Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả TRƯƠNG BI




MÙA XUÂN VÀ LỄ CƯỚI
CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Vào những ngày đầu năm, bầu trời Tây nguyên cao xanh vời vợi, gió rừng lồng lộng thổi như giục giã cây cỏ đâm chồi, nảy lộc đón xuân về. Đó cũng là lúc đồng bào các dân tộc Tây Nguyên kết thúc một mùa rẫy để bước vào một mùa lễ hội đầy sôi động. Trong âm hưởng của tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng náo nhiệt, mời bạn đến dự một lễ cưới của đồng bào Êđê. Lễ cưới của dân tộc Ê đê trong những ngày đầu xuân là một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hấp dẫn. Nó là một sinh hoạt nằm trong lễ hội vòng đời người của dân tộc này.
Cộng đồng của người Êđê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên việc tổ chức đám hỏi, đám cưới hoàn toàn do nhà gái chủ động và việc thách cưới là do nhà trai yêu cầu. Trong những ngày này không khí buôn làng vô cùng náo nhiệt, già trẻ gái trai đều ăn mặc đẹp, ai cũng bị thu hút vào ngày hội đó.
- Lễ hỏi: Các cô gái Êđê đựơc tự do tìm hiểu chọn lựa người yêu. Nếu cô gái chọn được một chàng trai vừa ý, thì về nhà báo cho cha mẹ biết, để cha mẹ nhờ người làm mai. Ông mai (pơ buh kông) đại diện cho nhà gái là một người đàn ông có tuổi, am hiểu nhiều về luật tục, ăn nói lưu loát và có uy tín. Đến ngày đã chọn, ông mai mang chiếc vòng đồng sang nhà gái ngỏ lời, gọi là lễ đưa vòng (myor kông) hay lễ hỏi chồng (emuh ting mô). Nếu nhà trai chấp thuận thì một người cao tuổi bên họ nhà trai cầm chiếc vòng đồng (do ông mai nhà gái đưa sang)  rồi hỏi ý kiến chàng trai. Nếu chàng trai nhận lời thì cầm vào chiếc vòng ấy. Sau đó đại diện hai họ làm lễ trao vòng và chính thức đặt quan hệ thông gia. Trong lễ này, nhà trai buộc một ché rượu, bắt một con gà làm lễ, mở tiệc thết đãi ông mai, đồng thời chọn ngày làm lễ thoả thuận.
- Lễ thoả thuận: Trước khi làm lễ thoả thuận, người Êđê thường có tục “gửi dâu”. Đại diện cho nhà gái (pô êmuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới trong một thời gian tùy theo sự thoả thuận của hai bên. “Gửi dâu” là thời gian thử thách lòng chung thuỷ, nết na, tài năng của người phụ nữ. Hết thời gian “gửi dâu” nhà gái đưa sang nhà trai một con gà, một nắm xôi gói trong là chuối và một ché rượu để làm lễ thoả thuận (k’năm). Những lễ vật trên thể hiện sự cầu mong, lòng kính trọng của nhà gái đối với nhà trai. Khi đến nhà trai, nhà gái chủ động đưa các lễ vật trên làm lễ cúng nhà trai. Sau đó mọi người cùng uống rượu, ăn xôi gà và cùng thảo luận về lễ cưới. Vật thách cưới thường là một con heo, bảy ché rượu, của hồi môn là một con trâu hoặc một con bò, nhà giàu thì có cả chiêng, ché. Khi đại diện bên nhà trai, nhà gái thoả thuận xong thì họ hướng dẫn cô dâu, chú rể trao vòng cho nhau trước sự chứng giám của thần linh và hai bên gia đình. Chiếc còng đeo tay tượng trưng cho sự gắn bó thủy chung trước sau như một của đôi trai gái. Sau đó gia đình nhà gái trao cho gia đình nhà trai tám cái vòng, một cái bát đồng, một cái mền, tám cái vòng tượng trưng cho sự ràng buộc, lời gửi gắm, cái chăn tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình, bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ luôn luôn tràn đầy. Sau khi làm các thủ tục thách cưới xong, hai bên thoả thuận chọn ngày lành tháng tốt để rước rể.
- Lễ rước rể và lễ cưới: Đến ngày rước rể, nhà gái mang lễ vật thách cưới sang nhà trai để làm các thủ tục như đã thoả thuận. Nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Trên đường về  mọi người tham gia rước chàng rể của nhà gái lần lượt trao vòng cho chú rể, hình thức này thay cho những lời chúc tụng, cam kết. Khi đám rước đến chỗ rẽ vào nhà gái thì một người cậu hoặc người chú bên nhà trai bước ra chặn lại. Lúc này nhà gái phải trao cho người đó một chiếc vòng đồng mới được đi tiếp. Đây là hình thức thể hiện sự níu kéo, giằng co giữa gia đfinh nhà trai đối với chú rể. Trên đường đi của đoàn người rước rể, họ thường gặp một tốp thanh niên đón đường té nước vào chú rể thay cho lời chúc mừng hạnh phúc đôi bạn trẻ. Theo quan niệm, đám cưới nào có nhiều người chặn đường, té nước thì cặp hôn nhân sẽ sống hạnh phúc lâu bền.
Phần chính của lễ cưới được tiến hành sau lễ rước rể và lễ cam kết. Nhà gái tiến hành làm lễ cúng tổ tiên (phát atao) và lễ cúng sức khoẻ cho đôi tân hôn, lễ vật là một con heo và năm ché rượu. Một người đại diện nhà gái (pô emuh) lấy máu con vật hiến thân thoa vào chân đôi tân hôn và khấn cầu tổ tiên, thần linh phù hộ cho họ được hạnh phúc. Sau đó ông ta bón cho đôi tân hôn mỗi người hai muỗng cơm và ba sừng trâu rượu cần. Mọi người tham dự cùng ăn uống, hát dân ca, nhảy múa theo nhịp chiêng mừng đôi tân hôn. Lễ cưới chấm dứt khi ông trưởng họ đại diện cho hai gia đình tuyên bố cuộc hôn nhân của đôi trai gái đã được chấp thuận theo luật tục. Ông ta đưa chiếc vòng đồng cho đôi tân hôn chạm tay vào lần cuối, thủ tục này nhằm một lần nữa nhắc nhở đôi trai gái sống trọn đời bên nhau. Lúc này, mọi người tham dự lễ cưới lần lượt đến chúc mừng đôi tân hôn và tặng quà, cầu chúc đôi bạn sống hạnh phúc, có con đàn cháu lũ, nương rẫy nhiều bắp lúa, heo bò đầy sân chật bãi.
Mọi người lần lượt ra về nhưng nhịp chiêng mừng đôi tân hôn vẫn dồn dập vang xa khắp núi rừng làng buôn như hát mãi bài ca về tình yêu đôi lứa giữa cảnh trời xuân tươi đẹp.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - MỘT NĂM LÀM TẠP CHÍ ĐÁNG NHỚ!

Thêm chú thích



Đã lâu rồi Tạp chí Văn Nghệ Chư Yang Sin mới lại tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm cũ, bàn kế hoạch công tác năm mới vào đúng ngày Noel. Năm 2012 sắp hết, tuy rất bận công tác cuối năm, nhưng các vị đại biểu, phóng viên, biên tập viên… đã đến họp mặt đông đủ và thật mừng trên khuôn mặt ai cũng vui vẻ hân hoan.
Không vui sao được, nếu như chúng ta cùng nhìn lại chặng đường một năm qua với biết bao vất vả, khó khăn mà cả tập thể cán bộ nhân viên Tòa soạn phải gồng mình vượt qua để Tạp chí có được như ngày hôm nay. Đầu năm do biên chế quá ít, nhân sự chủ chốt chưa được cấp trên phê duyệt nhà văn Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội - phải đề nghị và được BCH Hội nhất trí mời gần như toàn bộ các Ủy viên BCH Hội tham gia biên tập các chuyên mục cho Tạp chí, tuy tiền thù lao trả cho công tác biên tập chỉ mang tính tượng trưng, nhưng mọi người vẫn say mê làm việc để hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch, có chất lượng. Tháng ba, cơ quan sửa nhà, tòa soạn phải đi ở nhờ đơn vị bạn, song không vì thế mà công tác bị gián đoạn, Tạp chí vẫn ra đều đặn vào ngày 20 hàng tháng, được bạn đọc hoan nghênh. Không thể quên những ngày đi ở nhờ, nơi làm việc chật chội, đi lại khó khăn, họa sĩ An Quốc Bình vẫn miệt mài cùng Ban biên tập thiết kế lại mẫu bìa sao cho đẹp, bắt mắt, thể hiện nét đặc trưng riêng của vùng đất được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên. Mẫu bìa mới, nền bìa màu cà phê, có dòng chữ ChưYangSin màu đỏ viền trắng làm nổi bật tên Tạp chí. Tiêu chí in dưới tên Tạp chí được đổi từ màu đen qua màu đỏ, số phát hành của Tạp chí được chuyển vị trí từ trên đầu trang bìa xuống phía dưới, tạo sự cân đối. Trong các trang ruột, con số đánh dấu trang được chuyển từ đầu trang xuống cuối trang, các chuyên mục đều có vi nhét, một số truyện ngắn, thơ có thêm minh họa... Những điều chỉnh này dù nhỏ, nhưng đã góp phần làm cho Tạp chí cuốn hút người đọc hơn. Từ ý tưởng của nhà văn Khôi Nguyên và nhà thơ Đặng Bá Tiến, thông qua bàn tay họa sĩ, mẫu bìa mới hình thành và được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao.
Trong mỗi số Tạp chí thường có từ 22 đến 25 trang thơ. Để có đủ số bài bảo đảm có chất lượng, nhà thơ Đặng Bá Tiến – Phó tổng biên tập nội dung kiêm biên tập thơ phải chọn từ hàng ngàn bài của hội viên, cộng tác viên từ khắp mọi miền đất nước gửi đến. Thơ cộng tác viên gửi đến quả thật rất dồi dào, nhưng để chọn được những bài thơ phù hợp với Tạp chí thì quả là khó khăn. Ấy là chưa nói đến sự “khổ tâm” của người biên tập khi một số hội viên lâu lâu không thấy bài được đăng cũng lên trách, thậm chí “mắng” người biên tập. Ngoài ra, là… “một bộ phận không nhỏ” các bác về hưu yêu thơ, tập làm thơ, chuyển đến cho người biên tập những “tập thơ” dầy cộp  xin góp ý, có khi người biên tập phải mất cả buổi để trao đổi tâm tình… Nhưng hình như trong sâu thẳm trái tim của người biên tập thơ là trái tim người thầy giáo, nên mọi khó khăn rồi cũng trôi qua, các bài thơ được sử dụng trên Tạp chí không vấp “sạn”, được bạn bè trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Bên cạnh thơ, mảng văn xuôi trong năm qua cũng có khởi sắc nhất định. Bên cạnh những tác phẩm của hội viên tỉnh nhà tích cực gửi bài, Tạp chí còn nhận được những tác phẩm của các cây bút nổi tiếng, như nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo… viết riêng cho Tạp chí. Điều đó khẳng định Tạp chí đã và đang được các nhà văn và bạn đọc yêu mến, tin tưởng. Đạt được kết quả trên có công rất lớn của nhà văn Niê Thanh Mai – Phó Chủ tịch Hội đảm nhận phần biên tập mảng văn xuôi và sau này do điều kiện công tác và sức khỏe phải chuyển qua cho nhà văn Nguyễn Văn Thiện phụ trách.
Các chuyên mục khác của Tạp chí như: Lá thư văn nghệ, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Âm nhạc, Giới thiệu – Phê bình -Nghiên cứu, Văn nghệ Dân gian, Nhiếp Ảnh, Văn học nước ngoài, Tin Văn nghệ… cũng được duy trì thường xuyên với những tác phẩm có chất lượng cao, bám sát cuộc sống, có tính định hướng cao, hướng người đọc đến các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Trong thời gian qua, đa số các tác phẩm sử dụng trên Tạp chí đã phản ánh khá sâu sắc mọi mặt của đời sống trong tỉnh, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Đắk Lắk. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ trách các chuyên mục, như nhạc sỹ Huỳnh Ngọc La Sơn, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Huỳnh, nhà nghiên cứu sưu tầm Văn hóa Dân gian Trương Bi...
Bên cạnh các chuyên mục kể trên, từ số 240 đến nay, Tạp chí khôi phục lại chuyên mục Giới thiệu chân dung hội viên được đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh khen ngợi, góp phần giúp các trường học trên địa bàn tỉnh nhà có thêm tư liệu quý giảng dạy chuyên đề văn học địa phương. Để thêm chuyên mục này là cả một sự cố gắng rất lớn của ban biên tập nói chung và người phụ trách chuyên mục: nhà thơ Đặng Bá Tiến.
Đồng hành cùng Ban biên tập trong một năm vừa qua là đội ngũ hội viên, cộng tác viên tích cực đã gửi nhiều tác phẩm có chất lượng cao đến Tạp chí như nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà thơ Huệ Nguyên, nhà thơ Hoàng Thiên Nga, nhà văn Nguyễn Liên, nhà văn Phạm Minh Trị, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bảo Hưng, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hương Vượng, nghệ sĩ nhiếp Nam Phương, họa sĩ Hồ Hậu...
                                                    *
Tuy vậy, bên cạnh những thành công như đã nêu trên, Tạp chí vẫn còn những sai sót về lỗi chính tả, ngữ pháp do khâu biên tập, moras chưa kỹ; một số lỗi kỹ thuật cần phải khắc phục để người đọc không vấp phải những “hạt sạn” khi thưởng thức tác phẩm. Đặc biệt, gần cuối năm, Ban biên tập đã nhận được đơn khiếu nại của một hội viên về việc cán bộ biên tập “sửa từ”, “cắt bài”... Thế nhưng sau khi trao đổi thẳng thắn giữa Ban biên tập, một số hội viên Chi hội Văn học với tác giả cho thấy việc sửa chữa, biên tập lại bài viết là đúng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của bài viết…
Năm cũ đã qua, một năm mới lại đến chắc chắn sẽ còn những khó khăn do thiếu cán bộ biên tập chuyên trách, do kinh phí cho Tạp chí thuộc vào “đội ngũ” các tỉnh thấp nhất trong cả nước… nhưng chúng ta vẫn có đủ cơ sở để khẳng định: Trong năm mới Quý Tỵ Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển với hình thức và nội dung có chất lượng cao hơn năm vừa qua, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh nhà, thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

SÓ: 245&246 - CÔNG TÁC HỘI – NHÌN LẠI NĂM 2012


Nhà văn Khôi Nguyên - Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Đắk   Lắk





Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sự phối hợp hoạt động của các cơ quan ban ngành trong tỉnh và một số địa phương; sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của đa số các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội, các ban chuyên môn và sự lao động nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ nhân viên cơ quan Hội; rồi có đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt tình trong hoạt động sáng tạo VHNT… vì thế, những khó khăn về biên chế của cơ quan Hội được giao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu khối lượng công việc; việc tu sửa trụ sở khiến cơ quan Hội phải “ở nhờ” Hội Nhà báo tỉnh 4 tháng ròng cũng phần nào ảnh hưởng đến việc điều hành, tổ chức các hoạt động của Hội; bộ phận Tạp chí chưa có đội ngũ chuyên trách, chưa đảm bảo nhu cầu về mặt nhân sự của một cơ quan báo chí… cũng khắc phục được phần nào.
Năm 2012 trôi qua, Hội đã làm tốt công tác tư tưởng cho văn nghệ sĩ trong việc đấu tranh chống “âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ vững lập trường quan điểm để sáng tạo những tác phẩm, công trình VHNT theo đúng định hướng của Đảng là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mỗi văn nghệ sĩ Đắk Lắk đều tâm niệm rằng mình là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa.
Sau 10 năm khuyết chức danh Chánh văn phòng Hội thì nay đã có, lại thêm 02 chức danh Phó tổng biên tập thường trực và Phó tổng biên tập phụ trách chuyên môn của Tạp chí Chư Yang Sin cũng được các cấp có thẩm quyền chấp thuận; Chi hội Mỹ thuật và Chi hội Nghệ thuật – Biểu diễn được kiện toàn và nhanh chóng đi vào sinh hoạt ổn định; Ban Chấp hành xây dựng thêm 4 văn bản Quy chế mới để làm cơ sở cho các hoạt động của Hội thêm bài bản hơn, quy củ hơn. Hội VHNT Đắk Lắk như con diều gặp gió với sợi dây lèo đang nới nên thỏa sức bay cao, như cánh buồm đang thuận lại có thêm sức thủy lưu mà phăng phăng lướt tới…
Trải qua 4 nhiệm kỳ, khóa V (2010 – 2015) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ nhằm điều chỉnh cho việc xây dựng và phát triển Hội theo đúng Nghị quyết Đại hội V của Hội một cách chắc chắn hơn, bền vững hơn. Cũng trong năm 2012, Hội đã tổ chức Lễ phát động sáng tác và quảng bá tác phẩm với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và của tỉnh như: Tổ chức kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam tại huyện Buôn Đôn, Krông Păc và phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh, kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc phòng toàn dân 22/12, 60 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ (20/12/1951-20/12/2011)…; phối hợp với trường PTTH Nơ Trang Lơng và huyện Cư Mgar tổ chức văn nghệ giao lưu với chi hội Nghệ thuật – Biểu diễn tại cơ sở; tổ chức được 03 trại sáng tác, trong đó 01 trại tại huyện Krông Năng, 01 trại tại huyện Krông Ana, 01 trại Hương Rừng cho các cháu thiếu niên, và giúp huyện Cư Mgar tổ chức trại sáng tác Núi Hoa; tổ chức 07 chuyến đi thực tế cho hội viên (02 chuyến đi Quảng Ngãi, 01 chuyến đi Phú Quốc, 01 chuyến đi các tỉnh phía Bắc, 02 chuyến đi các huyện trong tỉnh, 01 chuyến đi Biên giới,) với tổng cộng hơn 70 lượt người tham gia; tạo điều kiện để hội viên chuyên ngành Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tham dự Liên hoan triển lãm khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên, các nhà văn đi dự Hội thảo về thơ Hàn Mạc Tử tại Bình Định. Tổ chức xét hỗ trợ sáng tạo VHNT năm 2012: có 51/60 trường hợp được đăng ký sử dụng Quỹ hỗ trợ sáng tạo…
 Tạp chí Chư Yang Sin mặc dù chỉ mới có 01 chuyên trách vi tính văn bản và 01 chuyên trách thiết kế mỹ thuật, còn lại từ các chức danh Chịu trách nhiệm xuất bản cùng 02 Phó tổng biên tập và các biên tập viên cho đến phát hành… đều là kiêm nhiệm với mức thù lao bồi dưỡng hết sức “tượng trưng” vì tinh thần trách nhiệm, vì yêu say với văn học nghệ thuật, vì sự duy trì và phát triển diễn đàn của Hội là chính, bởi thế vẫn ra đúng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tiêu chí là cơ quan ngôn luận của Hội, không những thế còn không ngừng nâng cao về hình thức (về nội dung và chất lượng nghệ thuật thì còn phải phụ thuộc vào cộng tác viên sấp xỉ 90%).
Trong năm 2012, Ngoài các cuộc triển lãm của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh do Hội địa phương và các Hội chuyên ngành trung ương tổ chức, các họa sĩ chi hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm theo CLB tại Nhà VH trung tâm tỉnh, nhà VH Thanh thiếu nhi Dak Lak, triển lãm giao lưu với các tỉnh bạn…; nhiều hội viên chi hội Nhiếp ảnh tham dự triển lãm của các chuyên ngành, các cuộc liên hoan ảnh quốc tế… đoạt thành tích cao. Trong năm 2012, 14 đầu sách được xuất bản (đặc biệt là có 2 tiểu thuyết và 1 trường ca), 01 triển lãm mỹ thuật cá nhân. 02 hội viên được kết nạp vào hội chuyên ngành trung ương (Hội Nhà văn và Hội NSNA VN) và 03 giải thưởng VHNT năm 2012 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải cho các văn nghệ sĩ Đắk Lắk là một trong những tín hiệu thành công của năm “con rồng” đối với một Hội VHNT địa phương ở Tây Nguyên.
Cũng trong năm 2012, Hội tổ chức chúc thọ 06 hội viên bước sang tuổi 70 thì cũng kết nạp thêm 06 hội viên mới, trong đó có người đang ở độ 20. Điều đó chứng tỏ đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk giữ được sự bình ổn về độ tuổi trung bình, chưa bị “lão hóa” và trở thành “Hội Người cao tuổi” như nhiều đơn vị bạn.
Mến và yêu Đắk Lắk, nhà văn Tùng Điển, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Inrasara, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân… cùng nhiều “cây đa cây đề” của giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã đến giảng dạy, giao lưu với các văn nghệ sĩ ở Tây Nguyên, tạo điều kiện  cho nhiều văn nghệ sĩ ở đây được giong buồm vươn xa.
09 Chi hội (gồm 07 chi hội chuyên ngành và 02 chi hội VHNT cơ sở) đã và đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo. Giữa thành tích của tập thể và thành tích của cá nhân là sự hài hòa hai trong một. Cái tôi và cái chúng ta đã trở thành cặp phạm trù biện chứng thống nhất, không một chút mâu thuẫn. Thành tích của cá nhân cũng là thành tích chung, thành tích tập thể cũng là từ thành tích của mỗi cá nhân. Sự duy trì sinh hoạt định kỳ của chi hội đã trở thành niềm động viên khích lệ tinh thần của mỗi cá nhân nhưng cũng là nhân tố để phát triển chi hội nói riêng và cả Hội nói chung, rộng hơn nữa là góp phần xây dựng một trong hai nền tảng để phát triển đời sống – xã hội.
Có thể nói, trong năm 2012, mọi hoạt động được tiến hành đồng bộ, đúng kế hoạch, có hiệu quả là nhờ sự đoàn kết, tất cả vì sự phát triển của VHNT Đắk Lắk xuất phát từ cái tâm trong sáng của mỗi thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các hội viên; Hội trở thành nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sáng tạo VHNT để phục vụ nhu cầu sáng tác của hội viên và nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn và tồn tại cần khắc phục. Vì thế năm 2013 và những năm tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức, nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Muốn phát triển theo đúng Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về về việc “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” và Nghị quyết Đại hội V của Hội, cần phải tiếp tục thực hiện những giải pháp sau: liên hệ chặt chẽ với các cơ quan cấp trên, xây dựng tốt mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị bạn để có được sự ủng hộ, giúp đỡ các hoạt động của Hội; tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong công tác Hội; nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực công tác của các thành viên Ban Chấp hành Hội và các chi hội; khuyến khích hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo VHNT để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; phát huy vai trò dân chủ, đổi mới trong phương thức hoạt động; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Ban Chấp hành, hội viên…

PV

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả HOÀNG THIÊN NGA


Nhà thơ - nhà báo HOÀNG THIÊN NGA





XUÂN VỀ TRÊN NHỮNG NHÀ GIÀN
NUÔI CÁ TẦM XỨ TUYẾT
Phóng sự

Hàng nghìn giàn lồng bè nuôi cá tầm có nguồn gốc Bắc Âu đang bềnh bồng trên những mặt hồ thủy điện rộng mênh mông từ Nam ra Bắc. Thành công của những nhà nghiên cứu thuần hóa cá tầm đã tạo cho ngành thủy sản Việt Nam một nghề mới mẻ,  đầy triển vọng tươi sáng.

Đặc sản cá tầm trên sông nhánh Krông Nô
Cách thành phố Buôn Ma Thuột một trăm cây số về phía Nam, gần quốc lộ 27 có một mặt hồ long lanh xanh biếc: Hồ thủy điện Buôn Tuôr Srah, hình thành từ con đập chặn dòng sông nhánh Krông Nô. Nơi đây đang có giàn bè 50 lồng cá tầm của Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam được chăm sóc bảo vệ suốt ngày đêm.
Vượt qua chuỗi cầu phao bập bềnh, chúng tôi phơi nắng chứng kiến cảnh công nhân vợt cá từng lồng lên cân để kiểm tra sức khỏe cá theo định kỳ hàng tháng. Mỗi lồng nuôi trên 300 con cá cùng lứa, từ đôi ba cân đến hàng chục ký một con. Những con cá gốc Nga nặng gần chục cân khỏe mạnh thích đùa giỡn, sau khi tự bơi vào vợt để công nhân đổ vô thùng đưa lên đĩa cân, nếu chưa được vuốt ve thì lúc thả lại xuống hồ sẽ không quẫy đuôi lặn xuống đáy bè mà cứ vờ vĩnh ngửa bụng trôi lờ đờ như chết thật ngộ nghĩnh. Xế trưa, câu chuyện giữa những người yêu thích nghề nuôi cá càng hào hứng bên mâm cơm có đĩa cá tầm xào sả ớt đậm đà. Đây là một chú cá đực thuộc diện được phép thanh lý. Thịt cá tầm thơm chắc, xương cá toàn sụn dễ dàng chế biến đủ thứ món ngon.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng trại cá tầm Tuôr Srah - cho biết: 16.000 con cá tuổi từ 5 tháng đến 3 năm đưa từ Đà Lạt về đây được nuôi lớn, chờ chuyên gia siêu âm từng con để biết đực - cái xong mới phân loại để bán vào nhà hàng siêu thị hay quay lại Đà Lạt để ươm trứng, thụ tinh, nhân giống. Thanh niên lao động trên giàn bè phân nửa là người Êđê, M’Nông, Thái bơi lặn giỏi tuyển từ các buôn làng tái định cư đã nhường nương rẫy cho dự án thủy điện. Với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng, họ chia ca liên tục cho cá ăn, suốt ngày đêm theo dõi chất lượng nước, lặn kiểm tra lồng, vệ sinh thay lưới.
Từng gắn bó với 120 lồng cá tầm của Tập đoàn ở Vĩnh Sơn - Bình Định trước khi lên đây, kỹ sư Thìn tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang thổ lộ: Vào nghề, vui buồn của cánh trai trẻ gắn liền với… cá hơn với người yêu, bởi hồ thủy điện xa khu dân cư, hẻo lánh, cũng nhờ thế nguồn nước mới trong sạch, thích hợp với loài cá tầm vốn rất nhạy cảm với môi trường sống. Thời ở Vĩnh Sơn, có lần chỉ vì sơ ý khi hướng dẫn công nhân làm vệ sinh thay lưới giàn, để lưới thủng trôi tuột mấy chục con cá ra sông mà Thìn bị phạt trừ mất mấy tháng lương. Rút kinh nghiệm, Thìn luôn nhắc anh em ở đây không phút giây nào lơ là với công việc.
Kỳ công nghiên cứu quy trình nuôi dưỡng cá tầm xứ tuyết
Nhiều chuyên gia của thủy sản có cơ sở nghiên cứu tại Đà Lạt từ đầu những năm 2000 đã chú ý tìm hiểu về con cá tầm - loài cá quý hiếm giá trị cao có nguồn gốc Bắc Âu đã có tên trong danh sách cảnh báo có nguy cơ tuyệt chủng. Sau nhiều năm làm việc tại Nga, tiến sĩ khoa học Hà Văn Hải trở về Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình bằng cách thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, nuôi thử nghiệm cá tầm ở Đà Lạt. Nhiệt huyết của ông đã lôi cuốn nhiều nhà đầu tư góp sức cho đề án “Bảo tồn và nuôi loài Cá Tầm tại Việt Nam” thành công năm 2007. Từ đó, Cty TNHH Cá Tầm Việt Nam - Đà Lạt mở ra cơ sở ương giống cá tầm, rồi lập Cty cổ phần Tầm Long Đami tại Bình Thuận để thực thi mô hình nuôi cá tầm theo phương thức công nghiệp. Sau khi thu hoạch được lứa trứng cá đen đầu tiên, Cty CP Cá Tầm Việt Nam lớn mạnh dần theo hình thái tập đoàn, do thạc sĩ kinh tế Lê Anh Đức làm Tổng giám đốc.
Trứng cá đen thương hiệu “Caviar de Đuc” lần đầu tiên được giới thiệu tại nhà hàng Parkview, khách sạn 5 sao New World Sài Gòn vào tháng 3-2010: Mỗi ly rượu Laurent-Perrier Champagne kèm 20g trứng cá Tầm Ossetra Caviar Việt Nam được tính giá khuyến mãi 65 USD/suất. Sau sự kiện ấp nở trứng Cá Tầm thành công tại hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, mạng lưới chi nhánh Cty tiếp tục phát triển ra Bình Định, Bắc Giang. Tháng 11-2011 trại nuôi Cá Tầm có quy mô dự kiến lớn nhất khu vực Đông Nam Á được triển khai trên mặt hồ thủy điện Buôn Tuôr Srah thuộc địa bàn huyện Krông Nô tỉnh Đắk Lắk.
Cho đến nay, Tổng Cty CP Cá tầm VN đã có 6 Cty thành viên chuyên nuôi cá tầm trên các mặt hồ thủy điện. Tổng giám đốc Lê Anh Đức cho rằng các hồ chứa thuỷ điện với diện tích khổng lồ, dòng chảy lưu lượng hàng trăm m3/s cùng nhiệt độ nước mát mẻ trên các vùng cao nguyên Việt Nam là môi trường tuyệt diệu cho hàng triệu con cá tầm đến từ miền băng tuyết thoả sức sinh trưởng. Nguồn hải sản tươi ròng từ biển Đông cũng thuận lợi cung cấp cho cá tầm loại thức ăn quen thuộc như tập quán sinh học tự nhiên. Trên thị trường thế giới hiện nay, giá bán buôn cá tầm từ 8.000 - 12.000 USD/ tấn. Trứng cá tầm tùy loại, dao động từ 1.000 - 10.000 USD/ ký mà cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Đó chính là cơ hội để nghề nuôi cá tầm VN phát triển, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Tương lai nghề nuôi cá tầm rộng mở
Nữ chuyên gia cá tầm Nga Petrushina Tatiana khẳng định: VN có điều kiện tuyệt hảo để đầu tư mạnh mẽ cho nghề nuôi cá tầm. Mùi vị cá tầm VN thơm ngon không kém cá tầm Nga. Cùng kỹ thuật nuôi, mà tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở VN lại nhanh gấp ba lần, còn thời gian nuôi cá cho trứng thương phẩm lại chỉ ngắn bằng phân nửa so với ở Nga nên sản phẩm cá tầm VN chắc chắn giảm giá thành, lợi nhuận lớn. 
Thời gian đầu, Cty phải nhập trứng cá tầm sẵn phôi từ Nga, Đức về VN với giá 10.000 - 12.000 USD/ ký để ấp cho nở tại cơ sở ươm giống ở Đà Lạt. Sau khi nghiên cứu thành công những công đoạn khó nhất về kỹ thuật thụ tinh cho cá, hầu như mọi bí quyết tinh vi của nghề nuôi cá tầm đã được tập đoàn nắm chắc. Cá tầm có nhiều loài khác nhau sống trong các dòng sông mỗi năm có vài tháng mùa đông đóng băng từ Châu Âu, Châu Á đến Bắc Mỹ. Trong đó có những loài cá tầm thuộc họ cá voi khổng lồ dài tới 5-6 mét, nặng vài ba tấn. Loài cá tầm chọn nuôi thương phẩm tại nước ta ngày nay có kích thước nhỏ, chất lượng ngon từ bốn - năm ký trở lên tới cỡ non một tạ, cũng được tạo điều kiện “ngủ đông” tương đương điều kiện tự nhiên ở xứ tuyết để cá cái ươm trứng. Trứng cá khi đã ngậm phôi, vào lồng ấp 48 tiếng sẽ nở ra cá con. Mỗi cá mẹ nặng từ 10-12 ký có thể đẻ được khối trứng bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, ấp nở ra khoảng 35.000 con cá bột, gần 2/3 lượng cá trong số đó có thể sống tốt.
Có hiện tượng cần báo động: Lượng cá tầm nhập lậu từ cửa khẩu biên giới phía Bắc không qua kiểm dịch ngày càng lớn, đáng bị tẩy chay bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đánh vào tâm lý chuộng rẻ, cá tầm nhập lậu nhỏ cỡ 1,5-2 ký/ con, tới tay người tiêu dùng chỉ trên dưới 160.000đ/ký, thịt bở, nhão, nhiều mỡ. Còn cá tầm Việt chắc thịt thơm ngon chỉ xuất bán khi đã trên 3ký/con với giá đắt gấp rưỡi.
Ông Nguyễn Đình Hiển GĐ Cty Cá tầm VN - Đắk Lắk cho biết: Cty đang tiến tới việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tầm xuất khẩu gần hồ thủy điện Buôn Tuôr Sah, bảo đảm thực hiện đúng các giải pháp bảo vệ môi trường. Cá tầm nuôi trên vùng cao phía Bắc lại có những thuận lợi khác nhờ khí hậu chia rõ bốn mùa, vì vậy Tập đoàn cũng đang triển khai đầu tư nuôi cá tầm trên công trình thủy điện Sơn La, nơi có mặt hồ nhân tạo lớn nhất trên cả nước.
Gió xuân ào ạt trên những mặt hồ thủy điện bềnh bồng các giàn lồng bè nuôi cá tầm xứ tuyết. Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nghề nuôi cá tầm  đang tạo nên một điểm nhấn lạc quan quý giá cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN HOÀNG THU






TÂY NGUYÊN CÓ NẮNG VÀ…
(Đọc Nắng trước cửa thiên đường của
Nguyễn Văn Thiện – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012)



Tây nguyên, xưa nay vẫn được coi là vùng đất hứa hẹn tiềm năng của văn học. Hiện tại, tuy đội ngũ viết văn xuôi ở đây còn mỏng nhưng đáng mừng, các tác phẩm của họ vẫn đều đặn xuất hiện, trong số đó có một tập truyện ngắn được đánh giá cao, đó là  Nắng trước cửa thiên đường của Nguyễn Văn Thiện.
 Với 18 truyện, chỉ 180 trang in, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với mảnh đất Tây nguyên hôm nay với bao nhiêu vấn đề bề bộn, đắng đót buồn vui. Có thể dễ dàng nhận thấy, Nguyễn Văn Thiện là một trong ít ỏi các cây bút viết về Tây nguyên một cách trung thực, không né tránh. Đó là vấn đề rừng bị tàn phá từng ngày trong sự đau đớn tiếc thương và bất lực của người bản địa, “khoảng rừng ấy bây giờ bị chặt sạch, không còn lại dấu vết. Những đám mây trắng bay ngang qua không còn chỗ dừng lại, mải miết bay, đi mãi, đi mãi” (Khoảng rừng có mây trắng bay, tr.134). Đó là chuyện tranh giành đất đai dẫn đến buôn làng bị tàn phá, văn hóa bị biến dạng, con người không còn chốn dung thân, “Buôn làng K’roa rồi sẽ đi đến đâu? … Đất ở đâu để sống? Cái rẫy ở đâu?” (Những ngày cuối cùng ở buôn K’roa, tr.169). Đó là chuyện khai thác bô xít với những hệ lụy khôn lường đã được cảnh báo trước, “Sao chết nhanh thế được? Lũ bùn đỏ, hôm qua, tràn ngập cả  vùng, mày chết, tao chết, chết nhiều lắm, nhớ lại chưa?” (Người ở cõi cống rãnh, tr.108).
Không chỉ viết về người bản địa, trong tập sách này, người đọc còn được nghe kể về số phận của những người dân di cư tự do phiêu bạt từ cao nguyên đá ngoài xứ bắc. Là một người nhập cư, tác giả đã có niềm cảm thông đặc biệt với những thân phận bất hạnh trôi dạt như chiếc lá, như đám bụi giữa thảo nguyên. Đó là chàng thanh niên người H’Mông Sùa Bá Sềnh vác gỗ thuê dưới chân núi Chư Yang Sin (Không còn thấy núi phía bên kia, tr.71), là hai anh em Khâu và Men với mong ước nhỏ nhoi thoát khỏi cảnh cơ hàn nơi Hồ Đá bên núi Chư Mang (Bóng đàn chim dưới nước, tr.153). Có điều, hầu như số phận nào, cảnh đời nào cũng mất mát, đau đớn, xót xa.
Là một người viết kĩ lưỡng, Nguyễn Văn Thiện chọn cho mình một giọng điệu riêng, nhỏ nhẹ, mượt mà, điềm tĩnh, nhưng ẩn sau đó là một thái độ cật vấn nghiêm khắc trước những vấn đề mà đời sống đang đặt ra trước mắt. Có thể nói, qua các truyện ngắn của mình, tác giả đã tạo cho mình một không gian riêng biệt: vừa đậm chất hiện thực, vừa kì ảo, lại vừa phảng phất chút cổ xưa của sử thi. “Khi tôi chèo ra đến bãi cỏ lau giữa Hồ Đá thì bóng chiều đã ập xuống. Bãi lau ngút ngàn, từng đàn chim xáo xác gọi nhau về tổ. Hoang vu đến rợn người… Chúng tôi ngồi nghỉ lại đầu con dốc, nhìn xuống Hồ Đá như một chiếc đĩa bạc khổng lồ long lanh hắt nắng lên trời”, (Bóng đàn chim dưới nước, tr.160).
Với một người viết văn xuôi còn trẻ như Nguyễn Văn Thiện thì đổi mới nghệ thuật tự sự là một đòi hỏi cần thiết. Ở một số truyện ngắn, tác giả đã thành công trong việc làm mờ hóa cốt truyện và đặc biệt là sử dụng cốt truyện tâm lí để dẫn dụ người đọc đi vào thế giới nghệ thuật riêng của mình. “Bằng cách đó tôi đã đuổi được đám mây”, “Ảo ảnh” là những cốt truyện như thế. Tất cả là những liên tưởng chồng chéo, những tưởng tượng liên tục về một thế giới  phi thực tế nhưng tồn tại có thật trong tâm hồn của nhà văn.
Được biết, đây là tập truyện ngắn đầu tay, nhưng Nguyễn Văn Thiện đã cho thấy được sự chững chạc cần thiết của một người theo đuổi nghiệp văn chương. Điều đáng quý là dù cuộc sống có đớn đau đến mấy, khổ nhục đến mấy thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi nhân vật đều toát lên một niềm khát khao cháy bỏng về một cuộc sống hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn. Phải chăng, đó chính là thông điệp mà tác giả nhắn gửi tới những bạn đọc của Nắng trước cửa thiên đường?
    Buôn Ma Thuột, ngày 14/12/2012

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả LÊ ANH CHỚI






VẺ ĐẸP TRONG BÀI THƠ TỨC CẢNH PÁC BÓ CỦA BÁC HỒ



Tháng 2 năm 1942, sau ba mươi năm bôn ban hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Bác đã chọn  hang Pác Bó, một hang nhỏ sát biên giới Việt – Trung  thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi làm việc để lãnh đạo dân tộc ta làm cách mạng giành lại chính quyền về tay nhân dân từ cuộc trong Cách mạng tháng Tám - 1945. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác Hồ sáng tác trong hoàn cảnh đó.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng,
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
                                                                         Tháng 2 năm 1941

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã  khắc họa rõ nét cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của Bác Hồ trong những ngày đầu mới trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng nước ta. Đọc tập hồi kí cách mạng Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta được biết: có khi Hồ Chủ tịch ở một hốc núi nhỏ rất cao và rất sâu trong rừng, những khi trời mưa to, rắn  rết chui cả vào chỗ nằm. Một lần, sáng dậy, có một con rắn rất lớn nằm ngay bên cạnh Người. Có khi Người ở trong một bụi rậm, giường nằm là dăm ba cành cây, hoặc một mớ lá. Chịu đựng phong sương nhiều, Hồ Chủ tịch bị sốt rét nặng, nhiều lần Người đang ngồi khai hội thì lên cơn sốt, mặt tái ngắt, chân tay run lập cập. Thuốc men không có gì ngoài nắm lá lấy về sắc uống theo cách chữa của đồng bào địa phương. Ăn rất thiếu thốn. Khi có gạo, các đồng chí chắt phần cho Bác một bát nước cơm, gặp hồi chẳng có, Người phải ăn cháo bẹ hàng tháng ròng. Hàng ngày, Bác phải dùng phiến đá bên bờ suối làm việc để dịch Lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô sang tiếng Việt làm tài liệu học tập cho cán bộ. Khó khăn gian khổ  là thế, nhưng đọc bài thơ, chúng ta thấy được phong thái ung dung tự tại và lòng lạc quan phơi phới của một bậc vĩ nhân hết lòng vì đại nghĩa. Sở dĩ bài thơ giúp người đọc cảm nhận được điều ấy là do có nét đặc sắc trong cách gieo vần. Thông thường, trong luật thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, cả bài chỉ có một vần được gieo ở tiếng cuối cùng của các câu 1, 2, 4, nhưng ở bài thơ này  vần được gieo trong tất cả bốn câu. Điều độc đáo trong cách gieo vần của bài thơ là việc lựa chọn vần để gieo của Bác Hồ. Trong hệ thống nguyên âm của tiếng Việt, âm “a” được coi là một âm mở có tính ngân vang. Âm “ a” lại được kết hợp với phụ âm “ ng” để tạo nên vần “ang” đã tạo nên sức ngân vang kéo dài. Nó như một khúc ca về lòng lạc quan yêu đời, yêu công việc, yêu cuộc sống của Bác Hồ. Cái độc đáo làm nên vẻ đẹp trong bài thơ  còn là cách nói hóm hỉnh trước cuộc sống đầy khó khăn gian khổ:
Sáng ra bờ suối tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dich sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Chữ “sang” được Bác Hồ dùng trong bài thơ thật là độc đáo đã toát lên chất thép của thơ Bác. Nó không dừng lại ngữ nghĩa từ vựng là “ sang trọng”, “ giàu sang” mà thể hiện một quan niệm sống cao đẹp của Bác Hồ - sống là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, không đòi hỏi phải có nơi ở  và các phương tiện làm việc tiện nghi, đầy đủ; phải biết chấp nhận khó khăn, gian khổ để thực hiện bằng được hoài bão lớn lao: giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bài thơ được Bác Hồ viết vào mùa xuân năm Tân Tỵ ( năm 1941 ) đến nay đã 72 mùa xuân nhưng vẫn là một bài học về nhân sinh quan cách mạng của người cộng sản chân chính. Là bài học cụ thể và vô cùng sinh động cho mỗi cán bộ, đảng viên và tất cả quần chúng nhân dân trong việc thực hiện cuộc vân động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả PHẠM MINH TRỊ





ÔNG ĐỒ – TIẾNG THỞ DÀI
TRÀN QUA THẾ KỶ
(Ngữ văn 8)
     

 Vũ Đình Liên (1913-1966) làm thơ không nhiều. Có lẽ bài: Ông đồ là bài thơ duy nhất nổi tiếng của ông. Nó trở thành kiệt tác. Bài thơ này (theo Văn Tâm) khổ I được ông làm từ 1935 đến mùa xuân năm 1936 mới làm xong bốn khổ tiếp theo và được đăng trên báo Tinh Hoa do chính ông chủ trương. Báo này cũng đăng một vài bài thơ khác của ông như: Bông hoa úa; Ông lão hát xẩm; Lòng ta là những thành quách cũ. Tính đến nay bài thơ đã trải qua 77 năm. Thời gian trôi khá dài nhưng tuyệt nhiên bụi của thời gian không phủ mất bài thơ mà trái lại càng làm cho bài thơ phát sáng, càng làm cho bài thơ lắng đọng trong tâm hồn người đọc.
       Cảm giác đầu tiên khi đọc bài thơ là cảm giác hơi lạnh vuột qua của tiếng thở dài não ruột, nuối tiếc vắt qua thế kỉ, chạy dọc thời gian rồi tụ lại trong mỗi người ở chốn thẳm sâu nhất. Dường như người đọc nghe rất rõ thanh âm trầm sắc và hơi lạnh của tiếng thở dài toát ra ở từng chữ, từng câu. Tiếng thở dài buồn bã nuối tiếc này ngấm từ giọng điệu của bài thơ để rồi thoát ra ở nhịp của mỗi câu thơ.
      Ngay từ khổ thơ đầu của bài đã mang âm hưởng của sự ngậm ngùi dù có sắc hồng của hoa đào nở và sắc óng đen của mực tàu với sắc đỏ của giấy điều. Ta hãy đọc: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ gia/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Có người cho rằng âm hưởng phần đầu (khổ I và II) của bài thơ là âm hưởng vui, hân hoan vì nó nói về thời kì đắc ý, lên hương nhất của ông đồ. Song riêng tôi lại cảm thấy không vui và hoàn toàn không thể hiện một sắc độ nào của niềm hân hoan cả, dù là tác giả đề cập đến thời kì đắc ý nhất của ông đồ. Vì sao? Bởi ngay đầu câu thơ thứ hai tác giả hạ một từ lại đối với từ mỗi ở câu thứ nhất. Từ lại có thanh trắc trĩu nặng nhất, từ mỗi cũng có thanh trắc trĩu nặng không kém gì, vì thế tạo cảm giác lặng buồn. Chính từ lại đã ấn chứa sự cưỡng bức nảy từ hành động lặp đi lặp lại theo thói quen. Và chính nó cũng cho người đọc thấy hành động ông đồ bày mực tàu giấy đỏ khi hoa đào nở là hành động không chủ ý thực sự mà chỉ là thói quen, theo một cái nếp có sẵn mà thôi. Nghĩa là xuất phát nguồn hành động của ông đồ chưa phải là sự chủ động, hào hứng, khấp khởi, hân hoan, phấn khích một trăm phần trăm mà là một cái gì đã ẩn chứa sự khiên cưỡng, ép buộc. Và chính chủ thể đã nhận ra ngay cái sự xuống dốc của sự nghiệp mà trước kia bất cứ ai cũng ngưỡng mộ. Vậy nên câu thứ tư của khổ I mới có từ bên ở đầu câu và từ qua ở cuối câu (Bên phố đông người qua).  Cái thanh bằng ở đầu và cuối câu thơ đã tạo nên một sự bấp bênh và nhạt nhòa. Dù đông người, dù hoa đào có nở, dù không gian thời gian đẹp, thoáng, háo hức; dù con người có đông nhưng riêng ông đồ đã bị gạt ra một bên. Ông đâu có hòa vào dòng chảy của cuộc đời mà chỉ ở bên lề mà thôi. Cái sôi động của cuộc đời đã bỏ qua thân phận ông. Ông đâu phải là một tế bào, một phần tử của dòng đời đông đúc, nhộn nhịp mải miết kia?
     Rõ ràng tiếng thở dài buồn não ruột đã manh nha từ dòng thơ, khổ thơ đầu tiên. Tiếng thở dài ấy bất chấp cả thời điểm mà tài năng của ông phát huy đến cực độ (Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay). Ta thấy rất rõ, trong số hai mươi dòng thơ có đúng 100 chữ chỉ vẻn vẹn bốn dòng 20 chữ mang nét tươi của sự thành đạt, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Vì thế cái nét tươi ấy bị chìm lỉm, khuất sau tiếng thở dài nuối tiếc buồn bã. Chính tác giả nhắc đến thời điểm đắc ý, vàng son nhất (như một sự so sánh, đối lập) mà người đọc nhận ra thêm nét bi thương được bọc trong tiếng thở dài kia. Vừa não ruột, vừa bi thương nên đau đớn, xót xa nào bằng. Các sắc độ ấy cuộn vào rồi kéo dài ra mãi không thôi khiến bất cứ ai đọc cũng bị ảm ánh.
    Thực vậy, nỗi buồn của ông đồ là nỗi buồn đắng cay của cả một thế hệ, cả một lớp người đã chọn ông để rồi dồn tất cả cái vô vọng bi thương lên  đôi vai áo the, khăn xếp, bút lông, nghiên mực của ông. Nỗi buồn thê thiết luồn vào từng trang giấy, ngấm sâu tận đáy nghiên mực (Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu). Người đọc tưởng như nghe đâu đây thấy cả âm thanh của sự rệu rã, bở mục của từng tờ giấy điều, thấy cả sự hao mòn, vón lại tù đọng của nghiên mực tàu, màu lấp lánh đen rời rợi của mực tàu ngày xưa đâu còn nữa. Nỗi vô vọng buồn thê lương từ một điểm hẹp (trang giấy, nghiên mực) tràn cả ra một diện rộng – thiên nhiên, cây cối (không gian bao trùm). Buồn thê lương vô vọng đến lá cũng vàng đi thương xót, đến từ giọt mưa bụi của giời cũng thấm đẫm sự nuối tiếc đến vật vã xót đau (Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay). Hành dộng rơi của lá vàng trên giấy tưởng nhẹ nhõm vô tình nhưng kì thực cứa con tim của ông đồ, của tác giả, của người đọc đến rớm máu. Kết hợp với động từ bay của mưa bụi càng làm cho nỗi buồn cô đơn của ông đồ đau đáu hơn.
    Kết thúc bài thơ  là không gian, thời gian hiện tại (Năm nay đào lại nở) cũng với câu hỏi tu từ nghi vấn biểu lộ sắc thái cảm xúc của sự nuối tiếc vô vọng thê lương (Hồn ở đâu bây giờ?). Một câu hỏi để chấm dứt bài thơ nhưng lại gieo vào lòng  người đọc bao nỗi niềm suy tư, thổn thức. Chúng ta tin rằng cái đẹp của văn hóa cội nguồn chẳng khi nào mai một vì nó thuộc phạm trù bất biến, vĩnh cửu. Vì thế chẳng tìm đâu xa ta luôn thấy hồn người xưa vẫn ở quanh ta, trong ta, hiện hữu ở mạch máu, ở hơi thở, ánh mắt của mỗi người. Và đó chính là điều nhà thơ họ Vũ mong mỏi.

CÂU ĐỐI

Tám ba Xuân nối gót Đảng tiền phong, cờ độc lập phất cao xây sự nghiệp huy hoàng trên đất Việt
Sáu tám Tết theo chân Bác vĩ đại, đường tự do mở rộng dựng cơ đồ lộng lẫy dưới trời Nam.

HOÀNG HIẾU NGHĨA


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGÔ THẾ LÂM




Tháng mười hai

Anh nắm tay em một sớm mùa đông
Nghe em nói nhỏ điều gì với gió
Ngơ ngác hàng cây trút lá vàng trước ngõ
Chợt chạnh lòng, ừ nhỉ tháng mười hai

Em tung tăng xuống phố tóc dài
Cái chớm lạnh len lén đùa vai áo
Anh đi tìm chút nắng cuối mùa hanh ráo
Một thoáng heo may cũng theo gió bay về

Tháng mười hai run rẩy môi kề
Anh kể em nghe chuyện cây bàng lá đỏ
Khi xa nhau, chúng mình cũng lẻ loi thế đó
Để nhớ cháy lòng hơi ấm một vòng tay

Tháng mười hai nhè nhẹ mưa bay
Giữ lại nhé em giọt mùa rơi thật khẽ
Thơ viết cho em bao giờ cũng thế
Cứ dạt dào như thuở mới yêu…

SỐ: 245&246 - tác giả TRẦN VẠN GIÃ






Về quê ăn tết


Ở đây: phố chật người đông
Dưới quê: mẹ nhớ em mong con về
Đắng lòng tiếng sáo xa quê
Miếng cơm manh áo nhiêu khê tháng ngày
Đêm nằm nghe gió heo may
Se se đầu hẻm, cay cay mắt tình
Khói rơm bay cuối sân đình
Đò ơi sắp tết cho mình sang sông
Đưa tay vuốt tóc phiêu bồng
Gặp tre ngày cũ. Gặp sông thuở nào

Con về tìm lại ca dao
Mẹ ru con lớn ngọt ngào tuổi thơ
Hoa mai nở tự bao giờ
Trong hương trầm tỏa bài thơ giao thừa.








(*): Ý trong biểu tạ ơn của Nguyễn Trãi.

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả HỮU CHỈNH


Độc hành Côn Sơn

Ừ thì được chiêu tuyết qua lời vàng ngọc
Của đấng minh quân:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Có thay đổi được gì đâu
Án Lệ Chi Viên
Nguyễn đã rơi đầu

Sáu trăm năm thương xót
Thân ngựa già(*) kéo một chữ nhân
Cho điều tối thượng: Yên dân
Lung linh văn hiến Đại Việt

Côn Sơn nâng mây như râu tóc bạc
Độc hành
Để lịch sử song hành
Nhân dân song hành
Mở vận nước rồng bay.
Côn Sơn tháng 5 – 1999


Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả HỮU CHỈNH


Quà của mẹ
Kính nhớ mẹ




Đi chợ về hay mua mía re
Răng mẹ đều hạt na nhưng nhức
Quà cho chúng con là bánh đa, bánh đúc
Hay chiếc kẹo vừng, kẹo bột nhỏ nhoi

Kẹo bột, kẹo vừng, bánh đúc, bánh đa ơi!
Trang quá khứ lật tìm, gặp quê nghèo xơ xác
Chợ Chuông, chợ Cao, chợ Cầu, chợ Vác…
Phiên chợ nào cũng bánh đúc, mía re…
                         +
Nắng đồng chiêm thay trâu kéo bừa
Hơn mười tuổi cầm gióng bừa, con khóc
Đối mặt với gian lao nặng nhọc
Con ốc, con cua đè mẹ còng lưng

Từ chiến trường về nước mắt rưng rưng
Mẹ thương tuổi thơ con, thường nhắc:
Mày đi học chỉ có quần nâu rách
Gió lật phật phành – tê suốt đời con

Cuộc đời đâu có được vuông tròn
Nên hay nhớ những ngày khốn khó:
Nhà địa chủ liêu xiêu đầu gió
Và những đêm khóc thầm thương những đứa con xa

Mẹ ra đi vào tuổi tám mươi ba
Tròn một giáp cha con đợi mẹ
Thì một nửa buồn vui san sẻ
Đau cõi dương mà thanh thản đường mây



Già nửa đời mới hiểu quà quê
Chắt vị ngọt từ mía re gầy guộc
Và bánh đúc, bánh đa, kẹo vừng, kẹo bột
Dễ bẻ, dễ chia cho đủ ngọt bùi!
Đầu tháng 11 – Canh Thìn (12-2000)



Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN LOAN




Thêm chú thích

Sông xuân

Tuôn chảy mãi dòng sông xuân vô tận
Đầy hương ban mai, đầy nắng ban chiều
Muôn tiếng lá reo vút niềm kiêu hãnh
Giữa lòng ta thăm thẳm miền yêu…
Đã tắt ngấm mùa đau gieo gió bão
Làm xước trầy gương mặt của thi ca
Giờ mái tóc em – dòng sông xuân độc đáo
Lại chảy mềm vai êm ả, mượt mà

Và đâu đó giữa bao la cuộc sống
Dòng sông xuân tràn ngập cỏ hoa
Ngập cả đất trời màu xanh hy vọng
Trên môi cười dòng xuân chảy thiết tha.


Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả Nhà thơ LÊ HỮU CHỈNH

Nhà thơ  Hữu Chỉnh



Tên thật: Lê Hữu Chỉnh
Sinh năm 1943
Nguyên quán: Thanh Oai – Hà Nội
Trú quán: Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Các tập thơ đã xuất bản:
- Em hát mùa xuân; Tìm thấy nửa mình; Vịn vào câu hát; Huyền thoại núi; Nhân chứng một thời (In chung với Trúc Hoài); Lời yêu (In chung với Đỗ Toàn Diện); Có thơ in trong các tuyển tập: Ngàn năm thơ Việt; Hợp tuyển thơ Nguyễn Trãi 600 năm; Thơ thế kỷ 20.
Giải thưởng:
- Giải Tôn vinh VHNT Chư Yang Sin Đắk Lắk lần thứ 1
- Giải thưởng truyện ngắn, thơ, lý luận phê bình của Sở Văn hóa –Thông tin, Hội VHNT Đắk Lắk.
- Giải Nhất viết văn bia Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk
- 2 giải A về sáng tác, quảng bá tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Đắk Lắk.
- Giải Nhì và giải Khuyến khích trong cuộc thi câu đối của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lich, Bộ Công - Thương nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
 Nghe quan họ
trên Cao Nguyên


Khúc giã bạn hát rồi mà anh còn nấn ná
Dùng dằng hoài bởi tiếng láy vọng: “Người ơi…”
Anh tệ thật, bao lần nghe quan họ
Mà lần nào cũng tưởng mới nguyên khôi





Sông thì xa, đỉnh núi thì gần
Câu quan họ chảy trong lời hát
Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt
Nắng lưng đồi cứ tưởng nước lơ thơ

Nắng lưng đồi như thực, như mơ
Cứ lấp loáng như cái dòng sông ấy
Mà sóng vỗ vào lòng anh vậy
Nên giữa bao người anh chỉ thấy riêng em

Giá mà em làm một mạn thuyền
Anh ngồi tựa như trong quan họ
Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ
Tay vin cành, thôi thả gió bâng khuâng

Nào có thấy đâu đôi vạt áo ướt đầm
Câu hát thế nhưng em đâu có thế
Mà chỉ thấy má hồng sắc trẻ
Níu kéo anh hoài ở mãi đây thôi

Anh mải nghe quan họ đến nao người
Xôn xao lòng một vùng đất đỏ
Gặp nhau đây tình anh muốn ngỏ
Mà khó nói sao… chỉ một lời yêu

Con sông Cầu trong quan họ đẹp ráng chiều
Cứ dịu dàng như em – cô gái vùng Kinh Bắc
Xui ta gặp mình giữa cao nguyên Đắk Lắk
Gặp quê hương trên mọi quê hương.


Tháng 1-1979