KHÔI
NGUYÊN
Tác giả KHÔI NGUYÊN
MẶT NẠ
Truyện ngắn
Tự nhiên gã lại lọt vào con phố ấy.
Với bản tính của kẻ ưa thích phiêu lưu thì chẳng lấy đó làm điều băn khoăn để mà
lo lắng hoặc sợ hãi, mà việc lạc nơi lạ lẫm này gã còn cảm thấy hứng thú vì biết
đâu sẽ có những sự mới mẻ đang rình rập, chờ đợi khám phá. Đã đi thực tế để sáng
tác thì đây là cơ hội hiếm có, còn gì hơn được!
Đường phố vắng vẻ chẳng có gì là khu
vực buôn bán, nhưng hai bên đường lại san sát những biển hiệu đầy chất dịch vụ
thương mại được trưng lên trên các cửa ra vào. Nào là “Ngân hàng Tình Yêu”, “Cửa
hàng mua bán Sinh Mệnh”, “Tiệm cầm cố Danh Dự”, “Trung tâm dịch vụ Vô Cảm”, “Quán
nướng Trách Nhiệm”, “Nhà hàng A Dua”... Dân ở đây vui tính thật – Gã nghĩ thầm
và vừa đi vừa ngước mắt đọc những biển hiệu dọc hai bên đường.
Sau một chút ngập ngừng, gã dừng bước
đứng trước một cánh cửa kính được bôi vẽ những hình nhem nhuốc, ngộ nghĩnh. Có
lẽ là một gallery – gã phỏng đoán. Cánh cửa tự động mở ra. “Mời quý khách.” Tiếng
chào mời cất lên vừa đủ độ để gã nghe được. Không sắc thái vồn vã, không nhiệt
tình níu kéo giống như chốn chợ búa mà gã thường gặp. Lời mời chỉ mang tính chất
xã giao lịch thiệp. Chẳng đắn đo, gã bước vào với tâm thế tò mò và nhu cầu thưởng
lãm nhiều hơn nhu cầu mua sắm.
“Mời quý khách
lựa chọn.” Cái giọng không chút sắc thái cất lên từ đâu đó, Không phải ở phía
trên, chẳng phải ở phía dưới, chẳng rõ bên phải hay bên trái, lại càng không đoán
nổi ở đằng trước hay đằng sau. Lúc này gã mới giật mình vì lỡ bước vào cửa hàng
bán mặt nạ. Cũng chẳng sao, cứ mua một cái để làm kỷ niệm cho chuyến du hí của
mình. Cái chất lãng tử của gã nổi lên.
Chọn cái nào nhỉ?
Những chiếc mặt nạ được bày la liệt trên giá, nằm rải dọc đường đi, móc trên trần
nhà, treo lủng liểng giữa không trung... chẳng cái nào giống cái nào. Mặc dù có
chút hiểu biết sơ sơ về mỹ thuật hội hoạ nhưng gã vẫn cảm thấy choáng ngợp với
màu sắc, đường nét, kỹ thuật chế tác.
“Hãy tin tưởng tuyệt đối về công nghệ
của chúng tôi.” Vẫn giọng nói không sắc thái tình cảm, không định vị phát ra.
“Cái này bao nhiêu?” Gã chỉ đại vào
một chiếc mặt nạ treo lơ lửng nơi gần tay phải. “Một hào hai”. “Còn cái này?” Gã
chạm tay vào một chiếc mặt nạ trên giá. “Bốn hào.” “Thế còn cái này?” Gã chỉ vu
vơ nhưng trúng vào chiếc mặt nạ trên trần. “Một hào rưỡi.” Mồ hôi túa ra rin rít
nơi cổ áo. Sao đơn vị tính lại là hào? Tiền hào, gã chỉ được biết nó là một đơn
vị mệnh giá tiền tệ dùng để trao đổi thay cho hàng hoá đã được lịch sử ghi nhận,
dưới hào là xu, thấp hơn xu là chinh... nhưng gã quá quen với việc tiêu tiền của
đời thường, không ai nhắc đến đơn vị hào nữa, nếu nhắc đến đơn vị tiền tệ là đồng
thì cũng phải kèm theo số từ thấp nhất (và rất hiếm hoi) là trăm. Một cái kim
khâu áo là năm trăm đồng, nhưng người mua vẫn phải đưa tờ giấy mệnh giá một nghìn
đồng để lấy hai chiếc kim (người bán không có đồng tiền mang mệnh giá năm trăm đồng
để mà trả lại số tiền thừa). Chẳng lẽ mình lại rơi vào thời quá khứ?
Muốn kiểm chứng, gã ướm hỏi: “Sao cái
nào cũng đẹp mà lại có giá khác nhau? Tôi thấy cái bốn hào cũng chẳng hơn cái có
giá hào hai.” “Ở đây chúng tôi bán hàng không tính theo giá trị hàng hoá mà tính
theo giá trị sử dụng, mỗi lần sử dụng là một lần chúng tôi trừ vào tài khoản của
khách hàng.” À, việc mua bán mà trừ vào tài khoản thì chỉ có thời hiện đại mới
có thẻ tín dụng để thực hiện.
Giá quá rẻ, nhưng cũng tránh mua hớ,
gã hỏi lại: “Xin lỗi, ở đây tính theo đơn vị tiền tệ của quốc gia nào?” Không có
tiếng cười nhạt để thể hiện sự chia sẻ với thái độ ngây ngô của khách: “Đồng tiền
chung của nhân loại.”
Gã bắt đầu bắt đầu tò mò: “Quy đổi
thành đồng Dola Mỹ hay đồng Euro hoặc Việt Nam đồng được không?” “Xin lỗi, không
thể. Vì những thứ tiền ấy bấp bênh, không ổn định”. “Thế ở đây dùng loại tiền nào?”
Gã ngạc nhiên và bối rối. “Chúng tôi sử dụng theo mệnh giá lương tâm.” “Đồng –
lương – tâm?” Gã gằn hỏi rành rọt từng tiếng một như thể không tin vào tai mình.
Thì ra trong cái vỏ ngữ âm kia dù không
có chút sắc thái tình cảm nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn khách hàng, nó giống
như việc hỏi đáp trên mạng Internet. Phải lợi dụng để mà khám phá (gã nghĩ vậy):
“Nhưng tôi chẳng có loại mệnh giá lương tâm.” “Có lẽ quý khách lần đầu tiên đến
với khu phố này nên chưa biết. Ai bước vào cửa hàng này đều đã đi qua một bàn cân.
Cái bàn cân ấy có nhiệm vụ định lượng lương tâm khi đến với nhà hàng chúng tôi.
Máy đã thông báo cho chúng tôi biết ngài đang là một tỷ phú lương tâm”. Gã ngẩn
người, một văn nghệ sĩ nghèo kiết xác hóa ra lại sở hữu một tài sản lương tâm lớn
đến vậy: “Có nghĩa là tôi có thể mua được rất nhiều mặt nạ ở đây?”. “Nói chính
xác là ngài hiện có số lượng lương tâm đủ mua tất cả những mặt nạ hiện đang có
trong nhà hàng chúng tôi”.
Một ý nghĩ khôi hài len vào trong đầu:
Giá mà lương tâm quy đổi ra tiền được thì mình giàu to. Rồi lại một ý nghĩ cực
kỳ nghiêm túc xuất hiện: Hay là mình cứ bỏ lương tâm ra để lấy hết chỗ mặt nạ này,
đem về mở một cửa hàng chuyên bán mặt nạ, cho vợ con có việc làm nhằm mục đích
thu nhập thêm tiền? Ừ, đứa con gái học xong đại học đã ba năm nay mà vẫn chưa tìm
được việc làm... Để chắc chắn, gã hỏi: “Nếu tôi mua về thì có quyền bán lại cho
người khác được không?” “Rất tiếc, chỉ có ai mua trực tiếp ở đây thì mới sử dụng
được nó.” À, ra thế, lương tâm là lương tâm, tiền cứ là tiền, không thể quy đổi.
“Cũng xin được hướng dẫn cho khách hàng
trước khi dùng. Mặt nạ của chúng tôi mỗi cái có thể sử dụng được nhiều lần và sử
dụng cho đến hết đời. Giá cả được niêm yết không phải là giá bán ra mà là giá của
mỗi lần sử dụng nó. Chính vì thế nhà hàng mới có chế độ khuyến mãi, cái nào càng
nhiều người cần và được sử dụng thường xuyên thì giá càng thấp. Ví dụ mặt nạ
Hoan Hỷ mà ngài đang cầm trên tay, mỗi lần sử dụng chỉ tốn một hào lương tâm; cái
mặt nạ Buồn Bã kia cũng có giá như vậy; nhưng mặt nạ Lo Lắng hoặc mặt nạ Đau Đớn
kia có giá tới cả trăm vì ít khi người ta phải giả vờ lo lắng hoặc giả vờ đau đớn...
Khi khách hàng đã chấp nhận mua thì chúng tôi sẽ chuyển vào tài khoản Lương Tâm
của khách hàng ngay lập tức mà chưa hề mất một xu lương tâm nào. Chúng tôi chỉ
trừ vào lương tâm của khách hàng khi đã được sử dụng xong mà thôi.”
Một kiểu bán hàng thật lạ. Kẻ bán hàng
không tính đến giá trị sản xuất và giá trị dịch vụ của hàng hoá. Cũng chẳng có
kẻ chơi ngông nào khi bỏ tiền ra lại không cân nhắc sự tương quan của các giá
trị ấy với giá trị sử dụng, dù rằng thừa biết là bỏ ra bạc tỷ để mua một thứ vớ
vẩn nào đó nhưng vẫn phải đạt mục đích giải quyết được khâu oai.
“Có nghĩa là tôi lấy hết tất cả chỗ
mặt nạ này nhưng vẫn chưa bị trừ một xu lương tâm nào?” “Đúng thế. Chỉ khi nào
sử dụng thì mới bị trừ vào tài khoản...”
Máu khám phá của gã đang đà nóng lên:
“Mua về để trưng bày có được không?” “Chỉ để sử dụng chứ không phải để trang trí.”
“Sử dụng bằng cách nào?” “Rất đơn giản. Ví dụ như trước một thành công hay thắng
lợi của ai đó mà cần chúc mừng cho phải phép trong khi ngài chẳng ưa cho lắm,
chỉ cần nghĩ: phải ra vẻ hoan hỷ, lập tức mặt nạ Hoan Hỷ sẽ hiện lên phủ lấy gương
mặt thật của ngài. Hoặc trong khi ngài rất vui trước sự thất bại hoặc mất mát của
ai đó, chỉ cần nghĩ: phải giả vờ buồn bã, lập tức mặt nạ Buồn Bã sẽ giúp ngài
che lấp sự thật đang diễn ra trong tâm lý... Nói tóm lại, cần phải giả vờ bộc lộ
cảm xúc trên khuôn mặt điều gì thì chỉ cần nghĩ đến là nó sẽ tự động phủ lên trên
nét mặt khiến người ngoài cứ tưởng là tâm trạng ngài đang phát lộ ra thật sự.”
“Tuyệt, tuyệt thật!” Gã thốt lên trước công dụng diệu kỳ của những chiếc mặt nạ
và thầm nghĩ: mình vốn không giỏi đóng kịch, các mặt nạ sẽ giúp mình điều này,
biết đâu sự nghiệp của mình lại được rải bởi tấm thảm làm bằng những chiếc mặt
nạ.
Cân nhắc kỹ trước khi quyết định, gã
hỏi: “Thế sử dụng chúng, có bị phản ứng phụ không, ví dụ như ảnh hưởng đến sức
khoẻ, tuổi thọ, hoặc sinh lý chẳng hạn?” “Hoàn toàn không, bởi vì chúng tôi chỉ
trừ vào tài khoản Lương Tâm của khách hàng. Mà lương tâm thì chẳng có quan hệ gì
với những vấn đề ngài đã nêu. Chỉ có điều, mỗi lần sử dụng là sẽ bị giảm bớt lương
tâm theo giá cả của mỗi mặt nạ...”
À, cái gì cũng có giá của nó. Mỗi lần
phải dùng đến mặt nạ là sẽ hao hụt lương tâm. Nhưng lương tâm là cái quái gì nhỉ,
chẳng ăn được, chẳng bán được, cũng chẳng làm quà tặng được... Nhưng gã cần đến
những chiếc mặt nạ này để làm gì nhỉ, để được lòng mọi người bằng cách lừa lọc,
xảo trá ư? Để trốn tránh sự trung thực của chính mình ư?... Mà cũng kỳ lạ thật,
chủ quán từ lúc gã vào đến giờ chỉ thấy tiếng mà chẳng thấy mặt mũi, hình dáng đâu
cả.
Lại tò mò, gã hỏi: “Mà này, sao tôi
chẳng thấy ai cả? Ở đây bán hàng bằng máy tự động à?” Một tiếng thở dài não nề
cất lên (tiếng thở dài này thì có cảm xúc thật sự): “Không phải máy bán đâu, người
đấy! Ngày xưa tôi đã từng là tỷ phú lương tâm, tôi đã dốc hết vốn của mình để đầu
tư vào cái cửa hàng này, nghĩa là tôi chẳng còn chút lương tâm nào nữa nên không
dám để ai nhìn thấy mặt.” “Tôi tưởng ông buôn bán thế này thì sẽ không những gỡ
lại vốn mà còn có lãi nữa chứ? Chẳng lẽ cửa hàng của ông không bán được cái mặt
nạ nào à?” “Ngài nhầm rồi, cửa hàng của tôi mỗi ngày xuất và nhập cả chục lần
chỗ mặt nạ này. Ai đến cũng muốn lấy hết tất cả số hàng đang trưng bày... Nhưng
khi lương tâm đã bị hao hụt đi thì không thể có sự bù đắp hay gỡ gạc lại được.
Bởi lương tâm của người này không thể chuyển thành vật sở hữu của người khác...
Chính vì thế, nhà hàng cũng đã tính đến chuyện đảm bảo uy tín cho khách hàng nên
cửa hàng chỉ đón từng khách một. Vào bằng lối trước nhưng ra theo lối sau. Chỉ
cần ngài đi vừa ra khỏi cánh cửa phía sau kia là lập tức sẽ có người khác bước
vào theo cánh cửa phía trước ngay...”
“Xin lỗi, nếu ông (hoặc bà – khi tôi gọi nhầm) mở cửa hàng này làm gì nữa.
Nó có làm lãi cho ông (hoặc bà) đâu!” “Này, ngài đang miệt thị tôi hay là do ngài
chưa hiểu nhỉ. Đã gọi là lương tâm thì làm gì có việc kinh doanh để mà xảy ra
chuyện lỗ hay lãi! Nó diễn ra chỉ vì quy luật có cung ắt có cầu thôi! Nhiều người
có nhu cầu về mặt nạ thì tôi phải có trách nhiệm cung cấp mặt nạ... Mà này, tôi
thấy ngài lập dị đấy! Các khách hàng khác vào là vồ luôn, dốc hết số tài khoản
lương tâm họ đang có, thậm chí còn năn nỉ cho ký chịu để được nhận thêm nhiều hơn
nữa... Ngài cần mua bao nhiêu? Để cửa hàng còn đón người tiếp theo. Họ đang xếp
hàng dài ngoài kia rồi.”
Biết là chủ hàng đang sốt ruột và cáu
kỉnh, gã lui lại phía cửa trước để tính bài chuồn. Cái giọng vô hồn và không xác
định kia cất lên: “Xin mời ngài đi theo lối cửa sau. Cũng nhắc về nguyên tắc của
nhà hàng là khách đã vào thì phải mua ít nhất một món hàng.” Chết thật - Gã nhủ
thầm – Tình thế giống như hành khách đi đường xa bị nhà xe đưa vào ăn quán “cơm
tù”. Vậy là gã vội vàng tiện tay vớ ngay một chiếc mặt nạ gần nhất cho yên chuyện:
“Tôi lấy cái này.” “Mặt nạ Thương Vay Khóc Mướn đã được đưa vào tài khoản Lương
Tâm của quý khách. Mỗi lần sử dụng, quý khách sẽ bị trừ một triệu đồng lương tâm.”
Gã hốt hoảng: “Đắt quá. Tôi xin được đổi cái khác rẻ hơn...” “Muộn rồi, không
thể trả lại được!”
Gã buồn bã bước về phía cánh cửa sau
quầy hàng. Cánh cửa tự động bật mở. Ánh sáng chói loà khiến gã phải lấy tay che
mắt.
“Dậy đi! Chẳng biết được mấy đồng
nhuận bút mà cứ lục đục viết lách cả đêm, để bây giờ giữa buổi ngày mà vẫn còn
mơ sảng...” Vợ gã vừa đẩy cánh cửa sổ bằng gỗ (đã bạc phếch vì thời gian và ọp ẹp
vì mối mọt) vừa làu bàu. Ánh nắng dọi qua khung cửa đã gay gắt trên nửa giường.
May quá, chỉ là một giấc mơ. Cái mặt
nạ Thương Vay Khóc Mướn kia sao mà đắt thế? Giả sử là thật thì sao nhỉ? Mỗi lần
dùng là mất một triệu đồng trong tài khoản Lương Tâm, thế thì tỷ phú lương tâm
cũng phải khánh kiệt!
Gã chợt mỉm cười. Không phải mừng vì
đó chỉ là giấc mơ. Mừng vì cái chất văn nghệ sĩ của gã chẳng phải giả vờ buồn bã
hay giả vờ hoan hỷ, giả vờ đau đớn... mặc dù mỗi lần chỉ tốn có vài hào lương tâm;
cũng chẳng bao giờ cho phép bản thân phải thương vay khóc mướn,... nếu có lỡ lấy
cả kho mặt nạ kia về thì cũng chẳng bao giờ dùng đến. Cứ sống thật với chính mình.
Ai bảo là mình nghèo nhỉ? Với lương tâm thì mình vẫn là một tỷ phú kia mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét