Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả TRƯƠNG BI




MÙA XUÂN VÀ LỄ CƯỚI
CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Vào những ngày đầu năm, bầu trời Tây nguyên cao xanh vời vợi, gió rừng lồng lộng thổi như giục giã cây cỏ đâm chồi, nảy lộc đón xuân về. Đó cũng là lúc đồng bào các dân tộc Tây Nguyên kết thúc một mùa rẫy để bước vào một mùa lễ hội đầy sôi động. Trong âm hưởng của tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng náo nhiệt, mời bạn đến dự một lễ cưới của đồng bào Êđê. Lễ cưới của dân tộc Ê đê trong những ngày đầu xuân là một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hấp dẫn. Nó là một sinh hoạt nằm trong lễ hội vòng đời người của dân tộc này.
Cộng đồng của người Êđê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên việc tổ chức đám hỏi, đám cưới hoàn toàn do nhà gái chủ động và việc thách cưới là do nhà trai yêu cầu. Trong những ngày này không khí buôn làng vô cùng náo nhiệt, già trẻ gái trai đều ăn mặc đẹp, ai cũng bị thu hút vào ngày hội đó.
- Lễ hỏi: Các cô gái Êđê đựơc tự do tìm hiểu chọn lựa người yêu. Nếu cô gái chọn được một chàng trai vừa ý, thì về nhà báo cho cha mẹ biết, để cha mẹ nhờ người làm mai. Ông mai (pơ buh kông) đại diện cho nhà gái là một người đàn ông có tuổi, am hiểu nhiều về luật tục, ăn nói lưu loát và có uy tín. Đến ngày đã chọn, ông mai mang chiếc vòng đồng sang nhà gái ngỏ lời, gọi là lễ đưa vòng (myor kông) hay lễ hỏi chồng (emuh ting mô). Nếu nhà trai chấp thuận thì một người cao tuổi bên họ nhà trai cầm chiếc vòng đồng (do ông mai nhà gái đưa sang)  rồi hỏi ý kiến chàng trai. Nếu chàng trai nhận lời thì cầm vào chiếc vòng ấy. Sau đó đại diện hai họ làm lễ trao vòng và chính thức đặt quan hệ thông gia. Trong lễ này, nhà trai buộc một ché rượu, bắt một con gà làm lễ, mở tiệc thết đãi ông mai, đồng thời chọn ngày làm lễ thoả thuận.
- Lễ thoả thuận: Trước khi làm lễ thoả thuận, người Êđê thường có tục “gửi dâu”. Đại diện cho nhà gái (pô êmuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới trong một thời gian tùy theo sự thoả thuận của hai bên. “Gửi dâu” là thời gian thử thách lòng chung thuỷ, nết na, tài năng của người phụ nữ. Hết thời gian “gửi dâu” nhà gái đưa sang nhà trai một con gà, một nắm xôi gói trong là chuối và một ché rượu để làm lễ thoả thuận (k’năm). Những lễ vật trên thể hiện sự cầu mong, lòng kính trọng của nhà gái đối với nhà trai. Khi đến nhà trai, nhà gái chủ động đưa các lễ vật trên làm lễ cúng nhà trai. Sau đó mọi người cùng uống rượu, ăn xôi gà và cùng thảo luận về lễ cưới. Vật thách cưới thường là một con heo, bảy ché rượu, của hồi môn là một con trâu hoặc một con bò, nhà giàu thì có cả chiêng, ché. Khi đại diện bên nhà trai, nhà gái thoả thuận xong thì họ hướng dẫn cô dâu, chú rể trao vòng cho nhau trước sự chứng giám của thần linh và hai bên gia đình. Chiếc còng đeo tay tượng trưng cho sự gắn bó thủy chung trước sau như một của đôi trai gái. Sau đó gia đình nhà gái trao cho gia đình nhà trai tám cái vòng, một cái bát đồng, một cái mền, tám cái vòng tượng trưng cho sự ràng buộc, lời gửi gắm, cái chăn tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình, bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ luôn luôn tràn đầy. Sau khi làm các thủ tục thách cưới xong, hai bên thoả thuận chọn ngày lành tháng tốt để rước rể.
- Lễ rước rể và lễ cưới: Đến ngày rước rể, nhà gái mang lễ vật thách cưới sang nhà trai để làm các thủ tục như đã thoả thuận. Nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Trên đường về  mọi người tham gia rước chàng rể của nhà gái lần lượt trao vòng cho chú rể, hình thức này thay cho những lời chúc tụng, cam kết. Khi đám rước đến chỗ rẽ vào nhà gái thì một người cậu hoặc người chú bên nhà trai bước ra chặn lại. Lúc này nhà gái phải trao cho người đó một chiếc vòng đồng mới được đi tiếp. Đây là hình thức thể hiện sự níu kéo, giằng co giữa gia đfinh nhà trai đối với chú rể. Trên đường đi của đoàn người rước rể, họ thường gặp một tốp thanh niên đón đường té nước vào chú rể thay cho lời chúc mừng hạnh phúc đôi bạn trẻ. Theo quan niệm, đám cưới nào có nhiều người chặn đường, té nước thì cặp hôn nhân sẽ sống hạnh phúc lâu bền.
Phần chính của lễ cưới được tiến hành sau lễ rước rể và lễ cam kết. Nhà gái tiến hành làm lễ cúng tổ tiên (phát atao) và lễ cúng sức khoẻ cho đôi tân hôn, lễ vật là một con heo và năm ché rượu. Một người đại diện nhà gái (pô emuh) lấy máu con vật hiến thân thoa vào chân đôi tân hôn và khấn cầu tổ tiên, thần linh phù hộ cho họ được hạnh phúc. Sau đó ông ta bón cho đôi tân hôn mỗi người hai muỗng cơm và ba sừng trâu rượu cần. Mọi người tham dự cùng ăn uống, hát dân ca, nhảy múa theo nhịp chiêng mừng đôi tân hôn. Lễ cưới chấm dứt khi ông trưởng họ đại diện cho hai gia đình tuyên bố cuộc hôn nhân của đôi trai gái đã được chấp thuận theo luật tục. Ông ta đưa chiếc vòng đồng cho đôi tân hôn chạm tay vào lần cuối, thủ tục này nhằm một lần nữa nhắc nhở đôi trai gái sống trọn đời bên nhau. Lúc này, mọi người tham dự lễ cưới lần lượt đến chúc mừng đôi tân hôn và tặng quà, cầu chúc đôi bạn sống hạnh phúc, có con đàn cháu lũ, nương rẫy nhiều bắp lúa, heo bò đầy sân chật bãi.
Mọi người lần lượt ra về nhưng nhịp chiêng mừng đôi tân hôn vẫn dồn dập vang xa khắp núi rừng làng buôn như hát mãi bài ca về tình yêu đôi lứa giữa cảnh trời xuân tươi đẹp.

2 nhận xét:

  1. Thích thế, ước gì mình được tự do chọn lựa như thế nhỉ?
    Đầu tuần vui vẻ nhé VĂN NGHỆ CHƯYANGSIN!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm VNCYS, chúc bạn một buổi chiều như ý!

      Xóa