CON SỐ 7 TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
CỦA DÂN TỘC Ê ĐÊ
Trong văn hóa truyền
thống của dân tộc Êđê, con số 7 đã trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo của
các buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk. Theo quan niệm của người Êđê, con số 7
là con số tâm linh, con số bình yên, no đủ, phát triển, bền vững. Một số già
làng tâm sự rằng: Khi lớn lên, chúng tôi đã thấy ông bà mình dùng con số 7 rồi.
Cụ thể như, cầu thang nhà dài có bảy bậc lên xuống; dàn chiêng knah có 7 cái;
đứa trẻ sinh ra sau 7 ngày phải làm lễ đặt tên mới được bình an… Con số 7 gần
gũi với cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, dòng họ. Nó tồn tại trong các
nghi lễ vòng đời người, trong các nghi lễ nông nghiệp, trong truyện cổ, sử thi,
trong luật tục, gia phả, trong lời nói vần, lời hát kưt , lời hát ay ray, lời
hát muin… của người Êđê chúng tôi từ bao đời nay.
Quả
vậy, trong quá trình nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, chúng tôi
thấy số đếm của người Êđê chỉ dừng lại ở con số 7. Cụ thể từ số 1 đến số 7 chỉ
dùng một từ: sa(1), dua(2), tlao(3), pa(4), êma(5), năm(6), kjut(7). Từ con số
8 trở lên phải ghép hai từ lại với nhau: sa păn(8), dua păn(9); nghĩa là lấy số
1(sa), số 2(dua) ghép với từ păn để có các con số lớn hơn số 7 là con số 8 và
số 9. Như thế số đếm của người Êđê chỉ giới hạn đến con số 7, muốn có những con
số lớn hơn thì phải ghép thêm những con số khác.
Trong
đời sống văn hóa của mình, người Êđê thường sử dụng con số 7 như là một biểu
tượng không thể thiếu được. Như khi đứa trẻ vừa mới sinh ra, cha mẹ của
đứa trẻ sai người nhà dùng chày giã gạo ném đi, ném lại dưới gầm nhà sàn 7 lần
để xua đuổi thần ác ra khỏi nhà, nhằm bảo vệ tính mạng cho đứa trẻ. Trong thời
gian 7 ngày, kể từ khi đứa bé sinh ra, cha mẹ đứa trẻ phải đặt tên cho con
mình, nếu để chậm thì thần cây đa sẽ bắt
đi. Trong vòng một đời người của người Êđê, được tổ chức 7 lần cúng để cầu sức khỏe, cầu cuộc
sống bình an, no đủ, có con đàn, cháu đống. Cây nêu (cột gơng), dùng để cúng
mừng thọ cho người già được khắc 7 vòng ở đầu cột, và bôi 7 vòng tiết trâu,
nhằm báo với thần linh rằng chủ nhà đã thực hiện được 7 vòng cúng lớn trong
vòng đời người rồi. Lễ cúng mừng thọ cho người già được buộc 7 ché rượu để cúng
thần linh, tổ tiên, ông bà, nhằm cầu sức khỏe, sống thọ với con cháu. Trong
những lễ hội lớn thường có 7 cô gái đẹp, với trang phục truyền thống cùng nhau
múa mời rượu xung quanh ché rượu, sau đó các cô gái dùng 7 vỏ quả bầu khô đặt
ngửa làm máng theo bậc thang để đổ nước vào miệng ché mời khách quý uống rượu.
Mâm cơm cúng các vị thần linh, tổ tiên, ông bà thường có 7 tô cơm, 7 tô canh, 7
tô thịt chín đã thái nhỏ, 7 bát không và 7 đôi đũa được đặt trên chiếu hoa gần
cửa sổ phía đông ngôi nhà dài.
Trong lễ bỏ mả của người
Êđê M’Dhur, để đưa tiễn linh hồn người quá cố về với buôn làng của tổ tiên, ông
bà, đoàn người múa tung khắc và đánh chiêng vừa đi vừa múa xung quang ngôi mộ 7
vòng (theo ngược chiều kim đồng hồ). Tiếp đến 7 cô gái trẻ trong trang phục
truyền thống đứng hàng ngang, quay mặt về phía mâm lễ đặt trước nhà mồ người
quá cố, múa điệu chim Grứ, với ý nghĩa nhờ chim thần đưa linh hồn người quá cố
về với buôn làng của tổ tiên, ông bà. Sau đó gia chủ mới tiến hành nghi lễ đâm
trâu, hiến thần linh.
Trong
lễ rước k’pan, gia chủ chọn 14 chàng trai khỏe mạnh, được chia thành 7 đôi đứng
song song với nhau để khiêng ghế k’pan. Lễ rước k’pan phải tiến hành 7 nghi lễ
khác nhau thì gia chủ mới được rước ghế k’pan vào nhà.
Trong lễ trưởng thành cho
con trai mình, gia chủ phải làm một con heo cúng thần linh, dài 7 gang tay
người lớn (tính từ vai cho đến cuối mông con heo); đồng thời phải chọn 7 chàng
trai chưa vợ, 7 cô gái chưa chồng, đi ra bến nước, lấy nước về đổ vào 7 ché
rượu để cúng thần linh. Trong lễ này, gia chủ phải tiến hành 7 nghi lễ khác
nhau, thì chủ bến nước, trưởng họ và cộng đồng mới công nhận chàng trai đã
trưởng thành.
Ngoài cồng chiêng (được
gọi là nhạc khí thiêng) chỉ được dùng trong các lễ cúng thần linh, người Êđê
còn chế tác một số nhạc cụ khác bằng tre, nứa, gỗ, sừng… tiêu biểu là 7 nhạc
cụ: Ching k’ram, đing năm, đing tut, taktar, ky pă, đing buốt, goong.
Trong kho tàng truyện cổ,
sử thi của mình, người Êđê thường sử dụng con số 7 để chỉ về không gian, thời
gian. Đó là những cụm từ: “Bảy mùa rẫy đã trôi qua”; “Chàng trai phải vượt qua
bảy ngọn núi, bảy con sông, bảy dòng thác”; “Chàng Sing Nhã mới sinh ra đã nhảy
qua bảy ngọn núi, bảy con suối, bảy cánh rừng”; “Hai M’tao đánh nhau suốt 7
ngày, 7 đêm mà không phân thắng bại”…
Trong sử thi Dam San,
chàng Dam San phải đánh nhau với 7 M’tao hùng mạnh để cứu vợ mình là H’Nhí,
H’Bhi. Hoặc Dam San phải đi mất 7 mùa trăng mới đến được nhà của nữ thần mặt
trời.
Trong sử thi Dăm Tiông,
trước khi đi đánh nhau với M’tao, chàng Dăm Tiông đã ăn hết 7 nồi cơm, uống hết
7 ché rượu, uống cạn 7 con suối, mới có
thêm sức mạnh để đánh thắng M’tao độc ác, cứu người mẹ thân yêu của mình và dân
làng trở về đoàn tụ với gia đình.
Nhìn chung, con số 7 vẫn
còn hiện hữu rất nhiều trong đời sống văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất của
người Êđê mà chúng tôi vẫn chưa nêu ra đây hết được. Nó là con số mang đậm bản
sắc văn hóa, thể hiện khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no,
giàu đẹp của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét