Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN HOÀNG THU






TÂY NGUYÊN CÓ NẮNG VÀ…
(Đọc Nắng trước cửa thiên đường của
Nguyễn Văn Thiện – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012)



Tây nguyên, xưa nay vẫn được coi là vùng đất hứa hẹn tiềm năng của văn học. Hiện tại, tuy đội ngũ viết văn xuôi ở đây còn mỏng nhưng đáng mừng, các tác phẩm của họ vẫn đều đặn xuất hiện, trong số đó có một tập truyện ngắn được đánh giá cao, đó là  Nắng trước cửa thiên đường của Nguyễn Văn Thiện.
 Với 18 truyện, chỉ 180 trang in, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với mảnh đất Tây nguyên hôm nay với bao nhiêu vấn đề bề bộn, đắng đót buồn vui. Có thể dễ dàng nhận thấy, Nguyễn Văn Thiện là một trong ít ỏi các cây bút viết về Tây nguyên một cách trung thực, không né tránh. Đó là vấn đề rừng bị tàn phá từng ngày trong sự đau đớn tiếc thương và bất lực của người bản địa, “khoảng rừng ấy bây giờ bị chặt sạch, không còn lại dấu vết. Những đám mây trắng bay ngang qua không còn chỗ dừng lại, mải miết bay, đi mãi, đi mãi” (Khoảng rừng có mây trắng bay, tr.134). Đó là chuyện tranh giành đất đai dẫn đến buôn làng bị tàn phá, văn hóa bị biến dạng, con người không còn chốn dung thân, “Buôn làng K’roa rồi sẽ đi đến đâu? … Đất ở đâu để sống? Cái rẫy ở đâu?” (Những ngày cuối cùng ở buôn K’roa, tr.169). Đó là chuyện khai thác bô xít với những hệ lụy khôn lường đã được cảnh báo trước, “Sao chết nhanh thế được? Lũ bùn đỏ, hôm qua, tràn ngập cả  vùng, mày chết, tao chết, chết nhiều lắm, nhớ lại chưa?” (Người ở cõi cống rãnh, tr.108).
Không chỉ viết về người bản địa, trong tập sách này, người đọc còn được nghe kể về số phận của những người dân di cư tự do phiêu bạt từ cao nguyên đá ngoài xứ bắc. Là một người nhập cư, tác giả đã có niềm cảm thông đặc biệt với những thân phận bất hạnh trôi dạt như chiếc lá, như đám bụi giữa thảo nguyên. Đó là chàng thanh niên người H’Mông Sùa Bá Sềnh vác gỗ thuê dưới chân núi Chư Yang Sin (Không còn thấy núi phía bên kia, tr.71), là hai anh em Khâu và Men với mong ước nhỏ nhoi thoát khỏi cảnh cơ hàn nơi Hồ Đá bên núi Chư Mang (Bóng đàn chim dưới nước, tr.153). Có điều, hầu như số phận nào, cảnh đời nào cũng mất mát, đau đớn, xót xa.
Là một người viết kĩ lưỡng, Nguyễn Văn Thiện chọn cho mình một giọng điệu riêng, nhỏ nhẹ, mượt mà, điềm tĩnh, nhưng ẩn sau đó là một thái độ cật vấn nghiêm khắc trước những vấn đề mà đời sống đang đặt ra trước mắt. Có thể nói, qua các truyện ngắn của mình, tác giả đã tạo cho mình một không gian riêng biệt: vừa đậm chất hiện thực, vừa kì ảo, lại vừa phảng phất chút cổ xưa của sử thi. “Khi tôi chèo ra đến bãi cỏ lau giữa Hồ Đá thì bóng chiều đã ập xuống. Bãi lau ngút ngàn, từng đàn chim xáo xác gọi nhau về tổ. Hoang vu đến rợn người… Chúng tôi ngồi nghỉ lại đầu con dốc, nhìn xuống Hồ Đá như một chiếc đĩa bạc khổng lồ long lanh hắt nắng lên trời”, (Bóng đàn chim dưới nước, tr.160).
Với một người viết văn xuôi còn trẻ như Nguyễn Văn Thiện thì đổi mới nghệ thuật tự sự là một đòi hỏi cần thiết. Ở một số truyện ngắn, tác giả đã thành công trong việc làm mờ hóa cốt truyện và đặc biệt là sử dụng cốt truyện tâm lí để dẫn dụ người đọc đi vào thế giới nghệ thuật riêng của mình. “Bằng cách đó tôi đã đuổi được đám mây”, “Ảo ảnh” là những cốt truyện như thế. Tất cả là những liên tưởng chồng chéo, những tưởng tượng liên tục về một thế giới  phi thực tế nhưng tồn tại có thật trong tâm hồn của nhà văn.
Được biết, đây là tập truyện ngắn đầu tay, nhưng Nguyễn Văn Thiện đã cho thấy được sự chững chạc cần thiết của một người theo đuổi nghiệp văn chương. Điều đáng quý là dù cuộc sống có đớn đau đến mấy, khổ nhục đến mấy thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi nhân vật đều toát lên một niềm khát khao cháy bỏng về một cuộc sống hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn. Phải chăng, đó chính là thông điệp mà tác giả nhắn gửi tới những bạn đọc của Nắng trước cửa thiên đường?
    Buôn Ma Thuột, ngày 14/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét