Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

SỐ: 255 - Văn học nước ngoài

Sandra A. Mushi (Nigeria).
“Tôi là một nghệ sĩ trang trí nội thất. Và ở một quy mô nhỏ - thiết kế vật dụng nội thất, dù tôi muốn phát triển lớn hơn. Trước kia tôi từng viết nhiều. Nhưng với công việc, thời gian của tôi quá chật hẹp. Tôi tin rằng cuộc đời ngắn ngủi để lao động trong hối tiếc. Tôi ở trên nền của cuộc đời và phải làm hết sức mình. Khi tôi phạm một sai lầm tôi cười với những người chung quanh và tiếp tục sống. Tôi cười, sống, cười, sống, cười, sống,…”.
Dưới đây là một truyện ngắn của Sandra A. Mushi trên tạp chí African Writers và được tạp chí này đánh giá là 5 sao.



LÁ THƯ

                                      

Tôi nguyền rủa ngày tôi nhận lá thư của nó. Một thằng bạn của chúng tôi, Jaffari, đã về thăm làng sau khi bỏ làng đi gần bốn năm, đã mang lá thư theo nó. Jaffari đã bỏ lại đàng sau cái cuốc, vườn cà, khoai, ngô và sắn, căn nhà vách đất hai phòng mà nó ở cùng vợ và bốn đứa con, sáu con gà, hai con dê và ba con cừu.
Jaffari đã về bằng chuyến xe buýt dừng ở trước chợ mỗi chiều thứ sáu. Nó không còn là thằng Jaffari cũ mà tất cả chúng tôi đều biết. Nó đã thay đổi – nó nhìn, đi và có mùi khác – thậm chí nó nói cũng khác, chẳng mấy khi nó nói tiếng mẹ đẻ nữa.
“Ngoài nơi này, chẳng ai biết thứ tiếng này”, nó đã nói bằng giọng mũi như vậy vào xế chiều hôm đó.
Jaffari mặc một bộ vét lịch sự ba-món màu xanh táo dễ thương khi nó về - màu của những chiếc lá tươi nhất - và một cặp kính râm. Những người duy nhất tôi đã thấy mặc vét và đeo kính râm là những cán bộ nhà nước mỗi năm đến làng một lần. Giày của nó bằng da thật, giống như giày của các cán bộ nhà nước đi, có dây giày, chứ không phải là loại makubasi chúng tôi dùng ở đây. Chúng bóng đến mức bọn trẻ thề rằng chúng soi gương được.
Không ai nhận ra nó khi Jaffari xuống xe buýt. Tất cả chúng tôi nhìn người lạ này - có vẻ là một nhân vật quan trọng. Nó đứng đó một lúc mắt nhắm lại như thể thu vào ánh nắng xế chiều và mùi của rau quả đã bị phơi ngoài nắng.
Khu chợ yên lặng khi tất cả chúng tôi nhìn. Tiếng động và sự lộn xộn thường lệ của chợ ngày thứ sáu đột ngột dừng lại. Qua khóe mắt tôi thấy mấy con ruồi béo màu xanh kim loại bay lòng vòng và đậu trên đống cá nhỏ của tôi đã bị phơi nắng, nhưng tôi như bị thôi miên nên không xua chúng bay đi. Tôi đập mạnh một con ruồi xanh đậu trên khóe miệng há hốc của tôi khi tôi tiếp tục nhìn.
“Ibrahim”, tôi chợt nghe nó gọi lớn. “Ibrahim! Phải mày không Ibrahim?”.
Tôi vội nhìn quanh vì tôi không chắc ông cán bộ nhà nước quan trọng này đang gọi ai vì ông ta đeo kính râm sậm màu.
“Ibrahim! Đúng mày rồi! Không thể tin được! Chúa ơi, mày chẳng thay đổi chút nào!” nó hào hứng nói - và ngay lập tức bước về phía tôi.
Tôi lầm bầm mấy tiếng chẳng nghĩa lý gì và tiếp tục lo ngại nhìn quanh - hy vọng có người lên tiếng đáp lại tiếng kêu của nó.
“Ibrahim”, nó kêu to một lần nữa khi nó đến trước mặt tôi, “tao là Jaffari đây!”.
Đúng là Jaffari, Alex và tôi đã cùng nhau - lớn lên, chơi chung trong những cánh đồng xanh mượt hay trong dòng sông, cùng làm vườn, chăn bò, câu cá, thậm chí là đi tìm vợ. Chúng tôi không hề xa nhau. Nhưng rồi Jaffari đã bỏ đi - để lại tất cả đàng sau. Nó không hề nhìn lại khi nó ra đi. Nhưng nó đã viết thư - viết cho Alex. Cũng như Jaffari, Alex cũng bỏ đi hai năm sau, để lại mọi thứ đàng sau - và nó cũng không hề nhìn lại. Nhưng nó viết thư. Bây giờ thì Alex viết thư cho tôi.
Tôi nguyền rủa cái ngày tôi nhận được lá thư làm tôi ra đi bỏ lại sau lưng tất cả những gì thuộc về tôi, như Jaffari và Alex đã ra đi, bỏ nhà cửa, gia đình để tìm những đồng cỏ xanh hơn. Lá thư đó đã hứa hẹn những vàng và mật ngọt.
“Những tòa  nhà thì quá lớn - một ngôi nhà dễ dàng lớn như cả làng ta. Những tòa nhà có phòng tắm trong đó. Có nước máy và điện. Có quá nhiều xe con và xe buýt! Xe buýt dừng ở trạm xe mỗi ngày và mỗi phút! Mọi người ở đây ai cũng có xe con! Đường quá rộng và trải nhựa và có đèn đường nữa. Ban đêm đèn đường sáng lên như thể được thắp bằng đom đóm”.
Lá thư không nói rằng Alex đã vào ra xà lim nhiều lần một số lần nó bị buộc tội ăn cắp để mua lương thực và tồn tại - chỉ mới một năm trước nó mới có được việc làm phu đẩy xe, đẩy chiếc xe gỗ chở hàng nặng nề đầy hàng hóa hàng giờ và được trả rất ít tiền bởi những những người thuê bẳn tính vào lúc cuối ngày.
Lá thư cũng không nói Alex không có xe con hay có nhà lớn bằng cả ngôi làng, rằng suốt một năm nó đã ngủ ở các trạm xe buýt, các chợ và các con hẻm. Rằng gần một năm trước khi nó có việc làm, Jaffari đã cho nó ở chung trong căn phòng bé như hộp diêm chật chội với nó và một người thuê chung khác nữa.
Jaffari không ở lâu đủ để nói với tôi rằng bộ đồ lịch sự ba món có màu xanh táo dễ thương - màu của những chiếc lá tươi nhất - đôi giày da và đôi mắt kính râm nó mang trên người khi nó về tất cả đều là đồ đi thuê, rằng công việc của nó là làm bếp ở một nhà chipsi vumbi không cho phép nó xài những thứ xa hoa và mấy cái áo phông cũ của nó ám mùi dầu chiên và bụi.
Tôi kìm nước mắt khi tôi gửi lá thư của tôi cho em họ tôi. Tôi được nghe là nó hỏi thăm về tôi. Tôi đã viết thư cho nó, nói với nó cùng những chuyện đó – đèn đường, nhiều xe con và những tòa nhà lớn.
“Ibra, rửa xe của tôi không?”. Một quý bà hỏi vậy khi đậu xe của bà ta trước mặt tôi. Bà ta là khách quen của tôi. Tôi vội nhét lá thư vào túi trước khi mấy thằng rửa xe khác giành mất mối quen của tôi.
Tôi vừa nhận được một lá thư khác của một người nữa ở làng tôi – một đứa em họ đã bỏ làng đi trước Jaffari. Nó ở một miền đất khác bên kia biển. Lá thư này hứa hẹn đầy rượu ngọt và kim cương.
“Những con đường thì láng như mông em bé. Những tòa nhà lớn và cao chạm tới trời. Xe nhiều hơn ruồi bên nhà mình. Ở đây chẳng ai mặc đồ cũ – chẳng ai mặc các thứ người khác đã xài rồi”.



                                                             VÕ HOÀNG MINH dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét