BÃI CÁT TIÊN
Truyện ngắn
Nàng trở lại, mỗi bước chân in trên cát mịn như lắng sâu
vào trong từng hồi ức mênh mang. Dải cát trắng lấp lánh chạy dọc suốt bờ sông,
cong như hình một mảnh trăng rơi xuống rừng le chập chùng xanh ngát. Con đường
mòn dẫn qua phía bên kia ngọn đồi là những ngôi mộ nằm sát bên nhau. Riêng có
ngôi mộ của Trầm Ca là còn mới và nằm lẻ loi. Những viên sỏi màu huyết dụ còn rơi
vãi đây đó, những bước chân của những cơn mưa chiều còn ngoằn ngoèo chưa kịp xóa
dấu. Tiên quỳ xuống đặt lên mộ chàng những bông hoa loa kèn trắng, thoảng hương.
Đàn bướm vàng chập chờn đậu trên nấm mộ như hơi thở của mặt đất lặng im. Dưới
kia, dòng Đồng Nai đâm ngang như một thanh kiếm bạc. Bãi cát hiện lên một thế
giới nhỏ nhoi và bí ẩn. Nơi đó, cuộc tình của hai người mở ra một tình yêu chân
thực, một cuộc sống đổi đời. Thế mà Trầm Ca đã vội ra đi, để lại bãi cát giữa đời
thực quạnh hiu, bãi cát trong hồn nàng mặn xót. Nước mắt của nhiều người đã rơi
xuống nơi đây. Nhưng nước mắt của nàng như có hương vị đặc biệt, bởi cái định mệnh
đã gắn chàng và nàng trong chất keo duyên phận. Chàng, một nhà thơ mang nhiều hệ
lụy, một tâm hồn khoáng đạt hoang mang. Chàng yêu nàng như yêu một bài thơ đẹp
không có đoạn kết. Bài thơ được chàng đặt tên là Tiên nữ : “ Tiên nữ, dòng sông
như lưỡi kiếm…”
Phải, cuộc tình như lưỡi kiếm ấy đã chém vào giữa hai người
một nhát chém hư vô. Nhát chém của chia ly, chém vào thiên thu khát vọng, sum họp
và chia cắt. Và bãi Cát Tiên là nhân chứng kỳ ảo nhất của cuộc tình. Chàng tìm đến
Cát Tiên với luồng cảm hứng tháp mộ, tìm gặp một nét đá nghìn xưa in trong đống
hoang tàn. Chàng là một Chế Lan Viên sờ soạng với ma hời, đi trong điêu tàn để
cảm nhận nỗi khắc khoải của hoàng hôn núi, của chạng vạng sông; để bừng dậy
trong mạch thi cảm cái sát-na u huyền của hồn vọng nguyệt. Chàng thường thơ thẩn
nơi bãi Cát Tiên, nơi mà huyền thoại người Châu Mạ nói rằng những nàng tiên trên
trời thường sa xuống tắm trong những đêm trăng…
Cát Tiên, quả là cái tên của thực và mộng. Điều ấy chứng
tỏ con người trên trái đất, luôn sống giữa một lằn ranh để cuộc sống luôn được
quyến rũ, mà quên đi những thực tại phũ phàng. Nhà thơ Trầm Ca đến đây đã bao
ngày, không gian tĩnh mịch, trầm lắng của núi sông luôn gợi cho chàng những cảm
xúc mới. Chàng sáng tác mê man và quên mình đang sống ở đâu. Chàng hít thở cái
không khí đầy trăng, tràn ngập hai buồng phổi. Trăng đã biến thành chàng và chàng
đã biến thành trăng. Những bài thơ huyền ảo ra đời, bộc lộ nội tại đầy thẩm mỹ,
khác với một trăng đau nhói rên xiết của thi sĩ họ Hàn. Chàng đang sống trong vòng
phủ âm kỳ diệu của cát, của nước, của cỏ cây. Và một hiện tượng vô tiền khoáng
hậu trong đời chàng đã làm chàng choáng váng. Không phải cái choáng váng của
men rượu, không phải cái choáng của hiện tượng xuất hồn, mà là cơn choáng của vẻ
đẹp trần gian! Kìa, dưới bờ sông trăng, một thiếu nữ đang tắm, khỏa thân. Nàng
tắm hồn nhiên giữa thiên nhiên kỳ tuyệt. Tiếng vỗ vào nước như tiếng thủy tinh
chạm vào nhau. Vầng trăng mười lăm cũng đang bối rối, đang vén những đám mây
trong vắt ra khỏi đôi mắt tham lam của mình. Ôi ! cái tham lam nào mà chẳng đáng
tội. Nhưng cái tham lam của chàng là vần thơ tinh luyện của ám ảnh trinh nguyên.
Bởi lần đầu chàng được Thượng đế đối đãi công bằng. Chàng gọi tên của niềm xúc động.
Tiếng gọi như bước sóng của trăng, lay động hồn nàng. Nàng vội trầm mình xuống
nước. Làn nước xao động kia, không giấu nổi tấm thân ngọt hương. Bao lâu không
thấy nàng trồi lên, một ý nghĩ như tia sét chớp lóe. Chàng nhảy ùm xuống nước.
Và gặp nàng! Một hạnh ngộ đầy kịch tính như cuộc đời của chàng. Họ dìu nhau lên
trần gian. Trần gian lúc bấy giờ như không có thực. Thượng đế thật lắt léo và xưa
nay thích chơi trò trẻ con. Ngài đã đưa ra cái chết vĩnh cửu để bắc cầu cho tình
yêu cõi tạm. Thượng đế đã tặng họ hương mật của cuộc tình. Họ cần có nhau trong
cái không gian ma thuật của mộng ảo, như đất với nước, như gió với mây…Họ cùng
tan ra trong trầm hương da thịt, trong căn cốt của thơ, trong từng nơ-ron của
trăng. Nàng vẫn nằm đó, bất động và trang nghiêm như thiền mật. Chàng phải mạnh
tay lột bỏ chiếc khăn voan bao bọc thân thể nàng. Chàng đã bế xốc nàng lên trên
vai, chạy vòng quanh bãi Cát Tiên, lúc đó đã có những vừng mây xám đen bao phủ
bầu trời. Nàng đã ói ra bao nhiêu là nước, một thứ nước như tinh thể rượu cần của
đồng bào xứ Mạ. Và nàng mở mắt ra trong vòng tay lo sợ và âu yếm của chàng. Đêm
đó, họ cùng nhau đốt lửa để sưởi ấm hai trái tim yêu…
- Trầm Ca ! Anh có nghe chăng?
Tiên cứ gào lên. Hồn nàng như hàng ngàn nén nhang gặp cơn
gió cuốn thổi bùng, cháy hun cả quá khứ nồng nàn, cháy lây sang cả hiện tại
tang tóc, cô đơn. Bó hoa loa kèn thổi ra hàng nghìn cung bậc của âm thanh thơm
phức. Có một giàn bè trầm của lá hòa theo. Mỗi đóa hoa như một cung phiếm hẹp dẫn
thoát tinh anh của Trầm Ca. Nàng đắm chìm vào cõi suy tưởng lạ thường, bồng bềnh
sương khói. Bất giác nàng ngâm lên : “ Tiên nữ, hồn ta như cát trắng /xin vì
em mà dạt bến bờ này / sống và chết giữa núi rừng thinh lặng / còn mong gì sông
chảy hết cơn say…Tiên nữ, em như thiên thần chân thật / đã vì ta mà lạc xuống cõi
trần / em hãy thắp cho tim ta ngọn lửa / và dòng sông còn vọng tiếng thơ ngân…”
Những câu thơ không dứt của Trầm Ca như những đoản khúc
chiêu hồn. Hơn nữa nó là lời tiên tri cho chính chàng. Quả thật, chàng đã vắt
kiệt sức để sống, như loài thảo mộc kia xin dâng cho đời cái hương sắc đẹp nhất
của đời mình. Để thưởng công cho chàng, Thượng đế đã ban tặng một tiên nữ hồn
nhiên và cực mộng như chàng đã từng khen : “Em là kiệt tác của thi ca và hội họa
kết tụ lại…”. Thật thế, Tiên, người con gái ấy đã thổi vào hồn chàng một sức sống
mới, bạo liệt và chấn động. Chàng đã từ bỏ những thói hư tật xấu để sống xứng đáng
với Cát Tiên. Cuộc đời chảy dài như dòng sông, sông cũng có lúc hưng thịnh, có
lúc suy vong. Chàng nghĩ ta phải thoát khỏi những ao tù nước đọng, để hít thở sự
giao hòa bất tận của trời đất, nuôi lớn cái mạch nguồn của cảm xúc thật. Một thứ
cảm xúc biết đổi bằng mồ hôi và nước mắt, để dâng cho đời sống lao động một công
trình kiếm tìm nghệ thuật. Và chàng đã ra đi, rồi tự ví mình như con kiến bò trên
mặt lá khô, cơn lũ quét đã cuốn đời chàng vào khúc sông này. Đó là một khúc sông
hưng thịnh. Chàng đã gặp nàng giữa bãi vắng uyên nguyên…
- Trầm Ca ơi ! Tại sao anh yêu em?
Tiếng nàng nức nở giữa mộ địa hoang vu. Và câu hỏi không
có ai trả lời, cứ lặp đi, lặp lại trong nghẹn uất. Đó là những câu hỏi không dễ
trả lời dành cho hư không, cho truông vắng ma mị. Định mệnh khắt khe đã bày ra
như vậy. Trong cuộc đời chàng, có biết bao trái tim khô héo vì chờ đợi. Biết
bao bóng hồng với niềm xao xuyến đầu tiên, đã đi qua đời chàng. Họ như chiếc lá
vèo bay, không để lại trong chàng dấu vết gì của tình ái. Nhưng chàng là một tâm
hồn đau khổ. Những dấu thao thức đã cứa vào hồn chàng nhiều vết nhức trầm luân.
Chàng luôn kiếm tìm một con người, một tình thơ chân thật để luyến trao : “Ta
mang cho em một đóa quỳnh / quỳnh thơm hay môi em thơm / em mang cho ta một chút
tình / miệng cười khúc khích trên lưng…” (*) …
Có phải chăng thân thế của nàng như đóa quỳnh, chỉ nở về đêm?
Chỉ người nào nhẫn nại mới được chứng kiến cái giây phút trọng đại của hoa quỳnh
bật nở, và sẽ thấu được cái triết lý sống chết của hoa quỳnh chăng? Oái oăm
thay, cái đêm tỏa hương ấy không có ai chứng kiến, ngoài một vị sư khổ hạnh, đã
mang cái bọc lụa nhỏ bé kia về Ni viện Liên Hoa.
Nàng lớn lên như đóa sen được che chở bởi lá sen. Nàng làm
bạn với những chú cá ngoài hồ sen, bạn với những chú chim sẻ tha rác về làm tổ
trên mái chùa. Ngôn ngữ của nàng thơm tho như hơi thở của nhị sen. Hồn nàng là
cửa thiền lá trúc. Đôi mắt nàng sầu mộng như vầng trăng tan. Núi non và cảnh
thiền dã đã hun đúc nàng. Những lần sai nàng xuống núi hái thuốc và thỉnh hoa,
Ni sư già không khỏi nhìn thật sâu vào mắt nàng, khẽ lắc đầu và niệm: “A Di Đà
Phật…”
Phật đã không cứu được nàng. Vì nàng đã thuộc về trần
gian yêu kiều và diễm lệ. Nhưng nàng ngây thơ nào có hiểu được điều ấy. Nàng đem
cả thân mình tuyệt mỹ ấy ngã vào vòng tay thiên sứ của ánh trăng. Ánh trăng lại
có duyên hợp ngộ với nước, và cùng với nước viễn du, đã trao nàng vào trái tim
khát vọng của Trầm Ca. Thơ chàng như con tằm hóa bướm, bay ra khỏi chiếc kén tự
mình rút ruột kéo nên. Có thể ví sự kỳ ngộ của chàng và nàng như vần thơ gặp cánh
nhạc. Bởi sự chắp cánh của âm nhạc có cái công năng cứu rỗi một câu thơ chết đuối,
và mang câu thơ ấy gieo khắp vòm trời mộng tưởng. Từ đấy thơ của chàng được viết
bởi những linh cảm trong đời:
“ Ngày mộ tháp hoang sơ và kỳ bí / ta yêu nhau say đắm lá
ngừng rơi / chợt thương cánh chim bay vèo dốc Khỉ / Cao ngất trời đành buông tiếng
Mạ ơi !
Vâng, chàng đã yêu những cánh chim, yêu rừng cây như cuộc
sống của mình. Những ngày rong chơi bên mộ tháp hoang sơ, điêu tàn của Vương quốc
Phù Nam, họ là những kẻ đã leo lên dốc Khỉ, đã nhìn thấy bầy đàn của lão Tôn khọt
khẹt, chí chóe trên cây, và bài thơ về con khỉ ra đời. Họ đã dìu nhau với từng
gùi gạo trên lưng, vượt qua đỉnh dốc cao ngất trời để làm nên huyền thoại dốc Mạ
ơi, nặng tình, nặng nghĩa…Và nàng đã cảm động khôn xiết khi thấy chàng nài nỉ một
tay súng hơi, xin tha mạng cho con chim có tiếng hót hay nhất núi rừng này. Chàng
đã dang tay ôm một thân cây trăm tuổi, van xin bọn phá rừng đừng đốn hạ cây. Đổi
lại, chàng sẵn lòng đưa chiếc nhẫn cưới và số tiền còn lại cho chúng. Cuộc sống
nghèo khổ không làm chàng và nàng chùn bước. Ngược lại, thiên nhiên hào phóng đã
dưỡng nuôi thân xác và tâm hồn họ. Họ yêu nhau và yêu thiên nhiên. Núi là mái
nhà của chàng, đá là bàn viết của chàng, cỏ hoa là trang sức của nàng. Dòng sông
và con thuyền là thế giới của họ, nuôi sống họ bên bãi Cát Tiên. Chàng và nàng
sống một đời hạnh phúc như vậy, cho đến một ngày bọn phá rừng căm ghét chàng, vì
chàng là vật cản công việc bất chính của chúng. Chúng đã đốt rừng, hòng đuổi chàng
đi nơi khác. Nhưng không như bọn chúng nghĩ, tình yêu thiên nhiên đã khiến chàng
lăn xả vào mọi ngóc nghách, tìm mọi cách để cứu rừng. Chàng gánh nước cho bà
con dập tắt ngọn lửa, không ngờ cái đám cháy oan nghiệt kia đã nuốt chửng chàng…
- Trầm Ca ơi ! Tại sao anh bỏ em?
Lúc ấy, đã bao nhiêu mùa rẫy qua rồi, người ta kể, đám
tang chàng không có ai đưa tiễn, ngoài một số người Mạ buôn Go quý mến chàng. Còn
lại, chỉ có tiếng gió, chim chóc kêu than và tiếng hú trầm buồn của loài vượn
xa bầy ở bên kia dốc Đá Mài…
Cát Tiên tháng 9.2011
(*) Ca từ của Trịnh Công Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét