Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM

Tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM



CÔN ĐẢO - MẢNH ĐẤT LINH THIÊNG
                                               
Ghi chép



          Sau 13 giờ lênh đênh trên tàu Côn Đảo 9, chúng tôi đã cập bến Đầm của hòn đảo này. Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam bộ và cũng là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Côn Đảo hay Côn Sơn là tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Nó giống như một chú gấu nằm quay ra ôm lấy biển Đông. Gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Lịch sử Việt Nam trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo.          
Đi trên Côn Đảo cũng thấy giống như đang đi ở một thị trấn nhỏ nào nơi đất liền, nếu không muốn nói là sạch hơn và rất thoáng bởi gió biển bên trái đang phả vào mát rượi do màu xanh của tán lá cây dọc các con đường. Chúng tôi thăm bảo tàng Côn Đảo, các khu trại giam của Pháp và Mỹ đã từng lập ra. Nếu như khu Chuồng Cọp của thực dân Pháp khiến người ta căm phẫn bởi các phòng giam chật hẹp, bên trên có lưới để lính ngục đi tuần kiểm tra, dội nước sôi, vôi bột… xuống những người tù bên dưới, thì khu chuồng cọp của Mỹ lại gây cho người ta một nỗi khiếp đảm bởi nó là những căn phòng vách dầy từ 40 đến 50 cm, mỗi phòng chỉ 4m2, mái nhà lợp tôn thấp, giữa hai dãy phòng giam là một hành lang nhỏ hẹp, dài hun hút. Khi đi qua các phòng, có ai đó thử mở, đóng các chốt cửa, âm thanh ghê rợn của nó khiến thần kinh tôi căng lên và muốn ngộp thở. Rồi những hình thức tra tấn dã man khác như tứ trụ, xay lúa, tắm nắng… tất cả như diễn ra trước mắt chúng tôi. Khu khám 6, với căn phòng giam nhỏ hẹp mà có thời điểm địch giam đến 180 người. Các nhà điêu khắc đã dựng lại hình ảnh những người tù với tỷ lệ 1/1. Tất cả chúng tôi đều lặng người trước tượng những người tù gầy gò với hai chân bị cùm. Những cặp mắt nhoè lệ, có người trầm tư, có người vái lạy. Những nén nhang thắp trên bàn thờ loà nhoà khói toả… như thấy đâu đó quá khứ đau thương ngày ấy đang hiện về.          
Rời khu biệt giam, chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương. Nơi yên nghỉ của gần 7000 tù nhân. Năm 2006, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nghĩa trang này. Đường vào nghĩa trang được trải nhựa và trồng cây mát hai bên. Vẫn còn đầy ắp những cảm xúc tại khu biệt giam mới tham quan, mọi người đến đây đều nói khẽ và đi nhẹ chân. Hình như ai cũng ý thức mình đang đi trên mảnh đất đã từng thấm bao máu xương của các anh hùng liệt sỹ. Nghĩa trang được chia thành ba khu vực: khu A, khu B, khu C. Các ngôi mộ đều đã xây, tuy nhiên không thành hàng lối vì khi quy tập, để tôn trọng hương linh những người đã khuất nên Ban Quản lí nghĩa trang chủ trương đặt đá xây ngay nơi tìm thấy cốt. Thẳng lối cổng vào là đài tưởng niệm xây cao vút. Chúng tôi đến thắp nhang và đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu, người con gái vùng Đất Đỏ kiên cường, đã hi sinh khi tuổi mới chớm đôi mươi. Điểm đặc biệt là ngôi mộ chị có ba tấm bia mộ. Tấm thứ nhất là do các bạn tù lập khi chị mới bị bắn, tấm thứ hai là do vợ chồng chúa đảo Tăng Tư – vốn cảm phục sự ngoan cường bất khuất của chị - đã lập và bí mật đặt nó bên cạnh mộ chị. Tấm bia đó có dòng chữ: LIỆT NỮ VÕ THỊ SÁU. Đến đời chúa đảo sau là Trần Văn Vệ đã sai thuộc hạ đập tấm bia đó, nhưng nhát búa mới chỉ làm nứt một đường trên tấm bia, thì tên thuộc hạ kia đã thét lên một tiếng kêu và hốt hoảng bỏ chạy. Sáng sớm hôm sau, người ta thấy hắn nằm chết trên bờ kè đá. Từ đó, tấm bia vẫn ở đó, và sau này khi xây lại mộ cho chị thì có tấm bia thứ ba. Sự hi sinh anh hùng của chị đã được người dân lưu truyền với những câu chuyện kể với lòng khâm phục, thành kính. Chính vì thế nên với họ, chị chính là một trong hai vị phúc thần bảo trợ cho người dân trên đảo. Những người dân đi làm ăn, đến thăm đảo, hay đậu thuyền ở bến cảng, vẫn thường hay đến thắp nhang, tưởng nhớ chị. Đi giữa tiếng rì rào của những cây dương, trong khói nhang trầm phảng phất, thấy trào dâng nỗi xúc động và lòng biết ơn các chiến sỹ cách mạng đã anh dũng hi sinh để giành cho chúng ta cuộc sống hoà bình hôm nay.         
Đến Côn Đảo, ta có thể dễ dàng nhận thấy những dấu vết của quá khứ và khát vọng tự do của con người. Đó là những hiện vật còn được lưu giữ ở Bảo tàng Côn Đảo. Ngay chính giữa gian sảnh là một phù điêu khắc hoạ một mầm cây vươn lên, và trần nhà xây theo kiểu mái vòm, với những cánh chim câu màu trắng đang bay lượn. Rồi những chiếc còng sắt đã han rỉ, những đôi giầy bốt to sụ mà kẻ địch dùng để đạp lên đầu tù nhân, hay những bộ áo quần rách nát, chiếc áo len đan dở cho con của một nữ tù nhân, rồi chiếc thuyền nhỏ bé bện bằng quần áo của các tù nhân đã giúp họ vượt ngục thành công hay những tài liệu chép tay của các anh chị, nét chữ chân phương, rõ ràng, đó là những kiến thức về y học, triết học, toán học, cả từ điển Pháp - Việt… Có nhìn thấy tận mắt mới thấy sự vĩ đại và vốn kiến thức uyên bác của những chiến sỹ cách mạng. Rất nhiều người đã khóc khi đọc những dòng chữ viết tay, thể hiện quyết tâm không li khai Đảng Cộng sản của Nguyễn Đức Thuận, Trần Trung Tín, Lê Chí Hiếu… Rồi bức tường trong gian sảnh hay những phiến lá của cây bàng (mô hình) đều có số, đó là số thứ tự của những người tù đã bị giam giữ ở đây…Tất cả như đều nhắc nhở ta một điều: “Những đau thương mất mát mà cha anh đã chịu đựng là vô cùng lớn lao”.
Côn Đảo còn thu hút du khách bởi có rất nhiểu cây  di sản. Cây bằng lăng nơi góc phố cạnh trại giam Phú Hải hay cây thị di sản ở miếu An Sơn miếu thờ bà Hoàng Phi Yến, bà phi của Nguyễn Ánh, người đã khuyên ông vua không nên cầu viện Pháp vào đánh lại Tây Sơn; tấm lòng tiết liệt trung trinh ấy của bà đã không được vua nghe theo, và bà đã chết để bảo toàn danh tiết của mình khi bị tên Biện Thi sàm sỡ. Nhưng ở đây nhiều nhất là những cây bàng di sản. Từ gốc cây bàng trước cửa Khám 6 trong khu Di tích Côn Đảo, với cái u rất to, cuộn tròn, đến những cây bàng dọc các con đường ở thị trấn đảo này. Cây nào cũng to, gốc cũng có u, có bạnh rất kì lạ… Có cây đã 103 tuổi, gốc sù sì, thân cao vút, cũng có cây thân bám đầy địa y và rêu, có cây lại có cả cây bồ đề mọc bao lưng chừng thân. Đêm Côn Đảo, đi giữa tiếng sóng biển ì oạp vỗ vào từ cầu tàu 914 (con số tượng trưng cho 914 người tù đã phải thiệt mạng khi xây cầu này), tôi nép bên gốc bàng đôi - dễ có đến mấy vòng ôm -  nơi góc quán cà phê Côn Sơn, như nghe thấy tiếng thầm thì trong tán lá: “Thưa du khách! Chúng tôi đã kha khá tuổi rồi, chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện đã xảy ra ở nơi đây. Chả hay cô có muốn biết không?”
Côn Đảo ngày nay đã hồi sinh, đã có điện - đường - trường - trạm và có mạng internet, có trạm ATM, và hệ thống giao thông đi lại trên đảo khá thuận tiện. Các hộ dân ở đây chủ yếu bán hàng ăn, đồ lưu niệm, đánh cá… Họ sống chân chất, cởi mở, rất thân thiện. Một trường tiểu học, một trường THCS và một trường THPT, đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên đảo. Sắp tới sẽ có thêm bến tàu cao tốc vào tại khu trung tâm, và huyện cũng chủ trương sắp tới sẽ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch, và trên hết là bảo tồn di tích đặc biệt: hình ảnh cuộc chiến tranh hào hùng, anh dũng của dân tộc Việt Nam. Nơi lưu giữ hình ảnh về những người con ưu tú đã hi sinh vẻ vang cho Tổ quốc, cho nhân dân, để không chỉ phục vụ khách tham quan du lịch mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu Tổ quốc cũng như trân trọng truyền thống dân tộc Việt Nam.       
Mấy ngày ở Côn Đảo trôi qua thật nhanh. Trên con đường trở vào đất liền, tôi cứ miên man nghĩ, miên man nhớ về mảnh đất thiêng liêng này. Là mảnh đất có lịch sử hào hùng bởi nơi đây đã từng là nơi những người con ưu tú - những chiến sỹ Cộng sản kiên cường- đã từng trải qua những tháng ngày đau thương khốc liệt và cũng toả rạng nhất nghị lực kiên cường, dũng liệt của mình lại thêm nhiều cây xanh không khí trong lành, con người hiền hoà dễ mến, biển đẹp... Đó chính là điều làm lay động và níu giữ tâm hồn, tấm lòng mỗi người khi đã đến nơi đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét