Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả HOÀNG THIÊN NGA


Nhà thơ - nhà báo HOÀNG THIÊN NGA





XUÂN VỀ TRÊN NHỮNG NHÀ GIÀN
NUÔI CÁ TẦM XỨ TUYẾT
Phóng sự

Hàng nghìn giàn lồng bè nuôi cá tầm có nguồn gốc Bắc Âu đang bềnh bồng trên những mặt hồ thủy điện rộng mênh mông từ Nam ra Bắc. Thành công của những nhà nghiên cứu thuần hóa cá tầm đã tạo cho ngành thủy sản Việt Nam một nghề mới mẻ,  đầy triển vọng tươi sáng.

Đặc sản cá tầm trên sông nhánh Krông Nô
Cách thành phố Buôn Ma Thuột một trăm cây số về phía Nam, gần quốc lộ 27 có một mặt hồ long lanh xanh biếc: Hồ thủy điện Buôn Tuôr Srah, hình thành từ con đập chặn dòng sông nhánh Krông Nô. Nơi đây đang có giàn bè 50 lồng cá tầm của Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam được chăm sóc bảo vệ suốt ngày đêm.
Vượt qua chuỗi cầu phao bập bềnh, chúng tôi phơi nắng chứng kiến cảnh công nhân vợt cá từng lồng lên cân để kiểm tra sức khỏe cá theo định kỳ hàng tháng. Mỗi lồng nuôi trên 300 con cá cùng lứa, từ đôi ba cân đến hàng chục ký một con. Những con cá gốc Nga nặng gần chục cân khỏe mạnh thích đùa giỡn, sau khi tự bơi vào vợt để công nhân đổ vô thùng đưa lên đĩa cân, nếu chưa được vuốt ve thì lúc thả lại xuống hồ sẽ không quẫy đuôi lặn xuống đáy bè mà cứ vờ vĩnh ngửa bụng trôi lờ đờ như chết thật ngộ nghĩnh. Xế trưa, câu chuyện giữa những người yêu thích nghề nuôi cá càng hào hứng bên mâm cơm có đĩa cá tầm xào sả ớt đậm đà. Đây là một chú cá đực thuộc diện được phép thanh lý. Thịt cá tầm thơm chắc, xương cá toàn sụn dễ dàng chế biến đủ thứ món ngon.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng trại cá tầm Tuôr Srah - cho biết: 16.000 con cá tuổi từ 5 tháng đến 3 năm đưa từ Đà Lạt về đây được nuôi lớn, chờ chuyên gia siêu âm từng con để biết đực - cái xong mới phân loại để bán vào nhà hàng siêu thị hay quay lại Đà Lạt để ươm trứng, thụ tinh, nhân giống. Thanh niên lao động trên giàn bè phân nửa là người Êđê, M’Nông, Thái bơi lặn giỏi tuyển từ các buôn làng tái định cư đã nhường nương rẫy cho dự án thủy điện. Với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng, họ chia ca liên tục cho cá ăn, suốt ngày đêm theo dõi chất lượng nước, lặn kiểm tra lồng, vệ sinh thay lưới.
Từng gắn bó với 120 lồng cá tầm của Tập đoàn ở Vĩnh Sơn - Bình Định trước khi lên đây, kỹ sư Thìn tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang thổ lộ: Vào nghề, vui buồn của cánh trai trẻ gắn liền với… cá hơn với người yêu, bởi hồ thủy điện xa khu dân cư, hẻo lánh, cũng nhờ thế nguồn nước mới trong sạch, thích hợp với loài cá tầm vốn rất nhạy cảm với môi trường sống. Thời ở Vĩnh Sơn, có lần chỉ vì sơ ý khi hướng dẫn công nhân làm vệ sinh thay lưới giàn, để lưới thủng trôi tuột mấy chục con cá ra sông mà Thìn bị phạt trừ mất mấy tháng lương. Rút kinh nghiệm, Thìn luôn nhắc anh em ở đây không phút giây nào lơ là với công việc.
Kỳ công nghiên cứu quy trình nuôi dưỡng cá tầm xứ tuyết
Nhiều chuyên gia của thủy sản có cơ sở nghiên cứu tại Đà Lạt từ đầu những năm 2000 đã chú ý tìm hiểu về con cá tầm - loài cá quý hiếm giá trị cao có nguồn gốc Bắc Âu đã có tên trong danh sách cảnh báo có nguy cơ tuyệt chủng. Sau nhiều năm làm việc tại Nga, tiến sĩ khoa học Hà Văn Hải trở về Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình bằng cách thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, nuôi thử nghiệm cá tầm ở Đà Lạt. Nhiệt huyết của ông đã lôi cuốn nhiều nhà đầu tư góp sức cho đề án “Bảo tồn và nuôi loài Cá Tầm tại Việt Nam” thành công năm 2007. Từ đó, Cty TNHH Cá Tầm Việt Nam - Đà Lạt mở ra cơ sở ương giống cá tầm, rồi lập Cty cổ phần Tầm Long Đami tại Bình Thuận để thực thi mô hình nuôi cá tầm theo phương thức công nghiệp. Sau khi thu hoạch được lứa trứng cá đen đầu tiên, Cty CP Cá Tầm Việt Nam lớn mạnh dần theo hình thái tập đoàn, do thạc sĩ kinh tế Lê Anh Đức làm Tổng giám đốc.
Trứng cá đen thương hiệu “Caviar de Đuc” lần đầu tiên được giới thiệu tại nhà hàng Parkview, khách sạn 5 sao New World Sài Gòn vào tháng 3-2010: Mỗi ly rượu Laurent-Perrier Champagne kèm 20g trứng cá Tầm Ossetra Caviar Việt Nam được tính giá khuyến mãi 65 USD/suất. Sau sự kiện ấp nở trứng Cá Tầm thành công tại hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, mạng lưới chi nhánh Cty tiếp tục phát triển ra Bình Định, Bắc Giang. Tháng 11-2011 trại nuôi Cá Tầm có quy mô dự kiến lớn nhất khu vực Đông Nam Á được triển khai trên mặt hồ thủy điện Buôn Tuôr Srah thuộc địa bàn huyện Krông Nô tỉnh Đắk Lắk.
Cho đến nay, Tổng Cty CP Cá tầm VN đã có 6 Cty thành viên chuyên nuôi cá tầm trên các mặt hồ thủy điện. Tổng giám đốc Lê Anh Đức cho rằng các hồ chứa thuỷ điện với diện tích khổng lồ, dòng chảy lưu lượng hàng trăm m3/s cùng nhiệt độ nước mát mẻ trên các vùng cao nguyên Việt Nam là môi trường tuyệt diệu cho hàng triệu con cá tầm đến từ miền băng tuyết thoả sức sinh trưởng. Nguồn hải sản tươi ròng từ biển Đông cũng thuận lợi cung cấp cho cá tầm loại thức ăn quen thuộc như tập quán sinh học tự nhiên. Trên thị trường thế giới hiện nay, giá bán buôn cá tầm từ 8.000 - 12.000 USD/ tấn. Trứng cá tầm tùy loại, dao động từ 1.000 - 10.000 USD/ ký mà cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Đó chính là cơ hội để nghề nuôi cá tầm VN phát triển, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Tương lai nghề nuôi cá tầm rộng mở
Nữ chuyên gia cá tầm Nga Petrushina Tatiana khẳng định: VN có điều kiện tuyệt hảo để đầu tư mạnh mẽ cho nghề nuôi cá tầm. Mùi vị cá tầm VN thơm ngon không kém cá tầm Nga. Cùng kỹ thuật nuôi, mà tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở VN lại nhanh gấp ba lần, còn thời gian nuôi cá cho trứng thương phẩm lại chỉ ngắn bằng phân nửa so với ở Nga nên sản phẩm cá tầm VN chắc chắn giảm giá thành, lợi nhuận lớn. 
Thời gian đầu, Cty phải nhập trứng cá tầm sẵn phôi từ Nga, Đức về VN với giá 10.000 - 12.000 USD/ ký để ấp cho nở tại cơ sở ươm giống ở Đà Lạt. Sau khi nghiên cứu thành công những công đoạn khó nhất về kỹ thuật thụ tinh cho cá, hầu như mọi bí quyết tinh vi của nghề nuôi cá tầm đã được tập đoàn nắm chắc. Cá tầm có nhiều loài khác nhau sống trong các dòng sông mỗi năm có vài tháng mùa đông đóng băng từ Châu Âu, Châu Á đến Bắc Mỹ. Trong đó có những loài cá tầm thuộc họ cá voi khổng lồ dài tới 5-6 mét, nặng vài ba tấn. Loài cá tầm chọn nuôi thương phẩm tại nước ta ngày nay có kích thước nhỏ, chất lượng ngon từ bốn - năm ký trở lên tới cỡ non một tạ, cũng được tạo điều kiện “ngủ đông” tương đương điều kiện tự nhiên ở xứ tuyết để cá cái ươm trứng. Trứng cá khi đã ngậm phôi, vào lồng ấp 48 tiếng sẽ nở ra cá con. Mỗi cá mẹ nặng từ 10-12 ký có thể đẻ được khối trứng bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, ấp nở ra khoảng 35.000 con cá bột, gần 2/3 lượng cá trong số đó có thể sống tốt.
Có hiện tượng cần báo động: Lượng cá tầm nhập lậu từ cửa khẩu biên giới phía Bắc không qua kiểm dịch ngày càng lớn, đáng bị tẩy chay bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đánh vào tâm lý chuộng rẻ, cá tầm nhập lậu nhỏ cỡ 1,5-2 ký/ con, tới tay người tiêu dùng chỉ trên dưới 160.000đ/ký, thịt bở, nhão, nhiều mỡ. Còn cá tầm Việt chắc thịt thơm ngon chỉ xuất bán khi đã trên 3ký/con với giá đắt gấp rưỡi.
Ông Nguyễn Đình Hiển GĐ Cty Cá tầm VN - Đắk Lắk cho biết: Cty đang tiến tới việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tầm xuất khẩu gần hồ thủy điện Buôn Tuôr Sah, bảo đảm thực hiện đúng các giải pháp bảo vệ môi trường. Cá tầm nuôi trên vùng cao phía Bắc lại có những thuận lợi khác nhờ khí hậu chia rõ bốn mùa, vì vậy Tập đoàn cũng đang triển khai đầu tư nuôi cá tầm trên công trình thủy điện Sơn La, nơi có mặt hồ nhân tạo lớn nhất trên cả nước.
Gió xuân ào ạt trên những mặt hồ thủy điện bềnh bồng các giàn lồng bè nuôi cá tầm xứ tuyết. Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nghề nuôi cá tầm  đang tạo nên một điểm nhấn lạc quan quý giá cho ngành thủy sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét