NGỌN ĐÈN KHÔNG BAO GIỜ TẮT
Giá trị đích thực của tác phẩm “Tắt đèn” là đã xây dựng được
hình tượng người phụ nữ “khỏe khoắn” có khả năng chống chọi với mọi thế lực “bóng
đêm” để giữ mãi cho ngọn đèn tâm hồn mình không bao giờ tắt. Đó là “báu vật” có
giá trị nhất mà Ngô Tất Tố đã đóng góp vào kho tàng nhân cách con người. Chị là
một điển hình cho những người nông dân Việt Nam tiêu biểu nhất. Chị Dậu kế thừa
truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong truyện ngắn bằng chữ Nôm, đó là bản
chất dịu dàng, cần cù, chịu khó, đẹp, thương yêu, chung thủy với chồng con nhưng
phải gánh chịu số phận bạc bẽo. Một con người có tâm hồn đẹp, thanh khiết nhưng
bị xã hội phong kiến dập vùi, bạc đãi…
Không phải ngẫu nhiên mà Ngô Tất Tố xây dựng hình ảnh chị
Dậu với cái đẹp đầu tiên là sự thanh khiết, trong sáng của đôi mắt. Độc giả cũng
bắt đầu tiếp nhận hình ảnh một chị Dậu từ đôi mắt ấy. Đây là cửa sổ tâm hồn là
nơi lưu giữ ngọn lửa nhân cách lúc nào cũng rực cháy mạnh mẽ. Tiếp sau mới đến
sự tươi tắn của làn môi và sự nuột nà của làn da đen dòn dưới nắng của người phụ
nữ hai mươi tư tuổi. Chị đẹp nhưng vẻ đẹp của chị mới đáng thương làm sao. Đáng
thương ở chỗ, chị đẹp mà không biết là mình đẹp và cũng chưa bao giờ chị có thời
gian và điều kiện để tự nghĩ rằng mình đẹp hay xấu. Chị như một đóa sen hồng hồn
nhiên giữa cánh đồng quê đầy cỏ dại. Cái đẹp có hương thơm thanh khiết, có nắng
đồng gió nội, có mưa sa bão táp… Một vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, tươi tắn chứ không
phải vẻ đẹp của một bông hoa được vun trồng, chăm bón trong vườn, trong chậu cảnh.
Vẻ đẹp của người nông dân lao động, không kiểu cách, không sửa soạn, điểm tô…
Chỉ có những người gần gũi, thương yêu, trân trọng người nông dân nghèo khổ
trong xã hội phong kiến mới có thể phát hiện ra vẻ đẹp ấy và chỉ cho người đọc.
Tuy vậy, vẻ đẹp hình thể bên ngoài mới chỉ là một tiêu biểu cho sự cộng hưởng của
vẻ đẹp bên trong tâm hồn của người phụ nữ nông dân Việt Nam thời Pháp thuộc.
Thương chồng đã ốm yếu lại còn phải chịu đòn roi tra tấn,
chị lấy thân mình che chở những trận đòn thay anh. Chị cắn răng chịu đựng nỗi đau
cắt ruột khi phải bán đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra. Chị biết, rồi đây cái Tý
sẽ khổ như thế nào nếu bị bán cho nhà giàu: “Ăn một miếng cơm nhà họ, họ cũng
bóc lột, cũng đánh cho lòi cơm ra mà trả cho họ”. Đó chính là nguyên nhân của
bi kịch tinh thần khủng khiếp mà chị phải gánh chịu. Càng thương yêu đứa con gái
ngoan hiền, tội nghiệp của mình bao nhiêu, chị càng phải bán nó bấy nhiêu ngay
sau khi chị mới phát hiện thêm ở nó những bản chất tốt đẹp nhất mà ngày thường
chị chưa kịp nhận thấy. Đó là tấm thảm kịch đau thương nhất của người mẹ phải nén
nỗi xót xa để bán đứa con mình, đồng thời cũng là màn bi kịch tinh thần cực độ
của người con bị bán.
Chị Dậu bị dồn vào hoàn cảnh không có quyền được lựa chọn
và chậm trễ. Chị thiết nghĩ phải đặt yếu tố trước mắt và vô cùng khẩn thiết lên
hàng đầu là cứu lấy mạng sống cho người chồng yếu đuối, quanh năm bệnh tật của
mình. Vì thế, chị bắt buộc phải bán con và nhận lấy trong lòng một nhát dao cắt
ngang khúc ruột của mình. Việc chị bán con, cho người đọc thấy rõ bi kịch khủng
khiếp mà người nông dân trong xã hội thực dân – nửa phong kiến phải chịu đựng, đồng
thời còn thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn của chị Dậu. Trong lúc bế tắc nhất,
ngọn đèn trong tâm hồn chị vẫn cháy và lóe lên một tia sáng mạnh mẽ: “Cứu chồng
rồi hãy cứu con”. Lúc này, nếu không bán con để cứu chồng thì chồng sẽ chết.
Chồng chết thì không bao giờ sống lại được nhưng con bị bán đi rồi thì nhất định
sẽ có ngày chuộc lại được. Thế mới thấy chị đúng là người phụ nữ đảm đang, một
mình giải quyết mọi công việc gia đình một cách ổn thỏa trong hoàn cảnh éo le
nhất.
Chị cũng không phải là người khờ khạo, dễ lừa bịp mà ngược
lại rất tinh nhanh, sắc sảo, biểu lộ tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt
Nam. Giữa đình làng – nơi chè chén của bọn “tai to mặt lớn” chị dám vạch mặt,
chỉ trán những thủ đoạn bóc lột, đàn áp dã man của bọn cường hào, ác bá vô lương:
“Trời ơi! Tôi bán cả con lẫn chó với cả hai gánh khoai mới được hai đồng bảy,
tưởng đủ tiền sưu thuế cho chồng tôi, ai dè còn suất sưu của người chết”.
Khi chồng chị đang run rẩy húp bát cháo loãng thì bọn lính lệ bất ngờ ập vào đòi
trói, đánh. Chị đã quỳ lạy, van xin nhưng chúng vẫn không rủ lòng thương xót. Đã
đến lúc “tức nước vỡ bờ”, vì tình yêu dành cho chồng con và lẽ công bằng mà không
thể tiếp tục nhịn nhục, chịu đựng thêm được nữa. Ý thức phản kháng tiềm tàng
trong con người chị đã bùng lên mạnh mẽ đến mức một mình chị có thể quật ngã
hai tên lính lệ nhà Lý Trưởng, hoặc chị đã cự lại rằng: “Việc quan làm ban
ngày, ai làm ban đêm”?
Xây dựng hình ảnh Chị Dậu như thế, tác giả và cả người đọc
chưa bao nghĩ đây là người phụ nữ chanh chua, cong cớn, lắm điều mà nhằm khẳng định
ý thức phản kháng mạnh mẽ, bằng tình yêu thương dành cho chồng con ý thức ấy càng
trỗi dậy hơn bao giờ hết. Trong văn học Việt Nam từ trước tới lúc bấy giờ chưa
có người phụ nữ nào dám làm việc ấy. Chỉ có chị Dậu mới dám đương đầu với bọn cường
hào, ác bá để giành lại sự sống. Tuy vậy, chị vẫn là biểu tượng của người phụ nữ
dịu hiền, thương yêu chồng con.
Bằng tài năng, tâm huyết, sự tìm tòi sáng tạo và những bước
trưởng thành vượt bậc trong việc sử dụng ngôn ngữ, Ngô Tất Tố đã thành công
trong việc khắc họa hình ảnh người phụ nữ nông dân Việt Nam trước năm 1975. Chị
Dậu trở thành nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, là người phụ nữ bất
hủ trong dòng văn học hiện thực phê phán nói riêng và văn học Việt Nam nói
chung. Ngô Tất Tố không bao giờ bi quan, dù cho nhân vật của mình có bị đẩy vào
hoàn cảnh hiểm nghèo nhất, ông vẫn tiếp tục bênh vực và ca ngợi những phẩm chất
tốt đẹp “Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”, “Gần bùn mà chẳng hôi
tanh mùi bùn”. Đó là khi chị thẳng tay ném cả nắm bạc vào mặt tên quan phụ
mẫu dâm đãng hay khi thoát khỏi vòng tay quỷ ám của cụ quan già cốc đế giữa lúc
chị đang phải lao đao chạy tiền sưu thuế cho chồng và tung chạy ra đường tối
om. Lúc ánh sáng bên ngoài cuộc sống đã tắt hết cũng chính là lúc ánh sáng của
ngọn đèn trong tâm hồn chị rực sáng soi cho chị tìm về với sự thanh cao, trong
sáng, sự thủy chung, nết na đáng trân trọng.
Văn học Việt Nam đã có nhiều nhân vật vì lý do này hay lý
do khác mà sa ngã, mà đi sai đường lạc hướng như Tám Bính trong “Bỉ vỏ” của
Nguyên Hồng. Ngô Tất Tố thì khác, ông vẫn bảo vệ nhân vật của mình cho đến cùng.
Vì thế, Chị Dậu trở thành nhân vật văn học giàu lòng nhân ái, giàu đức hi sinh,
trở thành nhân vật nhân văn nhất của Văn học Việt Nam. Nếu không phải là người
thương yêu, trân trọng người nông dân lao động thì chắc chắn rằng Ngô Tất Tố đã
không làm được điều kỳ diệu này.
Nhân vật chị Dậu là một điển hình xuất sắc cho nghệ thuật
điển hình hóa của Ngô Tất Tố nói riêng và các nhà văn hiện thực phê phán nói
chung. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt lịch sử và thời đại dẫn đến Ngô Tất Tố vẫn
rơi vào tình trạng xây dựng nhân vật nhất quán, một chiều và công thức. Tức là đã
xây dựng một nhân vật đẹp thì đẹp từ trong ra ngoài, ngược lại đã xấu là xấu từ
ngoài vào trong. Nếu vượt qua được hạn chế này, nhân vật sẽ trở nên sinh động hơn,
nhân văn hơn và gần gũi với đời sống con người hơn… Hạn chế này đã được ghi nhận
và nhiệm vụ cách tân nó được đặt lên vai những nhà văn hiện thực phê phán lớp
sau. Tiêu biểu nhất trong số ấy chính là Nam Cao - người đã kế thừa, cách tân và
phát huy và thành công rực rỡ.
Vượt qua những hạn chế nêu trên, ngay từ khi mới ra đời,
“Tắt đèn” đã được nhà văn Vũ Trọng Phụng đánh giá là một “thiên tiểu thuyết” có
luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn kiệt tác “tùng lai chưa
từng có”. Ngoài những vẻ đẹp bên ngoài thì nhân cách chị Dậu nói riêng và giá
trị của “Tắt đèn” nói chung mãi mãi là ngọn đèn không bao giờ tắt dẫu trải qua
giông bão của mọi thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét