Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

SỐ: 247 - truyện ngắn ngắn nước ngoài, VÕ HOÀNG MINH dịch


Munshi Premchand là nhà văn Ấn độ nổi tiếng trong văn học Ấn độ hiện đại viết bằng tiếng Hindi-Urdu. Ông được công nhận là nhà văn Hindi-Urdu lỗi lạc nhất đầu thế kỷ hai mươi. Là một nhà văn có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch, ông được gọi là Vị Hoàng đế của tiểu thuyết trong số những nhà văn viết bằng tiếng Hindi.
Premchand sinh ngày 31 tháng Bảy năm 1880 tại làng Lamhi gần Varanasi. Ông mất ngày 08 tháng Mười năm 1936 cũng tại Varanasi.
Premchand viết hơn ba trăm truyện ngắn và mười bốn tiểu thuyết, nhiều tiểu luận, kịch, văn phẩm dịch. Nhiều tác phẩm của Premchand đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga (Wekipedia).
Dưới đây là một truyện ngắn của Premchand trong tập “11 truyện ngắn của Premchand”được Scribd.com dịch sang Anh ngữ. Bản dịch tiếng Việt theo Scribd.com.


TIỀN PHẠT


Ông Munshi Khairat Ali là thanh tra Vệ sinh và hàng trăm người phụ nữ quét rác tùy thuộc ông. Ông là người nhân hậu và nghĩ kỹ thì không phải là loại người cắt lương họ, khiển trách họ hay là phạt tiền họ. Nhưng mà ông cứ đều đặn khiển trách và phạt Alarakkhi. Chị không phải là người trốn tránh trách nhiệm, hỗn xược hay cẩu thả. Ngoại hình chị cũng không phải là xấu. Trong những ngày rét chị ra đường cùng với cây chổi trước khi trời sáng và siêng năng quét rác cho tới chín giờ. Nhưng cũng thế thôi, chị sẽ bị phạt. Huseni, chồng chị, cũng sẽ giúp chị trong công việc khi có dịp, nhưng số phận của Alarakkhi là chị sẽ bị phạt. Đối với những người khác, ngày lãnh lương là một ngày hội, nhưng với Alarakkhi thì đó là dịp để khóc. Vào ngày đó tim chị như tan nát. Ai mà biết được chị sẽ bị khấu trừ bao nhiêu! Như những học sinh chờ kết quả kỳ thi, chị cứ nghĩ đi nghĩ lại về khoản tiền lương bị trừ. Bất kỳ khi nào chị mệt hết sức chị ngồi nghỉ một chút để lấy lại sức lực, thì chính xác đúng lúc đó ông thanh tra đi trên chiếc xe ekka (loại xe nhỏ hai bánh một ngựa kéo chỉ chở một người được dùng ở Ấn độ) của ông đến.
Bất kể chị trình bày thế nào, “Thưa ngài, tôi sẽ làm việc lại ngay”, ông sẽ chỉ ghi tên chị vào quyển sổ của ông mà không nghe chị nói. Vài ngày sau, việc y hệt như thế lại xảy ra. Nếu chị mua một cây kẹo giá vài xu từ người bán kẹo và bắt đầu ăn, thì ngay lúc ấy có trời mới biết là từ đâu ông thanh tra sẽ rơi xuống trước mặt chị, và một lần nữa ghi tên chị vào quyển sổ của ông. Ông ấy đã có thể nấp ở đâu được nhỉ? Ngay phút chị mới nghỉ chút xíu thì đã thấy ông đến bên chị giống như con quỷ. Nếu ông ghi tên chị chỉ trong hai ngày, thì tiền phạt sẽ là bao nhiêu! Có trời mới biết! Nhiều hơn tám annas (đồng tiền ở Ấn độ và Pa kix tăng trước kia, bằng 1/6 đồng rupi)? Ước gì sẽ không phải là một đồng rupi. Đầu cúi xuống, chị đến nhận lương và thấy chị bị phạt nhiều hơn chị ước tính. Tay run run chị cầm tiền về nhà, mắt đẫm lệ. Không có ai quen để ghé thăm, không ai nghe chị phân trần.
Hôm nay lại là ngày lãnh lương. Tháng vừa rồi đứa con gái chưa cai sữa của chị bị ho và sốt. Trời lạnh quá. Phần vì trời lạnh, phần vì đứa con gái nhỏ khóc nên chị phải thức cả đêm. Nhiều lần chị đi làm trễ. Ông Sahib đã ghi tên chị, và lần này chị sẽ bị phạt một nửa lương. Không thể nào nói được là có thể bị khấu trừ bao nhiêu. Vào sáng sớm chị đã bế con, lấy chổi và ra đường. Nhưng đứa bé cáu bẳn không chịu cho chị thả nó xuống. Alarakkhi cứ dọa nó là ông thanh tra sẽ đến. “Ông ấy đang đến và ông ấy sẽ đánh mẹ. Còn con, ông ấy sẽ cắt mũi và tai!”. Đứa bé thà bị cắt mũi và tai chớ không để chị thả nó xuống. Cuối cùng, khi Alarakkhi chịu thua không dọa nó nữa và cũng ho như nó, chị để nó xuống và mặc cho nó khóc trong khi chị bắt đầu quét đường. Nhưng đứa nhỏ không chịu ngồi yên chỗ mà khóc, nó bò theo mẹ, chốc chốc lại kéo váy sari của chị, níu chân chị, rồi lăn mình trên đất và lát sau lại ngồi dậy để bắt đầu khóc nữa. “Im miệng đi!” Alarakkhi vung cái chổi quát. “Mày mà không nín, tao sẽ đánh mày bằng cái chổi này ngay và mày toi đời. Thằng cha thanh tra sẽ đến ngay bây giờ đấy”. Chị hầu như không nói ra lời khi ông thanh tra Khairat Ali xuống xe đạp ngay trước mặt chị. Chị tái mặt, tim chị đập thình thịch. Trời ơi, đầu con chắc rơi khỏi cổ nếu mà ông ấy nghe được. Ngay trước mặt mình mà mình không thấy. Ai biết được là hôm nay ông ấy đến? Ông ấy luôn đi xe ngựa cơ mà.
Máu như đông lại trong mạch máu của chị, chị đứng cầm chổi như bị tê liệt. Ông thanh tra tức giận quát, “Sao chị đi làm việc mà lại đem đứa bé theo! Sao chị không để nó ở nhà!”. “Nó bị bệnh, thưa ngài - Alarakkhi rụt rè nói - Không có ai ở nhà với nó!”. “Nó bị gì?”. “Nó bị sốt, thưa ngài”. “Và chị làm nó khóc bằng cách bỏ mặc nó? Chị không cần biết nó sống hay chết hả?”. “Tôi bế nó thì không làm việc được”. “Sao chị không xin nghỉ”. “Tôi sợ bị trừ lương, thưa ngài, thì sẽ không biết sống bằng gì”. “Bế nó lên và đưa nó về nhà. Khi Huseni về bảo anh ta tới đây để quét cho xong”.
Chị bế con lên và sắp đi thì ông thanh tra hỏi, “Sao chị lại mắng tôi!”. Alarakkhi cảm thấy như nghẹn thở. Nếu ai mà cắt cổ chị ở đó thì chắc không có chút máu nào. Chị run run nói, “Không ạ, thưa ngài, xin cắt đầu tôi nếu tôi sỉ nhục ngài”. Vậy rồi chị òa khóc.
Vào buổi chiều Huseni và Alarakkhi đi lãnh lương. Chị rất chán nản. “Sao buồn vậy?”, Huseni cố an ủi vợ. “Tiền lương sẽ bị cắt, thì cứ để họ cắt. Tôi thề là từ nay trở đi tôi sẽ không đụng đến một giọt rượu nào nữa”.
“Em sợ bị sa thải. Khốn nạn cái lưỡi của em. Sao em lại có thể…”. “Nếu em bị sa thải, thì sa thải, nhưng hãy để Allah tha thứ cho ông ấy. Sao lại cứ than khóc về chuyện đó?”. “Anh biểu em đến đây chẳng ích gì. Những người kia sẽ cười em”. “Nếu ông ấy sa thải em, mình sẽ không hỏi lý do sao! Mà ai nghe em sỉ nhục ông ấy chứ! Có công bằng không khi ông ấy có quyền sa thải bất kỳ ai. Nếu ông ấy không nghe anh phân trần anh sẽ khiếu nại lên hội đồng xã, anh sẽ đập đầu vào cổng nhà ông chủ tịch…”. “Nếu người mình đoàn kết với nhau như thế thì ông Sahib không dám phạt mình nhiều như thế”. “Bệnh nặng thế nào thì cũng có thuốc chữa”.
Tuy vậy Alarakkhi không yên tâm. Vẻ buồn nản hiện trên mặt chị như một đám mây. Khi ông thanh tra nghe chị sỉ nhục ông sao ông không khiển trách chị? Sao ông không sa thải chị tại chỗ? Chị không thể nói được sao chị cảm thấy ông có vẻ tử tế. Chị không thể hiểu điều khó hiểu này. Chị sợ. Nếu ông đã sa thải chị, sao ông lại có vẻ dễ chịu như thế. Chị có nghe nói người bị xử tử được cho bữa ăn ân huệ cuối cùng, người ta sẽ cho người đó ăn bất kỳ món gì anh ta muốn… vậy chắc là ông thanh tra sẽ sa thải chị.
Họ đến trụ sở. Tiền lương bắt đầu được phát. Những người phụ nữ quét rác được phát trước. Bất kỳ ai được gọi tên sẽ đến nhận tiền, chúc tụng ông thanh tra rồi mới đi. Tên của Alarakkhi luôn luôn được gọi sau tên của Champa. Hôm nay tên chị bị bỏ qua. Sau Champa, tên của Jahuran được gọi, mà tên của chị ấy thì luôn luôn nằm sau tên của Alarakkhi. Chị tuyệt vọng nhìn Huseni. Những người phụ nữ nhìn chị và bắt đầu thì thầm. Tên người này nối sau người khác được gọi lên và Alarakkhi tiếp tục nhìn hàng cây bên kia đường.
Chợt giật mình, chị nghe tên chị. Chị chầm chậm đứng dậy và chầm chậm bước tới như một cô dâu mới. Người phát lương để đầy đủ sáu đồng ru pi vào tay chị. Chị ngẩn ngơ. Chắc là người phát lương đã nhầm. Đã ba năm nay chị chưa hề được nhận lương đầy đủ. Và bây giờ thậm chí chị nhận nửa lương thì cũng giống như là của trời cho. Chị đứng đó vì sợ người phát lương sẽ đòi lại tiền. Chợt ông ta hỏi chị, “Sao chị còn đứng đó, sao không đi đi”. Chị nói nhỏ, “Nhưng khoản này là lương đầy đủ”. Người phát lương ngẩn người nhìn chị nói, “Chớ chị còn muốn gì nữa… chị muốn lãnh lương ít hơn hả?”. “Không có phạt trừ lương sao?”. “Không, hôm nay không có trừ lương ai”.
Chị bước đi nhưng lòng không mãn nguyện. Chị đầy hối tiếc là đã mắng ông thanh tra.
                                                
                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét