MỘT CUỘC ĐỜI BÌNH DỊ
Chuông
điện thoại bất ngờ bật reo, tôi giật mình ngước nhìn đồng hồ đã thấy thời gian
qua ngày mới mấy phút rồi. Linh tính như báo trước có điều gì chẳng lành; mở máy,
thấy dòng tin nhắn: “Thầy ơi, bố em mất rồi!” Tôi sững sờ như không tin ở mắt mình,
vội gọi lại cho người đồng nghiệp cũ, ngày trước là giáo viên dạy cùng trường với
tôi và có lẽ do duyên số sắp đặt trở thành con rể bạn thân của tôi. Giọng ngắt
quãng, anh cho biết bố vợ của mình vừa đột ngột qua đời. Tôi buông máy, ngồi lặng
đi, kỷ niệm cũ ùa về...
Khoảng
giữa năm 1980, Trung úy Lương Quang Khoái được điều về làm Chính trị viên kiêm Đại
đội trưởng đại đội Một, huyện đội M’Drak; anh người nhỏ con, nước da ngăm ngăm đen,
nhưng đổi lại có đôi mắt sáng, luôn luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi
trao đổi. Thời ấy tình hình an ninh còn phức tạp, bọn Fulrô thỉnh thoảng vẫn tổ
chức quấy phá cuộc sống bình yên của nhân dân. Do công việc, hai anh em quen rồi
thân nhau lúc nào không biết. Tôi nhớ có một lần, hai anh em phải bơi qua hồ trước
cửa Trạm kiểm soát tổng hợp Khánh Dương. Anh tỷ mỷ siết lại dây súng cho tôi rồi
nói: “Khi bơi, súng vòng qua đầu, khoác chéo qua vai, dây súng siết chặt vừa phải,
không chặt quá làm khó vận động, cũng không lỏng quá sẽ khó bơi.” Khi đến vùng
có nhiều rong đuôi chó mọc dày, tôi hơi cuống vì thấy hình như rong quấn vào chân;
anh bơi lại sát bên nói nhỏ: “Bình tĩnh, dùng tay sải dài ra kéo người lên phía
trước, chân thả lỏng kéo rê trên mặt rong, đỡ tốn sức mà lại không bị rong quấn”;
tôi làm theo và quả nhiên thấy hiệu nghiệm. Sau bận đó, khi quay về, anh bảo:
“Làm việc gì cũng phải bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ mới có cách xử lý
đúng nhất; nếu mất bình tĩnh, cuống lên là hỏng hết”. Một bài học bất ngờ nhưng
in đậm mãi trong tôi.
Qua
năm 1982, do yêu cầu của tổ chức, anh được điều động làm Phó phòng lương thực
huyện M’Drak. Trên cương vị mới, anh cố gắng học hỏi anh em đồng nghiệp để hoàn
thành xuất sắc công việc. Ngoài giờ hành chính, các buổi chiều cả cơ quan tham
gia tập bóng chuyền và thi đấu vật. Ở phòng Lương thực khi ấy, anh là người nhỏ
con nhất nhưng cũng là người nhanh nhẹn và khỏe nhất, anh em trong cơ quan chưa
ai vật thắng anh bao giờ. Năm sau, anh được đề bạt làm Trưởng Phòng lương thực
thay anh Ngô Quốc Cường được điều động về làm Trưởng ban Thanh tra, Ty Lương thực
Đắk Lắk. Thời gian thấm thoắt trôi đi, ngoài ba mươi anh cũng tìm được “nửa mình”
để cùng xây “tổ ấm”. Nhờ có “hậu phương” vững chắc, anh đã xây dựng Phòng lương
thực huyện M’Drak thành một khối đoàn kết, nhất trí cao, luôn luôn hoàn thành
suất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm
1986, thành lập huyện Ea Kar, anh được điều động về làm Trưởng phòng Lương thực
huyện, một thời gian sau do yêu cầu của tổ chức, anh chuyển qua giữ chức vụ bí
thư đầu tiên của xã Ea Tih - một xã mới thành lập mà đa số là người dân các tỉnh
phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới, đời sống vô cùng khó khăn. Trên cương vị mới,
anh cùng với Ủy ban lâm thời của xã vận động nhân dân vượt qua đói rét bệnh tật,
tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, vững tin xây dựng quê
hương mới trên vùng đất mới. Trong thời gian này anh cùng ăn ngô, ăn sắn với nhân
dân, chỗ nào người dân thoái chí muốn bỏ về, anh đều có mặt động viên để dân an
tâm ở lại. Với chủ trương lấy ngắn nuôi dài, bằng biện pháp trồng các loại cây
rau quả và hoa màu ngắn ngày chống đói, lấy sức khai hoang tính kế lâu dài. Vốn
xuất thân từ con nhà nông của vùng đất Hưng Yên, quen với nghề nông từ nhỏ nên
các chủ trương, quyết sách đưa ra rất sát thực tế, được nhân dân khi ấy đồng lòng
ủng hộ nên cuộc sống người dân dần dần ổn định, cái đói thường niên bị đẩy lùi.
Hình như có “duyên” với nhau, tôi cũng được điều động về công tác tại huyện Ea
Kar, được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất xã Ea Tih. Khi cuộc sống
của nhân dân trong xã tạm ổn định, anh được điều động đi nhận nhiệm vụ mới, cán
bộ và nhân dân của xã vẫn lưu luyến và nhắc mãi hình ảnh người bí thư đầu tiên:
Giản dị, gần gũi với dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, làm việc khoa học, hiệu
quả.
Năm
2004, sự tình cờ của “duyên số”, tôi được điều về công tác tại địa bàn xã Cư Huê,
huyện Ea Kar và tại đây, anh cũng đang đương chức Phó bí thư Đảng ủy xã (do tình
hình sức khỏe, anh nghỉ hưu khi vừa tròn 55 tuổi; nhưng tổ chức cần, anh lại ra
đảm nhận nhiệm vụ mới); hai anh em làm việc với nhau. Tôi nói đùa: “Bác tiến bộ
nhanh quá, từ Huyện ủy viên đầu tiên của huyện, Bí thư Đảng ủy một xã, gần hai
chục năm đã tiến lên đến Phó bí thư”. Anh nghiêm nét mặt có vẻ không vui với câu
đùa của tôi: “Người cán bộ phải tuân thủ tổ chức, tổ chức yêu cầu ta phải chấp
hành. Làm gì mà có ích cho Đảng, cho dân thì ta phải cố làm chứ người cán bộ chỉ
làm vì chức vì quyền thì hỏng!” Anh nói làm tôi giật mình.
Qua
tìm hiểu phong trào của địa phương xã Cư Huê, tôi biết anh đã để lại dấu ấn đậm
nét của mình nơi đây khi cùng với Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã vạch ra kế hoạch
và xây dựng thành công thương hiệu vùng chuyên canh rau quả sạch cung cấp cho cả
vùng rộng lớn không chỉ một huyện Ea Kar, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân
trong xã. Từ mô hình này nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn làm giàu
lên từ những cây rau xanh nhỏ bé ấy. Kinh tế của đại đa số nhân dân trong xã ổn
định, việc học tập cũng như chăm lo bảo vệ sức khỏe cho dân địa phương làm rất
tốt. Từ một xã tình hình an ninh phức tạp, dần dần đã trở thành điểm sáng của
huyện trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự xã hội; một xã nhiều dân tộc khác
nhau, ở nhiều vùng đất của tổ quốc về hội tụ tại đây đã bắt tay tương trợ lẫn
nhau, đoàn kết xây dựng đời sống mới ngày một ấm no, hạnh phúc. Đạt được kết quả
đó là công sức của cả Đảng bộ và nhân dân xã Cư Huê và anh cũng là một phần
trong cái tập thể đó.
Tâm
sự với tôi về bài học rút ra từ việc giải quyết các vấn đề khiếu kiện của dân,
anh bảo: Nuôi con nhỏ, tự nhiên thấy nó khóc, chắc chắn là có vấn đề, nếu không
đói thì bé cũng đã tè ra tã, hay đau đâu đó; dân đã khiếu kiện thì nhất định là
có vấn đề. Người cán bộ phải lắng nghe ý kiến của dân để biết tại cán bộ, chính
quyền sai hay tại dân hiểu chưa đúng. Dân ta nhìn chung là tốt lắm, chỉ có điều
cán bộ quan liêu, xa rời dân, hay chụp mũ cho dân nên mới làm tình hình một số điểm
nóng lên, phức tạp thêm mà thôi; nếu dân hiểu chưa đúng ta giải thích cho họ rõ,
ta sai phải xin lỗi mà sửa chữa. Tóm lại phải luôn gần dân, hiểu dân, thông cảm
với dân và đặt địa vị của mình vào vị trí của dân khi giải quyết công việc thì
dân sẽ nghe theo thôi. Những tâm sự của anh như một bản đúc kết kinh nghiệm cuộc
đời một con người gắn trọn với phong trào xây dựng nông thôn từ thời quá độ đến
thời cơ chế thị trường như hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Năm
ngoái, khi anh nghỉ công tác lần hai, tôi về thăm và nhân thể hỏi: “Bác có bí
quyết gì mà đi đâu, ở cương vị nào cũng được đồng chí, đồng đội và nhân dân quý
mến?” Anh cười và hóm hỉnh trả lời: “Nhà báo phỏng vấn anh đấy à? Làm gì mà phải
gọi cho nó to tát: “bí quyết”, nghe ghê quá. Gần cuối đời người rồi, hết làm lính
qua làm quản lý kinh tế rồi làm công tác Đảng, cái quan trọng nhất của người cán
bộ nằm ở cái tâm. Tâm có sáng thì trí mới minh mẫn để giải quyết công việc một
cách đúng đắn nhất. Trong công việc luôn luôn phải thẳng thắn, dân chủ; có thế
mới xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao. Khi đã thành một khối đoàn kết rồi
thì không có gì là không làm được, vì khi ấy công việc được giải quyết bởi một
tập hợp những bộ óc sáng suốt. Chú thấy đấy cho đến nay, anh có thể tự hào một điều:
dù ở cơ quan, hay đơn vị nào anh em cũng đoàn kết, nhất trí cao; không có kiện
tụng, đấu đá, tranh giành lẫn nhau; mình nghĩ đó chính là hạnh phúc của người làm
công tác quản lý đấy”.
Cách
đây hơn tuần, tôi đang trên đường ra sân bay đi công tác, anh gọi điện báo tin
vui: “Anh chuẩn bị nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ngày đó chú thu xếp về nhé!”.
Tôi đã hứa sẽ thu xếp để về, vậy mà... Cuộc sống trên dương thế 61 năm chưa phải
là thọ, nhưng nhìn lại cuộc đời mình, anh có thể tự hào để thanh thản ra đi. Năm
18 tuổi người con của xã Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương đã xung
phong cầm súng ra trận, năm 21 tuổi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng; chiến
tranh qua đi anh rời quân ngũ về công tác bên dân chính, đảm trách những chức vụ
chủ chốt của các ngành: Lương Thực, Ban định canh định cư, công tác Đảng; dù ở đâu
anh cũng luôn tâm niệm một điều: Xây dựng khối đoàn kết nội bộ là nhiệm vụ hàng
đầu. Hơn 40 năm công tác, anh không những làm tròn trách nhiệm của một người đảng
viên, người cán bộ quản lý, mà còn được sự kính trọng của anh em, đồng chí, đồng
đội cùng cơ quan hay sự yêu mến của nhân dân nơi anh từng đến. Phải chăng trong
anh đã mang bản chất người Bộ đội Cụ Hồ, luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, nên
dù ở đâu, trên cương vị nào cũng luôn luôn đề cao dân chủ để xây dựng cơ quan, đơn
vị thành một khối đoàn kết nội bộ vững chắc. Đây cũng là cách anh đã học tập và
làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ghi nhận công lao của anh, Đảng và Nhà nước
đã tặng anh nhiều Huân - Huy chương cao quý.
Chuông
điện thoại lại reo, nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng; tôi nhấc máy, bên đầu dây,
cô lễ tân khách sạn thông báo: Đã đặt được vé về Buôn Ma Thuột, chuyến bay 7 giờ
sáng nay; tôi cảm ơn rồi cúp máy. Vậy là tôi sẽ về kịp để tiễn đưa anh: Người đồng
đội, người anh, người bạn về cõi vĩnh hằng khi đã làm tròn trách nhiệm nơi dương
thế. Thôi, anh hãy yên tâm ra đi, những việc anh và các bậc tiền bối chưa làm
xong hôm nay, ngày mai các thế hệ đi sau sẽ bước tiếp để xây dựng đất nước ta
ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; tôi thầm nói với anh cũng như nói với chính
lòng mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét