Tác giả KHÔI NGUYÊN
AO LÀNG
Truyện ngắn
Cái ao là của chung cả
làng, nhưng mấy nhà ở xóm Cây Mít ven bờ ao cứ chũm chọe tranh chấp, nhà nào
cũng đòi hỏi chủ quyền một góc nhỏ của cái ao chung ấy.
Sự việc bắt đầu từ lão
Trung. Đất nhà lão rộng vào bậc có thứ hạng, người nhà lão đông nhất làng, nhưng
tham vẫn cứ tham. Lão vốn lắm mưu mô, nhiều thủ đoạn, thâm hiểm khôn lường.
Giành giật đất đai với hàng xóm đến mức phải đánh nhau sứt đầu mẻ trán mà chẳng
bõ bèn gì, vì nhà nào cũng có rào dậu phân ranh rõ ràng, lão chợt nghĩ ra chỉ
có cách lấn ra cái ao làng thì mới hòng nên chuyện.
Nghĩ là làm. Bắt đầu là
lão thả bèo. Đám bèo ngày một loang ra. Rồi một hôm, lão tuyên bố với đám con
cháu rằng bèo mọc ở đâu thì phần ao đó thuộc của nhà mình. Được bật đèn xanh,
lũ con cháu nhà lão mặc sức ngang ngược. Thằng con nhà lão Mộc thò cần câu
xuống ao, lão xui con ra ném đất đá xuống gây động để đuổi cá cho hết câu. Nhà
lão Kim mang lưới ra thả, lão xui con mang thuyền thúng ra thu về. Bầy vịt nhà
lão Thủy mà rúc vào đám bèo là lập tức những viên đạn súng cao su đã chờ sẵn có
dịp bắn tới…
Mấy gia đình trong xóm
Cây Mít xưa nay vốn được hưởng một phần nguồn lợi từ cái ao thấy mình mất quyền
lợi thì bất bình ra mặt, nhưng chẳng làm gì được. Vì có sang nhà để trực tiếp
gặp lão Trung thì lão vẫn tiếp đón với vẻ bề ngoài hết sức lịch lãm. Vẫn bắt
tay, thơn thớt nói cười, vẫn bày tỏ quan điểm là xóm ta phải hết sức đoàn kết
để giúp nhau cùng phát triển. Có nêu nỗi bực bội vì đám con cháu lão gây nên
chuyện ở ngoài ao thì lão cũng mang bộ mặt đăm chiêu rồi thủng thẳng rằng
chuyện ấy không quan trọng, không phải chuyện của người lớn, đừng vì nó mà ảnh
hưởng đến tình làng nghĩa xóm… Nói thế nhưng trong thâm tâm lão thì lại nghĩ:
“Tao cứ làm thế đấy. Thách thằng nào dám làm gì được tao!”
Khốn khổ nhất là nhà lão
Mộc. Đất của lão Mộc liền kề với đất nhà lão Trung. Từ cái thuở khai thiên lập
địa, gia đình lão Trung đã nhiều lần lấn chiếm nhưng không thành. Nay bèo nhà
lão Trung đã lan đến gần cầu ao nhà lão Mộc, có chỗ đã sát với khóm tre mọc ở
rìa ao. Cái bè rau muống đang tốt bời bời như thế, đấy là thức ăn hàng ngày của
gia đình, cũng là hàng hóa để vợ lão Mộc thỉnh thoảng đem ra chợ đổi về dăm
đồng bạc lẻ, ấy thế mà lũ con lão Trung lại ngang ngược chèo thuyền thúng chà
đi xát lại khiến đám rau tơi tả, nát bươm… Cứ đà này thì nhà lão Mộc chẳng mấy
chốc không được hưởng chút gì ở cái ao làng. Đã nhiều lần lão Mộc sang nhà lão
Trung để nói cho ra nhẽ thì lão Trung lại kể lể về cái đận gia cảnh lão Mộc gặp
khó khăn đã được lão giúp đỡ như thế nào, rồi các cụ của hai gia đình vốn là
tri âm tri kỷ của nhau, hai gia đình hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau thì đừng
vì mấy cái bèo mà mất đi cái tình xưa nay… vân vân và vân vân. Lão Mộc chỉ biết
ngậm ngùi ra về với nỗi ấm ức. Bây giờ mà có đánh nhau với gia đình lão Trung
thì không được rồi. Họ tộc nhà lão Trung chiếm một phần năm dân số của làng,
lão Trung cũng ỷ thế mà hiếp đáp hàng xóm láng giềng trong khi miệng lưỡi vẫn
rêu rao thân thiện. Nhưng gì thì gì, lão Mộc cũng phải kiên quyết giữ phần ao
nhà mình để có chỗ cho vợ con tắm táp, có cái cầu ao để mà sinh hoạt, có chỗ
cho lũ con thả câu giăng lưới kiếm chút cá của cái ao làng… Nhưng lưới giăng ra
cũng bị mất, câu cắm nào cũng bị bẻ, ngọn rau muống nào vừa nhò ra là vẫn cái
lũ ôn dịch ấy đến vừa chống sào vừa lia gậy cho nát be nát bét… Biết thừa là
chỉ có con cháu lão Trung nhưng vợ con lão Mộc chỉ biết đứng trên bờ dậm chân,
vỗ bẹn bồm bộp để chửi “cái đứa nào” phá hoại – cũng chỉ vì lão Mộc cấm tuyệt
đối việc chửi vỗ mặt tên tuổi, họ hàng hang hốc “cái đứa nào” dù có biết rõ mười
mươi. Ừ, bên kia cho đấy là chuyện trẻ con thì bên này cũng cho là chuyện đàn
bà con nít.
Lão Kim thì lại khác.
Thấy lão Trung đã lấn sang phần ao của mình thì chống đối ra mặt. Con nhà Trung
sang thả lưới, lão cũng cho người ra thu. Con nhà Trung mang cây đến cắm và
nhận đây là phần ao nhà mình, lão cho người ra nhổ. Con nhà Trung ném đá thì
con nhà Kim cũng sẵn sàng chọi lại ngay. Nhà lão Kim không giàu, họ tộc cũng
không đông nhưng lão Kim không sợ lão Trung vì lão Kim chơi rất thân với tay
Can – đứng đầu đám giang hồ chuyên bảo kê. Lão Trung cũng có phần e ngại Can,
nhưng vì lòng tham nên âm mưu lấn chiếm ao là khó mà từ bỏ.
Cũng có người khuyên lão
Mộc nên chơi thân với tay Can, nhưng lão vốn nho nhã và cao đạo, không muốn
chơi với kẻ xấu. Vả lại, trước đây tay Can này cũng đã mò vào nhà lão giở thói
du côn tính kiếm chác nhưng đã bị nhà lão nện cho vài gậy khiến tay này phải
đánh bài chuồn. Giờ chơi với nó, không cẩn thận rước rắn về nhà.
Lão Trung cũng chẳng phải
tay vừa. Thừa biết là việc muốn độc chiếm cái phần ao làng ở xóm Gốc Mít là
chuyện khó gặm, nên phải tìm mọi thủ đoạn để thỏa lòng tham. Nhân cuộc họp xóm
sắp diễn ra ở nhà lão Thổ, biết thế nào cũng có phần dành cho chuyện về cái ao,
lão bắt đầu dò la, nắm được rằng vợ con lão Thổ đang đói, lập tức lão bố trí
cho thằng con lão sang rủ rê con lão Thổ đi chơi phố một bữa với cắt tóc, mát
xa, ăn nhậu… vợ lão thì bưng sang rá gạo, còn lão gọi lão Thổ sang để thủ thỉ:
Chú yếu sinh lực, tớ cho cái chai rượu này là cả nhà cùng vui!... Chỉ có thế thôi,
nhưng cuộc họp xóm bàn gì thì bàn, hễ nói đến chuyện cái ao là cả nhà lão Thổ
gạt phắt: “Ao của cả làng. Ai lấy mất đâu mà sợ. Nhà tôi vẫn tắm giặt hàng
ngày…” Cuộc họp xóm chỉ thành công một nửa. Riêng với mấy nhà khác trong xóm
Cây Mít đang bị mất dần quyền lợi của cái ao thì coi cuộc họp này chẳng đâu vào
đâu.
Lão Trung thừa biết sự ấm
ức của dân Cây Mít. Song, rắp tâm phải thực hiện bằng được. Một mặt lão cho vợ
con đi đến từng nhà trong xóm để tỏ thân tính giao hảo, mặt khác thì lão rêu
rao rằng chuyện của xóm thì để xóm tự giải quyết, đừng ai can thiệp vào. Lão
Trung vẫn thỉnh thoảng sang nhà lão Mộc chơi và đánh ánh mắt vào bức đại tự “Tứ
hảo” sơn son thếp vàng giả cổ mà lão tặng mừng lễ tân gia với ngầm ý kể công.
***
Tay Can ở xóm Mới - phía
bên kia bờ ao – biết chuyện của xóm Cây Mít, nổi máu giang hồ, cũng muốn nhảy
vào can thiệp. Mặc dù chơi thân với lão Kim nhưng cũng không dám ra mặt, nhưng
vẫn bảo với lão Kim: “Ông cứ chơi tới bến. Nó chơi kiểu gì thì mình chơi kiểu
nấy”. Mà lão Kim làm luôn, xá gì! Bèo nhà lão Trung lan đến gần cầu ao, lão Kim
cho con cháu ra vớt về vứt lên vườn làm phân xanh. Con cháu lão Trung đến đòi
lại thì con cháu lão Kim trật quần xuống, gảy tưng tưng; con cháu lão Trung
giương súng cao su lên dọa thì con cháu lão Kim vác gậy ra đuổi cho chạy quắn
đít. Con cháu lão Trung mang lưới đến thả gần cầu ao, lập tức con cháu lão Kim
bơi cùng mấy tay đầu gấu đến thu về cả lưới lẫn cá… Lão Trung thừa biết đằng
sau đó là lão Kim, sau hơn nữa là tay Can xúi dục nhưng vẫn phải lu loa rằng bị
mất trộm và có phần e dè lão Kim.
Đám con cháu lão Mộc bức
xúc lắm rồi, chỉ chờ lão hô một tiếng là chúng sẵn sàng chấp nhận đổ máu với
nhà lão Trung để giành lại phần ao đang bị xâm lấn. Ấy thế mà lão vẫn cấm manh
động liều lĩnh. Chúng đâu biết nỗi đau khổ và lo lắng của lão! Lão đang đau đáu
với nỗi làm sao giữ được phần ao nhà mình mà vẫn giữ được hòa hiếu với tay xóm
giềng đang muốn xưng hùng xưng bá.
***
Sáng sớm nay ngủ dậy, mắt
mũi kèm nhèm, ra đến cầu ao để rửa mặt, Lão Mộc sững sờ khi thấy sát bên chân
cầu ao nhà lão là một cái chòi vịt mọc sừng sững. Trong chòi vịt, bọn con cháu
nhà lão Trung đang khúc khích cười, có đứa còn thè lưỡi ra như thể lêu lêu chọc
tức.
Vuốt sơ qua cái mặt, sửa
lại bộ râu, lão vào nhà, con lão bảo:
- Sáng nay chúng con bị
bọn nó té nước ướt hết cả người.
Vợ lão bảo:
- Sáng nay tôi ra rửa
rau, bị bọn mất dạy đấy hất tung cả rổ…
Lão trầm ngâm:
- Chuyện trẻ con ý mà.
Đừng có chấp.
Vợ lão nhăn mặt:
- Ông nói thế mà được à?
Cái phần đất ao nhà mình mà nó tung tác như thể… Ông phải có cách gì mà đuổi nó
đi chứ!
- Ừ, cứ từ từ rồi tính.
- Cái từ từ của ông khi
tính xong thì vợ con ông cũng thành của nhà nó rồi! hương hỏa nhà ông cũng
chẳng còn nữa đâu!
Nghe vợ sùng sùng nói
toàn điều gở, lão câm bặt, nằm phịch lên tấm phản gỗ suy nghĩ. Cái kiếp người
chẳng ai chọn được cha mẹ để sinh ra, chẳng ai chọn được hàng xóm để mà dựng
nhà cửa, khốn nạn là thế! Ngàn đời nay tổ tiên đã định cư trên mảnh đất này bởi
phía tây là đất đai, phía đông là cái ao làng, cứ dựa vào đó mà no cơm ấm cật
để sinh tồn.
Nghĩ đến cái miệng của
lão Trung lúc nào cũng thơn thớt về tình hàng xóm láng giềng nhưng hành động
lại thể hiện đầy mưu mô, thủ đoạn lấn lướt, hiếp đáp… khiến lão Mộc trăn trở.
Kiện ư? Chắc gì đã thắng!
Việc chạy án thì lão Trung có đủ khôn ngoan.
Kêu gọi bà con dân làng
lên án hành vi của lão Trung ư? Chẳng ăn thua với cái mặt trơ như thớt của lão
ấy. Mà lão Trung cũng sẽ rêu rao “phản đòn” lại chứ kém cạnh gì! Nhiều người
trong thiên hạ nghễnh ngãng, tai điếc tai lòi, hoặc ba phải thì nghe được bên
nào là cho bên ấy đúng; thậm chí lại là dịp để những kẻ xưa nay chẳng ưa lão
Mộc được cơ hội bêu riếu một cách hả hê. Đã bêu xấu nhau thì cả đôi bên cùng
xấu.
Đánh ư? Ngày xưa tổ tiên
của lão Mộc cũng đã nhiều lần đánh cho tổ tiên nhà lão Trung tả tơi, có đứa
phải chui vào ống cống mà trốn, có đứa không kịp mặc quần áo mà chạy, có đứa
chạy không kịp phải thắt cổ tự tử…
Ừ. Nếu lão Trung mà quá
quắt thì phải đánh. Con cháu lão Mộc đã ở tư thế sẵn sàng.
Lão bật dậy, cái bức đại
tự “TỨ HẢO” mà lão Trung tặng hôm nào được treo ngay gian giữa đập vào mắt. Lão
lẩm bẩm: “Hão…” rồi quát gọi: “Chúng bay đâu, tháo cái này ra để làm cửa ngăn
chuồng lợn hay thay cái cửa nhà vệ sinh cũng được…!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét