Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả LÊ ANH CHỚI






VẺ ĐẸP TRONG BÀI THƠ TỨC CẢNH PÁC BÓ CỦA BÁC HỒ



Tháng 2 năm 1942, sau ba mươi năm bôn ban hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Bác đã chọn  hang Pác Bó, một hang nhỏ sát biên giới Việt – Trung  thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi làm việc để lãnh đạo dân tộc ta làm cách mạng giành lại chính quyền về tay nhân dân từ cuộc trong Cách mạng tháng Tám - 1945. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác Hồ sáng tác trong hoàn cảnh đó.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng,
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
                                                                         Tháng 2 năm 1941

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã  khắc họa rõ nét cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của Bác Hồ trong những ngày đầu mới trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng nước ta. Đọc tập hồi kí cách mạng Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta được biết: có khi Hồ Chủ tịch ở một hốc núi nhỏ rất cao và rất sâu trong rừng, những khi trời mưa to, rắn  rết chui cả vào chỗ nằm. Một lần, sáng dậy, có một con rắn rất lớn nằm ngay bên cạnh Người. Có khi Người ở trong một bụi rậm, giường nằm là dăm ba cành cây, hoặc một mớ lá. Chịu đựng phong sương nhiều, Hồ Chủ tịch bị sốt rét nặng, nhiều lần Người đang ngồi khai hội thì lên cơn sốt, mặt tái ngắt, chân tay run lập cập. Thuốc men không có gì ngoài nắm lá lấy về sắc uống theo cách chữa của đồng bào địa phương. Ăn rất thiếu thốn. Khi có gạo, các đồng chí chắt phần cho Bác một bát nước cơm, gặp hồi chẳng có, Người phải ăn cháo bẹ hàng tháng ròng. Hàng ngày, Bác phải dùng phiến đá bên bờ suối làm việc để dịch Lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô sang tiếng Việt làm tài liệu học tập cho cán bộ. Khó khăn gian khổ  là thế, nhưng đọc bài thơ, chúng ta thấy được phong thái ung dung tự tại và lòng lạc quan phơi phới của một bậc vĩ nhân hết lòng vì đại nghĩa. Sở dĩ bài thơ giúp người đọc cảm nhận được điều ấy là do có nét đặc sắc trong cách gieo vần. Thông thường, trong luật thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, cả bài chỉ có một vần được gieo ở tiếng cuối cùng của các câu 1, 2, 4, nhưng ở bài thơ này  vần được gieo trong tất cả bốn câu. Điều độc đáo trong cách gieo vần của bài thơ là việc lựa chọn vần để gieo của Bác Hồ. Trong hệ thống nguyên âm của tiếng Việt, âm “a” được coi là một âm mở có tính ngân vang. Âm “ a” lại được kết hợp với phụ âm “ ng” để tạo nên vần “ang” đã tạo nên sức ngân vang kéo dài. Nó như một khúc ca về lòng lạc quan yêu đời, yêu công việc, yêu cuộc sống của Bác Hồ. Cái độc đáo làm nên vẻ đẹp trong bài thơ  còn là cách nói hóm hỉnh trước cuộc sống đầy khó khăn gian khổ:
Sáng ra bờ suối tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dich sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Chữ “sang” được Bác Hồ dùng trong bài thơ thật là độc đáo đã toát lên chất thép của thơ Bác. Nó không dừng lại ngữ nghĩa từ vựng là “ sang trọng”, “ giàu sang” mà thể hiện một quan niệm sống cao đẹp của Bác Hồ - sống là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, không đòi hỏi phải có nơi ở  và các phương tiện làm việc tiện nghi, đầy đủ; phải biết chấp nhận khó khăn, gian khổ để thực hiện bằng được hoài bão lớn lao: giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bài thơ được Bác Hồ viết vào mùa xuân năm Tân Tỵ ( năm 1941 ) đến nay đã 72 mùa xuân nhưng vẫn là một bài học về nhân sinh quan cách mạng của người cộng sản chân chính. Là bài học cụ thể và vô cùng sinh động cho mỗi cán bộ, đảng viên và tất cả quần chúng nhân dân trong việc thực hiện cuộc vân động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét