Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

SỐ: 247 - tác giả H’LINH NIÊ


     



MIỄN LÀ CÓ ĐỦ  TÂM THỨC NHẬN LÃNH



          Năm 2011, Hội nghị những người viết văn trẻ ở Tuyên Quang, Tây Nguyên có ba gương mặt dân tộc thiểu số: Niê Thanh Mai – Êđê (Đắk Lắk), Hoàng Thanh Hương – Mường (Gia Lai), Y Việt Sa – Rngao (Kon Tum). Tuy ít ỏi nhưng vẫn tạo được sự chú ý trên văn đàn. Hy vọng những hội nghị sau, sẽ có thêm những gương mặt mới. Đầu Xuân Quý Tị, xin được “điểm danh” chia vui với bạn bè.
                                                                 
Hè 2004, Hội VHNT Đắk Lắk tự đứng ra mở lớp bồi dưỡng văn thơ cho học sinh phổ thông người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Sau thất bại của việc rất nhiều năm mải miết kiếm tìm cá#c nhà văn đã từng có thời công tác, hay chiến đấu ở Tây Nguyên, để “dụ khị” mời viết, thậm chí là sẵn sàng “đặt hàng” để đạt được mơ ước có tác phẩm văn học lớn cho Đắk Lắk, thì quyết định hai năm một lần, mở lớp hướng dẫn viết văn cho học sinh dân tộc, nhận được sự đồng thuận rất cao của Ban chấp hành Hội Đắk Lắk nhiệm kỳ III.
Để rồi sau đó văn phòng Hội mỗi người tất bật một việc: nào lập danh sách tất cả các trường phổ thông, trường nội trú vùng dân tộc để gửi thông báo và tuyển chọn, nào “chạy” kinh phí, thuê, mượn chỗ ăn ở, lớp học, nào lên lịch mời ai, giảng gì, cho các em đi thực tế, tham quan ở đâu tạo được hiệu quả tốt nhất… Khởi động từ tháng tư, để đến tháng 7 mới gọi được các em về Buôn Ma Thuột. Đủ quân số 25 theo dự kiến, ai nấy mừng hết lớn. Gần một nửa là học sinh của Trường phổ thông trung học dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tuyển chọn được là nhờ ở lợi thế giáo viên văn “nằm vùng” và sự nhiệt tình của cô giáo Niê Thanh Mai, người cũng đã được chính Hội ươm gieo từ hồi còn học lớp sáu trong các trại viết Hạ Xanh. Số còn lại đủ cả: Jrai, Mường, Tày, M’nông, Thái… của các huyện.
 Năm ấy, chúng tôi không chỉ cho các em đi tham quan Đà Lạt, mà còn phối hợp với Phòng văn hoá huyện Cư M’Gar, tổ chức một đêm giao lưu với Trại sáng tác thiếu nhi Núi Hoa, cùng nghe các nghệ nhân Êđê kể Khan. Những giọng hát - kể trầm ấm, câu chuyện nửa thực nửa hư của một thuở hoang sơ xa lơ xa lắc, cất lên trong ánh lửa bập bùng, khói bếp mờ ảo trên nhà sàn dài… quả thật đã ghi được dấu ấn khó phai trong tâm hồn và ký ức của các em ngày ấy. Để rồi sự mạnh dạn của lớp tác giả đi trước, khuyến khích các em viết bằng hai thứ tiếng, vẫn còn có hiệu quả đến hôm nay, dù đã qua bảy năm, bốn lần mở lớp. Những H’Phi La, H’Wê Ra, H’Siêu, H’Xíu… được tuyển chọn trong tập này, chính là kết quả của năm 2004 ấy.
Thoát ra khỏi cái bóng non nớt với những câu chuyện về nhà trường, thầy cô, bạn bè, vật nuôi, thậm chí cả cái “môtip” cũ kỹ về trẻ em lang thang, hoàn cảnh gia đình ly tán… năm nào cũng có, vì chưa biết mình có sở trường sở đoản gì…; những H’, nhưng Y của buổi đầu ấy, nay có em đã ra trường, có em còn ngồi trên giảng đường trường đại học, nhưng giọng văn đã già dặn hơn, những vấn đề các em quan tâm đến cũng đa dạng hơn, ngoài tình yêu vốn là chuyện muôn thuở của giới cầm bút. Và tuy vẫn còn ngẫu hứng với cả thơ lẫn văn xuôi, nhưng những cây bút tinh khôi ấy cũng đã bắt đầu định hình cho dòng chảy ngòi bút của mình. Tôi không chỉ# đọc sáng tác, mà còn được đọc khoá luận của một vài em đã từng qua những trại sáng tác ngày ấy, không biết có “vơ vào” không, nhưng mừng vì hiện tượng viết không trọn câu, dùng sai cả chấm phảy… một trong những lỗi khá phổ biến của thanh niên người dân tộc trong cách viết, cách nói, dường như ít có.
Có thể thấy Hoàng Nhật Rlayang (Đắk Nông), H’Phi La Niê, H’Lứt Ê Ban, H’Xíu H’Mok (Đăk lăk ), cùng với Ksor Bi Tô (ở Gia Lai), Đinh Su Giang (Kon Tum)… đã rõ nét hình thành những cây bút cần mẫn gieo trồng trên mảnh đất đỏ màu mỡ của cánh đồng văn xuôi Tây Nguyên. Y Du La, H’Siêu Buôn Yă (Đắk Lắk) và cả Y Việt Sa (Kon Tum) nữa, thả tâm hồn và trí tưởng tượng bay bổng của mình trên những dòng sông thơ, chảy suốt đôi bờ sông vợ - Krông Ana, sông chồng- Krông Knô, hay luồn qua “chiếc tù và” Đăk Bla, để hoà nhập vào Srê Pôk, Sê San hùng vĩ cùng xuôi về sông Mẹ Mê Khoỏng.
Theo năm tháng, sự va chạm với cuộc sống hiện đại giúp chuyện của các em đã có mâu thuẫn, có chi tiết, có văn, biết vận dụng vốn hiểu biết về văn hoá dân gian tộc người làm trang sức. Những vấn đề thời sự như người dân tộc Tây Nguyên dại dột nghe kẻ xấu vượt biên (Người trở về – Hoàng Nhật), tâm tư và lối sống của lớp trí thức trẻ tương lai trên các giảng đường đại học (Phía sau cánh cửa – H’Phi La, Nơi ấy có tình yêu – Hoàng Nhật, Áo dài – H’Wê Ra…), cơ chế thị trường và lối sống hiện đại, tây hóa tác động lên nếp nghĩ, lối sống của thanh niên các buôn làng (Con ma gỗ, H’Lem đã về – H’Phi La), việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của tộc người (Bến bờ yêu thương – H’Wê Ra, Quả bầu – H’Lứt)… được cập nhật khá đầy đủ. Hình ảnh buôn làng thân thương trong cuộc sống mới hiện lên rõ nét, với những xấu tốt của một thời “mở cửa”, giao thoa văn hóa cũng như sự chi phối của cơ chế thị trường (Đi qua nỗi đau – H’Xíu H’Mok, Hãy tha thứ cho anh – Đinh Su Giang).
Chỉ hơi tiếc rằng vốn văn hóa Việt các em gặt hái 12 năm trên ghế trường phổ thông, thêm bốn năm, thậm chí là sáu năm trên giảng đường đại học chi phối, khiến các em có đôi khi  thoát ra khỏi cách nghĩ, cách nói của chính mình mà sa vào sự “Kinh hóa” ngôn ngữ, khiến thi thoảng có những câu viết “sượng”. Bên cạnh đó cách dựng chuyện của các em còn… thật thà quá, thiếu những chi tiết sống động gây hiệu quả cho người đọc. Đặc biệt là Ksor Bi Tô, sống tại buôn làng, khó tiếp xúc thêm với cuộc sống xã hội rộng hơn thông qua con đường đọc, nghe, nhìn… nên văn viết còn rất đơn giản.                 
 Nếu thơ Hoàng Nhật chưa có đề tài mới, cách diễn đạt cũng còn lúng túng - nhưng tôi vẫn thích khi em so sánh các tổ máy thuỷ điện của Ya Ly như “bốn quả tim chung một lồng ngực/ đập liên hồi dồn dập những vòng quay/ dòng máu không màu/ chảy liên tục trên vòm trời mơ ước” (Thuỷ điện Ya Ly). Hoặc hình ảnh nhìn từ những mảnh vụn của một chiếc gương vỡ “Chênh chếch quá khứ/ những mảnh ghép rời rạc/ có nụ cười, có đớn đau/ soi lên từ mặt đất” (Mảnh vỡ) - Thì H’Wê Ra và Y Việt Sa tỏ ra sắc sảo hơn khi tiếp cận được gần với hơi thở của đời sống thơ hiện đại. Tứ để các em chọn phát triển cảm xúc của mình đã lấp ló những khang khác, kiểu như “Bao giờ lại tỉnh giấc/ Nhánh cỏ dưới gót chân Dam San”  của H’Wê Ra Niê. Hoặc “Vết thương phố xá/ Dốc đời ngược gió” của Châu Sa.
 Không biết là cố tình hay chính  những mất mát có thật của đời sống văn hóa truyền thống ở buôn làng ám ảnh, mà thơ các em mang những  nỗi day dứt, nuối tiếc khá rõ. Dường như H’ Wê Ra hỏi chính em hay thế hệ em rằng “Đã bao nhiêu bước chân rung trên sàn nhà/ Bao nhiêu con trai, con gái buộc chỉ đòi tên/ Bao nhiêu gian đã nối dài/ Mà sao không đánh thức/  tiếng trống tiếng Ching/ Sao không gọi dậy/ Ché Túk ché Tang...cùng nhảy xoang bên bếp lửa”. Châu Sa đang trách mình, hay cũng là lời nhắc nhở những bạn trẻ đồng trang lứa, rằng “Bao năm mải mê giữa lòng đô thị/ Ngủ những giấc chập chờn mộng mị/ Tôi quên mất tiếng chiêng/ Quên gõ tơ-rưng, quên vỗ đàn klông-pút/ Tay quen cầm cây bút/ Quên rồi con suốt con thoi”. Với những bài thơ song ngữ của H’Xiu Hmok và H’Siêu Buôn Yă thì dấu ấn của đời sống tộc người còn đậm đà hơn trong những “Ru em hay “Tiếng chày của mẹ”... May thay, nếu đấy là ý thức hệ của một lớp trí thức, văn nghệ sỹ  người dân tộc của thế kỷ XXI?
     Mảng thơ tình của các cây bút trẻ khá “rôm rả” với đầy đủ mọi cung bậc. Nỗi đau của mối tình đầu tan vỡ “Quay lưng – anh đi/ Em lạc trong xa lạ, hối hả/ Soi vào dòng đời/ Chẳng thấy mình đâu” (Gương vỡ – Hoàng Nhật Rlayang). Quyết liệt để có được hạnh phúc như bản chất của mẫu quyền “Nhét vào ngực anh/ Chiếc ngải màu hồng/ Em muốn/ Tình yêu anh là duy nhất cho em/ Thổi vào trong mắt anh/ Chiếc ngải màu xanh/ Thế giới chỉ anh với em” (Bùa ngải – H’Wê Ra ). Y Việt Sa xé lẻ vần thơ lục bát mà chẳng mấy khiên cưỡng, để chuyển tải sự bồi hồi bởi cách trở “Ai về bên ấy xa xôi/ Ai nghe giọt đắng bồi hồi trong tim/ Trời chiều/ Rớt/ Một tiếng chim/ Tình chiều ai rớt bên triền sông xanh”.
Đề tài quen thuộc hay xuất hiện nhất trong thơ các em, nếu không có sự tìm tòi, chắt lọc, có thể lắm, dễ rơi vào xáo mòn, là những hình ảnh về người mẹ “Đôi tay mẹ đã nhào nên bao thứ/ Nhưng chẳng khó bằng mẹ đã nặn thành con” (Tiếng chày của mẹ – H’Siêu ), “Con nhớ mẹ/ Những ngày bấm bùn trơn/ Lên đầu nguồn gùi nước” (Nhớ mẹHoàng Nhật), “Mẹ ở bên: ấm áp – dịu hiền/ Ngược chiều gió – niềm hạnh phúc rất riêng/ Theo tôi mãi những ngày bé dại” (Dốc đời ngược gió - Châu Sa) ... 
Những cây bút chập chững vào con đường văn chương ở những trại viết thiếu nhi ngày nào, nay đã trưởng thành trong cuộc sống: Y Việt Sa đã thành nhà báo, hội viên Hội VHNT Kon Tum. H’Phi La Niê và H’Wê Ra Niê đã tốt nghiệp lớp đại học viết văn, cùng với H’Xíu, H’Siêu là hội viên trẻ nhất của Hội VHNT Đắk Lắk. Hoàng Nhật Rlayang, một sớm một chiều sẽ là cô bác sỹ M’nông ...                  
Chẳng ai ngăn cản được xúc cảm của tâm hồn thăng hoa, hy vọng  việc tiếp tục viết, tiếp tục đọc sẽ giúp các cây bút trẻ Tây Nguyên hôm nay và mai sau mỗi ngày một tinh tế hơn. Bằng sự trải nghiệm và quan sát cuộc sống, các em còn có nhiều cơ hội để nhìn lại mà điều chỉnh những gì còn chênh chao, rồi dần định hình thành một tác giả. Thời gian còn rộng dài, miễn là có đủ tâm thức nhận lãnh lấy trách nhiệm và nuôi dưỡng được lòng say mê sáng tạo. Cũng như cần lắm sự tác động của các Hội, sự “tiếp lửa” của những lớp anh chị đi trước.
Rừng đại ngàn phải qua sáu mươi mùa mưa nắng mới bồi nên được cây gỗ lớn làm chiếc cột nhà rông, nhà dài. Bác Hồ còn dặn “một trăm năm trồng người”, nữa là việc gieo hạt văn chương?
Gió xuân phơi phới chở hương hoa cà phê tung tẩy ngoài khung cửa, mầm xanh của cuộc sống đang bật lên trên đất đỏ bazan. Xuân đem theo nhiều hy vọng.

1 nhận xét:

  1. Bạn rành về VH/VN Tây Nguyên quá nhỉ, hôm nào xin thỉnh giáo, hân hạnh làm quen, ngày mới tốt lành, NGLB.

    Trả lờiXóa