NGHIÊNG NGHIÊNG
RỪNG CHIỀU
Tạp bút
Cơn nắng chiều đổ xuống dìu dịu, che thảm gió đong
đưa quanh rừng núi. Nhìn những mái nhà sàn cao chót vót uốn cong lại tạo thành
hình chóp lẳng lặng, yên ả tựa tiếng lá rung reo. Khẽ lách qua, rồi nhẹ nhàng bước
lên từng bậc một của chiếc cầu thang chỉ năm khấc là có thể leo lên tới gian đầu
tiên của ngôi nhà người Êđê, cứ kéo dài mãi ra tận phía sau cùng. Nếu nhà nào
nghèo, chỉ có sàn tre, khấm khá hơn thì là sàn gỗ mộc. Khi bước lên những ngôi
nhà sàn bằng tre, nếu không quen, lúc đầu thường tạo cho người ta cảm giác sợ sệt
lắm lắm. Vì người lạ, hoặc khách từ phương xa đến, chân quen bước với đường bằng,
đất phẳng, với gạch đá hoa láng coóng nên sẽ khó khăn tí chút khi lần gót trên
những gian nhà này. Thường thì cứ thấy mặt sàn tre thưa thớt, lại chểnh vểnh trên
cao. Người vừa đi vừa phải nhìn ngó xuống phía dưới lọt thỏm qua những khe hở của
sàn tre chỉ thấy heo, gà, ngan ngỗng... kể cả củi đuốc. Chỉ kẻ có gốc gác từ buôn
làng khi ra đi lúc trở về mới có thể chạy băng băng trên mặt sàn ấy được. Lâu lắm
rồi, phải cũng gần một năm trời tôi mới lại có dịp được đặt chân đến những ngôi
nhà sàn như thế này vào một buổi chiều nắng cứ tà tà xuôi theo con đường đất đỏ,
bụi bay mờ mịt nay lắng lại sau một trận mưa ào ào trút bỏ cái lớp áo ngoài
quen thuộc. Ngôi nhà sàn bằng tre đã được thay bằng gỗ, có lẽ theo thời gian đời
sống của bà con trong buôn cũng đỡ phần heo hút hơn chăng? Tôi đã có thể chạy
tung tăng từ gian đầu đến gian cuối mà rúc ngay vào bếp lửa tìm kiếm những quả
ngô luộc ngày mùa. Cuộc sống cứ giản dị, hoang sơ thế mà sao vẫn níu kéo lòng
người đến vậy? Phải chăng còn ẩn chứa cả tâm hồn thật thà chân chất của những
con người từ thuở Âu Cơ quay trở về đây thôi. Này thì hình ảnh của những bà mẹ địu
con đằng sau lưng vừa pặp pặp điếu thuốc lá quấn vội, vừa làm một công việc gì đó,
để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, đợi người đi rẫy đường xa sắp về. Còn kia nữa,
thấp thoáng những chiếc gùi đầy ắp nước suối cứ trong veo, trong văn vắt tưởng
chừng mình có thể tự thưởng thức cái vị ngọt thanh của dòng nước thiên nhiên, này
lắm khi nghĩ đến những con thác đổ róc rách, vòng vèo qua khe để thành con suối
nhỏ mát trong. Người ở nhà, lại cứ mong ngóng kẻ trên rẫy. Có gì để người ta lại
muốn đợi chờ, muốn nhìn xa xăm... Phải rồi, lệ thường ắt hẳn trong những gùi của
người trên rẫy có một số thức cần thiết lắm. Người chồng, hay người mẹ vừa bước
chân lên sàn đã thấy vợ và những đứa con ngóng nhìn. Nụ cười nở trên môi một cách
bình thản, lem luốc với bụi đất mà đáng yêu thay. Họ cùng nhau lấy ra từ chiếc
gùi lớn có, bé có nào là lá giang rừng, nào là ớt, là măng tươi, hoặc bầu hoặc
bí. Măng và ớt là hai loại không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở những
buôn làng này. Còn một thứ mà họ cho rằng đó là đặc sản, là món ăn của quê hương,
dẫu kẻ ở xa, hay người ở gần đi chăng nữa cũng hay thèm thuồng, hay vòi vĩnh được
thưởng thức, đó là lá sắn (còn gọi là lá mỳ) nấu chung với quả cà đắng. Cả hai
thứ ấy họ có thể bỏ chung vào xào, nấu. Nhưng không bao giờ họ quên gia vị quan
trọng ấy là ớt tươi xanh bé tí hạt tiêu mà cay xè đến bỏng rát cả lưỡi. Ai không
quen dễ ngồi mà chảy nước mắt sống lắm. Nói về món ăn của người Tây Nguyên không
biết bao nhiêu mà kể. Thỉnh thoảng, khá hơn người đàn ông sau một ngày mệt mỏi
với núi đồi, nương rẫy lại băng băng về nhà trong niềm hân hoan nho nhỏ khoe với
cả nhà chiến tích săn bắn của mình. Vậy là cả nhà sẽ có một bữa thịt rừng. Nếu
còn dư, người phụ nữ lại hì hụi cắt xén rồi treo lên giàn bếp lửa, phơi khô đợi
có dịp lại đem ra đãi khách. Người đồng bào ở cái xứ đất bazan này quý cái tình,
trọng cái nghĩa, mến kẻ đến nhà mình chơi lắm. Ai họ cũng đều có thể xem là bạn,
là người thân trong gia đình. Khách đến làm vui lòng khách bằng cách đem mời những
gì trong nhà có được. Khách về cũng cố níu kéo, khi không thể họ lại cố gói ghém
chu đáo một gói thịt khô om trong lá chuối thơm lừng, hay vài quả bắp tươi vừa
mới bẻ từ trên cây còn xanh mướt, căng mọng hạt sữa... Ấy đấy, mà người đến người
đi cũng cảm thấy luyến lưu gắn bó cái tình, cái bụng chân thật của họ để chẳng
nỡ rời chân rồi lại thêm nhớ thêm nhung. Chiều bạt ngàn khói toả trên nương đồi
tựa như những bóng mây vừa sà xuống mặt đất. Núi cao khẽ ngắm mình giữa lưng chừng
trời mà reo hát với tiếng chim phí, chim kơtia yên ả thanh bình. Ngày cũng như đêm,
những cuộn khói trong các bếp lửa của họ vẫn cứ sáng bừng có khi rung rinh tí tách
nổ trong sự quây quần, sum họp; lại có khi âm ỉ cháy ấp ủ hơi ấm cho một ngày mùa
vất vả nữa sẽ đến vào sáng mai. Nhưng, đẹp nhất vẫn là cái khoảnh khắc ngày mùa
hoàng hôn như thế này. Chỉ có lúc đó người ta mới có thể chiêm ngưỡng hết cái
"dung nhan" của sự sống đang căng tràn bật lên từ những ngôi nhà sàn
dẫu chỉ cách nhau có một đám đất cà phê, hay hàng rào muồng muỗng. Đứng từ trên
cao mà nhìn xuống, đôi khi chỉ có thể nhìn thấy một cụm khói bay lên thôi cũng đủ
để cảm giác trong lòng mình ấm lại, phải rồi ngôi làng đó mình đã từng đặt chân
đến, hay ngôi nhà đó mình đã từng được sinh ra... Biết bao nhiêu người con của
buôn làng đã ra đi, đã trở thành người có ăn có học. Cũng có thể giờ này họ đã
làm một ông nọ bà kia nơi đất thành thị lắm xa hoa, lắm tiện nghi, nhiều cao lương
mĩ vị. Nhưng, đến lúc quay trở về lại thèm thuồng dù chỉ một bát canh cà xào với
lá sắn cay cay vị ớt. Hoặc cũng có thể là một vắt cơm lam được đun trong ống
tre, ống nứa vàng ruộm, thơm phưng phức, cái mùi vị đã quá quen thuộc: Mùi vị của
quê hương mà. Hỏi ai chẳng có lấy một mảnh đất chôn nhau cắt rốn để hướng về, hỏi
ai mà chẳng biết một vài thổ ngữ, chẳng thuộc làu làu một con đường mòn mà mình
vẫn thường hay đi qua. Đất đỏ không oằn lên những vết lồi, vết lõm mỗi đận mưa
kéo dài thì những cánh rừng chiều vẫn còn nghiêng bóng che lối bước người đi
trong ánh nắng hoàng hôn không tắt được đốm lửa hồng đang còn le lói như sương
khuya đọng lại trên lá bắp, cờ non...