Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả ALĂNG VĂN GÁO



Cà phê sữa

Ngọt như môi em tình đầu
Níu chân đi về mỗi sớm
Cô nhỏ đồng tiền má lúm
Làm hồn trai núi ngẩn ngơ

Em đi rơi những vần thơ
Tôi về nhặt nhạnh câu chữ
Nửa đêm thao thao thức thức
Ngồi viết thi tứ ngổn ngang

Thời gian trôi rất vội vàng
Một hôm tìm về chốn cũ
Quán đấy mà người đâu nhỉ
Cà phê…
Giọt…
Giọt…
Bâng khuâng!



Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả TRẦN PHỐ

Tác giả TRẦN PHỐ


Hồn mai


Lưu lạc giữa rừng
gió ngả mưa nghiêng
vươn mình đơm nụ xanh

Bừng nở đến tận cùng cuộc sống
tận cùng khát vọng
tận cùng mơ ước, đắm say

Một ngày…
gió cuộn hoa bay
điều để lại là khoảng trời lóng lánh.



Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả LÊ ANH CHỚI




VẺ ĐẸP TRONG BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


        Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại, cả cuộc đời của Người là cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho dân tộc Việt Nam được nở hoa độc lập kết trái tự do. Người đồng thời, cũng là một nhà thơ có lòng yêu thiên nhiên, yêu trăng tha thiết. Trăng với Người là hai người bạn tri âm tri kỉ. Bác luôn biết vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, tìm đến với trăng, bày tỏ tâm trạng cùng trăng và để lại nhiều bài thơ tuyệt tác về trăng. Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) được Bác Hồ viết tại chiến khu Việt Bắc đầu năm 1948 - giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, sớm bình định nước ta, năm 1947, thực dân Pháp chia quân thành nhiều mũi tiến quân, tạo thế gọng kìm, đánh thẳng vào căn cứ địa Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và đội quân chủ lực của ta; đoán trước được tình hình, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã chủ động đón đánh địch, tiêu diệt chúng, phá tan chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ cơ quan đầu não và đội quân chủ lực của ta, đẩy cuộc kháng chiến của ta tiến lên một bước (chuyển từ thế phòng ngự lên thế cầm cự giữa ta và địch), làm nức lòng quân dân cả nước, tạo thế lực mới thuận lợi cho ta trên chiến trường. Do vậy, âm hưởng chủ đạo của bài thơ là âm hưởng đầy lạc quan tin tưởng của những con người vừa làm nên chiến thắng!
      Bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch thành bài thơ lục bát rất thành công:
RẰM THÁNG GIÊNG
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bài thơ dịch rất sát với ý thơ, lời thơ. Câu nào cũng hay. Hay nhất ở câu cuối. Trăng được nhân cách hóa như người cất cao tiếng hát ngân vang đầy thuyền thì quả là tuyệt bút! Nhưng nó vẫn không thể nào sánh với cái hay của nguyên bản:
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.
      Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật vần, luật rất chỉnh, toát lên lòng yêu thiên nhiên, lòng lạc quan phơi phới, phong thái ung dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu thơ được cắt theo nhịp 4/3, luật bằng trắc rất chuẩn, vần“iên” gieo đúng luật ở tiếng cuối các câu: 1, 2, 4, tạo nên sự vững chắc trong cảm xúc, ý tưởng của nhà thơ. So với bản dịch, từng câu thơ trong nguyên bản cũng có cái hay nổi trội. Trong câu đề, bản dịch của nhà thơ chỉ đề cập đến “đêm rằm”, không nói được thời điểm chính xác cụ thể của thời gian trong đêm. Còn câu đề trong nguyên bản lại thể hiện chính xác, cụ thể thời điểm: “nguyệt chính viên” (vào lúc trăng tròn nhất). Cái thời điểm nửa đêm về sáng, sau khi Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng bàn việc nước, việc quân xong, trăng đã ngự trên đỉnh cao nhất của bầu trời, lồng lộng tỏa sáng xuống dòng sông, tạo nên cảnh sắc:“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên” (Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân). Cảnh vật được miêu tả rất cụ thể, sinh động nó làm nên cái hồn của đêm trăng, của câu thơ. Nhịp thơ vừa chắc khỏe, vừa mềm mại, kết hợp với điệp ngữ “xuân”, gợi nên sự vừa tiếp nối, vừa lan tỏa, rồi vút lên cao của cảnh vật, tạo ra một không gian khoáng đạt, cao rộng mênh mông, tràn trề sức xuân, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, lạc quan yêu đời của Bác. Cái hay còn được Bác thể hiện trong câu luận và câu kết:
Yên ba thâm sứ đàm quân sự
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.  
(Nơi mịt mù khói sóng bàn việc quân
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền).
         Hình ảnh con thuyền chở đầy trăng thật thơ mộng. Cái nhìn cảnh vật của Bác thật đẹp và nên thơ.
        Khép trang thơ lại, ta vẫn thấy hiện lên trong tâm tưởng một đêm trăng rằm lồng lộng tràn trề tỏa xuống dòng sông nơi chiến khu Việt Bắc, bầu trời, sông, nước hòa quyện vào nhau, tạo ra không gian cao rộng mênh mông và phong thái ung dung, tự tại, lạc quan yêu đời của Bác trước cảnh vật thiên nhiên. Thơ trăng của Bác luôn có sự hòa quyện tuyệt vời giữa chất trữ tình và chất thép. Sự hòa quyện  tuyệt vời này  đã tạo nên phong cách thơ Hồ Chí Minh.


Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả NGUYỄN THANH HẢI




Xuân sang ta đón nhau về

Hoa chanh nở trắng bờ ao
Mưa xuân bay tới xanh màu lúa chiêm
Quê em lại mở hội lim
Hát câu quan họ đi tìm người thương

Quê anh nắng rải khắp vườn
Hoa cà phê nở tỏa hương thơm nồng
Nhà rông rộn rã tiếng cồng
Vòng xoang quanh ngọn lửa hồng say mê

Xuân sang ta đón nhau về
Dẫu xa xôi mấy chẳng nề mình ơi.


Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả TIẾN THẢO


Tác giả TIẾN THẢO

Nhớ người giữ nước

Ngày cuối năm đất trời trở rét
Ngọn bắc phong thổi phía Hoàng Sa
Đem sức trẻ, anh người tiếp bước
Giữa dặm dài như thuở ông cha

Anh gác trên Trường Sơn heo hút
Hay canh ngoài bờ bãi Trường Sa
Bao tháng ngày nhọc nhằn gian khổ
Trải mấy mùa nắng lửa, mưa qua

Kể từ khi vua Hùng dựng nước
Thoát xâm lăng, lớn dậy không ngừng
Tổ quốc thiêng liêng là hơi thở
Là tình yêu son sắt thủy chung

Chín mươi triệu trái tim dân Việt
Vẫn đỏ tươi dòng máu Lạc Hồng
Lời vua Lê còn trên vách đá
Quyết giữ từng tấc đất núi sông

Khu vườn cũ mai đào chớm nở
Tết đang về rộn rã quê hương
Nhớ bước chân người đi giữ nước

Còn gian nan trên vạn nẻo đường.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả NGUYỄN TẤN ON



Về quỳ trước hoa


Về ngang quán úa ven đồi
Vạt xưa vàng lạnh thả trôi sương mù
Thõng tay lá, quấn quýt thu
Gió lao đao níu trăng tù và nghiêng

Môi rừng tóc núi gùi duyên
Mặt hồ lún nụ đồng tiền chao đêm
Hừng hực lửa, hừng hực em
Suối mềm theo nắng, ta mềm theo hoa

Ta về thăm phố núi và…
Dăm ba thằng bạn la cà ngày xưa
Đêm tỳ chén rượu đổ mưa
Một mùa phượng tím cũng vừa thôi nôi

Ta về nằm xuống khoảng đồi
Bụm tay uống nắng qua môi dã quỳ
Trên đầu mây trắng mùa đi
Lòng mênh mông quá về quỳ trước hoa.


Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả NGUYỄN VIẾT CHỮ



Mùa xuân

Có một mùa xuân đẹp
Như bắt đầu từ em!

Kể từ lần gặp ấy
Như chưa hề có đêm
Như trong đôi mắt em
Có mặt trời ở đó

Đừng ví em là gió
Như gió hôn mọi người
Đừng ví em là nắng
Nắng dãi dầu trăm nơi

Em là mùa xuân đẹp
Ấm áp cho đất trời
Và mỗi lần tôi gặp
Xuân như là riêng tôi!




Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả PHẠM TUẤN VŨ






BA BÀI THƠ CHÚC TẾT NĂM NGỌ CỦA BÁC HỒ




Trong 22 bài thơ chúc tết Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có ba bài được viết vào tết các năm Ngọ. Đó là các bài thơ chúc tết năm Nhâm Ngọ 1942, Giáp Ngọ 1954 và Bính Ngọ 1966. Ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, thế nhưng ba bài thơ chúc tết năm Ngọ nói riêng, tất cả các bài thơ chúc tết của Bác qua các thời kì nói chung đều là những vần thơ Bác gửi đến tất cả đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nhằm khen ngợi thành tích đã đạt được trong một năm qua; đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho năm mới; động viên, khích lệ mọi người ra sức thi đua hoàn thành các nhiệm vụ mới; qua đó thể hiện Bác có niềm tin tất thắng của cách mạng dân tộc và tương lai tất bại của các bè lũ cướp nước và bán nước. Và qua những vần thơ giản dị mà chính Bác gọi là “Mấy câu thành thật, nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Thư chúc Tết năm Nhâm Thìn 1952), mỗi lần đọc ta lại càng hiểu sâu sắc hơn tấm lòng của Người đối với dân, với nước.
Trong năm 1941, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục dâng cao với nhiều sự kiện đáng nhớ: Binh biến Đô Lương (13/1), thành lập Đội du kích Bắc Sơn (14/2) sau đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân (15/9), Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (28/1), Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pắc Bó (ngày 10 đến 19/5), thành lập Đội Thiếu niên tiền phong và Hội Nhi đồng cứu quốc vong (10/5), Mặt trận Việt Minh được thành lập (19/5),… Trong khí thế đang lên của cách mạng, xuân Nhâm Ngọ 1942 Bác viết bài thơ chúc tết đầu tiên:
  Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi
   Năm cũ qua rồi, chúc năm mới
   Chúc phe xâm lược sớm diệt vong
   Chúc phe dân chủ sớm thắng lợi
   Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
   Chúc Việt Minh ta càng tấn tới
   Chúc toàn quốc ta trong năm này
   Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới
   Năm này là năm Tết vẻ vang
   Cách mạng thành công khắp thế giới
Đây là bài thơ chúc duy nhất Bác viết dưới thời kì Mặt trận Việt Minh khi Người chưa ở cương vị Chủ tịch nước. Đây cũng là bài thơ ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt: Trong nước, cách mạng Việt Nam đang dâng cao, gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện để lần đầu tiên giành lấy chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Trên thế giới, giữa năm 1941 đến giữa năm 1942 là giai đoạn thứ hai của Đệ nhị Thế chiến mở đầu bằng sự kiện phe phát xít tấn công Liên Xô (22/6/1941), mở rộng chiến tranh thế giới ra phạm vi toàn cầu. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, bài thơ chúc tết Nhâm Ngọ 1942 của Bác ra đời, đó là lời chúc cách mạng thế giới giành thành công “Chúc phe dân chủ giành thắng lợi” nhưng cũng là lời tiên đoán tương lai tất thắng của Hồng quân Liên Xô và cách mạng thế giới “Năm này là năm Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”, đồng thời khẳng định tương lai tất bại của phe phát xít xâm lược qua lời “chúc” châm biếm “Chúc phe xâm lược sớm diệt vong”. Đối với phong trào cách mạng trong nước, bài thơ là lời chúc, kêu gọi, cổ vũ, động viên của Bác gửi đến toàn thể chiến sĩ đồng bào, đến Mặt trận Việt Minh “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau/ Chúc Việt Minh ta càng tấn tới” đồng thời cũng là lời tiên liệu, khẳng định tương lai thắng lợi vẻ vang của cách mạng trong năm mới “Chúc toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”. Bài thơ gồm có mười câu, mỗi câu bảy chữ, gieo vần trắc, nhịp điệu nhanh, chắc thể hiện ở tác giả niềm tin sắt đá vào tương lai cách mạng thế giới và nước nhà.
Đến xuân Giáp Ngọ 1954, Bác có bài thơ chúc tết thứ mười:
   Năm mới, quân ta có hai nhiệm vụ rành rành
   Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
   Cải cách ruộng đất là công việc rất to
   Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn
   Quân và dân ta nhất trí kết đoàn
   Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
   Hòa bình dân chủ khắp thế giới Nam, Bắc, Tây, Đông
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều
Giữa cuối năm 1953, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn kết thúc hoàn toàn thắng lợi với mở màn là những chiến thắng vang dội của cuộc Tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Bước vào năm 1954, mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, thời cơ cách mạng đã đến, lời chúc tết đầu năm mới của Bác như là lời hiệu triệu sức mạnh toàn quân, toàn dân. Trong bài thơ chúc tết năm Giáp Ngọ 1954 này, Bác vạch ra hai nhiệm vụ rõ ràng cho cách mạng nước nhà là “Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập từ do” và “Cải cách ruộng đất… dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo đói nghèo”. Đây là hai nhiệm vụ cực kì quan trọng trong năm 1954 và ta đã hoàn thành một cách vẻ vang, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, “đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục bộ chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi” (Lịch sử 12, Nâng cao), cổ vũ phong trào cách mạng trên toàn thế giới như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời chúc tết năm ấy của Người “Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”. Trong bài thơ chúc tết năm Giáp Ngọ, bên cạnh chỉ ra nhiệm vụ cách mạng, thư chúc tết của Bác còn động viên, khích lệ “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn”, bởi Người biết, đại đoàn kết toàn quân, toàn dân là sức mạnh to lớn của cách mạng ta, sức mạnh khiến mọi kẻ thù xâm lược đều phải khiếp sợ. Cuối bài thơ, Bác gửi lời chúc tốt đẹp đến phong trào cách mạng trên “thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông” sớm thực hiện được mục tiêu dân chủ, hòa bình. Bài thơ khép lại với lời khẳng định chắc chắn về một “Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều” đầy lạc quan, tin tưởng.
Xuân Bính Ngọ 1966, trong hoàn cảnh Mỹ ngày càng đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, để động viên, cổ vũ nhân dân hai miền, Bác đã viết viết bài thơ chúc tết như sau:
   Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
   Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng
   Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng
   Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng
   Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng
   Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng
   Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong
   Chống Mỹ, cứu nước ta nhất định thắng
Trong bài thơ, Bác khen ngợi thành tích vang dội của cách mạng hai miền Nam, Bắc đã “chiến đấu anh hùng” với nhiều chiến công rực rỡ trong năm. Đồng thời Người cũng động viên, khích lệ “Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng”, hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ cách mạng của mỗi miền nhằm hướng tới hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (Thơ chúc tết Kỷ Dậu 1969), thực hiện hòa bình thống nhất đất nước (“Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng/ Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong”). Trong bài thơ chúc tết năm này, Bác lại một lần nữa khẳng định “Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng” và sự nghiệp “Chống Mỹ, cứu nước ta nhất định thắng”. Bài thơ chúc tết năm Bính Ngọ vì thế mà tràn đầy khí thế lạc quan, quyết tâm.

Cũng như các bài thơ chúc tết khác, ba bài thơ chúc tết năm Ngọ của Bác là những vần thơ giản dị mà ấp áp bao tình cảm yêu thương của vị Cha già kính yêu giành cho đồng bào, chiến sĩ cả nước. Mỗi bài thơ dù ra đời ở hoàn cảnh nào cũng đều ngời lên trong nó tấm lòng lãnh tụ suốt đời nghĩ cho nước, cho dân. Xuân Giáp Ngọ năm nay, Bác Hồ đã đi xa, bốn lăm mùa xuân đồng bào ta không còn được nghe Bác đọc thơ chúc tết trong những thời khắc giao thừa nữa. Thế nhưng những vần thơ chúc tết năm xưa của Người sẽ còn ở lại mãi với dân tộc cũng như Người sống mãi với non sông. Nhớ biết bao giọng nói ấm áp, thiết tha của Bác Hồ mỗi khi Người đọc thơ chúc tết. Xuân nay lại về, ta vẫn tưởng Bác đang đọc thơ xuân.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả VŨ DY




 Tác giả VŨ DY

Mùa xuân, những câu rời bất tận



1.
Miền tôi em đến không dự báo
ngày bụi bặm cơn mưa mang theo về tắm gội
từng tóc từng mắt môi hé mở phồn sinh
từng cành nhánh từng nụ lá từng mảng vỏ âm ỉ dậy
như tôi muốn hay không cũng đến ngày thức dậy
tắt đi để thắp sáng mình sớm mai
trên những bình minh đỏ
trên rêu mốc chân tường
nơi yêu em

2.
Nở trên tóc dòng đêm huyết dụ
mùi xạ hương chảy ngập tôi
tràn qua từ tháng chạp tháng giêng tháng ba trôi về vô tận
lãng đãng hoa vàng vô ngần
đêm cùng tôi trốn vào uống từng ngụm vang chát thơm
ký ức say khướt như gã nghiện chính cống ngủ quên
trong hốc đêm ngọ nguậy
tóc râu tua tủa chồi xuân
mùa đầy ắp là phiên chợ tràn ngập
đổ xuống ban mai mờ ảo tinh khôi
mùa xuân long lanh mắt người đêm yêu đầu
áo chạm sột soạt
búp em ấm mềm thức giấc
căng cứng niềm yêu

3.
Tạm trú tôi rong ruổi phố tìm mưa
ẩm ướt hàng cây động tình gấp gáp
mái nâu hớp nắng thở vào đêm mùa màng ngập ứ
tôi nắng gió tôi ngập ứ mùa
ta bắt đầu vong thân kẻ nhớ đào phai
ta giang hồ nỗi mai vàng chấp chới
sắp đặt làm gì bữa tiệc cuối năm
khất thực tháng ngày quá mệt
tháng mười hai rót vào tôi dằng dặc

4.
Đi qua không dừng lại trước một ngôi nhà vòm cổng đen
nỗi đợi chờ đen
dẫn ta về những không tên cũ
những đường đá cũ chông chênh địa chỉ cũ lấp lánh
quán xá cũ anh và em hai mươi năm nói cười
những đa đoan ngày xưa
như mật đắng thấm đẫm anh gió
em mờ mờ đâu đó bao năm rồi
cái lượt mu bàn tay khẽ
trên khuôn mặt mịn lông tơ
hít tràn căng phổi
đêm tóc phất phơ bay mấy hàng
nghe mình cô độc

5.
Đừng viết những chán chường lên gương mặt đêm
sẽ rách nát như áo ngày trở lại
sẽ xanh mướt như em chờ đợi
đằng sau cửa song kia là người hành khất tự do
khúc hát tự do lối đi tự do
tháng và ngày vô định
không thể chung thân trong căn phòng quá đầy đủ tiện nghi
làm sao biết say cùng trời và đất
những thừa mứa ngụy tạo vây hãm chúng ta chật
làm sao mùa xuân?

6.
Đêm ngón em nở gầy xanh phím dương cầm cơn thác lũ tràn về
cuốn phăng nhịp thở gót chân hồi sinh sau mưa
lũ sâu bọ lũ cánh mềm cánh cam cánh nâu dụ dỗ
cuốn theo nhịp gấp bầy thú yêu nhau ngoài bãi
đêm vòm cây trở dạ sinh sôi
khúc xuân tím ngát
đêm là em giấu mặt
chất chồng lên tôi

7.
Không ai nhận ra mùa xuân đi lên từ biển
bông hoa muối nơ trắng áo mẹ ngày tôi chập chững
dắt tuổi tôi qua cồn nắng
bông muống nở tím mắt em đầy thiếu nữ
phiên chợ khuya cá lấp lóa trắng cát lầm chân em
    tóc đầm đìa gió mặn
hôn mê tôi hôn mê làng chài đêm
em mềm êm
tựa cát
chảy vào
không ai biết mùa xuân ra đi từ bình nguyên
nửa khuya nghe con gái hát tình ca trên núi sương mù
ta hăm hở trèo lên dốc đồi
trượt ngã vào lẳng lơ ngọt ngào em mất hút

8.
Có bầy chim trắng mai phục từ đêm qua
rủ tôi bỏ miền vô vọng
mải miết kịp về đêm ba mươi.



Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả HOÀNG ANH TUẤN

Tác giả HOÀNG ANH TUẤN

Tết xưa

Ừ, mới đấy đã hai ba Tháng Chạp!
Thúng đội đầu mẹ tất tưởi chợ phiên
Sắm mũ áo, vàng hương và cá chép
Tiễn Táo chầu thưa bẩm chốn cung tiên

Mảnh sân ngửa én thêu trời rực nắng
Bố tôi ngồi bậc cửa gói bánh chưng
Chờ bánh chín, trẻ con chơi tam cúc
Khuya ngủ quên bên bếp lửa bập bùng

Chiều tất niên bà đun nồi nước tắm
Khói lá tre xua gió rét ngang vườn
Ôi, thứ nước thân mùi già mùa cũ
Bao năm rồi cứ đến Tết lại thơm

Ông khấn vái giữa đôi bờ trừ tịch
Mời tổ tiên về ăn Tết sum vầy
Giọt mồ hôi nhọc nhằn gieo ruộng nẻ
Mâm cỗ đầy của no ấm là đây!

Sáng mùng một, đàn sẻ ùa xông đất
Áo nâu non tôi diện trước hiên nhà
Mưa phùn gọi ngõ đào phai thức dậy
Nghe tẹt đùng pháo chuột phía đình xa

Níu váy bà lên chùa làng lễ phật
Tôi “Nam mô…” chúc thọ vị sư thầy
“Con ngoan quá!” – Người xoa đầu mừng tuổi
Một vòng bùa, hai hào bạc cầu may

Chiếu chèo xuân nàng Châu Long thuở ấy
Qua giêng hai cắp nón trắng theo chồng
Chàng Dương Lễ đứng một đời chết lặng
Điệu sử rầu bay lơ lửng bến sông

Tết xưa ấy bây giờ thành nỗi nhớ
Nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ Tết xưa
Cây nêu biếc chẳng nhà ai còn dựng

Câu đối điều phai nhạt với nắng mưa…

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Mir Jalal Ali oghlu Pashayev (sinh 1908, mất 1978) là TS Ngữ văn, GS Văn chương tại đại học Baku (Iran); là tác giả của 50 tác phẩm văn chương và đồng tác giả của bộ sách 3 tập “Lịch sử văn chương Azerbaijan, Iran”. Ông đã đoạt các giải thưởng văn chương Honored Art (1969), Laureate of Azerbaijan Komsomol Award (1968)…
Đọc Mir Jalal dễ cho ta liên tưởng đến những truyện ngắn của Azit Nexin (Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng xuất bản tại nước ta.



QUEN BỊ RẦY LA



Thói quen! Một số người nói thói quen là tốt, những người khác nói, không, thói quen là xấu. Nhưng ai đúng? Vào mùa đông, các căn hộ của chúng tôi được sưởi ấm nhờ những ống nước nóng. Ở tầng hầm, có những nồi đun nước lớn đưa hơi nóng đi qua các ống.
Người đun nồi và tắt chúng - người phụ trách phòng đun – luôn luôn nhặng xị với những cái nồi. Tên chú là Ghulam. Ai cũng biết chú. Chú là một người tốt. Chú quen tất cả mọi người và biết nghề nghiệp từng người.
Căn hộ bên trên hộ chúng tôi là của một bộ trưởng trong chính phủ. Tôi không biết tại sao Ghulam luôn luôn theo dõi kỹ căn hộ đó. Chú luôn cố tìm hiểu xem căn hộ của ông bộ trưởng có ấm áp dễ chịu để ông thỏai mái không. Ông bộ trưởng cũng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.
Mỗi buổi sáng người ta đều  thấy ông bộ trưởng đứng trước phòng đun, nói với chú Ghulam bằng giọng khàn khàn của ông, “Ghulam, bọn trẻ đang lạnh cóng. Sao không đun nồi hả? Có chuyện gì vậy”. Hay “Ghulam, sao nóng quá vậy? Căn nhà như bị cháy ấy!”.
Trong nhiều năm, Ghulam tiếp nhận những lời phê bình của ông bộ trưởng - thỉnh thoảng nâng độ nóng lên, thỉnh thoảnng hạ độ nóng xuống. Đôi khi, chú còn đi lên tầng trên và tự mình kiểm tra nhiệt độ. Rồi chú trở xuống và có thao tác điều chỉnh thích hợp. Chú đã quen với những việc này đến mức chú tiếp nhận yêu cầu của ông bộ trưởng như là ở trong quân đội, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi mệnh lệnh.
Ông bộ trưởng nhận ra Ghulam cần được ra lệnh, và vì vậy ông nói, “Ghulam, vậy là đủ rồi. Đừng biến căn hộ thành nhà tắm hơi. Hạ thấp nhiệt độ nồi xuống”. Hay, “Ghulam, sao lại lạnh thế? Không có nước nóng. Có chuyện gì vậy?”.
Ghulam đưa tay lên trán và nói, “Em đi xem ngay ạ”. Vậy rồi chú vội vã chạy xuống phòng đun nước.
Một hôm ông bộ trưởng chuyển đến một căn hộ khác và một người khác đến ở căn hộ của ông. Người này từ một bộ khác với bộ của ông bộ trưởng cũ. Tôi không biết rõ ông này làm việc ở đâu. Những có thể xác định rõ ông là bộ trưởng vì mỗi buổi sáng đều có xe đến đưa ông đi làm việc. Và mỗi buổi chiều xe lại đưa ông về nhà. Dĩ nhiên, Ghulam muốn tiếp tục công việc của mình, và vì vậy nên chú rất chu đáo. Một lần nữa, chú lại đứng trước phòng đun nước để chờ lệnh. Nhưng lạ thay, không ai ra lệnh cho chú hết. Ông bộ trưởng này chỉ đơn giản đáp lại lời chào của chú rồi lên xe đi. Ghulam chờ đợi ông phàn nàn. Nhưng không có lời nào. Một ngày, hai ngày, rồi năm ngày trôi qua như vậy. Ghulam cảm thấy chán và khá bực bội.
“Sao lại như vậy? Ông bộ trưởng không nói gì cả? Sao ông lại không ra lệnh gì cho mình? Ông ấy bực bội chăng? Sao ông không đến nói gì với mình? Hay là có ai đã nói xấu mình với ông ấy?”
Thậm chí một vài lần Chú Ghulam còn đợi ông bộ trưởng ngay cửa căn hộ của ông  và sau khi chào ông, còn mạnh dạn hỏi, “Thưa đồng chí Bộ trưởng, hệ thống hơi nóng ra sao ạ? Ngài có bị lạnh không?”.
“Chúng tôi không có gì than phiền. Đừng lo. Cám ơn nhiều”.
Chú Ghulam thất vọng và chán nản xuống lầu. Chú hoang mang, “Có chuyện gì vậy? Là một bộ trưởng mà không ra lệnh cho người phụ trách lò đun nước? Không, điều này không đúng. Rõ ràng là đã có ai đó đâm thọc sau lưng mình. Thậm chí ông bộ trưởng còn không thèm nhìn vào mắt mình”.
Sáng hôm sau Ghulam lại đứng chờ ở cửa. Lần này chú hỏi vợ ông bộ trưởng, “Thưa bà, hệ thống sưởi trung tâm có tốt không ạ? Nhiệt độ trong các phòng có thích hợp với bà không?”.
Trước khi bà bộ trưởng kịp trả lời, giọng ông bộ trưởng nói vọng ra, “Tốt lắm. Cám ơn nhiều nhé chú Ghulam. Vậy là tốt rồi!”.
Ghulam ngạc nhiên. “Chúa ơi! Đồng chí tốt-vô-điều-kiện này không hiểu gì về nóng và lạnh rồi. Tối hôm qua tất cả các lò đều hoạt động, và nóng hực lên, nhưng ông ấy chẳng nói gì cả!”.
Ông bộ trưởng mới, hóa ra, là một người ngăn nắp, nhẫn nại và lặng lẽ. Khi nào cần thiết, ông sẽ vặn núm điều chỉnh nhiệt độ mở hoặc tắt trong căn hộ và giữ nhiệt độ ở một mức thích hợp. Ông không đòi hỏi Chú Ghulam điều gì.
Nhưng Ghulam e sợ và cứ lo lắng, “Chuyện gì đang xảy ra đây? Ông ấy đã nghe được những gì về mình? Tại sao ông ấy không nói gì cả? Ông đã nghe điều gì xấu về mình rồi. Đó là lý do tại sao ông ấy tránh mình”.
Hiển nhiên là Chú Ghulam đã quen với việc bị quở trách và không muốn bỏ thói quen này. Trong khi hầu hết mọi người ráng hết sức để tránh bị rầy la, thì có những ngừơi khác như Ghulam lại lo lắng nếu họ không bị quở trách. Ghulam cứ thắc mắc chuyện gì đã xảy ra và tại sao ông bộ trưởng không ra lệnh cho chú.
“Ông ấy đã nghe được gì? Chúa giúp con với!”. Chú Ghulam nói thầm với mình. 
Chú không phải đợi lâu. Một hôm chú được bảo đến văn phòng ông quản lý. Khi nghe vậy, chú lo đến muốn bệnh, “A, chuyện gì xảy ra đây? Có phải ông bộ trưởng đã than phiền với ông quản lý? Ông ấy giận mình sao?”
Khi Ghulam đến, ông quản lý đứng dậy, bắt tay chú và bảo chú sẽ được tuyên dương trong dịp lễ sắp đến.
“Chú Ghulam, chúng tôi hài lòng với công việc của chú. Chú đã làm việc ở đây suốt ngày đêm. Chú cố gắng hết sức để giúp cho mọi người ở đây dễ chịu. Chúc chú trường thọ và luôn luôn khỏe mạnh. Tôi đã đề nghị với Ủy ban Liên đoàn Lao động, và chúng tôi quyết định thưởng chú một tháng lương”.
Ông quản lý cười và lại bắt tay Ghulam.
“Chú có ý kiến gì không?”
Thấy rằng chú phụ trách phòng đun nước đang đứng bất động, ông ra hiệu cho chú ngồi xuống.
“Mời ngồi, cứ thoải mái”, ông nói.
Chú Ghulam tràn ngập niềm vui đến mức không biết phải làm gì. Chú đang gặp phải một tình huống bất ngờ và đang nghe những lời chú không quen nghe. Không ai quở trách chú. Không ai ra lệnh cho chú. Không ai đến kiểm tra nồi hơi hay điều chỉnh nhiệt độ. Ngẩng đầu lên, chú nhìn quanh. Chú nhìn ra bầu trời xanh trên đầu qua cửa sổ. Thay vì  những lời than phiền và quở trách từ ông quản lý mà chú chờ đợi, ngoài kia chỉ có mặt trời sáng lóa đang chiếu sáng trên đầu.
Mỉm cười lặng lẽ, chú nhìn ông quản lý, nghĩ thầm, “Điều kỳ diệu trong những điều kỳ diệu, tại sao nhiều việc không luôn luôn xảy ra như thế này!”.

  

VÕ HOÀNG MINH dịch