trong khi các nhà nghiên cứu, phê bình văn học chuyên nghiệp chưa có mối quan tâm đúng mức, sự nghiên cứu có chiều sâu học thuật, thì sự phê bình tổng thể riêng cho VHDTTS, nhất là khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lại rất  mờ nhạt. Tác phẩm không đến được với công chúng còn bởi sự in ấn, xuất bản  quá khó khăn đối với đời sống kinh tế của mỗi tác giả.
Nguyên nhân chủ quan về phía các tác giả: Thế hệ thứ nhất và thứ hai có xuất phát điểm từ trình độ văn hóa thấp; các thế hệ sau thiếu vốn sống, thiếu nội lực. Tất cả đều thiếu sự giao lưu, tiếp cận và tập huấn nghiệp vụ, lúng túng trong chọn và thể hiện đề tài. Chưa dám dấn thân, còn bị đời sống kinh tế thị trường chi phối. Vậy nên việc ý thức được sự nhận lãnh trách nhiệm để dấn thân và nỗ lực của mỗi tác giả, nhất là tác giả trẻ  cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong mỏi Hội Nhà văn và Hội VHNT các DTTS chăm lo đến việc bồi dưỡng đội ngũ sâu hơn, rộng hơn,thường xuyên hơn. Và đã đến lúc cần có một cuộc hội thảo nghiêm túc, sâu, rộng về đề tài văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, không chỉ lắng nghe tiếng nói các tác giả vùng miền, mà còn với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình chuyên nghiệp để rút kinh nghiệm và định hướng cho sự phát triển.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã thực sự làm nên những nét son trong văn hóa Việt Nam. Lẽ nào văn học đương đại DTTS lại không có chút đóng góp gì trong đó? Chẳng phải kể cả hoa dại cũng vẫn tô điểm vẻ đẹp của núi rừng nói riêng và thiên nhiên Việt Nam nói chung đó sao? Vậy văn học các dân tộc thiểu số đang ở vị trí nào trong dòng chảy của văn học Việt Nam? Và chúng ta có quyền hy vọng.
Vĩ thanh: Thử điểm đầu tác phẩm của bằng ấy tác giả: Ba nhà văn dẫn đầu với số lượng xuất bản Kim Nhất (14 đầu sách trong đó có 1 tiểu thuyết), Y Điêng (7 đầu sách, trong đó 5 tiểu thuyết), Nga Ri Vê (7 đầu sách, trong đó có 1 tập văn xuôi); sau đó là H’Linh Niê (6 đầu sách), Hoàng Thanh Hương (4 đầu sách, trong đó có 1 tập văn xuôi), Hồ Chư (4 tập thơ in riêng), Niê Thanh Mai (3 tập truyện ngắn). Các tác giả khác từ 1-2 tập, tác giả trẻ chưa đủ để in riêng. Ít ỏi quá!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét