Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

SỐ 262 - tác giả CHÂU NGỌC CHIẾN





NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA THƠ MỚI SO VỚI THƠ TRUYỀN THỐNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGỮ ÂM



Thơ ca là nơi bày tỏ cảm xúc chân thật nhất của con người, là tiếng nói của một tâm hồn luôn khát khao tìm đến sự đồng điệu giữa những con tim. Từ thơ trung đại cho đến thơ mới, các tác giả đều say mê thả hồn mình cùng những âm điệu du dương của thơ ca. Họ mặc sức thổ lộ tâm tư tình cảm của mình. Tuy nhiên thơ ca trung đại vẫn bị gò bó bởi những qui phạm của thơ Đường, tác giả chưa thể mặc sức thả hồn mình như những nhà Thơ mới. Thơ mới “cuộc nổi loạn của ngôn từ” tạo ra một hệ thống ngôn từ mới “ngôn từ Thơ mới”. Đó là “sự kết hợp nhịp nhàng các ngôn từ thơ Đông và Tây, là sự tương hợp âm thanh, màu sắc, hương thơm, con người - vũ trụ của Đường thi với thơ Pháp, trên cơ sở ngôn từ thơ Việt Nam - kết quả của sự tương ứng các nền văn hóa cổ điển và hiện đại.”[Thơ mới lãng mạn cuộc cách mạng trong thi ca, tr. 148].
      Hiện tượng cách tân nằm ở tất cả các lĩnh vực ở mọi thời điểm. Cách tân ngôn từ cũng là phương diện của hiện tượng này, cũng xảy ra ở mọi nơi, mọi thời điểm. Trước phong trào Thơ mới, thơ trung đại cũng đã có những cách tân về mặt ngôn từ. Kết quả khảo sát, chúng tôi nhận được ở phần cách tân ngữ âm trong thơ truyền thống xuất hiện 18 lần trên 50 bài, tần số 0,38 lần trên bài. Điều này chứng minh rằng thơ trung đại cũng sử dụng các hình thức cách tân nhưng còn ít và hiệu quả thấp. Bởi vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của Đường thi của lối thơ ca cổ. Những cách tân về mặt ngữ âm trong thơ ca trung đại đa số sử dụng những biện pháp hiệp vần tận cùng bằng âm vang, còn những cách hiệp vần như liên tiếp, ôm nhau, gián cách, kết hợp âm rung sử dụng rất ít hoặc không có.
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
                                                       (Tự tình I - Hồ Xuân Hương)
      Thơ mới “cuộc nổi loạn về ngôn từ thơ” đã phá vỡ những luật thơ gò bó, phản kháng lại những hạn chế về nhịp điệu, âm điệu, ngữ âm với những môtip đã có từ lâu đời. Thơ là tiếng nhạc lòng hát vang giữa thiên nhiên và đất trời, hòa nhập vào cuộc sống và làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Cái mới lạ trong Thơ mới chính là những âm điệu ngọt ngào từ trong những câu thơ. Và để có được điều đó các tác giả đã sử dụng không chỉ thành thạo các biện pháp về mặt ngữ âm mà còn sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thanh thoát. Có những biện pháp trong thơ truyền thống không hề được sử dụng nhưng trong Thơ mới lại sử dụng nhiều và mang lại hiệu quả nghệ thuật rất cao. Đó là những sự vay mượn và học hỏi của văn hóa phương Tây mà đặc biệt là trong thơ Pháp với những trường phái theo chủ nghĩa tượng trưng, lãng mạn, siêu thực, Baudelaire.
      Sử dụng vần ôm nhau:
Với Nàng Thơ tôi có đàn muôn điệu,
Với Nàng Thơ tôi có bút muôn màu;
Tôi muốn làm nghệ sĩ nhiệm mầu
Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
                                               (Cây đàn muôn điệu - Thế Lữ)
      Sử dụng vần hỗn tạp:
Tiếng địch thổi đâu đây
Cớ sao nghe réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận chân trời xanh ngắt
Mây bay…gió quyến mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may…
                                                  (Tiếng trúc tuyệt vời - Thế Lữ)
      Sử dụng âm xát “r”:
   Những luồng run rẩy rung rinh lá
                                             (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)
      Sử dụng cách ngắt nhịp lạ lùng nhưng lôi cuốn:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
                                                  (Vội Vàng - Xuân Diệu)
      Những sự cách tân đó đã làm nên nét riêng cho Thơ mới về mặt ngữ âm - những “kiến trúc đầy âm vang” và mang lại những hiệu quả nghệ thuật cao.
      Tuy vậy Thơ mới cũng có những điểm giống so với thơ truyền thống. Các nhà Thơ mới cũng sử dụng vần lưng để tạo tính nhạc cho Thơ mới:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
                                               (Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)
Và sử dụng hiệp vần liên tiếp:
Chừ đây lời nói chua cay lạ nhường!
Chừ đây đêm hãy còn sương,
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng!
Chừ đây trăng nước não nùng
                                                 (Giang hồ - Lưu Trọng Lư)
Điều này chứng tỏ rằng Thơ mới không chỉ biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa bên ngoài mà còn biết tiếp thu và phát triển những tiến bộ của thơ ca trung đại.
      Âm thanh, nhạc điệu là sức mạnh đặc biệt của thơ. Sự phối hợp tài tình của âm thanh tạo nên một âm điệu thật trong trẻo êm dịu và thanh cao. Đó là khả năng khai thác các đặc điểm của nguyên âm tiếng Việt và sự lựa chọn sắp xếp hệ thống thanh điệu. Là sự kết hợp âm vận hòa vào bên trong tâm hồn của thi sĩ. Như Valéry đã nói “Âm nhạc trước hết mọi thứ”, và Chu Văn Sơn “mỗi từ, mỗi chữ phải là một nốt nhạc làm nên bản giao hưởng của tâm hồn. Sự giao thoa - cộng hưởng của các kênh cảm giác”. Rõ ràng nhạc điệu là thứ không thể thiếu của thơ ca cho nên trong thơ Xuân Diệu nhạc điệu lúc nào cũng da diết, nồng nàn và say đắm. Trong thơ ông thường sử dụng những cách hiệp vần những cách ngắt nhịp mới lạ làm cho nhạc điệu trong thơ du dương, trầm bổng hơn, thể hiện được chiều sâu tâm trạng hơn; đồng thời biểu thị được cảm xúc của nhà thơ trước thiên nhiên vạn vật.
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngã chiều hôm
Ta muốn ôm
                                               (Vội vàng - Xuân Diệu)
Cách ngắt nhịp táo bạo biểu lộ cảm xúc của nhà thơ muốn thúc giục, muốn vội vã trước sự đổi thay của thiên nhiên, muốn gấp gáp muốn nhanh lên chạy đua cùng thời gian.
Hay trong thơ Lưu Trọng Lư - một tiếng nhạc buồn vương vấn dưới trăng mờ thổn thức, một Huy Cận với tiếng nhạc dịu dịu rơi rơi mang đầy xúc cảm của một nhà thơ sầu não. Chính nhạc điệu đã làm nên những phong cách riêng cho từng nhà thơ, tạo một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
Cách tân ngữ âm mang đến những giá trị không thể ngờ tới được trong đó nổi bật lên là biểu thị cảm xúc của tác giả và làm cho câu thơ bài thơ giàu nhạc điệu. Bởi “thơ là sự phối hợp của âm thanh” là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc như Chế Lan Viên đã nói “nếu rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn”. Giữa ý và nhạc kết hợp với nhau nhuần nhuyễn bởi ý tạo nên xúc cảm, nhạc tạo nên sự rung động. Biết hài hòa hai yếu tố đó bài thơ sẽ như một khúc ru nhẹ nhàng, sâu lắng và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng nhất như chúng vốn có vậy.
Như vậy, hiệu quả nghệ thuật mà hình thức cách tân ngữ âm mang lại là rất lớn. Nó một mặt làm nên những nét riêng không lẫn lộn giữa các nhà thơ, đồng thời cũng đánh dấu sự thành công và tên tuổi, định vị chỗ đứng của họ trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Dường như, mỗi nhà thơ đều có một cách thể hiện tư tưởng và tâm hồn mình thông qua tiếng nhạc trong thơ. Để rồi, tất cả tiếng nhạc, tiếng lòng ấy góp phần làm cho câu thơ hay hơn, lạ hơn tránh những mòn sáo của thơ ca thời đại trước, làm nên một thời đại thi ca với nhiều độc đáo và thành công.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét