Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả LÊ ANH CHỚI




VẺ ĐẸP TRONG BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


        Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại, cả cuộc đời của Người là cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho dân tộc Việt Nam được nở hoa độc lập kết trái tự do. Người đồng thời, cũng là một nhà thơ có lòng yêu thiên nhiên, yêu trăng tha thiết. Trăng với Người là hai người bạn tri âm tri kỉ. Bác luôn biết vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, tìm đến với trăng, bày tỏ tâm trạng cùng trăng và để lại nhiều bài thơ tuyệt tác về trăng. Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) được Bác Hồ viết tại chiến khu Việt Bắc đầu năm 1948 - giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, sớm bình định nước ta, năm 1947, thực dân Pháp chia quân thành nhiều mũi tiến quân, tạo thế gọng kìm, đánh thẳng vào căn cứ địa Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và đội quân chủ lực của ta; đoán trước được tình hình, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã chủ động đón đánh địch, tiêu diệt chúng, phá tan chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ cơ quan đầu não và đội quân chủ lực của ta, đẩy cuộc kháng chiến của ta tiến lên một bước (chuyển từ thế phòng ngự lên thế cầm cự giữa ta và địch), làm nức lòng quân dân cả nước, tạo thế lực mới thuận lợi cho ta trên chiến trường. Do vậy, âm hưởng chủ đạo của bài thơ là âm hưởng đầy lạc quan tin tưởng của những con người vừa làm nên chiến thắng!
      Bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch thành bài thơ lục bát rất thành công:
RẰM THÁNG GIÊNG
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bài thơ dịch rất sát với ý thơ, lời thơ. Câu nào cũng hay. Hay nhất ở câu cuối. Trăng được nhân cách hóa như người cất cao tiếng hát ngân vang đầy thuyền thì quả là tuyệt bút! Nhưng nó vẫn không thể nào sánh với cái hay của nguyên bản:
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.
      Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật vần, luật rất chỉnh, toát lên lòng yêu thiên nhiên, lòng lạc quan phơi phới, phong thái ung dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu thơ được cắt theo nhịp 4/3, luật bằng trắc rất chuẩn, vần“iên” gieo đúng luật ở tiếng cuối các câu: 1, 2, 4, tạo nên sự vững chắc trong cảm xúc, ý tưởng của nhà thơ. So với bản dịch, từng câu thơ trong nguyên bản cũng có cái hay nổi trội. Trong câu đề, bản dịch của nhà thơ chỉ đề cập đến “đêm rằm”, không nói được thời điểm chính xác cụ thể của thời gian trong đêm. Còn câu đề trong nguyên bản lại thể hiện chính xác, cụ thể thời điểm: “nguyệt chính viên” (vào lúc trăng tròn nhất). Cái thời điểm nửa đêm về sáng, sau khi Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng bàn việc nước, việc quân xong, trăng đã ngự trên đỉnh cao nhất của bầu trời, lồng lộng tỏa sáng xuống dòng sông, tạo nên cảnh sắc:“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên” (Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân). Cảnh vật được miêu tả rất cụ thể, sinh động nó làm nên cái hồn của đêm trăng, của câu thơ. Nhịp thơ vừa chắc khỏe, vừa mềm mại, kết hợp với điệp ngữ “xuân”, gợi nên sự vừa tiếp nối, vừa lan tỏa, rồi vút lên cao của cảnh vật, tạo ra một không gian khoáng đạt, cao rộng mênh mông, tràn trề sức xuân, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, lạc quan yêu đời của Bác. Cái hay còn được Bác thể hiện trong câu luận và câu kết:
Yên ba thâm sứ đàm quân sự
Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền.  
(Nơi mịt mù khói sóng bàn việc quân
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền).
         Hình ảnh con thuyền chở đầy trăng thật thơ mộng. Cái nhìn cảnh vật của Bác thật đẹp và nên thơ.
        Khép trang thơ lại, ta vẫn thấy hiện lên trong tâm tưởng một đêm trăng rằm lồng lộng tràn trề tỏa xuống dòng sông nơi chiến khu Việt Bắc, bầu trời, sông, nước hòa quyện vào nhau, tạo ra không gian cao rộng mênh mông và phong thái ung dung, tự tại, lạc quan yêu đời của Bác trước cảnh vật thiên nhiên. Thơ trăng của Bác luôn có sự hòa quyện tuyệt vời giữa chất trữ tình và chất thép. Sự hòa quyện  tuyệt vời này  đã tạo nên phong cách thơ Hồ Chí Minh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét