ÔNG ĐỒ – TIẾNG THỞ DÀI
TRÀN QUA THẾ KỶ
(Ngữ văn 8)
Vũ Đình Liên (1913-1966) làm thơ không nhiều.
Có lẽ bài: Ông đồ là bài thơ duy nhất nổi tiếng của ông. Nó trở thành kiệt tác.
Bài thơ này (theo Văn Tâm) khổ I được ông làm từ 1935 đến mùa xuân năm 1936 mới
làm xong bốn khổ tiếp theo và được đăng trên báo Tinh Hoa do chính ông chủ trương.
Báo này cũng đăng một vài bài thơ khác của ông như: Bông hoa úa; Ông lão hát xẩm;
Lòng ta là những thành quách cũ. Tính đến nay bài thơ đã trải qua 77 năm. Thời
gian trôi khá dài nhưng tuyệt nhiên bụi của thời gian không phủ mất bài thơ mà
trái lại càng làm cho bài thơ phát sáng, càng làm cho bài thơ lắng đọng trong tâm
hồn người đọc.
Cảm giác đầu
tiên khi đọc bài thơ là cảm giác hơi lạnh vuột qua của tiếng thở dài não ruột,
nuối tiếc vắt qua thế kỉ, chạy dọc thời gian rồi tụ lại trong mỗi người ở chốn
thẳm sâu nhất. Dường như người đọc nghe rất rõ thanh âm trầm sắc và hơi lạnh của
tiếng thở dài toát ra ở từng chữ, từng câu. Tiếng thở dài buồn bã nuối tiếc này
ngấm từ giọng điệu của bài thơ để rồi thoát ra ở nhịp của mỗi câu thơ.
Ngay từ khổ
thơ đầu của bài đã mang âm hưởng của sự ngậm ngùi dù có sắc hồng của hoa đào nở
và sắc óng đen của mực tàu với sắc đỏ của giấy điều. Ta hãy đọc: Mỗi năm hoa đào
nở/ Lại thấy ông đồ gia/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Có người
cho rằng âm hưởng phần đầu (khổ I và II) của bài thơ là âm hưởng vui, hân hoan
vì nó nói về thời kì đắc ý, lên hương nhất của ông đồ. Song riêng tôi lại cảm
thấy không vui và hoàn toàn không thể hiện một sắc độ nào của niềm hân hoan cả,
dù là tác giả đề cập đến thời kì đắc ý nhất của ông đồ. Vì sao? Bởi ngay đầu câu
thơ thứ hai tác giả hạ một từ lại đối
với từ mỗi ở câu thứ nhất. Từ lại có
thanh trắc trĩu nặng nhất, từ mỗi cũng
có thanh trắc trĩu nặng không kém gì, vì thế tạo cảm giác lặng buồn. Chính từ lại đã ấn chứa sự cưỡng bức nảy từ hành động
lặp đi lặp lại theo thói quen. Và chính nó cũng cho người đọc thấy hành động ông
đồ bày mực tàu giấy đỏ khi hoa đào nở là hành động không chủ ý thực sự mà chỉ là
thói quen, theo một cái nếp có sẵn mà thôi. Nghĩa là xuất phát nguồn hành động
của ông đồ chưa phải là sự chủ động, hào hứng, khấp khởi, hân hoan, phấn khích
một trăm phần trăm mà là một cái gì đã ẩn chứa sự khiên cưỡng, ép buộc. Và chính
chủ thể đã nhận ra ngay cái sự xuống dốc của sự nghiệp mà trước kia bất cứ ai cũng
ngưỡng mộ. Vậy nên câu thứ tư của khổ I mới có từ bên ở đầu câu và từ qua ở cuối câu (Bên phố đông người qua). Cái thanh bằng ở đầu và cuối câu thơ đã tạo nên
một sự bấp bênh và nhạt nhòa. Dù đông người, dù hoa đào có nở, dù không gian thời
gian đẹp, thoáng, háo hức; dù con người có đông nhưng riêng ông đồ đã bị gạt ra
một bên. Ông đâu có hòa vào dòng chảy của cuộc đời mà chỉ ở bên lề mà thôi. Cái
sôi động của cuộc đời đã bỏ qua thân phận ông. Ông đâu phải là một tế bào, một
phần tử của dòng đời đông đúc, nhộn nhịp mải miết kia?
Rõ ràng tiếng
thở dài buồn não ruột đã manh nha từ dòng thơ, khổ thơ đầu tiên. Tiếng thở dài ấy
bất chấp cả thời điểm mà tài năng của ông phát huy đến cực độ (Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen
tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay). Ta thấy rất rõ,
trong số hai mươi dòng thơ có đúng 100 chữ chỉ vẻn vẹn bốn dòng 20 chữ mang nét
tươi của sự thành đạt, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Vì thế cái nét tươi ấy bị chìm
lỉm, khuất sau tiếng thở dài nuối tiếc buồn bã. Chính tác giả nhắc đến thời điểm
đắc ý, vàng son nhất (như một sự so sánh, đối lập) mà người đọc nhận ra thêm nét
bi thương được bọc trong tiếng thở dài kia. Vừa não ruột, vừa bi thương nên đau
đớn, xót xa nào bằng. Các sắc độ ấy cuộn vào rồi kéo dài ra mãi không thôi khiến
bất cứ ai đọc cũng bị ảm ánh.
Thực vậy, nỗi
buồn của ông đồ là nỗi buồn đắng cay của cả một thế hệ, cả một lớp người đã chọn
ông để rồi dồn tất cả cái vô vọng bi thương lên
đôi vai áo the, khăn xếp, bút lông, nghiên mực của ông. Nỗi buồn thê thiết
luồn vào từng trang giấy, ngấm sâu tận đáy nghiên mực (Giấy đỏ buồn không thắm/
Mực đọng trong nghiên sầu). Người đọc tưởng như nghe đâu đây thấy cả âm thanh của
sự rệu rã, bở mục của từng tờ giấy điều, thấy cả sự hao mòn, vón lại tù đọng của
nghiên mực tàu, màu lấp lánh đen rời rợi của mực tàu ngày xưa đâu còn nữa. Nỗi
vô vọng buồn thê lương từ một điểm hẹp (trang giấy, nghiên mực) tràn cả ra một
diện rộng – thiên nhiên, cây cối (không gian bao trùm). Buồn thê lương vô vọng đến
lá cũng vàng đi thương xót, đến từ giọt mưa bụi của giời cũng thấm đẫm sự nuối
tiếc đến vật vã xót đau (Lá vàng rơi trên
giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay). Hành dộng rơi của lá vàng trên giấy tưởng nhẹ
nhõm vô tình nhưng kì thực cứa con tim của ông đồ, của tác giả, của người đọc đến
rớm máu. Kết hợp với động từ bay của mưa bụi càng làm cho nỗi buồn cô đơn của ông
đồ đau đáu hơn.
Kết thúc bài thơ là không gian, thời gian hiện tại (Năm nay đào lại nở) cũng với câu hỏi tu
từ nghi vấn biểu lộ sắc thái cảm xúc của sự nuối tiếc vô vọng thê lương (Hồn ở đâu bây giờ?). Một câu hỏi để chấm
dứt bài thơ nhưng lại gieo vào lòng người
đọc bao nỗi niềm suy tư, thổn thức. Chúng ta tin rằng cái đẹp của văn hóa cội
nguồn chẳng khi nào mai một vì nó thuộc phạm trù bất biến, vĩnh cửu. Vì thế chẳng
tìm đâu xa ta luôn thấy hồn người xưa vẫn ở quanh ta, trong ta, hiện hữu ở mạch
máu, ở hơi thở, ánh mắt của mỗi người. Và đó chính là điều nhà thơ họ Vũ mong mỏi.
CÂU ĐỐI
Tám ba Xuân nối gót Đảng tiền phong, cờ độc lập phất cao xây sự nghiệp huy
hoàng trên đất Việt
Sáu tám Tết
theo chân Bác vĩ đại, đường tự do mở rộng dựng cơ đồ lộng lẫy dưới trời Nam.
HOÀNG HIẾU NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét