Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

SÓ: 245&246 - CÔNG TÁC HỘI – NHÌN LẠI NĂM 2012


Nhà văn Khôi Nguyên - Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Đắk   Lắk





Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sự phối hợp hoạt động của các cơ quan ban ngành trong tỉnh và một số địa phương; sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của đa số các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội, các ban chuyên môn và sự lao động nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ nhân viên cơ quan Hội; rồi có đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt tình trong hoạt động sáng tạo VHNT… vì thế, những khó khăn về biên chế của cơ quan Hội được giao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu khối lượng công việc; việc tu sửa trụ sở khiến cơ quan Hội phải “ở nhờ” Hội Nhà báo tỉnh 4 tháng ròng cũng phần nào ảnh hưởng đến việc điều hành, tổ chức các hoạt động của Hội; bộ phận Tạp chí chưa có đội ngũ chuyên trách, chưa đảm bảo nhu cầu về mặt nhân sự của một cơ quan báo chí… cũng khắc phục được phần nào.
Năm 2012 trôi qua, Hội đã làm tốt công tác tư tưởng cho văn nghệ sĩ trong việc đấu tranh chống “âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ vững lập trường quan điểm để sáng tạo những tác phẩm, công trình VHNT theo đúng định hướng của Đảng là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mỗi văn nghệ sĩ Đắk Lắk đều tâm niệm rằng mình là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa.
Sau 10 năm khuyết chức danh Chánh văn phòng Hội thì nay đã có, lại thêm 02 chức danh Phó tổng biên tập thường trực và Phó tổng biên tập phụ trách chuyên môn của Tạp chí Chư Yang Sin cũng được các cấp có thẩm quyền chấp thuận; Chi hội Mỹ thuật và Chi hội Nghệ thuật – Biểu diễn được kiện toàn và nhanh chóng đi vào sinh hoạt ổn định; Ban Chấp hành xây dựng thêm 4 văn bản Quy chế mới để làm cơ sở cho các hoạt động của Hội thêm bài bản hơn, quy củ hơn. Hội VHNT Đắk Lắk như con diều gặp gió với sợi dây lèo đang nới nên thỏa sức bay cao, như cánh buồm đang thuận lại có thêm sức thủy lưu mà phăng phăng lướt tới…
Trải qua 4 nhiệm kỳ, khóa V (2010 – 2015) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ nhằm điều chỉnh cho việc xây dựng và phát triển Hội theo đúng Nghị quyết Đại hội V của Hội một cách chắc chắn hơn, bền vững hơn. Cũng trong năm 2012, Hội đã tổ chức Lễ phát động sáng tác và quảng bá tác phẩm với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và của tỉnh như: Tổ chức kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam tại huyện Buôn Đôn, Krông Păc và phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh, kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc phòng toàn dân 22/12, 60 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ (20/12/1951-20/12/2011)…; phối hợp với trường PTTH Nơ Trang Lơng và huyện Cư Mgar tổ chức văn nghệ giao lưu với chi hội Nghệ thuật – Biểu diễn tại cơ sở; tổ chức được 03 trại sáng tác, trong đó 01 trại tại huyện Krông Năng, 01 trại tại huyện Krông Ana, 01 trại Hương Rừng cho các cháu thiếu niên, và giúp huyện Cư Mgar tổ chức trại sáng tác Núi Hoa; tổ chức 07 chuyến đi thực tế cho hội viên (02 chuyến đi Quảng Ngãi, 01 chuyến đi Phú Quốc, 01 chuyến đi các tỉnh phía Bắc, 02 chuyến đi các huyện trong tỉnh, 01 chuyến đi Biên giới,) với tổng cộng hơn 70 lượt người tham gia; tạo điều kiện để hội viên chuyên ngành Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tham dự Liên hoan triển lãm khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên, các nhà văn đi dự Hội thảo về thơ Hàn Mạc Tử tại Bình Định. Tổ chức xét hỗ trợ sáng tạo VHNT năm 2012: có 51/60 trường hợp được đăng ký sử dụng Quỹ hỗ trợ sáng tạo…
 Tạp chí Chư Yang Sin mặc dù chỉ mới có 01 chuyên trách vi tính văn bản và 01 chuyên trách thiết kế mỹ thuật, còn lại từ các chức danh Chịu trách nhiệm xuất bản cùng 02 Phó tổng biên tập và các biên tập viên cho đến phát hành… đều là kiêm nhiệm với mức thù lao bồi dưỡng hết sức “tượng trưng” vì tinh thần trách nhiệm, vì yêu say với văn học nghệ thuật, vì sự duy trì và phát triển diễn đàn của Hội là chính, bởi thế vẫn ra đúng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tiêu chí là cơ quan ngôn luận của Hội, không những thế còn không ngừng nâng cao về hình thức (về nội dung và chất lượng nghệ thuật thì còn phải phụ thuộc vào cộng tác viên sấp xỉ 90%).
Trong năm 2012, Ngoài các cuộc triển lãm của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh do Hội địa phương và các Hội chuyên ngành trung ương tổ chức, các họa sĩ chi hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm theo CLB tại Nhà VH trung tâm tỉnh, nhà VH Thanh thiếu nhi Dak Lak, triển lãm giao lưu với các tỉnh bạn…; nhiều hội viên chi hội Nhiếp ảnh tham dự triển lãm của các chuyên ngành, các cuộc liên hoan ảnh quốc tế… đoạt thành tích cao. Trong năm 2012, 14 đầu sách được xuất bản (đặc biệt là có 2 tiểu thuyết và 1 trường ca), 01 triển lãm mỹ thuật cá nhân. 02 hội viên được kết nạp vào hội chuyên ngành trung ương (Hội Nhà văn và Hội NSNA VN) và 03 giải thưởng VHNT năm 2012 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải cho các văn nghệ sĩ Đắk Lắk là một trong những tín hiệu thành công của năm “con rồng” đối với một Hội VHNT địa phương ở Tây Nguyên.
Cũng trong năm 2012, Hội tổ chức chúc thọ 06 hội viên bước sang tuổi 70 thì cũng kết nạp thêm 06 hội viên mới, trong đó có người đang ở độ 20. Điều đó chứng tỏ đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk giữ được sự bình ổn về độ tuổi trung bình, chưa bị “lão hóa” và trở thành “Hội Người cao tuổi” như nhiều đơn vị bạn.
Mến và yêu Đắk Lắk, nhà văn Tùng Điển, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Inrasara, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân… cùng nhiều “cây đa cây đề” của giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã đến giảng dạy, giao lưu với các văn nghệ sĩ ở Tây Nguyên, tạo điều kiện  cho nhiều văn nghệ sĩ ở đây được giong buồm vươn xa.
09 Chi hội (gồm 07 chi hội chuyên ngành và 02 chi hội VHNT cơ sở) đã và đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo. Giữa thành tích của tập thể và thành tích của cá nhân là sự hài hòa hai trong một. Cái tôi và cái chúng ta đã trở thành cặp phạm trù biện chứng thống nhất, không một chút mâu thuẫn. Thành tích của cá nhân cũng là thành tích chung, thành tích tập thể cũng là từ thành tích của mỗi cá nhân. Sự duy trì sinh hoạt định kỳ của chi hội đã trở thành niềm động viên khích lệ tinh thần của mỗi cá nhân nhưng cũng là nhân tố để phát triển chi hội nói riêng và cả Hội nói chung, rộng hơn nữa là góp phần xây dựng một trong hai nền tảng để phát triển đời sống – xã hội.
Có thể nói, trong năm 2012, mọi hoạt động được tiến hành đồng bộ, đúng kế hoạch, có hiệu quả là nhờ sự đoàn kết, tất cả vì sự phát triển của VHNT Đắk Lắk xuất phát từ cái tâm trong sáng của mỗi thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các hội viên; Hội trở thành nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sáng tạo VHNT để phục vụ nhu cầu sáng tác của hội viên và nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn và tồn tại cần khắc phục. Vì thế năm 2013 và những năm tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức, nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Muốn phát triển theo đúng Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về về việc “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” và Nghị quyết Đại hội V của Hội, cần phải tiếp tục thực hiện những giải pháp sau: liên hệ chặt chẽ với các cơ quan cấp trên, xây dựng tốt mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị bạn để có được sự ủng hộ, giúp đỡ các hoạt động của Hội; tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong công tác Hội; nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực công tác của các thành viên Ban Chấp hành Hội và các chi hội; khuyến khích hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo VHNT để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; phát huy vai trò dân chủ, đổi mới trong phương thức hoạt động; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Ban Chấp hành, hội viên…

PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét