Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - tác giả Y BLI KBUÔR





SINH HOẠT ĐỐ VUI CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

                            
                                                             
1. Đố vui là một loại hình sinh hoạt dân gian không mang tính chất vùng miền hay của một nhóm tộc Êđê nào, mà là một loại hình sinh hoạt văn hóa khá thịnh hành trên hầu khắp môi trường sinh tồn của cộng đồng các buôn làng Êđê xưa và nay.
Trong xã hội tộc người Êđê, phần lớn sinh hoạt đố vui được nảy sinh một cách ngẫu nhiên. Chỉ cần một trong hai (hoặc trong một nhóm đông) người ngẫu hứng khởi xướng gieo một câu đố thì người khác trong đám hưởng ứng xúm nhau tìm đáp án hoặc câu đố khác có cùng đáp án để giải đố. Vì thế không gian và thời gian sinh hoạt đố vui cũng nảy sinh bất kỳ.
Không gian có thể là dưới mái chòi trên nương rẫy hay dưới tán cây nơi bến nước hoặc ngoài lán trại nơi mộ địa… Còn thời gian có thể là trong dịp lễ ăn cơm mới, ở nhà mới, lễ cúng đời người, cưới hỏi hay nơi đám ma… Ở đâu và lúc nào cũng có thể nảy sinh cuộc sinh hoạt đố vui mà không sợ vấp phải những điều kiêng kị như ở một số trò vui khác.
Không gian và thời gian lý tưởng nhất cho sinh hoạt đố vui là vào đêm hội đạp lúa. Hội này đã từng hiện hữu và tồn tại trong các buôn làng Êđê từ thời xa xưa cho đến đầu thập niên sáu mươi thuộc thế kỷ XX. Nó mất đi vì chính sách “Ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy. Hội đạp lúa thường được sinh hoạt vào đêm trăng rằm mùa chớm rét, tuốt hái vừa xong, mùa mưa cũng vừa cạn. Nhiều hộ vì lo lúa chín rục, nên lúa sau khi cắt, họ chất  thành đống tròn, ngọn lúa hướng vào trong vòng để tránh heo rừng ủi, chân rơm phía ngoài. Sau khi tuốt, họ quay lại gom công đạp lúa. Thường thường ngày hội được khai bằng hội ăn cơm mới ở trong một cái lán trại che lợp bằng rơm ngoài rẫy vào buổi sáng. Đến tối trăng sáng họ mới khai hội đạp lúa băng lễ cúng lúa. Trên thực tế, lúa đã được đạp vào ban ngày của hôm đó. Tối là buổi sinh hoạt uống rượu và thư giãn sau một mùa rẫy với nắng mưa. Cánh đàn ông đứng tuổi sau khi râm ran say điệu K’ưt và men rượu cần ngọt, cay họ xoay qua đố vui để thử tài quan sát và nhận biết sự vật với nhau. Thế là mọi người đều xúm xít quây quần bên bếp hồng và dưới ánh trăng lọt trong từng khe mái lán bằng rơm với những câu đố, rôm rả tới sáng.
Tuy nhiên phần lớn sinh hoạt đố vui thường được nảy sinh ở dưới ngôi nhà sàn dài hay dưới lán trại nơi đám ma. Người Êđê theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Họ tin mọi sự vật đều có thần linh ngự trị, điều hành giám sát và thưởng phạt. Thần có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Mọi hành vi của con người đều có sự vật xung quanh giám sát. Làm việc gì hợp với ý thần thì thần khen thưởng, làm trái với ý thần thì thần phạt. Từ quan điểm tín ngưỡng này, người Êđê tin cái chết của con người đều do thần linh và ma quỉ áp đặt. Thần linh có thể mang hồn người đưa vào cõi chết hoặc do ma quỉ ganh ghét hớp hồn gửi cho thần mang đi để lại xác cho ma quỉ xâu xé. Nên khi linh cữu người chết còn trong nhà, ma quỉ có thể hiện hình hay dùng ma lực phá phách, cướp xác ăn thịt. Vì lẽ đó, một khi trong buôn có người chết thì cả cộng đồng buôn xa, buôn gần, thân hay sơ đều đến tập trung thức canh và chia buồn đồng thời chia xẻ công việc mai táng cùng tang gia. Đến với đám ma, mọi người đều sẵn lòng góp vui tham gia vào các trò chơi lành mạnh. Trong đó có cuộc đố vui là trò chơi được nhiều người và đủ thành phần già trẻ tham gia một cách vô tư, vui vẻ và sôi động. Sinh hoạt đố vui làm cho không gian và thời gian nặng nề trôi đi, con người trở nên hoạt bát, hồn nhiên và bộc lộ nhiều hiểu biết, nỗi ưu phiền bỗng dưng vơi đi trong mỗi con người…
Đố vui luôn gắn liền với không gian và thời gian sinh hoạt cộng đồng. Chức năng của sinh hoạt đố vui không chỉ là giải trí tinh thần mà còn có chức năng truyền đạt những nhận biết về sự vật, giáo dục nhân cách và kỹ năng sử dụng ngôn từ.
2. Nhìn chung, dù đố một vật hay việc nào, nội dung câu đố thường chỉ phản ánh những tính chất và đặc điểm của vật, sự việc trong thế giới tự nhiên và trong xã hội loài người. Có những câu đố có nội dung vừa ngắn lại vừa giản đơn. Thoạt nghe đã có thể lĩnh hội và hình dung được ngay đó là vật gì.
Ví dụ: Đi ngang ngáng, cái đầu chẳng có, chỉ có cái sừng (con cua)
Trong câu đố, người đố chỉ nói tới dáng đi quen thuộc của con vật có cái đầu không lộ ra mà chỉ lộ rõ cái sừng.
Hoặc: Cái đít chổng lên trời, cái môi bám đất, ăn chất bùn chất bẩn (con ốc).
Từ hình ảnh “đi ngang” ở câu đố một và hình ảnh “đít chổng lên, môi bám đất” ở câu đố hai trong các ví dụ trên là hình thái của vật đố. Nhưng đã chắc gì cả mọi người trong chúng ta tìm được đáp án.
Trong câu đố có nội dung ngắn, từ ngữ gợi hình vật đố rất rõ mà vẫn có người không tìm ra đáp án thì với câu đố có nội dung hoàn toàn ẩn khuất như câu đố dưới đây:
         Hàng trăm, hàng nghìn người cùng vác một cành cây.
Hình ảnh của vật đố được ẩn dụ trong trăm nghìn người vác một cành cây. Vậy đố ai trong chúng ta tìm được đáp án đó là gì (bầy ong).
Còn câu ví dụ sau:
         Mùa rét ướt chúng tôi ở trong tranh,
       Mùa nắng hanh chúng tôi ở trong rừng thưa,
       Khi mùa mưa đến chúng tôi vào rẫy, lên chòi tìm ăn.
Câu đố này chỉ biểu đạt tập tính của vật đố mà không đả động tới đặc điểm hình thái của vật đố. Nhưng dựa vào từ “chúng tôi” và tập tính thường thay đổi nơi ở theo mùa cho ta đoán chắc đây là câu đố về một loài động vật sống bầy đàn. Vậy loài vật sống đàn có tập tính thay đổi nơi ở theo từng mùa như vừa cho biết là loài gì mới là câu hỏi hóc búa cho người giải (bầy kiến).
Nhưng câu đố này chỉ hóc búa với những ai chưa từng biết đến loài vật đó, hoặc đã biết được loài vật đó nhưng lại không nhận biết tập tính của nó. Còn những người đã từng trải nghiệm thì câu đố sẽ không còn ẩn nghĩa.
Một ví dụ khác: Héo hắt lửa đang cháy gốc rụi/ Thoi thóp lửa đang cháy bụi khô/ Lửa muốn cháy to mà không phát bùng/ Là lửa của mình thắp chứ đâu phải lửa của thần cho.
Cụm từ “lửa mình tự thắp”, ánh lửa vừa héo hắt lại vừa thoi thóp nghĩa là khi cháy, khi tắt, khi hiện rõ, khi mờ trên một vật rụi, vật khô. Lửa tự thắp và vật rụi, vật khô có liên quan mật thiết với nhau là điểm mấu chốt cho ta hình dung và đoán chắc câu này là câu đố về một việc do con người làm ra. Nhưng là việc gì? Ẩn nghĩa của câu nằm trong cụm từ “lửa của mình tự thắp” (hút thuốc).
Đôi khi, nội dung câu đố rất dài, nhiều vật và việc phức hợp và có sự liên quan mật thiết với nhau như trong câu đố về hoạt cảnh “ngày gieo hạt” dưới đây:
Đường kéo đà thẳng tắp/ đường lôi đà thẳng băng/ đất trời mây ảm đạm./ Thấy đâu đà dọc, ngang/ chỉ thấy trời u ám/ có đâu đà ngang, dọc/ chỉ thấy trời ảm đạm/ đã đến năm, tới mùa/ những chàng trai điên khùng/ tay chống hai cây gậy/ đi đi rồi lại lại/ mắt nhìn xuống đôi chân/ đi tây rồi sang đông/ những chàng trai cầm bút/ không đông, nhưng chẳng ít/ mải miết ghi hàng chữ/ mải mê ghi hàng số/ dạy những cô con gái/ biết đếm số dọc ngang./ Các cô gái cãi lại:/ “Chúng tôi có thua gì!/ tay trái chống đất/ tay phải tra hạt/ tờ công văn/ chúng tôi cũng nhận ra./ Chỉ lo/ những chàng trai các anh/ viết chữ Miên hay thừa/ viết chữ Lào hay dư”./ Đây, một ché rượu cần/ đã đặt trên đỉnh mộ/ miệng đã chạm hai cây/ chống thần bên Tây/ lo đỡ thần suối rừng/ những nữ thần đỏ đen/ hay mắng chửi chúng ta.
Trong câu đố tuy các từ, các câu đều biểu thị hình ảnh trong ngày gieo hạt như: “hàng kéo đà ngang, đà dọc” là đường vạch dọc, vạch ngang cho hàng lúa thẳng đều; “đất trời mây ảm đạm” biểu thị thời tiết trong ngày gieo hạt bầu trời thường u ám; tiếp theo là hình ảnh của những chàng trai tay cầm hai cây chọc lỗ cho ra hàng ra lối dọc ngang: những chàng trai điên khùng/ tay chống hai cây gậy/ đi đi rồi lại lại/ mắt nhìn xuống đôi chân/ đi tây rồi sang đông. Hay hình ảnh: những chàng trai cầm bút…/ dạy những cô con gái/ biết đếm số dọc ngang. Nói với những cô gái tra hạt nhìn kỹ không nên lỡ tay bỏ sót một lỗ nào. Các cô tra hạt tỏ ra sành việc cãi lại:“Chúng tôi có thua gì!/ tay trái chống đất/ tay phải tra hột/ tờ công văn/ chúng tôi cũng nhận ra./ Chỉ lo/ những chàng trai các anh/ viết chữ Miên hay thừa/ viết chữ Lào hay dư”. Cụm từ “viết chữ Miên hay thừa”, “viết chữ Lào hay dư”. Là lời của các cô gái nhắc nhở những chàng trai chọc lỗ không nên chọc thiếu lối, thừa hàng khiến cho các cô bỏ quên tra hạt.
Bên cạnh hình ảnh những chàng trai chọc lỗ, cô gái tra hạt có hình ảnh ché rượu cúng thần lúa, thần đất, trời, sấm chớp buộc trên gò đất: một ché rượu cần/ đã đặt trên đỉnh mộ/…/ lo chống thần bên tây/ lo đỡ thần suối rừng/ những nữ thần đỏ đen. Những hình ảnh rất quen thuộc với mọi người, nhưng cũng có không ít người đoán đúng. Vì những hình ảnh trong câu đố đều là hình ảnh ẩn dụ. Người giải đố thiếu tri thức ngôn ngữ nên bài đố trở nên hóc búa. Đó là chưa nói tới những người thiếu quan sát và nhận biết sự vật hoặc đối với những người chưa từng chứng kiến hoạt cảnh “ngày tra hạt” bao giờ.
Cũng có những câu đố, tác giả không nêu ra tính chất và đặc điểm về tập tính, hình thái, âm thanh, màu sắc hay mùi vị nào mà chỉ nêu vị trí cố định của sự vật. Nhưng, với vốn liếng tri thức nhận biết sự vật và tri thức ngôn ngữ phong phú của bản thân mà tìm ra đáp án:
          Trăm trái trên cây
        Nghìn trứng dưới nước
        Quả giữa thân
        mỗi bên một quả.
Đây là một câu đố về ba sự vật khác nhau nhưng có cùng một tên gọi (đồng âm khác nghĩa: tên một loài cây, con cá trê, xương đầu gối; tiếng Êđê cùng phát âm kênh).
Cũng có những câu đố mà thế hệ ngày nay không thể giải đáp được, như: Chẳng một ai biết/ nơi mẹ nó sinh ra./ Chẳng một ai hay/ nơi cha nó đúc nên./ Nó vừa tròn nhẵn/ vừa thấp lùn/ hai đầu đúc kín/ dính liền với hông./ Mường tượng/ như đồ trẻ con chơi./ Nên con gái mới nói:/ “Để con cất vào rổ;/ để con dọn vào bao/ cho cháu con sau này”/ Bố nói:/ “Nào có phải của hiếm đâu con./ Con hãy đi con đường rẽ trái/ là đường đi buôn Dha/ con hãy đi con đường rẽ phải/ là đường đi buôn Cuôr Hdang/ con sẽ thấy nó/ nhan nhản như cùi bắp”.
Hình ảnh Nó vừa tròn nhẵn, vừa thấp lùn, hai đầu đúc kín, dính liền với hông không đủ để nhận dạng một đồ vật. Kể cả lời đối thoại giữa hai cha con với nhau cũng không mường tượng đó là vật gì nếu người ra câu đố không giải thích: “Vào những năm thập niên 50 lon sữa bò xuất hiện trên các hè đường phố. Người mình nhặt về để làm gáo múc nước hoặc rót rượu thay ống nứa hay sừng trâu như người xưa vẫn thường dùng. Dùng xong họ cất giữ như vật quí hiếm để còn có cái dùng sau này. Vào những năm đó bãi rác thị xã Buôn Ma Thuột nằm bên đường vào Buôn Dha và Đạt Lý bây giờ”. Tất nhiên, khi hiểu ra, người từng trải phải “Ô” lên công nhận và khâm phục “câu đố quá là thâm nhưng rất chuẩn xác” khi nhớ lại. Còn với người chưa từng trải qua thời kỳ đó thì cố gắng lĩnh hội để làm vốn cho mình.
Cũng có nhiều câu đố khác nhau nhưng có chung một đáp án. Do vậy mới có hiện tượng giải đố bằng những câu đố. Nhất là khi trong cuộc sinh hoạt đố vui có nhiều kỳ phùng địch thủ giàu vốn liếng câu đố. Họ thường đố, đáp nhau bằng những câu đố tưởng chừng như không bao giờ cạn.
Ví dụ: Đi ngang ngáng, cái đầu chẳng có, chỉ có cái sừng.
Người khác giải câu đố này bằng cách đố lại bằng một câu đố khác: Cái thân nó dẹt, tròn như trái “ké”./ Rằng lễnh khễnh như răng con cào cào./ Đôi  mắt lồi,/ mang cặp đao sắc như lưỡi cưa./ Còn mặc váy áo thì trông ra dáng./ Nhưng khi cởi váy áo ra/ nó chỉ còn lênh khênh một bộ xương.
Một người khác nữa sau khi lĩnh hội hai câu trên liền đưa ra đáp án bằng một câu đố khác: Ăn thì cứng, nướng thì đỏ, lỗ hang thẳng đứng như hang cua.
Trong câu đố lại đã có từ của “đáp án”. Thế là cuộc đố trở thành cuộc hội thoại bằng những câu đố. Nhờ vậy mà cuộc sinh hoạt đố vui trở nên hấp dẫn.
Cuộc sinh hoạt đố vui càng trở nên hấp dẫn hơn khi trong cuộc đố có những người anh em sui gia với nhau mà ra câu đố tục. Vì trong xã hội cổ truyền cũng như xã hội Êđê ngày nay, giữa những người anh em sui gia không được tục tằn với nhau. Cho nên khi nghe nói lời tục tằn trước mặt nhau là bắt vạ nhau. Hình phạt là người nói tục phải hiến cho người nghe một ché rượu. Vì “một ché rượu phạt”, có người nhân sinh hoạt đố vui đã cố ý tục tằn để được hiến “một ché rượu phạt” cho người anh em sui gia lâu ngày không dịp vui với nhau. Thế là, từ câu đố tục, họ bắt chẹt nhau. Cuộc đố vì thế trở nên hưng phấn và gay cấn hơn.
Trên thực tế có rất nhiều câu đố nghe rất tục tằn nhưng câu giải thì rất thanh được lưu truyền. Ví dụ: Cây vừng đàng tây/ Cây me đàng đông/ Đàn bà nằm ngửa/ Đàn ông chồm xuống, chồm lên (Động tác mài dao).
Hay: Eo thon, l… to, con cái nhà giàu muốn thọc là thọc (Cái cối giã gạo).
Có câu đố nghe rất thanh nhưng khi giải thì tục, cũng có câu đố tục, giải tục như của các dân tộc khác (mà không tiện nêu ra trong bài viết này).
Với lối nói ẩn dụ và chỉ phản ánh khái quát đặc điểm và tính chất hình thái, tập tính… của sự vật, nội dung câu đố của người Êđê trở nên đa dạng và phong phú. Một vật đố có thể đố bằng nhiều câu khác nhau và ngược lại một câu đố có thể đố nhiều vật khác nhau.
3. Câu đố là một thể loại văn học dân gian Êđê. Cũng như các thể loại văn học dân gian khác của người Êđê, câu đố thường được thể hiện bằng áng văn vần mà người Êđê gọi là duê.
Duê là một loại hình ngôn từ nghệ thuật thể hiện mọi thể loại nghệ thuật – nghệ thuật ngôn từ. Duê được sáng tác bởi tri thức quan sát và nhận biết sự vật của nhiều thế hệ trí tuệ trong cộng đồng, được cộng đồng đúc kết, lĩnh hội và truyền đạt từ đời này sang đời khác, từ vùng này sang vùng nọ, từ miệng người này sang miệng người kia. Duê là những câu nói có độ dài ngắn khác nhau và có sự liên kết với nhau bằng những từ có âm tiết vần hoặc từ có âm tiết tương đồng và bằng các từ hay các cụm từ có nhịp đối đăng. Các câu đơn trong lời duê mang tính độc lập tương đối và có nội dung không đầy đủ nếu chúng không liên kết với nhau bằng các cặp từ có âm tiết vần hay bằng các cặp từ có âm tiết tương đồng và các cặp cụm từ đối đăng.
Ngoài lối cấu trúc liên kết các câu đơn với nhau bằng vần, duê còn có một số  thủ pháp diễn đạt nghệ thuật như thủ pháp ẩn dụ, so sánh, thủ pháp ví von, bóng gió… Thủ pháp ẩn dụ là thủ pháp quan trọng và thâm thúy nhất trong các thủ pháp nêu trên.
Hầu hết các câu đố đều dùng thủ pháp ẩn dụ. Cho nên đôi khi người ta cũng chấp nhận vài dăm câu đố diễn đạt bằng các câu không vần.
Ví dụ: Ăn uống bằng miệng/ Cứt đái bằng miệng/ Chuyện trai gái bằng miệng/ Sinh đẻ cũng bằng miệng/ Sinh đẻ trên cây/ Sống ở dưới nước.
 Nhờ thủ pháp ẩn dụ mà nội dung câu đố luôn mang tính ẩn nghĩa cao, có sự phát triển và sinh tồn với số lượng phong phú và đa dạng. Có nhiều câu đố đã được lưu truyền và trở nên phổ biến trong dân gian.
4. Sinh hoạt đố vui là một loại hình sinh hoạt lành mạnh có giá trị nhân văn xã hội và nghệ thuật sâu sắc.
Trước tiên phải nói tới giá trị nhân văn xã hội. Tham gia sinh hoạt đố vui là chia sẻ tự nguyện, vừa cống hiến hiểu biết về sự vật của mình cho cộng đồng, vừa lĩnh hội những hiểu biết về sự vật của cộng đồng. Con người luôn khao khát hiểu biết đầy đủ về thế giới tự nhiên đầy huyền bí và cuộc sống xung quanh mình. Sinh hoạt đố vui cũng là dịp điều chỉnh hoặc bổ sung những hiểu biết của mình về sự vật. Câu đố của chính mình hoặc câu đố của người khác nhờ vậy ngày càng trở nên hoàn chỉnh và mỹ mãn hơn. Sinh hoạt đố vui là chia sẻ và mở rộng thêm tầm quan sát và nhận biết sự vật xung quanh thông qua ngôn từ đố vui. Đồng thời tham gia đố vui cũng là dịp ôn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình, học hỏi những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người xung quanh. Nhiều khi ở mỗi con người chúng ta, ai cũng có tầm hiểu biết nhất định, nhưng thường lúng túng khi trao đổi hiểu biết với nhau bằng ngôn từ, nhất là ngôn từ nghệ thuật như câu đố. Sinh hoạt đố vui là góp công làm giàu tiếng mẹ đẻ. Từ đó làm đa dạng và phong phú hóa di sản văn hóa và bản thân ngôn ngữ của dân tộc mình. Vì mục đích chia buồn cùng tang gia, sinh hoạt đố vui cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau. Mọi thái độ đố kị, cố chấp hẹp hòi và hành vi mặc cảm hay kiêu ngạo thái quá đều phải tránh. Những quan điểm vụ lợi, thái độ hiềm khích, mặc cảm thân sơ, giàu nghèo, chênh nhau đẳng cấp xã hội, tuổi tác… đều không được chấp nhận. Sinh hoạt đố vui là quá trình giáo dục và tự giáo dục bản thân trau dồi nhân cách xã hội.
Thứ đến phải nói tới giá trị nghệ thuật. Nghệ thuật thể hiện rõ nét nhất trong sinh hoạt đố vui là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Trong hầu hết các câu đố, dù dài hay ngắn, đều sử dụng loại hình ngôn từ của duê và các thủ pháp nghệ thuật. Một loại hình ngôn từ nghệ thuật dân gian Êđê đã được lưu truyền, sử dụng khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong quá trình cấu thành những tác phẩm văn học dân gian.
 Trong sinh hoạt đố vui cả người ra câu đố và người giải đố đều là đối tác giáo dục của nhau. Họ vừa trao đổi vừa kiểm tra khả năng quan sát và nhận biết sự vật của nhau thông qua ngôn từ câu đố. Đây là một phương thức giáo dục mang tính qui phạm tự nguyện có hiệu quả rất cao và đem lại lợi ích cho cả hai bên và cả cộng đồng; mọi người đều ứng xử một cách bình đẳng, ôn hòa, vui vẻ, hoạt bát, thân thiết và gần gũi với nhau.
5. Với loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, mang tính nhân văn sâu sắc và tính nghệ thuật cao như sinh hoạt đố vui, trước thực trạng hiện nay, sinh hoạt đố vui tại hầu khắp các buôn làng đang thưa dần; nhiều nghệ nhân giàu vốn câu đố, số đã qui thần, số đã già nua, đi lại khó khăn và mất vốn dần theo tuổi tác, nhiều câu đố có giá trị vì thế mà mai một. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ và có hành động cụ thể để giữ gìn và phát huy giá trị sinh hoạt đố vui và những nội dung câu đố bằng nhiều phương thức, đặc biệt là tạo điều kiện để nó có cơ hội tự thân vận động.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét