GIỮ LỬA TÂY NGUYÊN
Truyện ngắn
“Ông ấy giữ lửa trên Tây
Nguyên.” Mẹ tôi nói trong khi mắt bà mơ màng nhìn về phía có những đỉnh núi xa
xa. Hình như bà đang nghĩ tới một điều gì đó. Khi tôi hỏi về cha, thì mẹ tôi chỉ
nói như thế. Bà không hề biết những câu nói đại loại như vậy của bà khiến tôi mất
ngủ và nếu có ngủ thiếp đi thì tôi cũng sẽ lạc vào một giấc mơ nào đó không thể
tìm được lối ra cho đến khi tôi bật dậy và thở hồng hộc trong đêm tối. Thú thật
là tôi đã từng gặp cha tôi trong những giấc mơ của mình. Ông thường đứng trên
những mô đất cao, nơi có mấy cái tượng nhà mồ và cười với tôi, rồi ông nói rằng
ông sẽ không về với tôi bởi ông rất bận với những ngọn lửa. Khi tôi đưa tay để
sờ lên con mắt mơ màng của cha thì mắt ông biến thành nước và tôi tỉnh dậy.
“Cha tao là người giữ lửa.”
Tôi thường thét lên như thế ở trường những khi chúng bạn chỉ vào mặt tôi và nói
rằng tôi không hề có cha. “Người giữ lửa, người giữ lửa.” Bọn chúng reo hò, bọn
chúng tri hô như thế và biến tôi trở thành một kẻ nói láo khốn nạn. “Ba mày bận
bịu với những ngọn lửa trong khi áo mày như một cái nùi lau bếp.” Một đứa trong
bọn chúng nhìn thẳng vào tôi trong khi tôi đang cố hết sức để miêu tả về những
ngọn lửa của cha mà tôi đã từng thấy trong những cơn mơ của mình. “Ông để lại
cho tao một cây guitar và tao có thể soi bóng mình trên đó.” Tôi hãnh diện nhìn
thẳng vào mặt chúng rồi hét lên như thế và bỏ đi. Lúc ấy trời đã mưa nặng hạt.
Chiều nay ở lớp, tôi lại
bị mắng bởi tôi không thể hoàn thành bài văn miêu tả về người cha của tôi. “Chẳng
có một người cha quái quỷ như thế này bao giờ cả.” Cô giáo đập mạnh cây thước
xuống bàn và hét lên. “Bước đi trên lửa. Cha tôi bước đi trên những ngọn lửa và
ông hát vang.” Cô giáo đọc to bài văn miêu tả về cha của tôi cho cả lớp cùng
nghe, và tất cả cười rộ lên trong khi tôi cúi mặt xuống và bấu chặt những ngón
tay vào chân bàn. Tôi khóc.
Đêm đêm tôi lại soi mình vào cây đàn guitar mà
cha tôi đã để lại theo như lời mẹ nói. “Cha của con đã ra đi trong một chiều mưa
nhỏ. Lúc đưa chiếc guitar cho mẹ, thì cha của con đã khóc. Những người đàn ông đó
đã dẫn ông đi. Mẹ nhìn theo cha cho tới khi họ chìm sâu vào màn mưa. Lúc ấy con
mới ba tháng tuổi.” Mẹ tôi đã nói như thế. Tôi có hai bím tóc, chúng cử động
khi tôi lắc đầu. Tôi thường soi mặt vào thùng đàn và nói chuyện với khuôn mặt của
tôi trên lớp gỗ bóng đó như nói với một người bạn thân thiết. Những khi không bận
nói chuyện và làm việc với những người khác thì mẹ tôi dạy tôi hát bằng cách gõ
những ngón tay của bà lên cây guitar. Mẹ tôi nói bà không biết chơi đàn. “Ông ấy
chơi đàn rất hay, người cha trên Tây Nguyên của con ấy.” Mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi
khi nào thì cha quay trở lại. Mẹ không nói. Bà cúi mặt xuống và thay cho việc gõ
những ngón tay lên cây đàn thì bà lại vân vê gấu áo của mình. Mắt bà ướt như những
giọt sương.
Tôi có rất nhiều người
cha. Mẹ nói đó là điều hạnh phúc cho một đứa trẻ. Thỉnh thoảng mẹ nói với tôi hãy
quên người cha giữ lửa trên Tây Nguyên đi, và đi ngủ sớm trước khi người cha bụng
béo đó tới nhà tôi. Người cha bụng béo của tôi là một người hung dữ, tóc xoăn,
dáng người thấp đậm. Chưa bao giờ ông ta tới trường đón tôi như những người cha
khác của bạn bè tôi. Ông ta cũng không cúi xuống hôn lên trán tôi hay dúi cho tôi
một vài chiếc bánh quy sữa mà tôi thích.
Khi tôi hỏi người cha bụng
béo về những ngọn lửa thì ông rít lên: “Đừng bá láp.” Mẹ tôi nhìn tôi và nhìn
sang ông ta. Mẹ nói: “Cha con không thích những ngọn lửa, không phải ai cũng có
thể giữ được những ngọn lửa như thế.” Chính vì thế mà tôi không thích người cha
bụng béo này. Ông ta thô lỗ và trông vô cùng xấu xí.
Có những đêm tôi thức
giấc nửa chừng. Khi tôi lồm cồm bò dậy thì mẹ tôi lấy chăn ném về phía tôi, chiếc
chăn rộng lớn phủ lấy đầu tôi. “Nhắm mắt lại, ngủ đi.” Mẹ tôi nói đứt quãng.
“Con vừa mơ thấy có hai vì sao trong mắt mình.” Tôi nói. “Ngủ đi và những vì
sao khác sẽ kéo tới, chúng sẽ đậu trên tóc con.” Bà nói với tôi bằng giọng nói đứt
quãng. Khi tôi quay lưng vào phên nứa thì tôi nghe thấy tiếng rên của người cha
bụng béo và hình như có những sự chuyển động nào đó mà mẹ tôi và người cha bụng
béo đang cố kìm lại.
“Sao không để nó ngủ ở
chỗ khác đi?” Người cha bụng béo nói.
“Anh thấy đấy, nhà chỉ
có một chiếc giường.” Mẹ tôi nói.
“Hãy
để nó ngủ dưới đất.” Người cha bụng béo của tôi nói trong khi ông ấy thở mạnh và
hình như ông đang lấy những ngón tay thô lậu cào lên chiếu.
Rồi ngay lập tức tôi lại
rơi vào giấc ngủ. Trong giấc mơ của tôi, trên Tây Nguyên rộng lớn, người cha giữ
lửa của tôi bước đi trên cỏ và trên đầu ông là những vì sao. Ông hái những vì
sao cài lên hai bím tóc của tôi và nói rằng một ngày nào đó ông sẽ khảy cho tôi
nghe những bàn đàn tuyệt diệu về núi rừng hoang sơ và huyền bí. Rồi trong mơ tôi
thấy mọi thứ chao đảo, cha tôi biến mất sau những ngọn lửa hừng hực của ông, tôi
gào thét và chạy thẳng vào những ngọn lửa của ông, tôi bước đi trên những hòn
than rực cháy, tôi chạy băng qua những khoảng không và thức giấc. “Mẹ, con mơ
thấy lửa.” Tôi nói và nhận ra rằng chiếc giường của chúng tôi đang rung lên dữ
dội. Tôi nghe thấy tiếng nghiến răng của mẹ và tiếng thở gấp gáp của người cha
bụng béo. Tôi không biết điều gì đã xảy ra. Rồi tôi lại tiếp tục rơi vào những
giấc mơ khác.
“Cha tao sẽ thổi bùng lên
những ngọn lửa. Lửa sẽ đốt cháy chúng mày và những trò dối lừa đó.” Tôi gào lên
với chúng bạn như thế ngay ở trong lớp. Cô giáo đã bảo với chúng hãy tránh xa tôi,
đừng tới gần tôi, bởi tôi hôi thối và không bao giờ phát biểu trong giờ học, và
bởi tôi không thể miêu tả về một người cha cho thật hoàn hảo. Để hoàn thành bài
văn của mình tôi đã lấy cái bụng của người cha bụng béo ghép vào đôi mắt mơ màng
của người cha giữ lửa trên Tây Nguyên và đôi chân đầy lông của người cha làm
nghề lái xe đó. Và tôi còn ghép mọi thứ từ nhiều người cha khác nữa thành một
người cha duy nhất trong bài văn miêu tả. “Một người cha hỗn độn, một người cha
quái đản của một đứa con gái chẳng bao giờ đóng lấy một xu tiền học phí. Mày muốn
làm tao điên máu sao?” Cô giáo lại gầm lên và cả lớp lăn ra cười trong khi tôi
không biết làm thế nào cho hay hơn được nữa.
Rồi tôi bỏ học.
Thỉnh thoảng mẹ tôi nói
về ngôi nhà xây được lợp bằng ngói mà người cha bụng béo hứa sẽ xây cho mẹ con
tôi trước khi mùa đông kéo tới. “Rồi chúng ta sẽ không còn bị ướt khi đang ngủ
nữa.” Mẹ tôi nói trong khi tôi vẫn ngắm nhìn khuôn mặt của mình trên lớp gỗ bóng
của chiếc guitar. “Con sẽ có một giá sách và một đôi ủng để lội trong mùa mưa.”
Mẹ tôi hứa như thế và sau đó bà nói bà sẽ trồng những loài hoa leo tường trong
ngày đầu tiên chúng tôi chuyển tới khu nhà mới. “Mẹ con ta sẽ thoát khỏi cái ổ
chuột này. Gió sẽ không thổi vào nhà qua hai mái tranh dột nát này nữa.” Ôm chặt
tôi vào lòng và xoa tay lên đầu tôi rồi bà lại quả quyết.
Và
chẳng bao giờ có một ngôi nhà nào như thế được xây lên cả. Mẹ nói với tôi người
cha bụng béo của tôi đã đi rất xa. Ông ấy tới một nơi mà mẹ tôi cũng không biết
nó ở đâu. “Phải qua những con sông phải không?” Tôi hỏi.
“Không.” Mẹ tôi trả lời.
“Biển.” Mẹ tôi nói và
khóc nức lên.
Thế là một người cha nữa
lại biến mất trong cuộc đời của tôi. Tôi không biết bao nhiêu người cha đã biến
mất như thế. Họ xuất hiện đột ngột và ra đi cũng đột ngột. Hầu như tôi không thể
hình dung được ra họ trong trí nhớ của mình. Tôi chỉ có thể nhớ tới họ bằng những
chi tiết kỳ quái trên người họ và tôi đặt tên cho họ từ những chi tiết kỳ qoặc
như thế. Và đó là một cách thức để tôi phân biệt giữa những người cha với nhau
và mẹ tôi nói đó là một điều khôn ngoan. Nhưng chẳng một ai trong số họ bước vào
những giấc mơ của tôi như người cha giữ lửa trên Tây Nguyên rộng lớn ấy: người
cha đã để lại cho tôi cây đàn guitar trước khi ông đi với những ngọn lửa của mình;
người cha mà mẹ tôi thường nói đến khi bà ngồi trên thềm và nhìn về phía có những
ngọn núi xa xăm; người cha mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt khi tôi thức.
Vào tối chủ nhật hàng
tuần người cha mắt vàng thường tới nhà tôi. Ông ta không thấp nhưng chân ông ta
rất ngắn và không hề có lông. Trong đêm, mắt ông ta vàng như trăng, khiến tôi sợ
hãi. Ông hay đứng trước thềm nhìn mẹ tôi rồi cười một cách khó hiểu. Ông ta ngồi
như gấu và bước đi như vượn. Lúc đầu tôi định gọi ông ta là người cha gấu nhưng
mẹ tôi đã nổi đoá vì sự đặt tên ngạo ngược này. Bà chỉ chấp nhận tôi gọi ông là
người cha mắt vàng bởi theo bà thì dẫu sao đó vẫn là một cái tên có thể dùng được.
Ông ấy hút thuốc trong nhà và thường xuyện khạc nhổ vào phên nứa nhà tôi. Ông
ta cũng không hề thích cây đàn của tôi. Ông ấy nói nó chỉ dành cho những kẻ rỗi
hơi.
“Cha biết chơi nó chứ?”
Tôi hỏi ông và nhìn lên cây guitar treo trên phên nứa.
“Nó phát ra những giai điệu
đấy, nó phát ra âm thanh đấy. Cha chơi nó được không?” Tôi hỏi người cha mắt vàng.
“Biết, tao biết cách đập
cho nó vỡ tan ra.” Ông ta nói rồi rít một hơi thuốc thật dài. Khói thuốc bay vèo
vào không gian và tan đi nhanh chóng.
“Cha biết cách làm chủ
những ngọn lửa chứ?” Tôi lại hỏi.
“Thôi đi. Tao không rảnh
hơi.” Ông ta nói. Mẹ nhìn tôi rồi lại nhìn lên chiếc gương nhỏ bé treo trên phên
nứa. Bà đang ngắm những lọn tóc của mình.
Nhiều
đêm người cha mắt vàng ở lại nhà tôi. Trong đêm tối những con đom đóm bay vào
nhà trông như những con ma trong truyện cổ tích mà tôi đã được nghe khi còn học
ở trường. Mẹ tôi nói với người cha mắt vàng về một ngôi nhà mới, về một chiếc
xe đạp mới, về những món ăn mà mẹ con tôi thường mơ ước. Nhưng tôi không nghe ông
ta nói gì. Ông ta lặng câm và rít thuốc trong đêm tối. “Em thích có một giá sách
trên tường cho con bé. Nếu có một ngôi nhà mới em sẽ trồng hoa hai bên hàng rào.”
Mẹ tôi lại thủ thỉ trong đêm. Người cha mắt vàng của tôi lại rít thuốc, trong bóng
đêm đặc quánh điếu thuốc của ông ta đỏ lừ lên như mắt của một
con sói.
“Bảo nó ngủ đi.” Ông ta
nói.
“Sao không để nó ngủ ở
một chỗ khác?” Ông ta nói.
“Anh thấy đấy, nhà chỉ
có một chiếc giường.” Mẹ tôi nói.
“Để
nó ngủ dưới đất, trải tấm bạt ngoài thềm cho nó.” Người cha mắt vàng của tôi lại
nói. Mẹ tôi không nói gì cả, mẹ quay sang và ôm tôi vào lòng, bà vuốt lên tóc tôi
và nói với tôi rằng trên Tây Nguyên xa xôi có những ông già râu bạc đứng trên
những ngọn núi và thổi sáo để cho muông thú đi ngủ. “Thế cha con vẫn còn ở trên
đó với những ngọn lửa của ông chứ?” Tôi hỏi. “Ừ, hãy quên ông ấy và ngủ đi.” Mẹ
tôi nói. Nhưng tôi vẫn nghĩ tới người cha giữ lửa trên Tây Nguyên của tôi cho đến
khi tôi bước vào cái khoảng không gian trong lành ấy. Tôi lại bước đi trên chiếc
cầu vồng bảy màu và cha tôi vẫn thổi những ngọn lửa ở phía trước. “Đừng để vuột
mất những ngọn lửa.” Cha tôi nói. “Giữ lấy nó và quay về nói với mẹ rằng cha không
về được bởi cha rất bận với những ngọn lửa của mình.” Cha tôi lại nói rồi cả
hai chúng tôi rớt nhào xuống. Tôi rơi xuống và tỉnh giấc. Trong đêm khuya tôi lại
nghe thấy tiếng rên của mẹ và tiếng nghiến răng của người cha mắt vàng. “Em không
muốn con bé bỏ học.” Mẹ tôi hổn hển nói. “Nó cần một đôi ủng vào mùa mưa tới...
em... em... không thể...” Mẹ tôi vẫn nói bằng giọng nói đứt quãng. Tôi không
nghe người cha mắt vàng của tôi nói gì. Trong đêm khuya tôi không nhìn thấy gì
cả. Rồi tôi nghe tiếng nghiến răng của người cha mắt vàng, hình như ông ấy đang
cố kìm nén để khỏi gào lên. Rồi tôi nghe tiếng ông ấy đổ gục xuống. Ông ấy đổ gục
xuống trên người mẹ tôi. Mẹ tôi thở hắt ra. Sau đó bà khóc.
“Cút đi. Đừng đụng vào
thân xác tôi.” Mẹ tôi gào lên.
“Mày chỉ là một con điếm.”
Người cha mắt vàng của tôi gào lên.
Tôi mở mắt, trời đã sáng
từ lâu. Mắt mẹ tôi sưng lên và đỏ. Người cha mắt vàng bước tới và túm lấy mớ tóc
rối bù trên đầu mẹ tôi. “Mày không có quyền đòi hỏi. Đừng xía vào túi tiền của
tao.” Ông ta gầm lên và xô mẹ tôi ngã vào phên nứa sau lưng bà. “Một con điếm
thì không bao giờ có quyền đòi hỏi. Hiểu chưa?” Ông ta đấm mạnh vào mặt mẹ tôi.
Khi mẹ tôi chúi đầu vào phên nứa thì chiếc guitar treo trên đó của tôi rơi xuống
đất và vỡ tan ra. Tôi không tin vào mắt mình, tôi chồm dậy và lao tới bên chiếc
đàn của tôi. Tôi khóc ré lên khi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của tôi trong từng
mảnh vỡ của cây guitar dưới nền đất ẩm lạnh. Tôi nhìn thẳng vào mắt người cha mắt
vàng bằng tất cả sự căm tức của tôi. Hai mắt tôi xoáy vào hai mắt của ông ta,
trong khoảnh khắc ấy ông ta nhắm mắt lại và phóng ra khỏi nhà. Và cũng ngay tại
khoảnh khắc đó tôi biết mình chẳng có một người cha nào cả.
Rồi đêm lại buông xuống.
Những con đóm lại chui qua mái tranh và bay vào nhà. Hai mẹ con tôi nhìn chúng
chao lượn trong màn đêm và nghĩ tới những vì sao trên dãy ngân hà xa tít ấy. “Rồi
con sẽ được trở lại trường học.” Mẹ tôi nói. “Hãy tin mẹ.” Trong đêm, mẹ nắm chặt
lấy tay tôi. “Vào mùa xuân tới cha con sẽ về.” Mẹ lại nói. “Một ngôi nhà mới để
chúng ta không còn bị ướt vào mùa đông sẽ được xây lên. Vào mùa xuân năm sau
con sẽ đến trường và ở hai bên hàng rào nhà ta sẽ có những bông hoa tím mọc lên.
Con sẽ ép chúng vào vở và khoe với mọi người...” Mẹ tôi nói.
“Cây đàn đã vỡ.” Tôi nói.
“Vỡ tan rồi.” Tôi khóc
nức lên.
“Chẳng có một người cha
nào tồn tại cả.” Tôi lại khóc.
“Không, cha con giữ lửa
trên Tây Nguyên. Ông ấy sẽ quay về vào mùa xuân tới với những hộp bánh, những túi
đầy tiền và những chiếc vòng vàng bằng lửa.” Mẹ nói.
“Không... không... đừng
lừa dối con nữa...” Tôi nức nở gào lên, rồi tôi úp mặt vào ngực mẹ và cả hai cùng
khóc cho đến khi chúng tôi gặp lại nhau trong một cơn mơ khác. Ở đó tôi tiếp tục
soi bóng mình trên chiếc đàn guitar, cha tôi lại mải mê với những ngọn lửa và mẹ
tôi lại cài hoa dại trắng trên đầu rồi bước đi như nàng tiên có đôi gót đỏ
trong bức tranh suối nguồn vô tận ấy.
Truyện trần trụi và đau lòng quá ! Tâm hồn trẻ thơ mà phải đối diện với những sự thực đau đớn quá ! Thật đáng thương cho cô bé ! :((
Trả lờiXóaCảm ơn sự chia sẻ của bạn!
Xóa