Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN






CÁC HÌNH THỨC DÂN CA M’NÔNG



Từ trong lao động của buổi sơ khai lịch sử dân tộc, các loại hình văn nghệ dân gian đã ra đời, trong đó có dân ca. Đó là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung. Lĩnh vực dân ca của người M’Nông thể hiện đậm nét sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống với nghệ thuật và từ trong cuộc sống lao động của họ đã sản sinh ra những bài ca và những bài ca đó đã phục vụ cuộc sống của chính họ. Đến nay dân tộc M’Nông đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử và nhiều biến cố thay đổi nhưng những bài ca dân gian vẫn sống mãi, nó vẫn đi theo con người từ thế hệ này sang thế hệ khác, mặc dù trước kia đồng bào chưa có chữ để ghi chép lại thành văn. Nhờ vào các nghệ nhân, chúng ta mới có thể ghi chép lại được những điều mà nhân dân đã sáng tạo nên qua hàng trăm thế hệ.
Dù đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa với một số nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là văn hóa ngoại lai của Pháp, Mỹ và văn hóa Việt, song dân ca M’Nông vẫn không bị hòa tan vào bất cứ nền âm nhạc nào. Dân ca M’Nông vẫn liên tục phát triển, phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm, điệu thức và giữ được những nét đặc trưng. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong nhân dân. Nhờ vào phương thức này mà sự có sự sáng tạo và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tín ngưỡng trong cuộc sống và lao động của cộng đồng.
Có hai cách phân loại dân ca M’Nông:
1. Dựa vào hình thức diễn xướng
   Hình thức hát đơn
Nhìn chung đây là hình thức hát phổ biến trong các hình thức hát dân gian ở nhiều dân tộc, thường dùng để biểu hiện những nội dung sâu lắng, mang tính tự sự những ước mơ thầm kín, tình cảm riêng tư hoặc cả những nhu cầu tâm linh của con người. Loại này thường do một người (nam hay nữ) hát như: Hát ru, hát trữ tình v.v… hình thức hát đơn được phổ biến nhất trong dân gian vì già, trẻ, gái, trai đều hát thể hiện tình cảm đối với tình yêu, với thiên nhiên, với bạn bè, cha mẹ, cộng đồng.   
 Hình thức hát đối đáp
Đây là hình thức tỏ tình của một đôi trai gái hoặc hình thức sinh hoạt của hai tập thể, một bên nam, một bên nữ, để biểu lộ tình cảm hoặc thi tài hát, trí thông minh của nhau. Hình thức này thường gặp trong xã hội cổ truyền ở nhiều dân tộc trên đất nước ta như: hát lượn của dân tộc Thái (Tây Bắc), hát quan họ (Bắc Ninh) hát ghẹo (dân tộc Mường, Hoà Bình)… có khi là một cuộc hát ngẫu hứng trong lao động, có khi được chuẩn bị trước, mỗi bên đều cử ra đại diện của mình hoặc có lúc chỉ là đôi trai gái tỏ tình bằng những khúc hát tình tứ, ví von, rồi sau đó họ hiểu nhau và trở thành bạn thân hoặc gắn bó với nhau suốt đời. Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng, hát đối đáp đã trở thành truyền thống, thanh niên nam nữ hay sử dụng để biểu hiện tình cảm của mình.
Hát đối đáp của người M’Nông thường là có nhiều người và chia làm hai nhóm để hát thi với nhau. Hát đối đáp thường có sẵn bài để hát. Tuy nhiên, trong quá trình hát, người hát còn ngẫu hứng thể hiện tâm tư tình cảm của mình bằng việc thêm vào những lời ca mới. Nội dung hát đối đáp thường nói về cảnh quan thiên nhiên, về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa. Về hát đối đáp thì hình thức phổ biến nhất là hát giao duyên nam nữ. Đó là những khúc ca tâm tình cháy bỏng, khát vọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi của những chàng trai, cô gái yêu nhau muốn được thành vợ, thành chồng. Đơn cử như bài “Hát cầu hôn”: Ta đi hái quả gặp nhau ở đây – Ta đi bắn chim cu gặp nhau ở đây – Anh nhìn em đẹp như chiếc tỏ hoa – Được sống bên em anh không dám hờn.
 Hình thức hát kể (Ot N’drông)
Đây là hình thức sinh hoạt cộng đồng rất hay dùng trong các dân tộc Tây Nguyên. Hát kể là hình thức tự sự với nội dung kể lại cuộc sống. Qua đó, bộc lộ tâm tư tình cảm của con người. Hát kể thường được đồng bào M’Nông sử dụng để trao đổi chuyện trò, tâm sự với nhau trong dịp lễ hội hay lâu ngày mới gặp nhau. Đặc biệt, trong những lúc rảnh rỗi, những đêm giá lạnh quây quần bên bếp lửa hay trong lễ hội nào đó, bà con hát kể sử thi (Ot N’drông). Hát kể thường kể lại, ôn lại quá khứ xa xăm, do các già làng kể cho mọi người nghe. Chủ đề thường là những huyền thoại có liên quan đến các thần linh, biểu hiện ước mơ con người trước thiên nhiên và đất trời huyền bí, khắc nghiệt. Đây là những bản anh hùng ca có vần điệu, được kết hợp các hình thức kể giữa nói, ngâm vịnh, với các động tác múa. Hiện nay các nhà nghiên cứu gọi thể loại này là Sử thi.
Nội dung hát kể vừa hiện thực vừa kỳ ảo, được thể hiện bằng ngôn ngữ có vần điệu, nhịp nhàng, nhiều hình ảnh, hình tượng và có tính xúc cảm cao. Nhiều khi hát kể sử thi còn có một số yếu tố ngoài ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt, hành động của người kể để diễn tả nhân vật. Còn đối với những bài có nội dung về hiện thực đời sống thì ngôn ngữ thường mang đậm tính khẩu ngữ hàng ngày, nhưng ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa, lời gọn và ý hay. Chẳng hạn như bài “Mong gặp người yêu”: Xa cách nay đã lâu lắm rồi – Xa cách nhau đã lâu chờ theo vầng trăng – Lúa tốt nay đã mục ra – Chắc người ta đã bỏ mình thật rồi.
 Hình thức hát múa
Hát múa là loại nghệ thuật dân gian tổng hợp của nhân dân trong các ngày lễ hội truyền thống và được nhân dân Tây Nguyên rất ưa chuộng. Nó được kết hợp cả 3 yếu tố: Hát, múa và nhạc đệm. Vì vậy, nó là sự biểu hiện nghệ thuật ở trình độ khái quát rất cao. Ngoài ra còn biểu hiện tính cộng đồng, tính sáng tạo nghệ thuật tập thể của dân tộc M’Nông.          
 Hình thức hát khóc
Nội dung của hát khóc chủ yếu thể hiện sự thương tiếc về người đã mất hoặc con trâu sắp chết trong lễ hội. Hát khóc thường có giọng ai oán, sầu não khiến người nghe phải buồn theo. Hát khóc trong đám tang thường kể về số phận người đã mất và những công trạng của họ đối với người còn sống trong gia đình cũng như cầu mong cho người chết siêu thoát. Bài hát khóc người chết sau đây nghe thật ai oán: Măng người bẻ vỏ còn chất đống – Nước người tát hố vực còn cạn – Bầu người trồng nay vẫn có trái – Người làm nhà chúng tôi đang ở – Nếu ngủ say hãy thức dậy đi – Nếu ngủ say hãy tỉnh giấc đi. Ở bài hát khóc này, hình thức lặp từ, lặp ngữ đã có tác dụng rất lớn trong việc khắc sâu công trạng của người đã chết và qua đó cũng bày tỏ được lòng tiếc thương vô hạn của mọi người trong gia đình, bon làng.
2. Dựa vào hình thức nghi thức 
 Dân ca tín ngưỡng (Khấn thần Bưh Rrah)
Từ lâu đời, đồng bào M’Nông luôn có quan niệm rằng: Cuộc sống xung quanh gồm hai thế giới: Một là đời sống thực, hai là đời sống vô hình của các thần linh. Họ nghĩ rằng ở bất cứ nơi nào, vật gì cũng đều có các thần ngự trị, từ trời, đất đến dòng sông, ngọn núi, cây đa, bến nước, cái rẫy, cái nương, cái nhà, cái chiêng, cái ché… con người sống hay chết, no đủ hay đói nghèo, khoẻ mạnh hay bệnh tật… đều do các Yang (trời) làm nên. Chính vì vậy, dân gian đã sáng tác ra nhiều bài hát để ca ngợi oai linh của các thần.
Hát tín ngưỡng là một loại hát dân gian gắn với lễ nghi tín ngưỡng. Phần lớn các bài dân ca tín ngưỡng đều nhằm mục đích ca ngợi, cầu xin các thần giúp con người vượt qua khó khăn, dịch bệnh; mùa màng được bội thu; cho con cháu vui chơi; trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng; thóc đầy kho, đầy bồ. Hình thức này thường được hát trong các buổi lễ, hội của cộng đồng. Ban đầu chỉ do các thầy cúng, cúng rì rầm để cầu xin các Yang, được đệm theo bằng nhạc cồng chiêng, trống trong không khí trang nghiêm của cộng đồng hoặc gia đình. Sau này hát tín ngưỡng được nhiều người sử dụng trong sinh hoạt. Vì vậy, ranh giới giữa lễ nghi tín ngưỡng với nghệ thuật và đời thường rất gần gũi.
 Dân ca đợi chờ (M’prơ)
Được thanh niên nam nữ dùng khá phổ biến. Mỗi khi vắng người yêu, chàng trai đem sáo ra thổi, đem đàn ra đánh, gửi nỗi nhớ nhung, chờ đợi vào tiếng đàn, thay cho lời tâm sự. Những bài ca được cất lên có tiếng nhạc rừng phụ họa làm vơi nỗi nhớ thương. Môi trường của điệu hát này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, sự việc, có khi ở chòi canh trên rẫy, hoặc trên nhà sàn sau giờ làm việc, trong một đêm trăng gió thổi, trong những lúc nghỉ ngơi thanh thản nhất.   
 Dân ca giao duyên (Tăp tà Weu)
Hát giao duyên được đồng bào người M’Nông gọi là Ngơi Lơh, người M’Nông hát giao duyên trở thành phong tục tập quán, thành truyền thống trong đời sống thanh niên. Đây còn gọi là hát tỏ tình hay hát đối đáp, trai gái làm quen nhau… khi bắt được “nhịp” của nhau, có nghĩa là đã ưng ý, thông qua những câu hát, họ chuyển qua những bài ca ước hẹn, thề thốt giữ trọn tình yêu, hẹn ngày chung hạnh phúc. Trước khi chia tay họ hát những khúc ca tiễn biệt với tình yêu tha thiết và hẹn nhau những lần hát sau đó. Hát giao duyên là thể loại được các thanh niên nam nữ sử dụng trong nhiều trường hợp, những khi hẹn hò nhau đi hát, bên ché rượu cần trong lễ hội bỏ mả, lễ đâm trâu, những lúc nghỉ ngơi…
 Hát ru (Chiêng Kon)
Hát ru có đặc điểm chung là nét nhạc êm dịu, du dương, trìu mến, tiết tấu nhẹ nhàng, lời ca giàu hình tượng, thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết đối với trẻ thơ. Hát ru con có cung bậc âm thanh trầm, đều đặn, sâu lắng của người bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em… khiến em bé dễ đi vào giấc ngủ. Thậm chí, ngay cả khi địu con trên đường lên nương hay đang lao động sản xuất, phụ nữ M’Nông cũng thường hay ru con. Hầu hết những bài hát ru đều có nội dung nói về nhận thức, ước mơ, hoài bão của các bà, các mẹ, các chị về cháu, con, em mình. Bài hát ru “Đi rừng” là cả bức tranh sinh động về núi rừng, ước mơ, hoài bão về đứa con sau này khỏe mạnh: Em ta ơi, mau cao lớn nhé – Em ta ơi, cầm rổ xúc cá – Em ta ơi, cầm nỏ bắn sóc. Với nội dung đó và giai điệu sâu lắng, có lẽ em bé sẽ được chắp thêm đôi cánh ước mơ, ngay từ khi tuổi còn thơ.
Ngoài yếu tố ru cho trẻ nhỏ, chính người ru cũng được sưởi ấm lòng mình, được vỗ về bằng những tình cảm của trẻ thơ, nó còn gợi nhớ tình cảm xa xăm, yêu thương, cao đẹp, có khi tủi hận cho số phận đã qua. Nội dung hát ru là những bài ca giản dị, chất phác, không cầu kỳ ở ngôn từ nhưng chứa chất nỗi niềm, tâm sự phong phú. Bên cạnh đó còn có những câu hát mang tính giáo dục cao. Nếu có những oan khuất trong cuộc sống không thể nói công khai thì hát ru là môi trường tạo điều kiện thuận lợi để người hát giãi bày những điều còn chất chứa trong lòng. Hát ru thường được nghe trong đêm khuya thanh vắng hoặc trong những buổi trưa hè oi ả. Trong không gian ấy, hát ru không những chỉ có tác dụng cho con trẻ mà còn cho chính người mẹ (người hát) và những người được nghe.    
Ngoài tác dụng đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, nó con là dòng sữa thiêng liêng gieo mầm và nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, giáo dục tình cảm trong sáng và phẩm chất tốt đẹp cho mỗi chúng ta từ khi cất tiếng khóc chào đời; góp phần vào việc phê phán những hiện tượng xấu trong xã hội hoặc ở từng con người. Hát ru chính là những bản nhạc đầu tiên đứa trẻ được nghe trong đời.
Là một thể loại ca hát bắt nguồn từ cuộc sống, nảy sinh từ thực tế cuộc sống và dần dần trở thành nghệ thuật đích thực, các làn điệu hát ru xuất hiện và tồn tại trong sự đan xen rất khó phân định rạch ròi giữa nghệ thuật và cuộc sống. Hát ru để dỗ con ngủ dần dần trở thành hát về lòng mẹ.
 Đồng giao (Nao mưi kon xe)
Hát đồng giao là thể loại hát dân gian của trò chơi con trẻ. Dân tộc M’Nông gọi là Nao mui kon xe khi tổ chức những trò chơi như đi cà kheo, kéo co, trốn tìm… các em rất hay có các điệu hát phụ họa, vừa chơi vừa hát, làm cho các trò chơi thêm phần sôi nổi, vui vẻ. Nó cũng giống như trò chi chi chành chành, xỉa cá mè, đè cá chép hoặc Oẳn tù tì của các em nhỏ miền đồng bằng vậy.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét