BI KỊCH CON NGƯỜI TRONG TÁC PHẨM
“HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT”
CỦA LƯU QUANG VŨ
(Ngữ
Văn 12, tập 2)
Từ một tác phẩm văn học dân gian, truyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”,
Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch mang triết lí nhân sinh sâu sắc. Điều
ám ảnh nhất mà tác giả đã chú tâm khai thác một cách triệt để đó là bi kịch của
con người trong một hoàn cảnh, bối cảnh nhất định.
Hoàn cảnh đó vô cùng đặc biệt: Hồn người nọ sống nhờ thể xác người kia! So
với cốt truyện dân gian đã quá quen thuộc với bạn đọc, cốt truyện trong kịch bản
được nhà văn sáng tạo thêm: Trương Ba vốn giỏi đánh cờ, bị Nam Tào bắt chết nhầm,
vì muốn sửa sai, Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác
anh hàng thịt vừa mới chết. Mọi phức tạp bắt đầu từ đó. Trú nhờ thể xác anh hàng
thịt, Trương Ba không hề được yên ổn: Lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi
chồng, người thân trong gia đình cảm thấy xa lạ… Bản thân Trương Ba thì đau khổ
vì sống thiếu tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm
một số thói xấu mà bản thân ông trước đây không hề có. Trước nguy cơ tha hóa về
nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định
trả lại thân xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết.
Tham sống sợ chết cũng là thói thường xưa nay. Có được cơ may cải tử hoàn
sinh như Trương Ba quả là hiếm! Vậy tại sao nhân vật của chúng ta lại dứt khoát
đòi được chết? Trương Ba nói với Đế Thích: “Không thể sống với bất cứ giá nào được,
ông Đế Thích ạ! Có những cái giá quá đắt, không thể trả được… Ông tưởng tôi không
ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn cái chết”. Nhìn lại những khổ
đau mà Trương Ba phải gánh chịu kể từ khi mượn xác, bạn đọc dễ dàng tin đó là
những lời nói thật, xuất phát từ đáy lòng nhân vật.
Trong xác anh hàng thịt, Trương Ba trở nên vụng về, thô lỗ. Nổi giận, ông tát
con trai đến chảy cả máu mồm máu mũi. Khi ra làm vườn, bàn tay đồ tể đã làm gãy
cái chồi cam, bàn chân to bè giẫm nát cả cây sâm quý, khi sửa cái diều giấy cho
thằng cu Tị, bạn của đứa cháu gái, bàn tay hàng thịt đã làm gãy nan, rách giấy…
Vợ, con, cháu, tất cả đều đau đớn và thất vọng khi thấy cái “con người đang tồn
tại trước mắt” không phải là con người mà mình gửi gắm tin yêu, hi vọng, mặc dù
Trương Ba đã cố gắng hết sức để chứng minh mình chính là Trương Ba chứ không phải
là anh hàng thịt tầm thường, thô lỗ.
Bi kịch của Trương Ba cũng là bi kịch chung của con người trong xã hội hôm
nay. Tôi đang muốn nói đến tính thời sự của vấn đề. Bằng cảm quan nhạy bén của
một nghệ sĩ tài hoa, Lưu Quang Vũ đã đưa ra một câu hỏi lớn: Chúng ta phải sống
thế nào cho xứng đáng với cuộc sống của chúng ta? Có nên bám lấy cuộc sống bằng
bất cứ giá nào, bằng bất cứ sự đánh đổi nào, chấp nhận hoàn cảnh “bên trong một
đường, bên ngoài một nẻo” hay không? Với Trương Ba, câu trả lời đã rõ ràng: Sống
như thế thà chết còn hơn! Nhưng, với chúng ta – những người đang sống – liệu sự
lựa chọn có quyết liệt, dũng cảm được như nhân vật? Chúng ta vẫn đang hàng ngày
sống chung với cái tầm thường ngay trong bản thân mình. Chúng ta để cái thể xác
bản năng lấn át lương tri và sau đó biện minh bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, tự
an ủi mình rằng, đó là do tình thế xô đẩy. Thậm chí, chúng ta coi cái mâu thuẫn
ghê gớm ấy là chuyện cỏn con, chuyện bình thường và thản nhiên tồn tại mà không
mảy may trăn trở.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hoàn cảnh có góp phần hình thành lối sống
giả tạo cho con người. Nhưng, quan trọng hơn, chính sự đồng lõa, thỏa hiệp của
bản thân mỗi con người mới là điều kiện lí tưởng để đạo đức suy thoái. Tất nhiên,
ý nghĩa vấn đề không chỉ nằm ở chỗ này. Vấn đề được tác giả mở rộng ra hơn thế.
Sau khi đã ngấm cái bi kịch của đời người “mượn xác”, Trương Ba trách móc Đế Thích:
“Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần
biết!” Những đấng quyền năng vô hạn có thể quyết định mọi vấn đề, cầm trong tay
sinh mệnh của người khác, cũng chỉ nghĩ một cách đơn giản nông cạn về sự sống của
con người, sống chỉ đơn giản là tồn tại, là hít thở khí trời và… không chết. Bi
kịch thay! Cuộc sống muốn là cuộc sống với đầy đủ ý nghĩa của nó thì phải thỏa
mãn đầy đủ các đòi hỏi không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, không chỉ về
thể xác mà còn về linh hồn nữa. Sống đâu đơn giản là hít thở, là lòng lợn tiết
canh, cổ hũ khấu đuôi, sống còn còn cần đến sự hài hòa trong tình cảm, trong các
mối quan hệ, trong trách nhiệm với người thân, với cuộc đời. Đó mới là cuộc sống!
Với Lưu Quang Vũ, chết cũng là một cách làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nếu
sống không còn ý nghĩa, sống chắp vá, sống tạm bợ, sống giả tạo thì cách tốt nhất
là chết. Khăng khăng bám lấy sự sống mới là bi kịch, còn cái chết hợp lẽ trời và
thuận lòng người là cái chết hồi sinh. Chết mà sống mãi trong trí nhớ người thân
- cái chết ấy là tiền đề của sự đâm chồi nảy lộc của thế hệ tiếp theo. Trong vở
kịch “Người trong cõi nhớ”, Lưu Quang Vũ đã cho nhân vật phát biểu: “Chúng tôi
là những người đã chết. Nhưng người ta chỉ chết hẳn khi không sống trong lòng
người khác nữa. Ngoài thế giới của người đang sống và cõi lặng im của người đã
chết, còn một cõi thứ ba: cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người
khác, những người không bị lãng quên”
Không phải ngẫu nhiên mà kịch của Lưu Quang Vũ thu hút được đông đảo khán
giả trên cả nước trong vòng mấy chục năm qua. Tác giả đã lồng những vấn đề nhân
sinh nóng bỏng vào trong câu chuyện kể làm cho độc giả, khán giả phải trăn trở,
thao thức khôn nguôi về ý nghĩa của muôn mặt cuộc đời. Cái bi kịch có một không
hai của Trương Ba cũng chính là bi kịch chung, phổ biến, tràn lan trong xã hội
hôm nay.
Làm sao để cuộc sống có ý nghĩa? Câu hỏi đó còn tồn tại đến muôn sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét