Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

SỐ 264 - tác giả VŨ BÌNH LỤC




“CẢM HOÀI” CỦA ĐẶNG DUNG
NỖI ĐAU NGƯỜI ANH HÙNG CHIẾN BẠI


Phiên âm:

CẢM HOÀI

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.


Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây?
Trời đất rộng lớn thu vào trong một khúc ca say.
Gặp thời, anh hàng thịt, kẻ câu cá, cũng dễ làm nên công lạ,
Lỡ vận, bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay thời chuyển thế
(Nhưng) không có cách nào kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng.

Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục:
Việc đời biết tính sao đây?
Đất trời gom khúc ca say đắng lòng.
Gặp thời, đồ điếu thành công,
Thất cơ, bao kẻ anh hùng trắng tay.
Những mong giúp chúa chuyển xoay,
Kéo sông Ngân rửa kiếm này được sao?
Hận còn đây, sớm bạc đầu,
Mài gươm vẹt ánh trăng thâu mấy lần.

Cha con Đặng Tất, Đặng Dung, đều là những anh hùng hào kiệt, lừng lẫy ở thời Hậu Trần. Nhưng buồn thay, họ đều là những anh hùng lỡ vận, không gặp thời, lại không gặp được minh chúa. Cha (Đặng Tất), chết oan vì sự nghi kỵ ngu hèn của kẻ cầm quyền (Giản Định Đế). Con (Đặng Dung), chết uất hận trong tay giặc Minh, mặc dù họ đã có những cơ hội làm nên sự nghiệp lớn lao, giành lại giang sơn đất nước từ tay ngoại bang xâm lược.
Đặng Dung để lại cho đời một bài thơ bất hủ, bài thơ “Cảm hoài”, bên cạnh những chiến công oanh liệt và tấm gương hy sinh đẹp đẽ của chính ông. “Cảm hoài” có lẽ được danh tướng Đặng Dung viết vào thời điểm trước khi ông bị tướng Minh Trương Phụ bắt (1413). Sống lẩn trốn trong núi rừng, sức cùng, lực kiệt, cảm thấy không còn cơ hội khôi phục sự nghiệp chiến đấu chống giặc Minh, ông bày tỏ nỗi “cảm hoài” bi tráng của người anh hùng thất cơ lỡ vận…
Bài thơ chữ Hán, thể thất ngôn bát cú luật Đường khá chuẩn mực. Hai câu mở đầu, đã thấy một câu hỏi lớn, chứa chất đầy bi phẫn:
Việc đời dằng dặc, mà ta già rồi, biết làm sao đây”? Hỏi, là hỏi chính mình, hỏi trời xanh thăm thẳm, rằng việc lớn chưa thành, còn bao bề bộn, ngổn ngang, mà ta thì già rồi, biết làm thế nào? Quân cuồng Minh đang mạnh, quân khởi nghĩa thua trận vì lực mỏng, thế cô. Ngày tháng qua mau, sức tàn lực kiệt, biết tính sao đây? Có lẽ, trong lòng tác giả đang dâng trào những cảm xúc riêng chung khó tả, mà đành bất lực trước “thế sự du du”, muốn “gom cả trời đất rộng lớn lại mà ném cả vào một cuộc say”, để cố quên đi hiện thực cay đắng này chăng! Hỏi, nhưng câu trả lời đã rõ. Câu mở đề đã thấy hiện lên tầm vóc tư tưởng của chủ thể trữ tình.
Hai câu tiếp theo, nói về việc đời xưa nay, thành bại chung quy là tại trời. Khi thời vận đến, thì những kẻ tầm thường, cũng dễ làm nên công lạ. Lúc vận hội bỏ ta mà đi, thì dẫu là kẻ anh hùng, cũng đành phải nuốt hận mà thôi! Việc đời xưa nay vẫn thế, mà ta cũng biết thế, không có gì lạ. Đã đành là quy luật chung của muôn đời, nhưng chẳng may vướng vào nỗi đau này, ai mà chẳng xót xa, huống chi những người ôm chí lớn! Đặng Dung trước đó đã từng chỉ huy một trận tập kích mãnh liệt và bất ngờ, khiến quân Minh tan tác tả tơi. Ông nhảy sang thuyền địch, quyết bắt sống Trương Phụ, tiếc rằng trong đêm tối, không kịp nhận ra hắn. Trương Phụ thoát chết, tập hợp binh mã phản công. Quân ta binh lực mỏng, lại không có viện binh, cuối cùng thua trận, lâm vào thế bị bao vây, khốn đốn trong rừng sâu nhiều ngày, rất khó có cơ hội phục dựng. Đặng Dung cảm nhận rằng vận nước đang vô cùng ảm đạm, thất bại là điều khó tránh khỏi, nên chi, nỗi lòng ông nặng trĩu buồn đau, uất hận vô cùng. Ông viết: “vận khứ anh hùng ẩm hận đa”! Nỗi uất hận dồn nén, phải cắn răng mà “nuốt” vào trong bụng. Chữ “ẩm hận” là uống hận, nuốt hận, là chữ tập trung nhất tinh thần cảm khái của bài thơ, đủ thấy độ căng của hận thù, độ sâu của niềm bi phẫn. Đó cũng chính là ý khai triển chủ đề, khai triển ý “vô cùng thiên địa nhập hàm ca” ở câu mở đề. Có lẽ sau này, Nguyễn Trãi đã lấy cảm hứng ở đây mà nâng cấp lên câu “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng ôm hận mấy ngàn năm) chăng?
Hai câu 5 và 6, tiếp nối mạch trữ tình, mạch tâm trạng phẫn uất buồn đau:
      “Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
    Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”.
Lòng những chăm chắm muốn đem tài giúp chúa, xoay thời chuyển thế, mong lật lại thế cờ, giành lại non sông, nhưng tiếc thay, thời vận không còn, không có cách nào, không có con đường nào (vô lộ) kéo được sông Ngân xuống mà rửa giáp binh, kết thúc cuộc chiến giành lại bờ cõi giang sơn…
Hai câu kết, gói lại tứ thơ:
“Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc,
Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng”…
Một cái kết thật hay, vừa hiện thực, lại vừa thấm đẫm màu sắc lãng mạn. Khí thơ dồn nén, hừng hực nấu nung nỗi niềm uất hận bi tráng. Có thể nói, đây chính là một trong những câu thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam, kể từ thời dựng nước tới nay!
“Cảm hoài” của Đặng Dung là một nỗi buồn lớn. Nó là tiếng kêu bi phẫn của người anh hùng chiến bại. Ý tưởng chung, có tính khái quát, biểu hiện rõ nét ở sự đối lập. Đối lập giữa cái hữu hạn nhỏ bé của con người, với trời đất rộng lớn. Đối lập giữa khát vọng vô cùng, với hiện thực nghiệt ngã đớn đau. Đối lập giữa thời gian ngắn ngủi một đời người, với việc đời ngổn ngang dằng dặc… Và chính nó tạo nên những mâu thuẫn, những giằng xé tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Đặc sắc của bài thơ “Cảm hoài” không chỉ biểu hiện ở nghệ thuật thơ điêu luyện, ở những câu thơ gợi liên tưởng sâu rộng, khắc hoạ hình tượng nhân vật trữ tình chủ thể. Hơn thế, nó còn là nỗi cảm hoài tê tái sáng trong và cao thượng của người anh hùng thời đại, mang trái tim kẻ sỹ với tầm vóc kỳ vĩ. Bi phẫn, mà không hoàn toàn buông xuôi, tuyệt vọng, cho dù, “vận hội gặp phong ba, trí mưu sao được nữa”! (Nguyễn Trãi). “Cảm hoài” hội được cái đặc sắc về nghệ thuật thơ ca và tầm cao tư tưởng. Nó tiếp nối tinh thần cảm khái ở “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, mặc dù thời thế có khác nhau. Nó tiêu biểu cho những tiếng kêu thương đứt ruột của những anh hùng thất thế trong thời buổi vận nước gặp nguy nan, ví như Lê Cảnh Tuân cùng thời, như Nguyễn Quang Bích (Tên thực là Ngô Quang Bích), Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… sau này.
Tiếng lòng đau đớn xót xa của Đặng Dung được gửi gắm qua một bài thơ, đã đi vào lịch sử văn chương, như một kiệt tác, có thể truyền mãi đến muôn đời. Nguyễn Cảnh Dị, người bạn chiến đấu của Đặng Dung, chiến công và sự hy sinh anh dũng lẫm liệt, không thua kém Đặng Dung. Thế nhưng, Nguyễn Cảnh Dị không để lại thơ văn cho đời, nên tiếng tăm không nổi bật bằng Đặng Dung. Thế mới hay, văn chương đã góp phần làm rạng rỡ thêm gương mặt anh hùng, chẳng phải vậy sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét