Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả H’XÍU HMOK

Tác giả H'XIU HMOK



NGƯỜI ĐỢI BÊN HIÊN NHÀ DÀI

Truyện ngắn


“Amí ơi, con biết sai rồi, con sẽ không  như vậy nữa, con sẽ nghe lời amí mà… amí ơi, amí đang đùa con thôi đúng không, amí đang giả vờ thôi đúng không, amí hãy ngồi dậy đi, con đã về rồi, con không đi nữa đâu, con sẽ ở với amí cả đời này mà,… amí mau tỉnh dậy đi,…”
Không ai cầm được nước mắt, những người có mặt trong đoàn đưa đám, kể cả những người ít cảm xúc nhất, cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến sự đau khổ của người con gái trước sự ra đi của mẹ mình. Sự đau khổ ấy càng tăng lên nhiều hơn bởi nó hàm chứa cả sự hối hận và cả tiếc nuối nữa. Mọi điều giờ đều trở thành muộn màng, không còn cơ hội để làm lại, không còn có thể đảo ngược thời gian để bắt đầu lại. Chỉ còn nước mắt người ở lại vẫn cứ tuôn chảy ri rỉ trong sự đau đớn và những xúc cảm ngồn ngộn trào dâng. Lễ tang đã xong, người đưa tang cũng đã vãn, chỉ còn những người đang đắp mộ còn cặm cụi với công việc của mình. Bóng nắng tròn trên cao lặng lẽ, trên hàng cây, bầy ve sầu nỉ non khúc nhạc tỉ tê cùng nắng hè.

***

H’My có nụ cười duyên, da trắng, đôi mắt tinh anh, cô có vẻ đẹp của người Yuăn nhiều hơn là người Êđê ở đây. Từ nhỏ H’My ít phải lên rẫy, cô được ở nhà, đi học và tham gia những trò chơi vui cùng các bạn. Tuổi thơ H’My ít biết đến sự vất vả của nghề nông dù amí là người quanh năm cặm cụi với ruộng rẫy. Cô lớn lên trong sự bảo bọc của amí và aduôn. Amí thương cô, cho cô những gì cô thích, và không bắt cô phải làm gì cả. Kể cả việc nấu cơm hay đi gùi nước cô cũng không phải làm nếu không thích.
Đấy là hồi nhỏ thôi, con người ai rồi cũng phải lớn, dù muốn hay không. H’My cũng lớn lên từng ngày, cũng thấy thế giới quanh mình khác đi từng ngày. Học hết cấp hai, rồi cấp ba, H’My bây giờ đã là một cô gái xinh đẹp được nhiều người để ý, sự thông minh và những trải nghiệm giúp cô tiếp xúc với thế giới theo cách của mình. H’My cũng như bao cô gái khác, ấp ủ cho mình nhiều ước mơ dự định, cũng thích bay nhảy đây đó, muốn làm điều mình thích theo cách mình thích. H’My cứ lớn lên như thế, không bận tâm điều gì, không quan tâm người khác nghĩ gì, mình vui là được, mình thích là được. Vậy nên khi vấp phải sự phản đối, không hài lòng của amí, H’My không vui, tỏ ra giận dỗi vùng vằng.
Amí là người phụ nữ đẹp, vẻ đẹp thuần khiết của người Êđê, mái tóc xoăn buông dài, đôi mắt to và sâu cùng hàng mi dày và cong dài, chiếc mũi tròn, da ngăm ngăm bánh mật. Thời trẻ nhiều chàng trai để ý và mong được đeo chiếc vòng đồng của amí. Còn amí thì thầm yêu một chàng trai người Yuăn thường hay vào buôn mua trâu bò. Chàng trai ấy cũng thích amí, thường mua bò nhà amí với giá cao, lại hay ghé xin uống nước đựng trong những trái bầu mà amí dậy thật sớm để đi lấy ở bến nước đầu nguồn. Đôi khi giữa trời trưa nắng, chàng trai ấy ghé xin nghỉ chân vì người trong buôn chưa đưa bò về kịp để anh chở đi. Người con trai ấy hay ngồi nhìn amí chăm chăm khi amí đang giã gạo đầu nhà dài và cười ngượng nghịu khi bị amí nhìn thấy. Rồi một hôm trên rẫy, amí đi làm một mình, người con trai ấy xuất hiện và ôm chầm lấy amí trong hơi thở dồn dập ngắt quãng, lời thì thầm thật khẽ bên tai, đôi bàn tay luồn qua mái tóc dài xoăn xoăn ôm trọn bờ vai tròn màu bánh mật. Gió rì rào thổi qua ngọn k’nia rung rung những chiếc lá xanh mướt.
Rất lâu sau đó, người con trai ấy không thấy xuất hiện nữa, amí vẫn đi về một mình trên con đường lên rẫy với bước đi ngày càng chậm hơn, mệt nhọc nặng nề hơn. Nhiều ánh mắt nhìn amí ngờ vực, thắc mắc. Người ta kể cho nhau nghe chuyện chàng trai người Yuăn bị đám thanh niên đuổi đánh bầm dập thừa sống thiếu chết vì cái tội trộm bò không còn dám bén mảng đến mua trâu bò trong buôn nữa. Người ta xầm xì với nhau, người thương cảm có, người chê cười cũng có. Amí lặng thinh cúi đầu, không tham gia vào những cuộc bàn tán ấy. Cái bụng amí ngày một lớn, mọi người ngỡ ngàng, aduôn giận dữ nhổ nước miếng phì phì, chửi mắng than khóc trách gọi tổ tiên dòng họ trước mặt amí. Ngôi nhà dài lặng câm thứ âm thanh nặng nề của người đàn bà giận con đến quặn lòng. Nhưng aduôn không đuổi amí, điều mà người ta vẫn nghĩ và sẽ làm khi ai đó làm xấu mặt dòng họ nhà mình, đuổi họ ra khỏi nhà, khỏi buôn. Aduôn không làm thế, amí im lặng cúi đầu nhất quyết không nói cha đứa trẻ trong bụng là ai, aduôn cũng không thèm hỏi nữa, chỉ lẳng lặng dệt thêm tấm chăn, tấm địu, cắt mấy miếng vải cũ thành những mảnh vải dài hình tam giác.
H’My ra đời vào một đêm trăng sáng, bà mụ đỡ đẻ chính là aduôn. H’My cất tiếng khóc oe oe trong bàn tay nâng niu của aduôn và những giọt nước mắt của amí. Aduôn bế đứa bé đặt vào lòng amí rồi lặng lẽ quay đi, đến ngồi bên bếp lửa cời ngọn than hồng và trầm ngâm đến sáng. Ngôi nhà lặng lẽ, bếp than tỏa hơi ấm dìu dịu, ngọn khói ngoằn ngoèo lơ lửng trong không khí thật nhẹ.
H’My lớn lên trong vòng tay yêu thương của amí và aduôn, cô bé thông minh lanh lẹ lại xinh xắn nên nhiều người quý. Amí thương H’My lắm, mọi sự yêu thương dồn hết vào đứa con gái duy nhất của mình. Aduôn cũng cưng chiều H’My hơn những đứa cháu khác của bà, một phần cũng vì đứa cháu bà thiếu đi tình thương của người cha. H’My sáng dạ và học khá, mỗi năm mỗi lớp đều đều, cuối năm đem về những cuốn vở thưởng được gói trong những tờ giấy màu lấp lánh nhiều màu, cả buôn cứ tấm tắc khen nó học giỏi lại xinh đẹp, aduôn thầm vui cho đứa cháu tội nghiệp của mình.

***

H’My bây giờ đã là một thiếu nữ có nét đẹp dịu dàng, vẻ đẹp mà mọi người vẫn gọi là “vẻ đẹp của Yuăn”. Một ngày đẹp trời, nắng trải vàng trên các con đường vào buôn, H’My bước chân sáo với nụ cười tươi hớn hở, trên tay phất phơ tờ giấy màu trắng trắng in chữ gì đó. Cô thoăn thoắt bước đi trên con đường quen dẫn lối vào ngôi nhà dài của aduôn, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ êm đềm những ngày thơ bé. H’My bước hai bước một lên cầu thang, aduôn đang ngồi lụi hụi bên bếp củi, miệng ngậm cái tẩu thuốc, vừa rít thuốc vừa chụm lửa. Dáng aduôn thu lại trở nên nhỏ bé trong không gian ngôi nhà dài sâu hun hút, ánh lửa vừa nhen sáng lấp lóe đo đỏ, tiếng lửa nổ lách tách bắn ra những đốm sáng nho nhỏ lơ lửng trong không gian. H’My bước lại ôm đôi vai gầy aduôn, chìa cho aduôn xem tờ giấy đang cầm trên tay với sự thích thú.
“Aduôn, cháu đi đến chỗ này nhé”.
“Chỗ đó là chỗ nào?”
“À, cháu quên, aduôn không đọc ra được, chỗ này tuyển nhân viên nè aduôn, bán hàng aduôn à… cháu học xong rồi, cháu không học lên nữa đâu… cháu đi bán hàng aduôn nhé”.
“Ôi, sao lại không đi học nữa. Cháu học giỏi mà, học thêm cho biết nhiều, sao lại nghỉ học…”
“Aduôn à, học lên cao tốn nhiều tiền. Cháu không muốn học nữa, học về rồi cũng lên rẫy lên nương thôi, như mấy người đi học trong buôn mình ấy. Thà cháu đi bán hàng còn mau có tiền hơn, cháu có tiền sẽ mua xe chở aduôn, amí đi chơi, đi dạo… aduôn cứ chờ nhé, chờ cháu giàu rồi cháu về, aduôn sẽ tự hào…”
“Aduôn không thích cháu nghỉ học đâu, cháu đã hỏi amí chưa?”
“Cháu chưa hỏi nhưng chắc amí không cản cháu đâu, amí thương cháu nên sẽ cho cháu đi thôi”.
“…”
Đôi mắt aduôn như có một màn tối dâng lên, sâu và thẳm đục. Aduôn trầm lặng ngồi ngậm tẩu thuốc, chẳng thèm nhổ nước bọt như mọi khi, có lẽ aduôn đang suy nghĩ điều gì xa lắm.

***

“Amí, con lớn rồi, con tự biết việc con làm mà, amí đừng lo cho con”.
“Mày lớn rồi không nghe lời tao nữa phải không. Mày cứ đi học đi con ơi, đừng bỏ học. Mày thương amí thì nghe lời amí…”
“Amí không còn thương con nữa, amí không còn chiều con nữa… con không muốn đi học nữa đâu, con muốn đi kiếm tiền, học nhiều con mệt rồi amí ơi…”
“Mày cầm cây bút sau này đỡ khổ, chứ đi làm thuê cho người ta khổ lắm, khi nào mới hết khổ…”
“Amí cho con lựa chọn theo ý mình lần này đi, con sẽ mau giàu có, mau trở về mà”.
“Mày thật là ngang bướng, mày không thương tao thì mày cứ làm gì mày thích, cứ đi đâu mày muốn đi…”
Lời nói suýt rời miệng amí để nhắc về cha H’My, nhưng amí kìm lại được. Thật ra amí biết, sự quyết tâm đi làm xa của H’My một phần vì muốn đi tìm lại người cha mà cô chưa bao giờ được gặp. H’My khao khát được một lần gặp cha, được ngắm khuôn mặt người cha mà amí cô say đắm ngày ấy, người đã tạo ra cô nhưng lại chẳng bao giờ có một lần quay lại nhận con gái. Từ khi biết nhận thức những lời nói nửa đùa nửa thật của mọi người, biết thẹn thùng đỏ mặt với đám con trai mỗi lần đi chơi cùng đám bạn, H’My càng mong có một lần được gặp cha, nó như một nỗi khao khát của đứa trẻ thèm được một món đồ mới dù biết mẹ chúng chẳng bao giờ mua cho được. H’My chỉ nghĩ đơn giản rằng, biết đâu, ra khỏi buôn này, đến thành phố, một lúc nào đó, cô sẽ gặp được cha, sẽ nhận ra cha theo những gì mà cô tưởng tượng được qua lời kể của amí trong những đêm trời mưa khi tiếng sấm chớp làm cô hoảng sợ. Những khi ấy, amí dỗ dành cô, ôm cô vào lòng rồi thủ thỉ kể cho cô nghe về cha, về người đàn ông mà amí hằng yêu quý nhất với một niềm tin rằng rồi người ấy sẽ quay trở lại. Niềm tin ấy được truyền sang H’My để rồi bây giờ, khi đã lớn lên, niềm khao khát được gặp cha vẫn luôn âm ỉ không hề tắt. Amí thầm hiểu điều đó, nhưng với amí, cô là tất cả, là những kí ức về người con trai ấy, là món quà quý giá nhất mà người ấy để lại cho amí, amí không muốn cô cũng ra đi như vậy, amí sợ mất cô, nỗi sợ mơ hồ quẩn quanh amí.
Đứa con gái vốn quen được cưng chiều nên ít bận tâm xem tâm trạng amí không vui thế nào, đã quyết tâm là sẽ đi cho bằng được. H’My theo lời của một người họ hàng đi làm trên thành phố về cũng quyết tâm lên thành phố xin việc, trong lòng nuôi hi vọng về ngày trở về huy hoàng theo cái cách mà cô vẫn tưởng tượng với kết cục có hậu.
Amí giận H’My không thèm ăn uống, nước mắt lặng lẽ tuôn dài trên khuôn mặt hằn những nếp nhăn ngang dọc như đám rễ cây si bám trên mặt đất. Amí càng trở nên lặng lẽ, âm thầm và càng thu mình lại trong ngôi nhà dài của aduôn. Những hình bóng câm lặng vô hồn cùng nhau tồn tại dưới nếp nhà thiếu bóng dáng của sức sống ấy ngày lại ngày gửi niềm mong nhớ về đứa con gái đang phiêu bạt nơi xa mà rất hiếm hoi mới trở về thăm ngôi nhà dài.
Mỗi lần H’My về, ngôi nhà phảng phất nụ cười nở ra như đốm sáng lóe lên sau đêm dài. Nhưng đốm sáng ấy không đủ rực rỡ để đưa người con gái có khát vọng lớn lao trở lại với mái nhà cũ. H’My về, đem theo vài món quà nho nhỏ tặng aduôn và amí, cười nói ríu rít, kể chuyện rôm rả về nơi phố thị ồn ào và đông đúc, về cuộc sống tấp nập và phồn hoa, về bao sự lạ mà cô chưa từng nghĩ tới. Đứa con gái được nuông chiều không hề nhận ra đôi vai amí đã bớt tròn trịa mà trở nên gầy hơn trước, đôi mắt amí đã không còn long lanh với ánh nhìn sáng lóng lánh, thay vào đó là sự vàng vọt héo úa với cái nhìn sâu thẳm buồn rười rượi. Đôi bàn tay amí không còn sự chắc khỏe của người phụ nữ êđê phải làm lụng vất vả, thay vào đó là sự thô ráp, những ngón tay gầy gầy đang mất dần sức sống. H’My chỉ mơ hồ nhận ra điều gì đó thoảng qua khi bàn tay amí nắm chặt bàn tay cô, chạm thật nhẹ lên đôi má cô, khẽ vuốt những sợi tóc vương trên trán cô rồi nhìn sâu vào gương mặt cô. Đôi mắt amí dừng lại thật lâu nơi đôi mắt cô khiến cô chợt khựng lại. H’My hỏi amí bằng ánh mắt xoe tròn như ngày còn nhỏ, đáp lại chỉ là nụ cười amí thật khẽ, amí không nói gì.
Như những lần trước, H’My về rồi lại đi. Amí dường như đã quen việc H’My chỉ về trong chốc lát rồi lại đi như vậy.
***
Chiều nay, amí thấy trong lòng nặng trĩu, đằng tây, mặt trời đang chầm chậm trở về sau rặng núi, đàn gà dưới gầm sàn lục đục tìm về chuồng sau một ngày đi kiếm ăn, tiếng gà mẹ tục tục gọi đàn con vọng lại. Amí ngồi tựa vào cây cột bên hiên nhà dài, cảm thấy khó thở, khoảng trời trước mặt loang dần một màu tối trầm mặc. Bóng tối cứ lan ra mãi, lan mãi lấn chiếm khoảng không gian trước mặt khiến amí thấy nặng nề. Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên sáng một vừng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng dáng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí.
Gương mặt ấy thân quen lắm, amí miên man nhớ lại. Rồi amí reo lên, đúng là Phi, người con trai ấy là Phi.
Amí cất tiếng gọi H’My, amí tìm gọi H’My để H’My được nhìn mặt cha nó, amí muốn nói cho H’My biết sự chờ đợi của amí là không vô vọng, cha nó đã trở về, H’My phải được gặp cha. Amí gọi H’My đến khản đặc mà không thấy H’My trả lời, H’My chưa về, H’My không về.
Rồi người con trai ấy lại gần bên amí, ôm amí vào lòng, nắm lấy đôi bàn tay amí, đặt lên đó cái nhìn trìu mến và nụ hôn thật sâu. Họ nhìn nhau thật lâu. Rồi họ bước xuống khỏi ngôi nhà dài, thật nhẹ, hai người cùng bước đi, bỏ lại phía sau những tiếng gọi xé lòng, hình như đâu đó có cả tiếng khóc của H’My vọng lại…





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét